Đức: Hàng nghìn nhà hàng nguy cơ phải đóng cửa; Kho dự trữ nhiên liệu “đầy ăm ắp”; Đức theo Anh đưa người xin tỵ nạn sang Rwanda

Hàng nghìn nhà hàng nguy cơ phải đóng cửa

Nguy cơ khi trở lại thuế suất doanh thu 19%

Chính phủ Đức đã giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các nhà hàng xuống 7% từ khi có dịch Covid-19. Tuy nhiên, loại thuế này dự kiến sẽ quay trở lại mức 19% vào cuối năm nay.Việc thuế tăng trở lại diễn ra trong bối cảnh các nhà hàng vẫn đang phải vật lộn với hàng loạt khó khăn. Điều này đang làm dấy lên lo ngại sẽ có hàng nghìn nhà hàng phải đóng cửa vì không thể đảm bảo được lợi nhuận.

Nhà hành đang trải qua một giai đoạn kinh doanh đầy khó khăn. Lạm phát cao đã khiến chi phí nguyên liệu đầu vào trở nên đắt đỏ hơn. Bên cạnh đó, là áp lực từ các đợt tăng lãi suất và tình trạng thiếu hụt lao động.

Giờ đây, thách thức sẽ càng lớn hơn nữa, khi chính phủ Đức chuẩn bị chấm dứt việc cắt giảm thuế VAT cho ngành nhà hàng, khách sạn, đã được triển khai trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Điều này sẽ tác động rất tiêu cực đến hoạt động kinh doanh. Thách thức lớn là các sản phẩm có giá đắt hơn, lực lượng lao động thiếu hụt phải tăng lương, kết cục buộc phải tăng giá bán. Nhưng nếu tăng giá thì người mua sẽ giảm.

Rủi ro

Theo Hiệp hội Nhà hàng, Khách sạn Đức, việc thuế VAT quay trở lại mức 19% sẽ khiến 93% số chủ nhà hàng phải tăng giá bán. Rủi ro mất khách là rất cao.

Tại bang Bayern, một chủ nhà hàng đã cố gắng tìm kiếm sự cảm thông từ phía người tiêu dùng, bằng việc công bố hai mức giá trong thực đơn, một là mức giá hiện tại và hai là mức giá khi đợt giảm thuế kết thúc. Rõ ràng là nếu lại bị áp mức thuế VAT 19% với các loại thực phẩm, sẽ buộc phải chuyển một phần mức tăng chi phí về phía khách hàng, tức.

Một thực khách tại nhà hàng cho hay, khi biết tăng giá cho hay: Tôi đã thấy cả hai mức giá hiển thị trên thực đơn, trước và sau khi thuế VAT tăng trở lại. Tôi nghĩ nó sẽ ảnh hưởng đến các nhà hàng nhỏ, bởi vì sẽ ngày càng ít người muốn đi ăn ở ngoài. Tôi không nghĩ như vậy là tốt.

Các quan chức Đức ủng hộ chấm dứt chương trình miễn giảm thuế VAT lập luận rằng, việc duy trì chính sách này trong năm 2024 sẽ tiêu tốn 3,3 tỷ Euro - một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, việc tăng thuế cũng sẽ đẩy nhiều nhà hàng đối mặt với nguy cơ đóng cửa.

Khảo sát dư luận

Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Đức cho biết: Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát, theo đó 12.000 doanh nghiệp cho biết họ sẽ đóng cửa vì không nhận thấy triển vọng tích cực. Vì vậy, quyết định chấm dứt chương trình hỗ trợ cần được cân nhắc một cách nghiêm túc.

Các số liệu thống kê vừa công bố hôm thứ Hai cho thấy, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) dịch vụ của Đức trong tháng 10 đã rơi xuống dưới ngưỡng 50, cho thấy sự thu hẹp hoạt động do nhu cầu yếu. Nhiều ý kiến lo ngại việc thuế VAT tăng trở lại, sẽ khiến ngành dịch vụ của Đức suy giảm hơn nữa, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.

Kho dự trữ nhiên liệu “đầy ăm ắp” không lo Nga cắt hẳn nguồn cung khí đốt

Đức đang chuẩn bị bước vào mùa đông thứ hai không có khí đốt Nga. Nước này đã chuẩn bị tốt hơn nhiều so với mùa đông năm ngoái: Các kho dự trữ đã đầy, năng lực nhập khẩu thay thế đã được tăng lên và các kế hoạch khẩn cấp đã được thực hiện.

Giống như các nước châu Âu khác, Đức có thể rút kinh nghiệm từ mùa đông năm ngoái, khi nhiều người lo ngại về sự thiếu hụt lớn nhưng cuối cùng vẫn tránh được, phần lớn nhờ vào mùa đông ôn hòa.

Vị thế tốt hơn

Trong mùa đông đầu tiên kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, những lo ngại về nguồn cung năng lượng ở châu Âu đã không xảy ra nhờ các biện pháp quyết liệt của EU và thời tiết có phần ôn hòa. “Gã khổng lồ” năng lượng nhà nước Nga Gazprom đã tạm dừng toàn bộ nguồn cung khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) vào cuối tháng 8 năm ngoái.

Nhưng hiện tại, theo một nghiên cứu gần đây do Hiệp hội Năng lượng Đức (BDEW) ủy quyền, chỉ 14% người Đức được khảo sát tin rằng tình trạng thiếu nguồn cung có thể xảy ra trong những tháng mùa đông sắp tới, trong khi 64% tin rằng họ sẽ vượt qua mùa đông năm nay mà không gặp bất kỳ vấn đề lớn nào – ngay cả khi tình hình nguồn cung vẫn còn “chắp vá”.

Trên thực tế, 18% người tham gia khảo sát cho rằng tình hình khá thoải mái và tin chắc rằng Đức sẽ vượt qua mùa đông mà không gặp vấn đề gì. Chỉ có 4% là cảm thấy không chắc chắn.

Điều đó có nghĩa là “4 trong số 5 người tham gia khảo sát tin rằng Đức đã chuẩn bị tốt cho mùa đông sắp tới”, BDEW nhận xét.

Ông Klaus Müller, Chủ tịch cơ quan quản lý năng lượng Đức Bundesnetzagentur (BNetzA), đồng ý rằng quốc gia Tây Âu đang ở vị thế tốt hơn nhiều khi bước vào mùa đông này, lưu ý rằng các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức đã “đầy ăm ắp” vào ngày 5/11 và việc nhập khẩu khí đốt vẫn ổn định.

Những dự báo lạc quan của ông Müller dựa trên 6 kịch bản mới về mô hình hóa nguồn cung khí đốt của Đức trong những tháng tới. BNetzA đã giới thiệu các mô hình này vào đầu tháng 11 và chỉ có 2 trong số 6 kịch bản này là đáng báo động.

Kịch bản tệ nhất

Nếu mùa đông vẫn lạnh vừa phải thì BnetzA tin rằng có rất ít nguy cơ nguồn cung bị thắt chặt. Điều này có thể thay đổi nếu nhiệt độ giảm đáng kể, như đã xảy ra vào mùa đông năm 2012.

Một thách thức khác có thể là nếu Nga cắt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine vào cuối tháng này. Điều này sẽ buộc Đức, quốc gia hiện nắm giữ công suất lưu trữ khí đốt lớn nhất EU, phải tăng cường tái xuất khẩu khí đốt sang Áo và các nước Đông Nam Âu.

Vấn đề cuối cùng mà BnetzA dự đoán là liệu Đức không thể nhập đủ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) thông qua các cảng ở Bỉ và Hà Lan. Trường hợp như vậy sẽ xảy ra nếu tiêu dùng nội địa ở chính các quốc gia láng giềng này tăng lên do nhiệt độ thấp hơn.

Tuy nhiên, ông Müller khuyến nghị người Đức nên tiếp tục tiết kiệm năng lượng. “Không thể để mình bị quá lạnh, nhưng chúng tôi yêu cầu mọi người tiếp tục suy nghĩ cẩn thận về những cách có thể để giảm mức tiêu thụ năng lượng”, ông nói.

Người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Đức nói thêm rằng sử dụng ít khí đốt hơn cũng sẽ tiết kiệm được tiền. Trung bình, mỗi hộ gia đình ở Đức đã tiết kiệm được khoảng 440 euro nhờ sử dụng ít khí đốt hơn trong khoảng thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023.

Tóm lại, nếu nước Đức cạn kiệt khí đốt vào mùa đông này thì cũng phải đến tháng 2 năm sau điều đó mới xảy ra, và chỉ khi kịch bản tệ nhất xảy ra:

Thứ nhất, mùa đông sắp tới sẽ phải đặc biệt lạnh. Thứ hai, các hộ gia đình và các ngành công nghiệp sẽ phải duy trì mức tiêu thụ năng lượng cao. Thứ ba, Nga sẽ ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine vào tháng 11. Thứ tư, Đức sẽ buộc phải tái xuất khẩu một lượng đáng kể khí đốt từ các cơ sở lưu trữ của mình sang Nam Âu. Và thứ năm, nhập khẩu khí đốt từ các cảng LNG của Bỉ và Hà Lan phải giảm đáng kể.

Tất nhiên, không thể loại trừ kịch bản như vậy, nhưng các chuyên gia cho rằng rất khó có khả năng tất cả những yếu tố bất lợi như vậy xảy ra cùng một lúc.

Thực tế, nhu cầu tiêu thụ giảm do tàn dư của cuộc khủng hoảng năng lượng và thời tiết ôn hòa đang giúp châu Âu tiết kiệm đáng kể khí đốt. Theo dự báo của Maxar Technologies, phần lớn “cựu lục địa” sẽ có nhiệt độ ấm hơn bình thường vào giữa tháng 11

Theo Anh đưa người xin tỵ nạn sang Rwanda

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong phát biểu trên truyền thông vào đêm 06/11 đã nêu cam kết sẽ “xem xét cách thức cứu xét đơn tỵ nạn ở nước ngoài”, thay vì làm trên lãnh thổ Đức.

Đây là dấu hiệu thái độ của Đức thay đổi, trở nên cứng rắn hơn trước vấn đề người nhập cư lậu nhưng chính phủ của ông Scholz chưa hề nói nước thứ ba nào sẽ được chọn để người xin tỵ nạn "tạm cư".

Bối cảnh chính trị chung là các đảng ở Đức đều phải bận tâm tới chuyện di dân và một số đảng cực hữu ở các tiểu bang tìm cách giành phiếu trong bầu cử bằng lá bài chống di dân.

Quy chế Boris Johnson

Tuy thế, ông Scholz chưa tỏ ra muốn đi con đường của Anh mà chỉ tỏ ra quan tâm đến cách Anh thời Boris Johnson đề xuất.

Đó là quy chế chuyển ngay bất cứ ai vào Anh bất hợp pháp xin tỵ nạn, sang nước châu Phi, Rwanda trong khi chờ xét đơn.

Nếu bị bác đơn, họ có quyền ra khỏi trung tâm tạm cư và đi đâu thì đi ở châu Phi.

Đổi lại, Anh trả cho Rwanda hàng trăm triệu đô.

Phương án Rwanda cũng chưa đi tới đâu

Nhưng hiện nay, thỏa thuận ký năm 2022 bị toà án tại Anh ách lại vì lý do nhân quyền.

Trong số các nguyên đơn kiện chính phủ Anh bắt họ đi Rwanda có một người Việt Nam.

Ông ta nói vì mắc nợ và bị xã hội đen ở Việt Nam đe dọa tính mạng nên phải được quyền tỵ nạn tại Anh.

Dù Anh chưa làm được gì với phương án Rwanda, tại Đức và châu Âu hiện các chính trị gia đều nghiên cứu cách dùng trung tâm thanh lọc tỵ nạn ở nước thứ ba để tìm cách hạn chế người vào nước họ xin tỵ nạn rồi ở luôn lại.

Gần đây EU muốn tăng cường các biện pháp cho hồi hương di dân trái phép như chính sách chung nhưng các nước thành viên vẫn phải tự lo việc của mình.

Hôm 06/11, Thủ tướng Ý, bà Giorhia Meloni tuyên bố đã ký được với Albania hợp đồng lập hai trung tâm xử lý đơn tỵ nạn.

Theo thỏa thuận này, người vào Ý (rất đông từ châu Phi), sẽ được chuyển sang Albania chờ xét đơn tỵ nạn.

Hiện trạng nhập cư ở Đức

Còn tại Đức, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, 230 nghìn người nhập cư nộp đơn xin tỵ nạn.

Trong 10 ngày tổ chức kiểm tra thử, đột xuất ở biên giới phía Đông của Đức với CH Czech, Ba Lan tháng 10 vừa qua, cảnh sát liên bang Đức đã phát hiện ra trên ba nghìn ca người nhập cư lậu chui trong xe thùng đi vào lãnh thổ nước họ.

Một số lái xe người Lithuania và Ukraine đã bị bắt và phạt tiền.

Hoạt động khám xe, chặn bắt người di cư của Bộ Nội vụ Đức tuy thế đã bị bang Brandenburg và thành phố Berlin phản đối vì họ không còn chỗ ở cho những người Syria, Afghanistan...bị bắt từ xe tải.

Chỉ trong tháng 9 năm nay, thủ đô Berlin của Đức nhận được đơn xin tỵ nạn từ hơn 12 nghìn người. Trong cả năm nay, Berlin mới cứu xét xong chừng 3000 đơn và các trung tâm tạm cư cho người tỵ nạn hoặc chờ xét đơn đã chật cứng.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang