Chém nhau trên phố; Vu khống thầy giáo 'gạ tình'; Thu tiền bảo kê chung cư; Trộm xe liên tỉnh; Lừa 'chuyển tiền cấp cứu'

Bình Thuận: 15 thanh thiếu niên hầu toà vì đuổi chém nhau trên phố

(Ảnh minh họa).

Nhóm Nguyễn Thanh Tài vào quán bar chơi, xảy ra mâu thuẫn với nhóm Nguyễn Phi Vũ. Sau đó, 2 nhóm nhắn tin hẹn đánh nhau ở ngã 4 Quốc lộ 1A.

Ngày 15/3, Toà án nhân dân Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đưa vụ án cố ý gây thương tích ra xét xử đối với 15 bị cáo, gồm: Nguyễn Thanh Tài, SN 2003, trú thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc; Trần Minh Hưng, SN 2004, trú thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc; Nguyễn Văn Duy, SN 2004, trú khu phố E, phường Thanh Hải, Tp.Phan Thiết;

Trần Thanh Tiến, SN 2003, trú thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc; Trần Đình Cương, SN 2003; trú phường Phú Tài, Tp.Phan Thiết; Nguyễn Hoài Bảo, SN 2004, trú phường Phú Thủy, Tp.Phan Thiết; Nguyễn Duy Phước, SN 2004, trú thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc; Đỗ Hồng Đăng Khoa, SN 2005, trú thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc;

Từ Sĩ Quốc, SN 2005, trú thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc; Lê Hồng Sang, SN 2005, trú xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc; Đỗ Anh Khoa, SN 2003, trú thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc; Nguyễn Văn Sâm, SN 2004, trú thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc; Võ Hoài Bảo, SN 2004, trú thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc; Trần Thanh Tân, SN 2005, trú thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc; Nguyễn Hữu Thắng, SN 2004, trú thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc.

Mâu thuẫn trong quán bar, hẹn đánh nhau

Theo cáo trạng, vào ngày 20/8/2022, Nguyễn Thanh Tài, Trần Minh Hưng cùng một số bạn của Tài và Hưng chơi tại quán A3 trên đường Tôn Đức Thắng thuộc khu phố 5, phường Phú Thuỷ, Tp.Phan Thiết xảy ra mâu thuẫn với nhóm của Nguyễn Phi Vũ (không rõ nhân thân) ở Tp.Phan Thiết.

Lúc này, Tài bị nhóm của Nguyễn Phi Vũ đánh gây thương tích. Sự việc chưa được giải quyết, một đối tượng sử dụng tài khoản Facebook "Loi Pham" trong nhóm của Nguyễn Phi Vũ nhắn tin cho Trần Minh Hưng thách đố và hẹn gặp đánh nhau với nhóm của Nguyễn Thanh Tài tại ngã tư đường Quốc lộ 1A giao nhau với đường Nguyễn Hội ở Khu Công nghiệp Phan Thiết vào lúc 0h ngày 24/8/2022.

Nhận được tin nhắn, Hưng báo cho Nguyễn Thanh Tài biết. Trần Minh Hưng dùng điện thoại tạo nhóm trò chuyện trên ứng dụng Mesenger, rủ Nguyễn Thanh Tài, Trần Thanh Tiến, Nguyễn Duy Phước, Nguyễn Hoài Bảo, Đỗ Hồng Đăng Khoa, Nguyễn Văn Duy cùng tham gia vào nhóm để đánh nhau với nhóm của Nguyễn Phi Vũ.

Bị cáo Nguyễn Thanh Tài khai nhận tại phiền toà, có gọi điện rủ Lê Duy Thái, Trần Thanh Tân và Nguyễn Hoài Bảo gọi điện rủ Từ Sĩ Quốc, Võ Hoài Bảo, Nguyễn Hữu Thắng tham gia đi đánh nhau với nhóm của Nguyễn Phi Vũ, có đối tượng sử dụng tài khoản Facebook “Loi Pham” thì tất cả đồng ý.

Khoảng 14h ngày 23/8/2022, Nguyễn Văn Duy, Nguyễn Hoài Bảo, Nguyễn Duy Phước, Đỗ Anh Khoa, Nguyễn Văn Sâm, Đỗ Hồng Đăng Khoa, Nguyễn Minh Trí, sinh ngày 28/9/2006, trú tại khu phố Phú Mỹ, thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc hẹn gặp nhau tại quán của Nguyễn Trần Ngọc Trân, sinh năm 2002, trú tại khu phố Phú Xuân, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc.

Tại đây, mỗi người góp số tiền 20.000 đồng để mua ống tuýp sắt, rồi đem về nhà của Nguyễn Minh Trí làm hung khí. Sau khi làm hung khí xong, Đỗ Hồng Đăng Khoa, Từ Sỹ Quốc, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Minh Trí mang các hung khí gồm kiếm, dao phóng lợn, cây ba chỉa, bom xăng đến để ở bãi cỏ vườn thanh long gần quán cà phê của Nguyễn Trần Ngọc Trân.

Đến khoảng 23h30 cùng ngày, tất cả đi ra bãi cỏ vườn thanh long gần quán cà phê của Trân lấy hung khí đi đánh nhau.

Đâm, chém người gây thương tích

Cùng thời điểm đó, nhóm của Nguyễn Phi Vũ gồm khoảng 20 người, trong đó có Nguyễn Thái Trung, sinh ngày 08/6/2006, trú tại khu phố 11, phường Phú Thủy, Tp.Phan Thiết và Dương Nhật Phi, sinh ngày14/9/2005, trú tại thôn Xuân Phong, xã Phong Nẫm, Tp.Phan Thiết sử dụng xe máy mang theo các loại hung khí chạy ra ngã tư đường Nguyễn Hội giao nhau với đường Trường Chinh để đánh nhau với nhóm của Tài nhưng không gặp.

Lúc này, nhóm của Tài chạy đến điểm hẹn, đứng đợi khoảng 5 phút nhưng không thấy nhóm của Nguyễn Phi Vũ nên cả nhóm điều khiển xe quay về thị trấn Phú Long.

Khi chạy đến khu vực trước trường Trung học cơ sở Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc thì nhóm của Phi Vũ nhắn tin nên cả nhóm quay lại.

Khi nhóm của Tài chạy qua cầu Bến Lội đến cây xăng số 9 thuộc khu phố 2, phường Xuân An, Tp.Phan Thiết thì nhìn thấy Nguyễn Thái Trung và Dương Nhập Phi đang đứng bên lề đường gần cây xăng số 9.

Thấy vậy, nhóm của Tài dừng xe cùng rượt đuổi theo Dương Nhập Phi và Nguyễn Thái Trung. Phi bỏ chạy vào cây xăng trốn, còn Nguyễn Thái Trung chạy băng qua con lươn ở giữa đường Quốc lộ 1A, Tài cầm cây ba chỉa rượt đuổi theo ném về phía Trung nhưng không trúng.

Hốt hoảng, Trung chạy vào con hẻm bên hông phòng bán vé của nhà xe Phương Trang bị té ngã. Nguyễn Văn Duy cầm cây ba chỉa đâm nhiều cái vào người của Trung. Trần Thanh Tiến, Lê Duy Thái và Trần Đình Cương cầm kiếm chém vào đầu và người của Trung. Thấy Trung gục xuống đường cả nhóm dừng lại rồi đi ra đường Quốc lộ 1A.

Đỗ Hồng Đăng Khoa cầm theo chai xăng châm lửa đốt rồi ném ra giữa đường Quốc lộ 1A, khu vực trước phòng bán vé của nhà xe Phương Trang tạo ra tiếng nổ, Sau đó, nhóm của Tài chạy xe về lại thị trấn Phú Long cất hung khí lại chỗ cũ rồi đi về nhà.

Nguyễn Thái Trung bị thương, được mọi người xung quanh đưa đi cấp cứu và điều trị.

Hội đồng xét xử nhận định: Các bị cáo đã đâm, chém Nguyễn Thái Trung gây thương tích với tỷ lệ 15%. Vụ án có đồng phạm giản đơn, trong đó Nguyễn Thanh Tài, Trần Minh Hưng là người khởi xướng, rủ rê Nguyễn Văn Duy, Trần Thanh Tiến, Trần Đình Cương là người trực tiếp gây ra thương tích cho Nguyễn Thái Trung.

Đối tượng Nguyễn Hoài Bảo, Nguyễn Duy Phước, Đỗ Hồng Đăng Khoa, Từ Sĩ Quốc, Lê Hồng Sang, Đỗ Anh Khoa, Nguyễn Văn Sâm, Võ Hoài Bảo, Trần Thanh Tân, Nguyễn Hữu Thắng với vai trò người giúp sức nên Nguyễn Hoài Bảo, Phước, Đăng Khoa, Quốc, Sang, Anh Khoa, Sâm, Võ Hoài Bảo, Tân, Thắng đều phải chịu trách nhiệm hình sự chung đối với hành vi và hậu quả đã gây ra.

Hành vi của Nguyễn Thanh Tài, Trần Minh Hưng, Nguyễn Văn Duy, Trần Thanh Tiến, Trần Đình Cương, Nguyễn Hoài Bảo,Nguyễn Duy Phước, Đỗ Hồng Đăng Khoa, Từ Sĩ Quốc, Lê Hồng Sang, Đỗ Anh Khoa, Nguyễn Văn Sâm, Võ Hoài Bảo, Trần Thanh Tân, Nguyễn Hữu Thắng đã xâm phạm đến sức khỏe của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương, nên cần phải xử lý bằng biện pháp hình sự để răn đe giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

PV Người Đưa Tin sẽ cập nhật phần tuyên án vào ngày 16/3.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Nữ sinh lớp 8 ở Tiền Giang tạo Facebook ảo vu khống thầy giáo "gạ tình"

Do có thành kiến với thầy giáo dạy âm nhạc, nữ sinh lớp 8 ở Tiền Giang lập Facebook giả của thầy rồi nhắn tin "gạ tình" với mình, sau đó chụp màn hình gửi cho bạn bè...

Ngày 15/3, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng THCS Xuân Diệu (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã có báo cáo gửi UBND TP. Mỹ Tho, Phòng Giáo dục và Đào tạo về việc nữ sinh lớp 8 của trường tạo Facebook ảo để vu khống giáo viên "gạ tình".

Theo báo cáo của Trường THCS Xuân Diệu, do mâu thuẫn giữa em T.T.A (học sinh lớp 8) và các học sinh nam trong lớp về việc không mang đàn. Do đó, T. A kể lại việc này cho thầy N.S.H (giáo viên bộ môn Âm nhạc).

Trong tiết học, thầy H có nhắc nhở các em học sinh nam, làm cho các em này ghét T.A. Từ đó dẫn đến việc nữ sinh có thành kiến với thầy H.

Sau đó, em T.A. tạo Facebook giả tên thầy H. Nữ sinh này nhắn liên tục qua lại trên Facebook giả của thầy H với nội dung tình dục, mục đích là để hạ uy tín của thầy H. Tiếp đó, nữ sinh này chụp màn hình gửi các bạn trong lớp và phát tán trong trường.

Chiều 14/3, nhà trường đã phát hiện sự việc trên nên mời phụ huynh của em T.A đến trường làm rõ vụ việc. Thầy H cũng tham dự buổi làm việc. Bước đầu, em A thừa nhận toàn bộ việc làm sai trái của mình và nhận khuyết điểm trước nhà trường, thầy H.

Cùng ngày, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang cho biết đã nhận được báo cáo vụ việc.

“Nữ sinh này mới học lớp 8 nên chưa nhận thức được hành vi của mình. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để có hướng xử lý hài hòa, nếu không ảnh hưởng đến tương lai của em này. Sau khi làm việc với nhà trường, nữ sinh đã xin lỗi thầy H. và đăng bài lên Facebook đính chính vụ việc”, ông Trí nói.

(Nguồn: Soha)

Bắt đối tượng thu tiền 'bảo kê' tại chung cư The Matrix One

(Ảnh minh họa).

Chiều 16/3, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đã bắt giữ đối tượng truy nã Phan Minh Tiến (SN 1998, ở thôn Phú Xuyên 4, xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội cưỡng đoạt tài sản.

Theo cơ quan điều tra, khoảng tháng 6/2022, anh L. (SN 1989, ở huyện Quốc Oai, Hà Nội) có vận chuyển vật liệu để sửa chữa, cải tạo căn hộ tại chung cư The Matrix One trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Thấy anh L., nhóm đối tượng (trong đó có Phan Minh Tiến) đã ngăn cản không cho vào làm việc, đe dọa gây thương tích và đập phá tài sản của nạn nhân.

Không chỉ vậy, các đối tượng ép buộc anh L. phải nộp tiền “bảo kê” mới được vào trong khu chung cư để làm việc. Anh L. đã nhiều lần đóng tiền “phế” cho các đối tượng. Do lo sợ bị các đối tượng đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc, anh L. đã đến cơ quan công an trình báo vụ việc.

Căn cứ vào tài liệu điều tra, ngày 17/1, Công an quận Nam Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”, khởi tố bị can đối với Phan Minh Tiến.

Do đối tượng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên Công an quận Nam Từ Liêm đã ra quyết định truy nã đối với Phan Minh Tiến.

Sau nhiều ngày truy tìm, các trinh sát của Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện Tiến đang lẩn trốn ở TP.HCM. Ngày 12/3, lực lượng công an đã tiến hành bắt giữ đối tượng.

(Nguồn: Vietnamnet)

An Biên triệt xóa đường dây trộm cắp xe máy liên tỉnh

Công an huyện An Biên (Kiên Giang) đang tạm giữ hình sự đối tượng Đặng Xuân Hải (43 tuổi), hộ khẩu thường trú khu phố Hòa Bình, phường Nam Thành, TP. Ninh Bình (Ninh Bình) và Nguyễn Kim Giàu (34 tuổi), thường trú ấp Bần A, xã Thuận Hòa, huyện An Minh (Kiên Giang) để điều tra hành vi trộm cắp tài sản.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện An Biên liên tiếp xảy ra tình trạng mất trộm xe máy của người dân, gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Công an huyện An Biên đã huy động lực lượng, chỉ đạo trực tiếp Đội Cảnh sát điều tra khẩn trương xác minh, thu thập chứng cứ và mở rộng diện điều tra, áp dụng đồng bộ các biện pháp điều tra nhằm tìm manh mối, nhằm triệt xóa đường dây trộm cắp xe máy.

Khoảng 17 giờ ngày 15-3-2023, Công an huyện An Biên bố trí lực lượng mai phục bắt quả tang đối tượng Giàu đang thực hiện hành vi trộm cắp xe máy, tang vật thu giữ 1 xe máy, nhiều công cụ dùng để bẻ khóa và tài sản khác do đối tượng trộm cắp được.

Qua khai thác nhanh, Giàu khai nhận cùng với Hải đã thực hiện nhiều vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn huyện An Biên và khu vực lân cận.

Công an huyện An Biên đã cử trinh sát phối hợp Công an huyện Châu Thành (Kiên Giang) tiến hành xác minh và ra lệnh bắt khẩn cấp Đặng Xuân Hải khi Hải đang lẩn trốn tại một ngôi nhà thuê tại ấp Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành. Kiểm tra trong nhà, lực lượng chức năng thu giữ 6 xe máy do 2 đối tượng trộm cắp.

Để thực hiện trót lọt các vụ trộm, Giàu và Hải đã chia nhau tìm hiểu địa bàn và chọn những gia đình không có người ở nhà hoặc mất cảnh giác. Hai đối tượng lẻn vào nhà dùng đoản bẻ khóa xe máy, đưa xe về “tập kết” tại nhà, khi đủ số lượng xe sẽ vận chuyển lên TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Giàu có 1 tiền án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Hải từng có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản vừa chấp hành án xong.

Công an huyện An Biên tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, xác minh các đối tượng liên quan trong đường dây trộm cắp; truy thu lại số xe máy do hai đối tượng này trộm cắp để hoàn trả lại cho người dân.

(Nguồn: Báo Kiên Giang)

Lừa đảo "chuyển tiền cấp cứu": Lộ lọt thông tin cá nhân nghiêm trọng

(Ảnh minh họa).

Tiến sĩ - Thượng tá Lê Quang Toàn, Phó Trưởng khoa Cảnh sát Điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân đánh giá, vấn đề lộ lọt thông tin của Việt Nam đang rất nghiêm trọng.

Thời gian gần đây, công an các địa phương liên tiếp nhận đơn trình báo của phụ huynh học sinh nhận được cuộc gọi từ đối tượng lạ tự xưng là giáo viên thông báo con, người thân bị tai nạn tại trường, đang đi cấp cứu tại bệnh viện. Các đối tượng yêu cầu phụ huynh chuyển tiền gấp vào tài khoản do đối tượng chỉ định để làm thủ tục nhập viện, phẫu thuật sau đó chiếm đoạt tài sản.

Gần đây nhất, ngày 14/3, công an quận Nam Từ Liêm tiếp nhận đơn trình báo của chị V.T.H (SN 1978, Hoàng Mai, TP.Hà Nội) về việc khi chị đang làm việc tại công ty ở KCN Từ Liêm thì nhận được điện thoại từ số +84707118406 tự xưng là giáo viên nhà trường đến số điện thoại cá nhân của chị. Người lạ trên thông báo con chị là cháu L.G.B đang học lớp 10A1 trường chuyên KHTN bị ngã từ tầng 3 của trường, hiện đang cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nguy kịch. Tin lời đối tượng chị đã chuyển cho chúng 200 triệu đồng. Theo các chuyên gia, thủ đoạn này không phải là mới, tại sao lại có nhiều phụ huynh học sinh bị lừa.

Về vấn đề này, PV VOV.VN trao đổi với Tiến sĩ - Thượng tá Lê Quang Toàn, Phó Trưởng khoa Cảnh sát Điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân.

PV: Quan sát những vụ việc phụ huynh bị lừa đảo bởi chiêu trò "con đi cấp cứu", Thượng tá có đánh giá thế nào về thủ đoạn của các đối tượng?

Thượng tá Lê Quang Toàn : Theo tôi, thủ đoạn này không mới, tuy nhiên lại có rất nhiều người mắc bẫy. Thậm chí có những người đã chuyển hằng trăm triệu đồng cho các đối tượng.

Thủ đoạn này gây mất an ninh trật tự, gây hoang mang cho quần chúng nhân dân, cũng như ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý phụ huynh cũng như các em học sinh. Qua đó, chúng ta thấy rằng, cần phải có ngay các biện pháp để ngăn chặn triệt để tình trạng trên.

PV : Như Thượng tá vừa trao đổi, thủ đoạn này không phải mới, nhưng tại sao vẫn có nhiều phụ huynh “mắc bẫy”?

Thượng tá Lê Quang Toàn: Nguyên nhân thứ nhất, xuất phát từ sự tinh vi của các đối tượng. Bởi, nó không phải thủ đoạn mới, nhưng với người mới biết thì đúng là nó rất tinh vi. Họ rất dễ dàng tin tưởng các đối tượng và thực hiện theo yêu cầu của bọn chúng.

Cụ thể, khi các đối tượng đánh đúng tâm lý của các nạn nhân, thông báo con của họ đang được cấp cứu, rất nguy hiểm đến tính mạng cần được chuyển tiền ngay để cứu các cháu. Do nóng lòng, muốn cứu con, lo cho con, các bậc phụ huynh thiếu quan sát, đánh giá, dễ dàng chuyển tiền ngay cho các đối tượng.

Nguyên nhân thứ hai, xuất phát từ chính các nạn nhân. Bởi, trong trường hợp này họ tỏ ra mất cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin. Một người lạ gọi điện đến cho mình, không biết họ là ai, nhưng lại sẵn sàng giao một số tiền rất lớn. Thậm chí lên tới hàng trăm triệu đồng.

Quan trọng nữa là họ thiếu kiến thức về phòng chống tội phạm, cũng như sự thiếu hiểu biết về các thủ đoạn phạm tội. Bởi, các thủ đoạn này xuất hiện trên mạng internet rất nhiều, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa rất nhiều.

Tuy nhiên, họ không tìm hiểu cũng như không nắm được các thủ đoạn đó. Cho nên, khi họ rơi vào tình trạng này, họ trở lên bị động và dễ dàng tin tưởng các đối tượng.

Nguyên nhân thứ 3, đó là sự lộ lọt thông tin cá nhân. Lộ lọt từ tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, con học trường nào,…. Chính vì vậy, khi được gọi điện thoại đến, những người này dễ dàng tin tưởng đó là giáo viên của nhà trường và con mình đang bị tai nạn thật. Cho nên, họ yên tâm chuyển tiền cho đối tượng để cứu con mình.

PV: Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, Thượng tá có nói đến nguyên nhân lộ lọt thông tin của học sinh. Vậy, ông có thể chia sẻ cho độc giả biết, việc quản lý dữ liệu cá nhân của học sinh đang được thực hiện thể nào?

Thượng tá Lê Quang Toàn: Tôi đánh giá vấn đề lộ lọt thông tin của Việt Nam đang rất nghiêm trọng và các chuyên gia đã cảnh báo như thế. Chúng ta có rất nhiều vấn đề về lộ lọt thông tin trên mạng internet. Ngay bản thân tôi, thi thoảng cũng nhận được cuộc gọi, anh có phải là phụ huyng của cháu này, học trường này không? Ban đầu tôi cứ tưởng cháu gặp vấn đề gì?...

Ngay sau đó, các bạn có giới thiệu, em ở Trung tâm ngoại ngữ này, trung tâm ngoại ngữ kia, có chương trình này, chương trình kia,… Tôi có hỏi tại sao lại có thông tin của tôi như vậy? Nhưng họ lảng tránh không trả lời. Thế như vậy, họ đã lấy được thông tin của tôi và khá nhiều người khác.

Có rất nhiều nguyên nhân gây lộ lọt thông tin. Ví dụ, trường học quản lý thông tin của rất nhiều học sinh, lên tới con số hàng nghìn. Trong thông tin đó, có cả thông tin của phụ huynh, zalo, địa chỉ gia đình,…Nếu như công tác quản lý thông tin này có vấn đề như: không bảo mật, bị hacker tấn công, hoặc chính người quản lý thông tin đó thiếu kỹ năng, ý thức bảo mật không cao thì hoàn toàn bị lộ lọt.

Thứ hai, từ ý thức cá nhân. Hằng ngày có rất nhiều người lên mạng xã hội, up ảnh, cập nhật thông tin,… Từ việc mình ở đâu, làm gì, số điện thoại, giấy khen của con và các thông tin khác.

Và chỉ cần xâu chuỗi lại sẽ biết được người này cư trú ở đâu, số điện thoại là gì, và con học trường nào?... Cho nên yếu tố lọ lọt thông tin cũng xuất phát từ yếu tố cá nhân nhiều.

Từ tình trạng trên, theo tôi, các cá nhân, một mặt nâng cao ý thức cảnh giác trong việc bảo mật thông tin của mình.

Thứ hai, các đơn vị lưu trữ tại trường học, cũng phải tính toán đến các phương án đảm bảo công tác bảo mật, đào tạo cán bộ, nâng cao ý thức của cán bộ trong việc bảo mật thông tin đó.

PV: Rõ ràng lộ lọt thông tin để lại nhiều hậu quả khác nhau. Nhưng cũng từ vụ việc này, cho chúng ta thấy việc thiết lập các đường dây duy trì liên lạc giữa gia đình và nhà trường là thực sự cần thiết?

Thượng tá Lê Quang Toàn: Việc liên lạc giữa gia đình và nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý, giáo dục các em học sinh.

Thông qua các vụ việc trên, chúng ta thấy rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sự việc đó, chính là sự nhẹ dạ cả tin, thiếu kiến thức của các bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh sự liên lạc giữa gia đình và nhà trường trong trường hợp này còn hạn chế. Cụ thể, trong trường hợp này, nếu phụ huynh liên lạc được với nhà trường, liên hệ được với cô giáo chủ nhiệm thì họ sẽ biết chính xác con mình không bị tai nạn. Con họ vẫn đang học tại trường, thì chắc chắn họ sẽ không chuyển tiền cho đối tượng.

Cho nên, từ đây cũng đặt ra yêu cầu, các nhà trường cần thiết lập được một kênh liên lạc với các bậc phụ huynh.

Cụ thể, cần thiết lập được một đường dây nóng, có 1 hoặc 2 số điện thoại, phải trực thường xuyên, để khi xảy ra trường hợp đột xuất phụ huynh có thể gọi vào đó, kiểm tra thông tin về con mình. Và kiểm tra được chính xác, liệu con mình có đang gặp nguy hiểm như vậy hay không?

Và khi phát hiện ra thông tin đó không phải là thật thì họ sẽ không bị mắc bẫy.

Thứ hai, các trường cũng nên có cơ chế cung cấp thông tin trong trường hợp khẩn cấp. Cụ thể, ví dụ như xảy ra trường hợp các học sinh bị tai nạn thì ai sẽ là người thông báo cho cha mẹ học sinh.

Ở đây, theo tôi, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) của học sinh là người quyết định và quan trọng trong vấn đề này. Ví dụ, chẳng may có vấn đề xảy ra tai nạn ở trường, sau khi làm các thủ tục sơ cứu cấp thiết trước, thì GVCN thông báo cho phụ huynh. Bởi, họ có thông tin của phụ huynh, và họ biết nhau trước.

Cho nên, khi có một người có số nằm trong danh bạ điện thoại, đã biết nhau trước thì các bậc phụ huynh yên tâm đây là thông tin chính xác.

Cùng với đó, giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm phải có mối liên hệ thường xuyên trao đổi qua lại.

PV: Thông qua vụ việc này, Thượng tá có khuyến cáo cụ thể thế nào?

Thượng tá Lê Quang Toàn: Thứ nhất, phải nâng cao ý thức cảnh giác, không nhẹ dạ, cả tin, tin tưởng vào những đối tượng không quen biết. Khi có số điện thoại của người lạ chúng ta không dễ dàng tin tưởng được.

Thứ hai, cần cập nhật kiến thức, kinh nghiệm về phòng chống tội phạm. Đặc biệt, là những thủ đoạn liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thứ 3, bố mẹ cần quan tâm đến việc học hành của con, thường xuyên có sự giao tiếp, trao đổi với nhà trường để có thông tin cần thiết.

Về phía nhà trường, nếu thông tin lộ lọt từ nhà trường, thì trước tiên nhà trường phải có biện pháp quản lý thông tin cá nhân chặt chẽ. Ngoài ra, trên các website của các trường đó, hoặc không có website cũng cần phải có biện pháp nhắn tin trực tiếp đến phụ huynh thông qua cô giáo chủ nhiệm để cùng nhau có biện pháp phòng tránh.

(Nguồn: Kenh14)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang