Đức: Ngành sản xuất bia khủng hoảng; Ngành năng lượng mặt trời u ám; ‘Bê bối bắt tay’ của Ngoại trưởng

NGÀNH SẢN XUẤT BIA ĐỐI MẶT KHỦNG HOẢNG

Trong sáu năm qua, lượng tiêu thụ bia tại Đức liên tục giảm xuống

Xu hướng kéo dài này khiến các nhà sản xuất bia gặp nhiều khó khăn. Ngoại trừ một số hiệu bia thủ công thuộc vào phân khúc cao cấp, hầu hết các thương hiệu bia khác của Đức đều bị giảm doanh thu. Một số nhà máy sản xuất bia ở Đức phải đóng cửa trong thời gian qua, trong khi nhiều công ty kinh doanh bia thay đổi cơ cấu để thích nghi với tình huống mới.

Trong năm qua, lượng tiêu thụ bia đã giảm 4,7%. Cho dù mức sản xuất vẫn còn được duy trì, nhưng rõ ràng là các hiệu bia Đức đang cố gắng tăng xuất khẩu để bù đắp cho lượng tiêu thụ nội địa cứ giảm dần theo từng năm, tỷ lệ giảm chậm mà đều đặn. Đối với ngành sản xuất bia ở Đức với hơn 1.500 nhà máy, tình hình đang trở nên phức tạp: một số nhà máy đã tuyên bố phá sản, một số khác phải tổ chức lại guồng máy sản xuất để có thể tồn tại.

Vào giờ tan sở, các nhân viên văn phòng thường tụ tập tại các quán bia ở phố Friedrichshain, một địa điểm thời thượng của Berlin với nhiều quán bia, nhà hàng hầu như lúc nào cũng đông khách lui tới. Tại các quầy bar, trước kia chủ yếu phục vụ rất nhiều loại bia, cộng thêm rượu vang trắng và rượu mạnh, thế nhưng giờ đây, các loại thức uống có cồn không hẳn được thực khách gọi nhiều nhất.

Để bù đắp thất thu

Các hàng quán đều đã tăng một chút giá bia cũng như rượu vang, điều này có thể thấy ngay trên thực đơn quán bar. Trong mắt giới trẻ, các thức uống có cồn ngày càng trở nên đắt đỏ. Bên cạnh đó, còn có vấn đề sức khỏe. Giới trẻ quan tâm nhiều hơn chuyện ăn uống, họ chơi thể thao và giảm bớt các thức uống có cồn, trong đó dĩ nhiên có bia, vốn là sản phẩm có giá « mềm nhất » trên thực đơn các hàng quán.

Sự kiện người tiêu dùng thay đổi thói quen

Là yếu tố đầu tiên giải thích phần nào vì sao ngành sản xuất bia ở Đức lâm vào khủng hoảng. Bị suy yếu trong thời đại dịch Covid, các nhà máy cũng khó mà phục hồi được toàn bộ hoạt động sản xuất và phân phối trong bối cảnh mức cung vượt quá mức cầu. Nhìn chung, thức uống giảm cồn hoặc không cồn đang trở nên xu hướng thời thượng: Doanh thu các thức uống như bia không cồn, kombucha, trà đào, nước ép trái cây đều tăng .… trong khi các thương hiệu nổi tiếng đều chuyển qua sản xuất các loại rượu whisky, vodka, rum, gin nhưng lại không có độ cồn.

Dường như sự phát triển của các loại thức uống « no low » (không cồn hoặc giảm cồn) không phải là một hiện tượng nhất thời. Điều này tác động ngay đến một trong những biểu tượng văn hóa Đức.

Điều chỉnh

Cuộc khủng hoảng của ngành sản xuất bia tại Đức có nguy cơ kéo dài trong nhiều năm liền, buộc ngành này phải có kế hoạch thay đổi mô hình sản xuất cũng như phân phối một cách sâu rộng, chứ khó mà tùy cơ ứng biến.

Theo ông Holger Eichele, chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất bia tại Đức, ngành này buộc phải điều chỉnh lại sản lượng, khung giá và hệ thống phân phối để thích ứng với những thay đổi trên thị trường. Hiện giờ, chỉ có vài hiệu bia thủ công hoặc các loại bia « tu viện » mới không gặp khó khăn.

Đó là trường hợp của hiệu bia Đức Neuzeller Klosterbräu (Neuzelle Cloister) nằm gần vùng biên giới Ba Lan. Sáu triệu chai bia tu viện được sản xuất mỗi năm. Thế nhưng, ngay cả nhà máy này cũng phải thích nghi với các xu hướng mới nơi người tiêu dùng, ngoài các loại bia truyền thống do giới tu sĩ chế biến, Neuzelle Cloister còn cung cấp mười loại sản phẩm khác nhau, trong đó ăn khách nhất vẫn là những loại bia không cồn.

Theo lời ông Stefan Fritsche, giám đốc điều hành công ty Neuzeller Klosterbräu, theo đà này thì chỉ trong vài năm tới, nhà máy sẽ sản xuất từ 60 đến 70% thức uống không cồn và chỉ khoảng 30% các sản phẩm mới chứa cồn. Để có thể tồn tại và phát triển, các công ty kinh doanh bia phải phản ứng linh hoạt càng nhanh càng tốt theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Mức tiêu thụ rượu, bia đều giảm xuống trên toàn cầu

Cho dù lượng tiêu thụ trên toàn cầu đang trên đà giảm liên tục, Đức cũng như Bỉ hiện vẫn là hai nước xuất khẩu bia mạnh nhất châu Âu. Các nhà sản xuất bia hiện đang trông cậy vào sự phát triển của các thị trường đầy tiềm năng như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và một số nước Châu Mỹ La Tinh để bù đắp lại cho sự thụt lùi của hai thị trường khổng lồ là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Trong số các loại thức uống có cồn có mức tiêu thụ giảm mạnh nhất trên toàn thế giới kể từ năm 2019, bia đứng hạng nhì chỉ sau rượu vang. Cuộc khủng hoảng của ngành sản xuất bia ở Đức (cũng như bia Bỉ) có nhiều nét gần giống với của khủng hoảng của ngành rượu vang tại Pháp, đặc biệt là tại vùng Bordeaux, nơi có sản lượng vang dồi dào nhất. Chính cũng vì thế, cuộc khủng hoảng cũng tác động đến Bordeaux mạnh hơn so với các vùng lãnh thổ khác cũng sản xuất vang.

 

TƯƠNG LAI U ÁM VỚI NGÀNH NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI

Sự bùng nổ năng lượng mặt trời của Đức đã chậm lại kéo theo những vụ phá sản

Sau sự gia tăng chóng mặt về số lượng lắp đặt năng lượng mặt trời vào năm 2022 và 2023 ở thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng, việc bổ sung công suất năng lượng mặt trời của Đức đã chậm lại vào cuối năm 2024, trong khi việc lắp đặt năng lượng mặt trời ở khu dân cư phải gánh chịu gánh nặng do nhu cầu sụt giảm.

Các hộ gia đình háo hức lắp đặt "năng lượng mặt trời trên ban công" hoặc trên mái nhà vào năm 2022 và 2023, khi giá điện ở Đức tăng vọt trong cuộc khủng hoảng năng lượng đỉnh điểm, so với năm 2024. Đối với một số người trong số họ, chi phí trả trước cao hơn với lãi suất cao hơn và giá điện giảm so với mức cao nhất trong giai đoạn 2022-2023 không thể biện minh cho việc đầu tư vào hệ thống năng lượng mặt trời dân dụng.

Do vậy, các công ty năng lượng mặt trời của Đức bắt đầu phải vật lộn với doanh thu và thu nhập thấp hơn. Các công ty trong nước cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà sản xuất Trung Quốc, nơi cung cấp các sản phẩm có giá thấp hơn.

Kết quả là ngành công nghiệp Đức chìm sâu hơn vào tình trạng báo động đỏ khi nỗ lực cạnh tranh về giá đồng nghĩa với việc giá bán của họ thấp hơn chi phí sản xuất. Tình trạng này đã tạo ra khó khăn cho các công ty năng lượng mặt trời của Đức, đẩy một số công ty vào tình trạng mất khả năng thanh toán và buộc nhiều công ty khác phải cắt giảm việc làm và tìm cách tái cơ cấu doanh nghiệp để thích ứng với tình trạng dư thừa nguồn cung và giá bán thấp.

Thống kê

Trong một phân tích tháng 11, hãng tư vấn năng lượng Ember cho biết từ tháng 01 – 09, năm 2024, năng lượng mặt trời vẫn là yếu tố đóng góp chính cho sự tăng trưởng năng lượng tái tạo của Đức. Theo dữ liệu của Ember, từ tháng 1 đến tháng 9, năng lượng gió và năng lượng mặt trời kết hợp đã lần đầu tiên vượt quá sản lượng điện hóa thạch ở Đức, đạt thị phần kỷ lục 45%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng năng lượng mặt trời đã chậm lại.

Năm 2023, số công suất bổ sung mới của Đức tăng gấp đôi so với năm 2022, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại tới 3% trong 9 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Vào nửa cuối năm 2024, việc lắp đặt năng lượng mặt trời - đặc biệt là năng lượng mặt trời dân dụng - sụt giảm và khiến nhiều nhà sản xuất và nhà cung cấp lắp đặt của Đức phải vật lộn để tìm kiếm tương lai.

Nhà cung cấp hệ thống quang điện (PV) ESS Kempfle đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 10/2024. Nhà phát triển dự án PV Fellensiek đã nộp đơn xin phá sản một tháng trước đó do vấn đề thanh khoản. Solarmax, nhà cung cấp hệ thống lưu trữ PV và bộ biến tần dân dụng, cũng tạm thời mất khả năng thanh toán vào tháng 11. Solarmax không thể chịu được sự sụt giảm giá do giá thấp của các nhà sản xuất Trung Quốc.

Nhật báo kinh doanh Handelsblatt đưa tin vào tháng 9 rằng các công ty khác của Đức đã sa thải nhân viên trong bối cảnh nhu cầu năng lượng mặt trời dân dụng sụt giảm. Công ty khởi nghiệp Zolar có trụ sở tại Berlin đã buộc phải cắt giảm hơn một nửa số việc làm.

Ông chủ của Zolar, Jamie Heywood, nói với Handelsblatt vào tháng 9 rằng năm 2022 và 2023 chứng kiến sự bùng nổ trong ngành năng lượng mặt trời, nhưng năm 2024 sẽ "khá khó khăn". Nhà sản xuất biến tần SMA Solar Technology của Đức đã công bố vào tháng 11, việc cắt giảm việc làm sẽ ảnh hưởng tới 1.100 vị trí toàn thời gian trên toàn thế giới vào cuối năm 2025, khoảng 2/3 trong số đó sẽ ở Đức.

Nguyên nhân

Giám đốc tài chính của SMA, Barbara Gregor cho biết: "Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đang trải qua quá trình chuyển đổi". Các nhà kinh tế và nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Wiesbaden, Hochschule RheinMain, đã viết trong một bài báo khoa học vào cuối năm ngoái rằng khả năng đầu tư vào năng lượng mặt trời cho khu dân cư đã bị suy giảm trong những tháng gần đây do trợ cấp giảm và chi phí đầu tư tăng. Các tác giả, đứng đầu là Carlo Kraemer, đã viết trong nghiên cứu: "Ngoài ra, sự không chắc chắn về giá điện đã tăng mạnh, khiến lợi ích kinh tế của việc sử dụng điện tự sản xuất từ hệ thống quang điện dân dụng trở nên rủi ro".

Tập đoàn công nghiệp SolarPower Europe cho biết vào tháng trước rằng sự sụt giảm trong thị trường năng lượng mặt trời dân dụng không chỉ xảy ra ở Đức. Thị trường EU nói chung đã chứng kiến sự sụt giảm về số lượng lắp đặt này vào năm ngoái. SolarPower Europe cho biết trên khắp EU, nhu cầu về năng lượng mặt trời trên mái nhà dân dụng đã giảm vào năm 2024 do tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng giảm dần.

SolarPower Europe cho thấy công suất lắp đặt năng lượng mặt trời mới tại các gia đình đã giảm gần 5 gigawatt (GW) so với năm 2023, với 12,8 GW được lắp đặt.

Walburga Hemetsberger, Giám đốc điều hành của SolarPower Europe cho biết: "Các nhà hoạch định chính sách và nhà điều hành hệ thống châu Âu có thể coi báo cáo năm nay là một thẻ vàng. Việc triển khai năng lượng mặt trời chậm lại có nghĩa là làm chậm các mục tiêu của lục địa này về an ninh năng lượng, khả năng cạnh tranh và khí hậu".

 

BÊ BỐI BẮT TAY CỦA NGOẠI TRƯỞNG TẠI SYRIA

Khi đón hai đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu không bắt tay bà Baerbock

Ngày 3/1, bà Baerbock và người đồng cấp Pháp Jean-Noel Barrot thực hiện chuyến thăm Syria để thay mặt Liên minh châu Âu (EU) trao đổi với ông Ahmed al-Sharaa, nhà lãnh đạo mới của Syria. Nhưng khi đón tiếp, nhà lãnh đạo mới của Syria chìa tay ra với Ngoại trưởng Pháp, nhưng không bắt tay Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock.

Báo Bild của Đức gọi đây là "vụ bê bối bắt tay", sau khi đoạn video cho thấy ông Barrot đưa tay ra, nhưng cuối cùng cũng không có cú bắt tay trọn vẹn.

Bà Baerbock, một trong những chính trị gia đầu tiên gặp ông al-Sharaa sau khi chính quyền Bashar al-Assad sụp đổ, nói rằng bà biết trước điều đó có thể xảy ra. Ở thế giới Hồi giáo, đàn ông và phụ nữ bị cấm tiếp xúc thân thể với những người không phải người nhà.

"Khi tôi đến đây, tôi biết có thể sẽ không có những cái bắt tay thông thường. Không chỉ tôi mà cả bộ trưởng ngoại giao Pháp cũng chia sẻ quan điểm này. Và do đó, bộ trưởng ngoại giao Pháp đã không chìa tay ra”, bà Baerbock nói.

Tranh luận xảy ra trong bối cảnh phương Tây kêu gọi nhà lãnh đạo mới của Syria xây dựng một xã hội bao trùm và khoan dung. Quyền phụ nữ và các nhóm thiểu số là một trong những vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm của ngoại trưởng Đức.

Một số quốc gia Trung Đông cho phép ngoại lệ đối với quy tắc không tiếp xúc

Ở Qatar, thủ tướng nước này đã bắt tay bà Baerbock trong chuyến thăm của bà tới quốc gia vùng Vịnh. Sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô của Syria và trở thành nhà lãnh đạo mới, ông al-Sharaa hứa sẽ xây dựng quốc gia này thành nơi mọi người, kể cả phụ nữ, có cơ hội hòa nhập.

Tuy nhiên, đến nay đã xuất hiện những mâu thuẫn rõ ràng trong cách chính phủ lâm thời của ông hành động kể từ khi nắm quyền. Ngân hàng trung ương của nước này vừa bổ nhiệm nữ thống đốc đầu tiên, nhưng chương trình giảng dạy dự kiến sẽ cấm các trường học dạy thơ về phụ nữ và tình yêu.

Chỉ vài ngày sau khi chính quyền Assad sụp đổ, ông al-Sharaa bị chỉ trích sau khi ra hiệu cho một phụ nữ trẻ che tóc trước khi chụp ảnh với ông.

Phát biểu với BBC, ông cho biết: "Tôi không ép buộc cô ấy. Nhưng đó là quyền tự do cá nhân của tôi. Tôi muốn chụp ảnh theo cách phù hợp với tôi". Người phụ nữ tên là Lea Kheirallah sau đó che tóc bằng mũ của chiếc áo.

Cô cho biết ông al-Sharaa đã đề nghị cô theo "cách nhẹ nhàng và như một người cha", nói rằng ông có "quyền được đề nghị theo cách mà ông thấy phù hợp".

Lực lượng HTS ban đầu áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt về hành vi và trang phục sau khi họ kiểm soát được thành trì của phiến quân ở tỉnh Idlib vào năm 2017, nhưng sau đó phải hủy bỏ do phản ứng dữ dội của dư luận.

 

Nguồn: Năng Lượng Quốc Tế; RFI; Tiền Phong

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang