Dầu Nga đi đâu; Nga thâm hụt ngân sách; TQ 'phi Mỹ hóa' chuỗi cung ứng; Công xưởng mới thế giới; Bài toán ngành điều dưỡng

Không cung cấp cho EU, Nga đang đưa dầu đi đâu?

(Ảnh minh họa).

Moskva tăng cường cung cấp các sản phẩm dầu mỏ cho Mỹ Latinh để đối phó với các lệnh cấm vận và trần giá của phương Tây.

Theo Reuters, trích dẫn các nguồn thị trường và dữ liệu từ nền tảng phân tích tài chính Refinitiv Eikon, Moskva đã tăng cường cung cấp các sản phẩm dầu mỏ cho Mỹ Latinh để đối phó với các lệnh cấm vận và trần giá của phương Tây.

Số liệu thống kê cho thấy hai chuyến hàng được bốc vào tháng 4 tại cảng Primorsk ở Baltic của Nga với khoảng 73.000 tấn dầu diesel, hướng đến cảng Guayacan ở Chile. Theo Refinitiv, từ tháng 1 đến tháng 4, Nga đã xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn dầu diesel sang các nước Mỹ Latinh, chủ yếu là Brazil. Con số này thể hiện sự gia tăng đáng kể so với 211.000 tấn được cung cấp cho khu vực trong cả năm 2022.

Trong nhiều thập kỷ, Nga là nhà cung cấp dầu diesel chính cho châu Âu. Tuy nhiên, lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga, có hiệu lực từ ngày 5/2, đã khiến dầu diesel của Nga không chỉ được chuyển hướng sang châu Á, châu Phi và Trung Đông mà còn ngày càng tăng sang châu Mỹ Latinh.

Theo Reuters, dầu diesel của Nga đang giành thị phần từ Mỹ, quốc gia trong truyền thống chiếm phần lớn lượng nhập khẩu dầu diesel của Brazil.

Vào tháng 2, nhóm G7, EU và Australia đã áp đặt giá trần ở mức 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu của Nga được giao dịch ở mức cao hơn so với dầu thô, chủ yếu là dầu diesel; và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm được giao dịch chiết khấu, chẳng hạn như dầu nhiên liệu. Đáp lại, Moskva tuyên bố sẽ ngừng bán dầu và các sản phẩm xăng dầu cho các quốc gia ủng hộ giá trần, đồng thời sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 12.

(Nguồn: Soha)

Nga thâm hụt ngân sách hơn 45 tỷ USD

Ngân sách Nga trong 4 tháng đầu năm thâm hụt 45,4 tỷ USD, vượt giới hạn nước này đặt ra cho cả năm, khi nguồn thu từ dầu khí giảm.

Bloomberg ngày 11/5 dẫn thông báo từ Bộ Tài chính Nga cho biết chi tiêu của chính phủ Nga trong 4 tháng đầu năm nay tăng 26%, trong khi nguồn thu giảm 22% do thu nhập từ dầu khí giảm hơn một nửa so với năm ngoái.

Hậu quả là ngân sách nước này đã thâm hụt 3,43 nghìn tỷ ruble, (khoảng 45,4 tỷ USD), vượt giới hạn cả năm được đặt ra trước đó là 2,9 nghìn tỷ ruble (37,6 tỷ USD).

"Câu hỏi lớn chúng tôi chưa thể giải đáp là điều gì sẽ xảy ra với các khoản chi tiêu trong thời gian còn lại của năm. Các vấn đề về nguồn thu liên quan tới lĩnh vực năng lượng và phi năng lượng đều đã được dự báo", nhà kinh tế học Nga Sofya Donets tại tổ chức Renaissance Capital nói.

Nhà kinh tế học Alexander Isakov dự đoán chi tiêu công tăng có thể đẩy lạm phát ở Nga lên cao hơn trong những tháng tới và buộc ngân hàng trung ương phải rút lại một số chính sách cắt giảm lãi suất đưa ra từ năm ngoái.

Bộ Tài chính Nga giải thích việc tăng chi tiêu là do các khoản thanh toán tạm ứng hồi đầu năm và tình hình này sẽ không kéo dài. Bộ Tài chính Nga không nói rõ khoản tạm ứng được dùng vào vấn đề gì, song các nhà kinh tế cho rằng chúng có thể liên quan tới chi phí chiến sự ở Ukraine.

Trong 4 tháng đầu năm nay, doanh thu dầu mỏ Nga giảm 67% do chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt phương Tây. Theo Bộ Tài chính Nga, nguồn thu này có dấu hiệu ổn định từ tháng 4 và sẽ phục hồi, đặc biệt vào thời điểm cuối năm.

Trợ lý kinh tế của Điện Kremlin Maxim Oreshkin dự báo ngân sách Nga sẽ chuyển sang thặng dư vào cuối năm nay, nhưng Bộ Tài chính chưa xác nhận điều này.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina hôm 19/4 nói rằng loạt lệnh trừng phạt phương Tây áp với nước này mạnh hơn dự đoán nhưng nền kinh tế vẫn trụ vững.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/5 tuyên bố tình hình kinh tế Nga "hoàn toàn trong tầm kiểm soát" và Nga vẫn đảm bảo biên độ an toàn cần thiết, bất chấp thâm hụt ngân sách đã vượt mức dự tính cho cả năm.

Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây đánh giá nền kinh tế Nga hoạt động tốt hơn đáng kể so với đánh giá trước đó, đồng thời điều chỉnh dự báo GDP Nga từ mức giảm 3,3% xuống còn 0,2%. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Nga năm nay tăng trưởng 0,7%.

(Nguồn: Vnexpress)

Trung Quốc 'phi Mỹ hóa' chuỗi cung ứng: Đặt mục tiêu tự chủ, hàng Trung Quốc phải được sản xuất tại Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Trung Quốc trong cuộc đua hướng tới động lực tự chủ.

Tháng 10 năm ngoái, kế hoạch xây dựng một nhà máy bán dẫn khổng lồ được nhà nước hậu thuẫn ở miền trung Trung Quốc rơi vào khủng hoảng do căng thẳng địa chính trị. Một số người rời bỏ công ty. Ba nhà cung cấp thiết bị của Mỹ cũng gần như ngay lập tức tạm dừng các chuyến hàng, trong khi đối tác châu Âu và Nhật Bản dự kiến sớm làm điều tương tự.

Nhà máy thuộc tập đoàn công nghệ YMTC vốn vẫn được ca ngợi là người đi đầu trong cuộc đua hướng tới động lực tự chủ của Trung Quốc. Giờ đây, nhà sản xuất chip và các công ty cùng ngành đang gấp rút đại tu chuỗi cung ứng và tái thiết lập kế hoạch kinh doanh của mình.

Phương Tây rút vốn, song nguồn tài trợ nuôi dưỡng các giải pháp thay thế trong nước vẫn sinh lợi. Thực tế, Trung Quốc không từ bỏ việc sản xuất chip cao cấp. Các nhà sản xuất vẫn đang cố gắng hợp tác cùng các công ty miễn nhiễm với lệnh trừng phạt từ Mỹ để hướng tới mục tiêu tự chủ.

Trước đó, Bắc Kinh đã huy động một khoản tiền lớn phát triển các lựa chọn thay thế “cây nhà lá vườn” cho các nhà sản xuất chip phương Tây. Tuy nhiên, do linh kiện nước ngoài sẵn có và chất lượng lại cao hơn, nhiều công ty Trung Quốc không sẵn sàng chuyển đổi.

Dẫu vậy, những hạn chế về việc sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc dường như đang giảm bớt. Các công ty công nghệ tại quê nhà đang tìm cách thay thế các con chip phương Tây và một số thành phần liên quan, ngay cả những sản phẩm này không bị ảnh hưởng bởi sự kiểm soát của Mỹ. Ví dụ, tập đoàn ô tô Quảng Châu, một nhà sản xuất xe điện thuộc sở hữu nhà nước, cho biết hồi tháng 2 rằng họ muốn mua khoảng 1.000 con chip từ các nhà cung cấp Trung Quốc dù hiện đang mua tới 90% từ nước ngoài.

“Mục tiêu hiện nay ở Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực là phi Mỹ hóa chuỗi cung ứng”, Paul Triolo, phó Chủ tịch cấp cao về Trung Quốc tại Albright Stonebridge Group, một công ty chiến lược, cho biết.

Theo The New York Times, hàng chục công ty chip Trung Quốc đang hoàn thiện kế hoạch huy động vốn thông qua IPO trong năm nay. Nhà sản xuất chip lớn thứ hai của Trung Quốc, Hua Hong Semiconductor, nằm trong danh sách này.

Căng thẳng công nghệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã soạn thảo, song chưa công bố các quy tắc mới nhằm hạn chế dòng vốn đầu tư mạo hiểm của các công ty Mỹ vào doanh nghiệp chip tiên tiến ở Trung Quốc. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc trong năm nay đã giảm xuống còn 600 triệu USD, mức thấp nhất kể từ năm 2020, theo dữ liệu từ PitchBook.

“Trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và chất bán dẫn đều là những lĩnh vực mà Trung Quốc xác định muốn nâng cao năng lực trong nước. Nhưng các quy định mới của Mỹ sẽ khiến điều đó trở nên cực kỳ khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực chip”, ông Pranay Kotasthane, Giám đốc Chương trình địa chính trị công nghệ cao tại Viện Takshashila nhận định.

Để khắc phục, Bắc Kinh kích hoạt một quỹ nhà nước rót tiền vào các nhà cung cấp vật liệu và thiết bị chip. Khoản trợ cấp mới nhằm mục đích loại bỏ dần các linh kiện phương Tây ra khỏi chuỗi cung ứng. Ngoài ra, thành phố phía nam Quảng Châu cũng dành hơn 21 tỷ USD cho các dự án bán dẫn và công nghệ. Lượng đơn đặt hàng thiết bị do Trung Quốc sản xuất đã tăng đột biến trong những tháng gần đây, theo The New York Times.

Cho đến nay, chưa đến 1% tổng số chất bán dẫn cao cấp ở Trung Quốc chịu sự kiểm soát của Mỹ, theo ước tính từ Yole Group, một công ty nghiên cứu thị trường. Jean-Christophe Eloy, Giám đốc điều hành của Yole Group cho biết, đa số được tìm thấy trong các thiết bị điện tử tiêu dùng hàng ngày, ô tô. Hai nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc là SMIC và Hua Hong Semiconductor đều đã công bố hàng tỷ USD mở rộng sản xuất quy mô chip nhớ.

Tuy nhiên, về lâu dài, việc Trung Quốc vẫn chưa thể tiếp cận hết các công cụ sản xuất chip cần thiết có thể cản bước tiến của nước này trong lĩnh vực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo hay hàng không vũ trụ, theo Handel Jones, giám đốc điều hành công ty tư vấn International Business Strategies.

Tháng 8 năm ngoái, YMTC đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần tỷ trọng sản xuất chip toàn cầu lên 13% vào năm 2027 và thách thức các công ty chip đương nhiệm như Micron Technology có trụ sở tại Mỹ, theo ước tính của Yole Group. Tuy nhiên, đối mặt với khó khăn trong việc xây dựng nhà máy thứ hai, sản lượng của nhà sản xuất chip nhớ Trung Quốc này dự kiến sẽ giảm xuống chỉ còn 3% vào năm 2027.

Hiện tại, các công ty quốc tế trước đây đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang chuyển dòng vốn sang nơi khác. Các nhà sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc, Đài Loan đều đang đầu tư hàng tỷ USD vào Mỹ. TSMC còn đang xin trợ cấp cho nhà máy tại Arizona và điều này đồng nghĩa với việc tập đoàn này phải hạn chế đầu tư vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu nhìn theo phương diện tích cực, điều này lại tạo cơ hội cho các công ty trong nước. Xiang Ligang, giám đốc một tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh, người đã tư vấn cho chính phủ Trung Quốc về các vấn đề công nghệ, cho biết: “Nhờ có các lệnh trừng phạt, thị trường ngách có chỗ trống còn chúng tôi có cơ hội để phát triển”.

Dự báo trong thập kỷ tới, Trung Quốc có thể sẽ chiếm khoảng một nửa năng lực sản xuất thế giới đối với một loại chất bán dẫn cao cấp, theo công ty tư vấn Rhodium Group.

(Nguồn: CafeF)

Đối thủ có thể thay Trung Quốc trở thành 'công xưởng của thế giới'

Ấn Độ đang được hưởng lợi từ chiến lược “Trung Quốc +1”, khi nhiều công ty trên thế giới muốn đa dạng hóa dây chuyền sản xuất của họ khỏi Trung Quốc.

Các công ty phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm một phương án dự phòng cho vị trí "công xưởng thế giới" của Trung Quốc. Nhiều người gọi chiến lược này là “Trung Quốc +1”, và Ấn Độ đang nỗ lực để đạt được vị thế “+1” đó.

Theo Wall Street Journal, chỉ Ấn Độ mới có lực lượng lao động và thị trường nội địa có quy mô tương đương với Trung Quốc. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ gần đây đã soán ngôi Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Phương Tây coi Ấn Độ là một đối tác tự nhiên, trong khi chính phủ nước này cũng đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Các dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang thay đổi có thể nhìn thấy tại những khu công nghiệp rộng lớn ở Sriperumbudur, một thành phố ở bang Tamil Nadu.

Tại đây, các nhà sản xuất nước ngoài từ lâu đã sản xuất ôtô và thiết bị cho thị trường Ấn Độ. Nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đang đổ về đây, nhằm tìm kiếm một giải pháp thay thế cho Trung Quốc.

Không muốn bỏ tất cả trứng vào một rổ

Vào năm 2021, Vestas của Đan Mạch, một trong những nhà sản xuất turbine gió lớn nhất thế giới, đã xây dựng hai nhà máy mới ở Sriperumbudur. Việc Ấn Độ được dự báo sớm trở thành thị trường lớn thứ hai về turbine đã thúc đẩy quyết định mở rộng của Vesta.

Charles McCall, Giám đốc cấp cao của Vestas Assembly India, cho biết đó là một nỗ lực nhằm đa dạng hóa khỏi Trung Quốc. “Chúng tôi không muốn tất cả trứng đều nằm trong một giỏ ở Trung Quốc”, ông nói. Một số nhà cung cấp của Vesta cũng đang mở rộng sản xuất ở Ấn Độ.

Trung Quốc vẫn vượt mọi quốc gia khác trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, Wall Street Journal cho biết ngày càng có nhiều yếu tố khiến các công ty phải tìm kiếm giải pháp dự phòng, bao gồm chi phí lao động tăng cao, những đợt phong tỏa trong đại dịch Covid-19,...

Trong khi đó, Ấn Độ vẫn phải vượt qua những vấn đề cố hữu khiến họ chỉ có một vị trí nhỏ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lực lượng lao động hầu hết vẫn còn nghèo và không có kỹ năng, cơ sở hạ tầng kém phát triển và môi trường kinh doanh, bao gồm cả các quy định, có thể là rào cản. Sản xuất vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ so với quy mô của nền kinh tế Ấn Độ.

Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ, đất nước này đang đạt được tiến bộ. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu hàng chế tạo của nước này chỉ bằng 1/10 của Trung Quốc vào năm 2021, nhưng lại vượt qua tất cả thị trường mới nổi khác, ngoại trừ Mexico và Việt Nam.

Theo số liệu của ngân hàng trung ương, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ đạt trung bình 42 tỷ USD hàng năm giai đoạn 2020-2022, tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy một thập kỷ.

Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh đã tăng cường nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo Wall Street Journal, Apple là một công ty nổi bật trong ván cược về việc Ấn Độ sẽ là "Trung Quốc tiếp theo".

Trong 15 năm qua, công ty này đã xây dựng một chuỗi cung ứng hiện đại ở Trung Quốc để sản xuất máy tính xách tay, iPhone và phụ kiện. Sự hiện diện của họ đã giúp ích cho toàn bộ lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc.

Apple đã lắp ráp các mẫu iPhone cấp thấp hơn ở Ấn Độ kể từ năm 2017 và bắt đầu sản xuất chiếc iPhone 14 tại đây trong vòng vài tuần sau khi nó được ra mắt. Giới chức Ấn Độ hy vọng sự hiện diện của Apple sẽ lôi kéo nhiều công ty khác đến.

Không những vậy, Ấn Độ đã đạt được tiến bộ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Vào năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố chương trình “Make in India (Sản xuất tại Ấn Độ)” nhằm thúc đẩy sản xuất.

Ấn Độ đã số hóa nhiều dịch vụ của chính phủ và tăng tốc xây dựng đường sắt, sân bay, cảng container, cùng nhiều nỗ lực khác.

Trở ngại

Dù hội tụ nhiều yếu tố tiềm năng để thay thế Trung Quốc, Ấn Độ cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết trên con đường trở thành "công xưởng của thế giới", Insider nhận định.

Đối với tất cả tiến bộ này, Wall Street Journal cho rằng vẫn chưa rõ điều đó đã đủ để tạo nên sự khác biệt của Ấn Độ.

Jules Shih, Giám đốc cơ quan xúc tiến thương mại TAITRA của Đài Loan tại Chennai, cho biết việc kinh doanh đã dễ dàng hơn ở Ấn Độ, nhưng ở nhiều khía cạnh, họ vẫn tụt hậu so với các nước khác.

Một số công ty nhận thấy quá trình yêu cầu các ưu đãi liên quan đến sản xuất có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các quan chức và doanh nghiệp địa phương cho biết tình trạng thiếu lao động đang nổi lên ở các trung tâm sản xuất của Ấn Độ. Không giống ở Trung Quốc, nhiều công nhân ở Ấn Độ không muốn di chuyển xa để tìm việc làm.

Trung Quốc khuyến khích các công ty nước ngoài định vị chuỗi cung ứng của họ tại các đặc khu kinh tế, với việc giảm thuế đối với linh kiện và máy móc nhập khẩu.

Ngược lại, “make in India" lại tìm cách thay thế hàng nhập khẩu bằng các sản phẩm sản xuất trong nước bằng cách tăng thuế nhập khẩu. Những mức thuế đó không khuyến khích các ngành công nghiệp nhập khẩu nhiều linh kiện.

Tỷ trọng của ngành sản xuất trong sản lượng kinh tế của Ấn Độ đã thực sự bị thu hẹp kể từ khi "make in India" được triển khai.

Trong khi đó, kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy tạo ra nhiều việc làm được trả lương vừa phải cho lao động nông thôn có trình độ học vấn thấp, đặc biệt là phụ nữ, đòi hỏi phải sản xuất.

Ở Tamil Nadu, kỳ lân Ola Electric là hiện thân của những hy vọng đó. Ấn Độ là thị trường xe môtô hai bánh và xe tay ga lớn nhất thế giới, và Ola đã gây chú ý với những chiếc xe tay ga với màu sắc rực rỡ để phục vụ nhu cầu về xe điện.

Ola đang sản xuất nửa triệu xe tay ga điện mỗi năm từ nhà máy mới của mình. Họ có kế hoạch tăng gấp bốn lần diện tích nhà máy, đồng thời tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất ôtô điện từ đầu năm 2024.

Nhà máy này có lực lượng lao động gần như toàn nữ, từ nhân viên bảo vệ đến công nhân phun sơn, cho đến những người lái thử sản phẩm cuối cùng.

“Ban đầu, cha mẹ của họ do dự khi để họ làm việc trong các nhà máy. Tuy nhiên, tâm lý đó không còn nữa”, Jayaraman G., một lãnh đạo cấp cao của Ola, chia sẻ. Theo ông, tình hình tài chính của gia đình họ đã thay đổi tích cực trong một năm qua.

(Nguồn: Zing News)

Giải bài toán khó cho ngành điều dưỡng

(Ảnh minh họa).

Với ước mơ có thể giúp đỡ các bệnh nhân, Jacelyn Wingerter đã quyết tâm trở thành một điều dưỡng. Cô chẳng thể ngờ nhiệt huyết ấy lại có thể bị thực tế khắc nghiệt đánh bại chỉ sau chưa đầy một năm thử thách.

Wingerter, 22 tuổi, đã chính thức trở thành điều dưỡng vào đầu năm 2022 và bắt đầu làm việc tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Đại học Hoàng gia Saskatoon, Canada. Trong suốt 8 tháng làm việc, cô phải chịu đựng cảm giác kiệt sức, quá tải và thiếu người hỗ trợ. Mỗi ngày lại có 40 - 50 bệnh nhân chờ đợi được chăm sóc, bệnh viện thậm chí không có đủ giường lẫn điều dưỡng viên, khiến cô phải làm việc liên tục trong suốt 12 giờ mỗi ngày. Có những thời điểm khoa cấp cứu phải đón tới 120 bệnh nhân và các điều dưỡng phải chăm sóc ngay tại hành lang.

Chỉ riêng trong tháng 5/2022, Wingerter đã phải làm việc tổng cộng trong 290 giờ, nhiều hơn gấp đôi so với thời gian đi làm bình thường. Dù còn trẻ, nhưng cô biết mình không thể chịu đựng lâu dài trong môi trường làm việc đầy áp lực, thường xuyên thiếu ngủ. Lòng yêu nghề đã giữ chân nữ điều dưỡng trẻ này lại khoa cấp cứu, song cô quyết định làm thêm giờ ít hơn để có thể cân bằng cuộc sống.

Những vấn đề mà Wingerter gặp phải là tình trạng chung mà ngành y tế nhiều nơi trên thế giới đang phải đối mặt. Không như Wingerter, rất nhiều điều dưỡng viên chấp nhận từ bỏ công việc mà họ từng tự hào và dành hết tâm huyết này. Theo Nghiệp đoàn Điều dưỡng Hoàng gia Anh (RCN), trong giai đoạn 2018 - 2022, gần 43.000 điều dưỡng tại Anh đã bỏ việc khi mới bắt đầu sự nghiệp, gần bằng con số thiếu hụt kỷ lục hiện nay của Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) là 47.000 điều dưỡng.

Tại Mỹ, theo kết quả phân tích thăm dò (từ tháng 4 - 10/2022) do tổ chức phi chính phủ Hội đồng Quốc gia các ủy ban điều dưỡng (NCSBN) thực hiện, gần 100.000 điều dưỡng chính quy đã rời ngành trong đại dịch COVID-19 và con số này sẽ tăng lên gần 800.000 người vào năm 2027. Đặc biệt, những điều dưỡng có thâm niên trẻ (khoảng dưới 10 năm kinh nghiệm) đã rời ngành hoặc có ý định chuyển nghề, chiếm gần 41% lượng điều dưỡng nghỉ việc.

Nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng nghỉ việc này là do làm việc quá sức, lương thấp, thiếu nhân viên trầm trọng, môi trường làm việc không an toàn. Trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2021, có 3.418 điều dưỡng tử vong do COVID-19 trên toàn cầu. Báo cáo tổng hợp nghiên cứu tại nhiều khu vực của ICN trong đại dịch cho thấy tại Tây Ban Nha, 80% điều dưỡng có triệu chứng lo lắng và kiệt sức, trong khi tại Australia tỷ lệ các nhân viên y tế có những triệu chứng này lần lượt là 60% và 71%. Tại Trung Quốc, 60% điều dưỡng thừa nhận kiệt sức và 90% trong số họ cho biết luôn trong tâm trạng lo âu.

Đáng chú ý, các cuộc khảo sát của Chính phủ Mỹ cho thấy nhân viên y tế có nguy cơ đối mặt với bạo lực tại nơi làm việc cao gấp 5 lần so với những ngành khác. Sau đại dịch, nhiều bệnh viện đã giảm số nhân viên khiến các điều dưỡng khó lòng chăm sóc bệnh nhân đúng mức. Việc gồng mình làm việc đến kiệt sức, thu nhập không tương xứng đã khiến các nhân viên y tế tại nhiều nước xuống đường đình công trong năm ngoái và đầu năm nay. Mới đây nhất, Nghiệp đoàn Điều dưỡng Hoàng gia Anh cảnh báo tiếp tục đình công đến Giáng sinh nếu không đạt thỏa thuận tăng lương.

Tại Việt Nam, tỷ lệ điều dưỡng trên dân số đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân. Theo chiến lược phát triển ngành y tế, với 100 triệu dân, Việt Nam cần phải có 260.000 điều dưỡng tại các cơ sở y tế, song trên thực tế, Việt Nam mới có 140.000 điều dưỡng. Nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19. Cả nước có 2.874 điều dưỡng thôi việc trong giai đoạn từ ngày 1/1/2021 - 30/6/2022, gây khó khăn cho hoạt động của các bệnh viện.

Các số liệu trên cho thấy đại dịch COVID-19 đã khiến các bệnh viện quá tải, đồng thời phơi bày thực trạng thiếu nhân lực và hạn chế về điều kiện làm việc của hệ thống y tế trong suốt nhiều năm. ICN dự báo đến năm 2030, thế giới sẽ thiếu 10 triệu điều dưỡng và con số này có thể tăng lên gần 14 triệu do dịch bệnh. Do đó, việc phục hồi và xây dựng lại hệ thống y tế sẽ đòi hỏi các nước tập trung vào tăng số điều dưỡng và quan tâm đến việc hỗ trợ và bảo vệ lực lượng nòng cốt của ngành y này.

Với chủ đề Ngày Quốc tế Điều dưỡng năm 2023 “Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta”, ICN muốn các nước hướng đến những hành động then chốt giúp giải quyết những vấn đề mà ngành điều dưỡng đang gặp phải, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Các giải pháp tập trung vào 4 nhân tố chính là đảm bảo số lượng nhân viên phù hợp; cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương, nâng cao trình độ và cơ hội nghề nghiệp; có chính sách hỗ trợ y tế, nghỉ ngơi linh hoạt; khuyến khích điều dưỡng tham gia vào đưa ra quyết định, vạch chiến lược phát triển hệ thống y tế.

Tại New Zealand, Bộ Y tế đã lập ra một quỹ trị giá 1 triệu USD để hỗ trợ điều dưỡng quay lại công việc. Tại Australia, chính quyền bang Victoria đã hỗ trợ mỗi điều dưỡng sau khi tốt nghiệp 5.000 AUD nếu họ làm việc trong hệ thống y tế công sau khi ra trường. Theo ICN, có 48% số hiệp hội điều dưỡng tham gia thăm dò cho biết các nước sở tại đã công nhận COVID-19 là bệnh nghề nghiệp, với 45% quốc gia trong số này bắt đầu bồi thường cho nhân viên y tế mắc bệnh tại nơi làm việc. Tuy nhiên, những chính sách hấp dẫn này cùng nhu cầu củng cố hệ thống y tế có nguy cơ khiến điều dưỡng có xu hướng đổ về các nước thu nhập cao, dẫn đến sự phân bổ không đồng đều nhân lực trong ngành y tế trên toàn cầu, tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi của các nước thu nhập thấp. Việc đảm bảo nguồn nhân lực bền vững cần có sự phối hợp chính sách đồng bộ, hiệu quả cấp quốc gia và quốc tế nhằm ứng phó tốt hơn với các cú sốc y tế trong tương lai.

Theo ICN, ở cấp quốc gia, các nước cần thường xuyên đánh giá tác động và nhu cầu của các điều dưỡng, để có sự hỗ trợ, đầu tư kịp thời như tối ưu hóa thời gian nghỉ ngơi, điều động nhân lực; đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và có chính sách khuyến khích để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực. Ở cấp quốc tế, các nước cần tránh tuyển dụng từ những nước có nhu cầu y tế cấp bách và thiếu nhân lực trầm trọng, đầu tư vào hỗ trợ nguồn lực y tế tại các nước dễ bị tổn thương, thu nhập thấp.

Với những thiệt hại chưa từng có do đại dịch COVID-19, hệ thống y tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi nếu thiếu những điều dưỡng tâm huyết và tài năng. Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong chính sách hỗ trợ và đầu tư vào ngành điều dưỡng, biến những kinh nghiệm từ COVID-19 thành hành động, từ đó đảm bảo các nhân viên được bảo vệ, tôn trọng và đánh giá cao. Đây sẽ là nền tảng để giúp các nước ứng phó với thách thức y tế mới, mang đến tương lai tươi sáng hơn, như lời khẳng định Chủ tịch ICN, Tiến sĩ Pamela Cipriano: “Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào mỗi điều dưỡng, mỗi tiếng nói, không chỉ ở tuyến đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mà còn tuyến đầu của sự thay đổi”.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang