Đưa bao cao su cho kẻ hiếp dâm; 'Nếm trái cấm' tuổi 15; Tiêm thuốc trừ sâu giết vợ; Báo động trẻ em trầm cảm tự tử

Đưa bao cao su cho kẻ hiếp dâm: 3 lời khuyên từ chuyên gia tâm lý

Nhiều nạn nhân yêu cầu kẻ hiếp dâm đeo bao cao su để quan hệ tình dục, đồng thời lợi dụng sự lơ là của đối tượng để thoát thân.

Trái ngược với những vụ hiếp dâm thường thấy, có một số trường hợp nạn nhân đã chủ động đưa bao cao su cho kẻ hiếp dâm. Đây được xem là lựa chọn đúng, nhằm bảo vệ bản thân mình khỏi nguy cơ về lây nhiễm bệnh tình dục và có thai ngoài ý muốn.

Nạn nhân tự nguyện đưa bao cao su

Tối 7-5, trên mạng xã hội lan truyền clip về việc một nam thanh niên cầm dao lao vào cửa hàng quần áo, sau đó khống chế chủ quán với mục đích ép quan hệ tình dục. Theo nội dung clip, tên biến thái đã liên tục có những hành vi cưỡng ép, đe dọa, bắt phải cho quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nạn nhân đã nhanh trí yêu cầu nghi phạm sử dụng bao cao su trước khi vào “cuộc yêu”, lợi dụng lúc đối tượng mất cảnh giác, người phụ nữ đã cướp được con dao và hô hoán người dân xung quanh đến cứu.

Trước đó, câu chuyện nạn nhân đưa bao su cho kẻ hiếp dâm đã từng gây rúng động tại Bình Định. Cụ thể là ông NDK sau khi đi nhậu về, trong lúc say xỉn đã lẻn vào nhà chị LTHP đòi quan hệ tình dục. Vì từng nghe tới nhiều trường hợp nạn nhân chống cự bị kẻ hãm hiếp giết hại, chị đành cắn răng để cho tên “yêu râu xanh” cưỡng hiếp tới 3 lần trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, thậm chí còn đưa bao cao su cho hắn dùng cả 3 lần đó để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân. Sau khi sự việc xảy ra, chị đã nhờ tới công an can thiệp. Bị cáo bị tuyên phạt 24 tháng tù và bồi thường cho bị hại 13 triệu đồng.

Cũng như chị P, chị H (ngụ tại Hải Phòng) đã bình tĩnh hướng dẫn tên trộm dùng bao cao su trước khi cưỡng hiếp vì sợ lây nhiễm bệnh và mang thai ngoài ý muốn. Theo thông tin, vào ngày 15-8-2013, tên trộm VNTh bất ngờ vào tiệm cắt tóc của chị H rồi đóng sập cửa lại, hăm dọa “kêu lên sẽ đâm chết”, đồng thời cầm theo cây kéo lao đến cưỡng hiếp vì thấy nạn nhân xinh đẹp. Sau nhiều lần đàm phán bất thành, chị đành thỏa hiệp với điều kiện sử dụng bao cao su. Công an quận Lê Chân đã bắt được VNTh sau 4 tiếng đồng hồ kể từ khi nhận tin báo của nạn nhân.

3 lý do nên đề nghị kẻ xấu dùng bao cao su

Từ thực tế trên, một số ý kiến bạn đọc băn khoăn rằng liệu có nên đưa bao cao su cho kẻ hiếp dâm? Đã từng có ý kiến nghi ngờ nạn nhân đưa bao cao su cho kẻ hiếp dâm rằng có khi nào chính họ là người đồng thuận chứ không phải bị hiếp.

Trao đổi với PLO, TS tâm lý học Trần Thư Hà (Giảng viên Trường Đại học Văn Lang) cho biết hành động nạn nhân đề nghị kẻ hiếp dâm đi mua bao cao su hoặc đưa bao cao su yêu cầu đối tượng sử dụng là cách hoãn binh để tìm kế thoát thân phù hợp, nhằm đánh lạc hướng của kẻ xâm hại. Có 3 lý do mà nạn nhân nên đưa ra yêu cầu đối với kẻ xấu nên dùng bao cao su:

“Thứ nhất, yêu râu xanh” đang bị thôi thúc bởi dục vọng, nhưng khi nghe đề nghị này thường sẽ dừng lại cân nhắc, không dám hành xử ngay vì nghi ngờ nạn nhân mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như: HIV/AIDS, HPV, giang mai, lậu… Đồng thời, đối tượng bị bất ngờ vì thường không có nạn nhân nào “chu đáo” như vậy. Do đó, việc yêu cầu sử dụng bao su có thể khiến tên biến thái cảm giác lo lắng, lưỡng lự, không dám “hành xử” ngay. Lợi dụng “kẽ hở” đó, nạn nhân có thể cầu cứu những người xung quanh hoặc chạy trốn.

Việc nạn nhân đưa bao cao su cho kẻ hãm hiếp là hành động thể hiện sự bình tĩnh và khôn ngoan.

Thứ hai, có thể sau khi thoát khỏi nguy hiểm, nạn nhân muốn lập tức “gột rửa” mọi dấu vết của kẻ xâm hại trên bằng việc tắm rửa. Tuy nhiên làm như vậy sẽ mất bằng chứng tố cáo. Việc lưu giữ được dấu vết tinh trùng, lông tóc,… của thủ phạm trên cơ thể là chứng cứ quan trọng để truy tìm thủ phạm. Do đó, nạn nhân không nên tắm rửa, đi vệ sinh hay uống bất kỳ một loại thuốc kích thích nào trước khi cung cấp các bằng chứng cho các cơ quan chức năng. Thứ ba, nạn nhân làm điều này cũng nhằm để tránh những bệnh lây qua đường tình dục hoặc có thai ngoài ý muốn” – TS Hà lưu ý.

Cũng theo TS Hà, mỗi người cần chuẩn bị trước tâm lý và các biện pháp để đối phó với kẻ biến thái vì ai cũng có thể trở thành nạn nhân, có một số gợi ý như sau:

- Từ chối bằng lời nói và bỏ chạy ngay lập tức, cầu cứu những người xung quanh khi nhận thấy đối tượng còn do dự chưa dám hành xử.

- Tìm cách hoãn binh như bình tĩnh nói chuyện để trì hoãn đối tượng, nhanh trí phát hiện sơ hở của đối tượng để thoát thân ngay lập tức.

- Chống cự bằng cách giả vờ nở nụ cười khiến đối tượng chủ quan, sau đó tấn công bất ngờ vào những chỗ nguy hiểm trên người đối tượng như đạp vào bộ phận sinh dụng, đạp vào chân, dùng thuốc xịt mắt,… khiến kẻ hãm hiếp khó khăn di chuyển, đồng thời nhanh chóng bỏ chạy, cầu cứu.

(Nguồn: Pháp Luật)

“Nếm trái cấm” ở tuổi 15, bé trai phải trả giá đắt, bố mẹ ân hận thì đã quá muộn

Ở tuổi 15, Quân phải bỏ học ở nhà đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi các em ăn học. Tội lỗi bắt đầu xảy ra khi cậu bé quen biết bé gái 12 tuổi trên mạng xã hội.

Hai đứa trẻ "yêu" nhau, bé trai phải nhận 8 năm tù

TAND Cần Thơ từng đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Trương Văn Quân (15 tuổi) 8 năm tù về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Đây là vụ án mà người phạm tội và người bị hại đều là hai đứa trẻ, khiến các vị thẩm phán và những người tham dự phiên tòa vừa giận vừa thương.

Theo hồ sơ vụ án, Quân sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ phải đi làm xa, mỗi năm chỉ về thăm con một lần. Là con lớn trong nhà, Quân phải nghỉ học sớm, làm thuê các việc lặt vặt gần nhà và đưa đón các em đi học.

Một lần, cậu bé lên mạng xã hội đã kết bạn với bé Quỳnh Anh (12 tuổi), sau đó cả hai nảy sinh tình cảm. Yêu nhau chưa tròn tháng, hai đứa trẻ đã quan hệ không sử dụng biện pháp an toàn khi đi chơi, thậm chí dắt nhau bỏ đi xa. Kết quả, bé Quỳnh Anh mang thai ngoài ý muốn.

Khi thấy con gái đi chơi nhiều ngày mới về và có biểu hiện lạ, mẹ bé Quỳnh Anh gặng hỏi mới biết con có bạn trai, đã “làm chuyện người lớn”. Ngay lập tức người mẹ trình báo sự việc với cơ quan công an. Ngay sau đó Quân bị bắt, còn bé Quỳnh Anh thì phải sinh con khi chưa đầy 13 tuổi.

Có mặt tại phiên tòa, mẹ Quân vừa khóc vừa nói: “Ở quê thu nhập không đủ nuôi con, vợ chồng tôi lên thành phố làm công nhân gửi tiền về cho các con. Đi làm xa, tôi và chồng cũng biết con có bạn gái. Vì nghĩ con còn nhỏ, tôi cũng không lo lắng gì nhiều. Tôi không ngờ con lại phải vướng lao lý".

Mẹ bé Quỳnh Anh cũng cho biết, vợ chồng chị vì lo làm ăn nên ít có thời gian hỏi han, nhắc nhở, chỉ bảo cho con gái biết tự bảo vệ mình, cách yêu như thế nào là an toàn ở tuổi mới lớn. “Mọi chuyện xảy ra bất ngờ quá. Giờ tôi chỉ mong con gái sớm ổn định tinh thần”, mẹ bé Quỳnh Anh chia sẻ.

Vị thẩm phán trực tiếp xét xử vụ án trong vụ việc này đã vô cùng đau lòng. Ông cho biết, hai đứa trẻ yêu và quan hệ tình dục sớm để lại hậu quả cũng có phần lỗi của người lớn. “Đáng lẽ, con mới lớn, nhất là khi đang ở độ tuổi dậy thì, cha mẹ phải đồng hành cùng con. Việc con gái mới 12 tuổi đi chơi nhiều ngày không về mà cha mẹ biện minh là do đi làm xa hay bận việc nên không biết con làm gì là có vấn đề”, vị thẩm phán nói.

Nhiều cha mẹ chưa đồng hành khi con đến tuổi dậy thì

Theo khảo sát khảo sát của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và đào tạo, tỷ lệ trẻ vị thành niên quan hệ tình dục trước 14 tuổi đang ngày một tăng, từ 1,48% vào năm 2013 lên 3,51% vào năm 2019. Cũng theo khảo sát này, tỉ lệ cha mẹ đồng hành, thấu hiểu các vấn đề lo lắng của con, nhất là khi con trong độ tuổi dậy thì chưa đến 30%. Các chuyên gia về pháp luật, y tế và tâm lý nhận định, đây chính là nguyên nhân khiến trẻ quan hệ tình dục sớm. Việc trẻ quan hệ sớm và không sử dụng biện pháp an toàn đã để lại nhiều hệ lụy như mang thai, nạo phá thai, mắc bệnh vùng kín và vi phạm pháp luật.

Không chỉ vụ án trên, những năm qua, TAND Cần Thơ còn tuyên phạt tù nhiều trẻ vị thành niên khác vì yêu sớm mà phạm tội. Mới đây là một bé trai sinh năm 2005 đã quan hệ tình dục với bé gái sinh năm 2011 hai lần khi bé trai này đang học lớp 11. Theo nhận định của hội đồng xét xử, dù hai đứa trẻ quen nhau trên mạng xã hội, có nảy sinh tình cảm và quan hệ tình dục đồng thuận, nhưng tại thời điểm nảy sinh quan hệ, bé gái chưa đủ 13 tuổi là rất nguy hiểm, xâm phạm đến sức khỏe và tâm sinh lý của bị hại nên nam sinh phải chịu hình phạt 8 năm tù.

Bàn về lý do khiến trẻ quan hệ tình dục sớm, TS.BS. Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng, nguyên nhân thường là:

+ Trẻ tò mò, thích "khám phá”.

+ Trẻ dễ tiếp cận mạng xã hội, phim ảnh, truyện có nội dung khiêu dâm.

+ Trẻ có bạn gái/bạn trai và được gần gũi quá mức giữa nam và nữ nên dễ bị hưng phấn.

Bác sĩ Loan cũng cho rằng, hiện nay độ tuổi dậy thì ở trẻ đang dần thấp hơn trước đây, trong đó có trẻ mới 7-8 tuổi đã dậy thì. Trong giai đoạn dậy thì trẻ sẽ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản và nhu cầu tình dục cũng xuất hiện. Do chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn nên các em có thể quan hệ sớm và sống thử trước hôn nhân.

Theo bác sĩ Loan, trẻ quan hệ tình dục khi bộ phận sinh dục và tâm sinh lý chưa phát triển sẽ để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến tương lai. Vì vậy, bác sĩ Loan khuyên cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên nên quan tâm đến con nhiều hơn, dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với con, giúp con có những định hướng đúng đắn về tình cảm. Ngoài ra, cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính cho con, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn tránh được những sai lầm không đáng có.

Theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm”. Còn khoản 4 của điều 112 Bộ luật hình sự quy định: “Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Vì vậy, những bé trai khi quan hệ tình dục với bé gái dưới 16 tuổi là vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu hình phạt của pháp luật.

Vị thẩm phán khuyên cha mẹ ngoài chăm sóc, yêu thương, dạy con những kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng cần dạy con làm sao đừng để vi phạm pháp luật. “Các bé trai này sau khi phạm tội sẽ phải nghỉ học để đi chấp hành án. Sau khi ra tù, các em có thể đối diện với một tương lai mù mịt khi lý lịch cá nhân đã có án tích, nhất là án liên quan đến tình dục”, vị thẩm phán chia sẻ.

(Nguồn: Kiến Thức)

Chồng lãnh án 9 năm tù vì tiêm thuốc trừ sâu sát hại vợ

Ngày 12/5, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Võ Văn Việt (sinh năm 1966, ngụ xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về tội giết người.

Theo cáo trạng, Việt và vợ là bà H.K.H. giận nhau nên bà H. bỏ về nhà cha mẹ ruột từ tháng 3/2022.

Đến ngày 9/12/2022, bà H. quay về nhà. Việt có thuyết phục bà H quay trở về nhà ở sống chung nhưng bà H. không đồng ý. Nghĩ là bà H. hết thương mình, nên Việt liền nảy sinh ý định chích thuốc trừ sâu cho bà H. chết.

Lợi dụng lúc bà H. đang nằm võng, Việt đã lấy ống kim tiêm rút thuốc trừ sâu Sufaron tiêm vào 2 đùi bà H.. Sau đó, bà H. được gia đình đưa bệnh viện trên địa bàn Tp.Cần Thơ cấp cứu, điều trị kịp thời nên thoát chết.

Ngày 20/12/2022, bà H. xuất viện với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 4%.

Tại phiên tòa, bị cáo Việt đã bày tỏ sự hối hận với hành vi đã gây ra, bị cáo xin lỗi vợ và 2 con trước tòa. Bà H. cũng đã xin HĐXX tuyên phạt mức án thấp nhất đối với Việt.

Với hành vi nêu trên, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Võ Văn Việt 9 năm tù giam.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Báo động trầm cảm: Nhiều trẻ vị thành niên nhập viện nguy kịch do tự tử

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn liên tiếp tiếp nhận 5 trường hợp trẻ vị thành niên nhập viện với chẩn đoán ngộ độc do tự tử trong khoảng 1 tháng...

Khoảng 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận tới 5 trường hợp các em trong độ tuổi vị thành niên 15 - 19 tuổi vào viện với chẩn đoán ngộ độc thuốc trừ sâu, thuốc ngủ, hóa chất ăn mòn (chất tẩy rửa bồn cầu) do tự tử.

Qua khai thác, tìm hiểu thông tin từ gia đình thì các trường hợp bệnh nhân này đều có những biểu hiện của trầm cảm như buồn, lo âu, u uất và trước đó đã có một hoặc vài lần có ý định tự tử.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân L.P.H. (17 tuổi, trú tại huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) được Trung tâm Y tế huyện Bình Gia chuyển đến với chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt cỏ.

Trước đó khoảng 6 giờ, do mâu thuẫn với bạn gái, bệnh nhân tự uống thuốc diệt cỏ, được người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu.

Trong quá trình theo dõi, điều trị, bác sĩ cho biết bệnh nhân này có hoàn cảnh sống khá phức tạp, nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến tâm lý. Đặc biệt bệnh nhân có những biểu hiện buồn, lo âu, u uất, dễ cáu giận, không thích nói chuyện… Đây là dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhưng do không được chẩn đoán và điều trị sớm nên đã dẫn đến hành vi tự tử ở người bệnh.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần - Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, khi người bệnh tự tử, có 2 trường hợp để xác định nguyên nhân, thứ nhất là do bệnh nhân bị trầm cảm, thứ hai là do bệnh nhân bị tâm thần có ảo giác. Tự tử chính là một trong những biểu hiện nặng của bệnh trầm cảm.

Trẻ vị thành niên bị trầm cảm ở thể nhẹ, một số trẻ cảm thấy "không vui" hoặc "buồn"; ở thể nặng, trẻ lại muốn làm tổn thương mình hoặc thậm chí là có ý định tự tử. Do đó, trẻ vị thành niên bị trầm cảm được phát hiện và điều trị sớm, kịp thời là cần thiết và rất quan trọng đối với sức khỏe về thể chất và tinh thần, cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ người dân mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người.

Trầm cảm là vấn đề hay gặp ở trẻ vị thành niên. Nhưng đôi lúc cha mẹ không nhận biết được, mà thường nhầm lẫn đó là sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi này.

Có nhiều nguyên nhân phối hợp dẫn đến trầm cảm ở trẻ vị thành niên. Nguy cơ trẻ bị trầm cảm tăng lên nếu trong gia đình có người bị trầm cảm.

Một số trẻ bị trầm cảm do bị trải qua những điều căng thẳng trong cuộc sống như áp lực, sự kỳ vọng của gia đình với trẻ về học tập, mâu thuẫn bạn bè lâu ngày không được giải quyết, bất đồng quan điểm hoặc thiếu sự quan tâm đối với trẻ… Một số khác bị lạm dụng tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bị mất đi người thân, gia đình tan vỡ. Một số trải qua tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như chấn thương, bệnh tật… Những điều này khiến trẻ bị căng thẳng, buồn bã hoặc đau buồn kéo dài dẫn đến bị trầm cảm.

Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ

- Trẻ cảm thấy buồn rầu, hay trống rỗng; hoặc giận dữ, cáu kỉnh, thất vọng chỉ với những vấn đề rất nhỏ.

- Biểu hiện mệt mỏi: Mất hứng thú hoặc niềm vui với các hoạt động yêu thích trước đây.

- Trẻ suy nghĩ bi quan về tương lai, cảm thấy vô vọng.

- Trẻ hay lo lắng, dễ kích động hoặc bồn chồn.

- Trẻ giảm tự tin, đánh giá thấp về bản thân, có cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội.

- Trẻ khó suy nghĩ, suy nghĩ chậm chạp; khó tập trung, khó đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ.

- Trẻ rối loạn giấc ngủ: Không thể ngủ, hoặc ngược lại ngủ quá nhiều.

- Bất thường ăn uống: Ăn quá nhiều hoặc không muốn ăn.

- Trẻ có suy nghĩ về cái chết, ý nghĩ tự tử, cố gắng tự tử hoặc tự tử.

- Ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng cơ thể không giải thích được như đau lưng hoặc đau đầu, đau bụng…

Đối với trẻ vị thành niên có bệnh trầm cảm, các triệu chứng trên có thể bị ẩn nấp, khó nhận ra. Thay vào đó, trẻ hay có xu hướng chống đối, không chịu lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến từ mọi người. Trẻ sẽ có những hành vi phản kháng lại những hành động mà cha mẹ đề cập đến, luôn có cảm giác đề phòng mà muốn xa lánh với tất cả mọi người.

Đặc biệt khi trẻ cảm thấy bị tấn công bằng lời nói, hành động, cử chỉ thì sẽ có hiện tượng nổi loạn, muốn phản kháng lại và ngừng tiếp nhận thông tin. Biểu hiện đó dễ khiến cha mẹ nhầm lẫn với sự khủng hoảng, nổi loạn của lứa tuổi.

Cha mẹ cần làm gì khi con có các dấu hiệu trầm cảm

- Đừng lơ là các dấu hiệu của con: Cha mẹ cần quan tâm con, bày tỏ tình yêu thương, không dò xét con. Cha mẹ nên trò chuyện với con, gợi mở để trẻ có thể chia sẻ những gì mà trẻ đang trải qua; thực sự lắng nghe trẻ nói, sẵn sàng giúp đỡ trẻ giải quyết những hành vi rắc rối và rối loạn cảm xúc.

- Động viên kết nối với xã hội: Những trẻ bị trầm cảm thường có xu hướng tự tách mình ra khỏi các hoạt động yêu thích và bạn bè. Tuy nhiên, đơn độc chỉ khiến tình trạng trầm cảm thêm tồi tệ. Cha mẹ hãy khéo léo giúp con tái kết nối với xã hội, cho trẻ đi chơi, du lịch…

- Ưu tiên hàng đầu củng cố sức khỏe thể chất: Sức khỏe thể chất và tinh thần có sự kết nối chặt chẽ. Trầm cảm sẽ trầm trọng hơn nếu trẻ không hoạt động, ngủ ít và dinh dưỡng kém. Ngày nay, trẻ vị thành niên thường có những thói quen không lành mạnh như: thức khuya, dậy muộn, ăn các món nhiều calo và ngồi hàng giờ bên điện thoại, máy tính. Vì vậy, cha mẹ hãy hỗ trợ con bằng cách tạo lập một thói quen sống tích cực bằng các hoạt động vui chơi và sinh hoạt cả gia đình vào những ngày nghỉ.

- Cần đến sự giúp đỡ của chuyên gia: Khi áp dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng trầm cảm của trẻ không cải thiện, cha mẹ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ chăm sóc con từ các bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia tâm lý học. (Có thể khám và tư vấn tại Phòng khám chuyên khoa Tâm thần – Thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn).

Phòng bệnh trầm cảm ở trẻ em như thế nào?

Phòng bệnh luôn hiệu quả và ít tốn kém công sức, thời gian hơn chữa bệnh. Trầm cảm tuổi vị thành niên có thể phòng ngừa được khi cha mẹ quan tâm và áp dụng liên tục các biện pháp như:

- Luôn lắng nghe trẻ: Ở bất kỳ lứa tuổi nào, cha mẹ cần luôn quan tâm chia sẻ, học và thực hành liên tục cách làm bạn với con. Luôn lắng nghe trẻ chia sẻ mọi khó khăn cũng như niềm vui trẻ có trong cuộc sống. Sau lắng nghe, phụ huynh cần tránh đưa ra những nhận xét tiêu cực về những quan điểm hay vấn đề của trẻ, bởi sẽ gây cho trẻ cảm giác vô giá trị, tác động không tốt đến hành vi sau này của trẻ.

- Thiết lập những thói quen tốt cho trẻ: Cha mẹ cùng con sắp xếp các hoạt động sinh hoạt hàng ngày phù hợp, luôn sát sao, khuyến khích trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, hoạt động thể chất và làm những việc mà con thích. Bố mẹ cần thiết lập những thói quen tốt cho chính mình, từ đó làm gương cho trẻ làm theo.

- Đảm bảo đầy đủ tinh thần, vật chất cho trẻ: Những trẻ sống trong gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương, quan tâm và sẻ chia sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh lý trầm cảm. Cha mẹ cần biết chia sẻ và cùng thảo luận với trẻ để giúp con từng bước vượt qua các khó khăn trong cuộc sống. Cha mẹ hướng dẫn con tự thiết lập những mục tiêu theo khả năng bản thân và chú ý không đặt ra quá nhiều kỳ vọng cũng như gây thêm cho trẻ các áp lực về thành tích học tập để trẻ có được tâm lý tốt.

- Giúp trẻ tránh rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực: Các bậc cha mẹ không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi hoặc có kết quả học tập kém hơn bạn bè mà nên phân tích, giảng giải cho trẻ hiểu. Đối với những suy nghĩ sai lệch của trẻ, cha mẹ cần nhẹ nhàng phân tích chứ không được làm trẻ xấu hổ.

- Nhận biết những biểu hiện của trẻ: Trẻ thường cố gắng che giấu đi những vấn đề khiến chúng tổn thương. Vậy nên cha mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời tháo gỡ, giúp trẻ mở lòng và tự tin hơn trong cuộc sống. Khi trong gia đình có anh chị hoặc em của trẻ đã bị trầm cảm thì khả năng trẻ bị trầm cảm rất cao. Bố mẹ cần theo dõi sát sao để phát hiện, ngăn chặn bệnh lý này.

(Nguồn: Kenh14)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang