- Thời sự
- Việt Nam
Đợt 2 Kỳ họp thứ 6 diễn ra từ 20-29/11 với việc Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận nhiều vấn đề quan trọng và xem xét thông qua hàng loạt dự án luật, nghị quyết.
Theo chương trình làm việc, trong sáng nay 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Tại đợt 2 này, Quốc hội cũng xem xét hàng loạt báo cáo quan trọng: Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023; Báo cáo công tác năm 2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2023; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Bên cạnh đó là Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023; Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại biểu Quốc hội cũng sẽ thảo luận hội trường về các dự án luật: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
8 dự án luật dự kiến được biểu quyết thông qua, gồm: Luật Viễn thông (sửa đổi) ; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước ; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Riêng với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội cho lùi thời điểm thông qua tại kỳ họp khác để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, đảm bảo chất lượng dự thảo.
Ngoài ra, 5 dự thảo nghị quyết cũng được xem xét thông qua gồm: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Quy định mới ‘cởi trói’ cho thị trường xăng dầu; TPHCM 'rót' gần 270 tỷ đồng cho công ty vận hành metro số 1; Đề xuất thu 1.900 đồng/km đường vành đai 4 - Hà Nội... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.
Ban hành quy định mới ‘cởi trói’ cho thị trường xăng dầu
Ngày 17/11, Bộ Công Thương cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu với nhiều điểm mới.
Theo Bộ Công Thương, Nghị định 80 có nhiều quy định mới giúp ‘cởi trói’ cho thị trường xăng dầu và điều chỉnh nhiều bất cập so với các nghị định trước đây. Việc ban hành nghị định mới sẽ giúp giải quyết kịp thời những tồn tại, bất cập hiện nay của cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Nghị định mới cũng quy định, rút ngắn thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 6 tháng xuống 3 tháng nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp.
Thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu cũng được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày và thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.
TPHCM 'rót' gần 270 tỷ đồng cho công ty vận hành metro số 1
Ngày 15/11, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành Quyết định về việc điều chỉnh Quyết định số 6339 ngày 1/12/2015 của UBND TP về thành lập Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Đô thị số 1 TPHCM (HURC1).
Cụ thể, UBND TPHCM quyết định điều chỉnh khoản 8 Điều 1 Quyết định số 6339 ngày 1/12/2015 về việc thành lập HURC1. Qua đó, điều chỉnh vốn điều lệ ban đầu của Công ty này là gần 270 tỷ đồng.
HURC1 trực thuộc UBND TPHCM, có 100% vốn nhà nước. Năm 2015, công ty này được thành lập để chuẩn bị trước nguồn lực cùng các điều kiện cần thiết cho quản lý vận hành, bảo dưỡng dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM (metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên).
Khi thành lập, công ty được cấp vốn điều lệ 14 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị văn phòng (kinh phí hoạt động chưa được cấp).
Đề xuất thu 1.900 đồng/km đường vành đai 4 - Hà Nội
Để chuẩn bị cho việc lập phương án thi công Dự án đường vành đai 4 - Vùng thủ đô (dự án thành phần 3) theo hình thức PPP, UBND thành phố Hà Nội vừa đề xuất mức phí để kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án.
Theo phương án đề xuất của UBND thành phố Hà Nội, dự án thành phần 3 có mức giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc cơ sở là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian dự kiến đưa vào khai thác là năm 2027; lộ trình giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc được điều chỉnh tăng 3 năm/lần cho đến thời điểm hoàn vốn.
Thuyết minh lý do đưa ra phương án này, UBND thành phố Hà Nội cho biết mức giá và lộ trình điều chỉnh giá tại dự án thành phần 3 được xây dựng theo phương pháp so sánh theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 25/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Hà Nội thu hồi hơn 800 phù hiệu 'hung thần' đường phố
Chiều 14/11, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã ký thông báo thu hồi phù hiệu của 884 xe ô tô kinh doanh vi phạm tốc độ qua GPS. Trong các xe bị thu hồi này, phần lớn là xe chở khách theo hợp đồng, du lịch, taxi và xe tải.
Lý do thu hồi, trong vòng một tháng các xe này có từ 5 lần vi phạm tốc độ trên 1000 km xe chạy, việc xử phạt này không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 km trở xuống được quy định tại Nghị định 10 của Chính phủ.
Trong danh sách 884 xe bị thu hồi phù hiệu có nhiều xe chở khách, xe tải vị phạm tốc độ đến vài trăm, thậm chí hơn 1.000 lần chỉ trên một nghìn km chạy.
Trong số xe vi phạm tốc độ nhiều lần có xe hoạt động chở khách theo hợp đồng của HTX Toàn Cầu, Cty TNHH vận tải hành khách Long Giang, HTX dịch vụ vận tải xe Đại Nam; xe chở khách theo hình thức taxi của Cty CP di chuyển xanh và thông minh GSM; xe tải - xe đầu kéo của Cty Cổ phần TCT Toàn Cầu… Riêng xe tải - xe đầu kéo của HTX ô tô Trường Hải có xe đã vi phạm tốc độ hơn 1.300 lần trong tháng 9 khi chỉ chạy một nghìn km, cụ thể đó là xe có BKS 37H-04056.
Tổng kiểm tra quản lý ô tô kinh doanh trên cả nước
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công bố kế hoạch tổng kiểm tra công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Sở Giao thông Vận tải tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cụ thể, Đoàn kiểm tra số 1 sẽ do Thanh tra Bộ GTVT chủ trì, sẽ kiểm tra tại các Sở GTVT: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang.
Đoàn kiểm tra số 2 do Vụ Vận tải chủ trì, thực hiện kiểm tra tại các Sở GTVT: Hưng Yên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau.
Đoàn kiểm tra số 3 và số 4 do Cục Đường bộ chủ trì, thực hiện kiểm tra tại các Sở GTVT: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, TPHCM.
Từ tính cấp thiết của việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, giải pháp giải quyết ách tắc giao thông Thủ đô, các đồ án quy hoạch lớn của Thủ đô đều chú trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đường sắt đô thị.
Đáng chú ý, quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là giải pháp chính sách nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc đặc thù trong triển khai các dự án đường sắt đô thị vốn tồn tại từ nhiều năm nay.
Nhiều bất cập trong quy hoạch
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016 (Quy hoạch 519), thành phố sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị và mạng lưới các tuyến kết nối đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 342,2km trên cao, kết hợp đi bằng và 75,6km đi ngầm.
Tuy nhiên, đến nay, mới có tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) do Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện, có tổng chiều dài 14km đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km đặt lộ trình chạy thử vào tháng 12-2023 và dự kiến vận hành chính thức vào ngày 30-4-2024.
Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, trong quá trình thực hiện, Ban đã có ý kiến với các cơ quan chuyên môn cũng như báo cáo UBND thành phố về việc cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với thực tiễn phát triển mới của Thủ đô.
“Trong hơn 20 năm tới, Hà Nội phải hoàn thành khoảng gần 400km đường sắt đô thị còn lại của Thủ đô. Đây là thách thức hết sức nặng nề đòi hỏi phải nghiên cứu, xây dựng, đề xuất mô hình đầu tư xây dựng đường sắt đô thị mới”, ông Lê Trung Hiếu nêu.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông đường sắt và sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư vận tải đường sắt, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đến năm 2023 là hơn 39.500 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án và nếu đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị còn lại đến năm 2045 (căn cứ theo Quyết định 519) thì cần khoảng 321.484 tỷ đồng (tương đương 13,31 tỷ USD). Như vậy, giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư cho các siêu dự án đường sắt đô thị đặc biệt cũng cần phải tính đến.
Cần cơ chế đặc thù, đột phá
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) cho biết, định hướng Quy hoạch Thủ đô về hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục phát triển đầy đủ các hạ tầng kết nối, trong đó đặc biệt ưu tiên hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đường sắt đô thị.
Còn Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy thông tin, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch 519 đã bố trí hệ thống đường sắt đô thị khá hoàn chỉnh. Cơ bản kế thừa các quy hoạch cũ đã được phê duyệt và nhu cầu giao thông thực tế, tại đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, hệ thống đường sắt đô thị gồm 10 tuyến.
Cụ thể, tuyến số 6 được điều chỉnh bỏ đoạn Xuân Đỉnh - Hà Đông (trên nền đường sắt quốc gia hiện hữu); kéo dài đoạn Xuân Đỉnh kết nối với tuyến số 8 (theo hướng Vành đai 3) và điều chuyển đoạn Hà Đông - Ngọc Hồi về tuyến số 7. Tuyến số 7 kéo dài đoạn Hà Đông - Ngọc Hồi. Tuyến số 8 sẽ tách đoạn Hoài Đức - Hồ Tây khai thác với tính chất hướng tâm. Tuyến số 9 là tuyến bổ sung kết nối Ga Ngọc Hồi với Thường Tín, đô thị vệ tinh Phú Xuyên và khu vực dự kiến quy hoạch cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô. Tuyến số 10 cũng là tuyến bổ sung trên cơ sở hướng tuyến Monorail M3 kết nối từ huyện Mê Linh đến Dương Xá (Gia Lâm)…
Ngoài hệ thống 10 tuyến đường sắt đô thị, sẽ có hệ thống tuyến Monorail trên cao chạy 2 bên sông Hồng kết hợp du lịch, cảnh quan và tuyến chạy khu vực phố cổ và hệ thống tuyến đường sắt chạy ngầm khu vực nội đô theo mô hình định hướng giao thông công cộng (TOD). Liên quan đến mô hình này, điểm đáng lưu ý tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là chỉ lựa chọn quy định dự án TOD áp dụng cho đường sắt đô thị mà không áp dụng sang các loại hình giao thông khác. Theo nhiều chuyên gia giao thông, đây là quy định phù hợp với nhu cầu phát triển của Thủ đô cũng như tính phức tạp của một dự án đường sắt đô thị đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù. Quy định dự án TOD là một dự án tổng thể cũng sẽ khắc phục nhược điểm là các nhà đầu tư chỉ lựa chọn dự án có lợi nhuận cao như nhà ở, trung tâm thương mại mà không chú trọng các dự án đường sắt đô thị.
Ngoài ra, giải pháp chính sách tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trong triển khai các dự án TOD đường sắt đô thị cũng hướng đến gỡ khó về nguồn vốn, thu hút nguồn lực xã hội thông qua khai thác quỹ đất ở các vùng phụ cận của tuyến đường sắt, không gian ngầm và không gian trên cao ở các nhà ga.
Nhà ở tái định cư tại Hà Nội được xây dựng nhằm mục đích an cư cho người dân sau khi bị thu hồi đất để họ có chỗ ở tốt hơn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau quá trình đưa vào vận hành trên dưới 10 năm, những dự án này đã xuống cấp nhưng lại thiếu nguồn kinh phí để duy tu, bảo trì.
Công trình xuống cấp, hệ thống PCCC “có như không”
Có thể điểm qua một số dự án tái định cư ở Hà Nội như: nhà G5 và nhà A26 phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), đã xuống cấp sau 13 năm vận hành, khiến 150 hộ dân sống trong thấp thỏm, lo âu.
Dự án tái định cư khu đô thị Thành phố Giao lưu (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) với 3 tòa nhà CT1 A, B và C được đưa vào sử dụng từ năm 2014. Sau gần 10 năm vận hành, hàng loạt hạng mục như tường nhà, hầm để xe, hệ thống PCCC đều cho thấy dấu hiệu xuống cấp. Hệ thống thoát nước, đường ống dẫn nước cứu hỏa bị rò rỉ dưới các tầng hầm nhiều năm nhưng chưa thể khắc phục triệt để. Do vậy, cư dân phải tự sử dụng các biện pháp thô sơ nhất để trám vá các vị trí hư hỏng như dùng túi nylon, miếng xốp rồi dùng xô, chậu để hứng nước bị dột từ đường ống.
Bà Nguyễn Thị Thái (cư dân CT1B, Khu đô thị thành phố Giao Lưu) than thở, trước khi dọn về ở, bà được hứa hẹn nơi này sẽ tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, qua trải nghiệm thực tế, bà than phiền: “Hầm xe ngấm nước, bốc mùi ẩm mốc, trong khi hệ thống thoát nước, đường ống dẫn nước cứu hỏa chỗ bị vỡ, chỗ bị rò rỉ. Ý kiến đến ban quản lý dự án nhiều lần nhưng việc khắc phục không hiệu quả”.
Còn theo ông Phan Văn Hưng (cư dân Khu đô thị thành phố Giao Lưu), nhiều bình chữa cháy hiện chỉ dùng để chặn cửa ra vào, phủ bụi dày đặc. Trong khi đó, các đèn báo sự cố hư hỏng... Còn trong các căn hộ, cư dân không rõ hệ thống báo khói và hệ thống chữa cháy tự động có hoạt động được hay chỉ lắp cho có.
Cư dân mòn mỏi chờ cơ quan chức năng tìm giải pháp
Trao đổi với Lao Động, đại diện Tổ Quản lý nhà khu đô thị Thành phố Giao Lưu (Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác đô thị, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) - thừa nhận, hệ thống PCCC hiện nay tại khu tái định cư vận hành chỉ tương đối, thậm chí hỏng hóc. Trong khi khu vực này chưa thành lập được ban quản trị ở chung cư.
"Chúng tôi nhiều lần tổ chức họp với cư dân để thành lập ban quản trị, tuy nhiên chưa thành. Ngoài các cơ chế và quy định hiện hành đang vướng mắc, thì trong đó, một phần do người dân sống ở khu tái định cư nên kinh phí thành lập chưa thể đáp ứng yêu cầu", vị này chia sẻ.
Đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội thông tin, do mức phí để quản lý, vận hành các tòa nhà chung cư tái định cư thu theo quy định của TP hiện nay rất thấp (khoảng 30.000 đồng/hộ/tháng), trong khi mức thu phí để vận hành cơ bản phải từ 4.000 - 5.000 đồng/m2/tháng nên không đủ để bù chi phí bảo trì, sửa chữa.
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội - Đặng Trần Trung cho biết, từ năm 2016, để thực hiện công tác bảo trì các quỹ nhà, đơn vị được thành phố phê duyệt dự toán thu chi theo quy định.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do phát sinh việc diện tích kinh doanh thương mại ở các tòa nhà tái định cư không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Thông tư số 124/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính nên không còn nguồn thu thực hiện công tác bảo trì nhà tái định cư.
Trước thực trạng trên, đầu tháng 6.2023, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị được giao quản lý nhà tái định cư rà soát, phân loại chất lượng cụ thể các hạng mục hạ tầng tại nhà tái định cư.
Bên cạnh đó, Sở này cũng có văn bản gửi Sở Tài chính, đề nghị thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt dự toán thu, chi với hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa tái định cư.
Nguồn: Soha; Tiền Phong; Hà Nội Mới; Lao Động
NSƯT Đỗ Kỷ kêu cứu; Trào lưu ca sĩ kiêm nhạc sĩ; Hố 'tử thần' nuốt nhà dân; Vụ đưa con đi chữa bệnh nhận về hũ tro cốt
Nhát dao đoạn tuyệt tình anh em; Lãnh án vì dọa 'tự thiêu' cùng con; Trả thù cho em gái bị đánh; Đồng tiền chia lìa 'khúc ruột'
'Cuồng' hàng xách tay; Cảnh báo thị trường tổ yến; Sở hữu chéo, doanh nghiệp 'ma'; Người mua nhà 'kiệt sức' đòi quyền lợi
DN gặp khó về vốn; Hàng quán thi nhau đóng cửa; Cho vay kinh doanh BĐS tăng vọt; Tết này có thiếu tàu, xe?
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt; Xóa tư cách chức vụ 2 cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh; Gia đình kiệt quệ vì sốt xuất huyết
Lê Dương Bảo Lâm bị đồn ngoại tình; Phim Việt đang thừa 'cảnh nóng'; Vụ 17 học sinh ngộ độc; Vụ cô gái lây truyền HIV
Lùm xùm giải thưởng Bùi Lan Hương; Nhiều nghệ sĩ rơi vào trầm cảm; Cháy hàng nghìn m2 rừng; Sai phạm chuyển cấp cứu tư nhân
Không có 'bão' mua sắm Black Friday; Vạch trần 'chiêu' gian lận thuế; Đất nền 'nóng' trở lại; Chặn lừa đảo từ xa trong BĐS
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá