Ecuador, Peru hoảng loạn; Cuộc đua sản xuất lithium; Cục diện năng lượng toàn cầu; Putin đến Donbass, liệu có phải hầu tòa?

Ecuador và Peru hoảng loạn vì động đất mạnh

(Ảnh minh họa).

Trận động đất mạnh 6,8 độ làm rung chuyển miền Nam Ecuador và miền Bắc Peru này 18-3, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng, hơn 126 người bị thương và nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Trận động đất được Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đo có cường độ 6,8 độ Richter, xảy ra lúc 12 giờ 12 phút ngày 18-3 (giờ địa phương) ở độ sâu 66,4 km cách TP Balao thuộc tỉnh Guayas, Ecuador, khoảng 10 km. Giới chức địa phương cho biết trận động đất dường như không tạo ra sóng thần.

Theo hãng tin AP, ở Ecuador có 13 người thiệt mạng và ít nhất 126 người bị thương. Cơ quan truyền thông của Tổng thống Ecuador cho biết trận động đất khiến 11 người thiệt mạng ở tỉnh El Oro và 2 người thiệt mạng ở tỉnh Azuay, trong khi nhiều người đang được điều trị vết thương trong bệnh viện.

Ban thư ký quản lý rủi ro của Ecuador cho biết trong một tuyên bố trước đó rằng 1 người thiệt mạng ở tỉnh Azuay khi một bức tường đổ sập lên một chiếc xe.

Ban thư ký quản lý rủi ro thông báo còn một số người đang mắc kẹt dưới đống đổ nát ở các TP El Oro, Machala. Nhiều ngôi nhà, trường học và bệnh viện bị hư hại, nhiều con đường bị tắc nghẽn do sạt lở đất do trận động đất gây ra.

Sân bay Santa Rosa bị hư hại nhẹ và vẫn hoạt động. Công ty dầu mỏ nhà nước Petroecuador đã sơ tán, đình chỉ hoạt động tại nhiều cơ sở để đề phòng nhưng chưa báo cáo thiệt hại.

Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso nói với các phóng viên: "Trận động đất đã gây ra sự hoảng loạn trong dân chúng". Theo tổng thống, các đội khẩn cấp đang được huy động để hỗ trợ hết mình những người bị ảnh hưởng.

Lực lượng cứu hộ đang giải cứu người dân nhưng mọi việc khó khăn hơn do trận động đất đã làm đứt các đường dây diện và mất tín hiệu điện thoại.

Theo Viện Địa vật lý Ecuador, trận động đất ban đầu kéo theo 2 cơn dư chấn yếu hơn trong giờ tiếp theo.

Ernesto Alvarado, sinh sống ở Isla Puna gần tâm chấn, nói với hãng tin Reuters: "Chúng tôi chạy ra đường... chúng tôi rất sợ hãi". Ông nói thêm rằng nhiều ngôi nhà bị sập.

Fabricio Cruz, cư dân TP Machala phía tây nam Ecuador, cho biết anh đang ở trong căn hộ trên tầng ba thì cảm thấy rung chuyển mạnh, truyền hình trong nhà rơi xuống đất. Anh lập tức chạy ra ngoài.

Cruz, một nhiếp ảnh gia 34 tuổi, kể với AP: "Tôi nghe thấy những người hàng xóm la hét và có rất nhiều tiếng ồn. Khi nhìn xung quanh, tôi thấy nhiều ngôi nhà bị sập".

Một video được đăng trực tuyến cho thấy ba người dẫn chương trình lao khỏi bàn làm việc khi trường quay rung chuyển.

Trong khi đó, chính quyền Peru cho biết trận động đất có thể cảm nhận được ở khu vực phía Bắc của đất nước.

Thủ tướng Peru Alberto Otárola cho biết bé gái 4 tuổi tử vong vì chấn thương đầu trong vụ sập nhà ở vùng Tumbes, giáp biên giới với Ecuador. Những bức tường của một doanh trại quân đội ở TP Tumbes bị sập.

(Nguồn: Soha)

Thách thức lớn nhất trong cuộc đua sản xuất lithium toàn cầu

Thiếu khả năng khai thác trở thành thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt trong việc đáp ứng nhu cầu bùng nổ đối với lithium – một nguyên tố then chốt trong sản xuất pin điện tử và các sản phẩm chuyển đổi xanh khác.

Theo đài Spuntik, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính có thể tìm thấy 98 triệu tấn lithium - thường được gọi là "vàng trắng" - bên dưới bề mặt Trái Đất.

Đầu tháng 3, Iran cho biết họ đã tìm thấy một mỏ chứa 8,9 triệu tấn lithium. Ngay sau thông báo của Tehran, Ấn Độ thông báo đã phát hiện ra một mỏ 5,9 triệu tấn lithium khác.

Tuy nhiên, bất chấp nguồn nguyên liệu thô giàu có, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tình trạng thiếu hụt nguyên tố đáng kể tính đến năm 2040.

Theo đó, công suất sản xuất hiện tại sẽ phải tăng ít nhất 3-4 lần để đáp ứng riêng nhu cầu về pin điện, trong đó mỗi pin cần khoảng 7-9 kg lithium. Doanh số bán ô tô điện dự kiến vào năm 2030 là ​​đạt 40 triệu chiếc/năm.

"Không hề thiếu lithium trong thạch quyển - lớp vỏ của hành tinh. Sự thiếu hụt duy nhất này xuất phát từ nguyên do các nhà máy hoặc mỏ chưa đủ khả năng khai thác hết”, Tim Worstall, nghiên cứu cấp cao của Viện Adam Smith nói với Sputnik. Chuyên gia chỉ ra so với năm 2021, số lượng lithium được tìm thấy trên thế giới đã tăng gần 10 triệu tấn từ 89 triệu tấn.

Vấn đề ở đây là phải tập trung vào việc chiết xuất và xử lý vật liệu thô. Như dự đoán của ông Worstall, phải mất ít nhất một thập kỷ để lithium của Iran mới ra được thị trường.

Theo Benchmark Mineral Intelligence (BMI), trung bình mất khoảng 4-7 năm để xây dựng một mỏ lithium trong khi chỉ mất có 24 tháng để xây dựng một nhà máy sản xuất pin điện tử.

Mới đây, Mỹ bắt tay xây dựng một mỏ lithium tại bang Nevada. Tuy nhiên, nơi này đã được phát hiện có lithium từ những năm 1970 song phải đến năm 2008 mới được thăm dò, triển khai và cấp phép.

Trước nhu cầu cấp bách về nguyên tố quý, chính quyền Tổng thống Joe Biden và các tập đoàn khổng lồ như GM và Tesla đã đầu tư hàng tỷ USD để thúc đẩy sản xuất và củng cố chuỗi cung ứng lithium, cùng với đất hiếm và kim loại pin như đồng, niken, than chì và coban.

Đầu tuần này, ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS dự báo việc Trung Quốc tăng cường khai thác lithium có thể khiến nước này nằm giữ gần 1/3 nguồn cung toàn cầu vào giữa thập kỷ này. Theo UBS, Trung Quốc sẽ khai thác các nguồn tài nguyên ở châu Phi để nâng sản lượng hàng năm lên 705.000 tấn.

Bất chấp nhu cầu tăng cao mà cung chưa đáp ứng đủ, giá lithium cacbonat đã sụt giảm trong những tuần gần đây, giảm khoảng 50% so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 11/2022.

Điều này có thể trở thành một “món quà” đối với các nhà sản xuất ô tô và sản xuất pin. Vào tháng 4/2022, Giám đốc điều hành Tesla tỷ phú Elon Musk trong một nội dung tweet phàn nàn giá lithium đã tăng đến mức điên rồ, từ 4.450 USD/tấn vào năm 2012 lên 78.000 USD/tấn vào năm 2022.

Trong khi đó, giá lithitum giảm lại khiến các công ty khai thác “méo mặt”, Họ cảnh báo nếu giá hàng hóa giảm quá thấp, họ sẽ không đủ khả năng trả chi phí thăm dò và phát triển. BMI dự đoán rằng ngành công nghiệp lithium sẽ cần đầu tư 42 tỷ USD vào cuối thập kỷ này để đáp ứng nhu cầu.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Hai cường quốc dầu khí Ả Rập Xê Út và Iran “bắt tay”: Cục diện năng lượng toàn cầu liệu có thay đổi?

(Ảnh minh họa).

Ả Rập Xê Út và Iran đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao sẽ tạo ra những chuyển biến trong cục diện thương mại dầu khí toàn cầu.

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Vương quốc Ả Rập Xê Út và Cộng hòa Iran đã đưa ra một tuyên bố chung ở Bắc Kinh vào ngày 10/3. Ba nước tuyên bố rằng, Ả Rập Xê Út và Iran đã đạt được thỏa thuận, bao gồm đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai bên, mở lại các đại sứ quán và cơ quan đại diện của cả hai bên trong vòng hơn 2 tháng.

Theo số liệu thống kê mới nhất (2022) của tập đoàn dầu khí BP (Anh), kể từ năm 2020, trữ lượng dầu đã được kiểm chứng của Ả Rập Xê Út là 297,5 tỷ thùng, chiếm khoảng 17,2% trữ lượng toàn cầu, xếp thứ 3 thế giới. Dự trữ khí đốt tự nhiên là 60 nghìn tỷ m3, chiếm 3,2% trữ lượng toàn cầu, xếp thứ 8 thế giới.

Iran là quốc gia có trữ lượng dầu lớn thứ 4 thế giới, chỉ đứng sau Venezuela, Ả Rập Xê Út và UAE, và hầu hết thu nhập kinh tế đến từ hoạt động xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, do các lệnh trừng phạt của phương Tây, sản lượng dầu thô và lượng xuất khẩu của Iran đã giảm mạnh, và cũng không thể xuất khẩu bình thường.

Tạp chí tài chính Yicai (Trung Quốc) dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, với tư cách là những quốc gia sản xuất dầu khí lớn nhất ở khu vực Trung Đông, Ả Rập Xê Út và Iran đạt được thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao sẽ làm giảm bớt căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, giúp tăng cường kết nối chặt chẽ giữa các quốc gia sản xuất dầu chính, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nâng cao tiếng nói của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) về nguồn cung dầu thô toàn cầu, và sau đó có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ đối với giá dầu thô toàn cầu ở một mức độ nhất định.

Hợp tác năng lượng mới

Theo tạp chí tài chính Yicai, trên thực tế, ngoài dầu mỏ, Ả Rập Xê Út và Iran có thể có một không gian rộng lớn hơn để hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng mới như khí đốt tự nhiên, năng lượng hạt nhân, năng lượng gió và quang điện.

Tôn Tố Nguyên - nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển khu vực và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) - nói với phóng viên Yicai rằng, cơ chế quyết định giá dầu thô và khí đốt tự nhiên là hoàn toàn khác nhau.

Theo bà Tôn, dầu thô là một sản phẩm tài chính quốc tế còn khí đốt tự nhiên dẫn qua đường ống có đặc điểm của hàng hóa khu vực, nhưng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã dần trở thành một mặt hàng giao dịch toàn cầu. Với những khu vực khác nhau, các lĩnh vực giao dịch khác nhau và điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, sẽ có nhiều mức giá khác nhau.

Bà Tôn nhận định, giá khí đốt tự nhiên quốc tế không được xác định bởi OPEC hoặc các quốc gia sản xuất dầu chính, bởi vậy, mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Iran có tác động tương đối hạn chế đến giá khí đốt tự nhiên.

Tuy nhiên, theo tạp chí tài chính Yicai, điều này không cản trở sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực năng lượng mới.

Tháng 4/2016, trong bối cảnh giá dầu toàn cầu giảm từ 115 USD/thùng xuống còn 33 USD/thùng, Ả Rập Xê Út đã chính thức công bố chiến lược "Tầm nhìn 2030", trong đó làm rõ các mục tiêu phát triển của nước này trong 15 năm tới, đó là quốc gia hạt nhân của Thế giới Ả Rập và Hồi giáo, trở thành cường quốc đầu tư toàn cầu, điểm kết nối ba châu lục Á – Âu – Phi, và phát triển mạnh mẽ năng lượng mới.

Theo tạp chí tài chính Yicai, Ả Rập Xê Út rất giàu năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Sa mạc Nafud ở phía bắc, sa mạc Rub' al Khali ở phía nam và sa mạc Dahana ở phía đông đất nước này đều là những khu vực có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào và là cơ sở để xây dựng một nhà máy quang điện quy mô lớn. Đồng thời, giá đất tại Ả Rập Xê Út thấp, có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí khi xây dựng các dự án quang điện.

Xét về năng lượng gió, tốc độ gió trên mặt đất trung bình hàng năm của Ả Rập Xê Út là 6-8 m/s và tốc độ gió trên mặt đất ở nhiều vùng của nước này cao hơn tốc độ gió kinh tế tiêu chuẩn (lớn hơn 7 mét/s).

Cách đây không lâu, tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) được tổ chức tại Shamhayh (Ai Cập) vào tháng 11/2022, Ả Rập Xê Út đã tuyên bố rằng, "sẽ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; và đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 50% tổng sản lượng điện" . So với mục tiêu "phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060” được đề xuất trước đây, rõ ràng mục tiêu lần này đã được đẩy nhanh hơn.

Theo tạp chí tài chính Yicai, mặc dù Iran không đề xuất mục tiêu về năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, lâu dài, nhưng thái độ tìm kiếm sự thay đổi là rất rõ ràng.

Vào năm ngoái, Bộ trưởng Năng lượng Iran Ali Akbar Mehrabian từng cho biết rằng, chính phủ Iran đã coi việc phát triển năng lượng tái tạo là ưu tiên đặc biệt. Sau khi khu vực tư nhân đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo, chính phủ nước này có nghĩa vụ hoàn trả vốn và lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Trong ngân sách năm 2022, Chính phủ Iran đã dành ra hơn 30 nghìn tỷ Rial (khoảng 105,4 triệu USD) để phát triển năng lượng tái tạo và đây là việc chưa từng có.

Nhà nghiên cứu Tôn Tố Nguyên nhận định rằng, áp lực kinh tế hiện tại của Iran rõ ràng là lớn hơn, cũng như thiếu vốn đầu tư để chuyển đổi năng lượng tái tạo. Trong trường hợp này, năng lượng hạt nhân có thể là hướng đi tốt nhất.

Theo bà Tôn, mặc dù Mỹ rất nhạy cảm với các vấn đề phát triển hạt nhân của Iran, nhưng Ả Rập Xê Út có thể trở thành “người gỡ bỏ nút thắt”. Nếu Ả Rập Xê Út muốn phát triển năng lượng hạt nhân, thái độ của Mỹ có thể sẽ rất khác, giống như việc Mỹ luôn ủng hộ Ấn Độ xây dựng cơ sở năng lượng hạt nhân dân dụng. Nếu Iran và Ả Rập Xê Út có mối quan hệ tốt đẹp, hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Hơn nữa, cũng theo bà Tôn, được thúc đẩy bởi hai nước lớn ở Trung Đông, khu vực này có thể hình thành một lưới điện chéo, từ đó, không chỉ giúp Iran mà cả Trung Đông “xanh hóa” nguồn năng lượng.

(Nguồn: CafeF)

Ông Putin bất ngờ xuất hiện ở Donbass

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm vùng Donbass, vùng chiến sự hiện nay ở Ukraine, theo hãng thông tấn Nga TASS.

Ông Putin lái xe trên đường phố Mariupol.

Theo TASS, ông Putin tới thành phố cảng Mariupol, tỉnh Donetsk, bằng trực thăng. Ông Putin lái xe qua những con phố, dừng lại ở nhiều địa điểm để thị sát và trò chuyện với người dân địa phương.

Trong chuyến thăm của ông Putin, Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin đã báo cáo về tiến độ khôi phục cơ sở hạ tầng thành phố, cũng như ở khu vực ngoại ô.

Ông Khusnullin đã báo cáo với ông Putin về tiến độ xây dựng các khu dân cư mới, các cơ sở xã hội và giáo dục, cơ sở hạ tầng tiện ích và trung tâm y tế ở Mariupol.

Tổng thống Nga Putin trò chuyện với cư dân địa phương ở quận Nevsky, tới thăm một gia đình sống ở chung cư. Đây là lần đầu tiên ông Putin tới thăm vùng Donbass, vùng chiến sự hiện nay ở Ukraine.

Nga kiểm soát hoàn toàn Mariupol vào tháng 5/2022, sau những cuộc giao tranh ác liệt. Mariupol là một trong những mục tiêu hàng đầu mà quân đội Ukraine muốn giành lại trong trường hợp mở đợt phản công lớn vào dịp xuân hè.

Nga tuyên bố sáp nhập tỉnh Donetsk sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9/2022 và hiện kiểm soát khoảng 50% địa bàn tỉnh. Giao tranh ở Donetsk hiện vẫn đang diễn ra ác liệt, đặc biệt là tại thành phố Bakhmut, cách Mariupol khoảng 220km.

Sau khi quay trở về từ Mariupol, ông Putin đã tới vùng Rostov, nơi Nga đặt trung tâm chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt. Ông Putin gặp đại tướng Valery Gerasimov – tư lệnh chiến dịch quân sự và một số tướng lĩnh cấp cao khác, lắng nghe đại tướng Gerasimov báo cáo tình hình chiến sự.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Liệu Putin có phải đối mặt với phiên toà xét xử tội ác chiến tranh?

(Ảnh minh họa).

Mặc dù Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin, nhưng đó chỉ là bước đầu tiên trong một quá trình rất dài.

Liên Hợp Quốc rõ ràng tin rằng có đủ bằng chứng để buộc tội nhà lãnh đạo Nga về tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Tuy nhiên, khối lượng các vấn đề thực tiễn và khâu hậu cần trong việc thực hiện vụ này là rất lớn.

Quá trình đưa Putin ra trước công lý có thể diễn ra như thế nào?

Tổng thống Putin có thể bị bắt?

Hiện tại, nhà lãnh đạo Nga có quyền lực vô song ở đất nước của mình, vì vậy không có khả năng Điện Kremlin sẽ giao ông cho ICC.

Miễn là ở lại Nga, Putin không có nguy cơ bị bắt.

Tổng thống Putin có thể bị bắt giữ nếu rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, với thực tế là quyền tự do đi lại của ông đã bị hạn chế nghiêm ngặt bởi các biện pháp trừng phạt quốc tế, Putin khó có thể xuất hiện ở một quốc gia muốn đưa ông ta ra xét xử.

Kể từ khi quân đội Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, nhà lãnh đạo Nga chỉ đến thăm 8 quốc gia. Bảy trong số đó được ông coi là một phần "thân cận" của Nga - nghĩa là các nước này là bộ phận cấu thành của Liên Xô trước khi sụp đổ vào cuối năm 1991.

Điểm đến gần đây duy nhất của Putin không thuộc số này là Iran, nơi ông đã đến vào tháng 7 năm ngoái để gặp nhà lãnh đạo tối cao của chính quyền Iran, Ali Khamenei.

Vì Iran đã giúp cuộc chiến của Nga bằng cách cung cấp máy bay không người lái và các thiết bị quân sự khác, nên bất kỳ chuyến thăm tiếp theo nào tới Tehran sẽ khó có thể khiến Putin gặp nguy hiểm.

Liệu Putin sẽ thực sự phải ra tòa?

Có ít nhất hai trở ngại lớn cho điều này. Thứ nhất, Nga không công nhận thẩm quyền của ICC.

Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập vào năm 2002 theo một hiệp ước được gọi là Quy chế Rome.

Hiệp ước này quy định rằng nhiệm vụ của mọi quốc gia là thực thi quyền tài phán hình sự của mình đối với những người bị coi là tội phạm quốc tế. ICC chỉ có thể can thiệp khi một quốc gia không thể hoặc không muốn tiến hành điều tra và truy tố nghi phạm.

Tổng cộng, có 123 quốc gia đã đồng ý tuân thủ hiệp ước này, nhưng có một số ngoại lệ đáng kể, bao gồm cả Nga.

Một số quốc gia, trong đó có Ukraine, đã ký hiệp ước nhưng chưa phê chuẩn. Bạn có thể xem danh sách đầy đủ các quốc gia là thành viên của Quy chế Rome tại đây.

Vì vậy, bạn có thể thấy rằng vị thế pháp lý đã không vững chắc.

Và thứ hai, mặc dù không có gì lạ khi các phiên tòa được tổ chức mà không có bị cáo tại tòa, nhưng đó không phải là sự lựa chọn ở trường hợp này. ICC không tiến hành xét xử vắng mặt, vì vậy cách làm này cũng không khả thi.

Những ai đã phải ra toà vì lý do tương tự?

Ý tưởng xét xử những người phạm tội chống lại loài người đã có từ trước sự tồn tại của ICC.

Bắt đầu vào năm 1945 sau Thế chiến thứ hai với Phiên tòa Nuremberg, được tổ chức để trừng phạt các thành viên chủ chốt của hệ thống phân cấp ở Đức Quốc xã vì nạn diệt chủng Holocaust và các tội ác tàn bạo khác.

Trong số đó đó bao gồm Rudolf Hess, phó thủ lĩnh của người lãnh đạo Đức Quốc xã Adolf Hitler, người đã bị kết án tù chung thân và tự sát vào năm 1987.

Tất nhiên, Tổng thống Putin không thực sự bị buộc tội chống lại loài người, mặc dù Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã lập luận rằng ông nên bị buộc tội như vậy.

Và nếu đúng như vậy, điều đó sẽ đặt ra một tình huống khó pháp lý khó xử khác như chính Liên Hợp Quốc đã thông báo, "tội ác chống lại loài người vẫn chưa được hệ thống hóa trong một hiệp ước chuyên biệt của luật pháp quốc tế, không giống như tội ác diệt chủng và tội ác chiến tranh, mặc dù đã có những nỗ lực để làm điều đó."

Các cơ quan riêng biệt khác đã tìm cách kết án những người bị buộc gây tội ác chiến tranh. Trong đó bao gồm Tòa án Hình sự Quốc tế cho Nam Tư (Yugoslavia), một tổ chức của Liên Hợp Quốc tồn tại từ năm 1993 đến 2017.

Trong thời gian đó, toà án này đã kết tội và kết án 90 người. Nhưng nhân vật được cho là khét tiếng nhất trong số những người bị truy tố là cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic, đã chết vì một cơn đau tim vào năm 2006 khi đang bị giam giữ.

Về phần ICC, cho đến nay tổ chức này đã truy tố 40 cá nhân ngoại trừ Putin, tất cả đều đến từ các quốc gia châu Phi. Trong số đó, 17 người đã bị giam giữ tại The Hague, 10 người đã bị kết tội và 4 người được tha bổng.

Điều này có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến ở Ukraine?

Lệnh bắt giữ Putin đang được coi là một tín hiệu từ cộng đồng quốc tế rằng những gì đang diễn ra ở Ukraine là trái với luật pháp quốc tế.

Tòa án cho biết lý do công khai lệnh truy nã là vì những tội ác này vẫn đang tiếp diễn. Bằng cách này, ICC đang cố gắng ngăn chặn các tội ác tiếp theo diễn ra.

Tuy nhiên, phản ứng chính từ Nga cho đến nay là bác bỏ các lệnh này là vô nghĩa.

Trên thực tế, Điện Kremlin phủ nhận quân đội của họ đã thực hiện bất kỳ tội ác nào ở Ukraine, và người phát ngôn của ông Putin gọi quyết định của ICC là "thái quá và không thể chấp nhận được".

Đối mặt với sự thách thức như vậy, có vẻ như các hành động của ICC sẽ không có bất kỳ tác động nào đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine - và "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Putin sẽ tiếp tục diễn ra tàn nhẫn.

(Nguồn: BBC)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang