DN cạn tiền trả lương; Tiền hối lộ vụ Vạn Thịnh Phát; Thương hiệu Việt ở quảng trường Mỹ; Đất nền tỉnh lẻ vẫn 'đóng băng'

DN cạn tiền trả lương nhân viên; thu nhập trung bình mất 25 năm mới mua được nhà

(Ảnh minh họa).

Cạn tiền trả lương, một doanh nghiệp bất động sản cho toàn bộ nhân viên tạm nghỉ việc; diễn biến thị trường địa ốc từ đầu năm đến nay; cư dân kêu cứu vì chậm cấp sổ hồng; xử lý hơn 2.100 “hộp ngủ” vi phạm… là các tin tức nổi bật tuần qua.

Doanh nghiệp bất động sản nói cạn tiền, cho toàn bộ nhân viên tạm nghỉ việc

Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà, doanh nghiệp có liên quan đến đại gia Đinh Trường Chinh, vừa cho biết do nguồn tài chính hiện tại vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để chi trả lương cho cán bộ nhân viên. Do đó, công ty này cho toàn bộ cán bộ nhân viên tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà đạt 10.398 tỷ đồng. Tổng doanh thu của công ty trong năm 2022 là 839 tỷ đồng. (Xem chi tiết)

Dành dụm 100 triệu mỗi năm, 25 năm sau mới mua nổi nhà tại TP.HCM

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, từ năm 2017 đến nay, giá nhà tại TP.HCM liên tục tăng và vẫn “neo cao”, vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị.

Những căn hộ có giá từ 2-3 tỷ đồng thì người có thu nhập trung bình thấp, nếu có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm thì cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà. (Xem chi tiết)

Nhận nhà chục năm chưa có sổ hồng, hàng nghìn cư dân ‘kêu cứu’

Hàng ngàn cư dân tại một số chung cư ở TP.HCM phản ánh tình trạng nhận bàn giao nhà, sinh sống ổn định cả chục năm qua nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận nhà đất.

HĐND TP.HCM vừa đề nghị UBND TP.HCM báo cáo kết quả giải quyết những kiến nghị của cử tri, một trong số đó là tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận nhà đất tại các chung cư. (Xem chi tiết)

TP.HCM tính thí điểm các hộ dân có nhà ven kênh rạch được thuê mua nhà ở xã hội

Giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM đặt mục tiêu thực hiện 14 dự án với kế hoạch di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch. Tuy nhiên, kết quả đến nay mới chỉ di dời 657 căn nhà. Một trong những khó khăn là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài.

Sở Xây dựng TP.HCM đã xây dựng đề án, trình UBND TP.HCM thí điểm cho tất cả hộ gia đình đang có nhà trên và ven kênh, rạch được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, tuỳ khả năng. (Xem chi tiết)

Người mua nhà ở xã hội tự chịu trách nhiệm với lời khai ‘chưa có nhà ở’

Khi làm hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội, người dân phải được UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú/tạm trú từ 1 năm trở lên xác nhận chưa sở hữu nhà ở và chưa được hỗ trợ nhà ở, đất ở. Nhiều trường hợp, UBND cấp xã không xác nhận theo mẫu hoặc xác nhận đương sự tự cam kết và tự chịu trách nhiệm hoặc chỉ xác nhận chữ ký.

Vì thủ tục xác nhận chưa có sự thống nhất nên UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn lại việc xác nhận thực trạng nhà ở hoặc chấp nhận xác nhận của UBND cấp xã theo hướng đương sự tự chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp, khai không đúng sẽ bị thu hồi nhà. (Xem chi tiết)

Xử lý hơn 2.100 ‘hộp ngủ’ vi phạm về xây dựng và phòng cháy, chữa cháy

Tại TP.HCM hiện có khoảng 67 nhà ở riêng lẻ ngăn thành nhiều phòng hoặc giường, hay còn gọi là “hộp ngủ”, để cho thuê. Kiểm tra 59 nhà ở riêng lẻ, Sở Xây dựng xác định có 2.165 “hộp ngủ” cho thuê.

Tại những công trình trên, số lượng người tập trung đông trong một không gian hẹp, không đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, rủi ro về tính mạng con người khi xảy ra sự cố về cháy, thoát hiểm. (Xem chi tiết)

TP.HCM không cấp phép xây dựng ‘chung cư mini’

Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn 2021 – 2022, trên địa bàn thành phố có 60.470 nhà trọ do người dân xây dựng để cho thuê; gồm 34.800 dãy phòng cho thuê độc lập và 25.670 nhà ở riêng lẻ ngăn chia thành từng phòng cho thuê.

Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định, pháp luật hiện hành không có khái niệm “chung cư mini”. Từ trước đến nay, cơ quan này không phê duyệt, không chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư hoặc cấp phép xây dựng đối với loại hình chung cư mini. (Xem chi tiết)

Giảm giá sâu, mặt bằng cho thuê tại khu trung tâm vẫn bỏ trống cả năm trời

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những căn nhà mặt tiền khu vực trung tâm TP.HCM dành cho thuê làm cửa hàng kinh doanh đang rơi vào tình trạng bỏ trống, vắng khách thuê.

Mặc dù gia chủ đã có động thái giảm giá cho thuê khá sâu kèm theo ưu đãi chưa từng có nhưng làn sóng trả mặt bằng kinh doanh vẫn đang diễn ra khắp TP.HCM, nhất là những nơi có vị trí đắc địa. (Xem chi tiết)

Vụ Vạn Thịnh Phát: Cả đoàn thanh tra bị mua chuộc để bưng bít cho sai phạm của SCB

Liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, ngoài cựu cục trưởng Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5,2 triệu USD thì các thành viên còn lại trong đoàn thanh tra đều nhận tiền của SCB, ít nhất hơn 100 triệu và người nhận nhiều nhất 8,7 tỉ.

Bản kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát cho thấy đây là vụ án liên quan ngân hàng có nhiều sai phạm khủng với số bị hại lớn nhất từ trước đến nay (42.000 nhà đầu tư mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát), số tiền nhận hối lộ lớn nhất (5,2 triệu USD) và số tiền tham ô cũng lớn nhất 304.000 tỉ.

Một trong những nguyên nhân khiến cho Ngân hàng SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, sai phạm ngày càng nghiêm trọng dư nợ hơn 677.000 tỉ khó thu hồi là do đoàn thanh tra liên ngành "làm ngơ" với nhiều sai phạm nghiêm trọng, báo cáo không trung thực tình trạng yếu kém của nhà băng này.

Kết quả điều tra cho thấy các sai phạm khủng của SCB bị bưng bít bởi chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng đưa hối lộ bà Đỗ Thị Nhàn - cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước (trưởng đoàn thanh tra) - số tiền đặc biệt lớn, lên đến 5,2 triệu USD.

Đây là số tiền một người nhận hối lộ trong một vụ án lớn nhất từ trước đến nay.

Các bị can còn lại là thành viên của đoàn thanh tra cũng đều bị SCB "mua chuộc" bằng tiền, trong đó người nhận nhiều nhất là ông Nguyễn Văn Hưng (phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước), nhận 390.000 USD.

Bưng bít sai phạm dẫn đến không ngăn chặn được hành vi phạm tội của chủ tịch Vạn Thịnh Phát

Theo kết luận, trong thời gian xây dựng, phê duyệt, triển khai kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015-2019, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng triển khai 3 đoàn thanh tra.

Trong đó, đoàn thanh tra liên ngành năm 2017-2018 có phạm vi, nội dung thanh tra toàn diện SCB.

Kết quả thanh tra là cơ sở đánh giá đúng tình hình, thực trạng tín dụng, nợ xấu của nhà băng này cũng như tình trạng sở hữu cổ phần, kiểm soát điều hành ngân hàng của bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Từ đó là cơ sở để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp, biện pháp xử lý phù hợp đối với Ngân hàng SCB.

Tuy nhiên quá trình thanh tra, các cá nhân là lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, trưởng đoàn, phó đoàn và các thành viên đã có nhiều sai phạm, vi phạm nghiêm trọng, nhận tiền, quà, lợi ích vật chất để bao che, bưng bít thực trạng của SCB, kết luận nêu.

Do bị "mua chuộc" nên đoàn thanh tra đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho Ngân hàng Nhà nước nên cơ quan này không có đủ thông tin, tài liệu phục vụ tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và đồng phạm, C03 cáo buộc.

Làm ngơ với các sai phạm khủng để giúp SCB không bị "kiểm soát đặc biệt"

Theo kết luận, ngày 1-8-2017, ông Nguyễn Văn Hưng khi là phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định thành lập đoàn liên ngành thanh tra SCB.

Đoàn thanh tra này có 18 thành viên do nữ cục trưởng Đỗ Thị Nhàn làm trưởng đoàn, cùng 9 cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, 2 cán bộ Kiểm toán Nhà nước, 4 cán bộ Thanh tra Chính phủ và 3 người của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Giữa tháng 8-2017, ông Hưng và đoàn liên ngành công bố quyết định thanh tra tại trụ sở chính Ngân hàng SCB.

Ban đầu, kết quả thanh tra xác định SCB sai phạm tại tất cả các nội dung thanh tra như: tăng trưởng tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; tỉ lệ cấp tín dụng vào các dự án bất động sản, xử lý nợ xấu; đặc biệt là sai phạm trong việc cấp tín dụng hầu hết đều rủi ro mất vốn…

Làm việc với đoàn thanh tra, SCB có ý kiến nếu các dự án, phương án tái cơ cấu theo kết quả thanh tra phải phân loại nợ xấu thì lợi nhuận SCB sẽ âm rất lớn và khả năng nhà băng này bị phá sản là rất cao.

Sau đó, đoàn thanh tra chỉ quyết định xử phạt hành chính 4 vấn đề sai phạm của SCB với số tiền 965 triệu đồng.

Khi xây dựng dự thảo báo cáo lần đầu phục vụ việc trình bày với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng vào cuối tháng 1-2018, nữ cục trưởng Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo tổ tổng hợp "bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu nhóm 4 và nhóm 5" với 3 dự án Mũi Đèn đỏ, 6A và Royal Garden với tổng dư nợ gần 38.000 tỉ đồng.

Kết luận nêu sau khi đoàn thanh tra bỏ ngoài các số liệu phân loại nợ xấu, các chỉ tiêu tài chính của SCB đã bị thay đổi, sai lệch. Hành vi của nữ cục trưởng và các thành viên đoàn thanh tra đã giúp một số chỉ tiêu tài chính của SCB thay đổi, nợ xấu từ 91.000 tỉ xuống còn 53.000 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu đang âm (-19 ngàn tỉ) thành dương (+2,7 ngàn tỉ), hệ số an toàn vốn riêng lẻ cũng đang từ âm hơn 4% thành dương gần 6%.

Sau cuộc báo cáo Chính phủ, ông Hưng tiếp tục chỉ đạo bà Nhàn chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo, dự thảo kết luận để trình Ngân hàng Nhà nước xin ý kiến.

Tại các dự thảo kết luận, nữ cục trưởng tiếp tục yêu cầu thành viên trong đoàn bỏ nội dung kiến nghị phân loại nợ nhóm 4, nhóm 5 với 3 dự án tại chi nhánh SCB Cống Quỳnh trong dự thảo.

Ngoài ra, đoàn thanh tra còn phát hiện rất nhiều sai phạm tại các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai nhưng lại bưng bít, bao che, không báo cáo, kết luận điều tra nêu.

Đáng chú ý, kết quả điều tra xác định Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có báo cáo định kỳ cho Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng về những bất thường liên quan dư nợ của SCB, các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ là số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.

Tuy nhiên, ông Hưng và bà Nhàn và tổ tổng hợp đã không sử dụng kết quả này. Thậm chí, khi thành viên đoàn thanh tra đề xuất "đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt" thì ông Hưng gạt nội dung này khỏi báo cáo để Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ.

"Đồng thời các nội dung báo cáo thể hiện không trung thực, không đầy đủ, giảm nhẹ "làm mờ" đi sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB tại các dự án… báo cáo không đúng về việc phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro", kết luận nêu.

Nghiêm trọng hơn, tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB thực hiện tái cơ cấu, cho phép nhà băng này xây dựng đề án tái cơ cấu.

Ngày 4-12-2018, ông Nguyễn Văn Du - quyền chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (thay ông Nguyễn Văn Hưng nghỉ hưu) - ký ban hành kết luận thanh tra đối với SCB.

Nội dung kết luận này bị xác định thể hiện không trung thực, không đúng so với kết quả thanh tra về tình hình, thực trạng tài chính, vi phạm, sai phạm và các kiến nghị đối với SCB.

Đặc biệt tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho SCB thực hiện tái cơ cấu.

Cụ thể, kết luận bỏ ngoài số liệu nợ xấu của ba siêu dự án. Nếu thể hiện đầy đủ thì nợ xấu của SCB tới 35,8% nhưng kết luận chỉ nêu nợ xấu 20,9%.

Việc SCB vi phạm hầu hết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lỗ lũy kế, âm vốn sở hữu, nợ xấu cũng được bỏ ngoài kết luận thanh tra. Việc này nhằm tránh cho SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Kết luận còn bỏ toàn bộ nội dung kiến nghị thu hồi ngay số tiền vay sử dụng sai mục đích ở ba dự án, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra các sai phạm.

Tại cơ quan điều tra, bà Nhàn và ông Hưng đều thừa nhận thời kỳ thanh tra, thực trạng tài chính của SCB "là rất xấu, đủ điều kiện đưa vào diện kiểm soát đặc biệt".

Tuy nhiên ông Hưng đã báo cáo không đúng thực trạng của SCB, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý.

Từ đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước không có đủ thông tin để xử lý sai phạm của SCB và ngăn chặn hành vi phạm tội của chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.

Cả đoàn thanh tra ai cũng nhận tiền từ SCB

Theo kết luận, từ tháng 4-2016 đến 1-10-2018, ông Nguyễn Văn Hưng đã nhiều lần nhận quà là tiền từ lãnh đạo SCB là Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn tổng cộng 390.000 USD (tương đương 8,7 tỉ).

Trong đó, riêng thời gian thực hiện thanh tra ông Hưng nhận 310.000 USD. Hưng khai đã sử dụng số tiền này vào các mục đích cá nhân. Hưng đã nhận thức được việc nhận tiền và thực hiện việc báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra là trái quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Du, là người ký ban hành kết luận, thừa nhận có quen biết, nhiều lần gặp gỡ Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn.

Trong các lần gặp gỡ (kể cả lần khi ông Du được bổ nhiệm giữ chức quyền chánh thanh tra), hai lãnh đạo SCB có đưa quà nhưng "ông không nhận và trả lại".

Bị can Nguyễn Thị Phụng, phó trưởng đoàn thanh tra, thừa nhận nhiều lần nhận tiền từ SCB với tổng số tiền 20.000 USD và 210 triệu đồng, quà và lợi ích vật chất từ SCB gồm 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn trong quá trình thanh tra. Phụng đã sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân.

Đỗ Anh Tuấn, tổ trưởng tổ thanh tra số 3, đã nhận tiền của SCB thông qua Võ Tấn Hoàng Văn đưa 4 lần, mỗi lần 10.000 USD, tổng cộng 40.000 USD. Tuấn đã trả lại 20.000 USD, còn lại sử dụng cá nhân. Tuấn đã chủ động phối hợp cùng gia đình nộp lại toàn bộ số tiền này để khắc phục hậu quả.

Trần Văn Tuấn, tổ trưởng tổ thanh tra số 4, cũng 4 lần được SCB đưa tiền, quà, lợi ích vật chất tổng cộng 6.000 USD và 40 triệu đồng.

Lê Thanh Hà, tổ trưởng tổ thanh tra số 5, thì 5 lần nhận tiền từ tổng giám đốc SCB và các giám đốc chi nhánh Gia Lai, chi nhánh Hai Bà Trưng, tổng cộng 14.000 USD và 100 triệu đồng.

Trương Việt Hưng, thành viên tổ thanh tra số 4, chưa thừa nhận việc nhận tiền và quà từ SCB trong quá trình tham gia đoàn thanh tra. Tuy nhiên lời khai của các thành viên trong tổ thanh tra và các cá nhân tại SCB khẳng định Hưng đã 2 lần nhận tiền.

Lần thứ nhất Hưng nhận 1.000 USD vào ngày công bố quyết định thanh tra, lãnh đạo SCB đưa cho tất cả thành viên trong đoàn, trong đó thành viên thuộc Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận số tiền 1.000 USD. Lần thứ hai vào dịp nghỉ lễ 2-9-2017, lãnh đạo SCB đưa 5.000 USD cho thành viên tổ 4 và các thành viên đoàn thanh tra.

Nguyễn Duy Phương, thành viên tổ 4, khai 2 lần được SCB đưa tiền tổng cộng 1.000 USD và 20 triệu đồng. Với số tiền 5.000 USD thì Phương không nhớ. Tuy nhiên tài liệu điều tra đến nay có cơ sở xác định SCB đưa số tiền 5.000 USD cho Phương cùng các thành viên đoàn trong một đợt nghỉ lễ trên.

Nguyễn Văn Thùy, thành viên tổ 1, khai 6 lần nhận tiền tổng cộng 21.000 USD và 60 triệu đồng từ SCB.

Một số thành viên đoàn thanh tra khai 4 lần nhận tiền thì có 2 lần trả lại, còn 2 lần nhận tổng cộng 100 triệu đã sử dụng vào mục đích cá nhân.

Thương hiệu Việt ở quảng trường Mỹ

(Ảnh minh họa).

Nhiều thương hiệu Việt đã liên tục xuất hiện ở những sự kiện toàn cầu, những vị trí sầm uất bậc nhất tại nhiều quốc gia và ngày càng được người tiêu dùng khắp nơi nhắc đến.

Cà phê, cơm tấm, ô tô việt xuất hiện tại "giao lộ của thế giới"

Cách đây vài ngày, hình ảnh ly cà phê sữa đá của thương hiệu VN The Coffee House đã xuất hiện tại Quảng trường Thời Đại (Times Square, TP.New York, Mỹ). Đồng thời, màn hình LED quảng cáo ngoài trời trên tòa nhà Nasdaq tại Quảng trường Thời Đại cũng được GrabFood chiếu sáng với mục đích vinh danh 6 đối tác nhà hàng khác. Đó là cơm tấm Phúc Lộc Thọ, bánh mì Huỳnh Hoa, cơm thố Anh Nguyễn, bún bò Huế An Cựu, Pizza 4P's, trà sữa MayCha. Những hình ảnh này đã nhanh chóng được lan truyền trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước với sự thích thú, tự hào. Đây là hoạt động được Grab hợp tác cùng Nasdaq Media nhằm tri ân đối tác của Grab và quảng bá ẩm thực Việt ra toàn thế giới.

Một năm trước, ngày 18.11.2022, buổi khai mạc triển lãm ô tô quốc tế Los Angeles (Mỹ) có sự kiện ra mắt toàn cầu của thương hiệu ô tô điện đến từ VN gây ấn tượng mạnh với công chúng Mỹ khi được phát trực tiếp tại Quảng trường Thời Đại trứ danh. Trên màn hình LED rộng gần

1.000 m2 tại tòa tháp Nasdaq, người xem có thể cảm nhận gần như trọn vẹn không khí bùng nổ khoảnh khắc VinFast chính thức bước ra thế giới với 2 mẫu xe điện. Đây cũng là sự kiện ghi dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô VN. Cũng tại nơi này, tháng 8 vừa rồi, hình ảnh cùng thương hiệu VinFast lại xuất hiện khi chính thức rung chuông niêm yết trên sàn Nasdaq khiến truyền thông trong nước lẫn quốc tế liên tục nhắc đến.

Quảng trường Thời Đại nổi tiếng là giao lộ sầm uất bậc nhất thế giới, được mệnh danh là "giao lộ của thế giới" với trung bình hơn 330.000 lượt người đi qua mỗi ngày, nhiều thời điểm lên đến 400.000 người. Cuối năm 2021, trên màn hình LED khổng lồ bên ngoài tòa nhà Thomson Reuters tại quảng trường danh tiếng này cũng đã bất ngờ trình chiếu đoạn phim quảng cáo về hình ảnh đất nước và con người VN, thu hút mạnh mẽ sự chú ý của hàng ngàn người đang có mặt tại đây. Chiến dịch truyền thông này do Hãng hàng không Vietnam Airlines triển khai nhân sự kiện đường bay thẳng thương mại thường lệ giữa VN và Mỹ lần đầu tiên được khai mở. Theo đó, VN trong mắt bạn bè quốc tế là một đất nước du lịch tuyệt vời, gây ấn tượng nhờ vẻ đẹp đa dạng, phong phú, pha trộn giữa nét truyền thống bình yên và sự sôi động hiện đại, cùng với đó là những trải nghiệm đầy hấp dẫn.

Anh Tom Nguyễn, Việt kiều Canada, chia sẻ chính những thước phim về VN quay loạt danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên, văn hóa đặc sắc dịp đó đã thôi thúc anh về VN càng sớm càng tốt. Anh Tom Nguyễn nhớ lại: "Lần đó mình sang Mỹ dự một sự kiện quốc tế trong ngành năng lượng. Lang thang trên Quảng trường Thời Đại, bất ngờ bắt gặp những thước phim quảng bá của Vietnam Airlines. Cảm xúc khó diễn tả lắm, vừa thân thuộc, gần gũi, nhưng lại xa xôi khiến mình nảy lên khát khao, mong ngóng được trở về. Chuyến đi về VN sau đó với 2 nhóm 4 người bạn (2 gốc Việt, 2 Canada) sau 8 năm xa VN quả thật là nhớ đời. Có thể nói, những thước phim đó thôi thúc mình và bất kỳ ai chưa đến VN muốn đến một lần trong đời.

Trong thực tế, sự xuất hiện bất kỳ hình ảnh nào trên màn hình rộng lớn tại "giao lộ quốc tế" này đều gây ấn tượng cho người may mắn được chứng kiến. Xem rồi mới giật mình là quê hương VN thân thương quá, đẹp quá… Những đoạn phim quảng cáo thường thấy tại quảng trường này thay đổi liên tục và các nhãn hàng trên thế giới "xếp hàng" để mua sóng. Tuy vậy, sự xuất hiện một hình ảnh mang đậm chất châu Á, như ly cà phê pha phin hay phong cảnh trong hang động nổi tiếng Sơn Đoòng hoặc chữ V - logo của thương hiệu xe điện đến từ quốc gia Đông Nam Á bên bờ Thái Bình Dương xa xôi… đều gây ấn tượng mới mẻ, tò mò, thích thú đối với những người có mặt tại Quảng trường Thời Đại vào thời khắc đó".

Ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty PHGLock, cho biết đối tác của công ty cũng từng làm quảng cáo bằng việc xuất hiện trên màn hình LED của quảng trường này và hiệu ứng của nó rất lớn. Quan trọng nhất là giúp "tạo được câu chuyện để xây dựng thương hiệu".

"Trong thực tế, xuất hiện vài giây trên màn hình rộng lớn này, nơi tập trung nhiều biển quảng cáo ngoài trời nhất thế giới, không phải bỗng chốc thế giới biết ngay đến mình và đổ xô đi mua sản phẩm của mình. Song đó là nơi nhiều nhãn hàng mong muốn được một lần xuất hiện, là cách làm thương hiệu rất khôn ngoan, xây dựng câu chuyện của mình từ thị trường nước ngoài. Từ đó quảng bá về quê hương và các thị trường lân cận, hiệu ứng lan tỏa sẽ rất lớn. Hơn bất kỳ chỗ nào, Times Squares sẽ là nơi có đẳng cấp để xây dựng một câu chuyện thương hiệu hay ho cho doanh nghiệp (DN). Một trong những biển quảng cáo điện tử đầu tiên trên tòa nhà này vào năm 1997 đã tiết lộ doanh thu ròng 7 triệu USD hằng năm cho các nhà quảng cáo. Điều này khuyến khích ngày càng nhiều công ty bắt đầu chi ngân sách cho quảng cáo ở quảng trường này, những DN lớn", ông Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.

Doanh nghiệp Việt không ngừng vươn ra thế giới

Hình ảnh các thương hiệu VN ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở các sự kiện lớn trên giới hay hàng hóa VN đã xuất đi thị trường toàn cầu không phải là câu chuyện mới. Thế nhưng trong thời gian gần đây, giữa bối cảnh kinh tế thế giới lẫn trong nước đối diện nhiều khó khăn thì vẫn có nhiều đơn vị nỗ lực vươn ra khắp năm châu.

Cuối tháng 9.2022, không gian Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend đầu tiên tại thị trường quốc tế của Tập đoàn Trung Nguyên Legend chính thức khai trương tại Trung tâm thương mại Taikoo Hui, Thượng Hải (Trung Quốc). Thượng Hải là nơi có số lượng quán cà phê đứng đầu thế giới với 7.857 cửa hàng, vượt qua Tokyo (Nhật Bản) và London (Anh). Đem đến những phong cách thưởng lãm, cà phê khác biệt, Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend còn mang đến các món ăn truyền thống, đặc sắc của ẩm thực Việt được thế giới ca ngợi và bình chọn đưa vào từ điển như: phở, bánh mì, bún chả Hà Nội, bún bò Huế... thu hút đông đảo khách hàng trải nghiệm và nhanh chóng đạt 2 giải thưởng danh giá "Quán cà phê tốt nhất năm 2022" và "Quán cà phê nổi tiếng của năm" của Trung Quốc trong năm 2022. Không dừng lại ở đó, tháng 7 vừa qua, Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend thứ 2 tại Thượng Hải cũng được khai trương, khẳng định sự phát triển mạnh của thương hiệu cà phê VN, cũng như từng bước thực hiện khát vọng chinh phục thế giới của thương hiệu này.

Nutifood không chỉ tăng tốc xuất khẩu sang các nước mà còn thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Cụ thể, năm 2018, Nutifood bắt đầu thâm nhập thị trường Thụy Điển với nhà máy Nutifood Sweden AB đưa vào vận hành năm 2019. Dự án liên doanh do Nutifood sở hữu 50%, Tập đoàn Backahill của tỉ phú Erik Paulsson sở hữu 25% và Skånemejerier Ekonomisk Förening sở hữu 25%. Đến năm 2020, Nutifood mua lại 100% dự án và đổi tên thành Nutifood Sweden, đồng thời thành lập Viện Nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển (NNRIS). Kế đến là lập liên doanh Asahi Nutifood với tỷ lệ góp vốn 50-50 với Asahi Group Food, thành viên của Tập đoàn Asahi (Nhật Bản), theo đó các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em của Asahi chính thức thông qua kênh phân phối Nutifood vào thị trường VN. Tiếp tục, công ty con của Nutifood tại Thụy Điển là đơn vị trực tiếp mua 51% vốn Cawells, một thương hiệu thực phẩm bổ sung của Thụy Điển…

Chỉ cách đây 1 tuần, Công ty CP hàng tiêu dùng Phúc Sinh (Phúc Sinh Consumer), thuộc Phúc Sinh Group, đã ký kết hợp tác với Công ty LNS International Corporation để thúc đẩy phân phối sản phẩm cà phê mang thương hiệu K Coffee tại thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, New Zealand và Nhật Bản. Sự kiện hợp tác lần này đánh dấu bước phát triển sâu hơn của thương hiệu cà phê VN trên bản đồ thế giới. Theo chia sẻ của bà Jolie Nguyễn (Nguyễn Thị Kim Huyền), Chủ tịch kiêm nhà sáng lập LNS, trên thực tế Công ty LNS International Corporation đã đưa sản phẩm K Coffee vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm tại Mỹ từ năm 2022. Đến nay, K Coffee đã được phân phối ở hầu hết các siêu thị tại 37 bang của Mỹ và nhận được phản hồi rất tốt từ người tiêu dùng, không chỉ kiều bào mà cả cộng đồng người châu Á và bản địa. Đặc biệt, LNS cũng đã triển khai và bán sản phẩm cà phê K Coffee trên các sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới như Amazon, Walmart, Faire (B2B).

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch - Tổng giám đốc Phúc Sinh Group, cho biết từ tháng 12.2023 sản phẩm K Coffee sẽ được LNS xuất khẩu sang châu Âu, Úc, New Zealand và Nhật Bản. Sau nhiều năm hợp tác với các tập đoàn nước ngoài, gần đây Phúc Sinh cũng mở rộng với các công ty, thương hiệu Việt để thúc đẩy đưa hàng hóa trong nước đến với người tiêu dùng toàn cầu. Theo ông Thông, không chỉ riêng Phúc Sinh, nhiều DN trong nước cũng đã quan tâm, đầu tư vào việc xây dựng quy trình sản xuất tuần hoàn và xây dựng thương hiệu mạnh hơn. Bởi đó chính là điều kiện để hàng hóa có thể bán được cho các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật…

"Từ xuất khẩu thô hàng nông sản Việt ra nước ngoài, những năm vừa qua Phúc Sinh đã tập trung đầu tư chế biến sâu để đưa sản phẩm ngon nhất đến tay người tiêu dùng trong nước lẫn thế giới. Mỗi DN sẽ chọn cách quảng bá, xây dựng thương hiệu riêng nhưng đều mong muốn đưa hàng hóa, thương hiệu VN vươn xa hơn nữa trên bản đồ thế giới. DN đều mong sẽ nhận được sự cổ vũ, ủng hộ của người tiêu dùng trong nước để cố gắng thực hiện được khát vọng này", ông Thông chia sẻ.

Hỗ trợ phát triển, bồi đắp khát vọng thương hiệu Việt

Theo chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh, việc chọn kênh quảng bá thương hiệu bằng việc xuất hiện tại Quảng trường Thời Đại sẽ khiến DN tốn rất nhiều tiền. Các DN phải chấp nhận chi cả triệu USD khi tham gia "sân chơi" dành cho giới thượng lưu này. Xuất hiện tại Quảng trường Thời Đại trong thực tế là giấc mơ của nhiều DN trên thế giới. Đó là quyết định mang tầm chiến lược đặc biệt diễn ra đối với DN lên sàn. Đây cũng là cách tạo cú hích thương hiệu. Nếu là DN lên sàn lâu năm rồi, việc quảng bá trên kênh này là cách PR cổ đông nội bộ, những nhà đầu tư tiềm năng đã và đang tin tưởng thương hiệu này; hoặc chỉ là động thái trước kỳ họp cổ đông, đưa ra chiến lược táo bạo nào đó nhằm thuyết phục cổ đông. Việc xuất hiện lung linh, sừng sững trong biển quảng cáo từ màn hình LED này nằm trong chiến lược đầu tư kinh doanh của DN. Nó cũng thể hiện khát vọng muốn vươn lên, lớn mạnh của một thương hiệu. Điều này đáng trân trọng. Và trong thực tế, họ đi ra để lớn mạnh hơn khi trở về, từ đó làm bàn đạp để vươn ra biển lớn vững chắc hơn.

"Trong làm marketing, vẫn có nhiều quan điểm "một phút huy hoàng", và chấp nhận cuộc chơi "đốt tiền" làm thương hiệu. Nhiều công ty của Pháp, Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc… cũng chọn cách đó, khi chưa có thương hiệu ở nước ngoài. Nhưng với quy mô DN VN đa số là vừa và nhỏ, việc chọn kênh quảng bá chi phí lớn này cũng cần cân nhắc. Nếu không chen chân vào được sân chơi của những "đại gia", hãy chọn cách mở rộng hệ thống phân phối, mở rộng thị trường qua quảng bá hình ảnh tại quảng trường của tiểu bang, thị trấn… đều có thể được. Khát vọng luôn lớn lao, nhưng tùy vào sức mạnh của DN", chuyên gia Vũ Quốc Chinh nói.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định các DN Việt ngày càng khẳng định mình trên thị trường quốc tế. Thậm chí các công ty gia công trong lĩnh vực may mặc cũng đã cố gắng xây dựng được thương hiệu để từ đó khách hàng biết đến nhiều hơn. Đối với những lĩnh vực mới thì thương hiệu VinFast đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ.

"Thương hiệu của DN lớn mạnh thì tổng thể sẽ đóng góp tạo nên thương hiệu quốc gia ngày càng vững mạnh. Song song đó, ở chiều ngược lại, thương hiệu VN cũng còn gắn liền với hình ảnh văn hóa giàu bản sắc, các danh lam thắng cảnh thu hút được du khách đến VN, có nhiều điểm di tích, thắng cảnh văn hóa, lịch sử được UNESCO công nhận. Vì vậy cũng phải giữ gìn văn hóa ẩm thực ngay từ trong nước", TS Việt nhấn mạnh và lưu ý, mỗi DN Việt đã nỗ lực xây dựng thương hiệu của công ty, từ đó góp phần đưa thương hiệu quốc gia phát triển. Chính phủ cần có chiến lược để hỗ trợ và đồng hành với DN để phát triển thương hiệu sản phẩm Việt cũng như thương hiệu quốc gia ngày càng mạnh hơn.

Đất nền tỉnh lẻ vẫn "đóng băng" dài ngày

Thanh khoản nhỏ giọt, đất nền cắt lỗ sâu, đó là bức tranh cho thấy thị trường bất động sản ở nhiều tỉnh thành vẫn chìm trong “giấc ngủ đông”.

Gần 2 năm trôi qua, một môi giới tên Thành (Cao Bằng) cho biết, số lượng giao dịch đếm chưa qua một bàn tay. Lượng giao dịch chỉ xảy ra với những căn nhà đất tại các khu đông dân còn phần lớn sản phẩm đầu tư như đất nền dự án, shophouse dự án, biệt thự dự án đều “đóng băng”.

Ngay cả khi giảm sâu tới 30%, vẫn không có người mua. Anh Thành cũng nói thêm: “Hồi sốt đất, giá tăng mạnh. Nhà đầu tư khắp nơi đổ về. Các dự án phần lớn nằm ở khu đất quy hoạch mới, dân cư thưa thớt. Thế nên, rất ít người mua lại trừ trường hợp có nhiều tiền, dự tính mua để mở cửa hàng trong vòng 3-5 năm khi lượng dân cư đã đông đúc”.

Hiện tượng cắt lỗ sâu, thanh khoản ảm đạm cũng diễn ra ở nhiều tỉnh thành khác như Bắc Kạn, Bắc Giang, Yên Bái,… Anh Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Bất động sản ở Bắc Giang) cho biết: “Giai đoạn 2020-2021, đất ở các tỉnh thành đều tăng giá. Nhà đầu tư đổ về tận “tỉnh xa” để mua đất. Nhưng đến hiện tại, những khu vực này “đóng băng”. Nguyên nhân đến từ cơ sở hạ tầng chưa cải thiện đáng kể. Nhiều dự án bất động sản đóng cửa im lìm. Chính vì vậy, điều này khiến thị trường rơi vào đóng băng”.

Tại Thanh Hoá, hơn một năm nay, trường bất động sản khu vực này vắng bóng nhà đầu tư, trái ngược hoàn toàn với bức tranh sôi động của giai đoạn 2019-2022. Nhiều người chấp nhận cắt lỗ tới 40-50% để thoát hàng. Tuy nhiên, dù cắt lỗ 50%, nhiều lô đất nền vẫn khó giao dịch.

Hiện tượng thị trường “đóng băng” cũng xảy ra đối với khu vực từng “sốt nóng” như TP.Pleiku (Buôn Mê Thuột). Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn (TP. Pleiku) cho biết, năm 2022, số lượng giao dịch đất đai trên địa bàn xã tăng đột biến, nhất là tại một số khu vực như đường Đào Duy Từ, 2 làng Tiêng 1, Tiêng 2, khu vực giáp với Biển Hồ.

8 tháng năm 2023, số lượng giao dịch giảm mạnh khiến các khoản thu thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai đều giảm. Thay vì mua đất rẫy, đất nông nghiệp với diện tích lớn giá cao như năm ngoái thì hầu hết giao dịch hiện nay xoay quanh lô đất nhỏ đã lên thổ cư, giá rẻ gắn với nhu cầu sử dụng hoặc tích lũy lâu dài của người dân địa phương.

Nếu như tầm này năm 2022, trung bình mỗi ngày, Bộ phận một cửa UBND TP. Pleiku tiếp nhận hơn 600 hồ sơ đăng ký liên quan đến đất đai thì hiện số lượng hồ sơ liên quan đến nhà đất như giao dịch bảo đảm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã quay lại nhịp độ bình thường gắn với nhu cầu thực sự của người dân.

Theo báo cáo tại kỳ họp thường kỳ tháng 10/2023 tỉnh Thanh Hóa, thị trường bất động sản tỉnh này vẫn còn gặp khó khăn. Các giao dịch ít hẳn, các sản phẩm như đất nền, nhà phố giảm giá từ 20 - 30% nhưng không bán được. Không ít công ty xây dựng, kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch, văn phòng môi giới bất động sản tại Thanh Hóa đối diện với nguy cơ phá sản, đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động.

Dữ liệu nghiên cứu của batdongsan.com.vn cũng chỉ ghi nhận mức độ quan tâm tăng nhẹ ở một số tỉnh. Đơn cử như mức độ quan tâm bất động sản tại Đà Nẵng, Hải Phòng, Long An, Bình Dương, Hưng Yên chỉ tăng từ 3 - 5%. Tại các tỉnh như Khánh Hòa, Đồng Nai, Bắc Ninh mức độ quan tâm tăng từ 1 - 2%.

Trái lại, một số khu vực hiện nay mức độ quan tâm có xu hướng đi xuống so với tháng trước đó, cụ thể Quảng Ninh giảm 10%, Lâm Đồng giảm 8%, Bình Thuận giảm 3%. Riêng thị trường bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu không có sự biến động.

Về biến động lượng đăng tin tại các thị trường cũng có sự phân hóa khác nhau. Cụ thể, Long An có lượng tin đăng cao nhất - tăng 8%, Đà Nẵng tăng 4%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3%,... Nhưng tại Lâm Đồng giảm tới 14%, Hưng Yên giảm 10%, còn Quảng Ninh và Bình Thuận giảm lần lượt 8% và 7%,...

Ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc Mland cũng thừa nhận, thị trường đang khởi sắc ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM,… Tại nhiều tỉnh thành, thị trường trầm lắng, đặc biệt là đất nền gần như “đóng băng”. “Thị trường bất động sản tại các tỉnh vẫn chưa thoát đáy”, ông Thành nhấn mạnh.

Còn ở các thành phố lớn, thị trường bất động sản hồi phục. Thậm chí còn xuất hiện tình trạng chủ đất, chủ nhà “quay xe” không bán, chờ tăng giá.

Nguồn: Vietnamnet; Tuổi Trẻ; Thanh Niên; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang