Dùng con đẻ ép mẹ ruột trả nợ thay; Phía sau một bản án; Đâm 4 người vì ghen; Khi con riêng của cha về đòi tài sản

KHỞI TỐ ĐỐI TƯỢNG NHẪN TÂM DÙNG CHÍNH CON ĐẺ ĐỂ ÉP MẸ RUỘT TRẢ NỢ THAY

(Ảnh minh hoạ).

Để có tiền trả nợ, gã trai 9X lên kế hoạch “bắt cóc” chính con trai mình để ép mẹ ruột phải chi số tiền 60 triệu đồng trả nợ thay.

Ngày 21/01, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, đơn vị này đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Trần Nhật Bảo (SN 1991, HKTT tại phường Phương Liên), để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Thông tin từ cơ quan điều tra, Trần Nhật Bảo ly hôn vợ năm 2019, sau đó Bảo đưa hai con trai là cháu T.N.B (SN 2010) và T.N.B. (SN 2016) về sống cùng mẹ đẻ là bà M. trú tại phương Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.

Cuối năm 2021, Bảo để hai con cho bà nội nuôi, còn bản thân bỏ nhà đi lao động tự do bên ngoài.

Một năm sau, Bảo ở cùng bạn gái là T.T.T (SN 1984) tại nhà trọ ở Trương Định quận Hoàng Mai.

Trong thời gian này, Bảo vay nợ ngoài xã hội khoảng 60 triệu đồng. Không có tiền trả, Bảo nhờ mẹ đẻ trả nợ hộ, nhưng bà M. không đồng ý. Túng quẫn, đối tượng nảy sinh kế hoạch “tống tiền” chính mẹ đẻ bằng cách đón cháu B. (SN 2016) đi để ép bà M. phải đưa tiền cho Bảo.

Khoảng 17h ngày 16/1, sau khi đón cháu B. từ trường học về, Bảo nhiều lần uy hiếp, đe dọa bà M. rằng sẽ bỏ đói, không cho bà M. gặp cháu nữa, mục đích ép bà M. đưa tiền, nhưng bà M. không chuyển.

Trước thái độ kiên quyết của bà M., Bảo còn đi mua một chai cồn để đốt trước cửa nhà, rồi chụp ảnh và gửi cho bà M. đe dọa, đồng thời nhắn rằng sẽ chặt tay cháu B. và đe dọa cháu B. đã chết rồi. Bảo yêu cầu bà M. phải gặp mình.

Lo sợ chuyện chẳng lành xảy ra với cháu mình, không còn cách nào khác, ngày 18/01, bà M. đã đến Công an phường Phương Liên tố giác chính con trai mình là Trần Nhật Bảo.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo tố giác trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận Đống Đa đã tiến hành bắt giữ đối tượng Trần Nhật Bảo. Tại cơ quan công an, đối tượng Trần Nhật Bảo khai nhận hành vi vi phạm của bản thân như trên.

(Nguồn: Đời sống & Pháp luật)

PHÍA SAU MỘT BẢN ÁN

Là một luật sư, khi thân chủ thắng kiện, đồng nghĩa tất cả những yêu cầu của phía đối phương đều không được tòa án chấp nhận, lẽ ra tôi phải vui. Vậy mà từ khi nhận vụ kiện cho đến khi thắng kiện, không phút giây nào tôi không trăn trở, xót xa

Từ phòng xử án bước ra cổng TAND TP HCM chẳng mấy bước chân, vậy mà con đường quen thuộc đó với tôi ngày hôm ấy dường như xa vời vợi bởi từng bước chân tôi đi như có gì níu giữ, nặng trĩu…

Là một luật sư, khi thân chủ thắng kiện, đồng nghĩa tất cả những yêu cầu của phía đối phương đều không được tòa án chấp nhận, lẽ ra tôi phải vui. Vậy mà từ khi nhận vụ kiện cho đến khi thắng kiện, không phút giây nào tôi không trăn trở, xót xa. Họ là anh em ruột thịt, phải gặp nhau tại tòa cũng chỉ vì tiền. Người thắng, người thua kiện cũng đều đánh mất cái quý giá nhất: tình thân.

Sau nhiều năm làm lụng vất vả, cha mẹ họ gầy dựng được một căn nhà. 5 anh, chị em của họ đều được sinh ra và lớn lên từ chính ngôi nhà thân thương ấy. Ngày còn nhỏ, họ quây quần bên cha mẹ, chăm sóc, yêu thương nhau. Rồi ai nấy đều trưởng thành, xây dựng gia đình riêng. Tưởng chừng có con, có cháu, trải nghiệm được cuộc đời, hiểu được lẽ sống, tình anh, chị em càng thêm thắm thiết.

Nhưng từ ngày cha mẹ nằm xuống, những cuộc xung đột vì quyền lợi ban đầu còn ngấm ngầm, càng về sau càng gay gắt. Ngôi nhà lưu giữ cả một tời tuổi thơ trở thành vật tranh chấp. Không ai nhường ai, người nào cũng muốn dành phần hơn về mình. Những câu yêu thương ngày nào giờ được thay thế bằng những lời lẽ miệt thị, mắng nhiếc ném chan chát vào nhau.

Cuối cùng họ chọn ra toà để phân thắng- bại.

Nhận vụ việc, được biết sự tình của họ, tôi đã nhiều lần phân tích thiệt- hơn. Những lần tòa án hòa giải cũng đều mong các bên ngồi xuống cùng thỏa thuận với nhau và rút đơn kiện. Tiếc là ai cũng muốn giành phần hơn về mình, cương quyết đem nhau ra "tụng đình"...

Trong phiên xử, vị chủ tọa dùng nhiều lý lẽ để thuyết phục các bên, mong có thể lay chuyển ý chí của họ nhưng rồi cũng bất lực.

Việc gì đến cũng đến, Tòa tuyên đọc bản án. Cả phòng xử im phăng phắc. Rồi những tiếng thở dài bực tức của người thua kiện; ánh mắt bừng sáng niềm vui không cần giấu diếm của người thắng kiện. Nhưng chắc chắn một điều cái giá mà họ phải trả khi "tụng đình" chính là mất tình anh em máu mủ, mất hòa khí gia đình và tình yêu thương. Rồi cha mẹ họ dưới suối vàng biết vui với ai, buồn cùng ai!

(Nguồn: Người Lao Động)

TRUY BẮT NHÓM NGƯỜI ĐÂM 4 THANH NIÊN BỊ THƯƠNG TRONG QUÁN NHẬU

(Ảnh minh hoạ).

Một phụ nữ được cho là do ghen tuông đã dẫn theo nhóm côn đồ xông vào quán nhậu đánh và dùng hung khí đâm nhiều người bị thương.

Ngày 21/1, Công an TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, đơn vị đang làm rõ một số nghi can gây ra hỗn chiến tại quán nhậu dưới dốc cầu Khánh Hưng (phường 2, TP Sóc Trăng).

Một số người liên quan đã bỏ trốn và đang bị lực lượng công an ráo riết truy bắt.

Vụ việc trên xảy ra gần 23h ngày 20/1, được cho do xuất phát từ sự ghen tuông của một phụ nữ. Người này dẫn theo một nhóm côn đồ xông vào quán nhậu để đánh người nhắn tin cho chồng mình.

Một số thực khách đang ăn uống chạy đến can ngăn đã bị nhóm côn đồ đánh và dùng hung khí đâm vào người. Ít nhất 4 người bị thương phải nhập viện.

Người nhà của một nam nạn nhân cho biết, con họ tham gia can ngăn cuộc hỗn chiến thì bị đâm một nhát vào người, được đưa vào bệnh viện tỉnh Sóc Trăng cấp cứu trong tình trạng khá nặng.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.

(Nguồn: Dân Trí)

PHẢI LÀM GÌ KHI CON RIÊNG CỦA CHA VỀ ĐÒI TÀI SẢN?

Cha tôi nộp đơn ly hôn mẹ 3 năm trước, sau đó di chúc 2.000 m2 nhà đất cho người con riêng vì cho rằng không phải tài sản chung của vợ chồng mà do ông bà để lại.

Năm 2022 cha tôi mất khi chưa hoàn tất thủ tục ly hôn. Trước đó ông trăn trối (có người làm chứng và công chứng trong 5 ngày) là cho tôi 1/2 tài sản trong phần di chúc trên. Hai mẹ con tôi vẫn ở phần nhà đất này, thờ cúng cha và dòng họ nhưng bất ngờ người con riêng mang di chúc về đòi đất.

Vậy phần tài sản cha cho tôi và người con riêng phải giải quyết phân chia thế nào? Mẹ tôi không có tên trong di chúc thì có được hưởng di sản không? Nếu các bên không tìm được tiếng nói chung thì tôi phải làm sao? (Phuong Loan)

Luật sư tư vấn

Với thông tin bạn cung cấp, chưa rõ nguồn gốc di sản thừa kế 2.000 m2 nhà đất: là tài sản chung của cha mẹ bạn (được tặng cho chung, là tà sản riêng được nhập vào tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân....) hay là tài sản riêng của cha bạn (được tặng cho riêng...) nên chưa thể xác định việc định đoạt tài sản của cha bạn là đúng hay sai. Do đó, chúng tôi sẽ chia trường hợp tư vấn cụ thể:

Trường hợp 1: Có căn cứ xác định đây là tài sản chung của cha mẹ bạn

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân gia đình 2014, việc định đoạt tài sản chung là bất động sản phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Do đó, việc cha bạn tự định đoạt toàn bộ phần tài sản chung sẽ bị vô hiệu một phần theo quy định Điều 130 Bộ luật Dân sự 2015 (giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch).

Lúc này, mẹ bạn có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án tuyên bố di chúc vô hiệu theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014. Cụ thể giá trị phần di sản mà bạn, mẹ bạn và con riêng của cha bạn sẽ được hưởng như sau:

Phần di sản mẹ của bạn sẽ nhận được:

- Được hưởng một nửa (1/2) tài sản là nhà đất vì đây là tài sản chung của cha mẹ bạn.

- Cha bạn mất khi chưa hoàn tất việc ly hôn (quan hệ vợ chồng chưa chấm dứt) nên mẹ bạn vẫn được hưởng di sản thừa kế mà cha bạn để lại. Trừ trường hợp mẹ bạn thuộc trường hợp không được hưởng di sản theo quy định pháp luật tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự.

Khi đó, theo điểm a khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự, mẹ bạn sẽ được xác định là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc và được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật (nếu di sản được chia theo pháp luật).

Như vậy, tổng cộng phần tài sản mà mẹ bạn nhận được bao gồm: 1/2 phần tài sản chung và 2/3 của một suất hưởng thừa kế tài sản của cha bạn trong số tài sản chung.

Phần di sản bạn và con riêng sẽ nhận được:

Trong trường hợp này, phần di sản mà cha bạn để lại là 1/2 tài sản chung. Giả sử những người thừa kế của cha bạn là mẹ bạn, bạn và người con riêng thì mẹ bạn được hưởng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật, còn bạn và người con riêng theo di chúc sẽ được hưởng một nửa phần còn lại.

Trường hợp 2: Đây là tài sản riêng của cha bạn

Cha bạn hoàn toàn có quyền định đoạt theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Hôn nhân gia đình 2014 (vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung).

Tuy nhiên, theo như đã phân tích ở trên, mặc dù cha bạn không di chúc để lại tài sản cho mẹ bạn thì bà vẫn thuộc trường hợp được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo điểm a khoản 1 Điều 644 BLDS 2015 (nếu như không thuộc các trường hợp khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015) - tức là 2/3 của suất thừa kế theo pháp luật. Bạn và con riêng của cha bạn sẽ được chia đều phần còn lại (sau khi đã chia cho mẹ bạn).

(Nguồn: Vnexpress)

(Xem thêm:

=> Bắt kẻ trốn nã vì hiếp dâm; Truy sát vợ trong đêm; Đâm vợ nguy kịch; Dẫn côn đồ chém người nhắn tin cho chồng ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang