Diễn biến mới vụ Lưu Bình Nhưỡng; Kỷ luật cán bộ tuần qua; Tin quy hoạch nổi bật; 4 dự án biến thành bãi xe, nuôi gà, thả chó

DIỄN BIẾN MỚI VỤ ÁN LƯU BÌNH NHƯỠNG

Chỉ khoảng hơn 1 tháng trước khi bị truy tố trong vụ án liên quan đến ông Lưu Bình Nhưỡng, cựu chuyên viên Văn phòng Chủ tịch nước đã bị Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình phạt tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cựu chuyên viên Văn phòng Chủ tịch nước bị phạt tù vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cáo buộc, trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2023, các bị can Phạm Minh Cường (thường gọi là Cường "quắt", Thái Thụy, Thái Bình, Vũ Đăng Phương (Thái Thuỵ, Thái Bình, lao động tự do), Lưu Bình Nhưỡng - cựu Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Lê Thanh Vân - cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, cựu đại biểu Quốc hội Khóa XV và Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên vụ Pháp luật – Văn phòng Chủ tịch nước) đã có các hành vi cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Các hành vi vi phạm của các bị can được thể hiện rõ ở 5 vụ việc mà cơ quan truy tố nêu.

Vụ thứ nhất là vụ cưỡng đoạt tài sản của chi nhánh Công ty Sao Đỏ; vụ thứ hai là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp việc giải quyết vụ án dân sự xảy ra tại Tòa án nhân dân TP.Hải Phòng để trục lợi; vụ thứ ba là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp việc phê duyệt dự án Quế Võ III của tỉnh Bắc Ninh để trục lợi; vụ thứ tư là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp việc phê duyệt dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh để hưởng lợi; vụ thứ năm là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp dự án thăm dò khoáng sản đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng tại đồi Bắc Sơn, thôn Tây Sơn, Bình Khê (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) để hưởng lợi.

Trong vụ án, Nguyễn Văn Vương bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" trong vụ việc thứ 4. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này từ 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Theo tài liệu, vị cựu chuyên viên Vụ Pháp luật – Văn phòng Chủ tịch nước đã bị buộc thôi việc từ ngày 19/9/2024 theo quyết định số 229 của Văn phòng Chủ tịch nước.

Bị can Vương bị Uỷ ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương khai trừ ra khỏi Đảng ngày 19/9/2024.

Đáng chú ý, ngày 15/12/2023, Vương bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại khoản 3, Điều 174, Bộ luật Hình sự.

Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình sau đó đã đưa Nguyễn Văn Vương ra xét xử sơ thẩm. Theo bản án số 64/2024/HSST ngày 16/9/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tuyên Vương 7 năm 6 tháng tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Vương bị tuyên bản án sơ thẩm trước khoảng thời gian hơn 1 tháng khi bị truy tố trong vụ án liên quan đến ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân.

Tại vụ án này, Vương bị cáo buộc khi được doanh nghiệp nhờ đã đến nhờ ông Nhưỡng, ông Vân để can thiệp giúp doanh nghiệp tại dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh để hưởng lợi.

Đối với Cường "quắt", cơ quan truy tố thấy Cường còn có hành vi cùng anh Bùi Văn Thao đến gặp, nhờ bị can Nhưỡng can thiệp giúp đỡ cho anh Thao thắng kiện vụ án dân sự tranh chấp nhà đất khi đưa ra xét xử phúc thẩm, đã biếu ông Nhưỡng bộ cánh cổng bằng gỗ trị giá 75 triệu đồng, hứa sẽ cho 1 lô đất trị giá 160 triệu đồng để cảm ơn.

Xét hành vi trên không đồng phạm với bị can Nhưỡng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý là có căn cứ.

Bên cạnh đó, với hành vi trên của anh Thao, Cường "quắt", cơ quan truy tố thấy, bị can Nhưỡng không phải là người có thẩm quyền quyết định việc giải quyết vụ án dân sự trên nên họ không phạm tội "Đưa hối lộ".

Theo cơ quan truy tố, Cường "quắt" bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "Tái phạm". Theo đó, Cường phạm tội trong thời gian thử thách của bản án phúc thẩm ngày 30/12/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình về tội "Cố ý gây thương tích".

Tuy nhiên, Cường cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra giải quyết vụ án. Quá trình điều tra, gia đình Cường đã thay mặt Cường, Phương bồi thường, khắc phục hậu quả cho chi nhánh Công ty Sao Đỏ.

Đối với chị Lê Thị Hồng Hoa (vợ Cường "quắt") có hành vi nhận tiền thay chồng. Sau khi Cường bị bắt về tội "Gây rối trật tự công cộng", chi nhánh Công ty Sao đỏ vẫn tiếp tục phải nộp cho Cường và đồng phạm 230 triệu đồng. Chị Hoa đã nhận số tiền trên, nhưng xét thấy khi nhận số tiền, chị Hoa không biết là do Cường và đồng phạm phạm tội mà có nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý hình sự là có căn cứ.

Quá trình điều tra, Lê Thị Hồng Hoa đã tự nguyện trả cho chi nhánh Công ty Sao Đỏ số tiền hơn 4,9 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho các bị can Cường và Phương. Đại diện chi nhánh Công ty Sao Đỏ không yêu cầu bồi thường gì thêm.

Với vợ ông Lưu Bình Nhưỡng, đã thay mặt chồng nộp tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình 7 tỷ đồng, là số tiền tương ứng 300.000USD mà bị can Nhưỡng đã hưởng lợi từ Công ty Mạnh Đức.

Vợ ông Nhưỡng còn có hành vi mua 30ha ở khu vực bãi triều do bị can Cường "quắt" lấn chiếm trái phép, sau đó giao lại cho Cường quản lý để khai thác thu tiền. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình xét thấy, khi thực hiện các hành vi trên, bà này không biết ông Nhưỡng đã cùng Cường "quắt" thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, cơ quan điều tra không xử lý hình sự là có căn cứ.

Với ông Lưu Bình Nhưỡng, ngày 17/4/2024, bị can Nhưỡng đã viết đơn xin nộp lại số tiền 180 triệu đồng trong số tiền bị can đã hưởng lợi bất chính trong vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần Trường Sinh.

Ông này bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "phạm tội 2 lần trở lên" khi nhiều lần có hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ông Nhưỡng khai nhận hành vi phạm tội, quá trình công tác được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, huy chương, kỷ niệm chương… Bố bị can là thương binh, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạnh Nhì, gia đình có bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng, 2 chú ruột là liệt sỹ. Việc vợ ông Nhưỡng nộp 7 tỷ đồng khắc phục hậu quả cũng là 1 trong các tình tiết giảm nhẹ mà ông Nhưỡng được hưởng.

Về bộ cánh cổng gỗ được biếu tại nhà thờ của ông Lưu Bình Nhưỡng, cơ quan chức năng đã thu giữ, giao cho UBND xã Hùng Dũng (Hưng Hà, Thái Bình) bảo quản, chờ xử lý theo quy định.

 

 

HÀNG LOẠT CÁN BỘ BỊ KỶ LUẬT TUẦN QUA Ở QUẢNG BÌNH, BẠC LIÊU, THANH HÓA

Cảnh cáo Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu, kỷ luật 2 cán bộ TP Thanh Hóa... là những thông tin về kỷ luật cán bộ tuần qua (từ 23-28.12).

Quảng Bình: Kỷ luật Chủ tịch UBND xã Quảng Hải

Ngày 28.12, theo nguồn tin của Báo Lao Động, Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) vừa có kết luận về việc Chủ tịch UBND xã Quảng Hải Cao Xuân Ngọc vi phạm quy chế làm việc.

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thị ủy Ba Đồn kết luận, ông Cao Xuân Ngọc đã vi phạm Chỉ thị số 20, ngày 28.2.2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, vi phạm quy chế làm việc của Đảng ủy, UBND xã Quảng Hải.

Vi phạm của ông Cao Xuân Ngọc đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và của cá nhân ông Cao Xuân Ngọc.

UBKT Thị ủy Ba Đồn đã quyết định kỷ luật đối với ông Cao Xuân Ngọc bằng hình thức Khiển trách. Trước đó, UBKT Thị ủy Ba Đồn nhận được đơn tố cáo ông Ngọc có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

Kỷ luật cảnh cáo Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu

Ngày 26.12, tại Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, đại diện Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức triển khai quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh xử lý kỷ luật đối với công chức.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định thi hành kỷ luật về mặt chính quyền bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Bùi Quốc Nam - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu; quyết định thi hành kỷ luật về mặt chính quyền bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Trần Hoài Đảo - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu.

Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu cũng đã triển khai quyết định kỷ luật Đảng bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Bùi Quốc Nam - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu vì liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan đến vụ án này, ông Trần Hoài Đảo - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh - cũng bị kỷ luật Đảng bằng hình thức Cảnh cáo.

Kỷ luật 2 cán bộ TP Thanh Hóa do chậm trễ thực hiện dự án

Ngày 24.12, thông tin từ UBND TP Thanh Hóa cho biết, cơ quan này vừa quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Lê Văn Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa.

Ngoài ông Tuấn, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa cũng quyết định kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Lê Ngọc Nam - viên chức, Phòng Kỹ thuật - thẩm định, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa.

Trước đó, lãnh đạo Thành ủy TP Thanh Hóa đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án tại các phường Quảng Thành, Quảng Đông, sau khi kiểm tra, Văn phòng Thành ủy TP Thanh Hóa đã có thông báo kết luận về sự chậm trễ trên.

Cách hết chức vụ một chủ tịch xã ở Long An vì đánh vợ

Ngày 23.12, UBKT Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Long An mời bà Đ.T.K.T (40 tuổi - vợ ông Nguyễn Quốc Thới), ngụ Ấp 6, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành đến trụ sở làm việc. Đồng thời thông báo kết quả xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Quốc Thới - nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Ngãi Trị.

UBKT Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Long An đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phú Ngãi Trị (nhiệm kỳ 2020-2025) đối với ông Nguyễn Quốc Thới.

Trước đó, HĐND xã Phú Ngãi Trị đã bãi nhiệm chức Chủ tịch UBND xã với đối ông Thới. Được biết, hiện nay ông Thới vẫn đang theo học lớp Cao cấp chính trị tại Học viện Chính trị khu vực II.

Theo đơn tố cáo của bà T, do không chịu được hành vi bạo lực gia đình của chồng thời gian dài, người phụ nữ này đã quyết định làm đơn tố cáo chồng đến Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Long An, Ban Nội chính Tỉnh ủy và UBND tỉnh Long An.

 

 

CÁC TIN QUY HOẠCH NỔI BẬT: KHAI THÁC CAO TỐC NHA TRANG – ĐÀ LẠT NĂM 2028

Tây Ninh đề xuất xây sân bay; Bắc Giang định hướng đưa thị xã Việt Yên lên thành phố; Nghệ An muốn lập TP Hoàng Mai; khai thác thương mại metro Bến Thành - Suối Tiên... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Dự kiến khai thác cao tốc Nha Trang - Đà Lạt vào năm 2028

Cao tốc Nha Trang - Liên Khương được quy hoạch với tổng chiều dài khoảng 99 km. UBND hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đề xuất trước mắt đầu tư đoạn tuyến Nha Trang - Đà Lạt dài 80,8 km.

Tuyến có điểm đầu giao cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà; điểm cuối giao với quốc lộ 27C tại ngã ba Đarahoa, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.058 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án năm 2024 - 2028, trong đó giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ năm 2024 - 2025; giai đoạn đầu tư xây dựng từ năm 2026 - 2028.

Hà Nội muốn xong đường trục Bắc - Nam qua Thạch Thất ngay năm 2025

Ngày 25/12, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch về việc Phê duyệt đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc - Nam đoạn qua huyện Thạch Thất (giai đoạn 1 từ Km14+200 đến Km18+500).

Quy mô tuyến đường có chiều dài 4,42 km với hai nhánh thuộc nút giao kết nối với đường gom Đại Lộ Thăng Long. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 715 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện năm 2024 - 2025.

Đề xuất chuyển cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sang đầu tư công

Bộ Giao thông Vận tải vừa qua đã có công văn gửi Chính phủ về phương án đầu tư xây dựng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Tại công văn này, Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét chấp thuận chuyển nghiên cứu đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo phương thức PPP sang nghiên cứu đầu tư theo hình thức đầu tư công; đồng thời giao bộ này là cơ quan chủ quản, phối hợp với UBND các tỉnh Gia Lai và Bình Định tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Dự kiến, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ được chuẩn bị đầu tư từ năm 2025, thực hiện đầu tư và hoàn thành, khai thác trong giai đoạn 2026 - 2030. Tổng mức đầu tư theo đề xuất là hơn 36.000 tỷ đồng.

Tây Ninh đề xuất xây sân bay

Theo VnExpress, UBND tỉnh Tây Ninh vừa qua đã gửi Bộ Giao thông Vận tải về nghiên cứu hình thành sân bay Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đơn vị tư vấn lập đề án, sân bay dự kiến xây ở xã Phước Ninh có địa hình đồng bằng, bằng phẳng, không tập trung đông dân cư... Vị trí này cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 74 km, cách sân bay Long Thành khoảng 106 km, cách biên giới Campuchia 44 km và TP Tây Ninh khoảng 24 km.

UBND tỉnh Tây Ninh cho biết tổng mức đầu tư giai đoạn đầu khoảng 4.738 tỷ đồng. Dự kiến vốn ngân sách chiếm 15%, còn lại là nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thời gian hoàn vốn dự kiến 42 năm.

Nghệ An muốn lập TP Hoàng Mai

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa qua đã ban hành Nghị quyết 18 về xây dựng và phát triển thị xã Hoàng Mai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu đến năm 2045, Hoàng Mai là thành phố phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại; đời sống của nhân dân đạt mức cao.

Bắc Giang định hướng đưa thị xã Việt Yên lên thành phố

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu số 1 và số 2 thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang tỷ lệ 1/2.000.

Trong đó, phân khu số 1 là khu vực trung tâm thị xã Việt Yên. Phân khu này gồm toàn bộ phường Bích Động và một phần diện tích các phường Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn và phường Nếnh. Đây là trung tâm chính trị, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao của toàn đô thị, tầm nhìn đến năm 2030 trở thành trung tâm thành phố trực thuộc tỉnh.

Vận hành metro Bến Thành - Suối Tiên

Sáng 22/12, TP HCM công bố vận hành chính thức tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM (metro số 1) từ Bến Thành đi Suối Tiên.

Trong 6 tháng đầu, metro số 1 sẽ mở cửa lúc 5 giờ và đóng tuyến vào 22 giờ hàng ngày, thời gian dãn cách đều đặn 8 - 12 phút/chuyến. Sau 6 tháng đầu, metro số 1 sẽ chạy tới 23 giờ 30 với tần suất đều đặn 5 - 10 - 15 phút/chuyến (tương ứng với các khung giờ: cao điểm/bình thường/thấp điểm).

Lộ trình đầu tư cao tốc Mộc Châu - Sơn La

Bộ Giao thông Vận tải vừa qua đã có thông tin về lộ trình triển khai chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc đoạn từ Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Mộc Châu - TP Sơn La, chiều dài 105 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Đối với đoạn tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, tuyến cao tốc này có chiều dài 200km, quy mô 4 làn xe, lộ trình đầu tư sau năm 2030.

 

 

DỰ ÁN Ở THỦ ĐÔ THÀNH BÃI XE, NUÔI GÀ, THẢ CHÓ

4 khu đất dự án đầu tư xây dựng kéo dài, chậm đưa vào sử dụng lãng phí Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu giải quyết dứt điểm, trong đó 3 vị trí được coi là đất vàng tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân

Dự án Khu chức năng đô thị tại số 233, 233B và 235 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Đối với khu đất này đến nay đã hoàn thành việc . Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường kết quả rà soát quá trình triển khai di dời cơ sở sản xuất, thực hiện dự án, xử lý cơ sở nhà đất tại số 233, 233B và 235 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, trong đó đề xuất, kiến nghị: Khu chức năng đô thị tại 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội là một khu đô thị được xác định đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 2015, quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2016. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 44, Khoản 7 Điều 77 Luật Đầu tư ngày 17/6/2020, thì Quyết định chủ trương số 1962/QĐ-UBND ngày 22/4/2016 của UBND Thành phố vẫn còn hiệu lực.

Theo kế hoạch, đây sẽ là Tổ hợp Văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ để bán, chủ đầu tư là Công ty cổ phần kinh doanh và xây dựng Nhà Hà Nội, nhưng sau hơn 20 năm, dự án vẫn chỉ được quay tôn. Tại dự án này chủ đầu tư đề xuất bỏ chức năng kinh doanh nhà ở, Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, báo cáo.

Dự án tại 94 Lò Đúc đã kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều vấn đề về đất đai, quá trình cổ phần hóa và thủ tục đầu tư, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu tập trung giải quyết, tháo gỡ nhằm chống lãng phí, không gây thiệt hại cho nhà nước. Chậm nhất trong tháng 1/2025, phải xử lý dứt điểm dự án này.

Dự án Tổ hợp Văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ để bán, sau 9 năm được giao đất. Dự án này có 3 mặt tiền phố Lý Thường Kiệt, phố Hàng Bài, phố Vọng Đức của quận Hoàn Kiếm, thuộc khu đất vàng của Thủ đô, nhưng dự án xây dựng trụ sở của ngân hàng SHB vẫn chưa thể thành hình. Vướng mắc trong vấn đề quy hoạch.

Với dự án này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm trong tháng 12 hoàn thành lập quy hoạch thiết kế đô thị các tuyến phố và quy chế quản lý liên quan và trình thẩm định phê duyệt. Ngân hàng SHB sẽ thực hiện phương án quy hoạch kiến trúc theo chỉ tiêu được duyệt tại đồ án thiết kế đô thị, khởi công sớm nhất có thể.

Khu đất hiện làm bãi trông giữ xe. Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho ý kiến đối với Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp CN3 tại xã Mai Đình và xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn; Việc quản lý các cơ sở nhà, đất là trụ sở các cơ quan Trung ương và địa phương trên địa bàn quận Hà Đông.

 

Nguồn: Dân Việt; Lao Động; Vietnammoi; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang