Chấm dứt quyền sở hữu chung cư; Gỡ nút thắt cho BĐS; Quyết liệt xóa dự án treo; Loạt công trình trái phép ở miền Tây

Chấm dứt quyền sở hữu chung cư: Lo ngại thiếu chặt chẽ

Chiều 17/3, thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn với quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Trong khi đó, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số các ý kiến trong Thường trực Ủy ban không tán thành với quy định trên do chưa phù hợp, gây nhiều hệ lụy về pháp lý và có thể dẫn đến hệ quả mất cân đối cung-cầu trong lĩnh vực nhà ở.

Đa số ý kiến không tán thành

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, điểm mới trong lần sửa đổi này là việc bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư . Trong đó quy định xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư; các trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ; xử lý nhà chung cư khi bị phá dỡ; quyền và trách nhiệm chủ sở hữu sau khi nhà chung cư bị phá dỡ…

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, căn cứ Hiến pháp, Bộ luật Dân sự thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư “có cơ sở pháp lý”.

Tuy nhiên xét về tính hợp lý, khả thi của đề xuất thì trong Thường trực Ủy ban có 2 loại ý kiến khác nhau. Trong đó, loại ý kiến thứ nhất không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Lý do, việc này chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ.

Mặt khác, quy định trên có khả năng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hệ quả mất cân đối cung-cầu trong lĩnh vực nhà ở, tạo xu hướng “mua đất” thay mua nhà, phát triển hình thức phân lô bán nền khiến cho giá nhà đất tăng cao, cản trở mục tiêu chính sách phát triển nhà chung cư, nhất là ở các đô thị lớn.

“Quy định như dự thảo luật thì thời hạn sở hữu nhà chung cư, tài sản lớn của người dân thực tế sẽ không được xác lập cụ thể cùng với việc xác lập quyền sở hữu mà phụ thuộc vào quyết định hành chính của cơ quan quản lý về xây dựng khi kiểm định nhà chung cư ở các thời điểm khác nhau. Điều này dẫn đến hệ lụy không có cơ sở để xác định thời hạn sở hữu nhà chung cư khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tiềm ẩn rủi ro cho các bên khi mua bán nhà chung cư”, ông Tùng cho hay.

Cơ quan thẩm tra cũng viện dẫn khoản 1, Điều 26 của dự thảo Luật quy định, chủ sở hữu có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất có nhà chung cư. Điều này chưa giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa tài sản là nhà chung cư và tài sản là quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư.

Theo đó, quyền sở hữu tài sản trên đất chấm dứt nhưng quyền sử dụng đất vẫn còn, bởi vì theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành, đất ở chung cư là ổn định lâu dài.

Do vậy, quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa khắc phục được khó khăn hiện nay là tình trạng nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ nhưng người dân không chịu di dời để cải tạo, xây dựng lại, do họ vẫn có quyền sử dụng đất và vẫn có thể căn cứ vào đó để trụ lại nhà chung cư.

Còn loại ý kiến thứ hai tán thành quy định của dự thảo luật, bảo đảm có cơ sở pháp lý để xử lý các nhà chung cư hết niên hạn sử dụng một cách có hiệu quả, đặc biệt là các chung cư cao tầng có số lượng căn hộ rất lớn.

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, ông Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất.

“Bắt cho đúng bệnh”

Liên quan đến chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đây cũng là vấn đề thời gian qua báo chí, dư luận cũng như các cơ quan rất quan tâm. Vướng mắc này chủ yếu diễn ra ở Hà Nội, TP. HCM và các thành phố lớn.

Ông Cường đề nghị đánh giá kỹ tác động về chính sách này. Dự thảo luật quy định việc sở hữu nhà được thực hiện thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê, nhận, tặng, cho, thừa kế…

Như vậy, khi mua một căn hộ trong tòa nhà chung cư, hộ cá nhân, hộ gia đình có sở hữu riêng phần bên trong căn hộ theo pháp luật dân sự. Đây là quyền sở hữu tư nhân, quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, chủ thể được Hiến pháp và pháp luật bảo hộ…

“Việc quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà như trong dự thảo luật chưa đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, đồng thời gây mâu thuẫn ngay trong quy định tại dự thảo luật”, ông Cường nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, quyền sở hữu nhà chung cư là vấn đề hệ trọng và nhạy cảm được nhân dân, cử tri đặc biệt quan tâm, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau.

Do vậy, cần cân nhắc kĩ lưỡng thận trọng, với các căn cứ cơ sở chính trị vững chắc, căn cứ của Hiến pháp và các pháp luật có liên quan, trên cơ sở các vướng mắc thực tiễn với tinh thần vướng ở đâu sửa ở đó. Nhấn mạnh “bắt cho đúng bệnh để có chính sách cho phù hợp”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: Vướng trong sửa chữa cải tạo nhà chung cư có thực sự xuất phát từ thời hạn sở hữu nhà chung cư? Do đó các cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần tiếp tục thảo luận, làm rõ.

Tại phiên họp ngày 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra, tán thành việc bổ sung 2 dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Theo Chủ tịch Quốc hội, quy định của Hiến pháp và pháp luật thì quyền sở hữu đối với tài sản được Nhà nước bảo vệ và không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Còn theo quy định của Bộ luật Dân sự, trường hợp nhà chung cư bị tiêu hủy thì quyền của chủ sở hữu căn hộ chung cư thực hiện theo quy định của pháp luật.

“Như vậy, quyền của chủ sở hữu nhà chung cư vẫn còn tồn tại và được quy định bằng một luật nào đó như Luật Nhà ở, chứ không phải quyền đó bị chấm dứt”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Giải trình, tiếp thu, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, theo dự thảo thì quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ do mất an toàn, chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt. Quy định này cũng từ thực tiễn công tác cải tạo chung cư cũ hiện nay.

“Chung cư là công trình đặc thù có nhiều người sử dụng, khi xuống cấp, hư hỏng thì có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến an toàn tài sản, tính mạng cư dân”, ông Nghị nói.

Qua các ý kiến góp ý, Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc rà soát, nghiên cứu kỹ hơn, quy định làm sao để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời đảm bảo mục tiêu cải tạo được chung cư cũ, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.

(Nguồn: CafeF)

Gỡ nút thắt cho bất động sản

Hàng loạt giải pháp gỡ vướng thể chế tại nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh và bền vững… được nhiều chủ đầu tư kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản tìm được "ánh sáng cuối đường hầm".

Khoảng 70% vướng mắc của thị trường bất động sản (BĐS) nằm ở thủ tục pháp lý. Do đó, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết 33 tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, các bộ ngành và địa phương cần sớm hành động, bắt tay vào gỡ vướng thay vì bỏ mặc chủ đầu tư do tâm lý sợ… sai.

Mất 5-7 năm để hoàn tất một thủ tục?

Trao đổi về quy trình thực hiện một dự án bất động sản, một chủ đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết nếu gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thì doanh nghiệp sẽ mất 5-7 năm để hoàn thành thủ tục đầu tư một dự án nhà ở thương mại. Trường hợp thuận lợi trong đền bù, giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp cũng mất khoảng 3 năm để hoàn thành các thủ tục đầu tư một dự án bất động sản.

"Ngoài ra, chủ đầu tư phải thực hiện nhiều khâu thủ tục trước khi khởi công dự án như: chọn được địa điểm, thực hiện các thủ tục khảo sát, lập dự án, lập quy hoạch dự án, xác định chỉ giới giao đất, tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, rồi mới khởi công xây dựng", vị này nói.

Trong khi đó, thủ tục càng kéo dài, chi phí càng tăng và giá sản phẩm bất động sản càng bị đội lên. "Do vậy một trong những vấn đề quan trọng nhất cần được tháo gỡ là các thủ tục đầu tư dự án", một doanh nghiệp nói.

Đại diện một doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết nhiều dự án BĐS tại TP.HCM đang gặp vướng trong khâu pháp lý khiến dự án "đắp chiếu", thậm chí đã đến khâu mở bán nhưng vẫn chưa được cấp giấy đủ điều kiện. "Doanh nghiệp bây giờ rất khó khăn, cam kết với khách hàng nhưng không thực hiện được, không thể mở bán dự án sẽ rất rủi ro khi khách hàng thanh lý hợp đồng, rất khó về tài chính ở thời điểm này", vị này nói.

Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, phó viện trưởng Viện đổi mới sáng tạo (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), các dự án bất động sản gặp nhiều điểm vướng, trong đó một trong những vấn đề lớn là thủ tục phê duyệt hồ sơ, thủ tục pháp lý đối với dự án chậm. Ngay cả với nhà ở xã hội cũng thực hiện quy trình phức tạp, thậm chí khó hơn nhà ở thương mại. Do đó, theo ông Nghĩa, cần phải đẩy nhanh việc triển khai các thủ tục, rút ngắn các thủ tục cấp phép, giao đất… sẽ tạo ra đột phá, tăng nguồn cung.

Cần chuẩn hóa trình tự, thủ tục phê duyệt dự án

Ông Nguyễn Chí Thanh, phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng việc xây dựng một nghị định hướng dẫn quy trình thực hiện dự án bất động sản chung trên cả nước sẽ tạo thuận lợi cho chủ đầu tư trong hoàn thiện thủ tục các dự án. Trong thực tế, nhiều cán bộ địa phương đang sợ trách nhiệm, nghị định là văn bản dưới luật, hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các luật, đây sẽ là cơ sở để cán bộ các địa phương thực hiện trong trường hợp luật này "đá" luật kia hoặc thực hiện các khái niệm chưa rõ ràng trong luật.

"Việc chỉ đạo ban hành một nghị định thống nhất cũng cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư vững tâm, tiếp tục thực hiện dự án, thu hút thêm nhà đầu tư triển khai dự án mới", ông Thanh nói và kỳ vọng nghị định này được ban hành càng sớm càng tốt vì chưa có nghị định sẽ "chẳng ai dám quyết gì cả".

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và phân phối DTJ, giải pháp hỗ trợ ngay lúc này là các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần tuân thủ đúng thời gian giải quyết các thủ tục mà Chính phủ đề ra. Bởi thủ tục đầu tư một dự án đầu tư bất động sản liên quan đến rất nhiều luật, đôi khi doanh nghiệp làm đúng luật này thì không đúng luật kia.

"Các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, ban hành một quy trình, trình tự, thủ tục chuẩn, thống nhất trong triển khai một dự án bất động sản lúc này là rất cần thiết vì sẽ giảm được nhiều thời gian cho doanh nghiệp", ông Khánh đề xuất.

Cần tăng cung nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, giám đốc Công ty TNHH thương mại - xây dựng Lê Thành, nghị quyết 33 của Chính phủ đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc của thị trường, trong đó có việc xây dựng chính sách phát triển nhà ở xã hội cũng như có gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng cho người dân vay mua nhà với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2%.

Tuy nhiên, với lãi suất cho vay với BĐS lên tới 14 - 16%/năm như hiện nay, dù giảm lãi suất 1,5 - 2% thì người mua nhà cũng không dám vay vì lãi suất vẫn quá cao. Do đó cần có gói tín dụng với lãi suất thấp, khoảng 5% mỗi năm, để hỗ trợ người dân vay mua nhà ở xã hội.

Cũng theo ông Nghĩa, vấn đề quan trọng là phải thúc đẩy giải quyết các thủ tục, vướng mắc về pháp lý để tăng nguồn cung nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng. Ngoài ra, các địa phương, đặc biệt những đô thị như TP.HCM, ngoài việc phát triển nhà ở xã hội cũng cần phải tăng nguồn cung về nhà ở cho thuê, nhà ở công nhân để phù hợp với đặc thù nhu cầu của người lao động thành phố.

Thủ tục chuyển nhượng dự án cần đơn giản hơn

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS VN, việc chuyển nhượng một phần dự án BĐS như đề cập trong nghị quyết 33 đang gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ một dự án khu đô thị có 50 tòa nhà chung cư nhưng chủ đầu tư chỉ đủ năng lực thực hiện 30 tòa. Nếu muốn chuyển nhượng 20 tòa còn lại cho đối tác, chủ đầu phải thực hiện các thủ tục như xét duyệt một dự án mới, mất rất nhiều thời gian.

"Do dự án đã có quy hoạch chi tiết, lẽ ra phải xem việc chuyển nhượng một phần dự án là hoạt động chuyển nhượng bình thường như chuyển nhượng một sản phẩm BĐS, như bán đất nền. Các thủ tục chuyển nhượng dự án cần đơn giản hơn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm dự án", ông Thanh nói.

Cần sớm gỡ khó về vốn, trái phiếu

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng nút thắt cần gỡ sớm nhất là về vốn, trái phiếu và tín dụng cho bất động sản. Chính phủ đã ban hành nghị định 08 để gỡ khó về trái phiếu, nhưng Ngân hàng Nhà nước không cho phép ngân hàng thương mại và công ty con mua trái phiếu của doanh nghiệp nhằm mục đích đảo nợ, cũng không cho doanh nghiệp phát hành được vay để xử lý trái phiếu đáo hạn.

Cũng theo ông Châu, nghị quyết 33 cho doanh nghiệp bất động sản được giãn nợ, tái cấu trúc khoản nợ để không nhảy nhóm sang nhóm nợ xấu. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng phải đặt vấn đề an toàn hệ thống tín dụng lên trên hết. Do vậy, nếu không có biện pháp kịp thời, thiết thực thì sẽ không thực hiện được giải pháp giãn nợ, cấu trúc lại nợ, và nghị quyết không đi vào cuộc sống.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Quyết liệt xóa dự án treo

Tình trạng dự án treo đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh, kéo theo nhiều hệ lụy như lãng phí nguồn lực từ đất đai, thất thu thuế..., nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng quyết liệt xử lý triệt để vấn đề này.

Như Thanh Niên thông tin, Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó chủ tịch Bùi Xuân Cường giao các sở: KH-ĐT, Tư pháp, Nội vụ và UBND Q.1 khẩn trương thực hiện kết luận của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đối với dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Khu vực này giới hạn bởi 4 tuyến đường: Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Nguyễn Trãi và Trần Đình Xu thuộc P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1), thường gọi là khu Mả Lạng, rộng 6,8 ha.

Năm 2000, UBND TP.HCM chủ trương giải tỏa nhằm chỉnh trang khu Mả Lạng. Đến năm 2006, TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH sản xuất kinh doanh - xuất nhập khẩu Bình Minh (nay là Tập đoàn Bitexco) làm chủ đầu tư dự án. Đến năm 2017, UBND Q.1 đã đo đạc, kiểm đếm và ban hành 1.424 thông báo thu hồi đất đối với các thửa đất trong phạm vi dự án nói trên. Do dự án kéo dài, người dân bức xúc vì ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi thực hiện việc giao dịch dân sự, xin cấp giấy phép xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà...

Tháng 2.2023, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã họp nghe báo cáo về thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư, đề xuất phương án đầu tư dự án này. Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM giao UBND TP.HCM chỉ đạo Sở KH-ĐT phối hợp Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tham mưu văn bản UBND TP.HCM trả lời cho nhà đầu tư không có cơ sở xem xét tiếp tục thực hiện dự án khu Mả Lạng và tạm dừng dự án trên khu đất Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (số 125 Lê Lợi, Q.1). Đồng thời, tham mưu dự thảo công văn của UBND TP.HCM gửi Bộ KH-ĐT và Văn phòng Chính phủ về nội dung trên.

UBND Q.1 xem xét thu hồi thông báo thu hồi đất và các văn bản có liên quan đến thu hồi đất tại khu Mả Lạng. Nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì lấy ý kiến Sở TN-MT và Sở Tư pháp để thực hiện. Ngoài ra, Sở KH-ĐT tham mưu UBND TP.HCM thành lập tổ công tác rà soát thực hiện dự án khu Mả Lạng và dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học.

Lãng phí tiền của, công sức của dân

Không chỉ khu Mả Lạng mà khắp cả nước, dự án treo rất nhiều, người dân sống ở khu vực này nhà cửa xuống cấp cũng không sửa chữa được, không được xây dựng, không được chuyển nhượng..., ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ. "Thời gian 23 năm là gần nửa đời người! Theo cá nhân tôi thấy hiện nay phải quy định dự án nào quy hoạch quá 3 năm không triển khai thì thu hồi ngay lập tức. Không thể lãng phí tiền của, công sức của dân nữa", bạn đọc (BĐ) Quang Nguyen bức xúc.

Tương tự, BĐ C.T ý kiến: "Dự án treo mấy chục năm, dân chịu biết bao nhiêu khổ sở, phiền hà, giờ phải thu hồi dự án. Vậy nhưng chẳng thấy ai phải chịu trách nhiệm cả".

"Dự án thì không triển khai mà cũng không xóa, cứ treo lơ lửng như vậy. Người dân có đất mà không xây dựng được, không cho sửa chữa, đường thì hư, cống thoát nước thì không có, mỗi lần mưa là chìm trong biển nước, thiệt hại từ vật chất đến tính mạng con người. Người dân quá khổ phải sống trong cảnh này... Đề nghị các cấp lãnh đạo cần phải nhanh chóng đưa ra phương án, để cho nhân dân bớt chịu cảnh gian nan như vậy nữa...", BĐ Tony Lê thẳng thắn.

Sớm "cởi trói" cho toàn bộ dự án treo

Nhiều BĐ đề nghị các cấp lãnh đạo có sự chỉ đạo quyết liệt xóa bỏ quy hoạch treo, quy hoạch không thực hiện được ảnh hưởng quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch. "Cả nước hiện nay có hàng ngàn dự án treo kéo dài thời gian như vậy. Gây lãng phí hàng trăm ngàn tỉ đồng, gây khó khăn cho đời sống người dân nằm trong khu vực. Nhưng lại không có ai phải đứng ra chịu trách nhiệm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm và dứt điểm các dự án treo", BĐ Thanh Nguyễn đề nghị.

Cùng quan điểm, BĐ Truong Sa Viet ý kiến: "Quy rõ trách nhiệm cụ thể cho ai, cơ quan, ban, ngành rồi xử lý nghiêm minh thì dân bớt khổ thôi. Hiện còn nhiều nơi có dự án treo như vậy lắm, rất mong các cấp lãnh đạo xử lý dứt điểm".

"Mong rằng sau này nếu có quy hoạch, làm dự án gì đó thì nên chọn những nhà đầu tư có uy tín, mạnh về tiền bạc, hạn chế những kẻ mượn đầu heo nấu cháo. Còn về cán bộ quy hoạch cũng phải cam kết về quyết định của mình. Tránh tư duy theo nhiệm kỳ, khi được đắc cử muốn làm gì thì làm. Về thời gian thì chỉ cần trong 3 năm nếu không triển khai được thì thu hồi ngay, giao cho người khác làm...", BĐ Kate đề nghị.

BĐ Tran Huy ý kiến: "Nên chăng các dự án quy hoạch treo khác cũng nên xóa, thay vào đó đầu tư hạ tầng chỉnh trang và quản lý quy hoạch bài bản từ đó sẽ thu được nhiều nguồn ngân sách cho đất nước còn hơn cứ để trống đất chờ quy hoạch treo để chờ thời lợi ích cục bộ cho một số bộ phận".

(Nguồn: Thanh Niên)

Loạt công trình xây dựng trái phép ở miền Tây: Cần xử lý triệt để

Gần đây, loạt công trình nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại nhiều tỉnh miền Tây, nếu không giải quyết triệt để sẽ tạo tiền lệ không tốt.

Xây dựng trái phép trước, hoàn thiện thủ tục sau

42 căn hộ xây dựng 1 trệt 2 lầu của khu phố Khang Thị (tọa lạc mặt tiền đường Nguyễn Huệ, phường 2, Tp.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) được chủ đầu tư giá chào bán mỗi căn khoảng 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chào bán phải dừng lại vì xây dựng trái phép.

Theo đó, Công ty TNHH địa ốc P&G (có địa chỉ Tp.Vĩnh Long) đã đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng khu phố Khang Thị khoảng 6.800m2 đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản.

Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm ở đây là khu phố đã hình thành mà các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giấy phép xây dựng vẫn chưa được thực hiện. Ngành chức năng đã xử phạt chủ đầu tư tổng cộng hơn 300 triệu đồng, buộc dừng tất cả hoạt động để phục vụ công tác kiểm tra. Còn doanh nghiệp thì loay hoay hoàn thiện các thủ tục. Nghĩa là khu phố này chỉ bị xử phạt và được phép tồn tại. Có thể hiểu trường hợp này là “xây trái phép trước, hoàn thiện thủ tục sau”.

Một câu hỏi khác đặt ra, vì sao cả một khu phố quy mô xây dựng trên đất nông nghiệp một thời gian dài mà ngành chức năng không phát hiện (?!). Ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thừa nhận, chính quyền địa phương và đơn vị chuyên môn đã quá lỏng lẻo trong quá trình kiểm tra, để doanh nghiệp vi phạm.

Theo ông Liệt, khu nhà ở Khang Thị đã có chủ trương xây dựng và thỏa thuận xây dựng vào năm 2020. Sau đó, UBND tỉnh ký quyết định cho sang tên và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Dự án này cũng được đưa vào kế hoạch sử dụng đất và nhà ở giai đoạn 2021-2025.

Chủ trương thì có nhưng khi làm thì Chủ đầu tư không thực hiện các bước tiếp theo (xin giấy phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất). Địa phương chỉ đạo ngưng tất cả việc tiếp tục xây dựng, rao bán. Ngành chức năng làm rõ khu phố này phần nào thuộc quản lý nhà nước, phần nào của doanh nghiệp để xử lý.

Tháo dỡ hoàn toàn trả lại hiện trạng ban đầu

Không được may mắn cho tồn tại như khu phố Khang Thị ở tỉnh Vĩnh Long, nhà hàng Sân Bay tọa lạc trên đường Võ Văn Kiệt (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, Tp.Cần Thơ) đã được tháo dỡ hoàn toàn trả lại hiện trạng ban đầu. Đây là nhà hàng được xem hoành tráng nhưng lại xây dựng trên 1.000m2 đất trồng lúa, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Tương tự, tại tỉnh Cà Mau, một hộ dân bỏ ra 200 tỷ đồng xây dựng “biệt phủ”. Mạng xã hội từng ca tụng và ví “biệt phủ” này đẹp nhất vùng đất ở cuối bản đồ Việt Nam. Tuy nhiên, khi ngành chức năng vào cuộc kiểm thì phát hiện “biệt phủ” xây dựng trên thửa đất nuôi trồng thủy sản, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Hiện, căn “biệt phủ” đang ngưng mọi hoạt động thi công. Ngành chức năng sẽ áp dụng phương án cưỡng chế, nếu như chủ nhà phải tự nguyện khắc phục tháo dỡ.

Còn tại Kiên Giang, một Tổ công tác đặc biệt của tỉnh tiến hành rà soát, kiểm tra cưỡng chế 79 căn biệt thự không phép ở khu vực Bãi Trường (xã Dương Tơ, Tp.Phú Quốc), có trường hợp đã được xác định là chiếm đất để xây dựng gây bức xúc trong nhân dân.

Chỉ tính riêng thời gian từ ngày 1/1/2019 đến nay, địa bàn Tp.Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã xảy ra 1.744 vụ vi phạm về đất đai, lâm nghiệp và xây dựng. Cơ quan công an đã khởi tố ít nhất 7 vụ án hình sự với ít nhất 15 bị cáo.

Đại tá Diệp Văn Thế - Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, trong 79 căn biệt thự xây dựng trên đất nhà nước, có 2 vấn đề đặt ra, một là quản lý về đất đai như thế nào. Hai là quản lý nhà nước về xây dựng như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai thì phải làm rõ.

Chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính

Cũng tại Vĩnh Long, ngày 28/2 vừa qua, Chánh Thanh tra tỉnh có kết luận thanh tra “về việc chấp hành các quy định về hoạt động tách thửa đất, hợp thửa đất để hình thành các khu dân cư tự phát trên địa bàn”.

Cụ thể, sai phạm trong việc cho chuyển mục đích sử dụng đất sai với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại tại khu đất toạ lạc ấp Phú Long A, xã Phú Quới, huyện Long Hồ (khu đất Mai Văn Minh Nhựt), có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Do vậy, ngày 17/6/2020, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị chuyển sang cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ngày 31/1, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long có Văn bản số 26/CSKT về việc chuyển trả hồ sơ để xử lý theo thẩm quyền đối với các sai phạm theo Kết luận 02/KL-TT ngày 17/6/2020 của Chánh Thanh tra tỉnh.

Theo kết luật thanh tra, việc UBND huyện Long Hồ ký 18 quyết định (ngày 12/11/2018 và ngày 15/11/2018) cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang sử dụng vào mục đích đất ở nông thôn đối với 18 thửa đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt đã vi phạm quy định về quản lý nhà nước về đất đai. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về người ký 18 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Lãnh đạo và công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã xem xét điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để tham mưu trình UBND huyện Long Hồ ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Hậu quả các sai phạm trên đã ảnh hưởng đến chủ trương chính sách của Nhà nước; đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước và lòng tin của nhân dân đối với công tác quản lý đất đai, đô thị tại địa phương. Trách nhiệm liên đới thuộc về Chủ tịch UBND huyện Long Hồ (tại thời điểm xảy ra vi phạm) do thiếu kiểm tra, giám sát cán bộ công chức thuộc quyền quản lý trong thi hành công vụ dẫn đến xảy ra sai phạm.

Với những sai phạm nêu trên, Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với 1 lãnh đạo UBND huyện Long Hồ là người ký 18 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sai phạm.

Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND huyện Long Hồ (thời điểm xảy ra vi phạm) do thiếu kiểm tra, giám sát cán bộ công chức thuộc quyền quản lý trong thi hành công vụ dẫn đến xảy ra sai phạm; kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với 2 công chức là lãnh đạo và chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Hồ.

Không giải quyết triệt để sẽ tạo tiền lệ không tốt

Theo luật sư Nguyễn Thành Phú - Đoàn luật sư Tp.HCM cho biết, từ năm 2018 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ nhiều chính sách để chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai, xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Đáng chú ý là việc giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép.

Như vậy, việc khu phố Khang Thị, nhà hàng Sân Bay, “biệt phủ” Cà Mau… xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý và chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cần được điều tra, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm đúng pháp luật. Bởi, nếu “giơ cao đánh khẽ” sẽ không giải quyết triệt để, cũng như tạo tiền lệ không tốt.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang