- Thời sự
- Việt Nam
Khác với tình hình ảm đạm trong năm 2023 về tình hình đơn hàng, bước sang năm 2024, thị trường cho hàng dệt may đã có nhiều khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 8 và tháng 9-2024
Chia sẻ tại Hội thảo định hướng sản xuất hàng may mặc do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với Công ty TNHH Lectra Việt Nam vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Ngành dệt may Việt Nam sở dĩ có sự khởi sắc kể trên là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang kiềm chế được lạm phát khiến sức mua tăng lên. Các kho hàng tồn dư của các nhãn hàng đã giảm đi, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Vitas để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng.
“Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 9,3 tỷ USD, vì vậy mục tiêu xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD của dệt may Việt Nam đến cuối năm 2024 là hoàn toàn khả thi”- bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nhận định.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã có khởi sắc, nhận nhiều đơn hàng hơn. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý II phục hồi tương đối thuận lợi, ở mức từ 10-15%. Đơn hàng vẫn ở quy mô nhỏ nhưng phân khúc sản phẩm đa dạng giúp doanh nghiệp sản xuất “dễ thở” hơn”.
Dù đơn hàng có khởi sắc hơn, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, đơn giá gia công còn rất thấp, dung lượng đơn hàng nhỏ nhưng yêu cầu về thời gian giao hàng bị rút ngắn. Những chi phí về nguyên phụ liệu, chi phí logistics vẫn còn quá cao do xung đột Biển Đỏ, trong bối cảnh Việt Nam dần mất đi lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ nên rất khó kiếm được đơn hàng đơn giản với số lượng lớn.
Hơn nữa, phần lớn các thị trường xuất khẩu hiện nay đều kiểm soát chặt chuỗi cung ứng. Những đòi hỏi khắt khe từ nguồn gốc nguyên phụ liệu, đáp ứng chứng chỉ xanh đối với nhà máy, sản phẩm có sử dụng sợi tái chế để đảm bảo chuẩn về kinh tế tuần hoàn. Ngành dệt may đứng trước áp lực giảm khí thải nguy hại trong quá trình sản xuất; cải thiện về nguồn lao động và môi trường, nguyên phụ liệu, tiết kiệm năng lượng và xanh hóa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may cần phải tạo lập thương hiệu Việt Nam đứng ở vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, chú trọng và đề cao việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của chính mình, thay thế cho sản phẩm xuất khẩu vẫn phải mang tên của các thương hiệu lớn khác trên thế giới. Cùng với đó, doanh nghiệp phải dần chuyển đổi sang sản xuất tự động hóa, sản xuất thông minh làm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí vận hành từ đó làm tăng lợi thế cạnh tranh.
Ông Kevin Trịnh Vũ, Phó giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Lectra Việt Nam cho biết, với lượng lớn doanh nghiệp là nhỏ và vừa thì việc ứng dụng công nghệ và tối ưu hóa trong quá trình sản xuất sẽ giúp tiết kiệm được chi phí, nhân công. Theo đó, dòng máy cắt vải tự động nhiều lớp VectorFashion IC70 đã được tối ưu hóa cho thị trường Việt Nam từ mức đầu tư ban đầu, tiết kiệm chi phí trong quá trình vận hành, tăng hiệu suất làm việc hoàn toàn phù hợp với các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Cơn sốt" giá vé máy bay đã tạm hạ nhiệt sau kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5. Nhiều đường bay tới các điểm du lịch, giá vé giảm chỉ còn khoảng 1/2 so với thời điểm cách đây 2 tuần.
Vé "0 đồng" tái xuất
"Nhịn" về quê dịp 30.4 - 1.5 do giá vé máy bay quá cao, chị Quỳnh Trang (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) đành ở lại TP.HCM suốt 5 ngày nghỉ lễ và dự tính sẽ chờ qua cao điểm, xin nghỉ phép về thăm nhà sau. Nghe mọi người kháo nhau tháng 6 bắt đầu cao điểm hè, giá vé sẽ tiếp tục đắt đỏ, nên chị quyết định tranh thủ mua vé máy bay ngay trong tuần này.
"Tôi vừa đặt vé xong, cuối tuần này bay. Bay ra chặng TP.HCM - Hà Nội của Bamboo Airways, bay vào bằng Vietravel Airlines tổng tiền gần 3 triệu đồng/2 chiều. Hai tuần trước tôi xem vé máy bay dịp lễ, giá 3 triệu này chỉ mua được 1 chiều vé thôi. Đúng là bắt đầu từ tháng 6, giá vé sẽ tăng dần lên tới tháng 7, tháng 8 luôn. Nhưng nếu bay giữa tuần thì cũng rẻ hơn cuối tuần được vài trăm ngàn đồng/chiều. Thôi, chủ động sắp xếp được công việc thì tranh thủ về quê luôn cho tiết kiệm", chị Quỳnh Trang nói.
Đúng như phản ánh của chị Quỳnh Trang, giá vé máy bay từ nay đến giữa tháng 6 khá "mềm". Chặng TP.HCM - Hà Nội của Bamboo Airways, Vietravel Airlines có khá nhiều chuyến bay chỉ hơn 1,4 triệu đồng/chiều, về ngang mức giá thông thường giai đoạn trước dịch Covid-19. Mặt bằng giá của Vietjet nhỉnh hơn một chút, giá vé chủ yếu ở mức hơn 1,6 triệu đồng/chiều; từ khoảng đầu tháng 6 trở đi, tăng dần lên mức hơn 2 triệu đồng/chiều. Vietnam Airlines có vài chuyến bay giá dưới 2 triệu đồng/chiều nhưng đa phần giá vé dao động từ 2,3 - 2,5 triệu đồng/chiều. TP.Đà Nẵng được dự báo sẽ là một trong những điểm đến "hot" nhất hè này nhờ sức hút của Lễ hội pháo hoa quốc tế 2024, song từ nay đến giữa tháng 6, giá vé máy bay cũng không biến động mạnh. Đơn cử, vé khứ hồi Hà Nội - Đà Nẵng của Vietnam Airlines có nhiều chuyến bay giá khoảng 2,8 triệu đồng/chiều, giảm khoảng 40% so với thời điểm lễ. Chặng này của Vietjet dao động từ 2,8 - 3,2 triệu đồng/khứ hồi tùy chuyến bay.
Ngay cả với đường bay "hot" nhất đợt lễ vừa qua là chặng Hà Nội - Phú Quốc, nếu lựa chọn kỳ nghỉ cuối tuần này, mặc dù có rất ít chuyến bay nhưng người mua sẽ chỉ phải trả 1,5 triệu đồng/chiều vé của Vietjet (giảm hơn 1 triệu so với giai đoạn lễ) và khoảng 3 triệu đồng/chiều vé của Vietnam Airlines. Đợt 27.4, giá vé thấp nhất của Vietnam Airlines trên chặng này là gần 4,5 triệu đồng/chiều, vé hạng phổ thông linh hoạt.
Nhìn chung, vé máy bay các hãng trên tất cả các chặng đều có nhiều mức giá. Nhiều chuyến bay vẫn giữ mức giá khá cao nhưng đã có thêm khá nhiều chuyến mở dải giá rẻ cho hành khách, không còn chỉ neo "trên trời" như cao điểm lễ.
Đáng chú ý, sau thời gian dài "mất tích", Vietjet đã cho "tái xuất" loạt giá vé 0 đồng. Vé này hiển thị chủ yếu trên chặng bay Hà Nội - Phú Quốc, thời điểm khởi hành từ tháng 9 - 12, chủ yếu áp dụng cho chuyến bay vào chủ nhật và những ngày đầu tuần, khung giờ sáng sớm và đêm. Đây cũng là thời điểm du lịch nội địa vào giai đoạn thấp điểm. Ngoài ra, một số đường bay như Hà Nội - Huế, Nha Trang; TP.HCM đến Nha Trang, Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, Vinh… đều có vé giá chỉ 70.000 - 90.000 đồng.
"Không chỉ Vietjet, tất cả các hãng hàng không đều có nhiều vé giá rẻ giai đoạn cuối năm. Năm nào cũng vậy, lễ, tết thì giá vé máy bay nóng rần rần chứ trong năm hoặc mấy tháng cuối năm thấp điểm, họ lại mở nhiều dải giá vé thấp. Khách nào mua sớm, đặt xa hoặc sắp xếp du lịch tránh cao điểm thì vẫn mua được vé giá rẻ", chị Thùy Linh, một đại lý vé máy bay tại Hà Nội, thông tin.
Hãng bay tất bật tìm thuê tàu cho cao điểm hè
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Vietnam Airlines cho biết hiện nay chi phí đầu vào tăng quá cao cùng sự thiếu hụt trầm trọng máy bay là những nguyên nhân chính đẩy giá vé máy bay tăng cao, đặc biệt trong các giai đoạn cao điểm, khi mà nhu cầu vượt quá so với khả năng cung ứng của các hãng. Hiện tại, Vietnam Airlines khai thác trung bình 84 chiếc/tháng, thiếu hụt trung bình 12% máy bay khai thác so với năm 2023. Dự kiến đến cuối năm 2024, số lượng máy bay Airbus A321neo dừng hoạt động sẽ lên tới 18 - 20 máy bay. Khi đó, tổng máy bay khai thác của hãng sẽ chỉ còn khoảng 80 chiếc.
Để ứng phó với những khó khăn, từ tháng 9.2023, hãng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp như đẩy sớm lịch định kỳ, bảo dưỡng các tàu bay để đảm bảo nguồn lực sẵn sàng khai thác trong giai đoạn cao điểm; đồng thời, thuê ướt bổ sung theo nhu cầu tại các tháng cao điểm. Cụ thể, Vietnam Airlines đã thuê bổ sung 4 tàu bay thuê ướt phục vụ đi lại trong cao điểm tết 2024 và đang tiếp tục tìm thuê 4 máy bay trong vòng 2 - 3 tháng, tính từ 1.6 tới. Các hãng hàng không còn lại là Vietjet, Bamboo Airways và Vietravel Airlines cũng đang tìm cách mở rộng đội bay trong thời gian ngắn hạn.
Tuy nhiên, hiện tại việc thuê bổ sung cho cao điểm hè cũng gặp nhiều thách thức.
"Giá thuê khô máy bay thì trung bình đã tăng 20 - 30% so với thị trường trước và ngay sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, đối với máy bay thuê ướt cho giai đoạn cao điểm hè, là giai đoạn cao điểm chung tại rất nhiều khu vực trên thế giới, nên giá thuê bị đẩy cao, số lượng máy bay cho thuê ướt trên thị trường cũng hạn chế và mức giá tối thiểu tăng gấp đôi so với giai đoạn cao điểm Tết Giáp Thìn vừa qua...", đại diện Vietnam Airlines thông tin.
Đại diện Bamboo Airways cũng chia sẻ hãng này dự kiến phải chịu khoản lỗ khá lớn để có thể thuê thêm 2 máy bay tăng tải cao điểm hè. Nỗ lực tăng nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách, góp phần cân đối thị trường, giữ mặt bằng giá vé máy bay không biến động mạnh vào mùa cao điểm nhất năm của du lịch nội địa.
Tuy vậy, các hãng hàng không cũng nhận định du lịch là chuỗi liên kết của nhiều đơn vị từ công ty lữ hành, các hãng hàng không, địa điểm lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan... Để hình thành các sản phẩm du lịch kích cầu, cần có sự tham gia, đồng thuận và triển khai đồng loạt từ tất cả các bên. Các phương tiện vận tải khác hay các cơ sở lưu trú, nhà hàng… cũng cần cân đối các mức giá hợp lý tạo nên những gói tour phù hợp với khách hàng, qua đó thúc đẩy du lịch phát triển. Về phía người dân cũng nên chủ động lên kế hoạch cho chuyến đi từ sớm để có cơ hội mua vé máy bay trong dải giá thấp và trung bình.
Mặc dù biết là sẽ lỗ nặng, nhưng để không bị “đói” việc; để tồn tại, chờ cơ hội; thậm chí là để “làm đẹp” hồ sơ, nhiều nhà thầu xây dựng đã chọn cách cạnh tranh bằng bỏ thầu giá cực thấp…
Tại buổi giao lưu "Cà phê nhà thầu xây dựng" diễn ra ngày 11/5, các lãnh đạo doanh nghiệp đều bày tỏ lo ngại về việc các nhà thầu xây dựng đang tự “bắn vào chân nhau” bằng việc cạnh tranh phá giá. Thực trạng này ngày càng phổ biến, đang triệt hạ dần ngành xây dựng Việt Nam…
Càng làm càng lỗ, càng làm càng lo...
Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), trong thời gian gần đây, ngoại trừ một số doanh nghiệp có chuyên môn về hạ tầng kỹ thuật được chỉ định tham gia vào các gói hạ tầng kỹ thuật lớn quốc gia, còn lại do lĩnh vực bất động sản không có dự án mới nên doanh nghiệp xây dựng cũng không có việc, đặc biệt là các công ty chuyên về xây dựng dân dụng.
Từ chỗ “đói” việc nhưng vẫn phải nuôi bộ máy, nuôi công nợ…, nên để có dòng tiền duy trì doanh nghiệp thì cách mà nhiều nhà thầu đang buộc phải làm là cạnh tranh bằng giá. Cứ giảm giá bất chấp để được nhận thầu, mặc dù biết chắc chắn sẽ lỗ.
“Càng làm càng lo”, "càng làm càng lỗ" là tình trạng chung của các nhà thầu phá giá nhưng đây là cách cạnh tranh dễ nhất. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng: một là công trình bị bớt xén chất lượng, hai là các công ty xây dựng tự “gặm xương mình” để tồn tại. Hiện tượng này càng ngày càng phổ biến trong cả lĩnh vực xây dựng dân dụng lẫn đầu tư công, dẫn đến nguy cơ các nhà thầu xây dựng tự tiêu vong.
“Ví như vừa rồi, một chủ đầu tư mở thầu một công trình cao tầng, trong khi các nhà thầu khác bỏ thầu tầm 860 tỷ đồng thì một nhà thầu đã hạ xuống mức 710 tỷ đồng, đánh bật các nhà thầu khác. Trong khi trước đây, đơn vị này chưa bao giờ chấp nhận bỏ thầu thấp”, đại diện VACC cho biết.
“Nhìn lại thời gian trước, khi các dự án được triển khai ồ ạt, nhiều nhà thầu đã đầu tư hàng loạt máy móc thiết bị… để tham gia thi công. Áp lực khấu hao lớn cộng với nhiều nguyên nhân khác nữa khiến họ bằng mọi cách phải trúng thầu. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải mở 2 gói thầu thuộc một dự án giao thông (cỡ mấy trăm tỷ). Ở gói thầu thứ nhất, có nhà thầu bỏ giá giảm tới 14%. Cũng nhà thầu đó bỏ gói thầu thứ 2 giảm hơn 25%... Với giá trúng thầu này, làm hoà vốn đã là khó”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc công ty Trường Sơn, dẫn chứng.
Cũng đề cập đến tình trạng trên, ông Vũ Xuân Thắng, Phó Tổng giám đốc Coma, cho biết một số đơn vị qua quá trình thi công có nhiều vấn đề, dẫn đến khó khăn về tài chính nên rất muốn có hợp đồng bằng mọi giá. Nhưng không phải để làm thực, mà là để “làm đẹp” hồ sơ, để “có chân” trong dự án, để đáo nợ ngân hàng... Nhưng khi bắt tay vào triển khai, họ sẽ yêu cầu tăng vốn đầu tư, nếu không thì không làm. Với quy chế hiện nay, nếu doanh nghiệp bỏ giá thầu thấp, các chủ đầu tư không chọn là vi phạm quy định. Song chọn nhà thầu đó, chủ đầu tư là Nhà nước có khi cũng “chết”, doanh nghiệp trúng thầu cũng “chết”, còn các nhà thầu làm ăn nghiêm túc thì điêu đứng.
Tự triệt tiêu nhau ngay khi đang chờ được “cứu”
Nhiều doanh nghiệp còn lo ngại rằng việc bỏ giá thầu thấp là đi ngược với mục tiêu phát triển của ngành xây dựng và ngược với những gì Hiệp hội nhà thầu đang kiến nghị các cơ quan cấp trên để bãi bỏ hệ thống đơn giá, định mức cổ điển hiện nay (rất thấp so với giá thực tế). Khi không ít doanh nghiệp bỏ giá thầu thấp thì những kiến nghị này sẽ khó được các đơn vị chức năng xem xét, tháo gỡ.
Và như thế, trên thị trường xây dựng vẫn tồn tại hai giá: giá Nhà nước - thể hiện qua hệ thống đơn giá định mức do Bộ Xây dựng ban hành và giá thị trường tự do - áp dụng cho các công trình vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, điều này gây ra muôn vàn khó khăn cho các nhà thầu xây dựng. Bởi hệ thống đơn giá định mức của chúng ta (xây dựng từ những năm 1960) hiện đang tồn tại rất nhiều hạn chế. Mặc dù vừa qua, sau kiến nghị của Hiệp hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành điều chỉnh được khoảng 300 định mức, đơn giá (trong khi riêng ngành giao thông có khoảng 40 ngàn định mức). Tuy nhiên, việc điều chỉnh vẫn rất chậm và còn nhiều bất cập.
Với một số vật liệu được sử dụng nhiều như bê tông thì vẫn chưa được điều chỉnh định mức. Đồng thời, một số công việc chuyên ngành giao thông hay máy móc, công nghệ thi công mới… lại chưa có định mức. Còn các đơn giá định mức khác thì quá thấp so với giá thực tế, nhất là đơn giá nhân công.
“Theo đơn giá định mức nhân công, tiền lương của kỹ sư giám sát công trường là 6 triệu đồng/tháng nhưng thực tế, để thuê được một kỹ sư như thế, nhà thầu phải trả 25 triệu đồng/tháng.
Ở một số công trình giao thông trọng điểm, giá đất đắp đường được quy định là 100 ngàn đồng/khối nhưng khi các doanh nghiệp ồ ạt vào làm thì đơn giá thực tế bị đẩy lên cao chót vót; chi phí bồi thường cho mỏ đất làm vật liệu san lấp là 5 triệu đồng/ha nhưng thực chất phải trả 25 triệu đồng/ha… Ngoài ra, tại hầu hết các địa phương đều thiếu vật liệu để thi công, khiến nhà thầu phải “nằm” chờ, không triển khai được thì lãi cũng thành lỗ.
Ở một số gói thầu thuộc đường cao tốc, 319 bỏ giá thầu thấp hơn có 1,4% mà còn lỗ. Không biết với trường hợp giảm đến 25% thì họ làm kiểu gì, chất lượng, khối lượng, chi phí quản lý… ra sao?”, ông Nguyễn Minh Khiêm, Tổng giám đốc công ty 319 chia sẻ.
“Chúng ta luôn phản ánh định mức giá xây dựng đang quá thấp so với thực tế và kiến nghị Chính phủ cùng các Bộ, ngành “cởi trói” về đơn giá định mức. Nhưng khi các cơ quan bên trên chưa kịp “cứu” thì chúng ta đã tự “giết nhau” bằng việc phá giá - ngược lại với phản ánh trên, thì ai “cứu” được? Liệu những phản ánh, kiến nghị đó có được xem xét, điều chỉnh không? Nếu tình trạng này không được giải quyết là chúng ta tự đưa nhau đến bế tắc”, Phó Tổng giám đốc công ty Trường Sơn, nêu quan điểm.
Trước nguy cơ trên, các nhà thầu đồng loạt đề xuất những giải pháp chống phá giá trong đấu thầu dự án. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị lên các cơ quan chức năng có chế tài cụ thể đối với các trường hợp phá giá…
Sau khoảng thời gian muốn bán hoặc muốn “thăm dò” giá thị trường, khá nhiều chủ đất đã rút hàng chờ thêm tín hiệu phục hồi. Vì đâu nhà đầu tư không bán ra dù khá bí về dòng tiền?
Vào cuối năm 2023, tại thị trường bất động sản phía Nam đã xuất hiện hiện tượng chủ nhà/đất “quay xe” không bán nữa dù đã gần tiến tới giao dịch. Hiện tại, tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra.
Vào tháng 1/2024, anh Q (quận 7) rao bán lô đất hơn 100m2 tại một KĐT thuộc quận 9 (Tp.HCM)với giá 5,2 tỉ đồng. Trong thông tin rao bán, môi giới để mức này còn thương lượng. Chỉ sau khoảng thời gian ngắn, khá nhiều khách hàng quan tâm lô này do vị trí đẹp, mặt tiền đường lớn. Môi giới và cả khách mua trực tiếp liên hệ với anh Q để trả giá. Mức giá trả dao động từ 4,5 đến 5,1 tỉ đồng/nền. Lô đất được anh Q mua vào thời điểm đầu năm 2022 với giá 4,8 tỉ đồng.
Mặc dù theo thông tin môi giới đăng tải, mức giá trên còn thương lượng nhưng dù có người đã trả sát 5,1 tỉ đồng/nền, nhà đầu tư này vẫn không bán. Khi chúng tôi liên hệ với ngỏ ý muốn mua, anh Q cho hay: “Tạm thời không bán nữa do đưa lên mà loạn giá quá”.
Thực tế, nhà đầu tư này không quá ngộp tài chính. Do nhiều người quan tâm nên chủ đất nghĩ rằng, thị trường đã hồi phục, từ đó “đổi ý” không muốn bán nữa. Thậm chí, không bán ngay cả khi chốt được đúng với giá rao ban đầu. Như vậy để thấy, khi không bán được giá như kì vọng, hoặc nghĩ rằng giá rao bị “hớ”, nhiều chủ đất đã giữ hàng, chờ bán giá cao hơn.
Tìm hiểu được biết, nhiều chủ đất sau khoảng thời gian gửi môi giới đăng tin rao bán nhưng đã không bán được mức giá đưa ra nên “rút hàng” về. Qua động thái thăm dò, số lượng người muốn mua khá nhiều song không “chốt” mức giá mà chủ nhà thu về. Vì thế, nhận thấy lô đất, căn nhà của mình được nhiều người quan tâm, chủ đất tin rằng, giá còn lên nữa, chờ thêm.
Tuy vậy, theo các môi giới thị trường đất nền phía Nam có dấu hiệu ấm giao dịch nhưng chưa tăng giá. Các lô bán được thời điểm này hầu hết vẫn ở ngưỡng giá thấp hơn thị trường 10-20%. Hành động “quay xe” vẫn diễn ra nhưng rơi vào các nhà đầu tư chưa quá bí dòng tiền. Đối với các nhà đầu tư ngộp tài chính họ sẽ bán khi người mua thương lượng trong khoảng giá hợp lý.
Cũng theo môi giới, nhiều chủ nhà kì vọng quá lớn vào tín hiệu khởi sắc của thị trường nên ngưng bán. Thay vì lời ít, nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi thêm, ngay cả khi họ vẫn gồng lãi ngân hàng. Theo tính toán của nhà đầu tư, lãi suất thấp, việc giá bất động sản “bật tăng” có thể hỗ trợ vào phần lãi vay của họ.
Gần đây, thị trường nhà đất phía Nam tiếp tục xuất hiện nhóm nhà đầu tư có tài chính vững đi săn hàng giảm giá. Mặc dù, hiện mức độ giảm giá của đất nền đã giảm so với năm 2023, song những nhà đầu tư ngộp tài chính vẫn cắt lời hoặc bán lỗ để thu dòng tiền.
Theo ghi nhận, tại khu vực quận 9, quận 2, Thủ Đức (nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) hoạt động mua bán đất nền phân lô đã có dấu hiệu rục rịch trở lại. Những lô đất được bán ra nhanh ở thời điểm này phần lớn giảm giá từ 200-400 triệu đồng/lô. Thậm chí, những lô đất dù có vị trí, phong thủy không đẹp nhưng giảm giá vẫn có nhà đầu tư vào mua.
Chẳng hạn, mới đây, tại khu Đông Tp.HCM, lô đất 100m2 rao bán với giá 3.8 tỉ đồng/nền. Đáng nói, lô đất có vị thế không đẹp khi mặt tiền có đường ngã nhánh đâm thẳng vào. Theo phong thuỷ, đây là điều kiêng kị khi chọn mua bất động sản. Thế nhưng, lô đất phân lô này nằm trong khu vực dân cư đã sinh sống đông đúc. Chủ đất giảm giá 250 triệu đồng so với giá thị trường khu vực, nên chỉ hơn một tuần rao bán, lô đất đã có người mua.
Nguồn: VTV4; Thanh Niên; VnEconomy; CafeF
Thanh Lam gây tranh cãi; Khi tai tiếng đè bẹp nổi tiếng; Phát hiện thêm 250 bộ tiểu sành ở Tây Sơn; Gia đình 3 người tử vong dưới mương
2 nhóm thanh niên chém nhau trên đường; Chơi hụi online, bị lừa tiền tỷ; ‘Tiện tay’ trộm vàng nhà bạn; Đường dây rửa tiền xuyên Việt
Nở rộ lừa đảo vé máy bay; Cuộc đua robot của các ‘ông lớn’; Phố café đường tàu lại đông đúc; ‘Khóc ròng’ vì ôm đất nền suốt 4 năm
Nhập lậu hàng nghìn tấn khí cười; Trộm tiền đám cưới, bị lột đồ kiểm tra; Trộm xe mang sang Campuchia bán; Lừa đảo bệnh nhân suy thận
Lai lịch 150 bộ hài cốt được phát hiện; Tông chết người rồi về nhà nhậu; Xe chở rác rơi xuống sông; Bé gái bị chó becgie cắn tử vong
Vừa massage vừa kích dục cho khách; Đưa bạn gái nhí vào nhà nghỉ; Nghịch tử đánh bố đẻ tử vong; 2 vợ chồng tử vong bất thường
Y án tử hình Trương Mỹ Lan; Bác kháng cáo của Đỗ Thị Nhàn; Chuyện lót tay ở dự án Đại Ninh; Liên tiếp dừng các vụ đấu giá đất
Các cán bộ bị kỷ luật tuần qua; ‘Choáng’ khối tài sản của Lê Đức Thọ; Tin quy hoạch nổi bật; Miếng bánh đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá