DN bán lẻ xăng kêu cứu; DN cấp tập tuyển lao động; NĐT rục rịch gom đất sau Tết; DN địa ốc trước áp lực trả nợ

BỊ 'BỎ RƠI', NHIỀU DOANH NGHIỆP BÁN LẺ XĂNG DẦU GỬI KIẾN NGHỊ LÊN THỦ TƯỚNG

(Ảnh minh họa).

Cho rằng cơ chế điều hành xăng dầu đẩy thị trường bất ổn, doanh nghiệp bán lẻ đang bị "bỏ rơi" và chèn ép, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu từ nhiều địa phương đã gởi kiến nghị tới Chính phủ.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bị ép

Sáng 1.2, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, cho biết, nhóm ông gồm nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang có mặt tại Hà Nội và đã làm việc với các cơ quan: Vụ Tổng hợp (Văn phòng Chính phủ), Ban pháp chế (Bộ Tư pháp) và VCCI để trình bày tất cả những khó khăn mà doanh nghiệp bán lẻ đang gặp phải cũng như những bất hợp lý trong các quy định. Trong hôm nay, nhóm sẽ gửi kiến nghị sang Văn phòng Chính phủ.

Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, trong dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu lại tiếp tục "bỏ quên" vai trò của các doanh nghiệp bán lẻ - mắc xích cuối cùng, nhưng rất quan trọng trong chuỗi phân phối bán lẻ xăng dầu. Thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kinh doanh trong tâm thế bị "ép" vì luôn trong tình trạng nếu đóng cửa thì bị phạt, mà mở bán cũng không đành vì càng bán càng lỗ. Các thương nhân đầu mối và các khâu trung gian được hưởng chi phí định mức cố định trong công thức tính giá xăng dầu, nhưng chiết khẩu cho cửa hàng bán lẻ thì 0 đồng. Việc này dẫn tới khi thị trường có biến động, đầu mối và khâu trung gian đã "cắt" hết hoa hồng, chèn ép nhà bán lẻ thời gian dài.

Đặc biệt, thương nhân phân phối, cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ, được nhập hàng từ nhiều nguồn, được "đá" trên 2 sân bán buôn và bán lẻ. Trong khi doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một đầu mối nên bị thua thiệt. Thậm chí, trao đổi với Thanh Niên, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại một tỉnh miền Tây cho hay, có những lúc thị trường khan hàng, doanh nghiệp phải trả thêm tiền cho các đầu mối để được lấy hàng. Đây là "luật ngầm" mới xuất hiện khoảng từ cuối năm 2021 đến nay.

Giảm bớt trung gian

Từ đó, các doanh nghiệp kiến nghị cần có mức chiết khấu cố định cho doanh nghiệp bán lẻ được quy định trong luật. Thứ 2, doanh nghiệp bán lẻ có quyền lấy hàng từ 2 - 3 nguồn. Ngoài ra, cần giảm bớt số thương nhân phân phối và cho phép doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp lấy xăng dầu từ các đầu mối để giảm chi phí các tầng nấc trung gian, gây lỗ lã cho nhà bán lẻ, thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo các doanh nghiệp, hiện nay thị trường xăng dầu có khoảng 17.000 cửa hàng. Trong đó, hệ thống cửa hàng bán lẻ của hai doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần lớn chỉ có gần 3.000 cửa hàng. Do đó, với vai trò của các cửa hàng tư nhân cung ứng cho toàn thị trường ngày càng lớn nên cần sửa đổi quy định để làm rõ vai trò của họ.

Ông Lê Văn Báu, chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cho rằng, nếu dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu như nội dung của Bộ Công thương biên soạn thì đó là "tai họa đối với nhà bán lẻ xăng dầu". Ông Lê Văn Báu nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp chỉ có 2 nguyện vọng chính đáng. Đó là quy định mức chiết khấu cố định 5% cho nhà bán lẻ, nhà bán buôn phải tuân thủ và 1 đại lý có thể mua hàng từ 2 nhà cung cấp trở lên để xóa bỏ sự kinh doanh độc quyền như hiện nay".

Sáng 1.2, trao đổi với Thanh Niên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI, người chủ trì buổi gặp gỡ các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội, nhận định: "Đây là vấn đề nóng và bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu, không phải là câu chuyện của một vài doanh nghiệp nữa".

(Nguồn: Thanh Niên)

DOANH NGHIỆP CẤP TẬP TUYỂN LAO ĐỘNG SAU TẾT, CÔNG NHÂN KIẾM VIỆC LẠI THƯA VẮNG

Dù nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương tuyển dụng số lượng lớn lao động vào những ngày đầu năm, nhưng công nhân đến xin việc lại thưa vắng.

Khác với thời điểm cuối năm 2022 khi các doanh nghiệp phải cắt giảm, tạm hoãn hợp đồng lao động với công nhân do tình hình sản xuất khó khăn, những ngày đầu năm 2023, nhiều công ty tăng cường tuyển dụng nhân công. Tuy nhiên, tình hình người đến xin việc lại khá thưa vắng.

Ghi nhận của PV VietNamNet vào những ngày đầu năm mới tại khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều treo biển thông báo tuyển dụng số lượng lớn công nhân.

Tại khu công nghiệp Đại Đăng (TP Thủ Dầu Một), nhiều doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực điện tử, may mặc,… đều thông báo tuyển gấp người lao động. Trong đó, Công ty TNHH công nghiệp Hungder dán bảng thông báo tuyển hơn 200 lao động phổ thông, phỏng vấn hôm trước hôm sau đi làm ngay với mức thu nhập từ 7 - 14 triệu/tháng.

Doanh nghiệp này cũng thông báo chế độ làm việc kèm theo như “môi trường làm việc máy lạnh, ngồi làm” để dễ dàng tuyển dụng hơn. Tuy vậy, mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục người đến tìm hiểu thông tin để nộp hồ sơ phỏng vấn.

Chị Nguyễn Tuyết Mai (SN 1992, quê Tiền Giang) cho biết, trước đây chị làm cho một công ty ở KCN Sóng Thần (Bình Dương) nhưng bị thất nghiệp nên đành phải về quê nghỉ Tết sớm. Cách đây 2 ngày chị trở lại Bình Dương để xin việc mới do có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng. Xin việc vào thời điểm này cũng thuận lợi và nhiều lựa chọn hơn.

Còn tại KCN VSIP 1 (TP Thuận An, Bình Dương), nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng thông báo tuyển dụng từ vài trăm đến vài nghìn lao động phổ thông trong các ngành nghề sản xuất nước giải khát, bánh kẹo, điện tử, may mặc.

Cũng với tình cảnh tương tự, dù doanh nghiệp trong khu công nghiệp này cấp tập tuyển dụng nhưng người đến xin việc vẫn khá vắng bóng. Trước cổng các công ty có dán thông báo tuyển lao động nhưng cũng rất ít người quan tâm.

Bên cạnh việc dán thông báo tuyển dụng, các doanh nghiệp còn liên kết với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương (thuộc Sở LĐ-TB&XH) để đa dạng hóa hình thức tuyển người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Theo thống kê sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, trong quý I năm nay, các doanh nghiệp cần tuyển khoảng 10 nghìn lao động. Trong số này, có khoảng 35% là tuyển mới để mở rộng sản xuất, số còn lại là bù đắp vào lực lượng lao động không trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Các ngành nghề cần tuyển dụng chủ yếu là may mặc, giày da, điện tử, cơ khí, ngũ kim và một số ngành dịch vụ.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cho biết, để đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, Sở đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động.

Các đơn vị sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm với định kỳ 2 phiên/tháng trên sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nghỉ việc. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tư vấn - giới thiệu việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm.

Đây là một trong những tín hiệu tích cực với thị trường lao động ở Bình Dương, cho thấy tình hình sản xuất đã được khôi phục, tăng cường.

(Nguồn: Vietnamnet)

HẾT TẾT, NHÀ ĐẦU TƯ RỤC RỊCH ĐI GOM ĐẤT

(Ảnh minh họa).

Ngay từ cuối tháng 1, không ít nhà đầu tư sẵn tài chính đã chủ động gom đất giá cắt lỗ sau nhiều tháng thị trường bất động sản trầm lắng.

Nhà đầu tư đi gom đất

Sau thời gian dài tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Hùng ở Thanh Xuân (Hà Nội) vừa xuống tiền mua lô đất 180m2 thổ cư ở xã Tân Xã, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Anh Hùng tự tin cho rằng mình đã mua được giá hời, bởi lô đất này có vị trí trong khu dân cư đông đúc, gần khu công nghệ Hòa Lạc, khá thuận lợi cho việc kinh doanh nhưng chỉ có giá 2,7 tỷ đồng, tương đương 15 triệu đồng/m2.

"Tôi đã có thời gian khá dài để theo dõi diễn biến thị trường đất nền khu vực huyện Thạch Thất. Mức giá tôi chốt mua trên đã thấp hơn 4-5 triệu đồng/m2 so với thời điểm đầu năm 2022", anh Hùng nói.

Tương tự anh Hùng, không ít nhà đầu tư có kinh nghiệm đang sẵn sàng xuống tiền để mua bất động sản. Trong đó, sản phẩm bất động sản giảm giá, cắt lỗ được quan tâm đầu tiên.

Anh Phạm Văn Nguyên - một nhà đầu tư ở Hà Nội - cho biết, từ nhiều tháng nay, cả nhóm đầu tư của anh đã tập trung nghiên cứu và theo sát thị trường bất động sản ven đô. Trong đó, họ theo dõi rất kỹ biến động về giá bất động sản ở các phân khúc đất nền, biệt thự và liền kề trong các khu đô thị huyện Hoài Đức, Quốc Oai.

"Giá bất động sản đã lập đỉnh ở thời điểm đầu năm 2022 và liên tục giảm giá trong những tháng gần đây. Với kinh nghiệm đầu tư, tôi nghĩ rằng, đây là cơ hội đầu tư tốt", anh Nguyên nhận định.

Chia sẻ về thị trường bất động sản, anh Trần Văn Nghiêm - một chủ văn phòng môi giới bất động sản ở khu vực An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, khoảng thời gian từ tháng 6 đến cuối năm 2022, giao dịch nhà liền kề, biệt thự tại khu vực này gần như "đóng băng". Cá biệt, không ít chủ nhà đã bán giá cắt lỗ từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng nhưng vẫn không có khách mua.

Tuy nhiên, theo anh Nghiêm, bước sang đầu năm 2023, xu hướng giảm giá, bán cắt lỗ vẫn diễn ra. Nhưng thị trường bắt đầu có giao dịch chuyển nhượng.

"Một số nhà đầu tư sẵn tài chính bắt đầu lựa chọn xuống tiền mua các căn liền kề giá thấp hơn năm 2022. Đây cũng là những nhà đầu tư có kinh nghiệm đầu tư và theo dõi rất sát thị trường", anh Nghiêm cho hay.

Cũng theo anh Nghiêm, ngoài việc bất động sản đang giảm giá, nguyên nhân khiến nhà đầu tư xuống tiền thời điểm này là nguồn tiền vay từ ngân hàng cũng dễ hơn so với năm 2022.

Cũng theo chia sẻ của một môi giới bán nhà đất ở Hà Nội, giá đất nền tại các huyện ven trung tâm Thủ đô thời gian cuối năm 2021 và đầu năm 2021 liên tục lập đỉnh. Giá đất một số khu vực gần khu công nghệ cao Hòa Lạc, có vị trí kinh doanh tốt đã được đẩy cao tới 19-23 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, môi giới trên cũng thừa nhận, hiện tại, giá đất khu vực nói trên đang có xu hướng giảm, có tình trạng cắt lỗ, giảm sâu của các chủ đất đang chịu áp lực đi vay.

Giá đất nền được điều chỉnh

Theo báo cáo thị trường bất động sản 2022 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường địa ốc năm qua khá ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch. Nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm).

Đặc biệt, thị trường bất động sản năm 2022 có cơ cấu nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, đầu tư; thiếu vắng các sản phẩm nhà ở phù hợp với túi tiền của số đông người dân.

Về tỷ lệ tiêu thụ, toàn thị trường năm 2022 chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV/2022, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt mức 14%.

Dữ liệu của VARS cũng cho thấy, giá bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền được điều chỉnh về giá trị thực, gần như nguyên trạng so với thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra cơn "sốt đất". Tuy nhiên, phân khúc nhà ở, đặc biệt là căn hộ chung cư không nằm trong xu hướng giảm giá bán. Một phần do nhu cầu ở loại hình nhà ở này luôn hiện hữu và tăng không ngừng cùng quá trình đô thị hóa.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, thị trường bất động sản năm nay sẽ còn nhiều áp lực do kinh tế Việt Nam vẫn sẽ chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài. Song, cơ hội để thị trường phục hồi vẫn có. "Khoảng cuối quý II năm nay, các giao dịch sẽ xuất hiện nhịp nhàng trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn", ông Đính nhận định.

(Nguồn: Dân Trí)

DOANH NGHIỆP ĐỊA ỐC NỢ GẦN 420 NGHÌN TỶ ĐỒNG TRÁI PHIẾU, ÁP LỰC TRẢ NỢ TRƯỚC HẠN

Tính đến cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,6%). Thời gian tới, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư.

Dư nợ tín dụng bất động sản đạt gần 800 nghìn tỷ đồng

Trong báo cáo nhà ở và thị trường bất động sản quý IV năm 2022 và cả năm 2022, Bộ Xây dựng dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến 31/12/2022 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản gần 800 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180,743 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 41,815 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 40,149 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,1%.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 32,660 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57,539 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,24%.

Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144,157 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,16%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85,199 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%.

Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211,452 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Vốn ngoại đổ vào bất động sản tăng mạnh

Bộ Xây dựng cũng cho biết, theo số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, nguồn vốn ngoại (FDI) đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1%, chủ yếu tập trung vào thị trường bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, FDI là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường trong dài hạn.

Theo đánh giá của ông Troy Griffiths-Phó tổng Giám đốc Savills Việt Nam: “Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới với nhiều biến động. Họ coi đây là một nơi hấp dẫn để kinh doanh với dân số trong độ tuổi lao động lớn và nhiều chính sách hấp dẫn. Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng tích cực, phù hợp để kinh doanh, tiếp tục đầu tư trong thời gian dài với rủi ro thấp và tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn”.

Doanh nghiệp địa ốc chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn

Về tình hình phát hành trái phiếu, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, có một số tổ chức, cá nhân có sai phạm, bị xử lý liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Do vậy các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 28/10/2022 khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.

Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,87% trong tổng khối lượng phát hành; đứng thứ 2 trong nhóm mua lại trái phiếu trước hạn và chiếm 35,8% (451,159 nghìn tỷ đồng) trong tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu ký tại thời điểm 30/9/2022.

Trong 02 tháng cuối năm 2022, trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản chiếm 38,3% tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó, 99,6% trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản có tài sản bảo đảm. Riêng trong tháng 12, các doanh nghiệp đã phát hành 1.350 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó doanh nghiệp bất động sản phát hành 500 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,6%).

Thời gian tới, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:

=> Tràn lan sản phẩm 'ăn theo' vía Thần Tài; Bầu Đức trở lại đường đua; 'Ông lớn' BĐS thi công chui; NĐT chất vật trên đống nợ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang