- Thời sự
- EU
Châu Âu đang gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn cung thay thế khi ‘cứu tinh’ Na Uy gặp sự cố.
Một năm trước, châu Âu đã tuyên bố cuộc khủng hoảng khí đốt khi nguồn cung Nga ngừng cung cấp đã kết thúc. Nguyên nhân là bởi EU đã tìm kiếm các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên thay thế, đảm bảo sẽ có đủ nguồn cung để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt và giá tăng cao. Nhưng giờ đây tuyên bố này có vẻ như là quá sớm.
Vào tuần trước, giá khí đốt tiêu chuẩn châu Âu đã đạt mức cao nhất trong một năm do thông tin về việc ngừng sản xuất ở Na Uy. Người châu Âu bắt đầu lo ngại về các đợt tăng giá tiếp theo mặc dù các kho lưu trữ khí đốt ở châu Âu đã đầy trước mùa nhu cầu cao điểm.
Tập đoàn Equinor của Na Uy đã đình chỉ sản xuất tại một trong các giàn khoan của họ do cảnh báo khói. Na Uy hiện là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của Liên minh châu Âu khi cung cấp khoảng 30% lượng khí đốt của EU. Khi báo cáo vụ việc, Equinor lưu ý rằng họ sẽ không can thiệp vào các cam kết xuất khẩu của mình. Hiện tại, lượng khí đốt dự trữ ở EU ở mức 95%, tuy nhiên sẽ không cứu được khối khỏi tình trạng thiếu hụt nếu mùa đông trở nên lạnh hơn hai năm trước.
Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng lý do duy nhất khiến EU vượt qua được mùa đông 2022-2023 là do may mắn khi có một mùa đông khí hậu ôn hòa hơn bình thường.
Tỷ trọng khí đốt của Nga trong nhập khẩu của EU đã giảm từ 45% vào năm 2021 xuống còn 18% vào tháng 6 năm 2024, trong khi nhập khẩu từ các đối tác đáng tin cậy như Na Uy và Mỹ đã tăng lên. Thực tế con số nhập khẩu từ Nga vẫn cao hơn so với Mỹ.
Sẽ mất nhiều năm để nguồn cung khí đốt từ Mỹ sang châu Âu có thể ổn định và châu Âu cần khí đốt ngay bây giờ vì Ukraine cho biết họ sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Nga, và đường ống của Ukraine là đường ống duy nhất vẫn vận chuyển khí đốt của Nga vào EU.
EU đang thảo luận với Azerbaijan để thay thế khí đốt của Nga chảy dọc theo mạng lưới đường ống của Ukraine tới châu Âu. Hợp đồng sẽ cần một thỏa thuận hoán đổi giữa Azerbaijan và Nga vì Azerbaijan không có đủ năng lực xuất khẩu để thay thế các nguồn cung hiện có. Do nhu cầu về khí đốt tự nhiên trên toàn thế giới ngày càng tăng và dù mùa đông đang đến gần, thỏa thuận với Azerbaijan vẫn chưa được hoàn tất.
Các chuyên gia cho biết trừ khi EU tìm được nguồn thay thế hoàn toàn cho khí đốt của Nga, nước này có thể kết thúc mùa đông với kho dự trữ khí đốt chỉ đầy 30% và thậm chí giá còn cao hơn. Trong mùa đông năm ngoái, EU đã kết thúc mùa sưởi ấm với mức dự trữ đầy ở mức 58%, đây là một mức khá dễ chịu dẫn đến giá cả ở mức trung bình.
Trong trường hợp xấu nhất vào mùa đông năm nay, châu Âu thậm chí có thể rơi vào tình trạng cạn kiệt kho lưu trữ của mình để tiếp tục bật đèn và sưởi ấm. Trong khi khu vực châu Á cũng đang cạnh tranh gay gắt để nhập khẩu LNG. Chính vì vậy các vấn đề về khí đốt của châu Âu sẽ phải mất thêm thời gian rất lâu nữa mới có thể kết thúc.
Động thái của EC có thể làm trầm trọng xung đột thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu và nhiều khả năng kích hoạt sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Theo tờ China Daily, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định nước này không công nhận và không chấp nhận phán quyết cuối cùng của Ủy ban châu Âu (EC) về việc áp thuế bổ sung đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc và sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước.
Ngày 29/10, EC - cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) - phát đi thông cáo báo chí cho biết đã kết thúc cuộc điều tra chống trợ cấp đối với
xe điện sản xuất tại Trung Quốc
và giữ nguyên quyết định nâng thuế đã ban hành. Thuế quan mới sẽ hết hạn vào cuối giai đoạn 5 năm, trừ khi việc xem xét hết hạn được bắt đầu trước ngày đó. Đáp lại, Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong một thông báo đăng trên Internet, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã nhiều lần chỉ ra rằng cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất là không hợp lý. Bộ này lưu ý rằng hai bên cần tiếp tục đàm phán về cam kết giá xe điện xuất khẩu vào EU và luôn ủng hộ giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đối thoại và tham vấn.
Mức thuế mới của EU sẽ dao động từ 7,8% đối với xe điện của nhà sản xuất Mỹ Tesla sản xuất tại Trung Quốc, đến 18,8% đối với xe của hãng ô tô Zhejiang Geely Holding Group và 35,3% đối với xe của SAIC Motor Corp, ngoài mức thuế 10% đang áp dụng đối với tất cả các loại ô tô nhập khẩu hiện nay vào EU. Sau khi thuế mới có hiệu lực, mức thuế nhập khẩu trung bình đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc được xác định có hợp tác điều tra là 20,7% và lên tới 35,3% đối với các nhà sản xuất được phân loại là "không hợp tác".
SAIC Motor đã ngay lập tức bày tỏ sự thất vọng về quyết định của EC. Hãng tuyên bố có kế hoạch thực hiện các hành động pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng cách đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý của EU. Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc này cho biết họ đang thực hiện một loạt biện pháp để tăng cường khả năng phục hồi trước các rào cản thương mại của EU.
Ông Zhang Yongjun, Tổng thư ký Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, nhận định người tiêu dùng châu Âu có thể phải gánh chịu hoặc phải đối mặt với chi phí xe điện Trung Quốc tăng hoặc các lựa chọn hạn chế từ các nhà cung cấp thay thế".
Apple sắp phải đối mặt với án phạt của cơ quan quản lý chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) theo quy định của khối này, nhằm hạn chế quyền lực của các tập đoàn công nghệ lớn.
Hồi tháng Sáu, cơ quan quản lý EU đã cáo buộc Apple vi phạm quy định về công nghệ của EU. Đây là cáo buộc đầu tiên của Ủy ban châu Âu (EC) đối với Apple theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật Số (DMA).
Nguồn tin cho biết án phạt đối với Apple có thể được công bố trong tháng này, mặc dù thời gian cụ thể vẫn có thể thay đổi. Án phạt này sẽ làm tăng các vấn đề pháp lý của Apple tại EU, khi các cơ quan quản lý của EU đang nỗ lực tạo ra sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp nhỏ.
Động thái diễn ra chỉ vài tháng sau khi EC phạt Apple 1,84 tỷ euro (tương đương 2,01 tỷ USD) vào tháng Ba vì hành vi cản trở cạnh tranh của các đối thủ trong lĩnh vực phát nhạc trực tuyến, thông qua việc áp đặt các hạn chế trên App Store. Đây là lần đầu tiên Apple bị phạt vì vi phạm các quy định của EU.
Apple cũng đang phải đối mặt với một cuộc điều tra liên quan đến việc áp dụng khoản phí mới đối với các nhà phát triển ứng dụng. Các vi phạm liên quan đến Đạo luật DMA có thể khiến Apple bị phạt lên đến 10% doanh thu toàn cầu hàng năm.
Hiện Apple và EC chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Hồi tháng Chín, Apple đã thua trong một vụ kiện kéo dài với EU, buộc công ty này phải nộp 13 tỷ euro tiền truy thuế cho Ireland.
Nước Mỹ bắt đầu kỳ bầu cử quan trọng nơi châu Âu đang nóng lòng chờ kết quả
Việc ông Trump thắng cuộc có thể gia tăng áp lực lên nền kinh tế EU. Nhưng liệu bà Kamala Harris đắc cử có giúp giảm nhẹ nỗi lo thương mại của châu Âu?
Mỹ - nền kinh tế số một thế giới – bắt đầu bước vào kỳ bầu cử Tổng thống quan trọng. Với những tuyên bố cứng rắn về thuế quan, EU đã lường trước được những thách thức nếu ứng viên đảng Cộng Hòa thắng cử. Câu hỏi đặt ra là châu Âu có thể mong đợi điều gì từ bà Harris?
EU bớt lo nếu bà Harris thắng cử
“Chức Tổng thống của tôi sẽ không phải là sự tiếp nối nhiệm kỳ của ông Joe Biden,” bà Kamala Harris, ứng cử viên Đảng Dân chủ tuyên bố vào tháng trước, cho thấy bà sẵn sàng có một chính sách khác đi so với người tiền nhiệm.
Mặc dù thừa nhận bà Harris sẽ có sự thay đổi, song các chuyên gia không cho rằng chính sách thương mại quốc tế của bà sẽ khác biệt nhiều so với ông Biden. Ít nhất một chiến thắng của bà Harris sẽ không gây ra nhiều biến động trên toàn cầu, theo ông Aurélien Saussay, Nghiên cứu viên, Phó Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Grantham thuộc LSE.
Andrew Kenningham, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Capital Economics, nói rằng, trái ngược với ông Trump, bà Harris sẽ không áp dụng các mức thuế toàn diện, đặc biệt là không áp đặt đối với các đồng minh chiến lược như châu Âu.
Nếu ông Trump chiến thắng, một số ngành công nghiệp trọng yếu ở châu Âu, đặc biệt là xe hơi của Đức sẽ chịu tác động nặng nề. “Mặc dù mức thuế 100% đối với xe điện chủ yếu nhắm vào xe điện Trung Quốc, Đức vẫn có thể phải đối mặt với ảnh hưởng kinh tế”, ông Saussay nói.
Theo dữ liệu gần đây từ Cục Thống kê Liên bang Đức, thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước này trong năm 2023 là Hoa Kỳ, sau đó là Pháp, Hà Lan và Trung Quốc.
“Việc ông Trump đề xuất tăng thuế mạnh, vốn được coi là các biện pháp để điều chỉnh thâm hụt thương mại và bảo vệ ngành công nghiệp trong nước của Mỹ, có khả năng định hình lại quan hệ thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng, với những hậu quả đáng kể cho EU,”ông Saussay nhấn mạnh.
Vẫn nhiều nỗi lo
Bất kể ai đắc cử Tổng thống Mỹ, EU vẫn sẽ phải lo ngại tác động tới nền kinh tế khối, khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không có chiều hướng thuyên giảm.
Bà Harris vẫn có khả năng tiếp tục các chính sách thương mại quyết liệt đối với Trung Quốc như ông Biden. Trong năm nay, Mỹ đã công bố một loạt thuế nhắm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Xe điện chịu mức thuế 100%, trong khi pin mặt trời chịu mức 50%, pin xe điện, khoáng sản quan trọng, thép và nhôm bị áp 25%.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU về hàng hóa sau Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương đạt 739 tỷ euro vào năm 2023. Với căng thẳng gia tăng giữa hai đối tác hàng đầu, EU sẽ phải đau đầu nếu Mỹ có áp lực buộc EU phải gia tăng hạn chế thương mại với Bắc Kinh.
Bà Emily Mansfield, Giám đốc khu vực châu Âu tại Economist Intelligence Unit, nói rằng chính sách xanh cũng có thể là "điểm nóng" cho quan hệ EU-Mỹ nếu bà Harris đắc cử. “Các khoản trợ cấp IRA ở Mỹ mà bà Harris sẽ duy trì nếu đắc cử, sẽ gây tranh cãi ở châu Âu vì chúng có nguy cơ thu hút đầu tư xanh khỏi EU," bà Emily Mansfield giải thích và cho biết thêm rằng, các quy định mới của EU như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và quy định ngăn chặn nạn phá rừng của EU (EUDR), dự kiến có hiệu lực vào năm 2026, sẽ làm tăng chi phí cho các công ty Mỹ xuất khẩu sang EU.
CBAM áp dụng mức thuế carbon lên một số sản phẩm nhập khẩu vào khối này, nhằm ngăn chặn các công ty chuyển sản xuất sang các quốc gia có quy định về khí hậu yếu hơn. EUDR cấm các sản phẩm nhập khẩu vào EU nếu chúng liên quan đến các hoạt động phá rừng.
"Dù có khả năng bất đồng, chiến thắng của bà Harris nhìn chung sẽ mang lại sự ổn định cho châu Âu về tác động kinh tế," Mansfield kết luận.
Bên cạnh đó, với cách tiếp cận kinh tế có phần dễ đoán hơn ông Trump, việc bà Harris giành chiến thắng cũng góp phần vào sự ổn định tài khóa của Mỹ.
Andrew Kenningham, chuyên gia của Capital Economics nhận xét rằng ứng cử viên Đảng Dân chủ nếu chiến thắng có thể sẽ không nới lỏng chính sách tài khóa một cách mạnh mẽ và sẽ không có lý do gì để mong đợi lãi suất của Mỹ cao hơn hoặc đồng USD mạnh hơn trong trường hợp này.
Người nước ngoài sống ở Anh hiện phải đối mặt với thuế thừa kế 40% đối với tài sản trên toàn cầu và đó là vấn đề lớn đối với họ.
Những người giàu nhất ở Anh sẽ chịu ảnh hưởng bởi hàng loạt chính sách thuế của quốc đảo sau khi Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves phớt lờ cảnh báo về làn sóng tháo chạy của giới siêu giàu nước ngoài, tiếp tục động thái nhằm bãi bỏ chế độ thuế đối với người nước ngoài không thường trú tại Anh
Trong kế hoạch ngân sách mùa Thu, chính phủ Anh tuyên bố họ sẽ chấm dứt việc sử dụng các quỹ tín thác nhằm tránh thuế thừa kế đối với tài sản ở nước ngoài của người nước ngoài không thường trú tại Anh, vốn là một phần trong kế hoạch bãi bỏ chế độ thuế không thường trú mà theo Bộ trưởng Reeves, sẽ giúp thu về 12,7 tỷ bảng (hơn 16,5 tỷ USD) trong 5 năm tới.
Chế độ không thường trú là một quy định thuế của Anh, theo đó những người cư trú tại Anh nhưng có hộ khẩu thường trú ở nước khác không phải trả thuế thu nhập và thu nhập từ vốn ở nước ngoài trong tối đa 15 năm.
Một doanh nhân châu Âu thừa nhận việc người nước ngoài sống ở Anh hiện phải đối mặt với thuế thừa kế 40% đối với tài sản trên toàn cầu thực sự là vấn đề, khẳng định ông không hối tiếc khi chuyển đến Thụy Sỹ vào đầu năm nay.
Một công dân châu Âu không phải thường trú nhân mới đây đã rời Anh đến sống đồng thời ở Hy Lạp và Thụy Sỹ cũng kể rằng, hầu hết bạn bè của bà hoặc đã rời Anh hoặc chắc chắn sẽ rời đi sau khi kế hoạch Ngân sách được công bố.
Mặc dù vậy, chính phủ xác nhận rằng, kết quả phân tích dữ liệu cho thấy chỉ có 1.200 trong tổng số 74.000 người nước ngoài không thường trú có khả năng rời Anh do những thay đổi về chính sách thuế (bao gồm thuế thừa kế). Theo phân tích này, chỉ có thêm 200 người nước ngoài có khả năng rời Anh sau các chính sách thuế chặt chẽ hơn của Công đảng.
Bà Reeves nói rằng chính phủ cũng sẽ tăng thuế đối với lãi suất chuyển nhượng - là phần lợi nhuận mà các nhà quản lý vốn tư nhân được giữ lại khi thoái vốn khỏi các khoản đầu tư - từ 28% lên 32% bắt đầu từ tháng Tư. Thuế thu nhập từ vốn đối với các tài sản khác cũng tăng từ 20% lên 24%.
Ông Haakon Overli, đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm châu Âu Dawn Capital, lập luận rằng việc tăng thuế đối với lãi suất chuyển nhượng và thuế thu nhập từ vốn có thể đồng nghĩa với việc tiền rời khỏi hệ sinh thái công nghệ của Anh.
Các biện pháp khác nhắm vào người giàu nước ngoài gồm tăng thuế trước bạ từ 3% lên 5%. Ông Ed Tryon, đồng sáng lập công ty mua bất động sản Lichfields, chỉ ra rằng sức hấp dẫn của London đối với người mua nước ngoài đã giảm trong thập kỷ qua kể từ thời kỳ đỉnh cao của thị trường vào năm 2014, cho rằng mức tăng thuế thêm 2% là một lý do nữa để các nhà đầu tư nước ngoài không cam kết vào thị trường này.
Nguồn: Soha; Báo Mới; Bnews; 24h Money; Tài Chính Doanh Nghiệp
EU: Giao thông hỗn loạn vì tuyết sớm; Khủng hoảng khí đốt mới; Bước lùi tham vọng xe điện; ‘Chảy máu’ chất xám; Bất an ở Biển Baltic
EU: Vụ gian lận thuế VAT; Dân quay lưng với Mỹ; Thách thức chờ Von der Leyen; Pháp gặp cú sốc ở Phi; Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa
EU: Giá khí đốt tăng; Tăng cường an ninh mạng; Mua sắm cuối năm gặp khó; ‘Né’ chiến tranh thương mại; Chính phủ Pháp bên bờ sụp đổ
EU: Mong muốn tự bảo vệ; Các thách thức kinh tế; Ngành pin xe điện lâm nguy; Ủng hộ thắt lưng buộc bụng; ‘Át chủ bài’ cuối cùng ở Kiev
EU: Ô nhiễm từ LNG; Cảnh báo bong bóng cổ phiếu AI; Tích cực thay thế LNG Mỹ; ‘Ủng hộ’ trái phiếu quốc phòng; Khó ‘gồng gánh’ Kiev
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá