Chọn cơ hội trong thách thức; Trăm dự án chờ gỡ vướng; TP.HCM chỉnh quy hoạch nhiều KĐT; HN có thêm 2 thành phố

CHỌN CƠ HỘI TRONG THÁCH THỨC

(Ảnh minh hoạ).

Điều có thể chờ đợi trong năm 2023 là chúng ta có đủ bản lĩnh để vừa kiểm soát những rủi ro, thách thức đồng thời chủ động tranh thủ được cơ hội giữa chằng chịt những thách thức vẫn hiện hữu.

Một năm thách thức

Thế giới đã trải qua một năm 2022 với nhiều chuyển động phức tạp, tạo ra những thách thức “chưa từng có” trong lịch sử.

Đại dịch Covid-19 kéo dài sang năm thứ 3 và chưa thể chấm dứt trên phạm vi toàn cầu, tiếp tục tạo nên sự đứt gãy nhiều chiều từ các chuỗi cung ứng cho tới các mối quan hệ chính trị, ngoại giao. Cạnh tranh giữa các nước lớn cũng trở nên đa chiều khi đan xen cả kinh tế, chính trị, tạo nên sức ép lớn cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, “không chọn bên” như Việt Nam.

Những chuyển động của năm 2022 cũng không thể không nhắc tới điểm nóng ở Ukraine bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới châu Âu mà còn ảnh hưởng tới cả thế giới. Sự phân cực trong địa chính trị thế giới, nhất là trong mối quan hệ giữa Mỹ, phương Tây và Nga; bất ổn giá cả và sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, trong đó có những hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, khí đốt… đã khiến cuộc khủng hoảng ở Ukraine ở vào vị trí tâm điểm trong bức tranh ngoại giao thế giới trong năm 2022.

Trong bức tranh phức tạp, “chằng chịt” những thách thức của năm 2022, vẫn có thể thấy những điểm sáng và cơ hội đan xen. Đó là xu thế hòa bình, hợp tác phát triển và hội nhập của khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN đang làm tốt vai trò đoàn kết và trung tâm của mình không chỉ với các quốc gia trong khu vực mà còn với nhiều đối tác lớn. Đó là việc khu vực Đông Nam Á và nhiều trung tâm lớn đã bước đầu kiểm soát được đại dịch và mở cửa trở lại, tạo điều kiện để nối lại các chuỗi cung ứng, phục hồi và phát triển cả về kinh tế lẫn chính trị…

Điểm nhấn Việt Nam

Một điểm nhấn đáng kể trong năm 2022 là Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện để phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh tế, xã hội trong nước cũng như từng bước nối lại các hoạt động ngoại giao với bên ngoài. Bởi khôi phục các hoạt động sản xuất chính là khôi phục sức sống của nền kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội như công ăn việc làm cho người lao động. Và cũng chỉ khi đó thì chúng ta mới có thể kết nối trở lại với thế giới.

Trên cơ sở đó, trong năm qua, Việt Nam tiếp tục triển khai mạnh mẽ chủ trương đổi mới, hội nhập và phát triển cũng như đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Những chuyến thăm cấp cao tới các nước trong khu vực đều tạo nên sự bứt phá hoặc thúc đẩy mạnh mẽ hơn mối quan hệ hợp tác trong mọi lĩnh vực. Mối quan hệ với nhiều đối tác ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt đẹp.

Đặc biệt là 2 chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng tới Mỹ hồi tháng 5.2022 và Tổng Bí thư thăm chính thức Trung Quốc ngay sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đầu tháng 11 thể hiện rất rõ sự chủ động trong lập trường đa dạng hóa, đa phương hóa trong ngoại giao. Trong thế giới hiện nay, mối quan hệ Mỹ - Trung vẫn là mối quan hệ có tác động hàng đầu. Do đó, việc Việt Nam có thể làm bạn, làm đối tác tốt với cả hai, có thể tiếp tục thúc đẩy khuôn khổ hợp tác theo hướng hiệu quả, tin cậy, cùng có lợi là một thành công rất đáng kể vì chính lợi ích của Việt Nam.

Trên các diễn đàn đa phương, chúng ta tiếp tục nhấn mạnh thượng tôn pháp luật và thể hiện mạnh mẽ và nhất quán quan điểm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Những đánh giá của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres tại Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc về “những đóng góp thực chất và hiệu quả của Việt Nam” có lẽ đủ khẳng định điều này. Còn về hội nhập, năm 2022 tiếp tục là năm Việt Nam nỗ lực thực hiện các quyết sách quan trọng trong và ngay sau đại dịch. Đó là chuyện đảm bảo các chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng cao phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta tham gia. Đó còn là việc khai thác các sáng kiến của các nước lớn với khu vực như kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương IPEF hay những Hiệp định thương mại tự do đã có như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Điểm lại như vậy chỉ để khẳng định rằng, sau 2 năm chịu những tác động tiêu cực của dịch bệnh, năm 2022 với nhiều điểm nhấn đã tạo nên một “bước đệm”, một “bàn đạp” để có thể bứt tốc trong mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế trong năm tiếp theo.

Tranh thủ cơ hội

Những thách thức trong năm 2022 chắc chắn vẫn còn tiếp diễn. Đó vẫn là câu chuyện kiểm soát dịch bệnh, mở cửa trở lại để hồi phục, phát triển. Đó vẫn là cuộc cạnh tranh của các nước lớn; các cuộc khủng hoảng, những nguy cơ cũng như thách thức an ninh phi truyền thống… sẽ tiếp diễn. Tuy vậy, trong thách thức bao giờ cũng có cơ hội. Có khác chăng, giờ đây chúng đan xen, phức tạp hơn rất nhiều.

Bốn hội nghị cùng diễn ra trong tháng 11 vừa qua, từ Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41 tại Campuchia; Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia, Hội nghị COP27 tại Ai Cập và Hội nghị APEC tại Thái Lan, đã cho chúng ta nhiều “tín hiệu” tích cực về xu thế hợp tác để giải quyết các thách thức dù khác biệt hay bất đồng. Chúng ta vẫn nhớ vào năm ngoái, ASEAN quyết định nâng cấp quan hệ với Trung Quốc và Úc lên đối tác chiến lược toàn diện thì tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa rồi tại Campuchia đến lượt Mỹ và Ấn Độ. Điều này cho thấy quan điểm rất rõ ràng của ASEAN về “không chọn bên, mà chơi với các bên”. Hay những gì diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 cho thấy dù vẫn cạnh tranh, khác biệt song các quốc gia đều chung nhận thức là quản trị được quan hệ cạnh tranh để không xảy ra xung đột. Bên cạnh đó, dù cạnh tranh, khác biệt, thậm chí phân cực trong nhiều vấn đề song trước những vấn đề cấp bách phải giải quyết để phục hồi và phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô thế giới đang tạo ra xu thế chung là hợp tác…

Xu thế đó tạo ra những cơ hội. Khi chúng ta đã kiểm soát được đại dịch thì đây là lúc phải chứng tỏ Việt Nam sẽ bắt kịp với xu thế mới từ các chuỗi cung ứng chất lượng cao cho tới sự chuyển đổi số, xanh, sạch. Điều quan trọng nhất là sự đổi mới tự thân, xây dựng năng lực cũng như hành lang pháp lý để bắt kịp các xu thế và tận dụng cơ hội. Cạnh đó, trong mối quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc… thì sức ép “chọn bên” cũng sẽ gia tăng đáng kể vì dù có thể bắt tay nhau để kiểm soát bất đồng, không để xảy ra xung đột, song thực tế quan điểm giữa các nước lớn như Mỹ - Trung Quốc vẫn có sự khác biệt.

Cuối cùng thì có thể nói trong năm 2022 Việt Nam đã vượt qua để duy trì đường lối độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập. Chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng đây sẽ là bàn đạp để Việt Nam có thể làm tốt hơn trong năm 2023. Điều có thể chờ đợi là chúng ta có đủ bản lĩnh để vừa kiểm soát những rủi ro, thách thức đồng thời chủ động tranh thủ được những cơ hội giữa chằng chịt những thách thức. Bởi chỉ cần một chút rụt rè, chúng ta sẽ lỡ cơ hội mà lỡ cơ hội dịp này là lỡ cơ hội rất lớn.

(Nguồn: Thanh Niên)

HÀNG TRĂM DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN TẠI TP.HCM ĐANG CHỜ THÁO GỠ VƯỚNG MẮC

Những vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý của 152 dự án bất động sản tại TP.HCM đã được các chủ đầu tư kiến nghị, tuy nhiên một số cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái giải quyết.

Liên quan đến nội dung giải quyết khó khăn của các dự án bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP.HCM, trong năm 2022, thông qua Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), 99 doanh nghiệp và cá nhân đã có kiến nghị đến cơ quan chức năng.

Qua 4 đợt, HoREA đã kiến nghị các cơ quan chức năng của TP.HCM tháo gỡ vướng mắc cho 152 dự án BĐS, nhà ở thương mại trên địa bàn.

Sở Xây dựng là đơn vị được UBND TP.HCM giao chủ trì, cập nhật cũng như phân nhóm các khó khăn của những dự án BĐS theo kiến nghị của HoREA.

Theo tổng hợp, những vướng mắc của 152 dự án BĐS được phân loại theo thẩm quyền giải quyết của 11 đơn vị, sở, ngành của Thành phố. Cụ thể như sau:

Với nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng TP.HCM đã có 3 công văn đề nghị 10 sở, ngành liên quan khẩn trương có văn bản gửi chủ đầu tư về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.

Đồng thời, có văn bản báo cáo tiến độ, kết quả xử lý để Sở Xây dựng báo cáo UBND Thành phố.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng, tính đến 13/1/2023, đã có 6 đơn vị báo cáo tiến độ giải quyết.

Trong đó, Chi cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính và Sở Quy hoạch – Kiến trúc có báo cáo tiến độ nhưng không nêu rõ kết quả thực hiện, không báo cáo theo đúng biểu mẫu.

Vào tháng 9/2022, Sở Xây dựng đề nghị hai đơn vị khẩn trương báo cáo theo biểu mẫu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được báo cáo của hai đơn vị này.

Ngoài ra, có 5 đơn vị chưa có báo cáo tiến độ giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS thuộc thẩm quyền.

Những đơn vị này là: Sở Tài nguyên và Môi trường (71 dự án); Sở Kế hoạch và Đầu tư (28 dự án); Sở Tài chính (1 dự án); UBND huyện Nhà Bè (1 dự án); và UBND huyện Bình Chánh (1 dự án).

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, trường hợp các đơn vị báo cáo không đúng hạn hoặc báo cáo không đúng biểu mẫu, Sở sẽ tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố về việc thực hiện theo chỉ đạo của các đơn vị.

(Nguồn: Vietnamnet)

TP HCM ĐANG ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH NHIỀU KHU ĐÔ THỊ LỚN, DỰ KIẾN XONG NÚT GIAO NGUYỄN VĂN LINH - NGUYỄN HỮU THỌ VÀ MỘT SỐ CÂY CẦU TRONG NĂM NAY

(Ảnh minh hoạ).

Theo Chỉ thị về Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, TP HCM đang điều chỉnh quy hoạch nhiều khu đô thị lớn, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng metro 1, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Long Kiểng, cầu Phước Long…

Điều chỉnh quy hoạch nhiều khu đô thị lớn

Ngày 11/1 vừa qua, UBND TP HCM đã ban hành Chỉ thị về Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Theo văn bản này, thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư vào các dự án thuộc Đề án xây dựng Thành phố thông minh và Đề án hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông.

TP HCM sẽ tiếp tục khắc phục những bất cập, vi phạm; kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực xây dựng hoàn chỉnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Về đầu tư công, thành phố sẽ rà soát toàn bộ danh mục các công trình, dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn các dự án bố trí nhiều vốn nhưng không giải ngân hết, không có khả năng tiếp tục triển khai; rà soát bổ sung vào trung hạn những công trình dự án trọng điểm, cấp bách khác có đủ điều kiện triển khai, đảm bảo tính khả thi về thủ tục đầu tư, thực hiện và có thể giải ngân vốn ngay trong năm 2023 như dự án đường Vành Đai 2, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án Xây dựng cao tốc Mộc Bài - TP Hồ Chí Minh…

TP HCM cũng tập trung giải ngân nhanh các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án có sử dụng vốn ngân sách trung ương như: Dự án đường Vành đai 3, metro 1, metro 2, xây dựng nút giao thông An Phú, xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, mở rộng Quốc lộ 50.

Bên cạnh đó, thành phố cũng thúc đẩy việc triển khai đầu tư một số dự án lớn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; phối hợp, đề xuất trung ương chấp thuận đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sử dụng nguồn vốn trong nước và nước ngoài; đẩy nhanh triển khai dự án lấn biển Cần Giờ.

Về công tác quy hoạch, UBND TP HCM cho biết, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác lập quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 205; đảm bảo công tác lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 đúng tiến độ được giao; trình Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040.

TP HCM cũng sẽ tổ chức thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch không gian ngầm thành phố và tham mưu nội dung quy hoạch không gian ngầm thành phố trong đồ án quy hoạch chung thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn theo Luật quy hoạch đô thị; điều chỉnh các quy hoạch phù hợp định hướng điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố để phát triển của toàn Vùng TP HCM.

Các đơn vị liên quan cũng đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc; Khu đô thị Nam thành phố; nghiên cứu phương án lập quy hoạch vùng huyện Cần Giờ; rà soát điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ; điều chỉnh các quy hoạch phân khu dọc rạch Xuyên Tâm, khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Sẽ hoàn thành metro 1 và nhiều dự án giao thông lớn

Liên quan đến ngành xây dựng, TP HCM tiếp tục triển cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trong đó tập trung chung cư cấp D; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở giá thành phù hợp cho người thu nhập thấp; phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động làm việc trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp; thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, các khu vực có điều kiện sống không đảm bảo; đẩy mạnh xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch.

Thành phố sẽ chuyển mục đích sử dụng, bán đấu giá quỹ căn hộ, nền đất phục vụ tái định cư không còn nhu cầu sử dụng.

Ngoài ra, TP HCM cũng sẽ đánh giá tình hình phát triển thị trường bất đdộng sản và nghiên cứu đề xuất các giải pháp, chính sách để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch, ổn định.

Về phát triển hạ tầng giao thông, TP HCM có kế hoạch rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành đối với các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng giữa thành phố với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn tất các thủ tục để khởi công, hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm như: Khởi công dự án Vành đai 3, di dời hạ tầng kỹ thuật metro 2, kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 1; hoàn thành đưa vào sử dụng metro 1, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Long Kiểng, cầu Phước Long…

Thành phố cũng mở rộng, tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, các tuyến vận tải khách khối lượng lớn, tiếp tục triển khai mở rộng vé điện tử smartcard cho hệ thống giao thông công cộng; dịch vụ xe đạp công cộng.

(Nguồn: Vietnammoi)

HÀ NỘI SẼ QUY HOẠCH THÊM 2 THÀNH PHỐ: PHÍA TÂY VÀ BẮC SÔNG HỒNG

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và Thành phố phía Tây (khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai) .

Chia sẻ với báo chí về kế hoạch năm 2023 của TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội sẽ triển khai nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt các mục tiêu đặt ra và tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố.

Trong đó, Hà Nội phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa tạo sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô trước mắt và lâu dài.

Đó là hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đặc biệt, Hà Nội sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Thành phố phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai.

Đây là những cực tăng trưởng mới của thành phố, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn rất khó khăn, thậm chí là vùng trũng ở xung quanh lên.

Thành phố cũng sẽ tập trung quy hoạch và đầu tư đưa một số huyện thành quận, trước mắt trong năm 2023 phấn đấu đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận.

Hà Nội đồng thời sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm; cố gắng sớm đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội;

Đặc biệt phải hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô... Quy hoạch, ban hành quy định để triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ có sử dụng đất.

Đặt mục tiêu hoàn thành 22/22 chỉ tiêu

Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của TP Hà Nội năm vừa qua, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết, mặc dù chịu khó khăn bởi tác động tình hình quốc tế và trong nước, nhưng Thủ đô Hà Nội đã đạt được kết quả toàn diện.

Các chỉ số đều cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô có nhiều khởi sắc. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội tăng 8,89% (vượt kế hoạch đề ra là 7 - 7,5%).

Tuy nhiên, năm 2023 được dự báo sẽ rất khó khăn, nhất là trước nguy cơ lạm phát cao, suy thoái kinh tế, diễn biến dịch bệnh, tình hình chính trị thế giới... Do đó, quan điểm chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội là các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở phải phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp.

Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cố gắng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 7% trở lên; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5%.

Thủ đô Hà Nội phải tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là những nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó.

Thành ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương phải tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết của Thành ủy gắn với phát triển thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch.

Quy mô kinh tế của Hà Nội năm 2022 đạt 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 50 tỷ đô la Mỹ). Thu nhập bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng.

Lần đầu tiên Hà Nội thu ngân sách vượt 300 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 332.000 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao; trong đó năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội có số thu nội địa dẫn đầu cả nước với số thu 303.000 tỷ đồng.

Thu hút được gần 1,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng hơn 10% so với năm 2021. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 30.000 doanh nghiệp, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

(Nguồn: Mekong Asean)

(Xem thêm:

=> Luật Đất đai xin ý kiến về nội dung gì; Sức bật cho Đông Nam Bộ; Góc nhìn sự ùn tắc cục bộ; Vụ sai phạm ở chùa Tam Chúc ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang