
DOANH NGHIỆP HỒ TIÊU CẦU CỨU VÌ HÀNG XUẤT KHẨU BỊ “RÚT RUỘT”
Giữa lúc giá hồ tiêu tăng sốc, có doanh nghiệp phản ánh hàng xuất khẩu bị “rút ruột” khiến khách hàng quốc tế không nhận đủ lượng hàng đã giao
Ngày 7-6, giá hồ tiêu trong nước nhảy vọt lên mức 164.000 đồng/kg, tăng thêm 16.000 đồng/kg so với ngày hôm trước và tăng hơn 60% so với giữa tháng 5. Hồi đầu năm 2024, giá hồ tiêu còn ở mức 70.000 đồng/kg.
Việc hồ tiêu tăng giá nóng giúp nhà vườn, đại lý đang trữ tiêu có lợi nhưng các đơn vị thương mại quên với tập quán "mua xa – bán xa" sẽ bị thua lỗ vì phải mua hàng giá cao để giao cho hợp đồng giá thấp.
Các doanh nghiệp chế biến cũng mệt mỏi vì giá nguyên liệu tăng trong khi thành phẩm cuối cùng chỉ có thể tăng giá nhẹ.
Trong khi đó, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam thông tin về việc một số doanh nghiệp phản ánh họ bị mất một phần khối lượng hàng hóa xuất khẩu.
Cụ thể, nhà nhập khẩu phát hiện hàng hóa bị thiếu hụt so với hợp đồng, trong khi khối lượng container bao gồm hàng hóa bên trong được cân tại cảng theo phiếu cân tại cảng đều thể hiện hàng hóa đủ khối lượng.
Theo điều tra nội bộ, doanh nghiệp xuất khẩu nghi ngờ khả năng hàng bị mất trong thời gian container được hạ bãi chờ xuất tàu. Việc thiếu hụt hàng hóa này làm giảm lòng tin của các đối tác quốc tế và khách hàng vào hệ thống logistics và vận tải biển của Việt Nam cũng như uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí hơn để tăng cường an ninh, bảo hiểm hàng hóa và xử lý các vụ mất hàng.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đã gửi cảnh báo đến các hội viên và đề nghị những doanh nghiệp gặp tình trạng tương tự cung cấp thông tin để Hiệp hội tổng hợp và báo cáo các cơ quan bộ ngành liên quan xem xét xử lý.
NHIỀU NGƯỜI LAO ĐỘNG NGẠC NHIÊN KHI NHẬN ‘TRÁT’ PHẠT NỢ THUẾ, CẤM XUẤT CẢNH
“Đa số người lao động ngạc nhiên vì trước đó không nhận thông báo nộp phạt của cơ quan thuế. Sau khi trao đổi cụ thể từng khoản chậm nộp, nộp bổ sung, người lao động nộp đầy đủ nhưng cũng mong cơ quan thuế thông báo trước để tránh tình trạng bị phạt tiền chậm nộp”, chị Nguyễn Thu Dương - kế toán một doanh nghiệp cho hay.
Nhận thông báo phạt mới biết nợ thuế
Chị Thanh Hương ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, sau khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2023, chị nhận được thông báo phải nộp phạt tiền chậm nộp thuế gần 10 triệu đồng. Chị Hương chia sẻ, năm 2022, chị có 2 nguồn thu nhập từ 2 đơn vị khác nhau. Do sơ suất không kiểm tra đơn vị trả thu nhập đã nộp thuế hay chưa, chị Hương ủy quyền cho cơ quan công tác quyết toán thuế TNCN.
“Sơ suất do ủy quyền cơ quan đã quyết toán thuế TNCN nên tôi không kiểm tra lại. Khi cơ quan quyết toán thuế TNCN năm 2023, tôi mới biết bị nộp phạt tiền chậm nộp. Số tiền phạt rất lớn, bằng gần 1 tháng lương của tôi”, chị Hương chia sẻ.
Nhiều cá nhân phải nộp bổ sung tiền thuế TNCN do bị vượt bậc thuế. Anh Nguyễn Đức ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ vừa nhận thông báo nộp bổ sung tiền thuế TNCN. Anh Đức có 2 nguồn thu nhập khác nhau. Nguồn thu nhập từ đơn vị chi trả thứ 2 đều khấu trừ thuế TNCN 10%.
“Đơn vị chi trả đã khấu trừ đầu nguồn, tôi nghĩ nộp thuế đủ, cuối năm chỉ ủy quyền quyết toán thuế phần thu nhập đã nộp. Không ngờ, do tổng thu nhập chịu thuế vượt trên số thuế đã khấu trừ nên tôi phải nộp thêm tiền thuế còn thiếu và tiền chậm nộp”, anh Đức nói.
Theo chị Nguyễn Thu Dương - kế toán một doanh nghiệp tại Hà Nội, khi nhận ủy quyền quyết toán thuế TNCN năm 2023, nhiều người lao động nhận thông báo nộp phạt tiền chậm nộp của những năm trước đó. Với các trường hợp này, chị Dương nhận thông báo của cơ quan thuế và hướng dẫn cho người lao động nộp bổ sung.
“Đa số người lao động ngạc nhiên vì trước đó không nhận thông báo nộp phạt của cơ quan thuế. Sau khi trao đổi cụ thể từng khoản chậm nộp, nộp bổ sung, người lao động nộp đầy đủ nhưng cũng mong cơ quan thuế thông báo trước để tránh tình trạng bị phạt tiền chậm nộp”, chị Dương chia sẻ.
Cơ quan thuế hậu kiểm
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Thông tư 156/2013/TT-BTC và Thông tư 92/2015/TT-BTC đã quy định rõ, trường hợp người nộp thuế là cá nhân cư trú có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công phải kê khai quyết toán thuế TNCN.
Người nộp thuế khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp đã bị cơ quan thuế kiểm tra phát hiện, ngoài việc bị xử phạt nộp đủ số tiền thuế thiếu, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước còn bị xử phạt về hành vi khai sai. Người nộp thuế tự khai, tự chịu trách nhiệm. Ngành thuế được quyền truy thu số thuế còn thiếu trong vòng 10 năm.
“Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế tự khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp người nộp thuế khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp bị phát hiện, ngoài việc bị xử phạt nộp đủ tiền thuế thiếu, tiền chậm nộp còn bị xử phạt về hành vi khai sai”, thông tin từ Tổng cục Thuế.
Sau khi thông báo tiền chậm nộp thuế, cá nhân không thực hiện, cơ quan thuế sẽ tiến hành các biện pháp như đề xuất cấm xuất cảnh. Luật Quản lý thuế cũng quy định việc cho phép người nộp thuế nộp dần tiền thuế nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng. Như vậy, cơ quan thuế đã nhắc nhở để các trường hợp vô tình nợ thuế khẩn trương nộp thuế và cũng có phương án nộp dần cho doanh nghiệp khó khăn không nộp được hết nợ một lần.
Trường hợp tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, cơ quan thuế rà soát, đối chiếu số nợ thuế gửi tới người nợ thuế trước khi gửi đề nghị tạm hoãn xuất cảnh.
Theo Bộ Tài chính, người nộp thuế có thể chủ động tra cứu nợ thuế trên hệ thống ngành thuế để hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh. Việc tạm hoãn xuất cảnh là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo người nộp thuế tuân thủ quy định nộp thuế.
CUỘC ĐUA MỚI TRÊN THỊ TRƯỜNG XE ĐIỆN: RÚT KINH NGHIỆM TỪ “XE MÁY TÀU”

Việc thiếu quy chuẩn kỹ thuật với xe điện đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại nguy cơ ô tô điện kém chất lượng sẽ tràn vào Việt Nam, như bài học xe máy Trung Quốc trước đây.
Nhà máy xe điện 800 triệu USD có khả thi?
Cuối năm 2023, Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền công bố bắt tay với thương hiệu xe Omoda & Jaecoo (Trung Quốc) chính thức ký kết hợp đồng liên doanh tại Hà Nội. Hai bên sẽ xây dựng một nhà máy tại Việt Nam với công suất 200.000 xe/năm, để sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu Omoda & Jaecoo.
Liên doanh Geleximco - Omoda & Jaecoo dự kiến sẽ xây dựng nhà máy tại tỉnh Thái Bình. Việc xây dựng nhà máy được thực hiện theo 3 giai đoạn, tổng vốn đầu tư ước tính hơn 800 triệu USD. Giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 1/2026.
Trong quá trình xây dựng nhà máy, Omoda & Jaecoo sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam bằng hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc, dự kiến ra mắt thị trường vào cuối năm 2024. Mẫu xe thuần điện thông minh crossover Omoda E5 và mẫu xe việt dã công nghệ Jaecoo 7 Phev sẽ là sản phẩm đầu tiên được ra mắt.
Đáng chú ý, từ tháng 9.2022, Geleximco đã ký thỏa thuận thuê 50 ha đất của Vigalecera tại khu công nghiệp Tiền Hải (Thái Bình) cùng với dự định đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với tổng vốn đầu tư 800 triệu USD. Theo công bố thời điểm đó, Geleximco cho biết nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến của châu Âu bảo đảm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường.
Việc chuyển hướng đầu tư cũng như bất ngờ công bố hợp tác với Tập đoàn Chery (Trung Quốc) của Geleximco khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tính hiệu quả và khả thi của dự án. Với quy mô thị trường nhỏ hẹp chỉ vài chục nghìn xe/năm hiện nay, việc công bố dây chuyền sản xuất tới 200.000 xe/năm của nhà máy tương lai này liệu quá tham vọng hay phi thực tế?
Bên cạnh đó, dù làn sóng xe điện Trung Quốc vào Việt Nam mới manh nha, song cũng khiến người tiêu dùng nhắc nhớ tới thời kỳ "xe máy Tàu" giá rẻ tràn vào Việt Nam cuối thập niên 90. Với chiến lược cạnh tranh hạ giá khốc liệt chỉ bằng ⅓ thậm chí ¼ xe máy Nhật khi đó, xe máy Trung Quốc những năm 1997 - 1998 tràn ngập thị trường.
Trong lúc nhiều “đầu nậu" giàu lên nhanh chóng, nhiều đại lý xe máy mạnh tay hạ giá nhập khẩu với xe Trung Quốc, đưa vào những xe lắp ráp không đạt tiêu chuẩn. Độ bền kém hơn, máy móc dễ hỏng hóc hay phải sửa chữa trong khi dịch vụ hậu mãi kém, không xây dựng hệ thống chuỗi dịch vụ, chỉ vài năm đầu thập niên 2000, xe máy Trung Quốc đã thất thế và gần như mất hút khỏi thị trường.
Ô tô Trung Quốc từng vào Việt Nam nhưng sớm "bật bãi"
Sau làn sóng xe máy Trung Quốc giá rẻ, các doanh nghiệp sản xuất ô tô Trung Quốc giai đoạn những năm 2005 - 2010 từng vào Việt Nam với các mẫu xe giá rẻ. Bản thân Chery năm 2009 từng bán mẫu xe QQ3 tại Việt Nam thông qua đơn vị lắp ráp và phân phối là Công ty TNHH liên doanh ô tô Hòa Bình - VMC.
Mức giá thời điểm đó của một chiếc QQ3 rất rẻ, chỉ 9.900 USD (khoảng 180 triệu đồng), được nhắm đến để cạnh tranh với mẫu xe giá rẻ nhất phân khúc cỡ A khi đó là Chevrolet Spark (14.000 - 16.000 USD). Dù QQ3 vượt trội về mức giá rẻ, song doanh số bán ra tại thị trường Việt Nam lại không được như kỳ vọng, chỉ đạt vài trăm xe mỗi năm, trước khi mất hút năm 2013.
Những nghi ngại về chất lượng ô tô Trung Quốc của người tiêu dùng thời điểm đó, khiến xe Trung Quốc dù rẻ hơn rất nhiều các thương hiệu xe khác trong khu vực vẫn không tìm được chỗ đứng. Không chỉ Chery, nhiều thương hiệu khác cũng vào Việt Nam trong thời gian ngắn rồi rời đi không kèn trống như Lifan, Geely, BYD...
Ngay cả hiện nay, khi nhiều mẫu xe mới đã tìm được chỗ đứng và có phân khúc khách hàng nhất định như Zotye, BAIC, Brilliance V7, Beijing..., xe Trung Quốc vẫn không phải là lựa chọn của đại đa số người tiêu dùng, dù vẫn có ưu thế rất lớn về giá cộng thêm những cải tiến về mẫu mã bắt mắt và lắp đặt nhiều tính năng công nghệ.
Một dòng xe của Chery sắp sửa vào thị trường Việt Nam là Chery Omoda C5 bị gãy trục sau khi đang chạy khiến người dùng tại Malaysia bức xúc. Hồi tháng 4, những lô xe xuất khẩu của hãng BYD (Trung Quốc) gặp nhiều vấn đề về chất lượng, không thể không quan tại các thị trường châu Âu. Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ), xe BYD khi cập cảng tại Nhật Bản bị trầy xước, trong khi xe xuất xưởng sang châu Âu bị nấm mốc.
Việt Nam có nguy cơ thành bãi rác cho xe điện?
Chia sẻ với Thanh Niên, TS Võ Duy Thành (Trưởng phòng thí nghiệm Nghiên cứu xe điện, trường Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật cho pin ô tô điện từ 5 chỗ trở lên.
Cho tới nay, tại Việt Nam đã có một số tiêu chuẩn về pin sử dụng cho xe điện như TCVN 12503, 12241 hay 12668. Mặc dù vậy, các tiêu chuẩn này chỉ là khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng, không phải là yêu cầu bắt buộc. Hiện nay, quy chuẩn về hệ truyền động điện cho xe điện bao gồm cả các quy trình thử nghiệm với hệ thống pin đang trong quá trình xây dựng.
“Theo tôi, lý do ô tô điện từ Trung Quốc đang vào Việt Nam khá dễ dàng, vì chúng ta chưa có quy trình, tiêu chuẩn đánh giá kiểm soát”, TS Thành nói và cho rằng: “Khi chưa có quy chuẩn kỹ thuật, ô điện nhập khẩu giá rẻ có 2 nguy cơ lớn nhất là cháy nổ, mất an toàn khi vận hành trên đường”.
TS Thành cho rằng, ô tô điện của các hãng xe uy tín luôn có hệ thống BMS (Battery Management System) - giám sát toàn bộ các tế bào (còn gọi là cell) pin. Một hệ thống pin trang bị trên xe điện (còn gọi là một pack pin) được cấu tạo từ hàng nghìn cell nhỏ. Hệ thống BMS không cho phép nhiệt độ pin tăng quá cao, nó có chức năng cân bằng năng lượng để các cell pin làm việc đồng đều, tránh xảy ra hiện tượng một cell phải làm việc nhiều hơn các cell khác, dẫn tới mất cân bằng và gây cháy nổ.
"Chi phí cho hệ thống BMS thường rất đắt tiền vì nó đảm bảo cân bằng trong quá trình sạc xả, giám sát nhiệt độ và thực hiện nhiều chức năng bảo vệ cho cả pack pin, đây là thành phần đảm bảo an toàn quan trọng trên ô tô điện", TS Thành nói.
Nguy cơ mất an toàn thứ hai là hệ thống điều khiển trên xe ô tô điện giá rẻ. “Ô tô điện nói riêng hay các sản phẩm nói chung, khi được bán với giá rẻ một cách bất thường so với các sản phẩm cùng loại, có nghĩa là nhà sản xuất phải tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất”, TS Thành nêu.
Ông Thành cũng cảnh báo về nguy cơ rất lớn về ô nhiễm môi trường khi phải xử lý pin hết hạn sử dụng. Khi phải giảm giá để cạnh tranh, nhà sản xuất có thể sẽ sử dụng cell pin có chất lượng không cao, tiêu chuẩn không rõ ràng.
“Một viên pin tiêu chuẩn dành cho xe điện được có niên hạn khoảng 8 năm. Hiện nay, Việt Nam chưa có bất cứ chính sách nào để xử lý pin xe điện. Nếu trong vòng 4 hoặc 5 năm tới xe điện nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam với chất lượng không được kiểm soát và tuổi thọ ngắn thì không biết sẽ phải làm gì với đống pin này”, TS Thành băn khoăn.
Cũng về an toàn, theo các chuyên gia, việc xe điện Trung Quốc vào Việt Nam dấy lên những lo lắng về an toàn thông tin, dữ liệu. Đây là vấn đề đã được nêu lên tại một số thị trường mà xe Trung Quốc đã và đang thâm nhập. Tại Việt Nam, lo lắng này theo đánh giá cũng cần xem xét nghiêm túc.
HẬU CƠN SỐT CHUNG CƯ, ĐẤT NỀN VEN ĐÔ TĂNG GIÁ
Giá chung cư thời gian gần đây đã chững lại nhưng giá đất nền tại nhiều khu vực ven Hà Nội lại bắt đầu tăng.
Anh Trần Tuấn Nam, môi giới bất động sản ở Hà Nội cho biết, đất ở khu đô thị cũng như đất thổ cư ven Hà Nội đang có dấu hiệu tăng giá rõ rệt.
Ví dụ, nhiều lô đất quanh khu vực Vân Canh, Kim Chung (huyện Hoài Đức) trước đây mua khoảng 100 triệu đồng/m2 thì giờ rao bán tăng lên 110 triệu đồng/m2, có nơi còn 120 triệu đồng/m2.
Hay một lô đất tại Đông Anh có diện tích 102m2 nằm ở mặt đường khoảng 5m đang được rao bán với giá 6,5 tỷ đồng, tương đương gần 64 triệu đồng/m2. Theo anh Nam, mức giá này đã tăng gần 1 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Hiện nhiều người đã ngỏ ý mua với giá 6,2 tỷ đồng nhưng chủ đất chưa bán.
“ Giá đất vùng ven đang tăng lên, do đó nhiều chủ đất cho biết phải được giá thì họ mới đồng ý ”, anh Nam cho hay.
Khảo sát của PropertyGuru Việt Nam cũng cho thấy, giá đất khu vực Hoài Đức ở vị trí kinh doanh, đường hai ô tô tránh nhau thuộc xã Kim Chung đang ở mức 83-95 triệu đồng/m2, tăng so với mức 80-90 triệu đồng/m2 cuối năm ngoái.
Tương tự, đất hai ô tô tránh nhau ở An Thượng, Di Trạch, La Phù ở mức 63-80 triệu đồng/m2, tăng nhẹ 3 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại huyện Gia Lâm, đất Đa Tốn, Kiêu Kỵ gần Vinhomes Ocean Park có giá chào bán 45-52 triệu đồng/m2, tăng 2-3 triệu đồng/m2 so với cuối năm ngoái. Đất mặt đường kinh doanh Cổ Bi ở mức 85-95 triệu đồng/m2, thay vì mức 80-90 triệu đồng/m2 thời điểm trước Tết.
Đất nền ở huyện Đan Phượng cũng ghi nhận sự tăng giá khi vị trí mặt đường Tân Lập rao bán 50-58 triệu đồng/m2, tăng nhẹ khoảng 3% so với nhiều tháng trước đó. Đất dịch vụ khu Tân Tây Đô, giá rao bán cũng thiết lập mức 85-95 triệu đồng/m2 thay vì mức 80-90 triệu đồng/m2 cuối năm ngoái.
Sẽ không tăng "sốc"
Theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thời gian gần đây, tại nhiều khu vực ven thành phố đất nền lại "nóng".
Từ đó, xuất hiện nhiều nhà đầu tư đi "săn" đất ở những địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao. Nhiều khu vực ghi nhận lượng giao dịch đất nền tăng "đột biến", nhất là những lô đất đã tách thửa.
“ Thị trường ghi nhận một số khu vực có hiện tượng “tăng giá vô căn cứ”. Cần hết sức lưu ý để tránh hình thành các cơn sốt “ảo”, gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục ”, ông Đính cảnh báo.
Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Property Guru Việt Nam - nhận định, số lượng các nhà đầu tư có sẵn tiền đi gom mua đất nền ngày càng nhiều. Khi nhu cầu tăng rõ ràng hơn thì giá sẽ tăng. Nhiều đơn vị môi giới cũng đã xác nhận là giá đất nền có sự điều chỉnh ngay từ tháng 3 năm nay.
Ông Tuấn lý giải, sự hồi phục sớm của thị trường đất nền được thúc đẩy bởi hai yếu tố là "sóng" đón đầu thay đổi của các bộ luật mới sẽ có hiệu lực từ năm 2025 và sự bão hòa của các kênh đầu tư khác.
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ ảnh hưởng đến thị trường đất nền khá nhiều từ năm 2024 trở đi. Quy định siết chặt về phân lô đất nền đang là điểm nóng, dự báo nguồn cung đất nền phân lô sẽ giảm rất mạnh sau 2025, nhưng nhu cầu về đất nền thì khó mà đi xuống trong dài hạn vì người Việt vẫn rất chuộng loại hình này.
Khi cung ít cầu nhiều, giá đất nền sẽ tăng lên. Nhiều nhà đầu tư muốn nắm bắt xu hướng này sẽ bắt đầu đi săn đất nền trước khi luật mới áp dụng.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản hiện không có nhiều sản phẩm để xuống tiền. Phân khúc căn hộ “tắc” dự án mới do pháp lý chưa khơi thông, nhà riêng, nhà phố kém đa dạng, giá bán lại cao. Trong khi đó, đất nền lại là sản phẩm dễ mua, dễ sang tên, có sổ và giữ tài sản bền vững, an toàn, khả năng sinh lợi tốt và quan trọng nhất là hiện tại giá vẫn đang rất “mềm” so với 2-3 năm trước đó.
Đất nền cũng là loại hình mà bất kỳ thành viên nào của thị trường cũng có thể đầu tư do sự đa dạng về diện tích, mức giá, khu vực.
Tuy nhiên ông Đinh Minh Tuấn cũng nhấn mạnh, không phải sản phẩm đất nền nào cũng có thể tăng giá và được thị trường đón nhận.
" Chỉ những sản phẩm sở hữu lợi thế về pháp lý sạch, vị trí tốt, gần hạ tầng hay các khu công nghiệp, khai thác được giá trị thương mại mới được người mua săn đón và có thể tăng giá trong tương lai. Dù vậy, đà tăng giá của đất nền sẽ khó có thể mạnh như giai đoạn cao điểm và khó xuất hiện tình trạng tăng “sốc” như từng diễn ra ở vài năm trước ", ông Tuấn nhận định.
Nguồn: Soha; Tiền Phong; Thanh Niên; CafeF
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá