Cô dâu Việt trốn chạy khỏi đất khách; Nỗi đau người mẹ có con buôn ma túy; Cha mẹ có được lấy tiền lì xì của con?

HÀNH TRÌNH TRỐN CHẠY KHỎI ĐẤT KHÁCH QUÊ NGƯỜI CỦA CÔ DÂU VIỆT

(Ảnh minh hoạ).

Hám lợi, những kẻ buôn người sẵn sàng coi đồng loại như hàng hóa. Nạn nhân ở nơi đất khách vẫn không thôi nhung nhớ quê nhà, họ tìm đủ mọi cách để thoát....

Sập bẫy lừa “việc nhẹ, lương cao”

Theo thống kê của công an, mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao chỉ sau ma túy và vũ khí. Mua bán người được Liên Hợp Quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”.

Đây là một trong những loại tội phạm hết sức nguy hiểm, xâm hại trực tiếp đến danh dự, uy tín, nhân phẩm và cướp đi tự do của công dân. Duy nhất chỉ có tòa án - cơ quan nhân danh Nhà nước mới có quyền hạn này, tuyệt nhiên quyền tự do cá nhân là bất khả xâm phạm.

Vì động cơ vụ lợi cá nhân, bọn buôn người coi thường quyền công dân của người khác, coi đồng loại của mình như một thứ hàng hóa để trao đối, mua bán. Thế nhưng tội ác nào cũng phải trả giá đắt, điển hình như vụ án Hoàng Thị Loan (SN 1977, HKTT xã Yên Mỹ, Lạng Giang, Bắc Giang) và Nguyễn Thị Hương (SN 1985, HKTT xã Hồng Lạc, Sơn Dương, Tuyên Quang) phạm các tội Mua bán người và tội Mua bán trẻ em.

Kết quả điều tra xác định: Năm 2012, các đối tượng Hà, Hồng (chưa xác định), Ninh Thị Lan và Hoàng Thị Loan sinh sống ở Trung Quốc nên biết đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ là phụ nữ Việt Nam. Từ đó, các đối tượng đã làm quen với Đặng Thị Hiền, Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Thị Hương rồi bàn nhau lừa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc bán lấy tiền chia nhau.

Hiền, Thắng và Hương có nhiệm vụ tìm “con mồi” đưa sang Trung Quốc cho Loan. Còn Hà, Lan, Hồng có nhiệm vụ tìm “đầu ra” là những người đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ Việt Nam và trực tiếp đi bán. Hà là người chỉ đạo.

Các đối tượng thỏa thuận ăn chia như sau: Người phụ nữ còn trẻ sẽ bán giá 50 nghìn Nhân dân tệ. Phụ nữ nhiều tuổi thì bán 30 – 40 nghìn Nhân dân tệ. Sau mỗi phi vụ, Hiền, Thắng và Hương sẽ được hưởng 5.000 Nhân dân tệ. Có nhiều đối tượng là nạn nhân của ổ nhóm mua bán người chuyên nghiệp này.

Tháng 10/2013, Đặng Thị Hiền, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Thị Hương đã lừa chị Tạ Thị D. và chị M. (chưa xác định) sang Trung Quốc, bán với giá 50 nghìn Nhân dân tệ. Chị D. may mắn đã thoát được về nước.

Tẩu thoát

Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, luật sư Phan Thị Hồng (đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) không khỏi trăn trở và xót xa nhất cho trường hợp của 2 chị em ruột cùng lúc trở thành nạn nhân của bọn mua bán người. Đó là cháu N.T.M.L. (15 tuổi) và cháu N.T.K.N. (13 tuổi).

Luật sư Hồng kể lại, hôm đó, chị em L. rủ nhau đi chơi, mua sắm quần áo, không may gặp đúng bọn lừa đảo. Với con mắt “cú vọ” chuyên đi “săn mồi”, mới liếc qua, Đặng Thị Hiền biết ai sẽ là nạn nhân của mình nên lập tức lân la làm quen với các cháu và bảo đang cần thuê người kiểm quần áo ở Bắc Giang với tiền công hậu hĩnh.

Tưởng thật, L. và N. đã đồng ý đi theo và không ngờ rằng chỉ vài tiếng đồng hồ sau đã có mặt ở nước bạn, phải chịu cảnh tủi cực khi bị ép bán về làm vợ cho những người đàn ông Trung Quốc.

Quá trình làm việc với nạn nhân, luật sư Hồng bị ám ảnh bởi sự tủi cực mà các cháu phải chịu đựng ở xứ người. Nhưng so với nhiều nạn nhân khác, L. và N. còn may mắn hơn bỏ trốn được về đoàn tụ cùng gia đình.

Kể lại hành trình nạn nhân tẩu thoát được khỏi động buôn người, luật sư Hồng thốt lên: “Phải công nhận các cháu còn ít tuổi nhưng cũng khá thông minh khi dùng “khổ nhục kế” để chạy thoát khỏi những người chồng mua vợ bằng tiền”.

Sau khi bị các “mẹ mìn” bán cho người Trung Quốc 19 tuổi để “làm vợ”, cháu L. đã khóc rất nhiều mặc dù gia đình người này cũng khá chiều chuộng và đối đãi với cháu tử tế. Duy chỉ có điều là họ luôn để mắt, canh giữ L. bởi biết cháu luôn muốn bỏ trốn.

Biết nhà hàng xóm có máy tính, L. giả vờ thích chơi game và cứ nằng nặc đòi “chồng” dẫn sang đó chơi, nếu không thì L. khóc lóc, không chịu ăn uống. Người chồng đồng ý cho L. chơi nhưng lúc nào cũng kè kè bên cạnh. Thấy vợ ngoan hơn, chồng mua cho L. 1 chiếc máy tính để cô bé không phải sang chơi nhờ hàng xóm. Từ khi có máy, L. ngoan hơn hẳn, không khóc lóc đòi về, cũng chu toàn việc nhà cửa, nấu nướng, cơm ngon canh ngọt phục vụ gia đình chồng. Thế nhưng, tất cả những việc này đều là kế sách của L. hòng lấy niềm tin của họ.

“Cứ khi có người ở bên cạnh là L. giả vờ thích thú những trò chơi điện tử. Nhưng khi ở một mình, cháu đã tìm hiểu và phát hiện ra hòm thư của 1 người Việt Nam đang sinh sống ở Trung Quốc. Thông qua người này, L. nhờ họ gửi giúp thông tin của mình về cho gia đình, là bên này cô vẫn bình an và sẽ sớm tìm cách trở về với bố mẹ”, luật sư Hồng nhớ lại.

Những ngày sau đó, L. được chồng vui vẻ dẫn đi chợ. Không bỏ lỡ cơ hội, L. kịp ghi nhớ đường đi lối lại, may mắn hơn là phát hiện ra đồn công an Trung Quốc cách chỗ L. ở không xa. Hôm sau nữa, L. lại ngoan ngoãn, tìm cách để được chồng cho đi chợ, L. cố ý mua thêm bia và thức ăn. Tối đó, mọi người đều vui vẻ bên bữa cơm thịnh soạn do chính tay cô dâu Việt nấu nướng. L. chuốc cho chồng uống thật say.

Không để tuột mất cơ hội quý báu, phòng L. ở trên tầng 2, chờ đêm xuống, cô quyết định tụt từ ống máng xuống đất rồi ba chân bốn cẳng chạy đến đồn công an Trung Quốc để nhờ sự giúp đỡ. Thế nhưng, do bất đồng ngôn ngữ, L. phải ở lại đồn công an khoảng 3 tháng, đến tận tháng 3/2014 mới được về Việt Nam.

Còn về phần cô em tên N. có phần tủi cực, gian truân hơn khi mà bị “sang tên, đổi chủ” tới 8 lần, bị 4 gia đình có hành vi xâm hại tình dục. May thay, gia đình người Trung Quốc cuối cùng mua N. thì lại có thái độ quý mến, chiều chuộng N.. Họ còn dạy N. tiếng Trung và đào tạo để bán hàng. Tuy nhiên, không lúc nào N. thôi nhớ về gia đình và luôn nung nấu ý định bỏ trốn. N. cũng tỏ ra ngoan ngoãn, vâng lời nhà chồng để tạo lòng tin. Mặt khác, N. cố gắng liên hệ với bạn bè và những người Việt Nam trong thời gian N. đi bán hàng về đường đi lối lại. Khi có cơ hội, N. lập tức bỏ trốn, men theo đường tiểu ngạch. Cuối cùng đến tháng 10/2014, cháu bé cũng được về đoàn tụ cùng gia đình.

Từ những vụ án đã tham gia, luật sư Phan Thị Hồng chia sẻ để người dân, nhất là cô gái trẻ đề cao cảnh giác.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

NỖI ĐAU NGƯỜI MẸ CÓ CON BUÔN MA TÚY KHI MỚI 16 TUỔI

Chồng qua đời vì bạo bệnh, bà Lê Thị Vân (Quế Phong, Nghệ An) nuôi 5 đứa con nhỏ. Ngày nghe tin Quyết bị bắt do tham gia đường dây mua bán ma túy, bà ngất lịm.

Cuối tháng 4/2021, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Vi Văn Quyết (SN 2005) trú tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An). Quyết bị Viện KSND tỉnh Nghệ An xét xử tội "Mua bán trái phép chất ma túy" cùng với 2 người khác. Vào thời điểm phạm tội, Vi Văn Quyết mới hơn 16 tuổi. Bà Lê Thị Vân (SN 1969), trú thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An) tới dự phiên tòa với tư cách là người đại diện hợp pháp cho bị cáo Vi Văn Quyết.

Mẹ "hầu tòa" cùng con

Theo quy định đối với phiên tòa xét xử người chưa thành niên phạm tội, bà được ngồi gần con trai mình. Thế nhưng, hầu như suốt cả buổi, 2 mẹ con chẳng nói chuyện với nhau. Mà thực ra, khoảng cách thế hệ, cộng với cái tính ẩm ương của tuổi mới lớn khiến Quyết không mấy khi chia sẻ, tâm sự gì với mẹ.

Bà ngồi bất động, chỉ khi tòa gọi mới luống cuống đứng dậy, chưa kịp nói gì nước mắt đã trào ra. "Tôi biết cháu nó có dùng ma túy, nhưng không bao giờ ngờ cháu dám đi buôn ma túy. Hôm công an đến nhà báo, dặn tôi chuẩn bị quần áo gửi vào cho cháu, tôi sốc quá, ngất xỉu tại chỗ. Tôi góa chồng, một mình nuôi 5 con...", bà khóc nghẹn.

Học đến lớp 8, Quyết bỏ ngang. Cậu lạc lối theo nàng tiên nâu lúc nào không hay. Chính vì phụ thuộc “nàng tiên nâu”, Quyết bị nhiều kẻ trên địa bàn nhắm thành mục tiêu vận chuyển hàng.

Nam thanh niên này ngay lập tức lọt vào mắt của Lữ Văn Thôn (SN 1986), trú cùng địa phương. Theo tìm hiểu, Lữ Văn Thôn có số má, nhiều lần đi tù về các tội “Trộm cắp tài sản”, “Trốn khỏi nơi giam giữ” và “Mua bán trái phép chất ma túy”. Giữa năm 2019, Thôn được mãn hạn tù. Ra tù không có công việc ổn định, Thôn lại tham gia vào đường dây mua bán ma túy lớn trên địa bàn. Mỗi lần giao dịch, Thôn ít khi xuất hiện mà sử dụng người thế thân. Lần này, Thôn lôi kéo cả thiếu niên cùng địa bàn tham gia vào đường dây ma túy.

Theo đó, trong một lần ra Hà Nội chơi, Thôn gặp 2 người đàn ông không quen biết tại khu vực Hồ Gươm. Hai người này đặt mua một kg ma túy đá và 50 gói ma túy hồng phiến với giá 400 triệu đồng. Thôn đồng ý và về tìm mối hàng.

Về quê, Lữ Văn Thôn điện thoại cho người đàn ông đặt mua 50 gói ma túy hồng phiến, một kg ma túy đá với giá 100 triệu đồng.

Đến ngày 15/10/2020, Thôn điện thoại cho Vi Văn Chung nói cầm tiền và rủ thêm Vi Văn Quyết đi nhận ma túy. Khoảng 13h30, Chung và Quyết đi lên xã Tri Lễ, huyện Quế Phong nhận ma túy rồi đem về nhà cất giấu.

Tối cùng ngày, Chung gọi điện cho Quyết đến lấy ma túy để đưa ra Hà Nội cho Thôn. Chung chở Quyết ra bắt xe khách ra Hà Nội. Quyết đang ngồi trên xe, thì bị công an kiểm tra, bắt giữ cùng tang vật. Từ lời khai của Quyết, công an bắt giữ 2 tên đồng phạm chính là Vi Văn Chung và Lữ Văn Thôn.

Vết trượt dài được báo trước

Lữ Văn Thôn chỉ thừa nhận hành vi liên quan đến một kg ma túy đá. “Bị cáo chỉ đưa 100 triệu đồng cho Chung lấy một kg ma túy đá. Số ma túy còn lại bị cáo không biết ở đâu mà ra...”, bị cáo Thôn khai.

Còn bị cáo Chung và Quyết thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Nhìn khuôn mặt non nớt của Quyết, run run kể về hành trình mình tham gia vào đường dây ma túy, ai cũng chạnh lòng. Nước mắt của bà Vân tuôn rơi khi nhìn về phía con trai. Người phụ nữ này cho biết rất buồn vì con lầm đường lạc lối. Bà hối hận vì không sâu sát khiến cho con phải vướng vào lao lý.

Bà cho biết vì mình sức khỏe yếu, thường xuyên phải đi bệnh viện. Trước đó, Quyết có xin tiền mua xe máy để chạy đi làm, phục vụ công việc. Thỉnh thoảng có xin tiền đổ xăng. Mãi sau này bà mới biết con mình dính đến ma túy. “Nó đòi mua xe máy, tôi cũng mua cho một cái xe cũ. Thỉnh thoảng thấy xin vài trăm, nói là đổ xăng, sửa xe nên tôi cũng không nghi ngờ gì, sau này mới biết nó nghiện ma túy gì đó. Tôi khóc hết nước mắt, khuyên ngăn con, bảo con thương mẹ, thương bố thì bỏ cái thứ chết người đó nhưng nó nào có nghe", người mẹ đưa tay lên lau nước mắt.

Bố mất khi Quyết mới 11 tuổi. Thiếu sự quản lý của bố và sự cứng rắn cần thiết của mẹ, Quyết học dở lớp 8 rồi nghỉ, kết thân với đám bạn trong thị trấn lêu lổng khắp nơi.

Quyết chơi chung với các anh lớn tuổi, có người cũng vài ba bận đi tù về. So với người mẹ suốt ngày chỉ biết khóc lóc, trách cứ, Quyết thấy chỉ có "anh em xã hội" này mới hiểu mình. Rồi Quyết biết đến ma túy, cũng từ những người anh em xã hội ấy. Lúc đầu thì họ mời, sau dần phụ thuộc vào ma túy, thì Quyết phải tự xoay xở, trong đó không ít lần kiếm cớ để xin tiền mẹ đốt vào ma túy.

Bởi vậy, khi Lữ Văn Thôn gọi điện về bảo đi cùng Vi Văn Chung lên xã biên giới Tri Lễ, gặp một người để lấy ma túy, Quyết đi ngay. Một phần vì "trượng nghĩa anh em", một phần ngầm hiểu sẽ có ma túy để dùng.

"Bố cháu mất sớm, tôi một mình nuôi con. Xin HĐXX giảm nhẹ án cho cháu, cho cháu ở gần, đừng cho cháu đi (đi thi hành án) xa", bà vặn vẹo 2 bàn tay vào nhau, nói vừa dứt câu đã ngồi thụp xuống, nước mắt lã chã rơi.

Suốt buổi xét xử, ít khi Quyết nhìn sang mẹ, dù rằng nhiều lần người mẹ đau khổ hướng ánh mắt về phía con. Kể cả khi HĐXX vào nghị án, dù chỉ ngồi cách nhau tầm 2 m, Quyết cũng chẳng nhìn hay nói chuyện với mẹ.

Khi thư ký phiên tòa giải thích thêm một lần nữa rằng, bà có thể ngồi gần con mình hơn để nói chuyện, bà Vân mới khẽ khàng dịch lại gần con trai. Hai mẹ con chưa kịp cất lời, thì HĐXX vào làm việc, thành ra, bà Vân cũng chưa nói được với con lời nào.

Trong vụ án này, Lữ Văn Thôn được xác định là kẻ cầm đầu, nhân thân xấu, lôi kéo người chưa thành niên phạm tội nên phải lĩnh án tử hình; Vi Văn Chung lĩnh án chung thân.

Riêng đối với Vi Văn Quyết, phạm tội với vai trò đồng phạm tích cực nhưng do dưới 18 tuổi, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, phạm tội lần đầu nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật và bị tuyên phạt 10 năm tù.

Vi Văn Quyết và đồng bọn được dẫn giải ra khỏi phòng xét xử ngay khi phiên tòa kết thúc. Quyết quay về phía dưới, đưa 2 cánh tay bị còng lên cao vẫy chào "anh em xã hội". Bà Vân ngơ ngác đứng nhìn, định chạy theo con, nhưng rồi lưỡng lự quay lưng bước theo hướng khác. Khoảng cách giữa bà và con trai như ngày càng xa hơn.

(Nguồn: Zing News)

CHA MẸ CÓ ĐƯỢC LẤY TIỀN LÌ XÌ CỦA CON?

(Ảnh minh hoạ).

Mừng tuổi, lì xì cho trẻ em là tục lệ đẹp ngày Tết. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ sau Tết lại tự ý thu, lấy luôn tiền lì xì của con. Hành động này có hợp pháp?

Giải đáp về tình huống này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, cho biết trong một số trường hợp, việc cha mẹ thu tiền lì xì của con là vi phạm pháp luật.

"Pháp luật Việt Nam ghi nhận bảo đảm và bảo vệ quyền trẻ em trong đó có quyền về tài sản. Theo đó, Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật dân sự đều có những quy định về đảm bảo quyền tài sản của trẻ em", luật sư Cường nói.

Trích dẫn Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, luật sư cho biết con cái có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng ở đây được hiểu là: Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác.

"Trong khi đó, tiền lì xì là tiền người lớn tặng cho trẻ em trong dịp Tết nên đây là giao dịch tặng cho và số tiền này là tài sản riêng của trẻ em. Với những trẻ em dưới 15 tuổi thì cha mẹ có thể quản lý giữ giúp tiền của trẻ em, với trẻ em từ 15 tuổi trở lên thì có thể tự mình quản lý tiền lì xì của mình, theo Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình", ông Cường cho hay.

Tiếp tục căn cứ vào Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình, luật sư Đặng Văn Cường nhận định trẻ từ đủ 15 tuổi trở lên được quyền quản lý tài sản riêng (bao gồm tiền lì xì). Trường hợp dưới 15 tuổi thì tài sản riêng do cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý nhưng chỉ được định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con. Như vậy, cha mẹ không thể tự ý lấy tiền lì xì của con phục vụ cho mục đích khác (không vì lợi ích của con).

Nếu cha mẹ giữ tiền của con trong trường hợp vi phạm pháp luật thì có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cha mẹ tự ý lấy tiền lì xì của con để phục vụ mục đích khác, sẽ bị phạt tiền 20 - 30 triệu đồng về lỗi "chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình".

(Nguồn: Dân Trí)

(Xem thêm:

=> 3 thanh niên hiếp dâm bé gái; Cuộc chiến thông gia; Đường sa ngã của kẻ 'say tình' ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang