- Thời sự
- Thế giới
Kế hoạch cho du khách trải nghiệm cảm giác bị lưu đày như trong thời cổ đại của tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Vào tháng 12 tới, tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) sẽ khởi động một dự án du lịch cho phép khách hàng trải nghiệm cảm giác "lưu đày" ở huyện Ninh An, thành phố Mẫu Đơn Giang. Ban tổ chức hy vọng rằng gói du lịch sáng tạo này sẽ thúc đẩy đáng kể lượng khách du lịch và doanh thu cho địa phương.
Ninh Cổ Tháp ở thành phố Mẫu Đơn Giang là một thị trấn quân sự cổ và là một trong những điểm lưu đày nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Ghi chép lịch sử cho thấy hơn 1,5 triệu người đã bị lưu đày đến địa điểm này trong thời nhà Thanh (1644-1911) do phạm các tội nghiêm trọng.
Nhiều tù nhân phải trải qua những chuyến đi dài và gian khổ để đến được Ninh Cổ Tháp, không ít người đã tử nạn trên đường đi, số khác sống sót thường bị các quan chức địa phương bắt làm nô lệ.
Ninh Cổ Tháp được biết đến nhiều hơn trong thời hiện đại qua bộ phim truyền hình ăn khách "Hậu cung Chân Hoàn truyện", khi Vua Ung Chính (1677 – 1735) đày ải gia đình phi tần đến nơi này.
Với gói du lịch sắp triển khai, du khách đến hồ Jingpo ở huyện Ninh An có thể mặc áo tù nhân màu hồng hoặc xanh, đi kèm gông gỗ và xiềng xích, trải nghiệm tuyến đường lưu đày cổ xưa.
Ngoài ra, sẽ có những người hóa trang thành lính canh tù thời cổ đại, mang đến trải nghiệm nhập vai cho du khách, cảm nhận sự chân thật của vai diễn. Du khách thậm chí có thể nhảy bungee để mô phỏng sự tuyệt vọng của những người lưu đày, quyết định gieo mình xuống từ vách đá.
Chi phí và tổng chiều dài của tuyến đường lưu đày vẫn chưa được tiết lộ. Giá vé vào danh thắng hồ Jingpo là 49 nhân dân tệ (7 USD)/người. Nhân viên khu danh thắng cho biết trải nghiệm này dự kiến bắt đầu từ tháng 12, chính quyền tỉnh cũng có kế hoạch bổ sung các hoạt động thể thao mùa đông dọc tuyến đường này.
Thông tin về trải nghiệm hình phạt thời cổ đại của tỉnh Hắc Long Giang cũng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc.
Một dân mạng bày tỏ trên Weibo: "Tôi rất háo hức đến Ninh Cổ Tháp vào mùa đông này và trải nghiệm tour 'lưu đày'. Nghe có vẻ giúp giải tỏa căng thẳng".
Một người khác bình luận: "Đây là một cách sáng tạo để quảng bá lịch sử và văn hóa địa phương, thu hút những người trẻ tuổi".
Tuy nhiên, cũng có nhiều dân mạng không tán thành ý tưởng này.
"Ninh Cổ Tháp là một địa điểm nhiều bi kịch thời cổ đại, nơi nhiều trí thức và nhà yêu nước bị lưu đày. Hoạt động này thiếu tôn trọng lịch sử đau thương đó", một người nhận xét.
Liên minh các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (Tổ chức OPEC+) cho thấy đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối.
Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ hoạt động thống nhất theo điều lệ OPEC+ một lần nữa trì hoãn việc tăng sản lượng dầu thô theo kế hoạch trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang nổi lên trên khắp thị trường.
Nhu cầu yếu nhất trong một thập kỷ ở Trung Quốc và nguồn cung nguyên liệu thô kỷ lục từ Hoa Kỳ đã khiến OPEC+ này gần như rơi vào tình trạng bế tắc và không có triển vọng cho tương lai, tờ OilPrice đưa ra nhận định trên.
Quyết định của lãnh đạo OCEP+ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cũng như lo ngại về giá dầu giảm do dư thừa trong tương lai.
Các nhà phân tích dự đoán rằng giá "vàng đen" có thể giảm xuống còn 60 USD vào năm tới, điều này chắc chắn ảnh hưởng nặng nề đến sự ổn định tài chính của Ả Rập Saudi và một số nhà cung cấp nguyên liệu thô chủ đạo khác của hành tinh.
Giới chuyên gia tin tưởng rằng bất chấp sự dè dặt và cố gắng giữ thể diện, mọi thứ thực sự rất đơn giản - điều kiện thị trường đã đánh bại ý định và kế hoạch của các nhà cung cấp lớn trong ngành.
Mặc dù vậy, 8 quốc gia OPEC+ đã tái khẳng định cam kết chung của họ trong việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố Hợp tác, bao gồm điều khoản tùy chỉnh sản xuất bổ sung.
Nhiều chuyên gia đã lầm tưởng rằng OPEC+ muốn đưa dầu thô tràn ngập thị trường để giành lại thị phần của mình, nhưng thay vào đó, nhiệm vụ chính của Liên minh, như thực tế đã chỉ ra, vẫn là kiểm soát trữ lượng dầu.
Vì vậy, giờ đây vai trò chủ đạo sẽ thuộc về những kết quả sau cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ và tình hình căng thẳng ở Trung Đông giữa Israel với Iran.
Theo dự báo, OPEC+ có lẽ vẫn sẽ phải "mất mặt" khi tình hình trở nên khó khăn đến mức nhóm này, trong bối cảnh thị trường quá căng thẳng, sẽ phải đồng ý không tăng sản lượng mà thậm chí còn cắt giảm nhiều hơn vào năm tới.
Nếu viễn cảnh trên xảy ra, đây thực sự sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ cũng như hình ảnh của họ trên trường quốc tế.
Hàng nghìn người Israel biểu tình ở Jerusalem và nhiều địa điểm trên toàn quốc, phản đối việc Thủ tướng Netanyahu sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Gallant.
Làn sóng biểu tình nổ ra trên toàn quốc sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo quyết định sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant ngày 5/11, có hiệu lực vào tối 7/11. Ông bổ nhiệm Ngoại trưởng Israel Katz làm người thay thế Gallant vì "đã chứng minh được năng lực và đóng góp cho an ninh quốc gia".
Tại Jerusalem, người biểu tình đã tụ tập gần trụ sở quốc hội ngay sau thông báo, yêu cầu Thủ tướng đảo ngược quyết định mà họ mô tả là "có động cơ chính trị". Một số tuyến giao thông chính ở Jerusalem và Tel Aviv tắc nghẽn vì đám đông biểu tình.
Ông Netanyahu cho biết Bộ trưởng Gallant bị sa thải vì "niềm tin xói mòn trong vài tháng qua". Yoav Gallant có quan điểm cứng rắn khi đối phó nhóm Hezbollah ở Lebanon, nhưng thường xuyên bất đồng với Thủ tướng Netanyahu về tương lai xung đột ở Dải Gaza.
Ông Netanyahu hồi tháng 8 chỉ trích Gallant có "lời lẽ chống đối", sau khi ông được cho là có quan điểm ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Phản ứng trước quyết định sa thải, Gallant cho biết an ninh Israel vẫn là "sứ mệnh" của cuộc đời ông.
Thăm dò do truyền thông Israel thực hiện đêm 6/11 cho thấy 55% người nước này phản đối việc sa thải ông Gallant. Cựu bộ trưởng quốc phòng Israel Moshe Ya'alon cũng xuất hiện trong cuộc biểu tình bên ngoài quốc hội, bày tỏ hoài nghi về vụ sa thải.
"Không ai ngờ ông Netanyahu sẽ thay thế một bộ trưởng quốc phòng giàu kinh nghiệm bằng người thiếu kinh nghiệm trong tình hình xung đột không hồi kết ở khu vực", ông Ya'alon nói.
Ngoài kêu gọi Thủ tướng đảo ngược quyết định, người biểu tình ở Jerusalem còn yêu cầu chính phủ ra thỏa thuận phóng thích con tin ở Gaza, thành lập ủy ban điều tra về những thất bại trong cuộc đột kích biên giới của Hamas ngày 7/10/2023.
Chiến dịch tấn công của Israel tại Dải Gaza đã kéo dài hơn một năm qua, khiến hơn 43.300 người thiệt mạng, phần lớn là thường dân, theo cơ quan y tế khu vực. Xung đột Israel - Hamas cũng thu hút nhiều lực lượng do Iran hậu thuẫn tham gia nỗ lực chống Tel Aviv, trong đó đáng chú ý nhất là lực lượng Hezbollah.
Thành viên cấp cao của Hamas ngày 24/10 cho biết nhóm này sẵn sàng chấm dứt xung đột nếu Israel cam kết ngừng bắn, rút khỏi Dải Gaza, cho phép người sơ tán trở về nhà, nghiêm túc đồng ý thỏa thuận trao đổi tù nhân và mở cửa cho viện trợ nhân đạo vào khu vực.
Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu vẫn tuyên bố muốn giành "thắng lợi quyết định" ở Gaza bằng cách "xóa sổ" nhóm Hamas, bất chấp chiến sự kéo dài.
Ông Trump đã chiến thắng áp đảo trước bà Kamala Harris, giới tinh hoa phương Tây đang chuẩn bị cho cuộc sống mới, với “Chính quyền Donald Trump 2.0”
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với kết quả ông Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng một lần nữa, đã mang lại sự bấp bênh đối với việc cung cấp thêm vũ khí cho Kiev.
Theo công bố chính thức cuối cùng về kết quả kiểm phiếu chiều ngày 07/11, ông Trump đã chiến thắng bà Kamala Harris với số phiếu vượt trội là 312/226 và giới tinh hoa phương Tây đã bắt đầu chuẩn bị một cuộc sống mới với phiên bản “Chính quyền Donald Trump 2.0”, đặc biệt là Kiev đang bắt đầu nhìn thấy tương lai u ám.
Theo các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin, Lầu Năm Góc đã ngừng gửi đơn đăng ký tới Ba Lan xin xây cầu hàng không để cung cấp vũ khí cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Chuyến bay cuối cùng của máy bay vận tải đến trung tâm hậu cần Ba Lan ở Rzeszow dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11 tháng 11. Triển vọng về nguồn cung tiếp theo từ Hoa Kỳ vẫn chưa rõ ràng, trong khi số lượng chuyến bay chở hàng trong khu vực cảng Constanta của Romania, nơi hàng hóa quân sự được chuyển lên tàu cũng đã giảm.
Sau một loạt cuộc tấn công của Nga bằng tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh vào cảng Odessa ở tây nam Ukraine, việc vận chuyển vũ khí đã chuyển sang các cảng và bến tàu Danube, nơi có công suất thấp hơn đáng kể.
Trên thực tế, Hoa Kỳ đang dần chuyển gánh nặng tài trợ cho Kiev sang châu Âu.
Ngoài vị cựu Tổng thống Mỹ vốn luôn phản đối cung cấp vũ khí cho Kiev, phần lớn ê kíp của ông Donald Trump, người vừa mới chiến thắng ứng cử viên Cộng hòa Kamala Harris, cũng đều là những luôn phát biểu quan điểm của mình về “sự cần thiết phải chấm dứt xung đột Ukraine”, mà đầu tiên là việc ngừng ném thêm mồi lửa vào cuộc xung đột với Nga.
Ví dụ như Thượng nghị sĩ bang Florida là ông Marco Rubio, người được giới truyền thông coi là “Ngoại trưởng Mỹ tương lai” trong chính quyền 2.0 của ông Donald Trump, đã nhiều lần nói về sự bế tắc trong cuộc xung đột Ukraine và nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt giao tranh.
Chính trị gia này lưu ý rằng, “cuộc chiến đang bế tắc” không thể tiếp tục được tài trợ, vì vậy các đồng minh của Mỹ cũng cần phải làm như vậy.
Ông Rubio khẳng định rằng, mong muốn ngăn chặn xung đột của ông Donald Trump và những người trong ê kíp không xuất phát từ những cáo buộc về việc họ là “những người hâm mộ Putin”, mà đơn giản chỉ là vị cựu tỷ phú Mỹ không có ý định tiếp tục chi tiền của người nộp thuế Mỹ cho Ukraine.
Quan chức Ukraine cho biết, Google đã xử lý hình ảnh về cơ sở quân sự của Ukraine được hiển thị trên bản đồ sau bản cập nhật gần đây.
Andrii Kovalenko, người đứng đầu Trung tâm chống thông tin sai lệch (CCD) của Ukraine cho biết, để phản ứng nhanh chóng trước những lo ngại của Kiev, Google Maps đã khôi phục hình ảnh về phiên bản trước đó và làm mờ hệ thống vũ khí quân sự Ukraine.
"Google đã khắc phục sự cố với bản đồ. Các cơ sở quân sự và hệ thống vũ khí không còn được hiển thị nữa. Mọi thứ sẽ sớm ổn định", ông Andrii Kovalenko nói.
Được biết, trước đó, ngày 3/11, ông Andrii Kovalenko tuyên bố, Google đã tiết lộ hình ảnh về các cơ sở quốc phòng, hệ thống vũ khí của Ukraine. Phía Nga đã tích cực phát tán những hình ảnh này. Cùng ngày, đại diện Google đã liên lạc với Kiev và cho biết đang nỗ lực khắc phục sự cố.
Những hình ảnh được công bố đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng rò rỉ thông tin tình báo, gây tổn hại đến quốc phòng của Ukraine.
Google Maps sử dụng hình ảnh từ Maxar Technologies - một nhà cung cấp hình ảnh vệ tinh lớn cho các cơ quan tình báo Mỹ. Khả năng của Maxar đã được mở rộng kể từ khi cuộc xung Nga-Ukraine xảy ra, theo đó các vệ tinh bổ sung đã được lên kế hoạch để đáp ứng nhu cầu giám sát ngày càng tăng đối với Ukraine.
Nga nhiều lần lên án sự hỗ trợ của tình báo phương Tây cho Ukraine, cho rằng các biện pháp như vậy sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột và không giải quyết được vấn đề.
Nguồn: Zing News; CafeF; Vnexpress; Soha; Tiền Phong
Các tập đoàn lớn cắt giảm lao động; Thảm họa rượu độc ở Lào; Truy nã ông Netanyahu; Israel chiếm toàn bộ Bờ Tây; Putin làm gì tiếp theo?
Mỹ: Người nhập cư ‘nháo nhào’; Nợ quốc gia phá kỷ lục; ‘Đế chế’ Trump & ảnh hưởng; Trump hoàn tất nội các; Chính sách TQ thời Trump 2.0
Mỹ: Lý giải hiện tượng ‘bão bom’; Thế hệ 1 con nở rộ; Musk & kế hoạch giảm biên chế; Tour du lịch ‘trốn’ Trump; Sự tương phản với TQ
Ngành sữa TQ gặp rủi ro; Nga giáng đòn vào Mỹ; Bộ trưởng ngoại giao họp G7; Ukraine ‘khó chồng khó’ ở Kursk; Trận chiến giành Kurakhovo
Mỹ: Nội các mới bị đe dọa; Thỏa thuận chuyển giao Nhà Trắng; Tương lai thời Trump; Chính sách thuế mới; ‘Chiến tranh tiền tệ’ tái diễn
Chính trường Philippines dậy sóng; Nội chiến Syria bùng phát; Kiev gặp khó vì ATACMS, vũ khí ồ ạt đổ về; Putin tăng ngân sách quốc phòng
Mỹ: Bão tuyết tấn công; Chi 10,8 tỷ đô cho Black Friday; Tham vọng siêu cường bitcoin; Bán vũ khí cho Đài Loan; Trump đe dọa BRICS
Mỹ: ‘Ngày thứ Ba trao tặng’; Di sản Biden bị hoen ố; Trump ‘giải cứu’ các nhà bán lẻ; ‘Vương quốc’ Elon Musk; Trump muốn gì từ Canada?
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá