Đập phá ôtô ven đường; Trộm cắp yến; 'Nữ quái' cho vay nặng lãi; Lừa người chuyển tiền; Cẩn trọng cầm hộ hàng ở sân bay

Nam thanh niên đập phá ô tô đỗ ven đường, cầm dao dọa công an

Thấy ô tô đỗ ven đường, nam thanh niên say rượu cho rằng chiếc xe cản trở giao thông nên đã đập phá chiếc xe.

Ngày 18/3, tin từ Công an huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, cơ quan Cảnh sát điều tra của đơn vị này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Trung Pháp (SN 1999, trú xã Yên Lạc, huyện Yên Định) để điều tra về tội Chống người thi hành công vụ" và Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Trước đó, trên đường đi uống rượu về, Trịnh Trung Pháp trong tình trạng say rượu, thấy xe ô tô 5 chỗ đậu bên đường. Cho rằng xe ô tô trên cản trở giao thông, nên đã dùng xẻng, đá đập phá chiếc xe hư hỏng. Sau đó, Pháp về nhà ngủ.

Nhận được tin báo, Công an xã Yên Lạc đã vào cuộc xác minh vụ việc, mời Pháp về trụ sở làm việc.

Tuy nhiên, Pháp không chấp hành, đồng thời có hành vi chửi bới và cầm dao đe dọa lực lượng công an.

Tiếp nhận vụ việc, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Yên Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Pháp để điều tra về tội Chống người thi hành công vụ và Cố ý làm hư hỏng tài sản.

(Nguồn: Dân Trí)

Bình Thuận: Trộm cắp yến, quanh co chối tội vẫn không thoát án tù

Bị cáo Nguyễn Văn Phú có đơn kháng cáo, cho rằng tòa sơ thẩm xử chưa đúng, mong tòa phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án.

Ngày 18/3, Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức xét xử phúc thẩm vụ án Trộm cắp tài sản đối với bị cáo Nguyễn Văn Phú, SN 1984, quê tỉnh Nam Định, trú huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội

Theo cáo trạng, khoảng 1h ngày 28/12/2021, Nguyễn Văn Phú và Trần Quốc Tịnh có hành vi lén lút trộm cắp 14,2kg yến khô chưa qua sơ chế và 1,08kg yến khô đã qua sơ chế có tổng giá trị tài sản là 277.200.000 đồng tại cửa hàng Yến Sào Phan Thiết, địa chỉ số nhà M22 đường Tôn Đức Thắng do bà Phan Thị Mai làm chủ, thuộc khu phố 1, phường Xuân An, Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Tại phiên tòa, bị cáo Tịnh thừa nhận hành vi được nêu trong cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Tp.Phan Thiết là đúng thực tế.

Riêng bị cáo Phú không thừa nhận việc trộm tài sản, chỉ thừa nhận việc có đi cùng với Tịnh trong đêm 27 rạng sáng 28/2/2021 nhưng là đi chơi. Số yến thu giữ được ở phòng thì bị cáo cho là của Tịnh đem về gửi.

Hội đồng xét xử nhận thấy, mặc dù bị cáo Phú không thừa nhận hành vi, đổ cho Tịnh là người đem yến về để ở nhà bị cáo. Nhưng căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường vụ trộm, kết quả giám định dấu vân tay để lại trên vật dụng ở hiện trường là dấu vân tay của bị cáo Phú.

Vật chứng là tài sản trộm được thu giữ tại phòng của Phú, lời khai của các người làm chứng về việc Phú cho yến, tìm mối bán yến, hình ảnh camera của người dân ghi lại về 2 người chạy xe vác cây trên đường…

Tất cả các chứng cứ đều phù hợp với lời khai của bị cáo Tịnh. Nhận thấy lời chối tội của bị cáo Phú là không có cơ sở, lời khai của bị cáo Tịnh là phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có tại hồ sơ, đã được thẩm tra tại phiên tòa. Hành vi nêu trên của các bị cáo đã cấu thành tội Trộm cắp tài sản, theo điểm a khoản 3 Điều 173 Bộ luật Hình sự.

Theo HĐXX nhận thấy, đây là vụ án có đồng phạm giản đơn, các bị cáo không có bàn bạc gì trước. Phú là người khởi xướng đi trộm và kêu Tịnh làm theo các yêu cầu của Phú. Tịnh biết là đi trộm và đồng ý làm theo các yêu cầu của Phú.

Mặc dù, Tịnh không biết Phú trộm được những gì, trị giá bao nhiêu, nhưng Tịnh biết Phú đột nhập vào cửa hàng yến là để trộm tài sản, đã giúp sức tích cực cho Phú nên phải cùng chịu trách nhiệm hình sự trên số tài sản mà Phú trộm được.

Bị cáo Phú là người khởi xướng thực hiện tội phạm, trực tiếp thực hiện hành vi trộm cắp, khi bị phát hiện thì khai báo nhân thân gian dối, quá trình điều tra không nhận thức được sai phạm của mình, không thừa nhận hành vi phạm tội, đổ tội cho người khác.

Bản thân bị cáo có nhân thân xấu, nhiều lần phạm tội xâm phạm về tài sản của người khác, nhưng không phục thiện mà tiếp tục phạm tội, khi phạm tội lại không hối lỗi, có hành vi nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Vì vậy, đối với bị cáo Phú cần xử phạt thật nghiêm khắc để răn đe giáo dục bị cáo, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Kháng cáo kêu oan sai không chứng minh được

Theo HĐXX, các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật, nhưng vì muốn tư lợi bất chính nên đã thực hiện việc chiếm đoạt tài sản.

Hành vi nêu trên của các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của người khác, gây mất an ninh trật tự tại địa phương nên cần xử lý để cải tạo giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm chung.

Đối với bị cáo Tịnh, đã thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa. Bị cáo đã tích cực hợp tác giúp Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.Phan Thiết trong quá trình giải quyết vụ án, được cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát đề nghị xem xét giảm nhẹ, nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định.

Bị cáo Tịnh phạm tội với vai trò giúp sức, nghe theo lời bị cáo Phú, có 2 tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 Điều 51 BLHS. Xét thấy có thể áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS, xử bị cáo mức án thấp hơn khung hình phạt bị cáo bị truy tố.

Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Phú 9 năm 6 tháng tù giam; Trần Quốc Tịnh 4 năm 6 tháng tù giam.

Sau khi Toà cấp sơ thẩm tuyên án, Nguyễn Văn Phú có đơn kháng cáo gửi đến Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận, cho rằng mình bị oan sai và kính mong toà án tỉnh xem xét lại toàn bộ bản án.

Tại phiên toà phúc thẩm, HĐXX nhận thấy bị cáo kêu oan nhưng không chứng minh được mình bị oan. Toà sơ thẩm kết tội là có căn cứ và phù hợp với chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được. Ví dụ như: dấu vân tay trên mái nhà… và lời khai của bị cáo Tịnh (đồng phạm), cùng lời khai của những người tham gia tố tụng khác đều phù hợp.

Vì vậy, tại phiên toà phúc thẩm, HĐXX Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên phạt y án sơ thẩm.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

‘Nữ quái’ cầm đầu đường dây cho các tiểu thương vay nặng lãi

Ngoan cho các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ trong chợ trên địa bàn vay tiền và thu lãi theo ngày. Khi đến hạn, nếu con nợ không trả, Ngoan sẽ đến tận nhà đe dọa.

Ngày 17/3, thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An, công an sở tại đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Ma Thị Ngoan (SN 1981, trú tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc) về tội "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự".

Trước đó từ đầu tháng 3/2023, trinh sát phát hiện một đường dây có nhiều biểu hiện nghi vấn hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại địa bàn các xã Nghi Phong, Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái (huyện Nghi Lộc).

Qua điều tra cho thấy, đường dây này do Ma Thị Ngoan (SN 1981, trú tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc) cầm đầu. Các bị hại trong đường dây mà Ngoan cho vay đều là các tiểu thương chuyên kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ trên địa bàn.

Quá trình cho vay tiền, Ngoan thu lãi theo ngày. Khi đến hạn thanh toán tiền lãi mà người vay không trả kịp, đối tượng sẽ trực tiếp đến nhà đe dọa nhằm gây sức ép để trả tiền.

Sau một thời gian áp dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ ngày 12/3, Công an sở tại đã bắt giữ đối tượng Ma Thị Ngoan về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Quá trình bắt giữ Ngoan, Công an thu giữ tang vật 10 triệu đồng tiền mặt, 1 điện thoại di động, 2 thẻ ATM và các tang vật khác liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng của Ngoan.

Bước đầu cơ quan công an chứng minh được từ tháng 10/2022 cho đến khi bị bắt giữ, Ngoan đã sử dụng số tiền trên 600 triệu đồng cho nhiều bị hại vay, qua đó thu lời bất chính hơn 80 triệu đồng.

Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định.

(Nguồn: Soha)

Hai thanh niên lừa 300 người chuyển tiền để chiếm đoạt

Lương Minh Tín và Huỳnh Lương Bằng (ở Phú Yên) đã sử dụng công nghệ cao vờ giúp 300 người chuyển tiền credit card sang thẻ ATM để lừa lấy hơn 700 triệu đồng.

Ngày 18/3, Công an tỉnh Phú Yên tạm giữ hình sự Lương Minh Tín và Huỳnh Lương Bằng (đều 27 tuổi, cùng quê Phú Yên) điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra, Lương Minh Tín và Huỳnh Lương Bằng đăng tải thông tin trên Facebook tuyển dụng nhân sự tư vấn bán hàng qua mạng (telesale). Cả hai tìm kiếm thông tin những người sử dụng thẻ tín dụng (Credit Card) thanh toán trực tuyến ở các trung tâm thương mại, siêu thị nhằm tiếp cận để lừa.

Sau đó, hai người này chỉ đạo đồng phạm giả làm nhân viên của một số ngân hàng liên hệ hỗ trợ khách hàng chuyển tiền từ thẻ tín dụng sang thẻ ATM để rút tiền mặt, hỗ trợ chuyển đổi trả góp… rồi chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng.

Phát hiện sự việc, Công an Phú Yên lập chuyên án, do Đại tá Võ Duy Tuấn (Phó Giám đốc Công an tỉnh) làm trưởng ban. Sau thời gian điều tra, ngày 13/3, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng nhiều đơn vị liên quan vây ráp, khám xét nơi làm việc của Tín và đồng phạm, thu 5 máy tính để bàn, 13 laptop, trên 10 điện thoại, 2 bộ phát wifi, 12 xe máy các loại, cùng nhiều tang vật liên quan để thực hiện hành vi phạm tội.

Ngày 17/3, biết đồng phạm của mình bị bắt, Huỳnh Lương Bằng tới công an đầu thú, thừa nhận hành vi phạm tội.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Phú Yên cáo buộc, từ tháng 9/2022 đến giữa tháng 3/2023, nhóm của Bằng đã chiếm đoạt hơn 770 triệu của khoảng 300 người có nhu cầu chuyển tiền từ thẻ tín dụng sang thẻ ATM để rút tiền mặt.

(Nguồn: Vietnamnet)

Cẩn trọng với lời nhờ cầm hộ hàng hóa ở sân bay

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, với việc "xách tay" số lượng ma túy lên tới hơn 11 kg, nhóm tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt trường hợp này lên đến chung thân, tử hình.

Đối diện “án tử”

Trước đó, như Báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM cho biết, cán bộ hải quan tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện dấu hiệu bất thường trong hành lý của 4 tiếp viên Vietnam Airlines, đi chuyến bay VN10 từ Pháp. Quá trình kiểm tra phát hiện bên trong những tuýp kem đánh răng, nước súc miệng các tiếp viên mang về có hơn 8 kg thuốc lắc và hơn 3 kg ketamine (ma túy khay, loại đắt tiền nhất), cocain.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật quy định người không chức năng kinh doanh vận chuyển hàng hóa buộc phải biết, kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi vận chuyển. Nếu không kiểm tra thì đó là chủ quan, từ chối quyền của mình. Hành vi như vậy vô tình tiếp tay cho hành vi phạm tội.

Vì thế, trường hợp này pháp luật quy định người vận chuyển buộc phải biết rằng hành vi vận chuyển ma túy là trái pháp luật, buộc phải có trách nhiệm kiểm tra kỹ, không được phép vận chuyển hàng cấm.

Nếu cố tình vận chuyển hàng cấm là ma túy thì tùy số lượng ma túy mà quy kết trách nhiệm. Theo điểm 3.2 khoản 3 Mục II Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào. Trong đó, hình thức vận chuyển trái phép chất ma tuý bao gồm:

Vận chuyển trái phép chất ma túy bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện… Tuy nhiên, với khối lượng 11kg thì theo điều 250 Bộ luật hình sự khung hình phạt trường hợp này lên đến chung thân, tử hình.

Bài học đắt giá

Luật sư Hùng cho biết thêm, mặc dù rất nhiều bài học liên quan đến việc cầm hộ, giữ hộ hàng hóa ở sân bay đã bị bắt và khởi tố vì vận chuyển hàng cấm xảy ra. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mình không biết, nên không có tội và vô tư cầm hộ, cầm giúp hàng hóa cho người khác.

Cho đến khi bị bắt để chứng minh cầm hộ, giữ hộ cũng cực kỳ khó khăn. Thậm chí trong quá trình tố tụng sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để chứng minh mình “vô tội”. Để tìm được chứng cứ rõ ràng chứng minh mình vô tội lại càng khó khăn hơn.

Thực tế để chứng minh là cầm hộ, cầm hộ ai, trả hàng hóa cho ai như thế nào sẽ rất khó khăn nếu như vụ việc bị bại lộ, bị công an bắt giữ. Các đối tượng chủ sở hữu mua bán hàng cấm có thủ đoạn, hành vi rất tinh vi, xảo quyệt và phòng ngừa cả phương án bị lộ nếu có. Vì thế gần như nạn nhân sẽ không có bất cứ thông tin gì về đối tượng nhờ, hoặc các thông tin rất mờ nhạt, không rõ ràng, thậm chí là thông tin giả.

Đối với các công ty, đơn vị vận chuyển hàng hóa chuyên nghiệp, họ không có trách nhiệm, thẩm quyền để kiểm tra hàng hóa. Tuy nhiên, họ có cách thức kiểm tra, theo dõi những đơn hàng, ghi nhận lại việc vận chuyển hàng hóa và có điều khoản khách hàng tự chịu trách nhiệm về hàng hóa.

Những trường hợp thuộc đơn vị vận chuyển, có hóa đơn vận chuyển, thanh toán phí vận chuyển thì có căn cứ để chứng minh mình không buộc phải biết hàng hóa trong đó là gì. Khách hàng phải cam kết không vận chuyển hàng cấm. Trừ những trường hợp biết là hàng cấm nhưng cố tình vận chuyển thì vẫn có vai trò đồng phạm.

“Tuy nhiên, với những người dân thường thì khi cầm hộ hàng hóa cho ai, bản thân phải biết chắc chắn đó là loại hàng hóa gì. Bên cạnh đó, phải có thông tin rõ ràng của hàng hóa, thậm chí bạn phải kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi nhận vận chuyển hộ”, Luật sư cho hay.

Đối với những người lạ, không quen biết, hàng hóa có nghi vấn, khó kiểm tra bằng mắt thường thì tốt nhất không nên vận chuyển, từ chối nhận cầm giúp. Bởi pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng đối với người không có chức năng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, người dân buộc phải biết hàng hóa mình vận chuyển là gì.

"Nếu trường hợp vô tình vận chuyển hàng cấm thì người vận chuyển sẽ đồng phạm với người chủ sở hữu hàng hóa, người thuê,… với vai trò là đồng phạm giúp sức. Nhất là đối với hàng hóa ma túy, khung hình phạt rất nặng, người vận chuyển thường được hưởng lợi không nhiều nhưng khung hình phạt trong các tội phạm về ma túy có thể lên đến chung thân, tử hình", Luật sư nhấn mạnh.

(Nguồn: Kenh14)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang