Chuyện nhiều ca sĩ hát sai lời; 'Hoa hậu trí khôn' gây bão; Nhiều tỉnh nắng nóng lịch sử; Cạn vaccine tiêm chủng mở rộng

Chuyện nhiều ca sĩ Việt hát sai lời

(Ảnh minh họa).

Đêm nhạc “Trần Tiến - Nửa thế kỷ phiêu bạt” vừa qua thu hút khoảng 4.000 khán giả tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Nữ ca sỹ đang ăn khách Uyên Linh hát nhạc phẩm quen thuộc “Giấc mơ Chapi” cực “cháy” nhưng lại bị bắt lỗi sai lời.

Nhạc sĩ cũng hát sai lời

Lời bài hát của Trần Tiến: “Ở nơi ấy tôi đã thấy trên ngọn núi cao/Có hai người, chỉ có hai người yêu nhau/Họ đã sống không mùa đông không mùa nắng mưa/Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau”.

Phóng viên liên lạc với Uyên Linh cô thừa nhận hát sai lời “chút ít”. Có người đánh giá: Uyên Linh với Giấc Mơ Chapi là tiết mục dở nhất chương trình. Vì Giấc Mơ Chapi rất quen thuộc với nhiều khán giả nên việc hát sai lời dễ bị phát hiện và dễ khiến khán giả tuột cảm xúc.

Kết nối với nhạc sĩ Trần Tiến, ông nói không hề biết việc Uyên Linh hát sai lời ca khúc Giấc Mơ Chapi vì lúc đó ông đang chuẩn bị tiết mục của mình. Tuy nhiên, ông không cho đó là lỗi nghiêm trọng: “Ca sĩ không có lỗi lắm đâu. Vì chính tác giả Trần Tiến hát ca khúc của mình cũng còn bị sai lời. Ngay cả bạn, nếu bạn lên sân khấu hát cho bạn bè nghe ca khúc của Trần Tiến thì sẽ có lúc bạn tự hỏi: Tại sao mình lại phản bội ông Trần Tiến thế nhỉ? Hát sai lời là chuyện bình thường, có thể do cảm xúc chi phối khiến ca sĩ tự nhiên quên hoặc lẫn. Như hôm đó tôi hát bài của tôi mà còn không biết bắt đầu từ đâu, vì không nhớ được lời. Với bài “Rock đồng hồ”, tôi phải hỏi các cháu: Bài đó như thế nào nhỉ? Rồi mới hát được. Cho nên tôi không nặng nề chuyện hát sai lời. Cứ vui là được. Nghêu ngao ngoài sân khấu lúc hay, lúc dở, lúc nhớ lời, lúc quên lời, ca sỹ nổi tiếng trên thế giới cũng thế. Chuyện hát sai lời chỉ là một sự cố đáng tiếc thôi”.

Có khán giả “soi”, không phải lần đầu Quán quân Vietnam Idol mùa 3 năm 2010, hát sai lời. Trong quá khứ, Uyên Linh từng hát sai lời “bét nhè” với ca khúc Nối Vòng Tay Lớn (Trịnh Công Sơn), trong chương trình ca nhạc hưởng ứng giờ trái đất ở quảng trường thành phố Nha Trang. Hồi ấy, không ít khán giả trẻ bất ngờ và thất vọng vì Nối Vòng Tay Lớn là ca khúc “nằm lòng” của học sinh, sinh viên.

Đứa con bị đặt sai giới tính

Quốc Bảo là chủ nhân của nhiều ca khúc đình đám: Tóc Nâu Môi Trầm, Tình Ca, Dạ Khúc, Bình Yên… Về chuyện ca sĩ hát sai lời ca khúc của mình, ông chọn giải pháp im lặng: “Tôi bị hát sai hoặc thiếu lời rất nhiều mà chẳng nói gì. Có vẻ như các bạn ca sĩ lười học lời, lên sân khấu mang cái iPad để đọc lời nữa nên càng không thuộc”.

Theo Quốc Bảo, không hẳn chỉ ca sĩ trẻ mới hát sai lời, ông không ngại “điểm danh” một bậc đàn anh trong nghề hát: “Ngay cả anh Tuấn Ngọc cũng có thuộc lời đâu”. (Nhắc đến Tuấn Ngọc, lại nhớ đến ồn ào gần đây của danh ca khiến cư dân mạng “dậy sóng”.

Một số nhạc sĩ trẻ cũng “dị ứng” với việc ca sỹ hát sai lời.

Với Đông Thiên Đức: “Ca sĩ hát sai lời bài hát của tôi khiến tôi cảm thấy như đứa con của mình bị đặt sai giới tính vậy. Rất ức chế. Chỉ thay vài từ, vài câu đã làm ‘vẹo’ hết kết cấu bài hát”.

Anh xác nhận hiện nay việc ca sỹ hát sai lời không hiếm mà nhiều vô kể. Tác giả Ai Chung Tình Được Mãi tìm ra một số lý do khiến ca sĩ hát khác lời: “Họ cố tình thay đổi vài từ để tạo cái mới trong phần thể hiện của mình, vì bài này trước kia đã có ca sĩ khác thể hiện thành công quá rồi”. Theo Đông Thiên Đức, chính làn sóng “cover” thịnh vượng hiện nay cũng đưa đến việc ca sĩ sửa lời bài hát.

Thí dụ, Ai Chung Tình Được Mãi mà các ca sĩ vẫn hát hiện nay lại là bản sửa. Bản gốc của Đông Thiên Đức: “Đôi chân mang lặng thinh bước một mình mặc đời khiêu khích”. Bản sửa: “Đôi chân mang lặng thinh thương một người không hề toan tính”. Hay câu khác, Đông Thiên Đức viết: “Chỉ là vì chẳng muốn yêu ai, khi cô đơn trêu cánh hoa dại”. Nhưng bị sửa thành: “Chỉ là vì chẳng muốn yêu ai, khi mình anh với những đêm dài”.

Khi Ai Chung Tình Được Mãi được phát hành, Đông Thiên Đức đã hỏi ca sĩ tại sao sửa lời, họ đáp: “Sửa lời để cả nam và nữ đều có thể hát được”. Đến nay, bản gốc Ai Chung Tình Được Mãi chỉ còn một người hát, chính là cha đẻ của nó: “Tôi quên cách ấm ức rồi chỉ thấy hơi tiếc khi đôi câu trong bài bị sửa. Lâu lâu tôi đem bản gốc ra ngồi nghêu ngao hát cho mình ta nghe”, Đông Thiên Đức nói.

Đừng hát “xuyên tạc”

Nữ Hoàng Sầu Muộn chia sẻ: Ở tuổi 74 bà vẫn không cần cầm giấy để nhớ lời bài hát, cũng chưa bị sai lời bao giờ. Thời của Giao Linh, ca sĩ hát chuẩn lời, nhạc sỹ không phải phàn nàn. Bà giải thích: “Hồi ấy chúng tôi rất nghiêm túc khi thu băng. Trước khi thu băng, nhạc sĩ cầm bản gốc đưa cho ca sĩ, rồi ca sĩ tập kỹ mới thu. Một ngày người ta thu mấy chục bài, hết ca sĩ này đến ca sĩ khác, nếu mình không tập kỹ cứ thu đi thu lại sẽ phiền ban nhạc lắm. Nếu nhạc công khó chịu thì đàn không hay. Vì thế, mình phải nghiêm túc để mọi người cùng hay”.

Vì mỗi ca khúc đều tập kỹ nên hát ở phòng thu hay trên sân khấu ca sỹ đều không bị sai lời. Theo bà, một số ca sỹ hiện nay mắc lỗi hát sai lời có thể bắt nguồn từ việc không có văn bản gốc: “Có thể đã sai từ người chép bài hát đưa cho ca sĩ hát. Chứ tôi không nghĩ một ca sĩ biết sai lời vẫn hát”. Cũng có trường hợp ca sỹ lớn tuổi, trí nhớ suy giảm hay quên lời.

“Nữ hoàng nhạc Rock” thập niên 90 - ca sĩ Ngọc Ánh cũng có ý kiến tương tự: “Có thể người ta lấy bài trên mạng, phần lời trên mạng lại thiếu chính xác. Hoặc các ca khúc karaoke cũng hay sai phần lời. Nếu ca sĩ không để ý cứ bê nguyên lên sân khấu sẽ bị ‘dính’. Tốt nhất nên tìm văn bản gốc của bài đó. Dù nhạc xưa hay nhạc mới đều cần tìm đến văn bản gốc thì lời mới chuẩn”. Ngọc Ánh chia sẻ, chị đi hát đã 40 năm, cũng có lần hát sai lời: “Hồi đó tìm văn bản gốc khó khăn, phải hát bằng văn bản truyền miệng. Bây giờ Internet phát triển mọi việc dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi chỉ cần kết nối với nhạc sĩ, nhờ họ chụp lại bản gốc và chuyển ảnh cho mình là xong rồi. Mà tôi nói thêm, lấy bài hát trên mạng không những dễ bị sai lời mà còn sai cả nốt nhạc luôn”.

Ca sĩ Siu Black xác nhận, chị cũng từng hát sai lời. Theo chị, hát sai lời thường xuất phát từ vài nguyên nhân căn bản: “Thứ nhất, bài mới, chưa tập nhiều thì hay sai lời, hay lộn lời, đáng phải hát lời 2 thì lại hát lời 1”. Bằng kinh nghiệm của mình Siu Black nhắn đồng nghiệp trẻ: “Nhiều lúc hát chơi thì cũng đừng hát xuyên tạc lên sân khấu dễ ‘dính’. Tôi cũng từng bị ‘dính’ nhưng chữa lại được liền”.

Ngọc Ánh khẳng định: Chị chưa bao giờ sửa lời ca khúc. Ngay cả khi ca khúc ấy gây tranh cãi. Ngày trước, khi hát Mùa Xuân Bên Cửa Sổ (Xuân Hồng) nhiều ca sĩ “kiêng” chữ “hôn” trong câu hát mở đầu, họ đổi thành “yêu” nhưng Ngọc Ánh giữ nguyên: “Năm 1989, bản thu âm đầu tiên của tôi cho Đài tiếng nói Việt Nam, tôi hát: “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau”.

Cũng không ít ca sĩ trẻ tôn trọng văn bản gốc. Đông Thiên Đức kể: “Tôi mới phát hành ca khúc Ngày Mai Người Ta Lấy Chồng. Ca sĩ Thành Đạt giữ nguyên không sửa bất kỳ chữ nào khi hát ca khúc này. Tôi thấy rất vui”.

(Nguồn: Kenh14)

Thực hư cuộc thi 'Hoa hậu trí khôn Việt Nam' đang gây bão mạng

Ban tổ chức Gương mặt MC Nhân văn cho biết "Hoa hậu trí khôn Việt Nam" chỉ là tình huống giả định nằm trong khuôn khổ cuộc thi.

Ngày 21/5, trao đổi với Zing, chị Nguyễn Khánh Ly - trưởng ban tổ chức cuộc thi Gương mặt MC Nhân văn cho biết Hoa hậu trí khôn Việt Nam là tình huống giả định nằm trong một tiểu phẩm diễn tại vòng chung kết cuộc thi. Sự kiện diễn ra vào tối 20/5 ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM.

"Chúng tôi chọn hai tiểu phẩm là các sự kiện diễn ra gần đây trong đời sống xã hội, nhận được sự quan tâm của mọi người. Và Hoa hậu trí khôn Việt Nam là tình huống giả định về một cuộc thi nhan sắc chưa được cấp phép, bị Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tới, yêu cầu dừng cuộc thi. Sau khi 4 thí sinh xem tiểu phẩm sẽ lên khai thác hiện trường và thực hiện phần thi hiện dẫn", chị Khánh Ly cho hay.

Theo Khánh Ly, Gương mặt MC Nhân văn là cuộc thi nhằm tìm kiếm tài năng MC trên địa bàn TP.HCM. Cuộc thi đã trải qua 3 mùa nhưng không phải sự kiện thường niên.

Cuộc thi được tổ chức bởi Đoàn - Hội khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Chung kết Gương mặt MC Nhân văn 2023 diễn ra vào tối 20/5 với người chiến thắng là thí sinh Triệu Gia Uyên. Đăng Khoa giành vị trí á quân. Các giám khảo của cuộc thi gồm MC Thanh Thanh Huyền, Phụng Yến và Thúy Hằng.

Sáng 21/5, hình ảnh các thí sinh diện áo dài trắng, cầm nón biểu diễn, phía sau là dòng chữ "Vòng chung kết MIQVN 2023 - Hoa hậu trí khôn Việt Nam" nhận sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Phần đông khán giả tò mò về việc đây là hình ảnh trong cuộc thi sắc đẹp hay trí tuệ.

"Tên cuộc thi độc lạ quá. Lỡ mà out top thì sao"; "Cuộc thi hoa hậu lần đầu nghe tên"; "Không hiểu các thí sinh sẽ thi Hoa hậu trí khôn ra sao"... là những bình luận từ các tài khoản mạng.

(Nguồn: Zing News)

Hàng loạt địa phương nắng nóng nhất lịch sử

(Ảnh minh họa).

Chiều 7/5, tại huyện Tương Dương Nghệ An ghi nhận mức nhiệt 44.2 độ, là mức nhiệt cao nhất được ghi nhận tại địa điểm này, cũng là cao nhất trong lịch sử Việt Nam. Cùng với Tương Dương, 35 địa phương khác cũng ghi nhận nóng nắng gay gắt nhất trong lịch sử tháng 5 tại địa phương đó.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm nay đến sớm và khốc liệt hơn so với trung bình nhiều năm trước. Ngay từ cuối tháng 3, khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xuất hiện nắng nóng gay gắt chính hè với nhiều kỷ lục nhiệt độ cao nhất ghi nhận được trong tháng 3 trên cả nước.

Tính từ tháng 3 đến nửa đầu tháng 5, trên cả nước đã xảy ra 10 đợt nắng nóng diện rộng. Trong đó, đáng lưu ý đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt diện rộng từ 4-7/5.

Trong đợt nắng nóng này, 36 điểm đo tại các địa phương ghi nhận nắng nóng kỷ lục trong lịch sử quan trắc cùng thời kỳ, tập trung tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Bến Tre, Đồng Nai.

Đáng lưu ý, nhiều điểm đo ghi nhận nhiệt độ rất cao trên 43 độ như Hồi Xuân (Thanh Hóa) 44.1 độ, Lạc Sơn (Hòa Bình) 43.4 độ, Quỳ Hợp (Nghệ An) 43.4 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 43.3 độ, Đô Lương (Nghệ An) 43.2.

Đáng lưu ý, chỉ tính riêng nửa đầu tháng 5, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1,5 độ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực Tây Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa-Quảng Ngãi, Tây Nguyên cao hơn từ 1,5-2 độ, có nơi trên 2 độ.

Nắng nóng gay gắt trong tháng 6-8

Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) nhận định, năm 2023 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,08 -1,32 độ so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.

Đây có khả năng là năm thứ 10 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1 độ so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp, kèm theo đó là tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực.

Tại Việt Nam từ nay đến cuối năm có khả năng chịu sự chi phối của El Nino - hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương.

Dự báo hiện tượng El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2023 với xác suất khoảng 70-80% và có thể kéo dài sang đầu năm 2024.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, trong điều kiện El Nino, hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường.

Dự báo trong tháng 6-8 sẽ là đỉnh điểm của mùa hè năm nay ở miền Bắc và miền Trung. Trong thời gian này, nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, số ngày nắng nóng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong điều kiện El Nino, hầu hết các vùng trong cả nước có nhiệt độ trung bình các tháng cao hơn bình thường, nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn, khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.

Cùng với nắng nóng kỷ lục, năm nay, nhiều vùng trên cả nước có thể đối mặt với hạn hán khốc liệt, cùng với đó là tình trạng xâm nhập mặn gia tăng trên các dòng sông, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người dân.

(Nguồn: Tiền Phong)

Nhiều địa phương cạn vaccine tiêm chủng mở rộng, vì sao?

Không chỉ TP.HCM, nhiều địa phương khác cũng đứng trước nguy cơ hết vaccine tiêm chủng mở rộng.

Vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cung cấp định kỳ với số lượng căn cứ đăng ký về nhu cầu tiêm chủng của mỗi địa phương.

Tình trạng chung ở nhiều địa phương

Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 15/5, các cơ sở tiêm chủng hết hoàn toàn vaccine DPT-VGB-HiB và DPT. Đây là vaccine 5 trong 1, có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib. Vaccine này được cấp lần gần nhất vào tháng 10/2022, đã hết từ đầu tháng 3/2023.

Bên cạnh đó, vaccine DPT (phòng 3 bệnh truyền nhiễm bạch hầu - ho gà - uốn ván hấp phụ) được cấp lần gần nhất vào tháng 2/2023, hết từ đầu tháng 5/2023.

Các loại vaccine khác trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng còn với số lượng hạn chế. Dự kiến hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm. Từ cuối tháng 5 đến tháng 9, thành phố sẽ hết lần lượt các loại vaccine viêm gan B, viêm não Nhật Bản, lao (BCG), bại liệt (bOPV), sởi, uốn ván (VAT), sởi và rubella (MR).

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC), từ tháng 4 nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận hiện tượng thiếu vaccine 5 trong 1. Các loại vaccine khác số lượng hạn chế. Dự kiến trong vài tháng tới sẽ hết vaccine nếu không được cung cấp thêm.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội thông tin, đây là tình trạng chung của tất cả tỉnh thành, do từ trước đến nay các địa phương chỉ có một nguồn cung vaccine duy nhất là từ Bộ Y tế.

Đại diện CDC Hà Giang chia sẻ, nửa năm nay, địa phương không có vaccine DPT-VGB-HiB để tiêm, còn vaccine DPT hai tháng qua đã hết.

Theo các chuyên gia y tế dự phòng, nếu chậm vaccine 1, 2 tháng thì không ảnh hưởng nhiều, nhưng để thiếu vaccine kéo dài sẽ dẫn đến rất nhiều hệ luỵ, dễ bùng phát dịch.

Thiếu vaccine miễn phí do đâu?

Tại công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành trực thuộc trung ương về việc cung ứng các loại vaccine cho tiêm chủng mở rộng, vitamin A và thuốc kháng HIV (ARV), Bộ Y tế cho biết, những năm qua, trên cơ sở ngân sách trung ương được Bộ Tài chính cấp, Bộ Y tế tổ chức mua sắm vaccine cho tiêm chủng mở rộng, cấp phát, điều phối cho các địa phương.

Tuy nhiên, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vaccine cho tiêm chủng mở rộng, vitamine A cho trẻ em dưới 5 tuổi, thuốc ARV, thuốc chống lao cho các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế... mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. Nghĩa là địa phương sẽ tự mua sắm vaccine tiêm chủng mở rộng phục vụ nhu cầu của tỉnh thành.

Các địa phương kêu khó do chưa triển khai lần nào, chưa tìm được nguồn cung và cũng lo giá mua chênh lệch. Nhiều tỉnh thành đề xuất phương án Bộ Y tế nên tiếp tục đấu thầu tập trung mua sắm các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các thuốc ARV, Vitamin A hoặc thực hiện đàm phán giá.

Bộ Y tế cho rằng việc này là không khả thi và đề nghị các Sở Y tế xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng, báo cáo UBND địa phương bố trí kinh phí và tổ chức mua sắm, không để thiếu thuốc, vaccine.

Tại cuộc họp với Bộ Y tế ngày 11/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục triển khai đấu thầu, gỡ vướng việc thiếu vaccine. Sau chỉ đạo của Chính phủ, ngày 12/5, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương gửi công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương đăng ký nhu cầu vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đại diện của các Sở Y tế TP.HCM, Hà Giang, Quảng Ninh… cho biết đã gửi đăng ký nhu cầu vaccine đến Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hầu hết các địa phương này đều đăng ký số lượng vaccine cho năm 2023 và dự trù thêm 6 tháng của năm 2024.

(Nguồn: VTC)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang