Cherry Việt đổ bộ thị trường; Mùa 'trâm rừng' về phố; Môi giới chờ khách; Đất nền ăn theo Vành đai 4 hạ nhiệt

'Cherry Việt' đổ bộ thị trường, giá rẻ siêu đắt khách

(Ảnh minh họa).

Giá mận cherry chỉ dao động từ 15.000-25.000 đồng/kg tuỳ loại. Thậm chí có nơi bán 50.000 đồng/4kg, tương đương chỉ 12.500 đồng/kg.

Từ cuối tháng 4 đến nay, trong các nhóm bán hàng trên mạng xã hội nhan nhản bài rao bán loại mận cơm với giá cực rẻ. Mận cơm có hình dáng gần giống quả cherry nhập khẩu nên được dân buôn gọi là "mận cherry".

Giá mận cherry chỉ dao động từ 15.000-25.000 đồng/kg tuỳ loại. Thậm chí có nơi bán 50.000 đồng/4kg, tương đương chỉ 12.500 đồng/kg.

Mùa mận cơm có sớm hơn mận hậu. Quả mận xanh có vị chua, chát, mọi người thường mua về làm món mận lắc muối ớt, hoặc chấm muối tôm Tây Ninh... Khi chín, mận sẽ chuyển từ màu xanh sang màu tím đỏ. Mận này tuy chín đỏ nhưng trái cứng và giòn chứ không bị nhũn như hàng nhập từ Trung Quốc.

Các năm trước, nhà vườn thường bán mận cơm khi trái còn xanh, nhưng ba năm nay dịch Covid-19 kéo dài, ế ẩm nên họ để chín đỏ cả vườn. Từ đó, nhu cầu mận chín tăng cao, nhiều khách hàng ưa chuộng hàng chín vì chúng ngọt và có hình dáng giống như trái cherry.

Chị Chu Anh (Hà Nội) - hiện đang kinh doanh mận cherry online trên facebook - cho biết lượng mận chị bán ra dao động từ 3-4 tạ một ngày. Thông thường các khách của chị đều mua từ 2 kg trở lên và có nhiều khách mua sỉ số lượng lớn.

Chị Ngọc Anh (Hà Nội) vừa đặt mua 2 set mận cherry 8kg với giá chỉ 120.000 đồng (15.000 đồng/kg).

“Ban đầu, nhìn thấy giống mận này tôi còn tưởng quả cherry. Lúc mua hỏi kỹ hoá ra mận cơm Sơn La”, chị nói. Thấy hay và khá ngon, chị đã đặt mua về ăn và ngâm một bình rượu mận.

Trên các diễn đàn, mận cherry Sơn La trở thành mặt hàng được quan tâm, săn đón. Một số chị em chia sẻ cảm nhận khi ăn loại mận này, số khác mách nhau cách ngâm rượu mận chuẩn ngon.

Theo người dân địa phương, so với mận hậu, mận cơm có giá trị kinh tế không cao. Sở dĩ người dân vẫn duy trì loại cây này vì chúng dễ trồng. Ngoài thu quả, vài năm gần đây nhiều nhà vườn còn tỉa cành bán hoa nên loại này cho lợi nhuận ổn định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sơn La cho hay, giá mận cơm thấp nhưng loại này có năng suất cao hơn các loại mận khác. Chúng được trồng tập trung tại các huyện Chiềng Cọ, Chiềng Ngần... Mùa thu hoạch của giống mận cơm kéo dài khoảng 2 tháng (tháng 4 và 5). So với trước dịch, giá bán loại này giảm 3-4 lần.

Theo thống kê, Sơn La hiện có khoảng hơn 1.000 ha diện tích mận cơm với sản lượng mỗi năm 3.000-4.000 tấn.

(Nguồn: Soha)

Mùa “trâm rừng” về phố

Trâm không phải là cây trồng công nghiệp nên thường được người bán gọi là “trâm rừng” cho dễ bán và quen thuộc với tuổi thơ của nhiều người

Những ngày gần đây, đường phố TP HCM xuất hiện nhiều điểm bán quả trâm chín mọng với những bảng hiệu bắt mắt – báo hiệu mùa trâm đã đến.

Ghi nhận của người viết tại một điểm bán gần công viên Lê Văn Tám (quận 1), trâm rừng có giá bán 150.000 đồng/kg thu hút nhiều khách mua bởi đây là món ăn ký ức của nhiều người.

So với những năm trước, giá quả trâm rẻ hơn 50.000 đồng/kg với lý do "được mùa".

Người bán cho biết quả trâm có nguồn gốc từ An Giang, chị tuyển loại quả lớn, dày cơm, chín mọng, ngọt nên có giá cao nhưng dễ bán hơn so với những loại hàng xô vì còn lẫn nhiều quả chát.

"Tôi mới bán được vài ngày, mỗi ngày bán được 15 kg, thu nhập cũng khá. Món này chỉ cần thêm chén muối ớt ở giữa, người đi đường sẽ thấy thèm mà ghé mua" – người bán nói.

Trong khi đó, quả trâm cũng được rao bán trên mạng từ đầu tháng 5, giá cả chênh lệch khá lớn giữa khu vực các tỉnh và TP HCM.

Theo đó, tại khu vực Bảy Núi (An Giang), quả trâm chào giá sỉ chỉ 60.000 – 70.000 đồng/kg trong khi khu vực TP HCM giá lên đến 120.000 – 150.000 đồng/kg.

Đây là mức giá tương đối cao so với mặt bằng giá trái cây hiện nay bởi đây là một loại quả dại, mỗi năm chỉ có 1 mùa, thời gian thu hoạch ngắn.

Ngoài ra, số lượng cây trâm cũng đang bị giảm đáng kể bởi phong trào dùng cây trâm làm cây cảnh khiến sản lượng loại quả ký ức tuổi thơ này không có nhiều khiến giá loại quả bình dị này không hề bình dân.

(Nguồn: Người Lao Động)

Môi giới chờ khách

(Ảnh minh họa).

Bên cạnh các môi giới chốt được giao dịch, nhiều môi giới vẫn chờ vận may đến với mình khi thị trường xuất hiện một số thông tin tích cực về lãi suất…

Thời gian gần đây, tại các khu vực như quận 9, huyện Bình Chánh đã xuất hiện các nhóm môi giới tụ tập đón khách vãng lai. Tại quận 9, các nhóm môi giới xuất hiện nhiều tại khu P.Long Trường, P.Trường Thạnh, P.Long Phước. Đây từng là “điểm nóng” đất nền trước đó.

Sau khoảng thời gian im ắng, hiện các khu vực này đã có giao dịch ở các nền đất giảm giá. Môi giới đất nền có hoa hồng trở lại sau thời gian dài chờ đợi. Hoạt động môi giới đăng tin rao bán sản phẩm, tụ tập tại các điểm bán đã tăng nhiệt.

Tuy nhiên, bên cạnh các môi giới chốt được giao dịch, nhiều môi giới vẫn chờ vận may đến với mình. Có những môi giới dù kiên trì với nghề nhưng từ sau Tết đến nay vẫn chưa có giao dịch nào. Theo các môi giới, khách hàng đã đi xem đất nhưng chưa xuống tiền. Với các nền đất giảm giá sâu thì nhiều môi giới cùng “nắm chủ” nên không dễ chốt. Vì thế, nhiều môi giới kì vọng thị trường bất động sản sẽ hồi phục vào cuối năm nay để hoạt động mua bán trở lại sôi động.

Anh Th, một môi giới đất nền tự do khu Đông Tp.HCM đã chốt được 2 giao dịch trong vòng một tháng nay. Tuy nhiên, nhóm bạn bè của anh có người vẫn mòn mỏi chờ khách. Không ít trường hợp tạm nghỉ nghề rồi quay lại đón sóng thị trường. Tuy nhiên, lượng giao dịch vẫn khá ít ỏi. Có trường hợp có khách đầu tư quan tâm nhưng chưa xuống tiền. Nhìn chung, nhiều môi giới vẫn khá chật vật trong việc tìm kiếm giao dịch thời điểm này.

Gần đây, các tín hiệu về lãi suất giảm đã khiến nhiều môi giới kì vọng vào thị trường bất động sản khởi sắc. Động thái của nhà đầu tư quan tâm đến sản phẩm môi giới rao bán; Đi xem nhà đất hay xuống cọc các nền giảm sâu cho thấy, dòng tiền của nhà đầu tư đã bắt đầu chảy vào bất động sản.

Với những môi giới lâu năm trong nghề hoặc là có giao dịch lai rai thời điểm này hoặc cố trụ lại kiếm nghách và chờ cơ hội tốt hơn. Theo họ, thích nghi được trong giai đoạn này được xem rất quan trọng.

Nhận định về thị trường tại Hội thảo diễn ra mới đây, ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho hay thanh khoản giảm sâu, ngân hàng tăng lãi suất, nhà đầu tư thiếu niềm tin đã khiến môi giới “liêu xiêu”, chật vật trước sóng gió của thị trường. Các biến cố, hay những lùm xùm xảy ra tại các doanh nghiệp bất động sản lớn đã khiến nhà đầu tư chùn tay, thanh khoản cũng lao dốc theo.

Với sự trầm lắng của thị trường bất động sản, ông Hoàng cho biết nhà đầu tư đang có tâm lý e dè, thận trọng trước những biến động của thị trường. Nhưng vẫn có một bộ phận nhà đầu tư đang tìm kiếm bất động sản giá tốt và săn “hàng ngộp”.

Tâm lý săn bất động sản ngộp đã thể hiện trong con số khảo sát cho thấy có tới 92% người được hỏi đã trả lời vẫn có ý định mua bất động sản nhà ở. Đa số thời gian dự kiến mua bất động sản là trên 6 tháng tới (39%), ngay lúc được hỏi (24%), và trên 1 năm (22%).

Ông Hoàng cho rằng chưa bao giờ môi giới bất động sản lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Giao dịch không có dẫn tới tình trạng doanh thu của các doanh nghiệp môi giới sụt giảm. Hệ quả, thu nhập của môi giới cũng gặp nhiều khó khăn, chưa kể phải chịu âm do tiền chạy quảng cáo, chi phí phát sinh.

Tuy nhiên, các tín hiệu hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi gần đây cũng đã ổn định lại tâm lý của nhà đầu tư và môi giới. Những môi giới kiên trì với nghề hi vọng sẽ đón đầu sức mua của thị trường khi nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại thị trường.

(Nguồn: CafeF)

Hết thời tăng giá liên tục, đất nền ăn theo đường vành đai 4 hạ nhiệt

Sau thời gian "sốt nóng", thời điểm này, đất nền tại các khu vực đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đi qua có tình trạng được rao bán cắt lỗ, giảm sâu giá bán.

Thông tin đầu tư xây dựng dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đã khiến thị trường nhà đất ven khu vực quy hoạch diễn biến sôi động. "Ăn theo" thông tin triển khai dự án này, giá đất các khu vực như Sóc Sơn, Thường Tín, Thanh Oai, Hoài Đức… tăng vọt ngay từ khoảng đầu năm 2021.

Đơn cử, tại huyện Hoài Đức, đầu năm 2022, giá đất ở các xã Song Phương, Đức Thượng, Dương Liễu, Tiền Yên đạt trung bình 40-50 triệu đồng/m2. Các khu vực trung tâm cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhà đất mặt phố chạm mốc 110-120 triệu đồng/m2.

Tại huyện Sóc Sơn, giá đất đều tăng gấp 2-3 lần chỉ trong quãng thời gian từ năm 2021 đến đầu năm 2022. Không ít lô ở huyện Thường Tín được rao bán tới 63-84 triệu đồng/m2.

Gần đây, hàng loạt thông tin mới về việc xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô được công bố. Tuy nhiên, không nằm ngoài diễn biến trầm lắng chung của thị trường bất động sản, đất nền gần dự án này đang có xu hướng chững lại và điều chỉnh giá.

Theo khảo sát của Dân trí, giá đất tại các khu vực gần đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đã giảm khoảng 10-15%, cá biệt có lô đất giảm tới 25-30% so với thời điểm đầu năm 2022.

Đơn cử, tại Thường Tín, giá đất các khu vực xã Nhị Khê, Ninh Sở hiện nay đang được rao bán từ 25 đến 30 triệu đồng/m2, giảm khoảng 15-25% so với giữa năm ngoái. Cụ thể, một mảnh đất tại xã Ninh Sở có diện tích 200m2 có giá rao bán 5 tỷ đồng, tương đương gần 25 triệu đồng/m2. Theo chia sẻ của người bán, thời điểm đầu năm ngoái, mảnh đất này có giá khoảng 6,8 tỷ đồng, nhưng do chủ nhà cần tiền nên giảm mạnh 1,8 tỷ đồng.

Tại huyện Hoài Đức, Sóc Sơn giá nhà đất tại các khu vực có đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô chạy qua cũng giảm khoảng 15-20%. Chỉ một số lô đất nằm ở mặt đường khu vực trung tâm mức giảm không đáng kể, đi ngang so với trước đó.

Anh Nguyễn Đức Hải - một môi giới nhà đất ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) - chia sẻ, giá đất nền tại các khu vực có đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đi qua đã tăng nóng trong thời điểm dự án bắt đầu rục rịch triển khai. Đến nay, thị trường trầm lắng, buộc nhiều nhà đầu tư phải rao bán cắt lỗ để thu tiền về.

"Những lô đất gần đường vành đai 4 bán giảm giá thường rơi vào những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính và mua đúng thời điểm "đỉnh giá". Không ít nhà đầu tư mua từ 2-3 năm trước đều vẫn lãi rất nhiều do giá đất tăng liên tục và chỉ chững lại, giảm giá bán từ đầu năm ngoái", anh Hải nói.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, dù tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đi qua các địa phương làm tăng "sức nóng" thị trường bất động sản nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư không xác định được ranh giới quy hoạch, hành lang, tọa độ, mốc giới…

Thực tế đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc "ôm" đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều. Quan trọng là việc xây dựng một dự án giao thông trọng điểm bao giờ cũng mất nhiều thời gian, lên tới 5-10 năm không phải là hiếm.

Liệu nhà đầu tư có đủ sức để ôm đất dài hạn? Do đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ được khuyên cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh "tiền mất tật mang".

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng, hạ tầng giao thông được xây dựng mới, mở rộng thực sự đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án hạ tầng này phải mang tính dài hạn. Thông tin về việc tăng nóng, "sốt đất" chỉ là chiêu thức của các "đội lái" để tạo sóng thị trường.

Do đó, theo ông, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về thị trường, nắm rõ về quy hoạch, tính thanh khoản để tránh rủi ro chôn vốn. Đồng thời, khi đầu tư thì cần nghiên cứu kỹ dư địa tăng giá và tiến độ triển khai hạ tầng.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang