.gif)
DANH NHÂN THẾ GIỚI ALFRED NOBEL
Ông là nhà hóa học
Và là nhà phát minh.
Cũng là người sáng lập
Giải thưởng mang tên mình.
Cả bố và ông nội
Đều là khoa học gia,
Thế mà ngay từ bé,
Ông chỉ thích thơ ca.
Năm mới lên chín tuổi,
Ông phải theo gia đình
Sang nước Nga, nơi bố
Có một xưởng công binh
Chuyên sản xuất vũ khí
Và các loại thủy lôi
Cho nước Nga thời đó.
Công việc cũng không tồi.
Nhưng cuối cùng, thật tiếc,
Nhà máy của cha ông
Thua lỗ và phá sản,
Đành về nước, tay không.
Theo yêu cầu của bố,
Ông bỏ kịch bỏ văn
Để theo đường khoa học.
Mọi việc cũng quen dần.
Ông bắt đầu nghiên cứu
Nitroglycerin,
Một loại hóa chất mới,
Và rồi, thật khó tin,
Ông chế tạo được nó.
Rồi đăng ký bản quyền.
Rồi sản xuất hàng loạt,
Thu được rất nhiều tiền.
Thuốc nổ Dynamite
Là phát minh tiếp theo.
Lớn và quan trọng nhất,
Dẫu ông có rất nhiều.
Năm Một Tám Tám Tám,
Anh trai ông qua đời.
Thế mà rồi các báo
Nhầm lẫn rất buồn cười.
Các báo đăng quảng cáo,
Rằng “Alfred Nobel,
Kẻ nghĩ ra thuốc súng
Để giết người kiếm tiền,
Nay chết, hắn đã chết”...
Ông đọc mà đau lòng.
Điều này đã dẫn đến
Quyết định lớn của ông.
Khi chết, ông di chúc
Toàn bộ gia tài mình
Dùng để chi giải thưởng
Cho mục đích hòa bình.
Lúc đầu chỉ ba giải,
Gồm hóa, lý và y.
Rồi sau giải mở rộng,
Phát hàng năm, định kỳ.
Suốt đời không lấy vợ.
Ông chỉ sống một mình.
Nghe nói một phụ nữ
Bỏ ông theo người tình.
Một nhà toán học trẻ,
Đáng nhận giải Nobel.
Và ông, dẫu vĩ đại,
Nhưng vẫn có tính ghen
Nên ông bỏ toán học.
Không sao, quyền của ông.
Chỉ tiếc cho ngành toán.
Tiếc cho cả cộng đồng.
Nguồn: FB Thái Bá Tân
YÊU MỘT NGƯỜI
.gif)
Yêu một người là nhớ có phải không?
Là chờ mong dòng tin người gửi tới
Là trái tim như cồn cào chới với
Muốn được cùng người san sẻ những buồn vui.
Yêu một người là thấy trái tim vui
Và mặc nhiên người sẽ là tất cả
Không còn thấy chút đau thương buồn bã
Phía trước con đường không còn sợ khó khăn.
Yêu một người đôi mắt bớt băn khoăn
Và bàn tay không còn cô đơn nữa
Yêu một người là trái tim thêm lửa
Má môi hồng nhìn tươi tắn hẳn lên.
Yêu một người là nhớ một cái tên
Trong tiềm thức vẫn nhẹ nhàng khẽ gọi
Dấu yêu ơi ta nhớ người dịu ngọt
Cặp môi mềm hình như cũng run run.
Yêu một người là muốn được môi hôn
Muốn được trong vòng tay người nũng nịu
Muốn dựa vai không phải là một xíu.
Là dựa thật nhiều nhiều đến vô biên.
Yêu một người...nỗi nhớ cứ triền miên.
Nguồn: FB Bích Nụ
HÀN MẶC TỬ - MỘT NHÀ THƠ LẠ KỲ, VỚI NHỮNG VẦN THƠ ĐỘC ĐÁO, ĐẦY KINH NGẠC VÀ KINH DỊ - PHẦN II
.gif)
Bài thơ Đà Lạt trăng mờ
Hàn Mặc Tử đã viết bài Đà Lạt Trăng Mờ sau chuyến đi Đà Lạt mười ngày vào mùa xuân năm 1933, thăm thú cảnh vật nơi đây cùng thi sĩ Quách Tấn.
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu
Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm
Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng.
(Thơ Điên - Đau Thương - 1933)
1. Như đón từ xa một ý thơ
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ
Chắc sẽ có nhiều bạn ngạc nhiên, khi đọc dòng thứ nhứt của bài Đà Lạt Trăng Mờ: Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu. Ngạc nhiên bởi, không hiểu sự kiện gì đây, hôn ước, hôn nhân, sanh con, hay vào đạo, mà Hàn Mặc Tử lại dùng từ “thiêng liêng” long trọng, trang trọng đến như vậy.
Nhà thơ, thi sĩ, là như thế đó. Đứng trước cảnh đẹp, cảnh làm nao lòng, cũng đủ cho họ thấy, giây phút ấy, là thiêng liêng rồi.
Kiểu như, khoảnh khắc ấy, rất hiếm có, rất ít khi có trong cuộc đời của mình, trời mơ trong cảnh thực huyền mơ. Những từ “mơ”, rồi “thực”, rồi “huyền”, rồi lại trở về “mơ”, cho thấy, chính tác giả cũng đang rất bối rối trong phút giây này. Nó là thực hay hư? Tác giả không biết nữa. Chỉ biết nó hết sức mơ hồ làm xao xuyến tâm hồn thi sĩ.
Giây phút thiêng liêng là giây phút khởi đầu cho ý thơ, khi mà: Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt / Như đón từ xa một ý thơ.
2. Và để xem trời giải nghĩa yêu
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu
Vì đó là phút giây thiêng liêng nên rất cần một sự thinh lặng toàn vẹn, im lặng toàn vẹn của cả người lẫn cảnh. “Ai” đây là “ai ơi” đó, ai ơi, vạn vật ơi: Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều.
Đừng nói gì thì mới nghe được dưới đáy hồ, tiếng nước đang reo. Đừng nói gì, thì mới nghe được tiếng tơ liễu đang run lên trong gió. Và, phải thiệt là im lặng, thì ông trời, ổng mới xuống đây, giải thích cho loài người, yêu nghĩa là gì: Để nghe dưới đáy nước hồ reo / Để nghe tơ liễu run trong gió / Và để xem trời giải nghĩa yêu.
3. Hư thực làm sao phân biệt được
Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm
Khi cảnh vật và con người trong thinh lặng, thì đó là thực hay là hư, quả là không ai còn có thể phân biệt được, ngay cả Hàn Mặc Tử, một người thơ, một tâm hồn thơ. Hàng thông, cành lá, trong màn đêm, cứ thế, im lìm rũ xuống dòng sông Ngân Hà mờ mờ ảo ảo.
4. Cả trời say nhuộm một màu trăng
Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng.
Say rồi, say thật rồi, khi bầu rượu chưa kịp uống đã bát ngát một màu trăng. Nói gì đây trong phút giây này, khi mà cả đất trời kia còn lặng thinh trong phiêu diêu, trong lung linh và ảo diệu. Làm xao xuyến quá, lòng ai!
CÒN TIẾP
Nguồn: FB Phạm Hiền Mây.
Đức Việt Online
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá