Chặn đầu, đập phá xe cấp cứu; 2 nhóm hỗn chiến; Giả cảnh sát PCCC lừa đảo; Truy tố bác sĩ 'rởm'; Trộm cắp tại các công trình

Phẫn nộ trước clip ghi lại cảnh đối tượng chặn đầu và đập vỡ kính xe cấp cứu

Đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh xe cấp cứu hú còi xin nhường đường nhưng một đối tượng hung hăng đã chặn đầu xe và dùng gạch đập vỡ kính, gây bức xúc cho người xem.

Nội dung được một trang trên Facebook đăng tải: "Đoạn clip mới xuất hiện trên MXH (mạng xã hội) khiến người xem vô cùng bức xúc. Nghe đâu thanh niên cùng 2 cô gái chạy xe dàn hàng ngang trên đường, xe cứu thương đang chở bệnh nhân cấp cứu bị nặng phải thở máy từ Chợ Rẫy về BV Thiên Ân - Trà Vinh.

Tài xế có hú còi xin nhường đường nhưng mấy người này không cho, thanh niên đã đuổi theo chặn đường dọa tài xế và đỉnh điểm là cầm viên gạch chọi một phát vào kính trước của xe cứu thương. Nhìn quả thiệt hại kia thì cái kết sắp tới thì chắc nhiều người đã rõ".

Sau khi xem clip, nhiều người vào bình luận và rất phẫn nộ với hành vi của đối tượng này.

Sáng 3-6, trao đổi với phóng viên, đại diện Bệnh viện Đa khoa Thiên Ân tại Trà Vinh xác nhận: "Vụ việc xảy ra vào chiều 31-5, người nhà bệnh nhân đi xe cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) để đưa một bệnh nhân lớn tuổi vừa mổ xong về Bệnh viện Đa khoa Thiên Ân tiếp tục điều trị. Khi đến đoạn đường ngang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh mới xây thì xảy ra vụ việc".

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Thiên Ân thông tin thêm đối tượng cầm gạch đập vỡ kính xe đi chung trên xe máy với 2 người nữa và không hiểu sao lại có hành động là chặn và đập vỡ kính xe cấp cứu.

"Vì đây là phương tiện của Bệnh viện Chợ Rẫy nên chúng tôi không biết phía bệnh viện này có báo công an vào cuộc hay không" - đại diện Bệnh viện Đa khoa Thiên Ân nói.

(Nguồn: Kenh14)

Hai nhóm thanh thiếu niên hẹn nhau hỗn chiến tại An Giang

Do có mâu thuẫn từ trước, hai nhóm thanh thiếu niên ở An Giang đã hẹn nhau sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn.

Vào khoảng 15 giờ ngày 1/6, qua công tác quản lý địa bàn, Công an phường Mỹ Long, TP Long Xuyên (An Giang) phát hiện hai nhóm thanh thiếu niên hẹn nhau tại khu vực Nhà thiếu nhi An Giang (thuộc khóm 4, phường Mỹ Long) sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn.

Ngay sau đó, Công an phường Mỹ Long triển khai lực lượng đến khu vực trên, phát hiện 10 thanh thiếu niên độ tuổi từ 15 đến 21 tuổi (trú tại các phường Mỹ Long và Mỹ Quý, TP Long Xuyên) đang tụ tập cùng nhiều hung khí nguy hiểm gồm: 2 cây dao phóng lợn, 3 cây mã tấu, 1 cây chĩa và 1 thùng vỏ bia.

Qua làm việc, bước đầu các đối tượng khai nhận, do mâu thuẫn với nhóm thanh thiếu niên ở thị trấn Phú Hoà, huyện Thoại Sơn, hai nhóm hẹn nhau đến khu vực trên sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, hai nhóm chưa kịp đánh nhau thì bị lực lượng công an kịp thời ngăn chặn.

(Nguồn: Soha)

Lợi dụng nắng nóng, các đối tượng giả danh Cảnh sát PCCC để lừa đảo

Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) không chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ bán bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào liên quan đến lĩnh vực PCCC&CNCH.

Ngày 2/6, một lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, gần đây, đơn vị liên tiếp nhận được tin báo của một số cá nhân, lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn quận về việc có đối tượng tự giới thiệu là cán bộ kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), yêu cầu tập huấn và bán tài liệu tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Những đối tượng này thông báo cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về việc sắp có kế hoạch kiểm tra và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, đồng thời đề nghị đơn vị cử người tham gia và đóng kinh phí mức từ 490 - 900 nghìn đồng để mua tài liệu.

Các đối tượng chỉ liên hệ qua điện thoại, giới thiệu tên và cơ quan làm việc nhưng không đúng thực tế. Hình thức thanh toán chủ yếu qua người giao hàng và chuyển tiền của khách về cho người bán. Trong trường hợp đơn vị không hợp tác, đối tượng sẽ đe dọa xử lý vi phạm hành chính.

Từ căn cứ nêu trên, vị lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm khẳng định, đây là nhóm đối tượng giả danh Cảnh sát PCCC&CNCH.

“Hình thức lừa đảo không mới nhưng các đối tượng này ngày một tinh vi hơn. Trước đây, các đối tượng lừa đảo chỉ tập trung vào hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mới hoạt động, chưa có đầy đủ các điều kiện về an toàn PCCC… Hiện nay, các đối tượng nắm bắt thời điểm cao điểm nắng nóng để nhắm vào các doanh nghiệp thuê cơ sở và làm việc trên địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao”, vị lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm thông tin.

Những hành vi trên là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nói riêng và hình ảnh Công an quận Nam Từ Liêm nói chung, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Để ngặn chặn tình trạng lừa đảo trên, Công an quận Nam Từ Liêm khuyến cáo, trong trường hợp không nắm rõ thông tin, để đảm bảo quyền lợi của mình đề nghị các cá nhân, cơ sở, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp liên hệ ngay với cán bộ quản lý địa bàn trong lĩnh vực PCCC hoặc Cảnh sát khu vực trước khi tiếp nhận các tài liệu, vật phẩm...

Công an quận Nam Từ Liêm không chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ bán bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào liên quan đến lĩnh vực PCCC&CNCH. Đề nghị người dân nêu cao cảnh giác, không giao dịch mua bán với các đối tượng lạ, chia sẻ thông tin rộng rãi về các thủ đoạn lừa đảo cho người thân và cộng đồng.

(Nguồn: Vietnamnet)

Đề nghị truy tố bác sĩ “rởm” ở Đồng Nai

Bác sĩ "rởm" này đã sử dụng bằng cấp giả hành nghề khám bệnh tại nhiều bệnh viện.

Sáng 3/6, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị vừa hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ, tài liệu sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Trần Xuân Ngọc, thường trú tại Tp.HCM về hành vi Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2020, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai kiểm tra phòng khám đa khoa Đ.P. (ấp Phước Lý, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) phát hiện bằng tốt nghiệp đại học y khoa mang tên Trần Xuân Ngọc, có nhiều nghi vấn được làm giả nên tạm giữ và chuyển hồ sơ đến Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Đồng Nai để xác minh, làm rõ.

Qua xác minh ban đầu, bằng tốt nghiệp trên của Ngọc có dấu hiệu bị làm giả nên chuyển hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch thụ lý theo quy định.

Làm việc với cơ quan điều tra, Ngọc khai, năm 1996 là thí sinh phổ thông dự thi vào Trường đại học Y Dược Tp.HCM, nhưng bị rớt. Sau đó, Ngọc được Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cử đi học tại Trường đại học Y Dược Tp.HCM theo hệ cử tuyển bằng ngân sách của tỉnh.

Tại đây, Ngọc học lớp bác sĩ Y đa khoa, sau khi tốt nghiệp, Ngọc sử dụng tấm bằng trên đi xin việc và được nhận vào làm việc tại nhiều bệnh viện tại Tp.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ lời khai của Ngọc, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch đã làm việc với các cơ quan, trường học có liên quan, đều khẳng định Ngọc không có tên trong danh sách được cử đi học và cũng không có tên trong danh sách công nhận tốt nghiệp đại học hệ chính quy của Trường đại học Y Dược Tp.HCM. Ngoài ra, kết luận giám định con dấu, chữ ký trên bằng đều là giả.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, cùng với những chứng cứ xác đáng, cuối cùng, Ngọc phải thừa nhận đã nhờ người thân (hiện đã mất) làm giả tấm bằng trên mà đối tượng đã sự dụng nhiều năm nay.

Tổng số tiền lương Ngọc nhận được từ các bệnh viện, đơn vị bảo hiểm xã hội gần 637 triệu đồng.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Nhức nhối nạn vẽ bậy, trộm cắp tại các công trình trọng điểm ở TPHCM

Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) liên tục bị vẽ bậy, trộm vật tư; hàng trăm nắp cống trên Xa lộ Hà Nội bị đập phá lấy cốt thép,… không chỉ làm thiệt hại, ảnh hưởng tiến độ dự án, mà còn gây mất an toàn giao thông ở TP Hồ Chí Minh.

Metro số 1 liên tục bị vẽ bậy, trộm vật tư

Rạng sáng ngày 30.4, nhân viên nhà thầu tại khu vực Depot Long Bình (TP Thủ Đức) – nơi tập kết tàu Metro số 1 phát hiện một đoàn tàu bị bôi bẩn, vẽ bậy. Đây là lần thứ hai tàu Metro số 1 bị vẽ bậy, sau lần hồi tháng 6 năm ngoái cũng tại khu vực trên.

Nhà thầu Hitachi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và chi phí để tẩy vết sơn trên các đoàn tàu. Tuy nhiên, đến nay cả hai vụ việc vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Theo ông Hoàng Mai Tùng - Phó giám đốc Ban quản lý dự án 1, thuộc Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), sau vụ việc, các đơn vị đã bổ sung camera, đèn chiếu sáng 24/24h tại khu vực tường rào, nơi khuất sáng.

Hiện tại, lực lượng bảo vệ tại đây cũng được tăng gấp đôi với tần suất dày hơn. "Ban Quản lý đường sắt đô thị, nhà thầu cũng bổ sung cả chó nghiệp vụ để phục vụ công tác tuần tra, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra” – ông Tùng nói.

Ngoài việc tàu metro bị vẽ bậy, Ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết, thời gian qua, tuyến Metro số 1 cũng bị mất trộm tài sản, thiết bị đoạn trên cao từ khu vực nhà ga Thảo Điền đến nhà ga Bến xe Suối Tiên. Kẻ gian đã cắt trộm cáp tiếp địa, tháo các neo tà vẹt... của nhà thầu đang thi công.

Tháng 5 năm ngoái, khoảng 13.000 khoá kẹp ray tàu cùng một số đường dây cáp ở công trường và Depot Long Bình cũng bị lấy trộm.

Qua các vụ việc, mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh phải gửi công văn "cầu cứu" tới UBND TP Thủ Đức và Công an TP Thủ Đức đề nghị hỗ trợ tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho dự án.

Đập phá hàng trăm nắp cống lấy sắt bán phế liệu

Rạng sáng ngày 16.5, nhân viên Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội trong lúc tuần tra trên Xa lộ Hà Nội phát hiện người đàn ông đi xe máy dùng búa đập nắp cống tại đoạn gần nút giao cổng chính Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Người này sau đó bỏ chạy để lại xe máy, túi bao tải đựng hàng chục thanh thép lấy từ nắp cống.

Theo ông Nguyễn Thanh Nam - Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội, trong tháng 4 và tháng 5.2023, đơn vị nhiều lần phát hiện các tấm đan bê tông cốt thép đậy các rãnh thoát nước thường xuyên bị kẻ xấu đập phá để lấy thép bên trong bán phế liệu. Thống kê có hơn 200 nắp cống bị đập phá.

Công trình bị phá hoại kéo dài từ khu vực nút giao Cát Lái (phường An Phú), ngã tư Thủ Đức đến nút giao Đại học Quốc gia Thành phố. Tại nhiều vị trí, nắp cống, tấm đan bị phá, vữa bêtông lấp đầy dưới mương cùng với rác thải. Nhiều chỗ trở thành hố sâu khoảng 40 cm, tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi bộ.

“Việc đập phá các tấm đan thỉnh thoảng xảy ra một đợt. Khi xảy ra vụ việc, công ty cũng tự đúc và lắp lại. Tuy nhiên, đợt này bị đập phá số lượng lớn nên công ty đã kiến nghị lực lượng chức năng vào cuộc hỗ trợ" - ông Nam nói.

Tháng 5.2022, cầu Thủ Thiêm 2 (nay là Ba Son, nối Quận 1 với TP Thủ Đức) có tổng vốn đầu tư 3.100 tỉ đồng vừa khánh thành đã bị kẻ gian cạy lấy 32 nắp cống thoát nước làm bằng gang rồi đem bán phế liệu. Kẻ trộm sau đó bị bắt giữ.

Nhưng chỉ sau đó 3 tháng, cầu Thủ Thiêm 2 lại bị sơn nhiều hình thù nham nhở. Cơ quan chức năng sau đó phải dùng nhiều loại dung môi mới có thể xoá sạch.

Ngăn chặn bằng cách nào?

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, tình trạng mất cắp phát sinh từ sự mất cảnh giác, chủ quan của các đơn vị chủ thầu trong việc quản lý tài sản, không có người trông coi, che chắn, không có biện pháp bảo vệ phù hợp, các tài sản, vật tư, hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực vắng người dễ tháo lắp.

Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với các quận, huyện truy xét, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng gây án.

Về lâu dài, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở GTVT TP Hồ Chí Minh xây dựng quy chế phối hợp để thực hiện các giải pháp bảo vệ, tăng cường tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự tại các tuyến đường, khu vực lắp nhiều thiết bị hạ tầng kỹ thuật…

Hai đơn vị sẽ tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, hình ảnh (từ hệ thống camera quan sát) khi có các vụ việc xảy ra, sau đó, Công an thành phố sẽ điều tra dù mất tài sản nhỏ hay lớn.

Công an thành phố cũng chỉ đạo cho các đơn vị, công an các phường, xã rà soát, lên danh sách các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn để ký cam kết không tiếp tay, không mua các cấu kiện, vật tư hệ thống kỹ thuật, tố giác khi có nghi vấn.

(Nguồn: Lao Động)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang