Chuyện nhà vệ sinh công cộng; Xếp hàng bốc thăm NƠXH; Quy hoạch tuần qua; Bao giờ khởi công vành đai 4?

Nhà vệ sinh công cộng ở 2 thành phố lớn, trả phí để không phải 'nín thở'

(Ảnh minh họa).

Để không phải vào rồi “nín nhịn” quay ra ngay hoặc “giải quyết nỗi buồn” trong tâm trạng “nín thở”, nhiều bạn đọc ý kiến, sẵn sàng trả phí để được dùng nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, tiện dụng.

Cần nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ

Trước thực trạng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) vừa thiếu hoặc có mà cũ bẩn, nhếch nhác, bạn đọc Như Quân bày tỏ: “Thành phố năng động nhất nước, phát triển nhanh, nhưng cái tiện ích nho nhỏ nơi góc phố này thì vẫn chưa phát triển đúng tầm”.

Bạn Phan Văn Dũng cũng ý kiến: “Vào những nơi này nhiều lúc còn băn khoăn không biết nước có sạch không nữa. Nói chung bần cùng lắm mới phải vào”.

Hay bạn đọc Việt Linh nhận xét: “Hà Nội giờ quá thiếu NVSCC, đi dọc cả một vòng hồ Gươm mới có 1 cái, trên các phố cổ đi bộ thì chẳng nhìn thấy đâu”.

Còn bạn Minh Khải Trần nhìn nhận: “Nhiều NVSCC từ thời bao cấp còn sót lại, vẫn sử dụng, nhìn thật lạc lõng với thành phố phát triển”…

Từ đó, nhiều bạn đọc cho rằng, thành phố cần xây dựng thêm và cải tạo NVSCC cho thật khang trang, sạch sẽ để không chỉ phục vụ du khách mà rất nhiều người dân cũng có nhu cầu.

Theo bạn Nguyễn Đức Trung: “Như cái NVSCC trên phố Hàng Giầy là tốt quá rồi, nhìn sạch sẽ. Ít ra cần thêm vài cái như vậy trên các phố đi bộ cho người dân thoải mái”.

Tương tự, bạn Bình Nguyên mong muốn: “Chẳng cần phải rộng rãi, khang trang làm gì cho tốn kém; quan trọng là bồn bệ sạch sẽ, đầy đủ nước rửa tay”.

Bạn Minh Hiếu ý kiến: “Người dân sẵn sàng mất phí 5 nghìn để có NVSCC sạch sẽ, tiện dụng. Chứ giờ nhiều khi vào nhìn thấy rồi lại quay ra, hay mới tới cửa đã thấy mùi phát hoảng”.

Đừng coi NVSCC là công trình phụ

Theo bạn Xuan Dinh Nguyen: “Đừng coi công trình vệ sinh là công trình phụ. Nó là công trình chính và rất chính. Cứ tưởng tượng ngoài nhà ở, phòng ở, không có công trình này thì làm sao đây? Mà lại ở thành phố rất lớn nữa. Nhà hay căn hộ của mình mà hỏng hóc ở khu vệ sinh thì ai cũng ưu tiên giải quyết trước các hạng mục khác. Đừng có ý tưởng chỉ là công trình xã hội hoá. Coi là trọng điểm đi. Thành phố lớn, tiềm lực kinh tế mạnh phải trích ra mà đầu tư, còn xã hội hóa được nhiều thì càng tốt”.

Bạn đọc này cũng thẳng thắn đề nghị: “Coi nó là phụ nên lơ là, chứ coi là rất chính mà chỉ đạo thì chắc không để xảy ra tình trạng như đã xảy ra. Đề nghị nhiều nơi kiểm tra lại để đập bỏ xây mới hay tu bổ sửa chữa... Cố gắng giải quyết trong nửa năm cuối để loại công trình này có bộ mặt mới phục vụ không những cho người trong nước mà cả khách nước ngoài khi đến Việt Nam”.

Đồng tình quan điểm trên, bạn Trần Hiếu Nghĩa cho rằng, chỉ cần lãnh đạo thành phố quan tâm tới là các đơn vị họ triển khai được ngay.

Bạn Bùi Dũng cũng nhấn mạnh: “Cần có sự quan tâm đúng mức của các lãnh đạo thành phố mới được, phát triển du lịch cần đi kèm các tiện ích chất lượng mới đồng bộ”.

Thậm chí, bạn Nam Q. còn gợi ý: “Thành phố cần quan tâm, cấp đất, đầu tư xây dựng NVSCC và kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Trang bị nội thất hiện đại, có người trông nom, dọn dẹp, bảo dưỡng. Nhưng không nên chỉ nghĩ đến khách du lịch, mà cần quan tâm đến đông đảo bà con lao động đang mưu sinh tại thành phố. Chỉ nên thu phí 1.000 - 2.000đ/người/ lần”.

Ngoài ra, theo bạn Nam Q., có thể khuyến khích các doanh nghiệp tài trợ như một hoạt động xã hội, từ thiện (có thể gắn bảng ghi danh tại các NVS mà họ bảo trợ). Giao cho UBND các phường chịu trách nhiệm quản lý. Nơi nào để mất vệ sinh, xuống cấp, sẽ bị công khai nhắc nhở, phê bình trên báo chí, truyền thông”…

Trước mắt, bạn đọc Vũ Hiền ý kiến: “Trong thời gian xây dựng hoặc sửa chữa các NVSCC, Hà Nội cũng nên vận động các nhà hàng, quán cà phê nếu được treo biển miễn phí vệ sinh cho du khách. Đà Nẵng, TP.HCM đã có giải pháp tình thế như vậy.

Bạn Nguyễn Toàn Vinh bày tỏ: “Sẽ phải cố gắng nhiều lắm mới đạt chuẩn một thành phố văn minh lịch sự, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi từ những điều nhỏ nhặt như NVSCC này”.

(Nguồn: Vietnamnet)

Ô tô xếp hàng dài đi bốc thăm nhà ở xã hội

Nhiều người đi ô tô đến bốc thăm mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn tại Nhà thi đấu quận Cầu Giấy, ô tô xếp hàng dài hai bên đường Trần Quý Kiên, gần khu vực nhà thi đấu.

Sáng 20/5, hơn 1.300 người tham gia bốc thăm mua 149 căn nhà ở xã hội NHS Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tại Nhà thi đấu quận Cầu Giấy.

Theo ghi nhận, khoảng10h30 buổi bốc thăm mới bắt đầu nhưng từ sáng sớm hơn 1.300 người đã có mặt, xếp hàng dài bên ngoài nhà thi đấu để làm thủ tục bốc thăm 149 suất nhà ở xã hội dự án NHS Trung Văn . Có người đến xếp hàng làm thủ tục từ 4h sáng.

Tuy nhiên, dù là dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng người thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở nhưng theo ghi nhận, nhiều người đi ô tô đến bốc thăm mua nhà ở xã hội tại dự án này. Khoảng 500m hai bên đường Trần Quý Kiên, đoạn qua cổng Nhà thi đấu quận Cầu Giấy ô tô xếp hàng dài.

Bà T. bán nước gần khu vực nhà thi đấu Nhà thi đấu quận Cầu Giấy cho biết: “Sáng nay, lượng ô tô đỗ ở đường Trần Quý Kiên tăng đột biến, xếp hàng dài. Nhiều ô tô đỗ chắn ngang quán khiến tôi không bán được hàng. Tôi hỏi thì họ bảo là vào bốc thăm mua nhà ở xã hội nên đỗ một lát rồi đi". Cũng theo bà T, sau khi bốc thăm, nhiều người cầm hồ sơ vội vã lên ô tô rời đi.

Được biết, buổi bốc thăm với 1.300 hồ sơ sẽ chọn ra 149 hồ sơ, tỷ lệ chọi gần 1/9. Như vậy, sẽ có 1.151 hồ sơ ”bị loại”. Sau buổi bốc thăm, nhiều người vui mừng vì đã bốc trúng phiếu mua nhà, nhưng đa số buồn bã ra về vì bốc phải phiếu trắng.

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội có thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê nhà ở xã hội đợt 1 dự án nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc dự án Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu (tên gọi khác NHS Trung Văn) thuộc phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS (đại diện Liên danh chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS và Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 4) làm chủ đầu tư.

Dự án có quy mô sử dụng đất là hơn 2.726m2, quy mô dân số 560 người. Dự án gồm 275 căn hộ với một khối nhà chung cư cao 32 tầng nổi và 2 tầng hầm. Dự án có tổng mức đầu tư 571 tỷ đồng. Các căn hộ nhà ở xã hội tại dự án này có diện tích từ 69,9m2 đến 76,8m2.

Theo thông báo của Sở Xây dựng, dự án có 157 căn hộ để bán, 67 căn để thuê. Giá bán căn hộ được duyệt là hơn 19,5 triệu đồng/m2, giá thuê căn hộ khoảng 99.000 đồng/m2/tháng. Đây là mức giá bán dự án nhà ở xã hội lần đầu cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội.

Như vậy, để sở hữu căn nhỏ nhất (diện tích 69,9 m2) tại dự án NHS Trung Văn, người mua cần bỏ ra khoảng 1,39 tỷ đồng và 1,52 tỷ đồng cho căn lớn nhất diện tích 76,8 m2. Trong khi đó, người thuê sẽ phải bỏ ra hơn 7 triệu đồng/tháng để thuê căn hộ dự án.

Được biết, theo thông báo của chủ đầu tư, chiều 21/5 sẽ tổ chức bốc thăm quyền thuê và vị trí căn hộ tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn. Địa điểm tổ chức bốc thăm tại Văn phòng đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS, Nhà NO9B1- Khu ĐTM Dịch Vọng, phố Thành Thái, Cầu Giấy.

Liên quan đến dự án này, như Tiền Phong phản ánh trước đó nhiều sàn môi giới bất động sản đã rầm rộ rao bán căn hộ dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, với giá chênh từ 300-500 triệu đồng/căn hộ tùy vị trí.

(Nguồn: CafeF)

Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (15/5 - 21/5): Sẽ quy hoạch hai tuyến đường và cầu kết nối Tây Ninh - Bình Dương, Hải Phòng sắp mở rộng nhiều tuyến đường nội đô

(Ảnh minh họa).

Sẽ quy hoạch hai tuyến đường và cầu kết nối Tây Ninh - Bình Dương; Hải Phòng sắp mở rộng nhiều tuyến đường nội đô; Hà Nam khởi công nút giao Phú Thứ và đường kết nối; Đưa vào vận hành tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Sẽ quy hoạch hai tuyến đường và cầu kết nối Tây Ninh - Bình Dương

Vừa qua, tại tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Tây Ninh đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2025.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hai bên tham mưu, đề xuất đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông kết nối vùng; triển khai các nội dung có liên quan đến hai địa phương trong các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt như Quy hoạch mạng lưới đường bộ; Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa.

Cùng với đó, thống nhất quy hoạch hai tuyến đường và cầu kết nối từ ĐT 789 (Tây Ninh) - ĐT 744 (Bình Dương) trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu, lựa chọn đầu tư một dự án kết nối và khởi công trong giai đoạn 2024 - 2025.

Hải Phòng sắp mở rộng nhiều tuyến đường nội đô

Tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, HĐND TP Hải Phòng khóa XVI đã ra nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo vỉa hè, đường Nguyễn Bỉnh khiêm, Lê Lợi và một số tuyến đường nội đô thành phố với tổng chi phí đầu tư hơn 434 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng gần 18 tỷ đồng, chi phí xây lắp gần 330 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi khác gần 41 tỷ đồng và chi phí dự phòng gần 43 tỷ đồng.

Quy mô đầu tư bao gồm cải tạo, mở rộng mặt đường tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đoạn từ đường Văn Cao đến trạm bơm Kiều Sơn, chiều dài khoảng 0,83 km); cải tạo, mở rộng tuyến đường Lê lợi (điểm đầu giao với Cầu Đất, điểm cuối tại Ngã 6 Máy Tơ, chiều dài khoảng 1,36 km); chỉnh trang 16 tuyến đường nội đô thành phố với tổng chiều dài 11,18 km.

Hà Nam khởi công nút giao Phú Thứ và đường kết nối

Vừa qua, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, TP Phủ Lý.

Nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối có quy mô xây dựng nút giao trước mắt gồm hai tầng. Trong đó, tầng 1 sẽ xây dựng hầm trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với quy mô 6 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 120 km/h.

Tầng 2 sẽ xây dựng 4 nhánh ra, vào cao tốc kết nối với đường bên vành đai 5 và đường địa phương. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025.

Riêng tầng 3, gồm cầu vượt trên cao của đường vành đai 5 - vùng thủ đô vượt cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Được dự trữ quỹ đất theo phương án nút quy hoạch để đầu tư xây dựng ở giai đoạn sau).

Đưa vào vận hành tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Đúng 10 giờ sáng ngày 19/5, tuyến đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết (dài 101 km) thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 chính thức đưa vào vận hành.

Hiện nay, các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu nút giao Vĩnh Hảo kết nối với dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đi TP HCM.

Dự án đưa vào khai thác đã hoàn thiện 05/05 nút giao, gồm: nút giao Vĩnh Hảo tại Km134+700, nút giao Chợ Lầu tại Km162+777,78, nút giao Đại Ninh tại Km178+655,22, nút giao Ma Lâm tại Km208+701,74, nút giao Phan Thiết tại Km234+617,56. Dự kiến bố trí trạm dừng nghỉ tại Km144+560 và Km205+092 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận (bố trí 2 bên cao tốc). Bộ Giao thông Vận tải đang giải phóng mặt bằng và triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Bình Dương dự chi hơn 18.000 tỷ làm vành đai 4 đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 9 (chuyên ​đề) - HĐND tỉnh khóa X đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó đồng thuận đề xuất thực hiện cao tốc TP HCM - Chơn Thành và ch​ủ trương đầu tư đường vành đai 4 đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn.

Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường vành đai 4 TP HCM đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1), dự án này có điểm đầu tại vị trí vuốt nối đường vành đai 4 TP HCM với đầu cầu Thủ Biên hiện tại phía tỉnh Bình Dương thuộc địa bàn xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Điểm cuối tuyến tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây, TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tổng chiều dài khoảng 48 km. Quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h; loại công trình giao thông cấp I. Dự kiến loại hợp đồng dự án PPP: Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 18.248 tỷ đồng.

Duyệt quy hoạch phân khu gần 1.545 ha ở trung tâm TP Bắc Giang

Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu khu số 1, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang (tỷ lệ 1/2.000).

Theo đó, khu vực lập quy hoạch thuộc trung tâm TP Bắc Giang, bao gồm các phường, xã: Dĩnh Kế, Dĩnh Trì, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Trần Phú, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Thọ Xương, Xương Giang.

Quy mô lập quy hoạch 1.545 ha. Quy mô dân số đến năm 2025 khoảng 114.000 người, đến năm 2035 khoảng 180.308 người.

Về tính chất, phân khu số 1, TP Bắc Giang là khu vực trung tâm nội thành thành phố Bắc Giang, là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Bắc Giang.

Thi công xây dựng 9 cầu bộ hành tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM cho biết, nhà thầu đang triển khai thi công xây dựng 9 cầu bộ hành bắc qua Xa lộ Hà Nội, tạo thuận lợi và an toàn cho người dân đến các nhà ga trên cao tuyến metro số 1 TP HCM (Bến Thành - Suối Tiên).

Các cầu bộ hành được thi công kết nối các nhà ga trên cao của metro Bến Thành – Suối Tiên gồm: Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Công nghệ cao, Đại học Quốc gia Thành phố.

Mỗi cầu bộ hành có tổng chiều dài khoảng 78 m tùy vị trí, rộng 3,5m; có mái che. Cầu bộ hành có hai đầu, kết nối hai bên đường của Xa lộ Hà Nội và 2 đường song hành Xa lộ Hà Nội với nhà ga. Điều này giúp người dân dễ dàng di chuyển từ khu dân cư, trung tâm thương mại vào nhà ga trên cao. Cầu bộ hành cũng sẽ kết nối với các điểm dừng chờ xe buýt nhằm mục đích tăng cường khả năng tiếp cận nhà ga.

(Nguồn: Vietnammoi)

Bao giờ khởi công vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành?

Cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 TP.HCM... là những dự án giao thông lớn, hứa hẹn mang sinh khí đến cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Ngày 21/5, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn. Trong quý I, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Bình Dương đạt thấp (khoảng 7,5% kế hoạch tỉnh đề ra). Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhận định việc chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và điều hòa vốn linh hoạt, địa phương này sẽ giải ngân đầu tư công đạt kế hoạch đề ra trong năm 2023.

Để thực hiện tốt việc giải ngân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã giao Ban Thường vụ các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên lắng nghe, cho chủ trương về việc phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công do cấp mình quản lý trong năm 2023 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, trên cơ sở sự cần thiết đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư để tập trung bố trí vốn mang lại hiệu quả đầu tư.

Theo kế hoạch, tháng 6/2023, Bình Dương khởi công dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Tiếp đó, cuối năm 2023, địa phương này sẽ khởi công dự án đường vành đai 4 TP.HCM. Đầu năm 2024, Bình Dương sẽ khởi công đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành. Đối với dự án nâng cấp, mở rộng đường quốc lộ 13, hiện tại tỉnh Bình Dương khẩn trương thực hiện và dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành.

Quốc lộ 13 đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài hơn 60 km được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã được đưa vào sử dụng nhiều năm nay với 6 làn xe.

Tuy nhiên, những năm gần đây, kinh tế và dân số tăng trưởng nhanh gây quá tải lưu thông trên quốc lộ 13, nhất là khu vực cửa ngõ tiếp giáp giữa Bình Dương với TP.HCM. Từ đó, Bình Dương đã thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 thêm 2 làn xe (mở rộng về bên phải, hướng từ TP.HCM đi Bình Dương) để tuyến đường đạt quy mô 8 làn xe, nền đường rộng 40,5 m.

Việc Bình Dương khởi công mở rộng quốc lộ 13 lên 8 làn xe sẽ cộng hưởng với các dự án vành đai và cao tốc, tạo sức ảnh hưởng và mang lại hiệu quả cao nhất. Tổng kinh phí dự án khoảng 1.400 tỷ đồng.

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 26,6 km. Tổng mức đầu tư của dự án (đoạn qua tỉnh Bình Dương) khoảng 19.280 tỷ đồng, trong đó dự án xây lắp khoảng 5.752 tỷ đồng và dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 13.528 tỷ đồng. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 85,86 ha với khoảng 1.600 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng.

Dự án đường vành đai 4 TP.HCM, đoạn thuộc tỉnh Bình Dương từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án đi qua địa giới hành chính của huyện Bắc Tân Uyên, TX Bến Cát và TP Tân Uyên (Bình Dương).

Theo đó, điểm đầu giai đoạn 1 tại vị trí vuốt nối đường vành đai 4 TP.HCM với đầu cầu Thủ Biên hiện tại thuộc địa bàn xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương). Điểm cuối tuyến tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây (TX Bến Cát, Bình Dương). Tổng chiều dài giai đoạn 1 gần 48 km. Tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 20.331 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 8.667 tỷ đồng, chi phí xây dựng và các chi phí khác là 11.664 tỷ đồng.

Dự án cao tốc TP.HCM - Chơn Thành thực hiện đầu tư đoạn từ vành đai 3 TP.HCM đến tỉnh Bình Phước dài khoảng 60,4 km; trong đó, đoạn từ đường vành đai 3 đến ranh giới tỉnh Bình Dương - Bình Phước dài khoảng 53,3 km, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước dài 7,1 km.

Thực hiện đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1) dự kiến theo phương thức PPP. Theo ước tính của các ngành chức năng, tổng mức đầu tư dự kiến là 16.196 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng là 7.388 tỷ đồng; xây lắp là 8.808 tỷ đồng.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang