Đức: Thiếu lao động lành nghề; Trục xuất nhà báo Nga; Đảng SPD & BSW ‘bắt tay’; Yêu cầu Ukraine bồi thường vụ Nord Stream

THIẾU HỤT NGHIÊM TRỌNG LAO ĐỘNG CÓ TAY NGHỀ

Giảm hơn 11 triệu lao động vào năm 2060

Theo một nghiên cứu được Quỹ Bertelsmann ủy quyền, lực lượng lao động của Đức có thể giảm 10% vào năm 2040 nếu không có lượng nhập cư "đáng kể".

Nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu không có khoảng 288.000 lao động tay nghề cao nước ngoài nhập cư mỗi năm, quy mô lực lượng lao động của Đức sẽ giảm từ khoảng 46,4 triệu người hiện nay xuống còn 41,9 triệu vào năm 2040. Đến năm 2060, con số này có thể giảm còn 35,1 triệu người.

Bà Susanne Schultz, chuyên gia về di cư tại Bertelsmann, cho biết: "Thế hệ bùng nổ trẻ em dịch chuyển khỏi khỏi thị trường lao động đang đặt ra những thách thức lớn". Bà cho rằng tiềm năng lao động trong nước của Đức cần được phát triển và tăng cường, nhưng cũng nhấn mạnh rằng "sự thay đổi nhân khẩu học này đòi hỏi phải có nhập cư".

Một mô hình dự báo thứ hai, dựa trên dữ liệu bi quan hơn, cho thấy Đức có thể cần tới 368.000 lao động nhập cư mỗi năm cho đến năm 2040, sau đó giảm xuống còn 270.000 mỗi năm cho đến năm 2060.

Liệu những cải cách về di cư lao động của Đức có đủ?

Bà Schultz cho rằng tình hình di cư lao động hiện nay đang tụt hậu so với nhu cầu, và để đáp ứng được, các rào cản cần phải được gỡ bỏ, đồng thời cần cải thiện điều kiện cho người nhập cư.

Vào năm 2023, Đức đã cải cách luật di cư lao động để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người lao động nước ngoài đủ điều kiện làm việc tại Đức. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cam kết đây là "luật di trú hiện đại nhất thế giới".

Tuy nhiên, Quỹ Bertelsmann cảnh báo rằng những lao động nước ngoài này sẽ không đến nếu "không có nền văn hóa chào đón hơn ở các doanh nghiệp và chính quyền địa phương", và nếu "không có triển vọng ở lại lâu dài".

"Tôi muốn bình đẳng nhưng sẽ không cầu xin"

Một ví dụ được hãng thông tấn DPA của Đức trích dẫn là câu chuyện của một người tị nạn Syria. Anh chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở quê hương vào năm 2016 khi mới 21 tuổi, và sau khi tốt nghiệp các trường đại học ở Đức với bằng cử nhân và thạc sĩ, anh đã trở thành chuyên gia CNTT tại Đức, nhưng giờ lại chuyển đến Thụy Sĩ.

Anh kể lại rằng, mặc dù đã nỗ lực hết mình để được coi trọng ngang bằng, anh vẫn bị từ chối và cảm thấy bị phân biệt đối xử, đặc biệt là trong các công việc bán thời gian trong lúc chờ đợi một việc làm chính thức. "Tôi muốn được đối xử bình đẳng. Nhưng tôi sẽ không cầu xin điều đó", anh nói.

Đối với bà Schultz, câu chuyện này "thật không may không phải là trường hợp bất thường". Bà nhấn mạnh rằng Đức không thể để tình trạng này tiếp diễn và cần phải trở nên hấp dẫn hơn đối với lao động nước ngoài.

Tác động của việc suy giảm lực lượng lao động

Theo nghiên cứu, sự suy giảm lực lượng lao động và nhu cầu nhập cư lớn hơn để lấp đầy khoảng trống sẽ ảnh hưởng khác nhau đến các khu vực của Đức.

Các bang đông dân như Bắc Rhein-Westfalen sẽ chịu mức suy giảm trung bình khoảng 10%, trong khi các bang ít dân hơn như Thüringen, Sachsen-Anhalt ở Đông Đức cũ, và Saarland ở biên giới với Pháp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Ngay cả những vùng phía nam giàu có như Bayern và Baden-Württemberg cũng sẽ không thể hoàn toàn tránh khỏi tác động tiêu cực. Trong khi đó, các thành phố lớn như Hamburg và Berlin, vốn đã hưởng lợi từ lượng người nhập cư cao, sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.

 

 

TRỤC XUẤT CÁC NHÀ BÁO CỦA KÊNH TRUYỀN HÌNH NGA

Lệnh Chính phủ Đức

Theo Kênh 1, phóng viên Ivan Blagoy và quay phim Dmitry Volkov của đài này đã nhận được thông báo chính thức vào ngày 26/11 rằng họ sẽ bị trục xuất, khi các nhà chức trách Đức viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia.

"Quyết định này được đưa ra vì lợi ích an ninh quốc gia của Đức", phóng viên Blagoy cho biết, trích dẫn một tài liệu dài 10 trang do chính quyền Đức ban hành.

"Các hoạt động của Kênh 1 gây ra mối đe dọa đối với trật tự và an ninh công cộng tại Đức và EU", đài RT dẫn tuyên bố của nhà chức trách Đức, đồng thời nói thêm rằng nội dung của kênh này vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến khán giả nói tiếng Nga tại Đức mặc dù trang web của kênh đã bị chặn.

Ông Blagoy cũng tuyên bố lệnh đóng cửa văn phòng Kênh 1 tại Berlin được đưa ra "gần như ngay lập tức" sau khi kênh này phát sóng một bản tin về vụ bắt giữ gần đây nhằm vào một công dân Đức tại khu vực Kaliningrad của Nga.

Kênh 1

Kênh này được chính phủ Nga tài trợ, từ lâu đã bị phương Tây cáo buộc là phát đi các thông tin ủng hộ Điện Kremlin. Việc trục xuất các nhà báo của kênh này diễn ra sau khi có báo cáo về việc công dân Đức Nikolai Gaiduk bị các cơ quan an ninh Nga bắt giữ vì nghi ngờ hoạt động gián điệp. Theo các quan chức Nga, Gaiduk có liên quan đến một âm mưu của tình báo Ukraine nhằm phá hoại các cơ sở khí đốt ở khu vực Kaliningrad.

Kênh 1 của truyền hình Nga đã trích dẫn một tài liệu mà họ nhận được từ chính quyền Đức, trong đó có nội dung nêu rằng "các hoạt động của Kênh 1  gây ra mối đe dọa trực tiếp đáng kể đối với trật tự và an ninh công cộng ở Đức và EU vì chúng tạo ra mối đe dọa đối với quá trình hình thành dư luận và ra quyết định của các quốc gia thành viên".

Tài liệu cũng cho biết rằng mặc dù trang web của Kênh 1 bị chặn ở Đức, nội dung thông tin của đài này "vẫn có trên Internet, được phát hành qua các kênh Telegram và tiếp tục ảnh hưởng đến cộng đồng nói tiếng Nga tại Đức".

Đài RT dẫn nguồn tài liệu nói trên: "Truyền thông Nga đã thúc đẩy sự suy tàn của phương Tây và sự sụp đổ kinh tế của châu Âu. Câu chuyện này và các câu chuyện cực hữu khác đã bén rễ trong nhiều người nói tiếng Nga, gây ra sự ngờ vực đối với các cấu trúc của nhà nước Đức, EU và ảnh hưởng đến các nhóm cực hữu ở Đức".

Vào cuối năm 2021, Đức từng vận động thành công để chặn phiên bản tiếng Đức của đài truyền hình RT  (Russia Today) khỏi mạng lưới vệ tinh của châu Âu, khiến Nga ra lệnh đóng cửa văn phòng tại Moskva của Deutsche Welle để trả đũa.

Chính phủ Mỹ cũng đã trừng phạt Kênh 1 của Nga vì mối quan hệ của họ với chính phủ Nga.

Trả đũa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 27/11 cho biết hai nhân viên của tập đoàn truyền thông Đức ARD đã được lệnh rời khỏi Moskva để đáp trả việc trục xuất nhà báo Nga.

"Như một biện pháp tương tự, các phóng viên Đức đã được yêu cầu nộp lại thẻ công nhận và rời khỏi lãnh thổ Nga", bà Zakharova cho biết. Người phát ngôn này cho biết thêm rằng nhà báo Frank Alschmann của ARD và người quay phim của ông sẽ là những người rời khỏi Moskva.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu, và đã gây ra sự phẫn nộ khi kênh truyền hình Nga gọi đây là nỗ lực mới nhất nhằm "im bặt tiếng nói của các bản tin độc lập tại EU".

Moskva đã nhanh chóng phản ứng với quyết định của Đức. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng các biện pháp trả đũa sẽ sớm được công bố. "Chúng tôi sẽ không để yên chuyện này mà không có phản hồi", bà phát biểu với hãng tin TASS.

 

 

SPD & BSW ‘BẮT TAY’ LẬP CHÍNH QUYỀN BANG BRANDENBURG

Thỏa thuận bộ máy

Sau gần một tháng đàm phán, chiều 27/11, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Liên minh Sahra Wagenknecht (BSW) ở bang Brandenburg, giáp thủ đô Berlin, đã công bố thỏa thuận liên minh trong chính quyền bang, theo đó các cơ quan Tài chính, Dịch vụ Xã hội và Y tế cũng như Cơ sở hạ tầng sẽ thuộc quyền quản lý của đảng BSW.

đảng SPD của Thủ hiến bang Dietmar Woidke và đảng BSW của người đứng đầu cơ quan lập pháp bang Robert Crumbach trước đó đã giải quyết được những điểm tranh chấp cuối cùng. Dự kiến, vào tuần đầu tiên của tháng 12, đại hội đảng của SPD và BSW sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận liên minh. Điều này có nghĩa là ông Woidke có thể được bầu lại và tuyên thệ nhậm chức Thủ hiến vào ngày 11/12.

Chính sách chung

SPD và BSW thông báo giải pháp trọng tâm của chính quyền liên minh sẽ là giảm quan liêu và số hóa; tiếp tục hỗ trợ các bậc cha mẹ có thu nhập thấp bằng cách không thu phí trông giữ trẻ ban ngày; chú trọng nội dung đọc, viết và số học ở các trường tiểu học; phản đối việc tăng phí phát sóng của đài công cộng. Các bên cũng thống nhất duy trì các địa điểm bệnh viện ở bang Brandenburg, một trong những vấn đề gây tan rã chính quyền liên minh "đỏ-đen-xanh" (CDU-SPD-Đảng Xanh) trước đó. Hai đối tác liên minh cũng đồng ý rằng bang Brandenburg sẽ hỗ trợ tất cả các biện pháp nhằm ngăn chặn và từ chối di cư bất hợp pháp. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine ở cấp liên bang và Liên minh châu Âu (EU).

 

 

CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG TẠI ĐỨC YÊU CẦU UKRAINE BỒI THƯỜNG VỤ NỔ ĐƯỜNG ỐNG NORD STREAM

Phong trào Dừng trừng phạt

Theo cơ quan truyền thông Nga, phong trào Stoppt die Sanktionen ("Dừng trừng phạt") của Đức cáo buộc, sự liên quan của tình báo Ukraine trong vụ nổ đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 vào tháng 9/2022 là rõ ràng. Do đó, Kiev phải bồi thường cho những thiệt hại và lợi nhuận mà Berlin bị mất vì vụ nổ 2 đường ống khí đốt này.

"Trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố này chắc chắn hoàn toàn thuộc về chính phủ và tình báo Ukraine. Cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào Đức và các nền tảng kinh tế của chúng ta là điều không thể chấp nhận. Ukraine phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về cả thiệt hại vật chất phát sinh và lợi nhuận bị mất" - phong trào Stoppt die Sanktionen tuyên bố.

Tổ chức này nhấn mạnh, việc nổ tung Nord Stream 1 và Nord Stream 2 không nhằm vào riêng Nga mà “trên hết, nhằm vào Đức, các lợi ích và nền kinh tế của nước này”.

Phong trào Stoppt die Sanktionen cũng yêu cầu Đức ngừng mọi hỗ trợ cho Ukraine cho đến khi Kiev tuyên bố chịu trách nhiệm vụ tấn công đường ống Nord Stream và khắc phục thiệt hại.

“Chính phủ Ukraine phải chịu trách nhiệm ngay lập tức mà không cần bất kỳ cuộc đàm phán nào. Các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Nord Stream phải được bồi thường đầy đủ và không chậm trễ. Không được có bất kỳ cuộc đàm phán hay lời bào chữa nào" - phong trào này nhấn mạnh.

Yêu cầu Kiev bồi thường được đưa ra sau khi những chi tiết về vụ nổ đường ống Nord Stream được Der Spiegel tiết lộ vào tuần trước.

Tiết lộ

Tờ Der Spiegel của Đức hôm 20/11 đưa tin, một nhóm người Ukraine bị tình nghi đứng sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream vào tháng 9/2022 có mối quan hệ lâu dài với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), trong đó một số thành viên - bao gồm cả nghi phạm chủ mưu Roman Chervinsky - đã được các điệp viên Mỹ đào tạo trong nhiều năm.

Tạp chí Đức cho biết, nhóm này đã "lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động bí mật cho bộ máy an ninh Ukraine trong nhiều năm", nhắm đến các đường ống dẫn khí Nord Stream từ đầu năm 2019, khoảng 3 năm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tuyến đường ống Nord Stream cung cấp tới 60 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, đáp ứng khoảng 16% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2018 và một nửa nhu cầu hàng năm của Đức vào năm 2021.

Nord Stream từ lâu đã là "cái gai trong mắt Washington". Trước vụ nổ, các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, đã nhiều lần chỉ trích dự án Nord Stream và kêu gọi  Đức từ bỏ dự án Nord Stream 2.

Tạp chí Đức trích dẫn một nguồn tin từ Ukraine cho hay, chất nổ được sử dụng trong vụ phá hoại đường ống Nord Stream không được sản xuất tại Ukraine. Tuy nhiên, nguồn tin này từ chối tiết lộ nguồn gốc của chất nổ.

Der Spiegel cũng tuyên bố đã xác định được gần như tất cả những cá nhân tham gia vào vụ phá hoại, song không công bố tên của họ, vì lo ngại rằng họ có thể trở thành mục tiêu của các cơ quan an ninh Nga hoặc Ukraine.

Đòi khôi phục đường ống

Nord Stream 2 chưa bao giờ đi vào hoạt động, vì Đức dừng quá trình cấp chứng nhận ngay trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Trong diễn biến khác liên quan, chính trị gia người Đức Reiner Rothfuss (đảng Alternative for Germany) mới đây cũng hối thúc chính quyền Thủ tướng Olaf Schol khôi phục đường ống Nord Stream và mối quan hệ đối tác năng lượng với Nga

Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Alfa Radio, nghị sĩ Đức Aleksandr Shpakovsky nói rằng không có gì đáng ngạc nhiên về lời kêu gọi của chính trị gia Reiner Rothfuss.bởi nền kinh tế Đức đang trải qua thời kỳ khó khăn.

Ông Shpakovsky chỉ ra, điều này có thể được giải thích là do tình trạng tồi tệ của nền kinh tế Đức. Bên cạnh đó, Mỹ không ngừng thúc đẩy châu Âu, bao gồm cả Đức, chuyển hướng sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) do Washington cung cấp.

Việc thiếu năng lượng đã tác động đến ngành công nghiệp Đức, như các “ông lớn” ô tô Volkswagen và Audi gần đây đã sa thải hàng loạt nhân sự. Ngoài mất nguồn năng lượng tương đối rẻ, nền kinh tế lớn nhất EU còn chịu cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc và mất đi thị trường lớn ở Nga.

 

Nguồn: Công Luận; Báo Tin Tức; Báo Mới; Kinh tế & Đô thị

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang