Công dân xuất sắc Mỹ Sandy Hòa Đặng & GS VS Nguyễn Văn Tuấn, Úc

Sandy Hòa Đặng: “Chất xám” rồi sẽ quay về!

Từng được trao danh hiệu công dân xuất sắc ở Washington D.C (Mỹ) và để lại dấu ấn đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và gây quỹ từ thiện, bà Sandy Hòa Đặng vẫn đang tiếp tục kế hoạch đóng góp để tăng cường khả năng lãnh đạo cho người Việt và giúp tiếng nói Việt trở nên mạnh mẽ hơn.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Sandy Hòa Đặng).

- Năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tín nhiệm giao cho chị vị trí Giám đốc điều hành của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) - sáng kiến đặc biệt của Quốc hội Mỹ nhằm cải thiện mối bang giao giữa hai nước thông qua các hoạt động trao đổi giáo dục. Kinh nghiệm bốn năm làm việc tại VEF giúp cho bà nhận thức được điều gì?

Được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành VEF, khi ấy, tôi phải đối mặt với nhiều thách thức lãnh đạo tại đây, lớn nhất là việc thay đổi thói quen và văn hóa của VEF, trong cả cách ứng xử với nhiều đối tác tại Việt Nam và Mỹ, các đối tác thứ ba, các học viên. Cũng trong những năm đi lại giữa Việt Nam và Mỹ, gặp gỡ nhiều cựu sinh viên và học giả, tôi biết rằng hầu hết cựu sinh viên VEF đã và đang trở thành lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Vì thế, việc họ hành xử thế nào sẽ thay đổi tương lai của các tổ chức đó, cũng là tương lai Việt Nam.

Tôi cũng nhận thấy rõ nhiều người giỏi và có tâm huyết giúp cho quê hương. Và dù VEF đã ngừng hoạt động sau 20 năm với những thành tựu ấn tượng, nhưng tôi vẫn trở về Việt Nam trong các dự án khác nhau và đào tạo các nhà lãnh đạo. Tôi đã đứng lớp dạy kỹ năng lãnh đạo và truyền lại cho họ những kinh nghiệm mà tôi đã học được từ trường Harvard Kenedy. Theo tôi, các bạn Việt Nam rất giỏi về kỹ thuật, nhưng vẫn cần có thêm các kỹ năng khác từ môi trường phát triển của quốc tế.

- Bà nghĩ gì về chính sách phát huy nguồn tri thức, chất xám của người Việt Nam ở nước ngoài vào phát triển đất nước đang được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm?

Tôi nhận thấy nhiều người Việt Nam ở nước ngoài vui mừng trước sự quan tâm này và luôn muốn được đóng góp cho Việt Nam, nhưng cần phải có cách nào để tạo cơ hội cho họ thực hiện được ước muốn ấy.

Trong thời gian sinh sống ở Mỹ, tôi đã gặp một số Việt kiều lâu năm ở đây. Họ cũng trăn trở với việc tìm cách nào để có thể trở về nhưng vẫn thấy bế tắc. Tôi tin rằng, nếu nhà nước tạo được cơ hội tốt, nguồn “chất xám” rồi sẽ quay trở về!

- Gần đây, thường xuyên trở lại quê hương, điều bà thấy ấn tượng nhất về Việt Nam hiện nay?

Tôi thấy ấn tượng nhất với phong trào khởi nghiệp và sự sáng tạo của các start up Việt. Đó là những người trẻ Việt Nam say mê học hành, luôn cầu tiến và có hoài bão lớn.

Tôi cũng vui vì trong nước có nhiều người muốn hợp tác với tôi để có thể cùng nhau phát triển. Tôi cho rằng thế giới đang thay đổi hàng ngày nên chúng ta buộc phải thay đổi, sáng tạo và bắt nhịp được tốc độ phát triển ấy cũng như đáp ứng được yêu cầu của thế giới.

- Bà có thể chia sẻ về công việc và dự án mới của mình?

Tôi đang là Chủ tịch của Tổ chức Thiện nguyện 11+ (11plus Philanthropy) chuyên tư vấn cung cấp chương trình đào tạo kĩ năng lãnh đạo, tăng cường năng lực, lập kế hoạch chiến lược cho các nhà tài trợ cá nhân, quỹ và các tổ chức phi lợi nhuận. Tôi đã sáng lập 11+ từ trước khi tham gia vào VEF và bây giờ đang cố gắng dành tâm huyết cho việc phát triển tổ chức.

Tổ chức hiện cũng hỗ trợ thông tin cho những người Việt có dự định trở về nước. Thông qua các hoạt động, tổ chức giúp đưa các kỹ năng mới về Việt Nam, tìm cơ hội du học ở Havard, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và khởi nghiệp cho các bạn trẻ...

Mới đây, tôi cũng tham gia Mạng lưới Nữ lãnh đạo quốc tế – WLIN Global và đang bắt tay vào việc kiến tạo cộng đồng WLIN Wasington D.C để giúp kết nối các nữ lãnh đạo trong mạng lưới trên toàn cầu với các cơ hội kinh doanh, học tập tại D.C.

Tôi mong những kinh nghiệm của mình có thể giúp đỡ, định hướng cho các chị em có thêm các kiến thức, kỹ năng của một nhà lãnh đạo cũng như cách thức để đưa hình ảnh và vai trò của phụ nữ lên một tầm cao mới.

Bà Sandy Hòa Đặng: Sinh ra tại Hà Nội, rời Việt Nam lúc 10 tuổi và định cư tại Mỹ từ năm 13 tuổi. Trong hơn một thập kỷ, bà là nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành Tổ chức Lãnh đạo, Trao quyền và Phát triển Mỹ Á (AALEAD) - một tổ chức hỗ trợ các gia đình nhập cư và tị nạn thông qua các dịch vụ giáo dục và xã hội.

Ngoài bằng Thạc sĩ về Quản trị Hành chính tại Đại học Harvard Kenedy, bà còn nhận bằng Cử nhân tại Đại học Duke và bằng Thạc sĩ về Công tác Xã hội tại trường Đại học Catholic.

Bà Sandy Hòa Đặng được trao tặng nhiều giải thưởng danh tiếng vì khả năng lãnh đạo cộng đồng xuất sắc, trong đó có danh hiệu “Công dân xuất sắc của Washington D.C” năm 2001, là thành viên Ban Cố vấn Cộng đồng của Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn John F. Kennedy và Chương trình Truyền hình WETA. Bà cũng là diễn giả đã biên soạn và trình bày các bài phát biểu có giá trị, những bài thuyết minh và các đề xuất kêu gọi được vốn đầu tư.

Giáo sư gốc Việt đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Y học Úc

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (65 tuổi) là người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc bởi những đóng góp xuất sắc của ông cho y học, đặc biệt là lĩnh vực loãng xương.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Thông tin từ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Cố vấn cao cấp về khoa học, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo trường ĐH này) vừa được bầu vào Viện Hàn lâm Y học Úc (Australian Academy of Health and Medical Sciences).

Tại Úc, ông Tuấn là giáo sư Khoa y thuộc ĐH New South Wales, đồng thời là Trưởng phòng Thí nghiệm nghiên cứu loãng xương thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan.

Viện Hàn lâm Y học Úc là viện đa ngành và độc lập, có 375 viện sĩ. Năm nay có 40 nhà khoa học được bầu, trong đó có 19 nhà khoa học nữ. Quá trình tiến cử và bình bầu diễn ra trong một năm với các tiêu chí cao và cạnh tranh để chọn ra những nhà khoa học có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực y học. Tính đến nay, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là người gốc Việt đầu tiên được bầu vào viện này.

Trong gần 30 năm qua, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã có những đóng góp lớn cho chuyên ngành. Những đóng góp của ông gồm đánh giá và chẩn đoán loãng xương, di truyền loãng xương và nghiên cứu về yếu tố dẫn đến loãng xương. Ông đã công bố hơn 300 công trình khoa học trên các tạp chí ISI uy tín và là một trong những giáo sư y khoa được trích dẫn nhiều nhất thế giới.

Ông là Phó chủ tịch Hội đồng biên tập và thẩm định của tạp chí Journal of Bone and Mineral Research. Ngoài ra, ông từng phụ trách biên tập cho tạp chí Osteoporosis International và Journal of Bone Densitometry. Hiện nay, ông thuộc Hội đồng biên tập và thẩm định của Journal of the Endocrine Society, JBMR Plus, Osteoporosis and Sarcopenia...

Ở Việt Nam, ông Tuấn là một trong những thành viên sáng lập Hội loãng xương TP.HCM (năm 2005) và giữ vai trò cố vấn khoa học cho đến nay. Những đóng góp của ông không chỉ trong chuyên ngành loãng xương và nội tiết mà còn về chất độc da cam. Ông là người Việt đầu tiên công bố nghiên cứu về mối liên quan giữa chất độc da cam và dị tật bẩm sinh trên tập san y khoa quốc tế và viết sách bằng tiếng Việt về vấn đề chất da cam.

(Tạp chí quê hương, Thanh niên)

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang