.png)
CHÍNH THỨC ĐẠT THỎA THUẬN THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ MỚI
Hơn 6 tuần đàm phán
Ngày 9/4, hai chính đảng lớn tại Đức là Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã thống nhất được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh mới, chấm dứt hơn sáu tuần đàm phán kể từ cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 2 vừa qua.
Theo kế hoạch, chi tiết của thỏa thuận được lãnh đạo hai đảng công bố trong cuộc họp báo tổ chức tại thủ đô Berlin vào lúc 15h ngày 9/4 theo giờ địa phương. Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ mang lại sự ổn định cho chính trường Đức trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước.
Kỳ vọng
Dự kiến, ông Friedrich Merz – lãnh đạo đảng CDU – sẽ được bầu làm Thủ tướng mới của Đức vào tháng 5 tới. Đây là bước đi tiếp theo trong tiến trình chuyển giao quyền lực, sau khi các bên hoàn tất việc phân chia các vị trí trong nội các liên minh.
Việc đạt được đồng thuận giữa CDU/CSU và SPD đánh dấu một bước ngoặt quan trọng sau nhiều bất đồng về chính sách trong giai đoạn sau bầu cử. Giới quan sát kỳ vọng chính phủ liên minh mới sẽ đưa ra được những chính sách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải cách hệ thống thuế và đảm bảo an ninh năng lượng cho nước Đức trong thời gian tới.
NGƯỜI ĐỨC VẪN SỐNG CHUNG VỚI INTERNET 'CHẬM NHƯ RÙA BÒ', VÌ SAO?
Tốc độ Internet chậm như rùa bò
Người dân Đức hiện vẫn phải sử dụng internet tốc độ “rùa bò”, điều này không chỉ xảy ra ở những khu vực biệt lập mà còn tại các thành phố lớn như Berlin và München.
Tờ El Pais (Tây Ban Nha) dẫn lời một nhà báo Đức phản hồi sau khi nghe đồng nghiệp nước ngoài phàn nàn về thiếu tín hiệu mạng tại sự kiện thuộc Liên hoan phim Berlin: “Tất nhiên, bình thường là ở đây không có tín hiệu, rất nhiều người đang ở cùng một nơi”. Một số nhà báo quốc tế hài hước so sánh rằng, chất lượng wifi ở những thị trấn hẻo lánh trên đảo Mallorca còn tốt hơn cả ở trung tâm Berlin.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu có vấn đề nghiêm trọng về phạm vi phủ sóng di động và internet. Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nhiều lần đề cập đến vấn đề này và tác động của nó với các doanh nghiệp. Bà Merkel còn nhắc đến Tây Ban Nha là ví dụ về quốc gia đã làm tốt trong số hóa và internet tốc độ cao.
Một số người dân Đức còn nhận thấy chủ đề về trí tuệ nhân tạo (AI) dường như đã vắng bóng trong cuộc bầu cử gần đây nhất của Đức. "Làm sao chúng ta có thể tranh luận về AI nếu chúng ta thậm chí không có internet ở trung tâm thành phố München?", hai thanh niên ngồi trước máy tính xách tay của họ tại một quán cà phê ở Berlin phàn nàn nửa đùa nửa thật với phóng viên El Pais.
Vấn đề này đã tồn tại từ lâu. Năm 2018, Đảng Xanh đề nghị Quốc hội Đức thực hiện một nghiên cứu, qua đó cho thấy tốc độ mạng di động tại Đức thậm chí còn thua cả Albania. Tuy nhiên, chính phủ vào thời điểm đó không nhận thấy lý do gì để hành động. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức khi đó Anja Karliczek thậm chí đánh giá rằng không phải tất cả các hộ gia đình đều cần phủ sóng điện thoại di động 5G.
Chiến lược hệ thống cáp quang hiện đại
Tháng 2/2023, chính phủ đã công bố Chiến lược Gigabit, với mục tiêu triển khai hệ thống cáp quang hiện đại trên toàn quốc, cùng với tiêu chuẩn mới nhất cho điện thoại di động “ở mọi nơi người dân sinh sống, làm việc và di chuyển”.
Mục tiêu tạm thời được đặt ra là đến năm 2025 kết nối 50% hộ gia đình và doanh nghiệp với cáp quang. Đối với điện thoại di động, các quan chức Đức đang đặt mục tiêu có được dữ liệu và liên lạc thoại không bị gián đoạn trên khắp cả nước vào năm 2026. Kể từ cuối năm 2021, Đức đã ban hành "quyền được sử dụng internet tốc độ cao", với sửa đổi để đảm bảo tốc độ tải xuống tối thiểu là 15 Mbps và tốc độ tải lên tối thiểu là 5 Mbps.
Tuy nhiên, Đức vẫn tiếp tục tụt hậu so với thế giới
Trong Chỉ số toàn cầu Speedtest - trang web chuyên về kiểm tra tốc độ internet – hiện tại Đức xếp thứ 56 trong số 152 quốc gia về tốc độ internet băng thông rộng, kém xa các quốc gia châu Âu khác. Ví dụ, Tây Ban Nha đứng thứ 9 trong danh sách. Về internet di động, Đức chỉ đạt 68,91 Mbps và đứng ở vị trí thứ 56.
Một cuộc khảo sát khác cho kết quar tỷ lệ kết nối internet tốc độ cao trên 250 Mbps ở Tây Ban Nha cao hơn 2,5 lần so với ở Đức. 31% trong số 2.000 người được hỏi ở Đức cho biết họ thường xuyên gặp sự cố kết nối trong năm qua.
Các nhà cung cấp internet đang nỗ lực thay đổi điều này, nhưng vẫn còn nhiều khu vực có vùng phủ sóng kỹ thuật số kém cần được đầu tư.
HÉ LỘ TRUNG TÂM CHỈ HUY TUYỆT MẬT Ở ĐỨC HỖ TRỢ UKRAINE
.jpg)
Trung tâm chỉ huy quân sự tuyệt mật
Valerii Zaluzhnyi, Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh và cựu Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine đã xác nhận sự tồn tại của một trung tâm chỉ huy quân sự bí mật ở Wiesbaden, Đức, theo Hãng thông tấn Belarus Nexta.
Được thành lập vào năm 2022 với sự hợp tác của các đối tác Mỹ, trung tâm này đóng vai trò then chốt trong việc lập kế hoạch hoạt động chống lại lực lượng Nga trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Ông Zaluzhnyi mô tả đây là "vũ khí bí mật" định hình khả năng phối hợp và thực hiện các chiến lược quân sự phức tạp của Ukraine.
Tiết lộ này được Hãng thông tấn Belarus Nexta đưa tin qua tài khoản X, đã vén bức màn bí mật về một yếu tố quan trọng nhưng trước đây chưa được tiết lộ về sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine, làm dấy lên câu hỏi về mức độ can dự của Mỹ và tầm quan trọng chiến lược của thành phố Đức này trong cuộc xung đột.
Địa điểm trung tâm chỉ huy
Wiesbaden, một thành phố yên bình ở phía Tây nước Đức, vốn được biết đến nhiều hơn với các suối nước nóng hơn là tầm quan trọng quân sự, thoạt nhìn có vẻ là một lựa chọn lạ lùng cho một hoạt động đầy rủi ro. Tuy nhiên, việc lựa chọn nơi này làm trung tâm không hề ngẫu nhiên. Thành phố là nơi tọa lạc của Clay Kaserne - một căn cứ quân sự chủ chốt của Mỹ, đồng thời là trụ sở của Bộ Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi.
Chỉ cách trung tâm lịch sử của Wiesbaden vài dặm, Clay Kaserne từ lâu đã đóng vai trò trung tâm chỉ huy trong các chiến dịch quân sự của Mỹ trên toàn châu Âu. Từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine leo thang, vị thế của căn cứ này càng được củng cố. Việc Quân đoàn Dù XVIII - một lực lượng nổi tiếng với khả năng triển khai nhanh chóng và sẵn sàng chiến đấu cao có mặt tại đây đã càng nhấn mạnh tầm giá trị chiến lược của Wiesbaden.
Với cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống liên lạc bảo mật và vị trí chiến lược gần các đồng minh NATO, Clay Kaserne đã trở thành một trung tâm lý tưởng để phối hợp từ xa với các lực lượng Ukraine cách hàng nghìn cây số. Không chỉ nổi bật về vị trí, nền tảng công nghệ tại đây cũng gây ấn tượng mạnh. Dù nhiều thông tin vẫn được giữ kín, có thể suy đoán rằng trung tâm này đã khai thác các hệ thống tối tân nhằm hỗ trợ hiệu quả cho nỗ lực quân sự của Ukraine.
Hoạt động của Trung tâm
Các công cụ như hình ảnh vệ tinh, dữ liệu chiến trường theo thời gian thực và tình báo tín hiệu có thể đã đóng vai trò then chốt, giúp các nhà hoạch định theo dõi chặt chẽ hoạt động điều quân của Nga cũng như xác định các mục tiêu có giá trị cao trên chiến trường.
Các hệ thống như Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, hay HIMARS, mà Mỹ bắt đầu cung cấp cho Ukraine vào giữa năm 2022, có thể đã được tích hợp vào quy trình lập kế hoạch tại đây. HIMARS, do Lockheed Martin phát triển là một bệ phóng gắn trên xe tải có khả năng bắn tên lửa và tên lửa dẫn đường chính xác ở khoảng cách lên đến 300 km. Tính cơ động và độ chính xác của nó đã biến nó thành một yếu tố thay đổi cuộc chơi trên chiến trường, cho phép lực lượng Ukraine tấn công các sở chỉ huy, kho đạn dược và tuyến tiếp tế của Nga. Bằng cách cung cấp thông tin tình báo thời gian thực từ Wiesbaden cho các nhà điều hành Ukraine, Mỹ có thể tối đa hóa tác động của hệ thống mà không cần phải đưa quân đội Mỹ xuống mặt đất.
HIMARS tự nó đã là một kỳ tích của công nghệ hiện đại. Với trọng lượng khoảng 11 tấn khi được nạp đầy, hệ thống này có thể di chuyển với vận tốc lên tới 85 km/h và sẵn sàng khai hỏa chỉ sau vài phút kể từ khi đến vị trí phóng. Mỗi bệ phóng có thể mang theo sáu tên lửa thông thường hoặc một tên lửa thuộc Hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội (ATACMS), loại tên lửa có tầm bắn lên đến 300 km và đủ sức xuyên phá các công trình kiên cố.
So với hệ thống tên lửa phóng loạt BM-30 Smerch của Nga - với tầm bắn khoảng 90 km và độ chính xác thấp hơn - HIMARS thể hiện rõ lợi thế vượt trội về công nghệ. Việc tích hợp hệ thống vũ khí tinh vi này với nguồn tình báo gần như thời gian thực từ các trung tâm chỉ huy như Wiesbaden đã làm rõ lý do vì sao Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine Zaluzhnyi xem đây là "vũ khí bí mật". Không chỉ nhờ vào thiết bị hiện đại, mà chính sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa dữ liệu và hành động mới là yếu tố quyết định, biến thông tin thành những đòn tấn công chính xác và hiệu quả.
Tình thế thay đổi
Trong những tháng đầu của cuộc xung đột, quân đội Ukraine chủ yếu ở thế phòng thủ, đẩy lùi cuộc tấn công ban đầu của Nga vào Kiev và giữ vững phòng tuyến ở phía Đông. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, tình thế bắt đầu thay đổi. Nhờ các cuộc phản công ở Kharkiv và Kherson, Ukraine đã giành lại được lãnh thổ đáng kể, một phần là nhờ vào kế hoạch tỉ mỉ và sự hỗ trợ của phương Tây. Trung tâm chỉ huy có thể đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động này, cung cấp khuôn khổ hậu cần để chuyển thông tin tình báo từ vệ tinh và máy bay không người lái đến các chỉ huy tiền tuyến gần như theo thời gian thực.
Sự hỗ trợ này đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc tấn công táo bạo của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga vào tháng 8 năm 2024, khi quân đội Ukraine vượt biên giới và chiếm giữ lãnh thổ Nga trong thời gian ngắn - một chiến dịch khiến Moscow sửng sốt và cho thấy sự tinh vi về mặt chiến thuật ngày càng tăng của Kiev.
Trong chiến dịch đó, lực lượng Ukraine xâm nhập sâu tới 32 km vào lãnh thổ Nga, bước tiến xa nhất của Ukraine kể từ khi chiến tranh nổ ra và cũng lé lộ vai trò có thể có của trung tâm Wiesbaden.
Tờ New York Times đưa tin vào tháng 3/2025 rằng, các sĩ quan Mỹ và Ukraine đã hợp tác chặt chẽ tại căn cứ Wiesbaden để chuẩn bị cho những cuộc tấn công như vậy - một mối quan hệ hợp tác đã được thiết lập từ nhiều năm trước cuộc tấn công tại Kursk. Dù chi tiết về từng chiến dịch vẫn được giữ kín, việc kết hợp giữa công nghệ tiên tiến của Mỹ và kinh nghiệm chiến trường của Ukraine tại trung tâm này có thể đã mang lại cho Kiev sự tự tin để đưa ra những quyết định táo bạo và đầy rủi ro.
Ngoài chiến trường, tiết lộ này còn mang ý nghĩa rộng hơn. Phương Tây từ lâu đã bị cáo buộc tiến hành chiến tranh ủy nhiệm tại Ukraine và tuyên bố về trung tâm chỉ huy bí mật này có thể là bằng chứng cho điều đó.
Nguồn: VTV; Báo Tin Tức; Hà Nội Online
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá