Chính trường Philippines dậy sóng; Nội chiến Syria bùng phát; Kiev gặp khó vì ATACMS, vũ khí ồ ạt đổ về; Putin tăng ngân sách quốc phòng

KỊCH TÍNH SÓNG GIÓ CHÍNH TRƯỜNG PHILIPPINES

Khi một phó tổng thống đương nhiệm tuyên bố đã thuê các sát thủ để giết tổng thống và mơ đến chuyện chặt đầu ông ta, thì đất nước đó hẳn đang rắc rối to.

Nhưng đây là Philippines, một đất nước mà chính trị và giật gân luôn song hành.

"Tôi đã nói chuyện với một người," Phó Tổng thống Sara Duterte tuyên bố trên trang Facebook của bà vào cuối tuần trước.

"Tôi đã nói chuyện với một người. Tôi nói, nếu tôi bị giết, hãy đi giết BBM (Marcos Jr.), (Đệ nhất phu nhân) Liza Araneta và (Chủ tịch Hạ viện) Martin Romualdez. Không đùa đâu. Không đùa đâu. Tôi đã nói [với người đó], đừng dừng lại cho đến khi giết được họ và người đó đã nói đồng ý."

Hồi tháng trước, bà Sara Duterte đã nói với các phóng viên rằng quan hệ giữa bà với Tổng thống Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. đã trở nên độc hại và bà mơ đến chuyện chặt đầu ông ta.

Bà cũng đe dọa sẽ đào mộ cha của tổng thống Marcos Jr. từ Nghĩa trang Anh hùng ở Manila và đổ tro cốt xuống biển.

Đằng sau tất cả những diễn biến kịch tính này là liên minh chính trị từng một thời rất hùng mạnh nhưng đã tan rã một cách ngoạn mục.

Liên minh vụ lợi

Quyết định hợp lực giữa gia tộc Marcos và Duterte trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines hồi năm 2022 là một liên minh vụ lợi.

Cả hai ứng cử viên đều là có cha là cựu tổng thống - cha của Sara Duterte là Rodrigo Duterte, tổng thống đương nhiệm khi đó - và có được sự ủng hộ mạnh mẽ ở các khu vực khác nhau của Philippines. Cả hai đều có sức hấp dẫn kiểu dân túy.

Tuy nhiên, nếu cả hai người này đều ra tranh cử tổng thống thì có nguy cơ xảy ra chia rẽ trong số những người ủng hộ họ và dẫn tới nguy cơ thua cuộc trước một ứng cử viên thứ ba.

Vì thế, bà Sara Duterte đã đồng ý để ông Marcos Jr. ra tranh cử tổng thống, trong khi bà tranh cử phó tổng thống - hai chức danh được bầu riêng biệt - nhưng họ đã lập một đội chung trong chiến dịch tranh cử.

Giả định được đặt ra khi đó là "Duterte con" sau đó sẽ ở vị trí thuận lợi để ra tranh cử tổng thống tiếp theo vào năm 2028.

Chiến lược này đã cho thấy rất hiệu quả. UniTeam, tên của liên minh này, đã giành chiến thắng áp đảo.

Tuy nhiên, như bất kỳ người tiền nhiệm nào có thể đã nói với bà Sara Duterte, chức phó tổng thống phần lớn mang tính chất lễ nghi và ít quyền lực.

Gia đình Duterte đã muốn củng cố sức mạnh bằng việc nắm quyền lực quân đội; còn Tổng thống Marcos Jr. đã trao cho bà vai trò phụ trách giáo dục, một chỉ dấu ban đầu cho thấy ông ta đã có sự cảnh giác đối với việc phó tổng thống Philippines gây dựng quyền lực.

Ông Marcos Jr. cũng đột ngột quay lưng lại với di sản chính trị của người tiền nhiệm.

Ông đã ra lệnh cho hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đứng lên chống Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Đây là sự tương phản rõ rệt nếu so với cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã không thách thức sự hiện diện mang tính áp đảo của Trung Quốc tại đó và thậm chí từng tuyên bố rằng ông ta yêu mến nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Marcos Jr. cũng đã hạ nhịp cuộc chiến chống ma túy khét tiếng của Tổng thống Duterte, một chiến dịch vốn đã khiến hàng ngàn nghi phạm buôn bán ma túy bị bắn chết.

Ông ta đã phát đi tín hiệu về khả năng Philippines trở lại với tư cách thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), tổ chức đã cáo buộc Rodrigo Duterte phạm tội ác chống lại loài người.

Cựu tổng thống Philippines cũng đã phải điều trần trước Thượng viện về các vụ giết người không qua xét xử xảy ra trong thời ông làm tổng thống.

Mối quan hệ giữa hai nhóm càng trở nên xấu hơn khi các đồng minh của Marcos Jr. ở Hạ viện mở cuộc điều tra về cách thức mà Sara Duterte sử dụng các khoản tiền bí mật được phân bổ khi nhậm chức.

Hồi tháng 7, phó tổng thống Philippines đã từ chức bộ trưởng giáo dục và lời lẽ của bà ngày càng mang tính kích động.

Phó Tổng thống 'đầu đàn'

Sara Duterte không phải là nhân vật xa lạ trong các vụ tranh cãi. Mười ba năm trước, khi còn là thị trưởng thành phố Davao, bà ta đã bị quay cảnh liên tục đấm một viên chức tòa án.

Với nền tảng chính trị được đúc khuôn từ người cha ăn to nói lớn của mình, cả hai cha con nhà Duterte đều khét tiếng về kiểu ăn nói vô tội vạ.

Ông Duterte từng gọi Giáo hoàng là "con trai của một con điếm" và khoe khoang rằng bản thân ông ta đã giết người.

Ông Duterte gọi con gái là nhân vật "đầu đàn" của gia đình, người luôn đạt được điều mình muốn; bà ta thì nói rằng cha của mình khó mà yêu được.

Giống như cha của mình, bà Sara thích đi xe máy phân khối lớn.

Tuy nhiên, những lời đe dọa mới nhất của bà nhằm vào đồng minh một thời, Tổng thống Marcos Jr., có thể là quá sỗ sàng.

Marcos Jr. đã phản ứng bằng cách gọi những phát ngôn của Sara Duterte là "bạt mạng" và "gây chuyện".

Cục Điều tra Quốc gia Philippines - tương đương với Cục Điều tra Liên bang (FBI) của Mỹ - đã triệu tập phó tổng thống để bà giải thích về những lời đe dọa vào ngày 23/11.

Bà Sara hiện đã rút lại những lời đe dọa đó và phủ nhận chúng.

"Đây là một kế hoạch không có thật," bà giải thích, cáo buộc ông Marcos Jr. là kẻ nói dối đang dẫn dắt đất nước đi xuống địa ngục.

Có lẽ không thể tránh khỏi việc hai gia tộc quyền lực như vậy sẽ trở thành đối thủ của nhau trong cơn lốc chính trị của Philippines, một nền chính trị vẫn chủ yếu xoay quanh các đại nhân vật, gia tộc và vùng miền.

Lòng trung thành chính trị vốn không có gì là chắc chắn, các nghị sĩ và dân biểu liên tục thay đổi đảng phái.

Quyền lực chắc chắn tập trung xung quanh tổng thống, với thẩm quyền phân bổ nguồn tiền của chính phủ.

Các cựu tổng thống thường bị điều tra liên quan đến cáo buộc về tham nhũng hoặc lạm dụng quyền lực sau khi rời nhiệm sở.

Tổng thống Marcos Jr. muốn khôi phục danh tiếng cho gia tộc của mình, sau khi cha của ông ta bị hạ bệ và rớt đài một cách đáng xấu hổ trong cuộc nổi dậy của người dân vào năm 1986, và sẽ rất muốn tác động đến việc lựa chọn người kế nhiệm vào năm 2028.

Gia tộc Duterte lại có tham vọng về triều đại riêng của họ.

Hiện tại, Sara Duterte vẫn là phó tổng thống. Bà ta có thể bị Thượng viện bãi nhiệm thông qua quá trình luận tội, nhưng điều này sẽ là một nước cờ mạo hiểm đối với Tổng thống Marcos Jr.

Bà Sara nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân ở miền nam và hàng triệu công nhân Philippines ở nước ngoài, và việc lôi kéo đủ sự ủng hộ tại Thượng viện để luận tội bà ta có thể rất khó khăn.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào tháng 5/2025, cho các ghế ở toàn bộ Hạ viện và một nửa trong số 24 ghế thượng nghị sĩ. Đây sẽ được coi là phép thử về sức mạnh của cả hai nhóm đối địch.

Việc hùng hổ cắt đứt quan hệ với tổng thống là cơ hội để bà Sara ủng hộ các ứng viên của mình và tự giới thiệu bản thân là một sự thay thế cho chính phủ đã đánh mất sự ủng hộ của người dân vì những yếu kém về kinh tế.

Điều này có thể giúp bà ta có bệ phóng tốt hơn cho cuộc chạy đua giành chức tổng thống Philippines năm 2028 so với việc tiếp tục bị trói buộc dưới chính quyền Marcos Jr.

Nhưng sau những bình luận gây tranh cãi của bà ta trong vài tuần qua, người dân Philippines chắc hẳn đang tự hỏi: Sắp tới Sara Duterte sẽ nói gì?

 

 

NỘI CHIẾN SYRIA BÙNG PHÁT, VÌ SAO?

Nội chiến Syria sau nhiều năm tạm lắng vừa bùng phát mạnh trở lại, một diễn biến thu hút sự chú ý đặc biệt về yếu tố thời điểm.

Nội chiến Syria, kéo dài hơn một thập niên, đang thu hút sự chú ý trở lại sau khi một liên minh phiến quân mới bất ngờ phát động một cuộc tấn công lớn, giành quyền kiểm soát nhiều khu vực ở TP Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria.

Đây là bước ngoặt đáng chú ý khi quân chính phủ lần đầu giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ này vào năm 2016.

Diễn biến này lần nữa chứng minh cuộc nội chiến Syria “chưa bao giờ chính thức kết thúc”, theo đài CNN.

Nguyên nhân nội chiến

Cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011, khi phong trào Mùa xuân Ả Rập lan tới nước này. Các nhóm dân quân nhỏ và một số cá nhân đào tẩu khỏi quân đội Syria sau đó thành lập lực lượng vũ trang nỗ lực lật đổ Tổng thống Syria - ông Bashar al-Assad.

Các lực lượng nổi dậy - bao gồm các hệ tư tưởng khác nhau, nhưng có mục tiêu chung là lật đổ ông Assad – nhận được sự hỗ trợ từ các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), và các nước phương Tây, đặc biệt Mỹ.

Khi lực lượng chống chính phủ mở rộng quy mô, các đồng minh quan trọng của Syria, bao gồm Iran và Nga, đã tăng cường hỗ trợ cho chính quyền Damascus.

Dưới mặt đất, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và lực lượng Hezbollah (Lebanon) đã trực tiếp tham gia chiến đấu, giúp đỡ chính phủ ông Assad đối phó với các nhóm phiến quân. Trên không, Không quân Syria được tăng cường sức mạnh nhờ sự hỗ trợ từ các máy bay chiến đấu của Nga.

Xung đột trở nên phức tạp hơn khi các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan như al Qaeda và sau đó là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS, hay IS) lợi dụng tình hình. Sự trỗi dậy của ISIS đã buộc liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu phải can thiệp, tập trung vào tiêu diệt tổ chức này.

Năm 2020, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại tỉnh Idlib, khu vực cuối cùng do phe nổi dậy kiểm soát. Quân chính phủ và phe nổi dậy đồng ý thiết lập một hành lang an ninh và tiến hành các cuộc tuần tra chung nhằm duy trì ổn định trong khu vực.

Dù không có các cuộc giao tranh lớn kể từ đó, chính quyền Syria vẫn chưa thể giành lại toàn bộ lãnh thổ. Những diễn biến mới ở Aleppo cho thấy sự kháng cự vũ trang từ phe nổi dậy vẫn tồn tại, và xung đột có thể bùng phát bất cứ lúc nào, thách thức nỗ lực kiểm soát toàn diện của chính phủ Syria.

Tại sao xung đột bùng phát trở lại vào lúc này?

Gần đây, một liên minh phiến quân mới có tên "Bộ chỉ huy tác chiến quân sự" đã thực hiện cuộc tấn công bất ngờ, nhanh chóng chiếm nhiều khu vực tại TP Aleppo. Đây từng là trung tâm kinh tế lớn nhất Syria và là thành trì quan trọng của phe nổi dậy cho đến khi bị lực lượng chính phủ tái kiểm soát vào năm 2016.

Theo thông tin từ chiến trường, liên minh này bao gồm các lực lượng từ nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một chi nhánh cũ của nhóm khủng bố al Qaeda, cùng với các nhóm phiến quân ôn hòa được Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác hậu thuẫn.

Theo CNN, liên minh này nhanh chóng tràn qua các ngôi làng bên ngoài Aleppo và người dân hiện cho biết họ kiểm soát được phần lớn thành phố, và gặp rất ít sự kháng cự trên đường càn quét.

Phe phiến quân cho biết cuộc tấn công nhằm giải phóng lãnh thổ bị chiếm đóng và đáp trả các cuộc tấn công gần đây của lực lượng chính phủ và các nhóm dân quân thân Iran.

Theo CNN, sự suy yếu của chính phủ Syria và đồng minh của Damascus được cho là lý do chính khiến phe nổi dậy tận dụng cơ hội khơi lại cuộc xung đột. Trong đó, Nga, đồng minh chính của ông Assad, đang tập trung nhân lực và tài nguyên cho cuộc chiến tại Ukraine. Iran, một đồng minh quan trọng khác, đang phải đối phó với các cuộc tấn công từ Israel nhằm vào lực lượng Hezbollah - một lực lượng ủy nhiệm của Iran trong khu vực.

Cuộc tấn công mới này không chỉ làm lung lay quyền kiểm soát của ông Assad tại Aleppo mà còn có nguy cơ tạo ra hiệu ứng domino ở các khu vực khác.

Phản ứng của chính phủ ông Assad

Chính quyền Syria đã triển khai các cuộc không kích tại Aleppo và Idlib với sự hỗ trợ của Nga. Tuy nhiên, khả năng tiến hành một cuộc phản công hiệu quả còn bỏ ngỏ, phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ từ các đồng minh.

Theo CNN, việc mất Aleppo, nơi có các cơ sở quân sự chiến lược và sân bay quan trọng, sẽ là một bước lùi lớn của chính phủ ông Assad.

Để giành lại lãnh thổ, quân đội Syria sẽ phải đối mặt với thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh các phe nổi dậy đang ngày càng phối hợp chặt chẽ và nhận được sự hỗ trợ từ các lực lượng quốc tế.

Cuộc tấn công tại Aleppo không chỉ là bước ngoặt trong cuộc chiến mà còn là lời nhắc nhở về tính phức tạp và kéo dài của cuộc nội chiến Syria. Tình hình hiện tại cho thấy, dù chiến tranh đã phần nào lắng xuống trong những năm gần đây, nội chiến Syria vẫn âm ỉ và có thể bùng phát bất cứ lúc nào với hậu quả khôn lường.

 

 

KIEV RƠI VÀO HIỂM CẢNH VÌ ATACMS

Theo Defense News, việc Mỹ đồng ý cho Ukraine dùng ATACMS tấn công Nga chưa thấy mang lại lợi thế mà chỉ khiến Moskva đáp trả quyết liệt hơn.

Ngày 17 tháng 11, Mỹ quyết định cho phép Ukraine dùng tên lửa đạn đạo ATACMS tập kích các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, đánh dấu thay đổi mạnh mẽ nhất trong chính sách của Washington đối với Kiev từ khi chiến sự bùng phát.

Cũng trong tháng 11, chính quyền Mỹ cũng mở đường để nhà thầu quân sự tư nhân Mỹ tới Ukraine bảo dưỡng tiêm kích F-16, đồng thời duyệt kế hoạch chuyển mìn chống bộ binh cho Kiev để củng cố phòng tuyến.

Biên tập viên Daniel DePetris và Jennifer Kavanagh của chuyên trang quân sự Mỹ Defense News nêu quan điểm:

"Những quyết định này được đưa ra quá muộn, không thể giúp Ukraine giành lợi thế trên chiến trường hay bàn đàm phán. Thay vào đó, chúng càng làm tình hình leo thang nghiêm trọng hơn, khiến Ukraine suy yếu và Mỹ đối mặt với nhiều điều tồi tệ".

Hai chuyên gia này cho rằng Nga ít có động lực để kiềm chế trước những gì mà họ coi là "thay đổi chính sách mạnh mẽ, gây hấn" từ Mỹ, nhất là khi Tổng thống Biden sắp mãn nhiệm và Tổng thống đắc cử Donald Trump muốn nhanh chóng chấm dứt chiến sự.

Chuyên gia DePetris nói: "Không nên ảo tưởng rằng tên lửa tầm xa hoặc mìn chống bộ binh là giải pháp toàn diện cho Ukraine. Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden cũng thừa nhận gỡ rào tên lửa ATACMS cho Ukraine sẽ không thay đổi cục diện chiến sự".

Lý do được các chuyên gia này đưa ra là Nga đã di chuyển khoảng 90% máy bay quân sự khỏi các căn cứ trong tầm bắn của ATACMS, cùng với đó số lượng tên lửa này Mỹ dành cho viện trợ không nhiều.

Những cuộc tấn công như vậy của Ukraine vào lãnh thổ Nga cũng không thể tác động vào tuyến hậu cần và cản trở đà tiến của đối phương.

Theo Kavanagh: "Việc Mỹ gỡ rào tên lửa ATACMS cho Ukraine có nguy cơ đẩy nhanh thất bại quân sự của Kiev, vì quyết định này khuyến khích Kiev dồn những nguồn lực vốn đã khan hiếm vào chiến dịch ở tỉnh Kursk, nơi họ đã mất tới một nửa khu vực kiểm soát được từ tháng 8".

Với mìn chống bộ binh có thể hỗ trợ Ukraine chuyển sang chiến lược phòng thủ. Nhưng quân Ukraine đã bị kéo rất căng và gần như không thể trụ vững trước các đợt tiến công của Nga, đồng thời chưa rõ số mìn này có kịp đến nơi với số lượng đủ để họ sử dụng hiệu quả như kỳ vọng hay không.

Hai biên tập viên Mỹ cho biết: "Tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng của Ukraine, chứ không phải vũ khí, mới là rào cản nghiêm trọng nhất khiến họ không thể ngăn đà tiến của Nga ở vùng Donbass.

Cử các nhà thầu Mỹ tới Ukraine cũng không mang lại nhiều lợi ích, chỉ giúp quá trình sửa chữa thiết bị diễn ra nhanh hơn một chút và không thể giải quyết nhu cầu binh sĩ trên tiền tuyến".

Giới chuyên gia cho rằng những quyết định do chính quyền Mỹ đưa ra gần đây không những không mang lại lợi ích cho Ukraine, mà còn "gây hại cho nước này" khi ảnh hưởng tới tính toán của Nga.

DePetris nêu quan điểm: "Nga nhân cơ hội này để đẩy mạnh cường độ không kích trả đũa vào các đô thị Ukraine, thậm chí buộc Mỹ đóng cửa đại sứ quán ở Kiev trong thời gian ngắn.

Không phải ngẫu nhiên mà Nga tập kích mục tiêu tại thành phố Dnipro bằng tên lửa đạn đạo Oreshnik chỉ vài ngày sau khi Ukraine phóng ATACMS qua biên giới".

Hôm 28 tháng 11, Tổng thống Putin tuyên bố rằng Nga đang lựa chọn mục tiêu ở Ukraine và có thể dùng tên lửa Oreshnik tấn công "các trung tâm ra quyết định" tại thủ đô Kiev, bên cạnh những cơ sở quân sự và công nghiệp quốc phòng.

"Điều này khiến ngành công nghiệp và kinh tế Ukraine đối mặt nhiều nguy cơ hơn, cũng như đặt họ vào vị thế tồi tệ hơn nhiều trước khi bắt đầu đàm phán hòa bình", Kavanagh nói.

Ukraine có thể dùng ATACMS tập kích cơ sở quân sự Nga ở xa tiền tuyến hơn, song vẫn không thể ngăn cản đối phương tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát và tên lửa vào các thành phố, hạ tầng năng lượng và đẩy mạnh tiến công trên chiến trường, hai biên tập viên Mỹ nhấn mạnh.

 

 

VŨ KHÍ Ồ ẠT CHUYỂN ĐẾN UKRAINE TRƯỚC KHI ÔNG BIDEN RỜI NHIỆM SỞ

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang làm mọi cách có thể để ‘củng cố’ vị thế của Ukraine, khi ông sẽ rời khỏi Nhà Trắng chưa đầy 2 tháng nữa.

Đây là tuyên bố hôm 1/12 của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan với đài ABC. Theo ông Sullivan, Tổng thống Biden muốn tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại bao gồm những cuộc thảo luận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.

"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình trong 50 ngày tới để cung cấp cho Ukraine mọi công cụ có thể nhằm củng cố vị thế trên chiến tuyến, từ đó giành thêm ưu thế trên bàn đàm phán", ông Sullivan nói.

Cũng theo ông, "Tổng thống Biden đã chỉ đạo tôi giám sát việc tăng cường chuyển giao trang thiết bị quân sự cho Ukraine, nhằm sử dụng hết số tiền mà Quốc hội đã phân bổ trước khi ông rời nhiệm sở".

Trong tháng 11, ông Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, người sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025, đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các khoản viện trợ quân sự mà Washington chuyển cho Kiev.

Do đó, ông Sullivan khuyến khích Ukraine tiếp xúc với nhóm của ông Trump, cũng như tất cả các đồng minh và đối tác của Mỹ. Theo ông, xung đột ở Ukraine sẽ không thể kết thúc vào ngày 21/1 năm tới.

“Nhóm mới sẽ có chính sách riêng, cách tiếp cận riêng, và tôi không thể nói về điều đó. Nhưng điều tôi có thể làm là đảm bảo đưa Ukraine vào vị thế tốt nhất có thể, trước khi chúng tôi chuyển giao quyền lực”, ông Sullivan nhấn mạnh.

 

 

PUTIN PHÊ DUYỆT NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG KỶ LỤC

Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt các kế hoạch ngân sách, nâng chi tiêu quân sự năm 2025 lên mức kỷ lục, trong khi Moscow tìm cách giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Khoảng 32,5% ngân sách được công bố trên trang web của chính phủ hôm 1/12 đã được phân bổ cho quốc phòng, lên tới 13,5 nghìn tỷ rúp (hơn 145 tỷ đô la), tăng so với mức 28,3% được công bố trong năm nay.

Các nhà lập pháp ở cả hai viện của quốc hội Nga đã phê duyệt các kế hoạch trong 10 ngày qua.

Cuộc chiến của Nga với Ukraine, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, là cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế Chiến II và làm cạn kiệt nguồn lực của cả hai bên.

Kyiv nhận được hàng tỷ đô la viện trợ từ các đồng minh phương Tây, nhưng lực lượng của Nga lớn hơn và được trang bị tốt hơn, và trong những tháng gần đây, quân đội Nga dần đẩy lùi quân đội Ukraine ở các khu vực phía đông.

Tại Ukraine, ba người đã thiệt mạng tại thành phố Kherson, miền nam Ukraine, khi một máy bay không người lái của Nga tấn công một chiếc xe buýt nhỏ hôm 1/12, Thống đốc khu vực Kherson Oleksandr Prokudin cho biết. Bảy người khác bị thương trong vụ tấn công.

Trong khi đó, số người bị thương trong vụ tấn công bằng tên lửa hôm 30/11 tại Dnipro ở miền trung Ukraine đã tăng lên 24, trong đó có bảy người trong tình trạng nghiêm trọng, Thống đốc khu vực Dnipropetrovsk Serhiy Lysak cho biết. Bốn người thiệt mạng trong vụ tấn công.

Các quan chức Ukraine cho biết, Moscow đưa 78 máy bay không người lái vào Ukraine vào ban đêm cho tới ngày 1/12. Theo lực lượng không quân Ukraine, 32 máy bay không người lái đã bị phá hủy trong các cuộc tấn công ban đêm. Thêm 45 máy bay không người lái đã "mất tích" tại nhiều khu vực khác nhau, có khả năng là đã bị gây nhiễu điện tử.

Tại Nga, một em nhỏ thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine ở khu vực Bryansk giáp biên giới Ukraine, theo Thống đốc khu vực Alexander Bogomaz.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 29 máy bay không người lái của Ukraine bị bắn hạ tại bốn khu vực phía tây nước Nga: 20 chiếc ở khu vực Bryansk, bảy chiếc ở khu vực Kaluga và một chiếc ở Smolensk và Kursk.

 

Nguồn: BBC; Pháp Luật; Soha; Vietnamnet; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang