Đồng tiền gây sốt toàn cầu; NATO gắng gồng mình; Biểu tình lớn ở Cali; Căng thẳng Thái Lan – Campuchia; ‘Cuộc chiến’ dưới Thái Bình Dương

ĐỒNG TIỀN GÂY SỐC TOÀN CẦU: NGA ĐANG GIỮ “NGAI VÀNG” HIỆU SUẤT

Giữa bối cảnh chiến tranh kéo dài, giá dầu giảm, các lệnh trừng phạt khắt khe,... đồng rúp của Nga lại đang tăng giá.

Trên thực tế, theo Ngân hàng Bank of America, đồng rúp là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất thế giới tính đến thời điểm này trong năm, với mức tăng hơn 40%. Đợt tăng giá ngoạn mục của đồng rúp trong năm 2025 đánh dấu sự đảo chiều mạnh mẽ so với hai năm trước, khi đồng tiền này từng sụt giá nghiêm trọng.

Điều gì đang thúc đẩy đồng tiền Nga tăng giá?

Các chuyên gia thị trường chia sẻ với CNBC, sức mạnh của đồng rúp không đến từ sự gia tăng đột ngột trong niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, mà chủ yếu nhờ các biện pháp kiểm soát vốn và chính sách thắt chặt tiền tệ. Việc đồng đô la Mỹ yếu đi cũng góp phần tạo lợi thế.

Brendan McKenna, chuyên gia kinh tế quốc tế kiêm chiến lược gia ngoại hối tại ngân hàng Wells Fargo, đưa ra ba lý do cho đà tăng của đồng rúp: "Ngân hàng trung ương đã chọn giữ lãi suất ở mức tương đối cao, các biện pháp kiểm soát vốn và hạn chế giao dịch ngoại tệ được siết chặt hơn, và có một số tiến triển – hoặc ít nhất là nỗ lực hướng tới tiến triển – trong việc tìm kiếm hòa bình giữa Nga và Ukraine".

Ngân hàng trung ương Nga duy trì lập trường chính sách thắt chặt để kiềm chế lạm phát cao, giữ lãi suất trong nước ở mức cao 20% và hạn chế tín dụng. Chi phí vay đắt đỏ khiến doanh nghiệp trong nước không còn mặn mà với việc nhập khẩu hàng hóa, từ đó làm giảm nhu cầu ngoại tệ từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nga, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành.

Andrei Melaschenko, chuyên gia kinh tế tại Renaissance Capital, cho biết: "Nhu cầu ngoại tệ từ các nhà nhập khẩu trong nước đã giảm do tiêu dùng yếu". Sự sụt giảm này đã hỗ trợ đồng rúp vì các ngân hàng không còn cần bán rúp để mua đô la hay nhân dân tệ.

Trong quý I năm 2025, đã xảy ra tình trạng "tồn kho quá mức" các mặt hàng điện tử tiêu dùng, ô tô và xe tải - những mặt hàng được nhập khẩu ồ ạt từ nửa cuối năm ngoái nhằm đón đầu việc tăng thuế nhập khẩu, theo một chuyên gia kinh tế tại Moscow. Hoạt động tiêu dùng giảm chủ yếu ở nhóm hàng hóa bền, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu của Nga, Melaschenko nói.

Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Nga cần quy đổi khoản thanh toán bằng đô la sang đồng rúp, qua đó làm tăng nhu cầu đối với đồng tiền này. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu lại cắt giảm mua hàng ngoại, do đó không cần bán rúp để thanh toán bằng đô la.

Chính phủ Nga yêu cầu các nhà xuất khẩu lớn phải đưa một phần thu nhập ngoại tệ về nước và quy đổi sang đồng rúp trên thị trường nội địa. Đặc biệt, ngành dầu mỏ đã tích cực chuyển đổi thu nhập ngoại tệ thành rúp, theo các nhà phân tích.

Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4, tổng lượng bán ngoại tệ của các nhà xuất khẩu lớn tại Nga đạt 42,5 tỷ USD, theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga. Con số này tăng gần 6% so với bốn tháng trước đó.

Việc Ngân hàng trung ương Nga thu hẹp cung tiền cũng đang góp phần hỗ trợ đồng rúp, theo giáo sư kinh tế ứng dụng Steve Hanke của Đại học Johns Hopkins.

Ông cho biết, vào tháng 8/2023, tốc độ tăng trưởng của lượng tiền do Ngân hàng trung ương Nga tạo ra lên đến 23,9% mỗi năm. Nhưng từ tháng 1/2025 đến nay, con số này đã chuyển sang âm, hiện đang giảm với tốc độ -1,19% mỗi năm.

Ngoài ra, hy vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử cũng đã thắp lên sự lạc quan, theo McKenna của Wells Fargo. Kỳ vọng về việc Nga hội nhập trở lại nền kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy một phần dòng vốn quay trở lại các tài sản định giá bằng rúp, bất chấp các biện pháp kiểm soát vốn, góp phần hỗ trợ sức mạnh của đồng tiền này.

Đà tăng của đồng rúp có bền vững không?

Dù đồng rúp đang mạnh, các nhà phân tích cảnh báo rằng điều này có thể không bền vững. Giá dầu - trụ cột chính của nền kinh tế xuất khẩu Nga - đã giảm mạnh trong năm nay, điều này có thể khiến nguồn thu ngoại tệ giảm theo.

"Chúng tôi tin rằng đồng rúp đã tiệm cận mức tối đa và có thể bắt đầu suy yếu trong thời gian tới", Melaschenko nói. "Giá dầu đã giảm mạnh, điều này sẽ phản ánh vào việc giảm doanh thu xuất khẩu và lượng ngoại tệ được bán ra", ông nói thêm.

Trong khi các cuộc đàm phán hòa bình gần đây giữa Nga và Ukraine chưa đạt được tiến triển cụ thể, McKenna cũng lưu ý rằng nếu một thỏa thuận hòa bình thực sự đạt được, điều này có thể làm suy yếu đồng rúp vì các biện pháp kiểm soát như hạn chế giao dịch ngoại hối - vốn là yếu tố hỗ trợ đồng tiền - sẽ bị gỡ bỏ.

"Đồng rúp có thể bị bán tháo nhanh chóng trong thời gian tới, đặc biệt nếu một thỏa thuận hòa bình hoặc ngừng bắn được thiết lập", ông nói.

"Trong kịch bản đó, các biện pháp kiểm soát vốn có thể sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn và ngân hàng trung ương có thể cắt giảm lãi suất rất nhanh chóng", ông nói thêm.

NATO GẮNG GƯỢNG GỒNG MÌNH

Cuối tháng 6 này, ở TP The Hague - Hà Lan sẽ diễn ra cuộc gặp cấp cao thường niên của NATO.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ tham dự và kết quả cuộc gặp vừa rồi của bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên đều được coi là điềm tốt lành cho sự kiện này.

Hội nghị chắc sẽ suôn sẻ vì làm ông Donald Trump hài lòng chứ không như diễn biến và kết cục của cuộc gặp cấp cao thường niên NATO cách đây 7 năm, thời điểm ông Donald Trump có mặt.

Lý do ở chỗ Mỹ là thành viên chủ chốt nhất của NATO nên nếu tổng thống Mỹ không tham dự thì cuộc gặp cấp cao chỉ còn là hình thức, những quyết sách được thông qua chỉ là mang tính kỹ thuật chứ không thể định hướng chiến lược cho liên minh quân sự này.

Ông Donald Trump mãi gần đây mới quyết định sang châu Âu dự cuộc gặp cấp cao thường niên của NATO. Lý do chính là trong nội bộ NATO cơ bản đã đồng thuận về việc tăng ngân sách quốc phòng quốc gia lên mức 5% GDP hằng năm như ông chủ Nhà Trắng đòi hỏi.

Điều này vừa được chính thức hóa ở cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO nói trên.

Cách đây khá nhiều năm, các thành viên NATO nhất trí dành 2% GDP quốc gia hằng năm cho ngân sách quốc phòng nhưng chỉ chưa đến một nửa số thành viên thực hiện.

Trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên, ông Donald Trump dùng đến cả việc dọa rút nước Mỹ ra khỏi NATO để hối thúc các thành viên thực hiện thỏa thuận về chi tiêu quốc phòng. Nhiều thành viên chịu khuất phục trước áp lực của ông Trump và cho tới nay, chỉ còn gần 1/3 số thành viên chưa đạt mục tiêu.

 Vì thế, việc NATO tăng ngân sách quốc phòng lên mức 5% GDP hằng năm là bước ngoặt lớn với ý nghĩa quyết định cả về chất lẫn lượng đối với liên minh quân sự này.

Làm hài lòng ông Donald Trump để Mỹ không tiếp tục "chân trong chân ngoài" với NATO và để NATO duy trì tồn tại chỉ là một lý do tăng ngân sách quốc phòng. Bước đi này là tăng cường tiềm lực quân sự và quốc phòng, là chuẩn bị sẵn sàng thực lực cần thiết để bảo đảm an ninh và tiến hành xung đột khi cần. Còn có 2 lý do khác nữa khiến các thành viên NATO phải gồng mình tăng ngân sách quốc phòng hằng năm.

Lý do thứ nhất là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine động chạm trực tiếp tới an ninh của cả châu lục. Cuộc xung đột này làm bộc lộ những yếu kém và bất cập của NATO về quân sự, quốc phòng và an ninh, buộc NATO nhận ra rằng phải nhanh chóng tăng cường rõ rệt sức mạnh quân sự thì mới ứng phó Nga thành công hiện tại và đặc biệt ở thời hậu xung đột.

Lý do thứ hai là ông Donald Trump đã làm cho các đồng minh ở châu Âu không còn thật sự tin vào cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ mà phải chủ động tự thân vận động, tức là vừa níu kéo và dựa vào Mỹ, vừa tận dụng tối đa NATO lại vừa chuẩn bị cho tình huống NATO bị Mỹ buông bỏ.

Cho nên lần gồng mình gắng gượng này của NATO là bắt buộc nhiều hơn tự nguyện.

BIỂU TÌNH LỚN Ở CALI: TRUMP ĐIỀU GẤP 2000 VỆ BINH QUỐC GIA, LẦU NĂM GÓC SẴN SÀNG HUY ĐỘNG QUÂN

Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth cảnh báo rằng Lầu Năm Góc đã chuẩn bị huy động quân. Lực lượng thủy quân lục chiến tại căn cứ Pendleton cũng đang "trong tình trạng báo động cao".

2.000 vệ binh quốc gia sẽ tới Los Angeles, Lầu Năm Góc sẵn sàng huy động quân

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho biết 2.000 quân Vệ binh Quốc gia sẽ được triển khai trong bối cảnh các nhân viên liên bang ở Los Angeles (L.A.) đối đầu với hàng trăm người biểu tình trong ngày biểu tình thứ hai sau các cuộc truy quét người nhập cư, Reuters đưa tin.

Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth cảnh báo rằng Lầu Năm Góc đã chuẩn bị huy động quân đội đang tại ngũ "nếu bạo lực vẫn tiếp diễn" ở Los Angeles, đồng thời cho biết lực lượng thủy quân lục chiến tại căn cứ Pendleton gần đó đang "trong tình trạng báo động cao".

Các nhân viên an ninh liên bang đã đối đầu với những người biểu tình vào ngày 7/6 tại khu vực Paramount ở Đông Nam Los Angeles, nơi một số người biểu tình giương cờ Mexico. Một cuộc biểu tình thứ hai ở trung tâm thành phố Los Angeles tối 7/6 đã thu hút khoảng 60 người, họ xuống đường và hô vang các khẩu hiệu bao gồm "ICE hãy rời khỏi L.A.". (ICE là Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ)

Ông Trump đã ký biên bản ghi nhớ để triển khai quân Vệ binh Quốc gia tới khu vực nhằm "giải quyết tình trạng vô luật pháp đang diễn ra", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố. "Ông trùm biên giới" Tom Homan nói với Fox News rằng lực lượng Vệ binh Quốc gia được triển khai tại Los Angeles vào ngày 7/6.

Các cuộc biểu tình diễn ra tại Los Angeles, nơi dữ liệu điều tra dân số cho thấy một bộ phận đáng kể dân số là người gốc Tây Ban Nha và sinh ra ở nước ngoài.

Thống đốc California phản ứng mạnh

Thống đốc California Gavin Newsom gọi quyết định này là "có chủ đích kích động". Ông đăng trên X rằng Trump triển khai Vệ binh Quốc gia "không phải vì thiếu lực lượng thực thi pháp luật, mà vì họ muốn gây náo loạn", đồng thời nói thêm: "Đừng gây náo loạn. Đừng bao giờ sử dụng bạo lực. Hãy lên tiếng một cách hòa bình".

Karen Bass, Thị trưởng Los Angeles, cũng lên án các cuộc đột kích nhập cư.

"Tôi vô cùng tức giận về những gì đã diễn ra", Bass cho biết trong một tuyên bố, "Những chiến thuật này gieo rắc nỗi kinh hoàng trong cộng đồng của chúng tôi và phá vỡ các nguyên tắc cơ bản về an toàn trong thành phố của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không chịu đựng điều này".

Ông Trump đăng trên nền tảng Truth Social của mình rằng nếu Newsom và Thị trưởng Los Angeles Karen Bass không thể làm tốt nhiệm vụ của mình thì "Chính phủ Liên bang sẽ vào cuộc và giải quyết vấn đề, BẠO LOẠN & NHỮNG KẺ HÔI CỦA, theo cách mà vấn đề nên được giải quyết!!!"

Trợ lý cấp cao Nhà Trắng Stephen Miller, một người theo đường lối cứng rắn về vấn đề nhập cư, đã mô tả các cuộc biểu tình là "cuộc nổi loạn bạo lực".

Chính quyền không viện dẫn Đạo luật nổi loạn, 2 quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters. Một người cho biết quân đội Vệ binh Quốc gia có thể triển khai nhanh chóng, trong vòng 24 giờ trong một số trường hợp, và quân đội đang nỗ lực để huy động 2.000 quân.

Luật năm 1807 trao quyền cho tổng thống triển khai quân đội Mỹ để thực thi luật pháp và ngăn chặn các sự kiện như rối loạn dân sự. Lần cuối cùng luật này được viện dẫn là trong cuộc bạo loạn ở Los Angeles năm 1992 theo yêu cầu của Thống đốc California.

Cuộc truy quét ở Los Angeles

Đoạn video ghi lại cuộc biểu tình Paramount cho thấy hàng chục nhân viên an ninh mặc đồng phục màu xanh lá cây đeo mặt nạ phòng độc đứng thành hàng trên một con đường rải rác những chiếc xe đẩy bị lật úp, đối đầu với những người biểu tình sau khi chính quyền ra lệnh cho đám đông người biểu tình giải tán vào lúc chạng vạng.

Trong cuộc đối đầu, một số người biểu tình đã ném những mảnh bê tông vỡ về phía các sĩ quan, và cảnh sát đã đáp trả bằng cách xịt hơi cay.

Theo các nhân chứng của Reuters, chính quyền bắt đầu bắt giữ một số người biểu tình, nhưng hiện chưa có thông tin chính thức nào về việc này.

Đợt biểu tình đầu tiên đã bắt đầu vào 6/6 sau khi các nhân viên Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) tiến hành các hoạt động truy quét trong thành phố và bắt giữ ít nhất 44 người vì cáo buộc vi phạm luật di trú.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng có khoảng "1.000 kẻ bạo loạn" tại các cuộc biểu tình hôm 6/6.

Ông Trump đã cam kết trục xuất số lượng kỷ lục những người nhập cư bất hợp pháp vào nước Mỹ và đóng cửa biên giới Mỹ-Mexico. Nhà Trắng đặt mục tiêu cho ICE bắt giữ ít nhất 3.000 người di cư mỗi ngày.

Nhưng cuộc đàn áp nhập cư toàn diện cũng đã khiến một số người cư trú hợp pháp tại quốc gia này bị bắt giữ, bao gồm cả những người có thẻ cư trú, và dẫn đến những thách thức pháp lý.

Các cảnh quay trên truyền hình hôm 6/6 cho thấy những chiếc xe không có biển số trông giống xe vận tải quân sự và xe tải chở đầy các đặc vụ liên bang mặc đồng phục chạy qua các đường phố Los Angeles như một phần của hoạt động thực thi luật nhập cư.

CĂNG THẲNG CAMPUCHIA – THÁI LAN: HUN MANET NÓI CAMPUCHIA KHÔNG LOẠI TRỪ BIỆN PHÁP QUÂN SỰ, THÁI LAN TĂNG QUÂN Ở BIÊN GIỚI

Ông Hun Manet nói rằng Campuchia đã chuẩn bị các giải pháp pháp lý, ngoại giao và quân sự để bảo vệ biên giới.

Phát biểu vào sáng 7/6 trong một sự kiện tại tỉnh Ratanakiri, Thủ tướng Hun Manet khẳng định Campuchia đã thiết lập một hệ thống cơ chế toàn diện để giải quyết tranh chấp biên giới với Thái Lan.

Theo ông Hun Manet, cơ chế này bao gồm các thủ tục kỹ thuật, đàm phán song phương và các kênh pháp lý quốc tế.

Ông cũng khẳng định Campuchia sẵn sàng đáp trả bằng quân sự nếu Thái Lan phát động một cuộc xâm nhập vũ trang.

Ông Hun Manet nói gì?

Thủ tướng Campuchia Hun Manet nhấn mạnh: "Chiến lược của Campuchia dựa trên ba cơ chế chính. Trước hết, chúng ta tuân theo khuôn khổ kỹ thuật – làm việc thông qua các ủy ban biên giới song phương và tham chiếu các tài liệu pháp lý cùng bản đồ đã được hai bên đồng thuận."

Báo Khmer Times dẫn lời ông Hun Manet cho biết, đối với biên giới Campuchia–Thái Lan, hai nước đã thống nhất theo Biên bản Ghi nhớ năm 2000, sử dụng các bản đồ được lập dựa trên Hiệp ước Pháp–Xiêm năm 1904 và việc phân định ranh giới năm 1907.

Theo đó, các bản đồ tỷ lệ 1/200.000 là cơ sở để giải quyết tranh chấp dọc theo đường biên giới trên bộ dài khoảng 800 km giữa hai nước, từ khu vực Tam Giác Ngọc đến cửa khẩu Cham Yeam thuộc tỉnh Koh Kong.

"Trong trường hợp cơ chế kỹ thuật không đạt kết quả, chúng ta sẽ chuyển sang các lựa chọn pháp lý quốc tế. Ban đầu, chúng ta sẽ tìm cách giải quyết vấn đề thông qua các diễn đàn quốc tế. Nếu những con đường đó không hiệu quả, chúng ta sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý quốc tế chính thức," ông Hun Manet nói thêm.

Ông cũng phản hồi những chỉ trích về thời điểm hành động của chính phủ, khẳng định rằng Campuchia muốn giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng này ngay từ bây giờ để không để lại gánh nặng cho các thế hệ tương lai.

Thủ tướng Hun Manet còn tuyên bố rằng nếu Thái Lan sử dụng vũ lực để xâm phạm lãnh thổ thì Campuchia sẽ kiên quyết đáp trả nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Ông kêu gọi toàn thể công dân Campuchia giữ bình tĩnh, tránh lan truyền các luận điệu kích động hoặc mang tính dân tộc cực đoan có thể làm gia tăng căng thẳng hoặc châm ngòi xung đột giữa hai quốc gia.

Cáo buộc qua lại

Tuyên bố hôm 7/6 của ông Hun Manet là diễn biến mới nhất trong chuỗi sự kiện căng thẳng theo sau vụ nổ súng giữa quân đội Thái Lan và Campuchia vào rạng sáng 28/5, khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng.

Vào hôm 6/6, thủ đô Bangkok của Thái Lan cũng nóng lên khi có hàng trăm người biểu tình trước Đại sứ quán Campuchia, yêu cầu tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Thái Lan.

Vụ nổ súng xảy ra tại khu vực Tam Giác Ngọc, nằm giữa biên giới Campuchia, Thái Lan và Lào. Tại khu vực này, Campuchia và Thái Lan có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn và vẫn chưa cắm mốc phân định.

Về nguyên nhân dẫn tới vụ nổ súng, Thái Lan cáo buộc lính Campuchia có hành vi đào công sự xâm phạm lãnh thổ Thái Lan. Và khi lính Thái Lan tới cảnh báo thì lính Campuchia nổ súng trước, gây ra vụ đọ súng trong chừng 10 phút.

Trái lại, phía Campuchia nói rằng họ đang hoạt động bên trong lãnh thổ của mình và Thái Lan mới là bên xâm nhập trái phép và nổ súng trước.

Từ đó đến nay, hai bên đã có các cuộc gặp để làm dịu căng thẳng, nhưng các cáo buộc qua lại vẫn tiếp diễn gay gắt và quân đội hai bên đã được tăng cường tại biên giới.

Vào chiều 2/6, lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia cho biết đã đánh chặn một thiết bị bay không người lái ở khu vực tỉnh Preah Vihear giáp giới với Thái Lan. Phía Campuchia nói đây là thiết bị của quân đội Thái Lan, được phóng lên nhằm thu thập thông tin tình báo về hoạt động triển khai quân của Campuchia. Khu vực biên giới ở đền Preah Vihear thuộc tỉnh cùng tên của Campuchia là nơi từng xảy ra xung đột quân sự đẫm máu giữa hai nước từ năm 2008 đến 2011.

Cũng trong ngày hôm đó, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen, nhân vật quyền lực nhất Campuchia, nói: "Tôi được biết họ đang đào một giao thông hào[…] Họ có thể làm điều đó trong phạm vi lãnh thổ của họ, nhưng họ tuyệt đối không được đào trên đất của chúng ta – chỉ có vậy thôi."

Phía Thái Lan cũng đã tăng cường hiện diện quân sự dọc theo khu vực biên giới đang tranh chấp do Campuchia đã tăng quân, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan cho biết ngày 7/6, theo Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Phó Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai nói rằng trong cuộc đàm phán song phương vào ngày 5/6, Campuchia đã bác bỏ những đề xuất có thể giúp hạ nhiệt tình hình.

"Việc gia tăng hiện diện quân sự đã khiến căng thẳng tại biên giới trở nên nghiêm trọng hơn," ông Phumtham nêu rõ trong một thông cáo.

"Vì vậy, Chính phủ Hoàng gia Thái Lan thấy cần thiết phải thực hiện các biện pháp bổ sung và điều chỉnh lại thế trận quân sự tương ứng."

Ông không cung cấp chi tiết về quy mô tăng cường lực lượng của cả hai bên, nhưng trong những ngày qua, lực lượng quân đội Thái Lan đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở khu vực biên giới phía đông.

Ông Phumtham còn nói rằng Thái Lan không thừa nhận phán quyết của tòa quốc tế và đề nghị mọi vấn đề liên quan tới biên giới cần được giải quyết thông qua đàm phán song phương.

Trong khi đó, phía Campuchia cho biết sẽ đưa vấn đề ra Tòa án Công lý Quốc tế bất chấp Thái Lan có đồng thuận hay không. Trong quá khứ, tòa án này từng có các phán quyết có lợi cho Campuchia.

Trong một tuyên bố khác vào ngày 7/6, quân đội Thái Lan cáo buộc binh sĩ và dân thường Campuchia đã nhiều lần xâm nhập lãnh thổ Thái Lan.

"Những hành vi khiêu khích này cùng với việc tập trung lực lượng quân sự cho thấy ý định sử dụng vũ lực rõ ràng," quân đội Thái Lan cho biết và nhấn mạnh sẽ giành quyền kiểm soát tất cả các chốt kiểm soát của Thái Lan dọc biên giới với Campuchia.

Thủ tướng Thái Lan không kiểm soát được quân đội?

Vào thời điểm nổ ra vụ đọ súng hôm 28/5, Thủ tướng Hun Manet của Campuchia đang ở thăm Nhật Bản. Sau đó, ông tuyên bố rằng mọi quyết định về quân sự, bao gồm việc điều quân và vũ khí hạng nặng tới biên giới, đều xuất phát từ ông. Tuyên bố này nhằm khẳng định quyền kiểm soát đối với quân đội của ông Hun Manet, người đã được thăng cấp lên đại tướng 4 sao vào năm 2018, trước khi làm thủ tướng vào năm 2023.

Ở phía bên kia biên giới, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra có vẻ ở vào tình thế khó khăn hơn trong việc nói chuyện với các tướng lĩnh quân đội. Sau khi vụ nổ súng xảy ra, bà Paetongtarn đã nhanh chóng lên tiếng trấn an dân chúng, nói rằng hai bên sẽ giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tình hình đang hạ nhiệt.

Tuy nhiên, các phát biểu của giới tướng lĩnh quân sự và các chuyển động trong quân lực cho thấy tình hình chưa lắng dịu như bà Paetongtarn nói.

Bình luận với BBC News Tiếng Thái, nhà báo và nhà phân tích quân sự Suphalak Kanchanakhundee nói: "Điều kỳ lạ là cuộc họp của Ủy ban biên giới chung Thái Lan - Campuchia (JBC) mới được tổ chức vào ngày 1/5, nhưng đến cuối tháng đã xảy ra đụng độ."

Ông Supalak nói vụ đụng độ và các phát biểu thiếu nhất quán sau đó có thể là dấu hiệu cho thấy chính phủ Thái Lan hiện tại có "khá nhiều" lỗ hổng trong chỉ huy quân sự.

Trước đó, hãng truyền thông PBS của Thái Lan cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Phumtham từng ra lệnh rút quân khỏi khu Prasat Ta Muen Thom ở tỉnh Surin, sau cuộc họp của JBC vào đầu tháng 5.

Tuy nhiên, Trung tướng Boonsin Phadklang, Tư lệnh Quân khu 2, sau đó đã nói với báo chí rằng tình hình tại Prasat Ta Muen Thom vào thời điểm đó không thay đổi và quân đội vẫn đồn trú như thường lệ.

Ở phía bên kia, Bộ Quốc phòng Campuchia phủ nhận việc có thỏa thuận rút quân khỏi khu vực này. Ông Hun Sen cũng nói rằng Campuchia không rút quân khỏi lãnh thổ của mình theo yêu cầu của Thái Lan.

"Thông tin như vậy là không nhất quán. Nó phản ánh rằng trên thực tế, quyền chỉ huy quân sự của Đảng Pheu Thai khá yếu," ông Supalak nhận định, đồng thời nói thêm rằng quyết định hành động quân sự nên do chính quyền trung ương đưa ra, chứ không phải do các chỉ huy địa phương.

Mối quan hệ mơ hồ của quân đội với chính phủ khiến Thái Lan bất lợi so với Campuchia, vì Hun Manet có thể kiểm soát quân đội, theo ông Supalak.

Phóng viên Jonathan Head của BBC News đánh giá:

"Thông thường, chính phủ Thái Lan và Campuchia, mà trong thực tế là gia đình Hun đã nắm quyền tại Phnom Penh suốt 40 năm qua, đều cố gắng giữ gìn mối quan hệ và ngăn chặn các tranh chấp biên giới leo thang. Ở Campuchia, tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất thường đến từ phe đối lập, đặc biệt là ông Sam Rainsy. Nhưng vào những thời điểm như hiện tại, khi có đụng độ quân sự, cả hai bên đều bị cuốn vào làn sóng chủ nghĩa dân tộc."

Theo ông Jonathan Head, Hun Sen đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ khẳng định quyết tâm bảo vệ lãnh thổ và phía Thái Lan cũng có phản ứng tương tự. Dù phần lãnh thổ đang tranh chấp là rất nhỏ, không có giá trị chiến lược rõ rệt, thậm chí nhiều nơi còn xa xôi, hẻo lánh, nhưng các nhóm dân tộc chủ nghĩa lại thường xuyên đưa vấn đề này ra để khuấy động dư luận.

Ông Head nói: "Không ai tin rằng xung đột quy mô lớn sẽ xảy ra, nhưng rủi ro đụng độ vũ trang nhỏ lẻ ngày càng gia tăng, nhất là khi binh sĩ hai bên đóng quân quá gần nhau tại những khu vực tranh chấp, không rõ chỉ đạo từ trung ương và không ai muốn bị coi là rút lui hay mềm yếu. Vì thế, vào những thời điểm nhạy cảm như hiện nay, việc xảy ra va chạm vũ trang trở nên dễ hơn nhiều so với lúc bình thường."

CUỘC CHIẾN DƯỚI ĐÁY THÁI BÌNH DƯƠNG

Địa chính trị đáy biển Thái Bình Dương đang nóng lên khi Mỹ và Trung Quốc theo đuổi các chiến lược khác nhau để thống trị và kiểm soát nơi này.

Theo trang Asia Times, về mặt pháp lý, đáy biển được chỉ định là "di sản chung của nhân loại", nhưng trên thực tế, nó đã trở thành một biên giới tranh chấp gay gắt.

Điều này được minh họa bằng Vùng Clarion-Clipperton (CCZ), một vùng đáy biển quốc tế rộng lớn nằm giữa Hawaii và Mexico, giàu các khoáng chất quan trọng như niken, coban, đồng và mangan. Những nguồn tài nguyên này không chỉ là hàng hóa đơn thuần, chúng là thành phần quan trọng của các chiến lược quốc gia về độc lập năng lượng, sự dẫn đầu công nghệ và răn đe chiến lược.

Không giống như các vùng đất liền, nơi biên giới quốc gia phân định quyền tiếp cận, đáy biển được quản lý bởi một mớ hỗn độn các công ước quốc tế và khuôn khổ pháp lý không ràng buộc.

Sự mơ hồ về mặt pháp lý, kết hợp với quy mô khổng lồ của CCZ – khoảng 4,5 triệu km² – đã tái định nghĩa địa lý như một yếu tố quyết định quyền lực. Tại đây, địa hình tự nó đặt ra những quy tắc riêng: không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền hợp pháp, nhưng bất kỳ bên nào có đủ năng lực công nghệ đều có thể áp đặt quyền kiểm soát trên thực tế.

Chức năng chiến lược của đáy biển không nằm ở quyền sở hữu mang tính biểu tượng, đòi hỏi phải tham gia với các tổ chức đa phương như Cơ quan Đáy biển quốc tế (ISA), mà nằm ở hoạt động giám sát liên tục được thực thi thông qua tàu ngầm, giàn nạo vét và cơ sở hạ tầng hàng hải do nhà nước hậu thuẫn.

Thông qua các công cụ này, các quốc gia có thể chuyển đổi tình trạng pháp lý của đáy biển từ tài sản chung toàn cầu thành các yêu sách địa chính trị trên thực tế, không phải để chia sẻ, không phải để bảo vệ, mà là để bảo đảm.

Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung ở đáy biển sâu

Không có sự cạnh tranh nào minh họa cho động lực mới nổi của địa chính trị dưới đáy biển rõ nét hơn sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai cường quốc này tiếp cận khai thác biển sâu từ các vị trí thể chế, văn hóa chiến lược và mốc thời gian khác nhau về cơ bản.

Trung Quốc, với sự liên kết chặt chẽ giữa quyền lực nhà nước và kế hoạch công nghiệp dài hạn, đã tự đưa mình vào khuôn khổ đa phương của ISA. Nước này nắm giữ nhiều giấy phép thăm dò đáy biển hơn bất kỳ quốc gia nào khác và đã gây dựng được ảnh hưởng trong các cơ quan xây dựng luật của ISA.

Mục tiêu của Trung Quốc rất rõ ràng: định hình các quy tắc trước khi chúng được hoàn thiện, đảm bảo rằng các lợi thế về công nghệ, pháp lý và hoạt động của Bắc Kinh được mã hóa vĩnh viễn vào cấu trúc quản lý đáy biển toàn cầu.

Ngược lại, Mỹ tiếp cận đáy biển từ một vị trí riêng biệt về mặt cấu trúc. Bị loại khỏi ISA do không phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Mỹ đã chuyển sang chiến lược đơn phương, ban hành các ủy quyền pháp lý trong nước và chỉ thị hành pháp để đẩy nhanh hoạt động khai thác đáy biển.

Cách tiếp cận này phản ánh phản ứng trước lỗ hổng về mặt cấu trúc, cụ thể là sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng đối nghịch đối với các khoáng sản quan trọng. Trong khi Trung Quốc phát huy ảnh hưởng từ từ, thì Mỹ hành động khẩn trương, triển khai vốn tư nhân và sự linh hoạt về mặt quản lý để bù đắp cho sự vắng mặt chính thức của mình trong quản trị đa phương.

Điều này tạo ra một kiến trúc phân nhánh: Trung Quốc tìm cách kiểm soát khuôn khổ, trong khi Mỹ tìm cách hoạt động xung quanh nó. Tuy nhiên, động cơ của họ cơ bản là như nhau: sự cô lập chiến lược khỏi sự phụ thuộc vào tài nguyên và vị thế cạnh tranh trong một trật tự thế giới đang nhanh chóng trở nên cứng rắn hơn. Mỗi bên đều coi chiến lược của bên kia là gây mất ổn định.

Do đó, đấu trường quản lý biển sâu không còn là nơi trung lập để điều phối mà là không gian tranh chấp, nơi tính hợp pháp về thủ tục và quyền tự chủ chiến lược va chạm.

CCZ  - vùng đáy biển chiến lược ở Thái Bình Dương

CCZ (Khu vực Clarion-Clipperton) trải dài trên một khu vực gần bằng lãnh thổ Mỹ liền kề, nằm bên dưới vùng biển quốc tế giữa Hawaii và Mexico.

Đây là nơi tập trung trữ lượng đá đa kim lớn nhất được biết đến trên hành tinh – những cấu trúc khoáng vật chứa nhiều cobalt, nickel và mangan. Điều khiến khu vực này mang tính chiến lược không nằm ở quy chế pháp lý, mà ở đặc điểm địa hình rộng lớn, bằng phẳng và trầm tích ổn định – vô cùng lý tưởng cho việc khai thác quy mô công nghiệp.

CCZ do ISA quản lý, ISA đã chia khu vực này thành các khối giấy phép riêng biệt được trao cho các quốc gia và tổ chức tài trợ. Trên lý thuyết, sự phân mảnh này cho phép phối hợp và giám sát môi trường.

Trên thực tế, nó thể chế hóa sự cạnh tranh. Mỗi khối trở thành một lãnh địa có giá trị chiến lược, nơi các công ty và nhà tài trợ của họ tiến hành thăm dò, đánh giá môi trường và sớm khai thác trên quy mô lớn.

Các quốc gia và tập đoàn có năng lực công nghệ sâu rộng, bao gồm Trung Quốc, Canada (thông qua The Metals Company), Bỉ (GSR) và Na Uy (Loke), đã triển khai các phương tiện robot, hệ thống thu thập dữ liệu và thiết bị khai thác nguyên mẫu trong CCZ.

Những hoạt động này không phải là đầu cơ, mà là sự hiện diện mang tính chiến lược. Bằng cách duy trì tính liên tục hoạt động và dữ liệu độc quyền về các khu vực hợp đồng của mình, các bên đảm bảo được mức độ kiểm soát giống như ảnh hưởng lãnh thổ, ngay cả khi không có chủ quyền.

Trong khi đó, các quốc gia có tài sản lãnh thổ gần CCZ, chẳng hạn như Đảo Clipperton của Pháp, có thêm đòn bẩy bằng cách sử dụng các tài sản đất liền làm trung tâm hậu cần hoặc bàn đạp về mặt pháp lý.

Quyền lực của các quốc gia nhỏ bấp bênh

Các đảo quốc Thái Bình Dương chiếm một vị trí quan trọng nhưng bấp bênh trong cấu trúc địa chính trị của hoạt động khai thác biển sâu. Bản thân các quốc gia này không phải là cường quốc khai thác, nhưng vị trí pháp lý là các quốc gia ven biển và thành viên ISA khiến họ trở thành trung gian không thể thiếu trong các chiến lược thu thập tài nguyên của những quốc gia khác.

Các quốc gia như Quần đảo Cook, Nauru và Tonga đóng vai trò là quốc gia bảo trợ cho các công ty nước ngoài, cho phép các hợp đồng thăm dò theo các quy tắc của ISA. Đổi lại, họ nhận được tiền bản quyền, viện trợ cơ sở hạ tầng và cam kết ngoại giao.

Tuy nhiên, đòn bẩy mà họ nắm giữ, bắt nguồn từ thủ tục pháp lý hơn là năng lực vật chất, ngày càng mong manh. Khi các cường quốc lớn mở rộng phạm vi công nghệ của mình và bắt đầu hành động bên ngoài khuôn khổ ISA, giá trị của các khoản tài trợ này sẽ giảm đi.

Những chia rẽ nội bộ trong khu vực Thái Bình Dương, giữa những quốc gia theo đuổi cơ hội kinh tế và những quốc gia ủng hộ sự thận trọng về môi trường, càng làm rạn nứt vị thế đàm phán của các quốc gia này. Ảnh hưởng tập thể của họ giảm đi khi họ bị lôi kéo vào các liên kết đối lập.

Trong khi đó, thiệt hại môi trường do khai thác đáy biển không chỉ có khả năng xảy ra mà còn hầu như không thể tránh khỏi theo các thông lệ và khuôn khổ pháp lý hiện tại.

Các hậu quả về mặt sinh thái (phá hủy môi trường sống của sinh vật đáy, phá vỡ chuỗi thức ăn dưới đại dương sâu và làm gián đoạn quá trình cô lập carbon) hiện nay đã được ghi chép đầy đủ nhưng vẫn chưa được "định giá" về mặt chính trị.

Nguồn: Người Đưa Tin; CafeF; Soha; BBC; Báo Tin Tức

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

YOUTUBE: Tuần Lễ hội Văn hóa Việt tại Leipzig kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-CHLB Đức

Trong hai ngày 17 và 18/5, cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Leipzig đã phối hợp với Sở thú Leipzig tổ chức “Tuần Lễ hội Văn hóa Việt tại Leipzig ” kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam – CHLB Đức (1975 – 2025).

Đây cũng là sự kiện nằm trong khuôn khổ tuần lễ đa văn hóa do chính quyền thành phố Leipzig tổ chức nhằm tạo không gian để các cộng đồng sinh sống trên địa bàn quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa, ẩm thực... của đất nước mình.

Nguồn: TTX VIỆT NAM

Đức Việt Online

YOUTUBE: Lễ Trao tặng Huy hiệu Danh dự, tôn vinh ông Bùi Quang Huy & 8 nhà hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất

Lễ vinh danh chín nhà hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất Leipzig trong những năm qua, được tổ chức trang trọng tại Hội trường, Tòa Thị chính Thành phố Leipzig.

Trước sự chứng kiến ​​của các nhân vật trọng yếu, các phó thị trưởng, hội đồng thành phố, ban đối ngoại, sở văn hóa, đặc trách ngoại kiều, các ban nghành thành phố, Thị trưởng Burkhard Jung, cổ đeo vòng dây chuyền vàng Goldketten uy nghi, trịnh trọng trao tặng huy hiệu, bảng vàng danh dự, bằng khen của Thành phố Leipzig cho 9 nhà hoạt động cộng đồng  xuất sắc nhất trên các lĩnh vực xã hội, văn hóa, chính trị.

Tác giả Đức Thúy

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Lên đầu trang