Chợ đóng cửa vì mất điện, kinh doanh gặp khó; Thu hoạch rộ 6 triệu tấn trái cây; Bán lẻ kẻ khóc người cười; Làn sóng trả mặt bằng

Hà Nội: Chợ đóng cửa vì mất điện, kinh doanh gặp khó khăn

(Ảnh minh họa).

Ngày 2/6, nhiều nơi trên địa bàn các quận ở thành phố Hà Nội bị cắt điện khiến lịch sinh hoạt, làm việc của người dân bị đảo lộn. Nhiều doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh tại chợ cũng bị ảnh hưởng do mất điện kéo dài.

Chị N (chủ nhà hàng trên đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ) cho biết, đúng trưa nắng nóng, khách hàng đang ăn uống thì nhà hàng bị mất điện liên tục. “Chỉ trong 1 tiếng điện mất rồi lại có đến 5 lần khiến khách hàng lũ lượt ra về, ảnh hưởng lớn đến việc buôn bán kinh doanh”, chị N nói.

Anh Trường, chủ một doanh nghiệp tại quận Hoàng Mai cho biết thêm, 9h sáng nay (2/6) công ty anh bị cắt điện . Do đó, công ty phải điều chuyển toàn bộ hoạt động sang… nhà hàng gần đó. “Đây là cách duy nhất để hoạt động doanh nghiệp không bị gián đoạn, làm việc xong 11h ăn trưa”, anh Trường chia sẻ.

Trước đó, chiều 1/6, hàng chục tiểu thương tại chợ bán quần áo lớn nhất miền Bắc - chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) bị cắt điện. Thời tiết nắng nóng cộng với việc cắt điện thời gian dài khiến nhiều tiểu thương chấp nhận đóng cửa không thể buôn bán.

Anh N. trú tại đường Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai cũng cho hay: “Khu chung cư nhà tôi bị cắt điện suốt cả ngày hôm qua (1-6) với lý do sửa chữa hệ thống. Người già, trẻ nhỏ đều rất khó chịu. Tôi được biết năm nay thiếu điện nhưng ngày nắng nóng đỉnh điểm như thế, nhiệt độ trên 36 độ mà cắt điện để sửa chữa hệ thống là không hợp lý”.

Công suất tiêu thụ điện cao nhất từ đầu năm

Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), bình quân lượng điện tiêu thụ tháng 5 đã tăng hơn 22,5% so với bình quân tháng 4 năm 2023.

Cụ thể, các hồ thủy điện thiếu điện nước nghiêm trọng thì một số tổ máy nhiệt điện hơn trong hệ thống cũng bị suy giảm công suất hoặc sự cố vận hành liên tục cao trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài.

Trong khi đó, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng đã khiến yêu cầu sử dụng điện năng cao. Mặc dù chưa phải là đợt nắng nóng cao điểm và kéo dài nhưng mức tiêu thụ điện toàn hệ thống điện quốc gia đã ghi nhận vào ngày 19/5/2023 vừa qua đã tăng lên mức rất cao là hơn 924 triệu kWh/ngày - cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đã lên tới 44.600 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022. Trong tháng 6/2023, dự kiến miền Bắc tiếp tục đối mặt với nắng nóng kéo dài trong gần 2 tuần liên tục, dự kiến phụ tải miền Bắc và hệ thống điện Quốc Gia sẽ tiếp tục có thể còn tăng cao hơn trong các ngày tới.

Theo thống kê EVNHANOI, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày trên toàn thành phố tháng 3 là 58,336 triệu kWh, tháng 4 là 61,542 triệu kWh, tháng 5 là 75,406 triệu kWh. Như vậy, lượng tiêu thụ điện bình quân tháng 5 đã tăng hơn 22,5% so với bình quân tháng 4 năm 2023.

Đại diện EVNHANOI cho biết, đơn vị đang nỗ lực cao nhất để đảm bảo cung ứng điện phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, nắng nóng gay gắt kéo dài đã tạo ra nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, ẩn chứa nhiều nguy cơ xảy ra sự cố thậm chí nguy cơ cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường. Để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội đã phải hạ cấp điện khẩn cấp.

EVNHANOI rất mong nhận được sự chia sẻ của khách hàng đối với những khó khăn về cung cấp điện ở thời điểm hiện tại. Đồng thời, đề nghị người dân các cơ quan công sở và nơi sản xuất cố gắng sử dụng tiết kiệm điện, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết và giới hạn sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm tiêu thụ điện, từ 10h00 - 14h00 và từ 20h00 - 23h00 hàng ngày.

(Nguồn: Kenh14)

Thu hoạch rộ 6 triệu tấn trái cây, lại nỗi lo lớn ùn tắc cửa khẩu

Hàng loạt trái cây bước vào vụ thu hoạch rộ với sản lượng khoảng hơn 6 triệu tấn. Trung Quốc là khách hàng chính nên áp lực bắt đầu dồn lên các cửa khẩu ở phía Bắc. Trong khi, vận chuyển bằng đường biển mất rất nhiều thời gian.

Xe chở hàng lên cửa khẩu tăng đột biến

Thông tin mới nhất từ Bộ NN-PTNT, xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm nay thu về 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam xuất khẩu. Tính đến hết tháng 5/2023, quốc gia này chi 805 triệu USD mua rau quả Việt Nam, chiếm 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này (năm 2023 chiếm 53%).

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết, Trung Quốc là "bệ đỡ" giúp hoạt động xuất khẩu của công ty tăng trưởng 20% doanh số 4 tháng đầu năm. Trong đó, sầu riêng, thanh long, chuối là những mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc có mức tăng mạnh.

Với sầu riêng, năm nay công ty ông đã có hợp đồng xuất khẩu 1.500 container sang thị trường này.

Hiệp hội rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Bởi, nhiều loại trái cây đang vào mua thu hoạch rộ, trong đó mít, xoài, sầu riêng, thanh long... được Trung Quốc ưa chuộng.

Việc Trung Quốc ồ ạt “ăn hàng” khiến tỉnh Lạng Sơn lo ngại tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu tái diễn, nhất là khi nhiều loại trái cây bước vào vụ thu hoạch rộ với sản lượng lớn.

Mới đây, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn có công văn gửi các địa phương, các doanh nghiệp và thương nhân, khuyến cáo về tình hình ùn tắc hàng hoá chờ xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị khi các loại trái cây vào mùa thu hoạch. Điều này tiềm ẩn nguy rất lớn gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Thời tiết nắng nóng, trái cây nhanh chín và dễ suy giảm phẩm chất, hàng không đảm bảo chất lượng sẽ phải quay đầu.

Thống kê từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản lượng trái cây quý II và III năm nay của nước ta ước đạt hơn 6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 1,09 triệu tấn, xoài 590 nghìn tấn, thanh long 625 nghìn tấn, cam 565 nghìn tấn, nhãn 490 nghìn tấn, sầu riêng 650 nghìn tấn, vải thiều 370 nghìn tấn...

Mùa thu hoạch rộ tập trung từ tháng 5 đến tháng 9. Sản lượng hầu hết các loại trái cây chủ lực đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Gần đây, tình trạng xe nông sản ùn ứ tại cửa khẩu thường xuyên diễn ra khi vào cao điểm thu hoạch, đỉnh điểm là cuối 2021 và đầu năm 2022, hàng nghìn xe chở nông sản ách tắc tại cửa khẩu do Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid”. Đợt tắc biên lịch sử kéo dài mấy tháng này khiến doanh nghiệp, người nông dân bị thiệt hại nặng. Nhiều xe chở trái cây phải quay đầu về tiêu thụ tại thị trường nội địa, có xe đổ bỏ nông sản thối hỏng ngay vệ đường.

Doanh nghiệp ngại chuyển hàng bằng đường biển

Để hạn chế tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu vào mùa cao điểm thu hoạch, các bộ ngành cũng như chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp thay vì chỉ vận chuyển bằng đường bộ có thể chuyển bớt qua đường biển và đường sắt.

Ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, đầu năm ngoái, doanh nghiệp đã xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc bằng đường biển, song tỷ lệ rất nhỏ so với hàng xuất bằng đường bộ qua các cửa khẩu.

Ông thừa nhận, đi bằng đường biển chi phí rẻ hơn đường bộ, nhưng thời gian vận chuyển mất tới 6-7 ngày (tuỳ cảng), trong khi đi đường bộ chỉ tốn 2-3 ngày.

Nhiều năm nay, doanh nghiệp xuất khẩu và đối tác nhập khẩu bên Trung Quốc đã quen với các thủ tục thông quan tại cửa khẩu, việc đóng gói bảo quản hàng thực hiện nhanh chóng. Chưa kể, xuất khẩu trái cây còn phải tính toán đến độ tươi ngon nên thời gian vận chuyển càng ngắn càng có lợi.

Đơn cử, mặt hàng sầu riêng khi thu hái sẽ tính cả thời gian vận chuyển để đảm bảo độ chín, phía Trung Quốc nhận hàng rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Quá trình vận chuyển kéo dài đồng nghĩa đối tác có rất ít thời gian để đưa sầu đi tiêu thụ. Do đó, vận chuyển bằng đường bộ có lợi hơn, hàng đảm bảo tươi ngon.

Ngoài ra, vận chuyển bằng đường bộ nếu gặp sự cố ở khâu thông quan ngay lập tức doanh nghiệp cho hàng quay về thị trường nội địa. Còn đi bằng đường biển, không may gặp sự cố ở cảng phía Trung Quốc và buộc phải quay đầu, doanh nghiệp phải chờ 6-7 ngày sau hàng về được cảng cũ (cảng lúc xuất hàng đi), ảnh hưởng đến chất lượng trái cây.

“Đối tác Trung Quốc cũng muốn nhận hàng qua đường bộ, bởi chi phí vận chuyển từ cửa khẩu về kho rẻ hơn nhận hàng từ cảng biển”, ông nói. Thế nên, đưa hàng đi bằng đường bộ hay đường biển còn phụ thuộc vào đối tác bên Trung Quốc.

Ông Tùng kiến nghị, cơ quan chức năng cần cảnh bảo sớm cho doanh nghiệp và địa phương sản xuất để tránh ùn tắc tại cửa khẩu vào những tháng cao điểm. Đồng thời, đàm phán để xuất khẩu được trái cây qua tất cả các cặp cửa khẩu, thay vì chỉ vài cửa khẩu chính như hiện tại.

“Các loại rau quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc ngày càng nhiều, xe chở hàng lên cửa khẩu sẽ tăng dần. Nếu chỉ xuất khẩu qua mấy cặp cửa khẩu như hiện nay dễ ùn ứ”, ông nhấn mạnh.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT có buổi hội đàm với ông Hứa Hiển Huy - Phó Chủ tịch Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, và ông Vương Vị Băng - Cục trưởng Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) - để thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam với Quảng Tây.

Hai bên đều nhận định tình hình thông quan tại các cửa khẩu đang có dấu hiệu quá tải do vào mùa cao điểm thu hoạch của các loại trái cây.

Theo đó, phía Trung Quốc kiến nghị thiết lập hệ thống hải quan thông minh, còn phía Việt Nam cho ra đời hệ thống cửa khẩu số nên điều này rất tương đồng về quan điểm. Thứ trưởng Nam bày tỏ sự tán thành về mặt chủ trương và đề xuất phía Hải quan Nam Ninh sớm xây dựng đề án cụ thể cửa khẩu thông minh.

Ông Nam cũng kiến nghị Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng quy mô lên toàn bộ 9 cặp cửa khẩu, thay vì 6 cửa khẩu như hiện nay, giảm áp lực cho các cửa khẩu truyền thống, tránh ùn tắc, bớt chi phí.

(Nguồn: Vietnamnet)

Đại gia bán lẻ: Kẻ cười, người khóc

(Ảnh minh họa).

Nền kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm nay gặp khó khăn, người dân phải cắt giảm chi tiêu khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ giảm hiệu quả kinh doanh, mất đà tăng tốc, thậm chí phá sản.

Nhiều ông lớn ngậm ngùi rút lui

Trong báo cáo mới đây, Parkson Retail Asia cho biết Parkson sẽ rời khỏi thị trường Việt Nam sau 18 năm hoạt động vì không còn khả thi về mặt thương mại. Việc Parkson rời khỏi Việt Nam cho thấy sức mua trên thị trường bán lẻ đang suy giảm rất mạnh.

Đại diện Parkson Retail Asia cho biết giai đoạn dịch bệnh đã tạo ra môi trường kinh doanh nhiều thách thức, chưa kể chi phí tăng cao, sức mua suy giảm kết hợp xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh khiến công ty bế tắc. Parkson Việt Nam cũng đã nộp đơn lên tòa án tại TP.HCM để bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện.

Parkson ở giai đoạn đầu đặt chân vào Việt Nam năm 2005 đã tạo được ấn tượng mạnh khi xuất hiện tại ngay khu trung tâm TP.HCM quận 1 - SaigonTourist Plaza và gặt hái được nhiều thành công. Từ đó nhà bán lẻ này đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với những trung tâm thương mại hiện đại nhất thời bấy giờ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng…

Có thể nói, Parkson là một trong những đơn vị tiên phong trong vận hành trung tâm thương mại hiện đại tại Việt Nam, tuy nhiên sau khoảng 10 năm hoạt động, đơn vị này bắt đầu phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mạnh từ cả trong và ngoài nước. Các đơn vị mới này nổi bật hơn với cách tiếp thị độc đáo hơn, nhiều gian hàng đa dạng và phong phú hơn khiến "anh cả" Parkson trở nên "già nua" và không còn hấp dẫn.

Khoảng năm 2014, đã xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ nặng ký cạnh tranh trực tiếp với Parkson như Vincom, Aeon Mall, Takashimaya… với quy mô hoành tráng và hiện đại hơn khiến kết quả kinh doanh của Parkson liên tục đi xuống, buộc nhà đầu tư Parkson phải tái cấu trúc lại. Những năm gần đây, Parkson liên tục đóng cửa các trung tâm thương mại tại Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM như trung tâm thương mại Parkson ở Thái Hà (Hà Nội), Parkson ở Lê Đại Hành (quận 11, TP.HCM), Parkson Paragon (quận 7, TP.HCM), Parkson Cantavil (quận 2, TP.HCM), chỉ giữ lại mỗi Parkson Saigon

Tourist Plaza ở quận 1. Nhưng đến nay, Parkson phải đóng trung tâm thương mại cuối cùng tại Việt Nam.

Mới đây, eDigi, đại lý theo tiêu chuẩn cao nhất của Apple tại Việt Nam của công ty Imex Pan Pacific

Group (IPPG) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn đứng sau đã dừng hoạt động sau gần 5 năm. IPPG mở đại lý phân phối sản phẩm Apple từ tháng 9/2018 và mở cửa hàng eDigi tại vị trí đắc địa ở quận 1, TP.HCM. eDigi là một trong số ít đại lý tại Việt Nam đạt chuẩn cấp cao nhất của hãng công nghệ Mỹ là Apple Premium Reseller (APR) và Apple Service Provider (ASP).

Đại diện hãng cho biết, quyết định đóng cửa hàng eDigi vì thị trường bán lẻ thiết bị công nghệ diễn biến tiêu cực, nhu cầu đi xuống, doanh số ngày càng thấp. Cùng với đó, eDigi cũng không thể cạnh tranh lại với các sản phẩm Apple xách tay từ nước ngoài với giá bán rẻ hơn do phải chịu nhiều chi phí, thuế hơn nên giá thường cao hơn các mặt hàng điện thoại xách tay.

Thị trường điện thoại thông minh và đồ điện tử cũng rất ảm đạm trong năm nay khi lợi nhuận quý đầu năm của 2 “ông lớn” là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) và Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT - FPT Retail (mã FRT) đều giảm mạnh trên 90% bởi sức mua các mặt hàng công nghệ sụt giảm nghiêm trọng. Các doanh nghiệp này đã lường trước vấn đề này từ đầu năm khi FPT Retail (công ty mẹ của FPT Shop) đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay chỉ bằng một nửa so với năm ngoái, xuống 240 tỷ đồng. Còn Thế giới di động chỉ đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 1% trong năm nay.

Thế nhưng, tình hình còn có vẻ tồi tệ hơn dự đoán của các doanh nghiệp này khi hết quý I/2023, Thế giới di động mới chỉ hoàn thành 0,5% kế hoạch lợi nhuận năm với lợi nhuận đạt 21,28 tỷ đồng, giảm 98,5% so với cùng kỳ năm trước. FPT Retail cũng không khá hơn khi lợi nhuận chỉ đạt 2 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ và chỉ mới thực hiện được 8,3% kế hoạch năm đặt ra.

Bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng và dược phẩm lại khởi sắc

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 đã tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Q&Me thì WinMart+ hiện là chuỗi bán lẻ dẫn đầu thị trường về số lượng cửa hàng. Tính đến tháng 3/2023, đơn vị này sở hữu 3.049 cửa hàng khắp cả nước, tăng 448 điểm bán sau một năm. Trong khi đó, Bách Hóa Xanh thuộc Công ty Thế giới di động thì phải định hình lại chiến lược nên đã đóng gần 20% số lượng cửa hàng.

Cũng theo báo cáo Q&Me thì ngành dược phẩm là ngành tăng nóng nhất trong hoạt động mở rộng chuỗi cửa hàng với số lượng các chuỗi nhà thuốc đã tăng gần 4 lần trong hơn 3 năm qua. Theo đó, từ khoảng 680 điểm bán vào năm 2020, tới tháng 3/2023, đã có gần 2.700 điểm bán của các chuỗi dược phẩm được Q&Me thống kê trên cả nước.

Xét về số lượng thì chuỗi Long Châu của FPT Retail hiện đứng đầu với 1.016 điểm bán, Pharmacity đứng thứ hai với 937 điểm, trong khi An Khang của Thế giới di động cách khá xa với 524 điểm. Và Long Châu cũng là chuỗi nhà thuốc có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022 vừa qua, với gần 500 điểm bán tăng thêm.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, quy mô thị trường ngành bán lẻ Việt Nam hiện đã lên tới 142 tỷ USD. Dự báo con số này sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP. Vậy nên, thị trường này đã thu hút được nhiều tên tuổi bán lẻ đình đám của nước ngoài như Central Retail Corporation (CRC) của Thái Lan và tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản AEON.

Tập đoàn Central Retail, sở hữu thương hiệu trung tâm thương mại GO! (Big C) mới đây đã công bố khoản đầu tư 1,45 tỷ USD vào Việt Nam cho kế hoạch mở rộng hoạt động trong giai đoạn 5 năm 2023-2028. Ông Christian Olofsson, Giám đốc điều hành Khối Phát triển bất động sản, Central Retail Việt Nam đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn và sôi động nhất ở Đông Nam Á. Đó là bởi Việt Nam sở hữu nền tảng chính sách cởi mở và ổn định, tỷ lệ dân số trẻ có mức thu nhập và tài sản cá nhân ngày càng tăng.

Tập đoàn AEON của Nhật Bản cũng đã đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần số lượng trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2025. Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam nhận định thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển và Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng. Đầu tiên là Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao. Thứ hai là Việt Nam có tiềm năng về dân số trẻ và lượng tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh, thu nhập người Việt gia tăng cũng là cơ hội cho các nhà bán lẻ thay đổi và phát triển, khi khách hàng mong muốn sử dụng và trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ tốt, cao cấp hơn.

“Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư”, ông Furusawa nhấn mạnh.

Đại diện AEON cũng cho biết, đến nay, Việt Nam là thị trường tập đoàn này đầu tư lớn nhất trên thế giới với 1,18 tỷ USD. AEON hiện có 6 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM. Dự kiến một trung tâm thương mại tại Huế sẽ được mở vào năm sau. AEON cũng đang có kế hoạch sẽ mở thêm 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung vào kinh doanh siêu thị, trung tâm giải trí và tăng nhập hàng Việt để phân phối tại hơn 20.000 trung tâm thương mại tại Nhật Bản.

(Nguồn: Tin Nhanh Chứng Khoán)

Làn sóng trả mặt bằng đắt đỏ

Số lượng mặt bằng ở trung tâm TP HCM, Đà Nẵng đóng cửa ngày càng nhiều đã phản ánh cuộc cải tổ lớn chưa từng có trong nửa thế kỷ qua đối với ngành bán lẻ

Nhiều khu vực trung tâm TP HCM vốn là "thiên đường" mua sắm, ẩm thực giờ trở nên vắng vẻ bởi hàng loạt thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm và đồ uống đóng cửa, trả mặt bằng.

Dịch chuyển địa điểm

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại không ít địa điểm mua sắm, ăn uống dọc các con đường đắt đỏ ở TP HCM như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng (quận 1), khu vực Hồ Con Rùa (quận 3)..., bảng quảng cáo cho thuê mặt bằng dán đầy cửa kính nhưng không có người thuê. Chỉ tính riêng đường Đồng Khởi đã có gần 20 mặt bằng bỏ trống, chờ khách thuê.

Tương tự, tại nhiều tuyến phố ở TP Đà Nẵng như Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn..., nhiều cơ sở kinh doanh cửa đóng then cài, chủ nhà treo biển tìm người thuê. "Giá thuê mặt bằng đường Lê Duẩn khoảng 35 triệu đồng/tháng trong khi cửa hàng rất vắng khách nên tôi không thể gồng gánh nổi chi phí, buộc phải trả mặt bằng để tạm thời chuyển sang bán hàng online" - chị Trần Thị Thu Hồng, chủ một cơ sở kinh doanh thời trang, cho hay.

Anh Nguyễn Văn Phụng, làm nghề môi giới bất động sản ở TP Đà Nẵng, cho biết anh đang "chạy" cho thuê nhiều mặt bằng ở đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Võ Văn Kiệt. Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh khó khăn nên dù tích cực rao, đăng tin và treo biển cho thuê mặt bằng mà vẫn không tìm được khách.

Ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, cho biết trong tháng 4-2023, chuỗi cửa hàng hải sản Hoàng Gia của công ty đã trả một mặt bằng trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP HCM) sau khi hết hạn hợp đồng vì giá thuê quá cao - 150 triệu đồng/tháng. Chi nhánh này sau đó được chuyển vào một siêu thị, hoạt động dưới hình thức ăn chia theo doanh số, hiệu quả cao hơn so với thuê mặt bằng tự kinh doanh.

Đại diện một chuỗi bán lẻ thực phẩm cao cấp ở TP HCM cũng cho hay vừa trả một mặt bằng tại khu dân cư hạng sang khu vực quận 1 sau chưa đầy 1 năm khai trương để tập trung phát triển mảng kinh doanh online. "Với những mặt bằng khác, chúng tôi không được chủ nhà giảm giá, thậm chí còn tăng giá cho thuê khi thấy cửa hàng kinh doanh tốt, nên có thể chúng tôi sẽ tiếp tục cân nhắc có thuê tiếp không" - đại diện chuỗi bán lẻ này phản ánh.

Theo các DN, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng giảm, DN phải tính toán rất kỹ, "thắt lưng buộc bụng" để kiểm soát chi phí. Hầu hết DN lựa chọn tái cấu trúc, mạnh tay đóng cửa những địa điểm kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ hoặc chuyển dịch kinh doanh về khu vực đang phát triển để bảo đảm nguồn thu, lợi nhuận. "Thay vì cố giữ một điểm bán ở vị trí trung tâm, DN phải quan tâm bài toán hiệu quả đối với từng cửa hàng, từng mô hình và chọn đầu tư ở khu vực phù hợp" - bà Lê Thị Ngọc Thủy, nhà sáng lập Viva International (sở hữu thương hiệu Viva Star Coffee), nói.

Cải tổ ngành bán lẻ

TS Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường truyền thông quốc tế, cho biết đầu năm 2023, thị trường bất động sản toàn quốc tăng trưởng 24%, bất động sản nhà phố tăng 61% và bất động sản cửa hàng tăng 62%. Dù vậy, mặt bằng trên những tuyến đường thuộc khu vực trung tâm TP HCM chủ yếu kinh doanh sản phẩm phục vụ khách du lịch trong khi du khách đến Việt Nam chưa nhiều nên người thuê gặp khó khăn.

Với khách hàng nội địa, sau dịch COVID-19, xu hướng mua hàng trực tuyến và đặt dịch vụ giao tận nhà gia tăng nên DN có xu hướng chuyển cửa hàng ra xa trung tâm để có mặt bằng giá rẻ hơn. Đáng chú ý, mặt bằng trung tâm thường do các đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản "sang tay" nhiều lần nên giá chênh lệch rất cao trong khi chủ cho thuê không muốn chịu lỗ, không giảm giá.

"Chi phí mặt bằng chiếm tỉ lệ lớn trong tổng chi phí kinh doanh nên mặt bằng giá thấp luôn được ưu tiên. Làn sóng rút lui khỏi khu vực trung tâm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Lúc này, chủ cho thuê và người thuê nên thương lượng mức giá hợp lý để cùng có lợi" - ông Sơn lưu ý.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang phân tích: Làn sóng DN, chủ thương hiệu rời bỏ các vị trí kinh doanh ở khu vực trung tâm có nhiều lý do. Trong đó, lý do dễ nhận thấy nhất là sức mua giảm mạnh. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn là đang diễn ra tiến trình tái cơ cấu mạnh mẽ môi trường bán lẻ khi nhiều sản phẩm trước đây khách hàng phải mua tại cửa hàng thì nay có thể dễ dàng mua sắm online. Bên cạnh đó, phải kể đến lý do ngành thực phẩm và đồ uống đã phát triển quá nóng, buộc phải đóng cửa hàng loạt khi rơi vào khủng hoảng thừa, đơn cử như trường hợp PhinDeli.

Các chuyên gia nhận định giai đoạn "bong bóng" bất động sản vừa qua đã đẩy giá mặt bằng ở những khu vực cao cấp như Nhà thờ Đức Bà, Hồ Con Rùa, đường Lê Lợi... (TP HCM) leo thang quá mức nên khi "bong bóng" vỡ, giá vẫn neo cao khiến người thuê không thể trụ được. Tuy nhiên, đã có một số chủ cho thuê chấp nhận hạ giá mặt bằng ở những vị trí đẹp với mức khoảng 20%-30% để thu hút khách.

Chờ yếu tố thuận lợi

Các chuyên gia dự đoán sẽ mất ít nhất 1 năm nữa để tái cân bằng bộ mặt trung tâm TP HCM.

Chuyên gia Võ Văn Quang chỉ rõ: Khi tái cấu trúc môi trường bán lẻ, sẽ có những loại hình shopping mới phù hợp với nhu cầu mới. Những mặt hàng cao cấp, xa xỉ không còn dễ bán như trước, người tiêu dùng tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Bán lẻ online phát triển quá mạnh khiến các cửa hàng bán lẻ trực tiếp dần mất khách. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang hình thành những ngành hàng mới, chiếm giữ vị trí mặt tiền lớn, dù vẫn chưa đủ lớn để thay thế, lấp đầy số đã và đang rời đi.

"Khu vực trung tâm sẽ sôi động trở lại nếu xuất hiện một số yếu tố thuận lợi như nhà ga của tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn, kinh tế phục hồi. Trước mắt, việc chủ cơ sở kinh doanh ồ ạt rời đi sẽ tạo áp lực để kéo giá cho thuê xuống, hình thành mặt bằng giá mới" - ông Quang nhận định.

(Nguồn: Người Lao Động)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang