Chỉ đạo mới về giá điện; Tiền đề cho bước tiến dài; 'Kỳ tích Sông Lam'; Những đại án khiến cán bộ 'nhúng chàm'

Chỉ đạo mới về giá điện, mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân

Chính phủ yêu cầu điều chỉnh giá điện với mức độ và thời điểm phù hợp. Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân. Đó là những thông tin kinh tế đáng chú ý tuần qua.

Chính phủ yêu cầu điều chỉnh giá điện với mức độ và thời điểm phù hợp

Cùng với quán triệt không để thiếu điện và xăng dầu, theo Báo Dân Trí, Chính phủ yêu cầu điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tác động đến lạm phát.

Đây là một trong những chỉ đạo được nhấn mạnh trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024 vừa được Chính phủ ban hành.

Chính phủ: Nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân

Trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, theo VTV, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền ban hành; kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn cần áp dụng trong thời gian tới.

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.

Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu), duy trì từ tháng 7/2020.

Tiêu thụ điện giảm mạnh dịp Tết, cảnh báo điện tái tạo sẽ phải xả bỏ

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC, còn gọi là A0) vừa có thư ngỏ gửi các đơn vị phát điện, các tổng công ty Điện lực về việc phối hợp nhằm đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định, đảm bảo chất lượng điện năng trong những ngày Tết.

Theo A0, việc không huy động được hết công suất từ tất cả các loại hình nguồn điện, kể cả từ các nguồn năng lượng tái tạo (như thủy điện nhỏ, điện sinh khối, nhà máy điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà và điện gió) là không tránh khỏi.

A0 đề nghị các đơn vị phát điện tuyệt đối chấp hành lệnh điều độ điều khiển công suất nhà máy điện khi xảy ra thừa nguồn, nghẽn mạch để đảm bảo giữ ổn định hệ thống điện (tần số, điện áp...). (Xem thêm)

Thủ tướng ra công điện thông đường cho nông sản xuất khẩu qua Trung Quốc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Thủ tướng yêu cầu trước mắt hỗ trợ khai thác tuyến vận tải container đường sắt liên vận quốc tế Việt - Trung để tăng lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản vận chuyển qua đường sắt nhằm giảm thiểu tình trạng ùn ứ, ách tắc đường bộ qua cửa khẩu. (Xem thêm)

Tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt trong tháng áp Tết

Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) vừa thông báo về số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tính đến hết tháng 1/2024.

Báo Tuổi Trẻ dẫn số liệu từ VSDC cho biết, tổng số lượng tài khoản các nhà đầu tư là hơn 7,41 triệu, tăng hơn 125.300 tài khoản so với cuối tháng 12/2023.

Đáng chú ý, số lượng mở mới tăng mạnh chủ yếu ở nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước. Cụ thể, nhóm này mở mới tăng 125.048 tài khoản chỉ sau một tháng, nâng lũy kế đến hết tháng 1/2024 đạt hơn 7,35 triệu tài khoản.

Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng tăng thêm 121 tài khoản, đạt 16.356 tính đến cuối tháng 1/2024. Còn lại, số lượng tài khoản giao dịch nước ngoài (cả tổ chức và cá nhân) là 45.571 tài khoản, tăng thêm 187.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh cho vay ngay từ những tháng đầu năm

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có công văn về việc tăng trưởng tín dụng năm 2024 gửi các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo An Ninh Tiền Tệ, NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Do đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024.

Tiền đề cho bước tiến dài

Bên cạnh những công trình giao thông quan trọng đã và đang được triển khai, thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các dự án nhằm tăng khả năng liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời từng bước tạo lập hệ thống giao thông thông minh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững…

Đó là tiền đề bước đầu cần có cho một hệ thống giao thông vận tải thực sự hiện đại, văn minh, thân thiện, hiệu quả mà một đô thị lớn như Hà Nội không thể thiếu được.

Kết nối và lan tỏa

Những năm gần đây, bức tranh giao thông Thủ đô ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, đồng bộ. Đặc biệt, kể từ khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, Hà Nội với quy mô, vị thế và điều kiện mới đã phát triển nhanh, toàn diện và bền vững cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các nguồn lực, thế mạnh được khai thác hiệu quả, trong đó nổi bật nhất phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ về giao thông vận tải.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Thủ đô được định hình theo hệ thống đường vành đai (7 tuyến vành đai) và hướng tâm (19 tuyến hướng tâm, trong đó có 7 tuyến cao tốc hướng tâm, 8 tuyến quốc lộ hướng tâm, 4 tuyến kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh). Đối với các tuyến cao tốc hướng tâm (kết nối liên vùng), đến nay, 7/7 tuyến đều đã hình thành, tương ứng với 111,32km đã được đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với 8 tuyến quốc lộ hướng tâm (kết nối liên vùng), có 124,28km đã và đang được đầu tư theo quy hoạch; 85,78km đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư… 7 tuyến đường vành đai đã và đang được đầu tư (hoàn thành 132,26/285,46km). Đặc biệt là đường Vành đai 4 với vai trò chiến lược đối với toàn bộ Vùng Thủ đô đã được khởi công vào tháng 6-2023. Cùng với đó, 9/18 cầu vượt sông Hồng và 4/8 cầu vượt sông Đuống đã hình thành... Các dự án giao thông khung đã góp phần kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và các địa phương nơi dự án đi qua. Qua khảo sát, sản lượng vận tải cả hành khách và hàng hóa đều tăng lên, thời gian di chuyển được rút ngắn, góp phần giảm chi phí. Hiện nay, chi phí logistics chiếm khoảng 20% trong tổng GDP. Do vậy, cước vận tải giảm xuống góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, góp phần cải thiện môi trường đầu tư cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, vừa qua, Sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đồ án quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở đó đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung 22 tuyến đường đối ngoại (trên cơ sở kéo dài một số tuyến hiện có kết hợp bổ sung một số tuyến mới) để tăng cường kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận. Nội dung một số đề xuất đáng chú ý gồm kéo dài đường Lê Văn Lương nối với tuyến tránh quốc lộ 6 để kết nối tới tỉnh Hòa Bình; bổ sung tuyến trục dọc đê Tả Hồng đến cầu Vân Phúc hoặc cầu Vĩnh Thịnh để kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc…

Cùng với đường, Hà Nội cũng đề xuất bổ sung 4 cầu qua sông Hồng, trong đó có 2 cầu kết nối với đô thị Bắc sông Hồng và 2 cầu kết nối với tỉnh Hưng Yên; bổ sung 1 cầu qua sông Đà kết nối với tỉnh Phú Thọ…

Từng bước tạo lập hệ thống giao thông thông minh

Thời gian qua, ngành Giao thông vận tải Thủ đô đã nỗ lực triển khai đề án giao thông thông minh và đã có được những kết quả bước đầu. Có thể kể đến việc Trung tâm Quản lý giao công cộng thành phố Hà Nội đã ra mắt ứng dụng dùng chung phục vụ hành khách sử dụng phương tiện công cộng “Busmap Hà Nội”. Ứng dụng này có các tính năng như tìm đường thông minh, giúp hành khách tìm lộ trình di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng trong thành phố…

Tiếp đó, ngày 28-11-2023, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã khai trương thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức cho giao thông công cộng. Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết, việc triển khai vé điện tử liên thông đa phương thức sẽ giúp từng bước hình thành thói quen sử dụng hệ thống thanh toán tự động cho hành khách, tiến tới hạn chế sử dụng tiền mặt. Thông qua đó, cơ quan quản lý nhà nước có được cơ sở dữ liệu quan trọng để hoạch định chính sách, quản lý, điều hành hệ thống xe buýt trên địa bàn thành phố hiệu quả và nhanh chóng.

Trước đó, Hà Nội cũng đã thí điểm áp dụng phần mềm trong quản lý duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn; lắp đặt hệ thống camera hỗ trợ xử lý vi phạm tại Bến xe Giáp Bát; lắp đặt camera trên các tuyến đường, nút giao thông trọng điểm để theo dõi tình hình giao thông… Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu tổng thể nào về hiện trạng và định hướng ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành giao thông mang tính đồng bộ, lâu dài. Các dự án đã và đang được triển khai vẫn thể hiện sự rời rạc, thiếu kết nối, thiếu đồng bộ, do vậy chưa thu được hiệu quả cần thiết và chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý, điều hành giao thông tại Thủ đô.

Nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai đề án giao thông thông minh, các cơ quan chức năng đang chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng và tham mưu cho UBND thành phố ban hành khung kiến trúc, tiêu chuẩn hệ thống giao thông thông minh, bảo đảm khả năng tương thích của các hệ thống được đầu tư từ các dự án khác nhau (có kế thừa các dự án đã triển khai); xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị phục vụ hệ thống giao thông thông minh. Giai đoạn từ nay đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là hình thành Trung tâm Điều hành giao thông thông minh tích hợp của thành phố Hà Nội. Trung tâm này sẽ kết nối, chia sẻ dữ liệu thường xuyên và liên tục đến các cơ quan để giám sát tình hình giao thông; điều khiển giao thông; cung cấp thông tin về giao thông; xử lý các hành vi vi phạm cũng như các sự cố khẩn cấp, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ...

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, phát triển hệ thống giao thông thông minh và bền vững là xu hướng của tất cả các đô thị trên thế giới. Việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh cũng là một bước quan trọng để xây dựng thành phố thông minh.

“Kỳ tích Sông Lam”

Nhiều năm trước, Nghệ An chưa phải là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng việc tận dụng những lợi thế đã giúp tỉnh này tạo “cú hích” thu hút FDI.

Dấu ấn thu hút FDI ở Nghệ An

Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, Nghệ An chậm hơn nhiều so với các địa phương trong cả nước. Trước năm 2015, con số về thu hút FDI của Nghệ An cực kỳ khiêm tốn. Thậm chí, hai tỉnh bên cạnh là Thanh Hoá và Hà Tĩnh đã có riêng cho mình nhưng dự án lớn như Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hoá), Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An cùng với sự đồng lòng, bám sát các nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã làm tốt chức năng chủ trì, đầu mối tham mưu lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện rất hiệu quả nhiệm vụ phát triển các khu công nghiệp của tỉnh Nghệ An.

VSIP được lãnh đạo Nghệ An ưu tiên, tiếp cận. Đón được nhà đầu tư này, Nghệ An cũng đồng thời nỗ lực để đồng hành với họ trong công tác giải phóng mặt bằng và đặc biệt là có nhiều ưu tiên trong đầu tư hạ tầng để nhà đầu tư có những điều kiện tốt nhất triển khai dự án.

Bước ngoặt bắt đầu từ đó. Thể hiện nhà đầu tư có uy tín hàng đầu trong kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, VSIP đã nhanh chóng đưa được nhiều doanh nghiệp lớn về thuê đất làm dự án, trong đó các dự án hàng trăm triệu đô như dự án của Luxshare ICT, Everwin... đã đưa tỉnh Nghệ An nằm trong top 10 địa phương thu hút FDI tốt nhất cả nước.

Năm 2023, “kỳ tích sông Lam” đã xuất hiện khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Nghệ An có bước tăng trưởng vượt bậc. Lần đầu tiên thu hút FDI không những đạt mốc 1 tỷ USD, mà đã đạt trên 1,6 tỷ USD và tiếp tục 2 năm liền nằm trong top 10 địa phương thu hút FDI tốt nhất cả nước, vượt 219% mục tiêu đề ra.

So với cùng kỳ năm 2022, số vốn đầu tư FDI tăng trên 77%. Với vốn đầu tư FDI thực hiện trong năm 2023 ước đạt 642 triệu USD (đạt 40,3% trên vốn đăng ký) cho thấy các nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Trong những ngày đầu năm 2024, trong khuôn khổ Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư 390 triệu USD (tương đương khoảng 9.555 tỷ đồng).

Những tín hiệu đáng mừng trên chứng tỏ tỉnh Nghệ An đang nắm lợi thế trong thu hút đầu tư FDI nhờ có sự chuẩn bị tốt về hạ tầng và một cách làm hay, sáng tạo. Cơ sở để địa phương này bứt tốc, trở thành trung tâm của vùng còn đến từ việc, các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tại Nghệ An đã bắt đầu mở rộng vệ tinh sang các tỉnh lân cận.

Nghệ An tập trung 5 lĩnh vực kinh tế trụ cột, 6 trung tâm đô thị động lực

Mặc dù vậy, hạ tầng và môi trường đầu tư của Nghệ An còn tồn tại không ít bất cập. Trong đó, 2 dự án hạ tầng chiến lược là nâng cấp cảng Hàng không quốc tế Vinh và cảng nước sâu Cửa Lò triển khai thủ tục đang chậm so với kế hoạch đề ra có thể khiến Nghệ An bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Xác định “điểm nghẽn” này, trong các cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và triển khai kịp thời các kế hoạch, chương trình, đề án nhằm cụ thể hóa quy hoạch tỉnh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch vùng sau khi phê duyệt, gắn với tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 quy hoạch tỉnh hướng đến là xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại của cả nước và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống, hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn và phát huy; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Theo quy hoạch được phê duyệt, Nghệ An sẽ tập trung phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng, gồm thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng.

Tỉnh thực hiện 3 đột phá chiến lược theo quy hoạch. Đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với cải cách hành chính. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Phát triển 5 ngành, lĩnh vực trụ cột gồm: Phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; Phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao; Phát triển du lịch dựa trên 3 loại hình chính gồm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và thể thao, biển và du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tập trung đầu tư 6 trung tâm đô thị: Đô thị Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), đô thị Diễn Châu, đô thị Đô Lương, đô thị Con Cuông.

Những đại án khiến loạt cán bộ, đại gia ở TP HCM “nhúng chàm”

Năm 2023, nhiều đại án kinh tế, tham nhũng liên quan loạt quan chức, đại gia tại TP HCM được phát hiện, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử.

1. Vụ án Vạn Thịnh Phát

Cuối năm 2023, VKSND Tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan (SN 1956) về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 10-2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ gần tuyệt đối số lượng cổ phần của Ngân hàng SCB (từ 85-91,5% cổ phần).

Từ đó, bị can này thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.

Bị can Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm thực hiện một chuỗi hành vi gồm tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu; thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm; thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB; lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước làm trái công vụ.

Từ đó, bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm với những vị trí, vai trò khác nhau thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Trong đó, nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn, lên tới 304.000 tỉ đồng.

2. Vụ án tại Bệnh viện TP Thủ Đức

Ngày 1-12-2023, TAND TP HCM tuyên án đối với 9 bị cáo trong vụ vi phạm đấu thầu, tham ô hơn 102 tỉ đồng xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức, giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Minh Quân, cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, bị tuyên phạt 16 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; từ 5 năm tù về tội "Rửa tiền". Tổng hợp hình phạt 21 năm tù.

Hồ sơ thể hiện từ năm 2016-2020, bị cáo Nguyễn Minh Quân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là giám đốc, có trách nhiệm quản lý Bệnh viện TP Thủ Đức để chỉ đạo bị cáo Nguyễn Văn Lợi thành lập, sử dụng các công ty "sân sau" ký hợp đồng khống, mua bán lòng vòng nâng giá cả máy móc, thiết bị y tế. Sau đó, bị cáo Quân chỉ đạo bị cáo Lợi lập hồ sơ, tham gia đấu thầu vào Bệnh viện TP Thủ Đức.

Tại Bệnh viện TP Thủ Đức, bị cáo Quân chỉ đạo gây sức ép với nhân viên dưới quyền thông đồng với bị cáo Lợi để công ty "sân sau" trúng 27 gói thầu. Khi Bệnh viện TP Thủ Đức thanh toán tiền cho các công ty trúng thầu, bị cáo Lợi rút tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản cho bị cáo Quân.

Cấp xét xử sơ thẩm kết luận số tiền bị cáo Quân chiếm đoạt là 102,52 tỉ đồng. Bị cáo Diễm - vợ bị cáo Quân, là người giúp chồng rửa tiền.

Đối với các bị cáo từng là nhân viên dưới quyền của bị cáo Quân tại Bệnh viện TP Thủ Đức, HĐXX nhận định các bị cáo này biết rõ các công ty tham gia đấu thầu là "sân sau" của bị cáo Quân, do bị cáo Lợi quản lý nhưng vẫn thông đồng, thực hiện hành vi gian lận. Các bị cáo này gây thiệt hại hơn 81 tỉ đồng của nhà nước.

3. Vụ án tại Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM

Tối 31-10-2023, sau 2 ngày xét xử, TAND TP HCM đã tuyên án sơ thẩm đối với bị cáo Phan Minh Tân, cựu giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM, cùng 5 đồng phạm gây ra sai phạm tại Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM.

Trong đó, bị cáo Phan Minh Tân phạm tội với vai trò chính, lãnh án 5 năm tù giam về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng"; buộc bồi thường 6,9 tỉ đồng khắc phục hậu quả vụ án.

Theo HĐXX, có đủ cơ sở xác định như sau: Ngày 31-8-2009, Nguyễn Trọng Vũ (Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ Huy Hoàng – Công ty Huy Hoàng) có công văn gửi Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM đề nghị hỗ trợ kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học số tiền hơn 5,1 tỉ đồng để thực hiện dự án 1 "Thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip nhận dạng từ xa qua sóng radio TS09-01 Chip RFID".

Ông Tân làm chủ tịch hội đồng xét duyệt dự án đã duyệt cấp 4,9 tỉ đồng cho Công ty Huy Hoàng; thời gian 18 tháng (chia thành 3 giai đoạn), đã giải ngân 3,5 tỉ đồng.

Tính đến tháng 3-2010, Công ty Huy Hoàng thực hiện giai đoạn 1 của dự án đạt 60%, chậm hơn kế hoạch. Tuy nhiên, ông Tân cùng đồng phạm vẫn đề xuất, duyệt cấp tiếp kinh phí đợt 2 số tiền 700 triệu đồng. Sau khi nhận kinh phí đợt 2, Công ty Huy Hoàng không hoàn thành được dự án, cũng không hoàn trả kinh phí phải thu hồi.

Trong khi đó, ngày 9-9-2009, Nguyễn Trọng Vũ có công văn gửi Sở Khoa học - Công nghệ đề nghị được vay 10 tỉ đồng thực hiện dự án 2. Hồ sơ vay của Công ty Huy Hoàng cung cấp để thẩm định có 6 phiếu thu thể hiện số tiền góp vốn của cổ đông, thư hứa cấp tín dụng của ngân hàng…

Tháng 4-2010, Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP HCM (HĐXX nhận định quỹ này không có trách nhiệm thẩm định hồ sơ cho vay) ký hợp đồng cho Công ty Huy Hoàng vay 10 tỉ đồng, thời hạn 48 tháng, lãi suất 0%. Sau khi được giải ngân 3 đợt, ngày 24-11-2011, Nguyễn Trọng Vũ xuất cảnh, bỏ trốn sang Mỹ.

HĐXX xác định Nguyễn Trọng Vũ trực tiếp gây ra hậu quả vụ án. Về nguyên tắc, Vũ bị buộc hoàn trả số tiền cho Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM đã bị thiệt hại. Tuy nhiên, để đảm bảo thu hồi tài sản của nhà nước, trước khi xét xử Vũ, các bị cáo trong vụ án này phải liên đới bồi thường thiệt hại theo tính chất mức độ, vai trò của từng bị cáo.

4. Vụ án tại Bệnh viện Mắt

Chiều 1-12-2023, sau 4 ngày xét xử, TAND TP HCM tuyên án vụ sai phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP HCM.

Trong 8 bị cáo bị đưa ra xét xử, bị cáo Nguyễn Minh Khải (giám đốc bệnh viện) là chủ mưu. HĐXX nhận định các bị cáo không hưởng lợi trong vụ án này.

Vụ án xảy ra vào năm 2018, khi Bệnh viện Mắt TP HCM được giao tổ chức đấu thầu "Mua sắm thuỷ tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018". Hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Bị cáo Khải can thiệp bất hợp pháp vào công việc của Hội đồng đánh giá hàng mẫu, chỉ đạo đánh giá không đạt đối với phần kỹ thuật của nhà thầu Codupha. Từ đó, Bệnh viện Mắt TP HCM không chọn nhà thầu có giá trị thấp nhất trong số các công ty dự thầu cùng đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu là vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu.

7 bị cáo còn lại phạm tội đồng phạm giúp sức trong vụ án, lệ thuộc vào sự chỉ đạo của cấp trên. Các bị cáo thừa nhận trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ của bên mời thầu.

HĐXX tuyên 8 bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo (như ăn năn hối cãi, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, tự nguyện nộp từ 500 triệu đồng đến 3 tỉ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án...), HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Khải, cựu giám đốc, 7 năm tù; Võ Thị Chinh Nga, cựu phó giám đốc, 3 năm tù; Phí Duy Tiến, cựu phó giám đốc, 3 năm tù; Nguyễn Quốc Toản, cựu trưởng Khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức, 3 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Trí Dũng, cựu phó giám đốc, bị tuyên phạt 12 tháng 7 ngày tù; Phan Thị Bích Hạnh, cựu trưởng Phòng Tài chính - Kế toán, 1 năm 6 tháng tù; Nguyễn Đỗ Nguyên, cựu trưởng Khoa Tổng hợp, 12 tháng 7 ngày tù; Lương Ngọc Tuấn, cựu phó trưởng Khoa Khám mắt, 12 tháng 7 ngày tù.

Các bị cáo liên đới bồi thường cho Bệnh viện Mắt TP HCM 14,2 tỉ đồng. HĐXX tuyên không áp dụng hình phạt bổ sung, tạo điều kiện cho các bị cáo tiếp tục tham gia khám chữa bệnh sau khi ra tù.

Nguồn: Vietnamnet; Báo Xây Dựng; Người Đưa Tin; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang