Công nhân bị sa thải trước Tết; Siêu thị ồ ạt giảm giá; Doanh nghiệp & 'bài toán trái phiếu'; BĐS chờ chính sách

GẦN 1.200 CÔNG NHÂN Ở TP.HCM BỊ SA THẢI TRƯỚC TẾT: NHIỀU NGƯỜI BẬT KHÓC TRONG NGÀY LÀM VIỆC CUỐI CÙNG

(Ảnh minh hoạ).

Tròn 1 tháng công ty thông báo cho nghỉ việc hàng loạt vì không có đơn hàng mới, hôm nay (30/11), 1.185 công nhân của công ty TNHH Tỷ Hùng chính thức thu dọn đồ đạc, rời công ty sau nhiều năm gắn bó. Buổi làm việc cuối cùng khiến nhiều người bật khóc.

Nỗi khổ chất chồng

16h30, cánh cổng của công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) mở ra, thay vì từng tốp công nhân tranh thủ rời công ty về nhà sau một ngày làm việc vất vả, hôm nay, họ đều nán lại một chút trước cổng công ty. Phiên họp chợ mua bán hàng ngày trước cổng cũng chẳng còn rộn rã, ai nấy đều ngậm ngùi nhìn xung quanh rồi lủi thủi ra về. Nay là ngày làm việc cuối cùng của họ - 1.185 công nhân sau khi công ty gặp khó khăn, thu hẹp sản xuất vì không có đơn hàng.

Đưa đôi tay quệt nước mắt, cô Nguyễn Thị Vốn (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết 16 năm gắn bó với công ty, cô không nghĩ có một ngày, mình sẽ rời công ty như vậy.

“Buồn lắm chứ, mà giờ công ty không có đơn hàng, biết phải làm sao. Hôm nay làm việc cuối cùng rồi, chắc cô về quê chứ đâu kiếm được việc nữa. Cô 52 tuổi rồi, ai mà mướn”, cô Vốn xúc động nói.

Cũng trong tình cảnh tương tự, 17 năm gắn bó với công ty, hôm nay, cô Đặng Thị Hường (51 tuổi, quê Nghệ An) chỉ biết lắc đầu chua chát. Đẩy chiếc xe đạp cũ chở đầy ve chai rời công ty, cô Hường lủi thủi quay lại căn trọ cũ, cô cũng chưa biết ngày mai mình sẽ ra sao.

17 năm qua, số tiền 7-8 triệu mỗi tháng từ việc làm công nhân giúp cô trang trải sinh hoạt, gửi tiền về quê để chăm lo cho con cái, gia đình. Tuy cuộc sống không mấy khá giả nhưng có được công việc làm, đặc biệt ở tuổi ngoài 50 như cô đã là một điều may mắn. Cô tính ráng làm ít năm nữa, sau khi đủ tuổi về hưu, cô sẽ về lại quê nhà sinh sống. Nhưng rồi 1 tháng qua, từ lúc nhận được thông báo công ty sẽ sa thải gần 1.200 công nhân vào ngày 30/11, cô như người mất hồn. Mọi dự định đều tan vỡ, cô Hường chết lặng…

“Nay công ty cho nghỉ luôn rồi, chỉ có 1 số được ở lại thôi. Mai chắc cô ở nhà, chưa biết làm gì. Cô cũng muốn xin đi rửa chén, phụ việc nhưng sợ mình lớn tuổi, cũng không ai nhận. Giờ cô cũng không dám về quê nữa, tiền ít quá, lấy gì đâu mà về. Chắc phải đi xin việc tạm ở đâu đó để kiếm sống thôi”, cô Hường nghẹn lời.

Giỏ ve chai và ngày mai?

Trong số 1.185 công nhân của công ty TNHH Tỷ Hùng bị chấm dứt hợp đồng lao động, có đến 50% lao động là nữ ngoài 40 tuổi. Điều này khiến cho việc xoay trở của những công nhân lớn tuổi sau khi mất việc khó càng thêm khó.

Rời công ty với giỏ ve chai chất đầy trên yên xe, chị Hường (40 tuổi, Đồng Tháp) cho biết sau ngày làm việc cuối cùng, hầu như ai cũng gom góp ít ve chai có được ở nơi sản xuất để ra vựa bán. Với nhiều người, số tiền bán ve chai chẳng đáng là bao, nhưng với chị Hường, được đồng nào hay đồng đó, nhất là những ngày sắp tới, chị chưa biết sẽ sống ra sao khi mất việc làm.

“Cả ngày hôm nay chị buồn lắm, chắc thất nghiệp tới Tết luôn rồi. Nay vào công ty mà không có làm, cán bộ ngồi đó cũng khóc. Công ty không có trụ nổi, mùa dịch thấy vậy mà cố gắng vượt qua được. Mất việc rồi, cuộc sống giờ gì cũng khó khăn hết trơn. Tết nhất đến nơi rồi, đâu có ai chịu nhận người mới làm việc…”, chị Hường thở dài.

Quay trở lại căn phòng trọ, chị Trần Thị Giúp (48 tuổi) đứng thẫn thờ một góc. Cũng giống như mọi người, sau hôm nay, chị Giúp sẽ thất nghiệp, ở tuổi 48, nỗi lo lắng càng thêm chất chồng với chị.

“Ngày mai chị chưa biết sẽ làm gì, bình thường 7h sáng đã ra khỏi nhà để đi làm, tuy có cực nhưng có việc làm, có đồng tiền để xoay xở. Buồn lắm chứ, 17 năm rồi, đâu có nghĩ 1 ngày mình sẽ nghỉ việc như thế này đâu. Những ngày sắp tới chắc cũng rầu lo, thôi thì tới đâu hay tới đó, chứ nghĩ cũng đâu được gì đâu”, chị Giúp tâm sự.

Theo chị Giúp, khoảng 2 tuần này, công ty không còn việc làm, mọi người chỉ đến cắt chỉ máy với làm vệ sinh cho sạch. Ngày cuối cùng ở công ty, từ cán bộ đến công nhân, ai cũng khóc rồi tự an ủi lẫn nhau.

“Chắc Tết năm nay buồn lắm, phải gói ghém tiết kiệm lại thôi, chứ giờ có mình ổng làm, hai vợ chồng cũng còn phải lo cho con cái rồi ông bà nội ngoại 2 bên nữa”, chị Giúp nhìn chồng, thở dài bất lực.

Mọi năm, những tháng gần Tết, cả hai vợ chồng chị Giúp đều tranh thủ làm tăng ca. Nhận được thưởng Tết, chị Giúp cũng có chút ít để về quê mua quà tặng cho gia đình, phụ lo cho gia đình nội ngoại 2 bên. Giờ bất ngờ bị cho nghỉ việc, chị Giúp hoang mang.

“Người trẻ họ còn có cơ hội chứ như tụi gì, già rồi, ai mà mướn. Năm ngoái dịch đã buồn, năm nay càng buồn hơn…”.

Trong căn trọ xập xệ, chị Giúp nhìn anh Minh, thở dài, chẳng biết nói gì. Hôm nay, chị đã chính thức mất việc sau 18 năm gắn bó với Tỷ Hùng. Chưa bao giờ, cuộc sống của những người công nhân lại khổ như vậy, nhất là Tết đã cận kề đến nơi…

(Nguồn: Kenh14)

NHIỀU SIÊU THỊ Ồ ẠT GIẢM GIÁ KÉO SỨC MUA

Chương trình khuyến mãi tập trung đợt 2 của TP.HCM đang bước vào cao điểm sôi động khi ngày càng có nhiều đơn vị sản xuất và nhà bán lẻ trên địa bàn TP tích cực hưởng ứng.

Ngày 30-11, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - trách nhiệm hữu hạn một thành viên (SATRA) đã tung ra hơn 3.000 mặt hàng giảm giá lên đến 72% để hưởng ứng chương trình khuyến mãi tập trung đợt 2-2022 với chủ đề "Rộn ràng mua sắm mùa xuân" của TP.HCM.

Ngoài ra, dòng sản phẩm nhãn hàng riêng của hệ thống này như gạo, dầu ăn, đường, muối, các loại khăn giấy Eco, nước rửa chén, nước giặt xả... cũng được chào bán với giá khuyến mãi giảm sâu.

Bà Phạm Thi Vân, phó tổng giám đốc SATRA, cho biết trong năm 2022 hệ thống bán lẻ của Satra thực hiện nhiều đợt khuyến mãi với khoảng 24 chương trình, nhưng với chương trình khuyến mãi tập trung do UBND TP.HCM chủ trì, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức có mức khuyến mãi giảm sâu nhất.

Các hệ thống bán lẻ thuộc Tập đoàn Central Retail cũng đồng loạt áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi "khủng", hấp dẫn nhằm góp phần kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

Tại hệ thống điện máy Nguyễn Kim, một thành viên của Central Retail, chương trình "Big Bang rẻ chấn động" với chiết khấu lên đến 50% cho hàng nghìn sản phẩm công nghệ, điện lạnh, điện tử... đang kéo sức mua của nhóm hàng này tăng đáng kể.

Theo đó, chương trình diễn ra từ nay đến hết ngày 15-12, áp dụng giảm giá sản phẩm gia dụng đến 70%, nhóm sản phẩm điện lạnh giảm 50%, ti vi giảm 48% cùng nhiều mặt hàng điện tử, thiết bị số giảm 50%...

Cụ thể, trong thời gian diễn ra Big Bang, người tiêu dùng có thể lựa chọn được nồi cơm điện tử Supor 1,8 lít giảm 72% chỉ còn 649.000 đồng hoặc bàn ủi hơi nước Philips còn 1,59 triệu đồng sau khi đã giảm giá 38%.

Với nhóm hàng điện lạnh, Nguyễn Kim có ưu đãi giảm 54% cho máy giặt Samsung Inverter 10kg (chỉ còn 8,9 triệu đồng) hay smart ti vi LG 4K 65 inch giảm 31% (chỉ còn 15,39 triệu đồng).

Ở nhóm điện tử, khách hàng có cơ hội lên đời ti vi mới với smart ti vi Samsung 55 inch giảm đến 48% (chỉ còn 13,89 triệu đồng).

Tương tự, hệ thống MM Mega Market cũng triển khai hoạt động hưởng ứng chương trình khuyến mãi tập trung đợt 2-2022 với hơn 4.000 sản phẩm, áp dụng mức giảm giá cao nhất 70%.

Cùng với hoạt động giảm giá, nhà bán lẻ này còn có hình thức khuyến mãi khác như mua hai tặng một/tính tiền một, tích điểm...

MM Mega Market còn giới thiệu bộ nhận diện mới cho thương hiệu We Are Fresh, đánh dấu bước phát triển mới và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm tươi - sạch - ngon của khách hàng Việt.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết chương trình khuyến mãi tập trung đợt 2 diễn ra dịp cuối năm được kỳ vọng sẽ là dịp để cộng đồng doanh nghiệp kích thích sức mua và người tiêu dùng có cơ hội mua sắm hàng hóa chất lượng với giá tốt.

Tính đến ngày 30-11 đã có 3.326 doanh nghiệp với 6.981 chương trình khuyến mãi đăng ký với sở.

(Nguồn: Soha)

DOANH NGHIỆP XOAY XỞ GIẢI ÁP LỰC CHO 'BÀI TOÁN TRÁI PHIẾU'

Nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường trái phiếu nhưng đây là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Doanh nghiệp sẽ cần nhiều giải pháp để giải tỏa áp lực đáo hạn tới đây.

Tại Hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp” do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp tổ chức ngày 30/11, luật sư Phạm Ngọc Hưng kể, thời gian gần đây, nhiều người hưu trí mang theo những xấp trái phiếu đến Trung tâm Hòa giải thương mại Tracent của ông hỏi về phương án giải quyết hàng tỷ đồng tiền trái phiếu đã mua.

Từ thông tin của khách hàng, vị luật sư cho biết, niềm tin vào thị trường trái phiếu bị đánh mất bởi bốn lỗi lầm.

Thứ nhất, lỗi bởi nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ. Họ mua vì niềm tin với ngân hàng, công ty chứng khoán, đơn vị phát hành.

Thứ hai, lỗi do đơn vị tư vấn phát hành đưa các viễn cảnh dòng tiền quá hay.

Thứ ba, đơn vị môi giới không thông tin đủ rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải như đối với trái phiếu không đảm bảo, doanh nghiệp phá sản...

Thứ tư, cơ quan quản lý đã quy định đầy đủ về phát hành trái phiếu chưa và kiểm tra việc thực hiện như thế nào, hồ sơ đăng ký phát hành sai thì ai chịu trách nhiệm?

“Trách nhiệm của nhà môi giới, ngân hàng, công ty chứng khoán cần được cơ quan công an xác định rõ. Cần nhiều bên vào cuộc?”, ông Hưng bày tỏ.

Trong khi đó, bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch Công ty Cổ phần Mebi Farm, thông tin, doanh nghiệp của bà đang bị vạ lây, room tín dụng vướng, không thể đảo dòng tiền. Bên cạnh đó, kế hoạch phát hành trái phiếu huy động vốn cho sản xuất phải tạm dừng do nhà đầu tư mất niềm tin.

Giải tỏa áp lực đáo hạn

Ông Hà Khắc Minh, Tổng biên tập Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp, cho rằng, sau những sự cố, Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu ra đời cần thời gian làm quen với thị trường. Đây cũng là công cụ sàng lọc, tìm ra những doanh nghiệp thật sự trong sạch, giúp thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.

Ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn Quốc tế - CIB, đề xuất ba nhóm giải pháp giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn.

Một, đối với doanh nghiệp đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại thì dùng nguồn tiền mặt để mua lại, giải tỏa bớt áp lực. Nếu không đủ tài chính, doanh nghiệp có thể vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để có tiền mua lại phần còn lại. Hoặc, doanh nghiệp nên thương lượng trực tiếp với trái chủ chờ đáo hạn.

Trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, doanh nghiệp thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Vừa qua, Citi Bank đã đồng ý chuyển đổi trái phiếu Novaland thành cổ phiếu NVL với giá 85.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá NVL chỉ hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.

Hai, với doanh nghiệp có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém khả quan, yêu cầu mua lại trái phiếu là áp lực không nhỏ. Lúc này, doanh nghiệp cần có kế hoạch tái cấu trúc rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, đơn vị buộc phải bán tài sản như đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối,... để thanh toán cho nhà đầu tư.

Ba, doanh nghiệp cần tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ. Đồng thời, nếu có một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản, trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực lên doanh nghiệp.

(Nguồn: Vietnamnet)

BẤT ĐỘNG SẢN CHỜ... CHÍNH SÁCH: TẠO ĐỘNG LỰC CHO KINH TẾ

(Ảnh minh hoạ).

Một số nước gần đây đã có chính sách cụ thể để hỗ trợ bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh sau khi thị trường đối mặt nhiều khó khăn.

Hỗ trợ trụ cột của nền kinh tế

Truyền thông Trung Quốc cuối tuần qua đưa tin danh sách 6 ngân hàng (NH) thương mại nhà nước lớn của nước này đã ký thỏa thuận với các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) “chất lượng cao”. Đó là các NH Công thương Trung Quốc, NH Nông nghiệp Trung Quốc, NH Trung Quốc, NH Xây dựng Trung Quốc, NH Giao thông Trung Quốc và NH Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc.

Theo Tân Hoa xã, 6 NH trên công bố cung cấp hỗ trợ tài chính lên tới hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 140,2 tỉ USD), chủ yếu để phát triển BĐS, hỗ trợ người mua nhà thế chấp, sáp nhập và mua lại, tài trợ chuỗi cung ứng và đầu tư trái phiếu. NH Xây dựng Trung Quốc nhận định: Về lâu dài, đây vẫn sẽ là một ngành quan trọng đối với sự phát triển kinh tế quốc gia và đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân. Theo Reuters, ngành BĐS hiện chiếm đến 25% giá trị của nền kinh tế Trung Quốc nên sự phát triển của BĐS ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Trước đó vào giữa tháng 11, Bloomberg đưa tin Chính phủ Hàn Quốc công bố gói biện pháp hỗ trợ trị giá 7,3 tỉ USD nhằm giúp thị trường BĐS đang gặp khó khăn sau khi giá nhà giảm mạnh. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cảnh báo dù việc giá nhà ở giảm xuống sau khi đã tăng cao quá mức trong quá khứ không thể tránh khỏi, chính phủ nên cảnh giác những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế từ tình trạng thị trường BĐS suy sụp và lãi suất tăng cao. Với đặc thù riêng, BĐS là ngành có tính lan tỏa rất lớn, có liên quan đến 35 ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế bao gồm cả du lịch, xây dựng, lưu trú và tài chính ngân hàng.

Tại VN, TS Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đã có những phân tích sâu hơn về tỷ trọng của BĐS đối với nền kinh tế. Cụ thể: Năm 2019, riêng lĩnh vực kinh doanh BĐS đóng góp 4,5% GDP, lưu trú đóng góp thêm 3,8% GDP, cộng xây dựng thêm 5,84% GDP. Tính chung lại, BĐS và các ngành nghề liên quan đã đóng góp khoảng 17% GDP năm 2019. Bên cạnh đó, BĐS cũng là ngành xếp thứ hai về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN trong nhiều năm qua.

Theo chuyên gia kinh tế tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, thị trường BĐS tại VN hình thành năm 1993 sau khi Quốc hội thông qua luật Đất đai đầu tiên và Pháp lệnh Nhà ở. Đến nay thị trường BĐS đã phát triển rất mạnh mẽ, tạo ra những khu đô thị sầm uất, khu thương mại, khu công nghiệp, khu nông nghiệp và cung cấp nhà ở cho hàng triệu gia đình. Không những ở VN mà trên cả thế giới, thị trường BĐS là một trong những động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế. Đối với người dân, BĐS là tài sản lớn nhất và con người ở quốc gia nào cũng mong muốn có một căn nhà để ở, để làm việc và về hưu. Thị trường BĐS hiện nay đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến nguồn vốn. Nhiều nhà đầu tư, kinh doanh BĐS hụt vốn để hoàn thành các dự án. Song song đó, lãi suất đang tăng cũng làm người dân rất khó đáp ứng điều kiện để vay mua nhà. Tình trạng thị trường đóng băng vì thiếu vốn nếu kéo dài sẽ là một rủi ro rất lớn cho nền kinh tế VN.

Các giải pháp cần thực hiện nhanh, quyết liệt

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho hay thị trường BĐS VN cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự Trung Quốc khi gần như đóng băng, kéo theo nhiều ngành nghề khác cũng “điêu đứng”. Để tạo điều kiện cho thị trường BĐS và nền kinh tế cả nước hồi phục và tăng trưởng trở lại mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, đầu tiên phía DN phải xử lý về mặt trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trong đó, các công ty nếu có quỹ đất dự án đảm bảo thì nên ưu tiên giải quyết nhanh gọn về mặt pháp lý dự án và có đơn vị trung gian uy tín để đảm bảo tiến độ dự án nhằm mục đích đổi trái phiếu với sản phẩm giá tốt hoặc tái cơ cấu gia hạn trái phiếu.

Ông cũng khuyến khích các DN chủ động triển khai nhanh các dự án nhà ở thu nhập thấp nhằm kéo giá trị BĐS xuống và xốc lại kích thích thị trường. Ngoài ra, NH Nhà nước cần tăng room tín dụng cho cá nhân khách hàng mua nhu cầu ở thật với những dự án khả thi. Triển khai các dự án ngân sách về hạ tầng để kích thích nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay trong bối cảnh chung hiện nay, cần xử lý quyết liệt và triệt để thị trường TPDN. Câu chuyện của thị trường BĐS gặp khó khăn không phải về câu chuyện bán hàng mà chủ yếu liên quan đến vốn, nhất là dòng vốn huy động từ trái phiếu thời gian qua. Ngay cả những TPDN chưa đến lúc đáo hạn cũng gây áp lực cho DN khi các trái chủ đang bị mất niềm tin. Trên thị trường TPDN, vai trò của hệ thống NH thương mại rất lớn, từ là trái chủ đến trung gian môi giới phát hành. Khi các DN mất khả năng thanh toán hay tình trạng thiếu niềm tin của thị trường TPDN kéo dài, hệ lụy gây ra sẽ rất nặng cho hệ thống tài chính NH lẫn cả nền kinh tế.

Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để xử lý triệt để các nút thắt của thị trường TPDN. Ví dụ có thể xem xét để Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với chức năng đầu tư chứng khoán có thể mua lại một số lô TPDN có tài sản đảm bảo sắp đến hạn thanh toán, tạo niềm tin cho trái chủ. Bởi các tài sản đảm bảo rất lớn thì sẽ cần thời gian vài năm để xử lý trong khi trái chủ không thể chờ đợi lâu. Mức giá mua lại TPDN được chiết khấu cao có thể sẽ là phần lãi cho SCIC sau này khi thị trường ổn định, DN đã thu xếp có nguồn vốn thanh toán hoặc các tài sản đảm bảo sẽ có thanh khoản…

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, ngoài việc hành lang pháp lý cần tiếp tục điều chỉnh để đồng bộ hóa các văn bản pháp luật, các thủ tục cấp phép các dự án nhà ở cho người dân cần tinh giản và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng phê duyệt các dự án. NH Nhà nước có thể nới room tín dụng cho một số NH đang khẩn trương đáp ứng nhu cầu vay mua nhà của người dân, hay hoàn thành những dự án BĐS phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng vỡ nợ hàng loạt của các công ty BĐS kiểu hiệu ứng “domino”,

Bộ Tài chính và NH Nhà nước nên phối hợp để đề xuất với Chính phủ một chương trình hoãn nợ (Credit Moratorium) trong vòng 1 năm cho tất cả các nhà kinh doanh BĐS phát hành trái phiếu nếu việc phát hành tuân thủ các quy định của luật pháp, và các nhà phát hành có khả năng vượt qua giai đoạn khó khăn này và trả nợ cho các nhà đầu tư trong vòng 1 năm.

(Nguồn: Thanh Niên)

(Xem thêm:

=> Giá vé máy bay cao ngất ngưởng; Hãng bia rục rịch chạy Tết; NĐT BĐS thất nghiệp; Lấp đất lúa làm dự án ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang