Đức: Đảng thắng cử CDU/CSU đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; Cơ chế “phanh nợ” cản trở kinh tế

ĐẢNG THẮNG CỬ CDU/CSU: ĐƯA ĐẤT NƯỚC BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI

Theo kết quả sơ bộ bầu cử quốc hội sớm tại Đức ngày 24-2, Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) chiến thắng và Đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz thua cay đắng.

Ngay sau khi cầm chắc chiến thắng, lãnh đạo phe bảo thủ Friedrich Merz, người dự kiến trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức, đã bắt tay ngay vào thành lập một liên minh cầm quyền để nhanh chóng giải quyết các cuộc khủng hoảng: trong nước là sự chia rẽ về vấn đề di cư và bên ngoài là thế kẹt giữa một nước Mỹ quay lưng với châu Âu và Nga - Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

"Thế giới không chờ đợi chúng ta"

Theo kết quả sơ bộ bầu cử quốc hội sớm, CDU/CSU về nhất với 29% số phiếu ủng hộ, đảng cực hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) về thứ hai với 19,6%, tiếp theo là Đảng Dân chủ xã hội (SPD) của đương kim Thủ tướng Olaf Scholz 16%.

Số phiếu còn lại thuộc về Đảng Xanh (13,3%), đảng cánh tả Linke (8,6%), Đảng Dân chủ tự do (FDP, 4,9%) và Liên minh Sahra Wagenknecht (BSW) cực tả 4,8%.

Ông Merz đặt mục tiêu thành lập chính phủ vào dịp Lễ Phục sinh (20-4): Thế giới ngoài kia không chờ đợi chúng ta và không chờ đợi những cuộc đàm phán và thương lượng liên minh kéo dài.

Chính trị gia bảo thủ cấp cao của CDU Jens Spahn cho biết các cuộc đàm phán đầu tiên sẽ được tổ chức "vào tuần này, trong vài ngày tới".

Khả năng liên minh

Theo giới phân tích, CDU/CSU có thể liên kết với SDP hoặc Đảng Xanh bởi trước đó liên minh này đã bác bỏ việc bắt tay với phe cực hữu. Tuy nhiên AfD và Đảng Linke, vốn phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine, có đủ lá phiếu để gây khó dễ cho cho ông Merz nếu muốn nâng trần nợ.

Vấn đề nội bộ lớn nhất của Đức là nền kinh tế yếu kém và chính sách tị nạn. "Bạn có thể cảm nhận được sự bất ổn trong số người Đức. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để tạo ra hướng thay đổi ở Đức", lãnh đạo CSU Markus Soder cam kết.

Tuy nhiên, các chính sách sắp tới như tăng chi tiêu quân sự, khôi phục hạ tầng, chuyển đổi thân thiện hơn với môi trường sẽ ngốn hàng tỉ euro trong khi nền kinh tế Đức đang rơi vào khủng hoảng lớn nhất kể từ khi tái thống nhất năm 1990.

Trong khi đó, dù tuyên bố sẽ xây dựng lại vị thế của Đức trên thế giới, một trong những động thái đầu tiên của ông Merz sau khi nắm quyền có thể là siết chặt biên giới. Sau loạt các vụ tấn công chết người đã làm lung lay lòng tin của công chúng, ông Merz đã hứa sẽ thực hiện chiến dịch "không khoan nhượng" để khôi phục trật tự và sẽ giam giữ những người xin tị nạn bị từ chối đang chờ trục xuất.

Kỳ vọng của châu Âu

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên của Đức kể từ khi nổ ra chiến sự Nga - Ukraine, trong đó Berlin là nước viện trợ cho Kiev nhiều thứ hai sau Mỹ. Nhưng tình hình đã thay đổi kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng và "quay lưng" với châu Âu.

Theo Washington, việc hỗ trợ thêm cho Ukraine nên là của châu Âu và lục địa này cũng phải chịu trách nhiệm lớn hơn đối với năng lực phòng thủ của chính mình.

Điều này có nghĩa là Chính phủ Đức cần nhanh chóng xác định các ưu tiên của mình, đặc biệt là nếu muốn đảm nhận vai trò lãnh đạo mà CDU đã nói trong chiến dịch tranh cử.

"Là nước Đức, chúng ta cần đảm nhận vai trò lãnh đạo ở châu Âu, không phải từ bên trên, mà là với Pháp, với Ba Lan, với một Liên minh châu Âu vững mạnh" - Tổng thư ký CDU Carsten Linnemann nhấn mạnh trước cuộc bỏ phiếu.

Ông Merz (69 tuổi) chưa từng phụ trách vị trí bộ trưởng trong Chính phủ Đức. Tuy nhiên, ông cam kết sẽ phối hợp với các đồng minh để đưa nước Đức trở lại vị thế trung tâm châu Âu. Ngoài ra, ông cũng chủ trương thúc đẩy năng lực quốc phòng của châu Âu trong bối cảnh "lục địa già" và Mỹ gia tăng căng thẳng về vấn đề Ukraine cũng như tài trợ cho NATO.

"Đối với tôi, đẩy nhanh tăng cường sức mạnh châu Âu sẽ là ưu tiên hàng đầu để từng bước độc lập với Mỹ về quốc phòng" - ông nói sau khi chỉ trích Washington "can thiệp" vào cuộc bầu cử của Berlin.

Trong khi đó, châu Âu cũng sốt ruột không kém. Sau cuộc bầu cử, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Kaja Kallas đã kêu gọi Đức nhanh chóng thành lập một liên minh mới khi khối này đang phải đối mặt với thách thức quan trọng.

"Người dân Đức đã đưa ra lựa chọn và giờ họ cần thành lập chính phủ. Tôi hy vọng họ sẽ làm điều đó càng nhanh càng tốt vì chúng ta thực sự cần phải tiếp tục đưa ra các quyết định ở cấp độ châu Âu đòi hỏi có sự tham gia của Đức", bà Kallas nói.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng chúc mừng ông Merz và "mong được hợp tác với ông trong thời điểm then chốt này của chúng ta về an ninh chung. Việc châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng là rất quan trọng và vai trò lãnh đạo của ông sẽ là chìa khóa".

 

CƠ CHẾ “PHANH NỢ” CẢN TRỞ KINH TẾ

Theo các chuyên gia, chính phủ mới của nước Đức được thành lập sẽ phải đối mặt với vấn đề đã làm sụp đổ chính phủ trước đó là cơ chế "phanh nợ".

Kinh tế Đức suy giảm, trì trệ

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ tại Đức cho thấy Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo về đầu trong bầu cử Quốc hội trước thời hạn, nhưng vẫn chưa hội tụ đủ điều kiện thành lập chính phủ mới. Trong khi đó, thách thức kinh tế là rất lớn. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã ghi nhận 2 năm suy giảm liên tiếp. Vậy điểm nghẽn kinh tế của quốc gia này đang nằm ở đâu?

Cỗ xe tăng Đức đang rơi vào suy thoái. Đức đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và nhu cầu xuất khẩu giảm. Thậm chí, tờ Người bảo vệ của Anh còn gán biệt danh "kẻ ốm yếu của châu Âu - sick man of Europe" cho Đức trong suốt thời gian qua.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức mới đây cho biết, nền kinh tế nước này có thể suy giảm tới 0,5% trong năm nay, đánh dấu năm suy giảm thứ ba liên tiếp. Lạm phát dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức 2,3% - cao hơn mức mục tiêu. Trong khi đó, xuất khẩu suy yếu cũng được xem là những nguyên nhân chính khiến kinh tế Đức tụt dốc.

Khảo sát do Hiệp hội ngành cơ khí Đức thực hiện mới nhất cho thấy, 34% trong số hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên đã xếp loại tình hình đơn hàng của họ trong sáu tháng tới là rủi ro "lớn" hoặc "rất lớn". Kết quả là nhiều công ty đang trì hoãn đầu tư và 25% buộc phải cắt giảm nhân sự trong sáu tháng tới.

Ông Robert Habeck - Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức cho biết: "Nhìn chung, Đức đang rơi vào tình trạng trì trệ. Thứ nhất, cái gọi là sáng kiến tăng trưởng, gồm một gói các biện pháp nhằm củng cố vị thế của kinh tế Đức, chỉ được thực hiện một phần do bất đồng giữa các đảng phái trong liên minh chính phủ. Thứ hai, những bất ổn địa chính chỉ gia tăng, chủ yếu do do chính sách thuế quan mới của Mỹ đang làm giảm triển vọng xuất khẩu".

"Chính phủ Đức cần có sáng kiến lớn về đầu tư. Các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đổi mới, giáo dục, biến đổi khí hậu cũng như an ninh đang cần tới sự đầu tư bổ sung lớn. Tuy nhiên, các biện pháp "phanh nợ" đang cản trở điều này. Chính phủ sẽ cần giải quyết vấn đề đó", ông Marcel Fratscher - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức nhận định.

Điểm nghẽn "cỗ xe tăng" Đức đang gặp phải

Theo các chuyên gia, chính phủ mới của nước Đức được thành lập sẽ phải đối mặt với vấn đề đã làm sụp đổ chính phủ trước đó là cơ chế "phanh nợ". Đây chính là điểm nghẽn mà "cỗ xe tăng" Đức đang gặp phải trong điều hành kinh tế. Vậy cơ chế này là gì và sức mạnh tới đâu mà đã buộc nước Đức phải giải tán Quốc hội bầu lại?

"Phanh nợ" là cơ chế kỷ luật ngân sách nhằm kiểm soát nợ công và thâm hụt, được đưa vào Hiến pháp Đức từ năm 2009, quy định thâm hụt ngân sách hàng năm của chính quyền liên bang không được vượt quá 0,35% tổng sản phẩm nội địa. Thêm vào đó là quy định chung của Liên minh châu Âu mà nước Đức phải tuân thủ: Tổng giá trị các khoản nợ công không được vượt quá 60% tổng sản phẩm nội địa, cả năm làm ra 100 tỷ thì tổng số tiền đang vay không được vượt quá 60 tỷ. Hai mức trần, 0,35% và 60% đã là đề tài tranh luận dữ dội cuối năm ngoái, khi thực tế cho thấy nước Đức cần thêm nữa vốn đầu tư.

Bà Manuela Schwesig - Đảng Dân chủ Xã hội Đức cho biết: "Chúng tôi đề xuất cải cách cơ chế "phanh nợ". Chúng ta đều thấy ở Đức rằng, cho dù đó là đường sắt, đường bộ, cầu cống, bệnh viện, trường học… thì ở đâu cũng thiếu vốn. Điều quan trọng là Nhà nước phải có khả năng tài trợ cho các khoản đầu tư, thông qua vốn vay".

Bất đồng về cải cách "phanh nợ", nâng trần nợ công, đã làm sụp đổ chính phủ do Đảng Dân chủ Xã hội đứng đầu. Nay Đảng Dân chủ Cơ đốc sắp lập chính phủ mới, vấn đề vẫn còn nguyên. Nếu vẫn tự gò mình vào kỷ luật ngân sách thì lấy đâu ra tiền tài trợ cho các khoản đầu tư thiết yếu, đặc biệt là quá trình chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số.

"Chúng ta cần kích thích tài chính. Nước Đức cần tiền đầu tư và phải vay thêm nợ để có tiền đầu tư. Người Mỹ đã làm như vậy, người Pháp cũng thế, các nước đều vay nợ. Nợ công của nước Đức không được vượt quá 60% tổng sản phẩm nội địa. Nhưng tại Mỹ, nợ công tương đương 120% GDP, Pháp cũng 120%, Italy tới 140%. Chúng ta chỉ loay hoay ở mức trần 60%, thay vì có thể vực dậy mọi thứ với vài tỷ USD mà chúng ta có thể huy động", Tiến sĩ Otto Schlorb - Chuyên gia tư vấn doanh nghiệp Đức nói.

Khi còn ở vị thế đối lập, Đảng Dân chủ Cơ đốc nhấn mạnh phải duy trì sự nghiêm ngặt kỷ luật tài khóa, nhất quyết không cải cách cơ chế "phanh nợ". Nay Đảng Dân chủ Cơ đốc sắp lên nắm quyền lãnh đạo nước Đức, giới doanh nghiệp đang trông đợi, nhu cầu vốn đầu tư cho tăng trưởng kinh tế đang đòi hỏi phải có hướng tiếp cận linh hoạt hơn.

Rõ ràng, nâng trần nợ công, tăng thâm hụt ngân sách sẽ là lời giải để dẫn dắt tăng trưởng với kinh tế Đức lúc này. Chủ tịch đảng Dân chủ Cơ đốc, ông Friedrich Merz, nhiều khả năng sẽ trở thành Thủ tướng nước Đức thời gian tới cho biết đang tích cực đàm phán và hy vọng có thể thành lập được chính phủ liên minh vào lễ Phục sinh, tức trước ngày 20/4 tới.

 

Nguồn: Tuổi Trẻ; Thị Trường Việt Nam

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang