Cuộc đua mới toàn cầu; Kinh tế Nga phụ thuộc TQ; Các nước đã cấm TikTok; 'Quân bài' của hải quân TQ; Nhật chơi lớn trước TQ

Cuộc đua toàn cầu để băng giá không thể cản bước xe điện

Các nhà khoa học đang chạy đua để cải thiện khả năng hoạt động của pin xe điện, nhằm khắc phục sụt giảm pin nhanh chóng cũng như tốc độ sạc chậm trong thời tiết lạnh.

Alaska, nơi có địa hình gồ ghề và nhiệt độ có thể lạnh tới âm 46 độ C, không phải là nơi người ta có thể dễ dàng tìm thấy một chiếc xe buýt điện.

Chiếc xe buýt điện số 50, dán decal hình chú ngựa hoạt hình bên hông, lặng lẽ băng qua khoảng 65 km đường tuyết và băng giá mỗi ngày ở Tok, đưa đón học sinh đến trường cách biên giới Canada không xa.

Nó hoạt động tốt trên tuyến đường hàng ngày. Nhưng nhiệt độ lạnh đã hạn chế năng lượng của ắc quy, chiếc xe số 50 không thể thực hiện các chuyến đi thực tế dài hơn hoặc đến Anchorage hay Fairbanks.

Đó là vấn đề mà một số chủ sở hữu phương tiện chở khách chạy bằng điện và các quan chức ngành vận tải đang gặp phải ở những vùng có khí hậu lạnh trên toàn thế giới.

Ở âm 7 độ C, xe điện không thể đi được xa như ở nhiệt độ lý tưởng khoảng 20 độ C. Việc giữ ấm cho hành khách bằng công nghệ truyền thống cũng góp phần làm cạn kiệt pin nhanh hơn, theo AP.

Các cơ quan quản lý vận tải như ở Chicago, nơi cam kết chuyển đổi toàn bộ đội xe buýt chạy xăng hoặc dầu của mình thành xe điện vào năm 2040, phải chật vật để giữ cho xe buýt điện được sạc và chạy đúng lịch trình.

Một số nhà sản xuất ôtô và tài xế lo ngại việc pin cạn kiệt nhanh hơn và sạc chậm hơn trong thời tiết lạnh có thể hạn chế việc chuyển đổi sang ôtô, xe tải và xe buýt điện, vào thời điểm các nước cam kết cắt giảm mạnh lượng khí thải, bao gồm từ giao thông vận tải, để giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học đang chạy đua để hoàn thiện hóa chất pin mới hoạt động tốt hơn trong thời tiết lạnh. Ngoài ra, xe điện cũng bắt đầu được trang bị máy bơm nhiệt hiệu quả, không bị tiêu tốn nhiều pin trong thời tiết lạnh.

Quãng đường giảm, chi phí tăng

Stretch Blackard, chủ sở hữu của Tok Transportation, công ty có hợp đồng với các trường học địa phương, cho biết: “Việc đảm bảo pin trong thời tiết lạnh là một vấn đề”.

Khi nhiệt độ xuống 0 độ C, chi phí vận hành xe buýt điện của Tok tăng gấp đôi. Tok có một trong những mức giá điện cao nhất trong cả nước.

Trong thời tiết lạnh âm 18-23 C, chi phí vận hành một xe buýt điện vào khoảng 1,15 USD mỗi dặm (1,6 km), so với 40 cent/dặm của xe buýt diesel, ông Blackard nói. Chi phí xe buýt điện giảm xuống còn khoảng 90 cent/dặm khi trời ấm. Ông cho biết mức phí đó đang khiến hoạt động trở nên khó khăn và ông có thể sẽ không mua một chiếc xe buýt điện khác.

Nhiều chủ sở hữu phương tiện điện cá nhân cũng nhận thấy rằng việc di chuyển đường dài vào mùa đông có thể khó khăn. Xe điện có thể giảm hoạt động từ 10% đến 36% vào mùa lạnh.

Mark Gendregske ở Alger, Michigan, cho biết quãng đường đi được mỗi lần sạc đầy của xe điện giảm nghiêm trọng khi nhiệt độ giảm xuống còn âm 7-12 độ C.

“Tôi thấy quãng đường chạy được cũng như thời gian sạc thường xuống cấp hơn 20%”, anh nói khi đang sạc lại chiếc Kia EV6 của mình tại một bãi đậu xe của trung tâm mua sắm gần Ypsilanti, Michigan. Anh nói rõ trong thời tiết bình thường, với đầy pin, xe anh có thể chạy được khoảng 400 km, nhưng sẽ giảm xuống còn khoảng 320 km trong mùa lạnh.

Là kỹ sư của một nhà sản xuất phụ tùng ôtô, Gendregske có thể lường trước được việc suy giảm hoạt động của xe điện trong trời lạnh để tính toán đường đi và thời gian sạc phù hợp. Tuy nhiên, không phải chủ sở hữu nào cũng nắm rõ điều này, khiến nhiều người gặp không ít rắc rối.

Rushit Bhimani, sống ở vùng ngoại ô phía bắc Detroit, cho biết ông thấy quãng đường đi được của chiếc Tesla Model Y của mình thấp hơn khoảng 30% khi thời tiết trở lạnh, từ mức khoảng 530 km/lần sạc đầy xuống mức thấp nhất là 370 km. “Họ (hãng xe) nên cảnh báo rõ điều đó”, ông nói trong khi sạc pin ở phía nam Ann Arbor trong chuyến đi tới Chicago.

“Cuộc đua toàn cầu”

Việc giảm hiệu quả pin trong thời tiết lạnh không làm chậm quá trình chuyển đổi xe điện ở Na Uy, nơi gần 80% doanh số bán ôtô mới là xe điện vào năm ngoái.

Nils Soedal, từ Liên đoàn ôtô Na Uy, cho rằng việc sụt giảm nhanh hơn dung lượng pin vào mùa đông “không phải vấn đề”, miễn là tài xế tính đến nó khi lên kế hoạch cho một chuyến đi. “Vấn đề lớn thực sự là phải có đủ trạm sạc dọc đường”, ông nói, lưu ý rằng tình trạng của các trạm sạc cũng cần được cập nhật thường xuyên.

Giám đốc điều hành Scott Case của Recurrent, một công ty của Mỹ chuyên đo hiệu quả pin của xe điện đã qua sử dụng, cho biết nhiều xe điện đang sử dụng hệ thống sưởi điện trở. Điện dùng cho máy sưởi loại này chiếm khoảng 3/4 năng lượng pin sụt giảm. Ông gợi ý một giải pháp thay thế tốt hơn là máy bơm nhiệt.

Ông Case cho biết máy bơm nhiệt hút nhiệt từ không khí bên ngoài ngay cả khi thời tiết lạnh và đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng chỉ gần đây mới được phát triển cho ôtô. “Đó chắc chắn là điều cần phải có trong tất cả chiếc xe này”, ông nói.

Thời tiết lạnh cũng làm ảnh hưởng đến tốc độ của dòng chảy ion lithium trong pin, khiến quá trình giải phóng năng lượng cũng như tốc độ sạc chậm lại.

General Motors nằm trong số những công ty đang nghiên cứu giải pháp khắc phục. Lawrence Ziehr, Giám đốc dự án phục hồi năng lượng trên xe điện của GM, cho biết các kỹ sư đang thử nghiệm thay đổi về quản lý nhiệt và pin trong những chiếc xe hiện hành để áp dụng cho các mẫu xe trong tương lai.

Tại trường đại học, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu những thay đổi về hóa học có thể khiến hóa giải những hạn chế của pin trong thời tiết lạnh.

Dasgupta của Đại học Michigan cho biết họ đang phát triển các thiết kế pin mới cho phép ion chảy nhanh hơn hoặc cho phép sạc nhanh khi trời lạnh. Ngoài ra, các hóa chất pin trạng thái rắn không sử dụng chất điện phân lỏng cũng đang được nghiên cứu.

Ông hy vọng những cải tiến mới sẽ ra khỏi phòng thí nghiệm để tới phương tiện thực tế trong vòng hai đến năm năm tới.

“Thực sự đang có một cuộc chạy đua toàn cầu để tăng hiệu suất của những loại pin này”, ông nói.

(Nguồn: Zing News)

Huyết mạch kinh tế Nga ngày càng phụ thuộc Trung Quốc

Việc phải dựa vào các mối hợp tác cùng Trung Quốc để duy trì huyết mạch kinh tế đang khiến Moskva lâm vào thế "cửa dưới" trong quan hệ với Bắc Kinh.

Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moskva, Trung Quốc và Nga đã ký loạt thỏa thuận thương mại, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Những thỏa thuận này được cho là minh chứng cho hợp tác ngày càng khăng khít giữa hai nước, nhưng cũng thể hiện Trung Quốc đang giành ưu thế trong mối quan hệ với Nga, theo giới chuyên gia.

Kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra khiến Nga bị áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt và các công ty phương Tây lần lượt rời khỏi nước này, Moskva đã buộc phải chuyển hướng sang củng cố mối quan hệ với Bắc Kinh nhằm giữ vững nền kinh tế.

"Trung Quốc là huyết mạch giúp Nga duy trì nền kinh tế giữa sức ép trừng phạt chưa từng có của phương Tây", Alexander Gabuev, chuyên gia tại Quỹ Carnegie Hòa bình Quốc tế, trụ sở ở Washington, Mỹ, bình luận.

Mỹ hồi đầu năm cho biết Trung Quốc có thể đang xem xét khả năng cung cấp vũ khí, đạn dược cho Nga, song Bắc Kinh phủ nhận. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 22/3 nói rằng đến thời điểm hiện tại Trung Quốc "vẫn chưa vượt qua lằn ranh đỏ" trong chuyển giao vũ khí cho Nga.

Nền kinh tế Nga và Trung Quốc phần lớn hỗ trợ lẫn nhau. Nga từ lâu đã cung cấp nguyên liệu thô và năng lượng cho ngành sản xuất Trung Quốc, đồng thời nhập khẩu vật liệu bán dẫn, chip và các sản phẩm công nghệ từ nước này. Tổng giá trị thương mại giữa hai nước đã tăng gần 30% trong năm ngoái lên 185 tỷ USD, do Nga chuyển hướng bán dầu thô sang Trung Quốc khi phương Tây quay lưng với năng lượng của Moskva.

Lợi nhuận từ việc bán nhiên liệu cho Trung Quốc giúp bù đắp đáng kể cho nền kinh tế Nga, khi doanh số xuất khẩu năng lượng sang châu Âu sụt giảm mạnh. Đây được cho là nguồn thu quan trọng giúp Moskva duy trì chiến dịch ở Ukraine.

Tuy nhiên, nó cũng mang lại cho Trung Quốc đòn bẩy rất lớn trong quan hệ với Nga, theo bình luận viên Thomas Grove của WSJ.

Nga đang mong muốn bán nhiều khí đốt hơn cho Trung Quốc để thay thế các khách hàng truyền thống ở châu Âu. Muốn làm được điều này, họ phải thuyết phục Trung Quốc triển khai dự án Power of Siberia 2, đường ống thứ hai mang khí đốt Nga đến nước này.

Tại hội nghị thượng đỉnh hôm 21/3, Tổng thống Nga cho biết các cuộc thảo luận liên quan đến đường ống Power of Siberia 2 đang được xúc tiến, song Chủ tịch Trung Quốc hoàn toàn không đề cập tới vấn đề này. Giới quan sát cho rằng trong khi Nga tỏ ra rất gấp rút với dự án, Trung Quốc vẫn thể hiện sự bình thản, dấu hiệu cho thấy họ đang chiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán.

"Trước khi cuộc khủng hoảng hiện nay nổ ra, nếu Trung Quốc đưa ra nhiều đòi hỏi, Nga hoàn toàn có thể chuyển một phần dầu khí sang châu Âu", Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng các Vấn đề Quốc tế của Nga, tổ chức tư vấn có liên kết với Điện Kremlin, cho hay. "Bây giờ, Nga không còn nắm cơ hội như vậy và việc Moskva chỉ còn một khách hàng lớn duy nhất đã làm thay đổi mọi quy tắc thị trường".

Sau cuộc hội đàm ở Điện Kremlin, hai lãnh đạo đã công bố một dự án đầu tư song phương trị giá 165 tỷ USD. Những khoản đầu tư này sẽ tiếp tục chuyển hướng các nguồn năng lượng của Nga sang Trung Quốc và có khả năng thúc đẩy Bắc Kinh rót thêm vốn vào những cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga, trong đó có một số cảng trọng điểm.

Tuy nhiên, phần lớn thông tin chi tiết về các thỏa thuận mới vẫn được giữ kín.

"Việc hợp tác trở nên bí mật hơn do nguy cơ các công ty Trung Quốc có thể phải chịu lệnh trừng phạt thứ cấp của phương Tây", Vasily Kashin, giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc tế tại Đại học HSE, trụ sở tại Moskva, cho hay, thêm rằng các công ty Trung Quốc hoạt động nhiều trên phạm vi quốc tế có thể ngại đầu tư mới vào Nga, nhưng không ít công ty khác quy mô nhỏ hơn vẫn có khả năng bước vào để lấp đầy khoảng trống mà các doanh nghiệp phương Tây để lại.

Tổng thống Putin khuyến khích Trung Quốc thay thế các thương hiệu phương Tây và Nga đang tìm đến nhân dân tệ để thay thế USD, trở thành đồng ngoại tệ chính.

"Moskva sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc thế chỗ các công ty đã rời khỏi Nga", ông Putin nói.

Với người tiêu dùng Nga, ôtô Trung Quốc đã được sản xuất tại một nhà máy trước đây thuộc hãng Renault của Pháp và giám đốc một nhà máy cũ thuộc tập đoàn Mercedes Benz cho hay họ có thể sẽ làm theo cách này.

Autostat, cơ quan thống kê về xe hơi có trụ sở tại Moskva, cho biết vào tháng một, 1/3 số đại lý ở Nga đã bán ôtô Trung Quốc, so với mức 22% hồi năm ngoái.

Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga các công nghệ lưỡng dụng, có thể sử dụng cho mục đích dân sự hoặc quân sự. Từ tháng 3 đến tháng 9/2022, giá trị xuất khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc sang Nga đạt hơn 500 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với mức 200 triệu USD cùng kỳ năm 2021.

Bắc Kinh cũng hưởng nhiều lợi ích từ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moskva. Theo giới phân tích, Trung Quốc đang tiếp cận một số thiết bị quân sự tiên tiến nhất do Nga sản xuất, như hệ thống phòng không và cảnh báo sớm, những thứ mà Nga vài năm trước chỉ dành riêng cho Ấn Độ, khách hàng quốc phòng hàng đầu của Nga.

Phần lớn dòng tiền của Trung Quốc đã đổ vào những ngành mà các công ty Nga không có thế mạnh như ôtô hay bán lẻ, cũng như các lĩnh vực cần lượng tiền lớn, như cơ sở hạ tầng.

Theo giới quan sát, trong nhiều năm, Nga đã tìm cách thúc đẩy hợp tác ngoại giao và quân sự với Trung Quốc như một cách để củng cố vị thế trước phương Tây. Nhưng Moskva đồng thời vẫn giữ thái độ thận trọng để không bị phụ thuộc quá mức vào Bắc Kinh.

Năm 2017, hai nước ra thông báo Tập đoàn Poly của Trung Quốc đã ký thỏa thuận đầu tư giúp cải tạo một cảng ở vùng Viễn Bắc Nga. Tuy nhiên, giới chức an ninh địa phương sau đó đã không phê chuẩn dự án, khiến kế hoạch bị hủy trong âm thầm, hai nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết. Người dân ở Siberia cũng phản ứng quyết liệt trước những thiệt hại về môi trường do các công ty Trung Quốc tại đây gây ra.

Chủ tịch Tập đã mời Tổng thống Putin đến Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường năm nay, nơi hai nước có thể thảo luận về các dự án đầu tư mới của Bắc Kinh vào Nga.

Khi Tổng thống Putin dự hội nghị Vành đai và Con đường năm 2019, ông đã không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào trong các thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc. Năm nay, không rõ Moskva có chấp nhận để Bắc Kinh đổ tiền vào các dự án mới ở Nga hay không.

"Với ý chí chính trị hiện nay giữa hai nước, có vẻ như các dự án cũ sẽ có thêm động lực mới để hồi sinh", chuyên gia Kashin từ Đại học HSE đánh giá.

Khi xung đột kéo dài và nền kinh tế Nga tiếp tục bị xói mòn bởi các lệnh trừng phạt, "Trung Quốc thậm chí có thể trở thành một đối tác còn rắn hơn châu Âu ở một số khía cạnh", Kortunov thuộc Hội đồng các Vấn đề Quốc tế Nga, nhấn mạnh.

(Nguồn: Vnexpress)

Những quốc gia đã cấm TikTok

Ngày càng có nhiều quốc gia ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á-Thái Bình Dương cấm ứng dụng chia sẻ video phổ biến TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ do lo ngại về quyền riêng tư và an ninh mạng gia tăng. Một số nước đã cấm hoàn toàn ứng dụng này.

Giám đốc điều hành của công ty, ngày 23/3, đã phải đối mặt với những chất vấn gay gắt từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ. TikTok, thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc Bytedance, từ lâu đã khẳng định rằng họ không chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc.

Công ty chỉ ra một dự án mà họ đang thực hiện để lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ tại Hoa Kỳ, dự án mà họ cho biết sẽ đưa nó ra khỏi tầm với của Trung Quốc. Công ty cũng bác bỏ các cáo buộc rằng công ty thu thập nhiều dữ liệu người dùng hơn các công ty truyền thông xã hội khác và khẳng định rằng công ty được điều hành độc lập bởi chính ban quản lý của công ty.

Nhưng nhiều chính phủ vẫn thận trọng về nền tảng này và mối quan hệ của nó với Trung Quốc. Dưới đây là những nơi đã thực hiện lệnh cấm một phần hoặc toàn bộ TikTok:

Afghanistan

Lãnh đạo Taliban của Afghanistan đã cấm TikTok và trò chơi PUBG vào năm 2022 với lý do bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi “lầm đường lạc lối”.

Bỉ

Bỉ tạm thời cấm TikTok khỏi các thiết bị do chính phủ liên bang sở hữu hoặc trả tiền, với lý do lo ngại về an ninh mạng, quyền riêng tư và thông tin sai lệch. Thủ tướng Alexander de Croo nói lệnh cấm kéo dài 6 tháng dựa trên các cảnh báo từ cơ quan an ninh nhà nước và trung tâm an ninh mạng của cơ quan này.

Canada

Canada tuyên bố các thiết bị do chính phủ cấp không được sử dụng TikTok, nói rằng nó gây ra rủi ro “không thể chấp nhận được” đối với quyền riêng tư và an ninh. Nhân viên cũng sẽ bị chặn tải xuống ứng dụng này trong tương lai.

Đan Mạch

Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã cấm nhân viên của mình có TikTok trên điện thoại làm việc, đồng thời yêu cầu những nhân viên đã cài đặt ứng dụng này xóa ứng dụng khỏi thiết bị càng sớm càng tốt. Bộ cho biết lý do của lệnh cấm bao gồm cả “những cân nhắc nghiêm trọng về an ninh” cũng như “nhu cầu sử dụng ứng dụng rất hạn chế liên quan đến công việc”.

Liên hiệp châu Âu

Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng EU, ba tổ chức chính của khối gồm 27 thành viên, đã áp đặt lệnh cấm TikTok trên các thiết bị của nhân viên. Theo lệnh cấm của Nghị viện Châu Âu, có hiệu lực vào 20/3, các nhà lập pháp và nhân viên cũng được khuyên nên xóa ứng dụng TikTok khỏi thiết bị cá nhân của họ.

Ấn Độ

Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm trên toàn quốc đối với TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat, vào năm 2020 do lo ngại về quyền riêng tư và an ninh. Lệnh cấm được đưa ra ngay sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Các công ty được cho cơ hội trả lời chất vấn liên quan các yêu cầu về quyền riêng tư và an ninh nhưng lệnh cấm có hiệu lực vĩnh viễn vào tháng 1 năm 2021.

New Zealand

Các nhà lập pháp ở New Zealand và nhân viên tại Quốc hội sẽ bị cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên điện thoại cơ quan của họ, theo lời khuyên từ các chuyên gia an ninh mạng của chính phủ. Theo lệnh cấm có hiệu lực vào cuối tháng 3, ứng dụng sẽ bị xóa khỏi tất cả các thiết bị có quyền truy cập vào mạng quốc hội, mặc dù các quan chức có thể sắp xếp đặc biệt cho bất kỳ ai cần TikTok để thực hiện các nghĩa vụ dân chủ của họ.

Na Uy

Quốc hội Na Uy hôm 13/3 đã cấm Tiktok trên các thiết bị làm việc, sau khi Bộ Tư pháp nước này cảnh báo không nên cài đặt ứng dụng này trên điện thoại cấp cho nhân viên chính phủ. Chủ tịch Quốc hội nói TikTok không nên có trên các thiết bị có quyền truy cập vào hệ thống của quốc hội và phải bị xóa càng nhanh càng tốt. Thủ đô Oslo của đất nước và thành phố lớn thứ hai Bergen cũng kêu gọi nhân viên thành phố xóa TikTok khỏi điện thoại cơ quan của họ.

Pakistan

Chính quyền Pakistan đã tạm thời cấm TikTok ít nhất bốn lần kể từ tháng 10 năm 2020, với lý do lo ngại rằng ứng dụng này quảng bá nội dung trái đạo đức.

Đài Loan

Vào tháng 12 năm 2022, Đài Loan đã áp đặt lệnh cấm khu vực công dùng TikTok sau khi FBI cảnh báo rằng TikTok gây ra rủi ro an ninh quốc gia. Các thiết bị của chính phủ, bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính để bàn, không được phép sử dụng phần mềm do Trung Quốc sản xuất, bao gồm các ứng dụng như TikTok, Douyin tương đương của Trung Quốc hoặc Xiaohongshu, một ứng dụng của Trung Quốc có nội dung nói về lối sống.

Vương quốc Anh

Chính quyền Anh vào giữa tháng 3 đã cấm TikTok khỏi điện thoại di động được sử dụng bởi các bộ trưởng và công chức chính phủ có hiệu lực ngay lập tức. Các quan chức cho biết lệnh cấm là một “động thái phòng ngừa” vì lý do an ninh và không áp dụng cho các thiết bị cá nhân. Quốc hội Anh đã tiếp nối điều đó hôm 23/3 bằng cách tuyên bố cấm TikTok khỏi tất cả các thiết bị chính thức và “mạng lưới quốc hội rộng lớn hơn”. Chính phủ Scotland bán tự trị cũng nói vào ngày 23/3 rằng họ đã cấm TikTok khỏi các thiết bị chính thức, có hiệu lực ngay lập tức.

Hoa Kỳ

Hoa Kỳ vào đầu tháng 3 đã cho các cơ quan chính phủ 30 ngày để xóa TikTok khỏi các thiết bị và hệ thống liên bang do lo ngại về an ninh dữ liệu. Lệnh cấm chỉ áp dụng cho các thiết bị của chính phủ, mặc dù một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đang ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn. Trung Quốc đả kích Hoa Kỳ vì cấm TikTok, mô tả lệnh cấm này là lạm dụng quyền lực nhà nước và đàn áp các công ty từ các quốc gia khác. Hơn một nửa trong số 50 tiểu bang của Hoa Kỳ cũng đã cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị chính thức, cũng như Quốc hội và lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.

(Nguồn: VOA)

Hải quân Trung Quốc tung "quân bài" mới

Tàu tự hành trên biển (USV) có thể trở thành một vũ khí "thay đổi cuộc chơi" của hải quân Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh trên các đại dương ngày càng gay gắt.

Cuối tháng 10 năm ngoái, Hải quân Ukraine tiến hành một cuộc tấn công táo bạo vào Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol. Cuộc tấn công này đã khiến giới quân sự Trung Quốc chú ý đến một chi tiết – năng lực của USV trong tấn công các mục tiêu trên biển.

Theo các chuyên gia quân sự, Trung Quốc đã bắt tay vào nghiên cứu rất kỹ cuộc tấn công lần đầu tiên có sự tham gia của USV, tập trung vào khả năng, điểm mạnh và điểm yếu của loại vũ khí mới này.

Bắc Kinh không xa lạ gì với việc phát triển UAV và USV. Tháng 10/2021, chuyên gia về hải quân H.I. Sutton đã phát hiện Trung Quốc thử nghiệm các USV dài 20 mét có khả năng mang vũ khí tại căn cứ ở TP. Đại Liên. Theo ông, điều này cho thấy Trung Quốc đang thể hiện sự quan tâm chưa từng có vào các hệ thống vũ trang không người lái như một chìa khóa quan trọng trong nỗ lực phát triển. Các nguồn tin ở Trung Quốc đã xác nhận có thêm các cuộc thử nghiệm loại tàu này vào giữa năm 2022.

Tuy nhiên, vụ tấn công của Ukraine là lần đầu tiên các USV được tiến hành trên thực tế. Điều đó sẽ là một bài học sâu sắc mà giới quân sự Trung Quốc có thể rút ra để đối phó với các đối thủ tiềm tàng trên biển. Mới đây, Mỹ đã công bố thỏa thuận AUKUS với Anh và Úc để triển khai chương trình chế tạo tàu ngầm hạt nhân hiện đại nhất thế giới nhằm gia tăng năng lực hải quân và kiềm chế Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

Tiềm năng của USV

Theo các chuyên gia, giới quân sự tại Trung Quốc – quốc gia sản xuất các thiết bị không người lái lớn nhất thế giới – đã rút ra được một số điểm mạnh đáng chú ý về USV.

Lợi thế của loại vũ khí này là khả năng tàng hình cao do hình dạng trơn nhẵn của nó. Ngoài ra, kích thước nhỏ và đặc điểm di chuyển nửa chìm nửa nổi giúp chúng khó bị phát hiện bằng radar cảnh báo mặt biển trên các tàu quân sự, hay sonar (sóng âm phản xạ dưới nước) - điều đã được chứng minh tại chiến trường.

Bên cạnh đó, giới quân sự Trung Quốc thấy rằng một cuộc tấn công bằng USV vào một tàu chiến sẽ có lợi nhất khi neo đậu ở cảng, vì khi đó sonar chủ động hiếm khi được sử dụng.

Một ưu điểm khác của USV là chúng khó bị tiêu diệt bằng vũ khí thông thường. Các loại súng phòng không trên tàu điển hình không hiệu quả do chúng di chuyển rất nhanh và có kích cỡ nhỏ.

Các USV trong cuộc tấn công năm ngoái của Ukraine có thể đạt vận tốc tối đa 110km/h và được dẫn đường bằng vệ tinh Starlink của Mỹ, theo chuyên gia Joseph Henrotin, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng và An ninh Quốc tế (DSI).

Báo cáo của Trung Quốc nêu rõ “tín hiệu phản xạ radar của mục tiêu được trộn lẫn với sự xao động của biển khiến độ khó hiệu chuẩn tăng lên”. Thực tế chứng minh Hải quân Nga dường như đã gặp một số khó khăn trong việc đánh chìm các tàu tấn công.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Mặc dù vậy, các chuyên gia không đánh giá cao USV ở một số điểm yếu. Thứ nhất, USV có kích cỡ nhỏ, khả năng sát thương hay phá hủy mục tiêu của chúng không cao. Để đảm bảo tốc độ di chuyển đủ nhanh để thoát khỏi hỏa lực phòng ngự của kẻ địch, mỗi chiếc USV chỉ nên mang theo 30-50kg chất nổ - như cách Ukraine đã thực hiện.

Hỏa lực như vậy không thể đủ sức làm hư hại các tàu chiến khổng lồ. Thay vào đó, chúng chỉ nên được áp dụng với các tàu cỡ trung trở xuống và neo đậu tại các cảng lưỡng dụng với khả năng phòng thủ yếu kém.

Có một số cách khá đơn giản để ngăn chặn USV, bao gồm việc bố trí các “phao” radar và sonar xung quanh tàu để phát hiện sớm. Ngoài ra, việc trang bị lưới hoặc mìn cảnh báo chuyên dụng cũng sẽ có tác dụng ngăn chặn các USV tiếp cận thân tàu và phát nổ.

Dù vậy, với những phát triển của công nghệ trong tương lai, Trung Quốc hoàn toàn có thể phát triển được các loại USV thông minh hơn, trang bị hỏa lực mạnh hơn cho lực lượng Hải quân. Động thái này không có gì đáng ngạc nhiên trong bối cảnh Mỹ và đồng minh đang tích cực triển khai các hợp tác nâng cao năng lực hải quân tại Châu Á-Thái Bình Dương với Bắc Kinh là đối tượng cốt yếu.

(Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

Nhật 'chơi lớn' trước Trung Quốc ở Indo-Pacific

Nhật Bản vừa đưa ra kế hoạch có giá trị lên đến 75 tỉ USD để hỗ trợ, hợp tác phát triển với các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy tại khu vực này.

Mới đây, trong chuyến công du Ấn Độ từ ngày 19 - 21.3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Narendra Modi.

Nỗ lực của Nhật Bản

Sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Kishida cho biết Nhật Bản muốn xung đột Ukraine sớm kết thúc và kêu gọi các quốc gia ở nam bán cầu (khu vực bao gồm châu Á, châu Phi, châu Úc và Mỹ Latin) cần thể hiện tình đoàn kết.

Đặc biệt, đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Kishida công bố kế hoạch với 4 trụ cột: Duy trì hòa bình; Giải quyết các vấn đề toàn cầu mới trong sự hợp tác với các nước ở Indo-Pacific; Đạt được kết nối toàn cầu thông qua các nền tảng khác nhau; Đảm bảo an toàn cho vùng biển và bầu trời rộng mở ở khu vực. Tokyo cam kết đến năm 2030, hỗ trợ tổng cộng 75 tỉ USD cho khu vực thông qua đầu tư tư nhân và các khoản vay bằng yen, đồng thời tăng cường viện trợ qua kênh hỗ trợ và trợ cấp chính thức của chính phủ. Đây là động thái được đánh giá là nhằm tăng cường hợp tác trước các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực.

Reuters dẫn lời Thủ tướng Kishida cho biết thêm: "Chúng tôi cũng sẽ tiến hành các cuộc tập trận hàng hải chung với Ấn Độ và Mỹ, cũng như các cuộc tập trận thiện chí với ASEAN và các đảo Thái Bình Dương".

Trả lời Thanh Niên hôm qua (24.3), PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: "Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy tầm nhìn Indo-Pacific tự do và cởi mở, một khuôn khổ rộng lớn để thúc đẩy và hỗ trợ trật tự, phát triển, tự do hàng hải và hợp tác dựa trên luật lệ".

"Đối với Tokyo, sự cởi mở và lợi ích chung của Delhi trong việc đảm bảo khu vực vẫn dựa theo luật lệ chứ không phải bằng vũ lực hay ép buộc. Sự hợp tác phải lý tưởng để đầu tư và giúp phát triển thông qua quan hệ đối tác bình đẳng, có cùng tầm nhìn chung", PGS Nagy đánh giá.

Thực tế, thời gian qua, Nhật Bản cũng đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng với nhiều bên, như các thỏa thuận tiếp cận đối ứng, tương hỗ với quân đội của Úc, Ấn Độ…, hay hướng đến tuần tra chung hải quân cùng Mỹ, Philippines. Thậm chí, Tokyo còn xúc tiến dự định xuất khẩu vũ khí cho một số nước trong khu vực.

Chuyến công du lịch sử

Cũng trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét chuyến công du của Thủ tướng Kishida đến Ấn Độ một số điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, Nhật Bản công bố kế hoạch mới cho Indo-Pacific tại Ấn Độ. Ngược dòng lịch sử, năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ông Shinzo Abe cũng đưa ra khái niệm Indo-Pacific khi phát biểu tại quốc hội Ấn Độ. Indo-Pacific là sự định hình từ nguồn gốc từ châu Á - Thái Bình Dương kết hợp cả Ấn Độ. Thủ tướng Kishida đã thúc đẩy tầm nhìn Indo-Pacific mà trong đó giữ Ấn Độ ở vai trò trung tâm khi công bố kế hoạch mới tại nước này.

Thứ hai, gần đây, nam bán cầu chứng kiến cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Nam bán cầu cũng là nơi mà Mỹ và Nga tranh thủ sự ủng hộ. Trong bối cảnh đó, không chỉ kêu gọi hợp tác, Nhật Bản cũng đã hỗ trợ các quốc gia ở nam bán cầu, như các chương trình cung cấp lương thực và năng lượng.

Thứ ba, về mặt ngoại giao, chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng. Ban đầu, lịch trình chuyến thăm được công bố diễn ra từ ngày 19 - 22.3, nhưng ngày 21.3 thì Thủ tướng Kishida rời Ấn Độ, rồi đến Ukraine qua ngã Ba Lan. Điều này có nghĩa là New Delhi đã biết kế hoạch của Thủ tướng Kishida về việc bí mật đi Ukraine. Diễn ra cùng thời điểm với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga, nên chuyến thăm của ông Kishida thể hiện một sự trái ngược giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Chính vì thế, chuyến công du này của ông Kishida có ý nghĩa quan trọng, thậm chí mang tính lịch sử đối với với tầm nhìn Indo-Pacific của Nhật Bản.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang