Cuộc ngã giá vụ chuyến bay giải cứu; Trương Mỹ Lan kháng cáo; Nhiều cụm công nghiệp ‘kêu cứu’; ‘Thổi giá’ đấu giá mỏ khoáng sản

CUỘC NGÃ GIÁ TRONG VỤ CHUYẾN BAY GIẢI CỨU

Theo cáo trạng vụ án 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2, phía doanh nghiệp xin giảm giá chi phí đưa công dân về nước cách ly, nhưng Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên không chấp nhận.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 17 bị can trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2. Một trong số những người này là ông Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên.

Ông Tùng bị cáo buộc 2 tội danh, gồm nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Chi ngoài hợp đồng để có tiền hối lộ

Cáo trạng của Viện KSND tối cao cho thấy, trong đợt dịch Covid-19, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Ngoại vụ là đầu mối tổng hợp danh sách, hồ sơ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cho người nước ngoài nhập cảnh và thẩm định kế hoạch đón người của các đơn vị.

Đây cũng là cơ quan chủ trì thẩm định điều kiện nhập cảnh và cách ly y tế, thống nhất phương án đón đoàn, thời gian, địa điểm cách ly…, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Khoảng cuối năm 2020, ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (đã bị xét xử ở giai đoạn 1), liên hệ với ông Nguyễn Đình Việt, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, đề nghị giúp đỡ, tạo điều kiện đưa công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước cách ly tại Thái Nguyên. Ông Việt cho ông Nam số điện thoại của ông Tùng để liên hệ.

Qua trao đổi, ông Tùng cho biết tỉnh Thái Nguyên đang cách ly với các chuyên gia nước ngoài, khi nào có khách sạn trống sẽ thông báo sau. Đến đầu tháng 3.2021, ông Tùng chủ động gọi điện, nói đã có địa điểm cách ly và đề nghị ông Nam gửi công điện về UBND tỉnh Thái Nguyên.

Ông Nam sau đó giới thiệu và cho ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhật Minh (đã bị xét xử trong giai đoạn 1), số điện thoại của ông Tùng để hỏi về thủ tục xin cách ly. Ông Nghĩa gọi điện thoại đặt vấn đề, ông Tùng hẹn gặp tại một nhà hàng ở TP.Thái Nguyên.

Tại cuộc gặp, ông Tùng yêu cầu ông Nghĩa trao đổi để Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có văn bản gửi tỉnh Thái Nguyên xin chủ trương cách ly, còn lại ông Tùng sẽ lo mọi thủ tục để UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận.

Phó giám đốc Sở Ngoại vụ còn yêu cầu ông Nghĩa cho Công ty Sen vàng Đất Việt do bà Trần Thị Quyên làm giám đốc thực hiện việc cách ly với chi phí trọn gói 18 triệu đồng/khách, bao gồm chi phí khách sạn, ăn ở, test Covid-19, xe vận chuyển, chi phí xin văn bản chấp thuận cách ly…

Thấy chi phí quá cao, ông Nghĩa xin giảm nhưng không được ông Tùng đồng ý. Ông Nghĩa vì thế buộc phải đồng ý.

Vẫn theo yêu cầu của ông Tùng, khi ký hợp đồng, Công ty Nhật Minh và Công ty Sen vàng Đất Việt sẽ chỉ thể hiện mức phí 10 - 12 triệu đồng/khách, số chênh lệch 6 - 8 triệu đồng sẽ chuyển ngoài hợp đồng cho bà Quyên, để chuyển lại cho ông Tùng.

Kết quả sau đó, Công ty Nhật Minh tổ chức được 3 chuyến bay, đưa tổng số 668 người về cách ly tại tỉnh Thái Nguyên. Ông Nghĩa chuyển tổng cộng hơn 11 tỉ đồng cho bà Quyên, riêng số tiền ngoài hợp đồng là hơn 4,4 tỉ đồng. Bà Quyên chuyển lại số tiền ngoài hợp đồng này cho ông Tùng, thông qua tài khoản của người thân ông Tùng và một số cá nhân.

Đáng chú ý, khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 1, ông Tùng đã nhờ em trai chuyển hơn 1,2 tỉ đồng cho bà Quyên nhằm hợp thức việc để tiền ngoài hợp đồng với lý do nộp tiền thuế vào kho bạc nhà nước.

Tuy vậy, cơ quan tố tụng có đủ căn cứ xác định ông Tùng đã nhận hối lộ 3 lần từ ông Nghĩa thông qua bà Quyên, với tổng số tiền hơn 4,4 tỉ đồng.

Lợi dụng chức vụ, hưởng lợi hơn 3,2 tỉ đồng

Ngoài hành vi nhận hối lộ đã nêu, ông Tùng còn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để hướng dẫn 1 doanh nghiệp làm các thủ tục cấp phép nhiều chuyến bay đưa công dân về cách ly tại tỉnh Thái Nguyên. Qua đó, bị can hưởng lợi bất chính hơn 3,2 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, ông Tùng và gia đình đã nộp 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Hồi tháng 7.2023, tại phiên sơ thẩm vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 1, cơ quan công tố từng đánh giá hành vi nhận hối lộ của một số quan chức trong quá trình cấp phép chuyến bay và chấp thuận cho công dân về cách ly là đặc biệt nguy hiểm.

Những người này đã lợi dụng chủ trương của Nhà nước để trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho, buộc doanh nghiệp nâng giá vé máy bay để có chi phí bôi trơn, đưa hối lộ.

Đáng chú ý, nhiều bị cáo là đại diện các doanh nghiệp khai rằng họ bị gây khó khăn, o ép, buộc phải chi tiền "cảm ơn" để được thuận lợi khi đăng ký thủ tục cấp phép chuyến bay.

 

 

TRƯƠNG MỸ LAN VÀ ĐỒNG PHẠM CHUẨN BỊ HẦU TÒA PHÚC THẨM

Sau khi bị tuyên tổng án phạt tử hình, bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo. Ngoài ra, 47 đồng phạm khác của Trương Mỹ Lan cũng có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại nhiều vấn đề liên quan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo bản án tử hình

Theo lịch xét xử, vào ngày 4/11 tới đây, TAND Cấp cao tại Tp.HCM sẽ đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 47 bị cáo khác về các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Đây là nhóm bị cáo có kháng cáo sau khi bị TAND Tp.HCM tuyên án vào ngày 11/4 vừa qua. Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 1).

Ngoài kháng cáo của Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm, TAND Cấp cao tại Tp.HCM còn nhận được kháng cáo của nguyên đơn dân sự là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và kháng cáo của nhiều cá nhân, pháp nhân được xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Phiên tòa sẽ do thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên làm chủ tọa, dự kiến sẽ xét xử từ ngày 4 – 25/11.

Trước đó, hồi giữa tháng 4/2024, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tổng mức án tử hình.

Cụ thể, cấp sơ thẩm nhận định, bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là người sở hữu thực sự và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.

Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: Tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan.

Trương Mỹ Lan thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm; thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB; Lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; Mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.

Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, trong đó nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Để che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh tra, kiểm tra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của Ngân hàng SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, Tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường tại Ngân hàng SCB để các cá nhân có thẩm quyền trên bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.

Với các thủ đoạn nêu trên, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 677.000 tỷ đồng của SCB. Hành vi của Trương Mỹ Lan đủ yếu tố cấu thành các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản và Đưa hối lộ.

Theo bản án sơ thẩm, hành vi phạm tội của bị cáo Lan và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn với SCB, đẩy ngân hàng này vào tình trạng mất thanh khoản. Đồng thời, vụ việc gây hoang mang trong người dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, xói mòn niềm tin của nhân dân.

Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu. Vì vậy, cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất mới đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Xét thấy bị cáo Trương Mỹ Lan không còn khả năng cải tạo, cần loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội mới đủ tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Từ đó, cấp tòa sơ thẩm quyết định tuyên bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình về tội Tham ô tài sản; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và 20 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Sau bản án, bị cáo Trương Mỹ Lan có kháng cáo. Theo đơn kháng cáo, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày các nguyên nhân trong việc tham gia tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) dẫn đến có rủi ro, nhưng bị cáo không chiếm đoạt tiền của SCB.

Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan xin xem xét lại tội danh mà tòa án cấp sơ thẩm đã buộc tội và tuyên án tử hình đối với bị cáo.

Cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường 677.000 tỷ đồng cho SCB

Đối với nhóm lãnh đạo cấp cao SCB gồm Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Bùi Anh Dũng và Trần Thị Mỹ Dung, HĐXX cho rằng các bị cáo này đã giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại đặc biệt lớn nên cần có mức án nghiêm khắc.

Đối với nhóm bị cáo từng tham gia đoàn thanh tra tại SCB, quá trình thanh tra, các bị cáo đã báo cáo không trung thực, đầy đủ kết quả thanh tra, điều chỉnh kế hoạch thanh tra không đúng chỉ đạo của Chính phủ theo hướng có lợi cho SCB; nhiều lần nhận tiền, quà của SCB để bao che cho các sai phạm của ngân hàng này.

Từ đó, không đề xuất, kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, để SCB tiếp tục thực hiện tái cơ cấu; không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định mà ưu tiên áp dụng giải pháp kinh tế, dẫn tới không kịp thời ngăn chặn để Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của SCB trái pháp luật, gây thiệt hại trên 677.286 tỷ đồng của SCB, không có khả năng thu hồi.

Với các nhóm bị cáo còn lại, HĐXX cấp sơ thẩm đã phân hóa vai trò, mức độ hành vi, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đưa ra hình phạt tương xứng. Trong đó, nhiều bị cáo bị ghi nhận tình tiết tăng nặng phạm tội 2 lần trở lên, phạm tội có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi.

Về mức án, cấp sơ thẩm tuyên phạt các đồng phạm của Trương Mỹ Lan các mức án từ 3 năm tù treo đến tù chung thân về các tội danh bị truy tố.

Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường 677.000 tỷ đồng cho SCB.

Đối với số tiền 5,2 triệu USD mà bị cáo Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ từ Võ Tấn Hoàng Văn, dù đây là tiền rút ra từ SCB nhưng là tang vật của vụ án nên cần phải thu giữ để sung công quỹ của nhà nước.

Riêng đối với 1.122 mã tài sản đang được thế chấp tại SCB, trong đó có nhiều tài sản của Trương Mỹ Lan do người khác đứng tên, cần xác định tài sản nào của bị cáo Lan thì giữ lại để đảm bảo thi hành án.

Đối với số tiền các bị cáo khác tự nguyện nộp lại và số tiền thu giữ của các bị cáo, xét thấy đây là số tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan nên cần phải tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Đối với tòa nhà 19 Nguyễn Huệ, HĐXX xét thấy đây là tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan nên tiếp tục kê biên, thi hành án. Đồng thời, tiếp tục kê biên biệt thự cổ ở 112 Võ Văn Tần để đảm bảo thi hành án.

Đối với số tiền 1.000 tỷ đồng mà Nguyễn Cao Trí nộp trả bị cáo Lan, bị cáo Lan đề nghị chuyển số tiền này cho bị cáo Trương Huệ Vân để khắc phục hậu quả vụ án. Tòa xét thấy, cần phải chuyển số tiền này cho Ngân hàng SCB để khấu trừ vào thiệt hại do bị cáo Trương Mỹ Lan gây ra.

 

 

HÀNG LOẠT CỤM CÔNG NGHIỆP “KÊU CỨU”

Ở huyện Thạch Thất hiện có 7 cụm công nghiệp, trong đó 6 cụm đang bị vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng, cho thuê đất…

Xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) nổi tiếng với nghề truyền thống cơ kim khí, đồ mộc dân dụng. Trên địa bàn xã đã được phê duyệt đầu tư, xây dựng 3 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, 2/3 cụm công nghiệp đang bị lấn chiếm, bỏ hoang.

Theo UBND xã Phùng Xá, khu đất Cụm công nghiệp đồ mộc (thôn Bùng, xã Phùng Xá) được triển khai từ năm 2005, hiện đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo quy hoạch chi tiết, cụm được chia thành 172 thửa đất với diện tích từ 100m2/thửa. Tuy nhiên, đến nay, mới có 82/172 thửa đã cho thuê, số còn lại đang bị bỏ trống nên bị nhiều hộ dân lấn chiếm.

Cụm công nghiệp làng nghề cơ, kim khí mở rộng Phùng Xá đã hoàn thành GPMB, nhưng cũng đang bị bỏ hoang. Khu đất đang bị lấn chiếm, san gạt làm nơi tập kết máy móc, vật liệu. Ông Phùng Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, cho biết, dự án được triển khai từ năm 2008 với diện tích 39.000 m2. Đến nay, công trình mới xong cơ bản phần san nền, hệ thống kênh mương thoát nước mưa, đường ống thoát nước thải và phần đường. Do gặp khó khăn về tài chính và GPMB chưa triệt để, nhiều tháng nay, nhà thầu dừng thi công.

Theo ông Nam, do cụm Công nghiệp cơ kim khí quá tải về phương tiện, trong khi mặt bằng tại dự án Cụm công nghiệp cơ kim khí mở rộng chưa sử dụng nên một số hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng để tập kết bãi xe, hàng hóa, phế thải xây dựng. Năm 2023, UBND xã tổ chức xử lý, giải tỏa xong 7 trường hợp có lấn chiếm. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm lại tái diễn.

Trong khi đó, Cụm công nghiệp Đám Sào (xã Canh Nậu) gặp khó khăn, vướng mắc trong vấn đề thuê đất. Theo UBND xã Canh Nậu, Cụm công nghiệp Đám Sào có diện tích hơn 10 ha, được UBND tỉnh Hà Tây điều chỉnh quy hoạch năm 2007. Dự án có 336 lô đất, mỗi lô có diện tích từ 200-220m2. Hiện UBND xã phối hợp bàn giao được 239 lô đất, còn lại 99 lô chưa cho hộ nào thuê.

Cho thuê thì không được phép, để hoang thì lãng phí

Hầu hết các cụm công nghiệp ở huyện Thạch Thất đều được thành lập trước thời điểm tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội. Hầu hết các cụm công nghiệp này đều đang vướng mắc liên quan GPMB, giao và cho thuê đất. Ông Phùng Văn Vinh, công chức địa chính xã Canh Nậu cho biết, trước đây việc giao và cho thuê đất được thực hiện theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg về Ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý các cụm công nghiệp được thực hiện theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68. Do không có điều khoản chuyển tiếp nên các cụm công nghiệp hầu như không thể cho thuê đất được nữa.

Ông Vinh phân tích, theo quy hoạch, mỗi lô đất tại Cụm công nghiệp Đám Sào có diện tích từ 200- 220m2. Nếu xét duyệt, cho thuê đất theo Quyết định 105/2009 là phù hợp. Tuy nhiên, theo Nghị định 68/2020, sẽ không được phép xét duyệt cho thuê đất mà địa phương phải tổ chức đấu giá. Điều này nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, diện tích đất cụm công nghiệp tổ chức đấu giá phải từ 1.000m2 trở lên. “Đây là 2 vấn đề mấu chốt khiến các cụm công nghiệp được thành lập từ hàng chục năm trước mà chưa lấp đầy thì sẽ không thể tiếp tục cho thuê đất được nữa. Bởi nếu tiếp tục cho thuê thì không được phép, còn nếu tổ chức đấu giá thì phải điều chỉnh quy hoạch”.

Theo ông Vinh, UBND xã Canh Nậu đã có báo cáo gửi UBND huyện Thạch Thất xin cơ chế giải quyết. UBND xã đề nghị, trước mắt giữ nguyên hiện trạng, không để phát sinh vi phạm mới tại các cụm công nghiệp. Đồng thời, thành phố cho địa phương tiếp tục thực hiện theo Quyết định 105/2009 để giải quyết dứt điểm những tồn tại tại các cụm công nghiệp nói chung, Cụm công nghiệp Đám Sào nói riêng.

Ông Phùng Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, cho biết, UBND xã đã có trình UBND huyện xem xét, phê duyệt danh sách các hộ thuê đất tại 2 cụm công nghiệp trên. Tuy nhiên, do thay đổi quy định về trong việc quản lý các cụm công nghiệp theo Quyết định 105 và Nghị định 66/2020 nên đến nay địa phương vẫn không thể hoàn thành giao đất tại 2 cụm công nghiệp.

Theo Phòng TN&MT huyện Thạch Thất, huyện có 7 cụm công nghiệp thì 6 cụm gặp vướng mắc, trong đó có nguyên nhân liên quan GPMB và việc thuê đất không còn áp dụng theo Quyết định 105/2009.

 

 

THÔNG TIN MỚI VỤ 'THỔI GIÁ' TRONG ĐẤU GIÁ MỎ KHOÁNG SẢN Ở QUẢNG BÌNH

Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Quảng Bình, từ năm 2017 đến nay, tỉnh này đưa ra đấu giá 16 mỏ khoáng sản. Tuy nhiên, chỉ duy nhất 1 mỏ được đưa vào khai thác, số còn lại đang làm thủ tục, hoặc đấu giá không thành, hoặc bỏ cọc vì không thể hoàn thiện thủ tục.

Trong 16 mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá, có 3 mỏ bị “thổi giá” bất thường và sau đó người trúng đấu giá “bỏ chạy”. Đầu tiên phải kể đến vụ đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất san lấp phường Đồng Sơn (Đồng Hới).

Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh trúng đấu giá với mức tăng 525% so với giá khởi điểm (tương đương giá gốc gần 2,5 tỷ đồng lên hơn 257 tỷ đồng). Sau gần 3 năm không hoàn thiện thủ tục cấp mỏ, với lý do không thể thoả thuận đền bù với chủ đất, năm 2019, UBND tỉnh Quảng Bình buộc phải ra quyết định huỷ kết quả trúng đấu giá mỏ đất nói trên đối với Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh.

Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục đưa ra đấu giá mỏ đất này và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Trường Hưng được công nhận trúng đấu giá với mức giá từ 1,9 tỷ đồng lên 220 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó công ty này có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Bình xin từ chối kết quả trúng đấu giá, với lý do nhầm lẫn trong tính toán và được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận.

Cũng trong năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định công nhận trúng đấu giá mỏ đất làm vật liệu xây dựng ở xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) đối với Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp và Thương mại Ngọc Tuấn, với mức tăng hơn 120% so với mức thu tiền cấp quyền khai thác mỏ. Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định huỷ kết quả công nhận trúng đấu giá đối với công ty này.

 

Nguồn: Thanh Niên; Người Đưa Tin; CafeF; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang