Đi mua 'linh hồn'; Cuộc đua thu hút FDI; BĐS 'cắt lỗ' 20-30%; Đất nền phía Nam lao dốc

Đi mua “linh hồn”

(Ảnh minh họa).

Một thị trường buôn bán các vật phẩm mê tín dị đoan đã và đang nở rộ trên mạng xã hội, gây những tác hại khôn lường. Trong vai người đi mua “linh hồn”, chúng tôi được người bán chỉ dẫn đủ loại bùa chú, búp bê mà chỉ nghe qua giới thiệu đã đủ rợn tóc gáy.

“Linh hồn” mắc - “linh hồn” rẻ

“Các bé ở đây bị mẹ bỏ rơi hoặc bé bị sự cố mà mất trong bụng mẹ, ở đây cam kết các bé hoàn toàn không bao giờ làm hại ai. Chị muốn gì cứ nói với bé, bé sẽ độ mẹ ngay ấy ạ! Bé lanh lắm, độ khách em sương sương 1 tháng có 30 triệu chứ mấy”. Trong vai người làm ăn thất bại đi tìm hiểu về Kumanthong (một loại thần giám hộ huyền bí theo tín ngưỡng dân gian Thái Lan - PV), tôi được những người rao bán mặt hàng này trên mạng đon đả mời chào. Chỉ sau cuộc gọi 7 phút, lời hỏi han, thuyết phục của họ đôi lúc khiến tôi lung lay, muốn… thỉnh một búp bê này về nuôi nấng.

“Ngân sách chị khoảng bao nhiêu?”, là câu hỏi đầu tiên. Tôi trả lời là định mua cùng hội bạn nhà giàu, nhưng do trục trặc chuyện làm ăn nên hiện chỉ có thể chi 2 triệu đồng đổ lại. Người bán hàng xuề xòa đáp lời: “2 triệu đồng cũng thỉnh được, Kumanthong này nhiều loại lắm; còn bạn chị muốn mua bé to, đẹp, quần áo xịn, có làm tóc giả thì khoảng 10 triệu đồng trở lên”.

Rồi người bán giới thiệu, tầm 1 triệu đồng đổ lại có thể thỉnh búp bê size 5 inches, không to nhưng bảo đảm độ giỏi; 1,5 triệu đồng thỉnh loại 8 inches; 2,1 triệu đồng loại 12 inches. Những loại này là búp bê nhỏ, bằng nhựa, không có tóc và quần áo, chi tiết không sắc sảo, chỉ như các loại búp bê đồ chơi trẻ em được vẽ vời những dòng bùa phép ma mị và khó hiểu đầy ngực, bụng, trán. Loại to bằng em bé sơ sinh có thể ẵm bên người, gương mặt lanh lợi, quần áo tỉ mỉ, trang điểm đẹp sắc nét như hay thấy trên phim có thể “độ” rất mạnh, giá khoảng 10 triệu đồng trở lên, có loại 20 triệu đồng.

Khi tôi thắc mắc Kumanthong chủ yếu hơn nhau ở “linh hồn” bên trong, tại sao lại tăng giá theo độ lớn của vỏ búp bê bên ngoài thì được giải thích: “Trong mỗi xác búp bê là một linh hồn thai nhi khác nhau được làm phép, cái chính là kích thước càng lớn sẽ khiến bé hấp thụ năng lượng khi sư thầy làm phép mạnh hơn và nhờ vậy sẽ độ cha mẹ mạnh hơn”.

Tôi ngạc nhiên cho rằng xác thai nhi phải được thầy “làm phép” để nhốt linh hồn vào trước rồi mới cho vào búp bê nhựa, thì lại được người bán gợi ý một “dịch vụ” khác: “Chị mang bé về nuôi nhưng thỉnh thoảng, nhất là khi cần bé độ việc lớn, quan trọng, khó khăn thì chị phải mang bé cho thầy tăng năng lượng. Chị ở xa (tôi ở TPHCM, người bán ở miền Bắc - PV) có thể chụp hình bé rồi gửi cho em, em nhờ thầy tăng sức mạnh cho bé qua hình chụp vẫn được, rẻ lắm, chỉ tầm 50.000-100.000 đồng/lần”. Tuy nhiên, nếu chưa muốn bỏ tiền mua loại lớn, búp bê kích thước nhỏ vẫn có thể được “độ ầm ầm” bằng cách mua “muôn sản” (là các loại muối, bột, “dầu thai nhi” mà chỉ có thầy làm phép mới biết rõ) nhét vào trong búp bê. Tôi thoái thác, nói mình chưa có khả năng chi 10 triệu đồng để đón bé, đầu dây bên kia vội vã giữ chân tôi bằng cách đồng ý “ship” ngay và… cho trả góp.

Khác với “Kumanthong trắng” (là dòng tôi được giới thiệu ở trên) vốn chỉ có khả năng thu hút tiền tài, báo trước điềm dữ, giúp tránh người khác hãm hại, bỏ bùa hay tà ngải; “Kumathong đen” là loại đắt đỏ, “dữ” hơn, ma mị hơn và được giới thiệu là quyền năng cao hơn. Dòng này gọi là “tà ngải”, “thiên linh cái”, có thể giúp chủ nhân đạt được những mong cầu “chỉ biết ước”, như khiến người khác bỏ tất cả để đến với mình, làm đối thủ thất bại trong kinh doanh, đem lại vinh hoa, danh tiếng…

Ngàn lẻ một kiểu mua bán “linh hồn”

Thêm vài cú click chuột trong các nhóm bùa ngải đã dẫn tôi đến một thị trường “buôn bán linh hồn” quỷ dị và khó hiểu khác. Như dạng búp bê nhựa nhỏ bằng nắm tay hình em bé đang ngủ, gọi là “Nokphu ngủ đông”. Nokphu không phải là linh hồn và xác thai nhi mà là “các đệ tử chùa, thần tiên là em bé, được các sư trong chùa mời về”, theo lời người bán. Nokphu được quảng cáo là phiên bản hoàn hảo nhất của chủ nhân. Người mua phải đăng ký trước tên họ, ngày tháng năm sinh để thầy làm phép vào đó (kèm các loại “chú” lạ không biết của tôn giáo nào: chú cầu tài, chú buông bỏ, chú quyền lực, chú tránh họa…), linh hồn này sẽ về độ trợ cho chính số mệnh của chủ nhân đó. Và vẫn điệp khúc trấn an “lành mạnh”, người bán nói với tôi: “Loại này an toàn, lành nhất luôn, không cần chăm sóc cầu kỳ, chu đáo. Khi việc thành thì chị đưa bé đi chùa. Công đức đưa đi chùa sẽ rất lớn vì bé chính là hình nhân của chính chị, mang bản sao số mệnh của chị”.

Người bán gửi cho tôi ảnh chụp màn hình tin nhắn của khách hàng khoe: “Bé Thỏ (tên người mua đặt cho búp bê) lợi hại thật, mới trưa mua về bảo con cho mẹ 10 triệu đồng để mẹ trả nợ, đến chiều có ngay”; “Chưa xin gì nhưng từ lúc rước bé về thấy chuyện gia đình dần dần ổn định hơn, chuyện làm ăn cũng vậy”. Và cả tin nhắn động viên của người bán: “Bé ở bên chị thì việc gì nguy hiểm, có nguy cơ thất bại, chị sẽ có cảm giác ai đó cản chị làm. Chị cứ sắm quần áo cho bé vui, bé rất giỏi kêu gọi tiền tài và chăm sóc cả gia đình”.

Làm phép online

Bên cạnh các loại bùa chứa "linh hồn" được nhập từ Thái Lan hoặc chuyển thông tin sang Thái Lan đăng ký đặt thỉnh những linh hồn độ riêng cho cá nhân, nhiều dịch vụ bùa ngải khác cho phép người mua tương tác trực tiếp qua điện thoại với các đối tượng làm phép ở Myanmar, Thái Lan… thực hiện các buổi làm phép online.

Thông thường, chủ shop bùa ngải sẽ đăng thông báo lên fanpage, các hội nhóm ngày giờ, lịch trình mình xuất ngoại "vào rừng sâu gặp thánh tăng" và bài quảng cáo, bảng giá các dịch vụ làm phép, người có nhu cầu sẽ đăng ký qua tin nhắn hoặc số điện thoại. Các loại hình làm phép online này có dạng giá rẻ (coi bói 1,5 triệu đồng, giải vận hạn 3,9 triệu đồng, yểm bùa nguyền rủa 1,6 triệu đồng…); nhưng cũng có các loại nghi lễ xuyên biên giới với giá cao (nghi lễ cải vận satung 9 triệu đồng, nghi lễ nanathong làm gương mặt sáng và ăn nói quyến rũ 10 triệu đồng…).

Kỳ bí hơn, còn có “bùa đòi nợ” dành cho những chủ cho vay tiền mà người mượn cắt liên lạc, bỏ trốn không đòi được. Đây là cách đòi nợ “vô hình”, người cho vay chỉ cần thỉnh bùa này về với giá 12 triệu đồng, không cần biết con nợ đang trốn ở đâu, làm gì, sẽ có thế lực siêu nhiên hiện về trong giấc mơ người mượn nợ nhằm đuổi đánh, đe dọa làm họ sợ và tự giác quay lại liên lạc, trả đủ số tiền mượn cho người dùng bùa. Loại bùa này nhỏ như móc khóa, được làm từ những nguyên liệu như tóc người chết đuối, dây thừng của người thắt cổ tự tử, đất rừng, đất chợ, đất nghĩa địa, đồi núi, tàn hương… ngâm trong loại dầu làm từ cây ở trong rừng sâu, rất khó tìm.

Chưa dừng lại ở đó, lần theo những bình luận của nhiều người có nhu cầu quyến rũ trong chuyện chăn gối, “trục người” (lôi kéo người yêu quay về với mình), muốn trúng số hay thư ếm kẻ thù, tôi được chỉ dẫn 1.001 thể loại bùa chú nhốt những linh hồn khác. “Bùa Mae 9 Prai - 9 linh hồn ma nữ hùng mạnh” là 9 bức hình chân dung trắng đen 9 cô gái, 2 hũ nước thần bí màu đỏ, vàng, 1 cây đinh gỉ sét và 5 miếng kim loại; “Bùa Mae Hong Prai cực mạnh” là linh hồn của những phụ nữ chết trong tai nạn tàn khốc, bất ngờ, có hình dạng một hình nhân nữ tóc dài tới chân, làm từ tro cốt và tóc thật của người đã mất, ngâm trong chất lỏng màu đỏ, giúp quyến rũ người khác, khiến bất cứ ai cũng say mê cuồng nhiệt người dùng; “Bùa Hồ ly phép đen” được làm từ đất ở 7 nghĩa trang, thảo dược, vàng, mỡ ở cằm tử thi và linh hồn cô gái trẻ mang thai tự tử…

Một thị trường bùa ngải mê tín dị đoan rộng lớn, khó kiểm soát đang thực sự là một mối lo cho xã hội.

(Nguồn: Kenh14)

Cuộc đua thu hút FDI: Thêm đối thủ nặng ký

Không chỉ phải cạnh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…, giờ đây, Việt Nam còn phải cạnh tranh với chính các nước “xuất khẩu” đầu tư. Áp lực cạnh tranh vì thế càng nặng nề hơn.

Cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt

Một thông tin quan trọng được đề cập trong Báo cáo thường niên FDI 2022, do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) công bố mới đây, đó là Chính phủ các nước phát triển đang có xu hướng hạn chế FDI ra ngoài để tập trung nguồn lực ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế, gia tăng số người thất nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia đối với công nghệ nguồn.

Khi trình bày nội dung Báo cáo, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, cũng đã viện dẫn một loạt thông tin quan trọng để chứng minh điều này.

Chẳng hạn, Mỹ đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 21%; đồng thời cải cách thủ tục cấp phép đầu tư; đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp Mỹ, như năng lượng, ô tô, nhôm, thép, áp thuế cao với hàng nhập khẩu. Thậm chí, Mỹ còn thúc đẩy “mạng lưới kinh tế thịnh vượng” nhằm kết nối các quốc gia đồng minh trong một số chuỗi cung ứng bán dẫn, dịch vụ 5G.

Trong khi đó, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, các nước EU đang thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài. “Đức, Italia quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với FDI trong các ngành quan trọng. Pháp triển khai chiến lược ‘sản xuất tại Pháp’ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước các ngành có giá trị gia tăng cao, như ô tô, hàng không, công nghệ số”, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho biết.

Không những thế, cả Nhật Bản, Hàn Quốc - hai đối tác đầu tư lớn của Việt Nam - cũng đang áp dụng nhiều biện pháp quan trọng. Nhật Bản dành 2 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đưa nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về nước và khoảng 200 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang nước thứ ba đối với một số ngành ưu tiên. Hàn Quốc cũng ban hành luật thu hút các doanh nghiệp đã đầu tư ở nước ngoài quay về sản xuất - kinh doanh trong nước…

“Như vậy là, dường như chúng ta đang đặt ra cả vấn đề cạnh tranh với các nước xuất khẩu đầu tư”, ông Đặng Xuân Quang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), người có nhiều năm làm Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đã nói như vậy.

Có thể, sẽ hơi quá khi nói rằng, đây chính là những “đối thủ nặng ký” mới, nhưng rõ ràng, đó là một thực tế mà Việt Nam phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu, trước mắt là trong năm 2023, được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo tiếp tục suy giảm.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Cạnh tranh thu hút FDI đúng là đã ngày càng gay gắt hơn, và các “đối thủ” của Việt Nam đều đã đạt được những thành tựu quan trọng. Chẳng hạn, Indonesia năm 2022 đã thu hút được 45,6 tỷ USD vốn FDI, tăng 44,2% so với năm 2021. Đây là mức tăng trưởng FDI cao nhất thế giới vào năm ngoái. Nên nhớ, đây là số vốn giải ngân, chiếm 54,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Indonesia năm 2022.

Còn Trung Quốc, mặc dù đóng cửa nền kinh tế vì Covid-19, nhưng vẫn thu hút được ngân khoản khổng lồ, lên tới 1.200 tỷ nhân dân tệ, tăng 6,3% so với năm 2021. Ấn Độ, trong tài khóa 2021 - 2022 cũng đã thu hút được 83,6 tỷ USD vốn FDI...

Việt Nam cũng đạt được con số tích cực trong năm 2022, đó là thu hút được 27,7 tỷ USD vốn đăng ký, 22,39 tỷ USD vốn giải ngân. Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có xu hướng chậm lại.

Dẫn lại nhận định của HSBC, Báo cáo thường niên FDI 2022 cho biết, Việt Nam là “một ngôi sao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép, điện tử tiêu dùng” và cũng đã tiến lên trong chuỗi cung ứng sản phẩm, trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử trong hai thập niên gần đây.

Nhưng, khi mà cuộc đua thu hút FDI ngày một căng thẳng hơn, không chỉ đến từ các đối thủ truyền thống, mà còn cả các “đối thủ nặng ký” mới, Việt Nam buộc phải hành động quyết liệt hơn.

“Trong cuộc khảo sát của chúng tôi, 100% doanh nghiệp phản hồi cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp, theo kịp biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới”, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho biết.

GS-TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh, để cạnh tranh thu hút FDI, hàng loạt vấn đề Việt Nam phải cải cách, như vấn đề về tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công…

Chưa kể, trọng tâm chính sách cũng phải điều chỉnh. Nếu muốn thu hút nhiều hơn các tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tương lai, thì theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, cần đề ra các quy định mới về chính sách ưu đãi, thủ tục đầu tư, phương thức tiếp cận nhà đầu tư để thích ứng với yêu cầu của từng đối tác và từng dự án….

“Chính sách ưu đãi đầu tư cần được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với định hướng thu hút FDI mới và cuộc cạnh tranh trong khu vực… Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan đến cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu - một vấn đề cấp bách hiện nay, để ứng phó có hiệu quả, vừa tăng nguồn thu ngân sách, vừa tạo môi trường pháp lý hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế”, GS-TSKH. Nguyễn Mại khuyến nghị

Trong khi đó, bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành EuroCham đề cập đến 3 điểm gây cản trở dòng vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam. Đó là thiếu rõ ràng trong các quy định, thủ tục hành chính, và visa cho người nước ngoài.

“Nếu Việt Nam có thể cải thiện tốt hơn về thủ tục hành chính, sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn”, bà Delphine Rousselet nói.

Còn ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham Hà Nội thì cho rằng, cần tháo gỡ các vấn đề về lãi suất vay vốn đối với đầu tư cho tăng trưởng xanh, để các nguồn lực tỷ USD từ Mỹ có thể đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistics, kết cấu hạ tầng ở Việt Nam.

Hiện nay, theo ông John Rockhold, lãi suất lên tới 2 con số là “không thuận lợi” cho các nhà đầu tư.

(Nguồn: Báo Đầu Tư)

Bất động sản ‘cắt lỗ’ 20-30%, cơ hội cho nhà đầu tư xuống tiền?

(Ảnh minh họa).

Thị trường bất động sản đang có hiện tượng cắt lỗ sâu nhưng cũng không có thanh khoản. Thời điểm này liệu có phải là cơ hội cho nhà đầu tư "bắt đáy" thị trường?

Chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản SGO Homes cho biết, hiện tượng cắt lỗ diễn ra trên toàn thị trường bất động sản, tuy nhiên những sản phẩm liên quan đến nhà ở như chung cư, khu đô thị ở các thành phố lớn tỷ trọng này ít hơn.

“Chung cư đã hạ nhiệt, giảm giá xuống một nấc; còn phân khúc thấp tầng ở Hà Nội, có dự án đã giảm giá 10-20%, có dự án đột biến giảm giá đến 30%. Phân khúc nhà đất thổ cư giá hạ xuống khoảng 5-10%. Đất nền trên thị trường nói chung giảm giá mức 20-30% tương đối nhiều, các dự án nghỉ dưỡng cũng giảm giá sâu... Dù thị trường bất động sản có hiện tượng 'cắt lỗ' sâu nhưng cũng không có thanh khoản”, ông Chung nói.

Theo vị lãnh đạo này, nhà đầu tư hiện nay đang có tâm lý nghe ngóng chờ đợi, chưa xuống tiền mua trước những chính sách đang có sự điều chỉnh. Nhà đầu tư cũng kỳ vọng giá sẽ còn giảm tiếp nữa, chờ đợi tương lai khi thị trường hồi phục lại, một số chủ đầu tư ra thêm sản phẩm mới sẽ có mức giá tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Chung cho rằng, thị trường sẽ khó có mức giá tốt hơn khi chi phí đền bù giải phóng mặt bằng theo thỏa thuận đã cao hơn. Chủ đầu tư cũng cần hoàn thành nghĩa vụ thuế, hạ tầng mới có thể bán được. Do đó, chi phí tổng mức đầu tư của chủ đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều thay vì trước kia có thể huy động vốn sớm thì bây giờ việc này rất hạn chế.

“Vướng mắc pháp lý của nhiều chủ đầu tư giai đoạn vừa rồi phải xử lý mất nhiều thời gian nên chi phí thực hiện dự án cũng sẽ tăng cao; cộng với chi phí vật liệu xây dựng tăng, cùng một phần kỳ vọng lợi nhuận… thì các sản phẩm thời gian tới sẽ có mức giá như hiện tại và cao hơn, không thể thấp hơn được.

Thời điểm này, những bất động sản ‘cắt lỗ’ 20-30% cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư để có thể mua được sản phẩm có giá tốt ở những dự án cũ, sản phẩm bán lại. Hoặc có thể mua ở dự án chủ đầu tư đã hoàn thiện, có thể chấp nhận bán giá thấp để thu dòng tiền”, ông Chung phân tích.

Tuy nhiên, cùng thị trường ‘cắt lỗ’ 20-30% ở nhiều nơi nhưng ông Chung cho rằng, quan trọng nhà đầu tư phải biết lựa chọn thị trường. Tức là phải nhìn thấy được tiềm năng, cơ hội của thị trường đó khi thị hồi phục, việc quay lại mức giá cũ và tăng lên sẽ giúp biên độ lợi nhuận tăng nhanh và tăng cao.

Chia sẻ tại một diễn đàn triển vọng về bất động sản mới đây, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group cho hay, khi đơn vị ông mở bán một tòa nhà ở quận Long Biên (Hà Nội), nghĩ rằng nếu bán giá 40 triệu đồng/m2 sẽ không bán được nên ông đã giảm giá và quyết định bán mức 30-32 triệu đồng/m2. Giá mỗi căn hộ dưới 3 tỷ đồng và chỉ trong vòng 20 ngày mở bán đã bán được 50 căn.

Bên cạnh đó, ông Vũ cho hay, phần lớn mọi người thường nói đến các phân khúc của dự án bất động sản như trung cấp, bình dân, nhà ở xã hội… nhưng lại không nhìn thấy được bất động sản giao dịch bên ngoài, tức là những sản phẩm của cá nhân xây dựng hiện nay, đang rất sôi động.

Chủ tịch Cen Group cho biết, phân khúc này thú vị ở chỗ khi chủ nhà có một khu đất 50m2 hoặc 100m2, lẽ ra người ta sẽ xây mỗi tầng 2 phòng ngủ, thay vào đó họ xây mỗi tầng 4-5 phòng ngủ, sau đó cho các hộ gia đình thuê. Đặc biệt, chủ căn nhà đã có sổ đỏ, có thể cho thuê được luôn và lúc nào cũng “cháy hàng” vì không bị ảnh hưởng bởi vấn đề pháp lý.

Ông Vũ cho rằng, về dài hạn, thị trường cứ liu diu đã là tốt, khó có sự sôi động.

“Năm ngoái, tôi có nói với nhân viên rằng, thị trường bất động sản sôi động đến mức khủng khiếp như thế này nếu sau 30/4 mà dừng lại thì môi giới thất nghiệp hết. Y như rằng, các môi giới mất việc gần như 95%.

Khi Nhà nước đã tháo gỡ về trái phiếu, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp thì vấn đề ở đây là pháp lý dự án, làm sao để được duyệt, đó mới là mấu chốt của thị trường bất động sản”, Chủ tịch Cen Group cho hay.

(Nguồn: Vietnamnet)

Đất nền phía Nam lao dốc, “điểm nóng” Cần Giờ, Hóc Môn, Quận 9 đang diễn biến thế nào?

Dù “chưa ngán” đất nền nhưng tình trạng cắt lỗ đang có dấu hiệu tăng lên cho thấy, tâm lý nhà đầu tư bộc lộ những bất ổn ở thời điểm này.

Từ sau thời điểm Tết nguyên đán, nhà đầu tư rao bán tài sản “lỗ” tăng mạnh. Nguồn hàng giảm giá gửi môi giới bất động sản bán lại cũng tăng rõ nét. Bên cạnh đất thổ cư, thì đất vườn, đất nông nghiệp “xếp hàng” chào bán.

Trong đó, giá đất nền có dấu hiệu lao dốc mạnh. Những khu vực vốn là “điểm nóng” đất nền như Q.9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM), Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh…giá ghi nhận chững lại hoặc giảm từ 10-20% so với đầu năm 2022, tuỳ từng khu vực.

Cùng với đó, nguồn hàng xả ngộp tăng mạnh, khiến mặt bằng giá đất nền từng khu vực bị biến đổi khá nhiều trong thời gian qua.

Ghi nhận cho thấy, từ đầu tháng 3/2023 đến nay, giá đất nền thứ cấp tại khu vực Q.9 đã giảm từ 10-15% so với cuối năm 2022. Nếu thời điểm cuối năm ngoái, nhiều nhà đầu tư vẫn giữ giá bán ra thì hiện tại đã tăng cường việc giảm thêm giá từ 100-200 triệu đồng/nền để dễ ra hàng. Đây cũng là khu vực suốt thời gian qua, giá bất động sản khá ổn định, thường theo chiều hướng tăng, rất ít khi giảm.

Tuy vậy, từ giai đoạn giữa năm 2022 đến nay, những tác động về chính sách tín dụng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua cũng như giá bán đất nền khu vực này. Các nền đất trong khu dân cư hiện hữu/khu dân cư mới giá đã giảm ít nhất 10% so với cuối năm 2022. Dù giá giảm nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn khó ra hàng.

Hoạt động mua bán tại khu vực này cũng chậm nhịp. Nguồn hàng ngộp, hàng xả liên tục được môi giới rao bán nhưng nhà đầu tư vẫn khá “dửng dưng”. Tâm lý chờ đợi, nghe ngóng thêm tình hình thị trường là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư chưa xuống tiền ở giai đoạn này.

Một số lô đất thổ cư diện tích 50-60m2 tại P.Long Trường, Q.9 hiện đang rao bán 2.5-2.9 tỉ đồng/nền. Mức này đã giảm 250-350 triệu đồng/nền so với thời điểm đầu năm 2022. Một số nhà đầu tư bán lại bằng giá so với giá mua vào năm ngoái nhưng mãi vẫn chưa ra được hàng.

Tại Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh, giá đất nền cũng ghi nhận giảm mạnh. Mức bình quân trên dưới 20% so với thời điểm đầu năm 2022. Cụ thể, tại Cần Giờ, những lô thổ cư nhỏ trên đường Giồng Ao hồi tháng 1/2023 rao giá 34 triệu đồng/ m2, nay hạ xuống còn 30 triệu đồng/m2, giảm gần 12% so với đầu năm nay và giảm trên 30% so với 12 tháng qua.

Hay, đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản mặt biển thị trấn Cần Thạnh, giá đã giảm khoảng 20% với các lô diện tích lớn trên 2.000-3.000 m2. Tìm hiểu được biết, dù chưa đến mức cắt lỗ nhưng tình trạng rao bán giảm sâu so với giá trước đó cho thấy sự sụt giảm về mặt bằng giá khá mạnh ở khu vực này.

Tương tự, tại huyện Bình Chánh, giá bán đất nền trên thị trường thứ cấp cũng giảm 15-25%, tuỳ khu vực và sản phẩm. Một số lô đất nông nghiệp diện tích lớn trên 5.000-10.000 m2 do người đang nắm giữ rổ hàng bị áp lực tài chính, buộc thoát hàng và giá giảm từ 10-30%. Các đất nền dự án tại Tân Túc, Tân Kiên, Bình Hưng … giá giảm trung bình khoảng 10% so với tháng 12/2022.

Theo báo cáo mới nhất của DKRA Vietnam, mặt bằng giá thứ cấp đất nền hai tháng đầu năm giảm 10-23% so với cuối năm ngoái, mức giảm phổ biến 100-690 triệu đồng một nền, có nhiều trường hợp giảm giá lên đến một tỷ đồng một nền và tập trung chủ yếu ở nhóm các nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính hoặc có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất, ân hạn nợ gốc giai đoạn 2018 - 2022 của các chủ đầu tư.

Theo đơn vị này, giá đất nền đi xuống trong bối cảnh giao dịch thị trường yếu. Hai tháng đầu năm 2023, sức cầu chung của thị trường giảm mạnh, lượng giao dịch phát sinh khiêm tốn khi chỉ có 16 nền đất giao dịch thành công. Đại diện đơn vị này cho rằng, trước tình hình lãi suất ở mức cao, các vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để, khó khăn trong việc thu xếp dòng vốn, thanh khoản thị trường đất nền khó có thể chuyển biến tích cực trong thời gian ngắn.

Còn theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, mặc dù đất nền vẫn là loại hình nhà đầu tư ưa chuộng. Tuy nhiên, tình trạng hàng ngộp tài chính và giá bán lao dốc đang diễn ra mạnh ở các địa phương. Trong ngắn hạn, thị trường đất nền chưa thể hồi phục. Nhưng các khu vực có tiềm năng về hạ tầng, siêu dự án sẽ có cơ hội bật dậy nhanh sau đợt này.

“Từ quý 2/2023 trở đi, phân khúc đất nền có thể diễn ra đợt giao dịch đến từ các sản phẩm hàng ngộp, hàng xả. Nhà đầu tư có tài chính tốt vẫn âm thầm gom những bất động sản này”, ông Quang chia sẻ.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang