Cẩn trọng với hàng online; Lợi nhuận không đủ trả lãi; Đại đô thị không một bóng người; Nhà trong ngõ HN giảm giá sâu

Bán hàng online: Rao một đằng, bán một nẻo

(Ảnh minh họa).

Hiện không ít kẻ xấu đã lợi dụng việc người mua không thể trực tiếp cầm, xem sản phẩm để lừa đảo, trục lợi qua các hình thức kinh doanh trực tuyến.

Sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử, dịch vụ kinh doanh trực tuyến trên Facebook, Zalo… đã giúp cho việc mua sắm của người dân trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Thế nhưng bên cạnh đó cũng không ít kẻ xấu đã lợi dụng việc người mua không thể trực tiếp cầm, xem sản phẩm để lừa đảo, trục lợi qua các hình thức kinh doanh trực tuyến.

Như hai bộ sách bán chạy của một công ty bị in lậu và được ngang nhiên bán trên mạng xã hội. Việc làm giả sách không chỉ khiến doanh thu giảm mà còn ảnh hưởng tới danh tiếng của những người làm sách chân chính.

Cả người mua lẫn bên phát hành đều chịu nhiều tổn hại. Khách mua không phân biệt được thật giả, chọn bên giá thấp. Tới khi nhận sách thấy chất lượng kém, nhiều khách hàng đã khiếu nại.

Theo ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hiện nay chúng ta mua sắm trên mạng rất nhiều mà người tiêu dùng không lên tiếng tố cáo những hành vi gian lận của người bán thì cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức xã hội không thể biết được để giúp xử lý vấn đề khiếu lại.

"Trên mạng quảng cáo một đằng, hàng gửi đến lại một nẻo, đương nhiên là hàng kém chất lượng. Đây là vấn đề nan giải cần phải xử lý", ông Trung nhấn mạnh.

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Từ đầu năm đến nay đã gỡ bỏ gần 2.000 sản phẩm, 500 gian hàng trực tuyến vi phạm trên sàn thương mại điện tử.

Bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường số

Năm 2022, cả nước có đến gần 75% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến với con số ước tính khoảng 57- 60 triệu người. Trong đó, các mặt hàng được mua sắm online nhiều nhất là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thiết bị đồ dùng gia đình, đồ công nghệ và điện tử. Vì vậy việc tạo ra một không gian mua sắm an toàn là ưu tiên hàng đầu của các trang mua bán điện tử để bảo vệ quyền lợi ngưười tiêu dùng, thúc đẩy phát triển mua sắm trực tuyến.

Trên một nền tảng thường mại điện tử, công cụ phản hồi giúp người mua hàng có thể chủ động báo cáo những trường hợp sản phẩm kém chất lượng. Ngoài ra, giá bán cũng được công khai niêm yết trong cùng một danh mục hàng hóa để người dùng có thể dễ dàng so sánh trước khi quyết định mua sản phẩm. Chính sách đảm bảo chất lượng và chính sách hoàn trả sản phẩm từ nền tảng thương mại cũng được áp dụng.

"Khi một giao dịch của người bán và người mua được thực hiện thì số tiền giao dịch đó được chúng tôi giữ lại cho đến khi người mua ấn vào nút đã nhận hàng và không có bất kỳ lăn tăn gì về chất lượng hàng hoá, sản phẩm. Khi đó giao dịch giữa người bán và người mua mới được hoàn thành", bà Vũ Thanh Quỳnh, Giám đốc Truyền thông Shopee Việt Nam cho biết.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nhấn mạnh trong thời gian tới có kế hoạch để tiếp tục tấn công vào "mặt trận" hàng giả. Đặc biệt là hàng giả trên môi trường internet, trong đó mỹ phẩm, sản phẩm tiếp tục là những cái mặt hàng trọng điểm bởi số lượng người mua rất lớn.

Đối với các cá nhân và tổ chức khi nhận thấy quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm và không được giải quyết thỏa đáng có thể phản ánh, khiếu nại tới cơ quan quản lý nhà nước hoặc qua tổng đài 1800-6838 để được tư vấn, hướng dẫn.

(Nguồn: VTV)

Lợi nhuận không đủ trả lãi suất, doanh nghiệp và ngân hàng nhìn nhau ngại ngần

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) than lợi nhuận không đủ bù lãi suất nên không dám vay ngân hàng, do vậy không có khả năng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Lợi nhuận không đủ trả lãi, doanh nghiệp không dám vay

Tại hội nghị tín dụng cho DNVVN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức giữa tuần qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho hay, một số doanh nghiệp hiện nay cần phải được giãn nợ, hoãn nợ. Nếu các ngân hàng siết nợ có thể dẫn đến phá sản. Lợi nhuận kinh doanh không đủ để trả nợ ngân hàng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp yếu kém. Nhiều doanh nghiệp thậm chí không dám vay ngân hàng, do vậy không có khả năng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, lãi suất giảm đến mức nào, các công cụ, chính sách nào được áp dụng cũng cần cân nhắc cụ thể. Bởi nhiệm vụ của NHNN không chỉ kiềm chế lạm phát, điều hành để giảm mặt bằng lãi suất.

“NHNN còn có nhiệm vụ ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn thanh khoản cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây cũng là những mục tiêu rất quan trọng, qua đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam. Rất nhiều nhiệm vụ mà NHNN phải cân đối hài hòa, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Ông Trần Phương – Phó tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV – cho hay, BIDV có tỉ lệ cho vay DNVVN lên đến 24% tổng dư nợ, 40% trên tổng dư nợ khách hàng DN. Dư nợ tín dụng năm 2022 cho DNVVN là 329 nghìn tỉ đồng trên tổng số 1,5 triệu tỉ đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hùng – Phó tổng Giám đốc Agribank – cho biết, với DNVVN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, Agribank đã áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn tới 50% so với lãi suất cho vay thông thường. Đến nay, dư nợ cho vay đối với DNVVN trên 325.000 tỷ đồng/hơn 20 ngàn khách hàng (chiếm tỷ lệ 80,64% dư nợ khách hàng pháp nhân).

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với DNVVN tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNVVN tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng DNNVV phần lớn tập trung vào khu vực Thương mại và dịch vụ (56,29%), Công nghiệp và Xây dựng (40,85%). Các ngân hàng thương mại nhà nước đang cho vay DNNVV chiếm 48,05%, Khối ngân hàng TMCP cho vay chiếm 47,43%.

Ngân hàng "ngại" cho DN nhỏ vay

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, đặc biệt là Hiệp hội DNVVN. Qua đó thấy được khả năng tài chính của DNVVN thường hạn chế.

“Đây cũng là điểm hạn chế khi các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Tài sản đảm bảo không có, vị thế uy tín trên thị trường, về sản phẩm, thương hiệu, dòng tiền trên thị trường rất khó khăn”, Thống đốc nói.

Nêu lên thực trạng của các DNVVN hiện nay, bà Bùi Thu Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng DNVVN hạn chế về kĩ năng quản lý dòng tiền. Có doanh nghiệp vay ngắn hạn nhưng lại đầu tư dài hạn, thậm chí không có khả năng đọc báo cáo tài chính. Vì thế chủ doanh nghiệp rất lệ thuộc vào cán bộ tài chính, nếu không có cán bộ tin cậy thì có thể mất cân đối tài chính, hay không có được sự minh bạch chứng từ, dẫn đến uy tín doanh nghiệp thấp, nên khả năng quan hệ với ngân hàng cũng thấp.

“Thậm chí trước đây nhiều ngân hàng ngại cho vay đối với DNVVN vì chi phí tài chính, quản lý rất mất công. Trong khi cho vay các DN lớn thì món vay ra tấm ra món và uy tín lớn hơn. Nhiều DNVVN không có tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh không khả thi; không cân đối được khi nào hòa vốn, khi nào dòng tiền về, chỉ có ý tưởng thôi sẽ khó chứng minh cho ngân hàng…”, bà Thuỷ nói.

Đại diện doanh nghiệp, ông Hoàng Minh Nhật – Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật chuyên xuất khẩu gạo tại Cần Thơ – cho rằng bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Cái cần tháo gỡ ở đây là các ngân hàng có tiêu chuẩn để cho vay. Doanh nghiệp đạt chuẩn thì ngân hàng mới cho vay.

Các doanh nghiệp dưới chuẩn hoặc tài chính chưa đạt sẽ khó tiếp cận. Đặc biệt với ngành hàng lúa gạo nông sản, các sản phẩm nông sản luôn có tính chất thời vụ. Do đó, khi doanh nghiệp có nhu cầu thời vụ thì lại gặp khó khăn. Do đó, ông Nhật kiến nghị NHNN xem tháo gỡ điểm thắt này.

(Nguồn: Vietnamnet)

Cận cảnh đại đô thị không một bóng người ở Hậu Giang

(Ảnh minh họa).

Sau gần 20 năm tái lập tỉnh, tại trung tâm TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã hình thành nhiều đại đô thị, tuy nhiên những đô thị này trong cảnh vắng bóng người ở.

Đáng chú ý nhất tại đây là đại đô thị Cát Tường Western Pearl 2, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, diện tích lên tới 60ha không một bóng người.

Gần đó là khu đô thị Cát Tường Western Pear 1, diện tích gần 20ha cũng trong cảnh đìu hiu, chỉ có lát đát vài căn nhà đã xây, còn lại đa phần là đất trống.

Khu shophouse tại khu đô thị này có đến hàng trăm căn được xây dựng bề thế một trệt 3 lầu hướng ra kênh Xáng Xà No thơ mộng cũng đang đóng cửa im ỉm.

Một cư dân ở khu đô thị Cát Tường Western Pear 1 cho biết, cả khu này có chưa đến một chục căn nhà có người ở thât sự, còn lại là người ta mua nền để đầu tư hoặc công ty chưa bán được. Ở đây ban ngày người ta đóng cửa đi làm, ban đêm thì đóng cửa ngủ sớm, rất buồn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn địa ốc Cát Tường Cát Tường cho biết, Công ty là chủ đầu tư 2 khu đô thị tại TP. Vị Thanh, đó là khu đô thị Cát Tường Western Pearl 1 với quy mô gần 20 ha, nằm trên trục đường Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp, bao gồm các phân khu chức năng như: khu phố thương mại (Kim Biên Sapphire, Phú Nhuận Ruby, Gia Định Topaz), công viên (The Wonderful và Rainbow), khu khách sạn Western Pearl Hotel,…

Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 2 có quy mô 60 ha, nằm trên trục đường Võ Văn Kiệt, bao gồm các phân khu chức năng như: khu phố thương mại (Bến Thành Norland và An Đông Donald), công viên The Miracle, khu biệt thự Tân Định Armstrong, trung tâm thương mại The Regina Khánh Ngọc, quảng trường Regina,…

Chia sẻ tại hội thảo tiềm năng và cơ hội đầu tư trên lĩnh vực đô thị do địa phương tổ chức, đại diện Công ty Cát Tường kỳ vọng với vị trí đắc địa, nằm gần trung tâm hành chính, của tỉnh, hội tụ tất cả những tinh hoa của một đô thị "Tam cận: cận thị, cận giang và cận lộ", khu đô thị Cát Tường Western Pearl tại TP. Vịnh Thanh sẽ tạo sức nóng tại thị trường bất động sản tỉnh Hậu Giang.

Tuy nhiên, thực tế việc kinh doanh cũng như thu hút cư dân vào sinh sống tại khu đô thị Cát Tường Western Pearl 1, Cát Tường Western Pearl 2 đến nay vẫn chưa như kỳ vọng.

Khu đô thị DIC Victory City Vị Thanh có quy mô lên đến gần 200ha. Trong đó giai đoạn 1 có diện tích 83,46ha, quy mô dân số lên đến 24.000 người. Dự án được kỳ vọng trở thành khu đô thị hiện đại, tâm điểm mới của địa phương khi sở hữu vị trí "kim cương".

Dự án này có mặt tiếp giáp với đại lộ Võ Nguyên Giáp, đối diện khu hành chính Tỉnh ủy Hậu Giang, phía Nam giáp kênh Xáng Xà No.

Đất nền tại dự án DIC Victory City Vị Thanh đang được chào bán với mức giá từ 13 -20 triệu đồng/m2 nhưng thanh khoản rất yếu.

Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư từ những ngày đầu tái lập tỉnh (năm 2004). Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, mới có 16,49ha đất nền và 104 căn shophouse đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo chủ đầu tư hiện nay sản phẩm giao dịch thành công tại dự án này còn rất khiêm tốn mặc dù giá bán rất tốt.

Khu thương mại dân cư và tái định cư phường IV do Công ty Cổ phần Liên Minh làm chủ đầu tư tọa lạc ngay mặt tiền đường Lê Hồng Phong và đường 19/8, phường 4, TP. Vị Thanh, Hậu Giang cũng được địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh (năm 2004).

Dự án có quy mô 35ha, tương đương 1.375 nền nhà phố, biệt thự và đất xây dựng các công trình công cộng.

Trải qua gần 20 năm đầu tư, dự án này qua tay 3 đối tác phát triển dự án với các tên gọi khác nhau như Vị Thanh Riverside, Vị Thanh New City và The Venice City nhưng đến nay hạ tầng chỉ mới hoàn thiện được khoảng 5ha.

Số lượng sản phẩm giao dịch cũng rất ít, đặc biệt khu dân cư này hiện nay chưa có cư dân vào ở.

Ngoài 3 khu đô thị có quy mô lớn nêu trên, tại TP. Vị Thanh còn có nhiều khu đô thị khác. Mặc dù tồn kho bất động sản khá lớn lên đến hàng chục ngàn sản phẩm nhưng tại thời điểm này TP. Vị Thanh đã cho quy hoạch thêm nhiều khu đô thị khác với quy mô lên đến 783ha.

Tỉnh Hậu Giang hiện có quy mô dân số chưa đến 800.000 người trong đó quy mô dân số của TP. Vị Thanh chưa đến 100.000 người. Đáng chú ý là Hậu Giang có tỷ lệ dân số xuất cư cao.

Cụ thể, năm 2008, Hậu Giang có dân số trên 808.000 người nhưng đến năm 2020, dân số trung bình chỉ khoảng 777.620 người.

Năm 2022, dân số của tỉnh Hậu Giang vào khoảng 733.000 người, Hậu Giang là đơn vị hành chính cấp tỉnh có dân số ít nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo nhận định của chuyên gia lĩnh vực bất động sản, với tỷ lê tăng dân số thụt lùi, thị trường bất động sản Hậu Giang sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư.

(Nguồn: CafeF)

Ráo bán "ế" gần năm, xuất hiện tình trạng một căn nhà đất trong ngõ Hà Nội giảm từ 4,2 tỷ xuống 3,3 tỷ đồng

Sau thời gian rao bán kéo dài, một số chủ nhà chấp nhận giảm sâu để thu tiền về. Đây cũng là cơ hội cho những người có nhu cầu mua nhà ở thực.

Hoàn thành xây dựng từ giữa năm 2022, chủ 2 căn nhà xây thương mại tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chào bán 4,2 tỷ đồng/căn. Căn nhà chỉ cách trục phố chính 20m, được xây 4 tầng, diện tích 39m2, ngõ rộng 3m.

Với căn nhà có vị trí đẹp, ô tô có thể vào tận nơi, chủ nhà cho biết, họ từng rất chắc chắn về khả năng thanh khoản. Trước đó, thời điểm 2019-2021, các căn nhà thương mại được chào bán chỉ trong vòng 3 tháng đã có khách chốt.

Thế nhưng, trái với kỳ vọng, đến tháng 11/2022, chủ căn nhà xây thương mại mới bán thành công một căn với giá 3,8 tỷ đồng, tức giảm tới 400 triệu đồng. Đến tháng 1/2023, căn nhà xây thương mại còn lại giảm còn 3,6 tỷ đồng vẫn không tìm được khách chốt.

Đến cuối tháng 2/2023, vì cần tiền gấp khi nhiều lô đất đầu tư bị đóng băng, chủ nhà quyết định giảm còn 3,3 tỷ cho khách thiện chí. Mức giá này tương đương với giá nhà bán thời điểm đầu năm 2021.

Xu hướng cắt lỗ sâu xảy ra cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt với nhà đầu tư cần tiền gấp. Đơn cử như tại Hà Đông, một căn nhà trong ngõ tại phường Dương Nội được chào bán với giá 3,8 tỷ đồng, diện tích 34m2. Đến tháng 3/2023, căn nhà này được “chốt” bán thành công với giá 3,35 tỷ đồng, tức giảm tới 450 triệu đồng.

Hay tại đường Nguyễn Hữu Hưng (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng chào bán ra thị trường với giá 3,45 tỷ đồng. Sau nhiều tháng rao bán ế ẩm, chủ nhà buộc giảm từ 3,45 tỷ xuống 3,2 tỷ đồng (tháng 12/2022) và 3 tỷ đồng (tháng 1/2023). Đến giữa tháng 3/2023, căn nhà này được chốt ở mức giá 2,9 tỷ đồng.

Theo chia sẻ môi giới tên Trần Thông, chuyên nhà đất phía Tây Hà Nội, loại hình nhà đất trong ngõ đã giảm khá sâu. Mức giá giảm hiện tại của nhà đất tương đương với mức giá thời điểm năm 2021. “Giai đoạn trước Tết 2023, lượng căn nhà đất “ế” rất nhiều.

Một ngõ ở đường Tây Mỗ từng chào bán tới 8 căn nhà nhưng sau nửa năm, chỉ 2 căn nhà tìm được chủ mới. Vì “ế” lâu dài nên chủ nhà thường phải giảm mạnh, để thu hồi tiền. Đặc biệt là nhóm nhà đầu tư mua đất, xây nhà thương mại đầu tư, phải vay ngân hàng. Hoặc nhà đầu tư đang có dự tính chuyển hướng cơ cấu lại danh mục tài sản”.

Môi giới này cho hay: “Người có nhu cầu mua nhà ở thực, hoặc mua để đầu tư cho thuê nên lựa chọn vào tiền sớm. Thời điểm hiện tại, lãi suất ngân hàng đã hạ. Người mua dễ dàng vay ngân hàng cũng như an tâm về mức lãi suất tăng chậm. Giá nhà cũng giảm sâu. Lượng căn hộ chốt bán đang tăng dần”.

Anh Thái, giám đốc kinh doanh của công ty địa ốc ở Hà Nội, phụ trách mảng nhà đất nhận định: “Hiện tượng “ế” lâu buộc phải cắt lỗ sâu là điều hiển nhiên trên thị trường. Nhưng có thể thấy, khi giá nhà giảm tới 20-25%, đa phần đều “chốt” thành công. Điều này cho thấy nhu cầu ở thực luôn cao.

Người dân sẵn sàng mua nhà khi giá hạ. Song, việc kì vọng giá nhà giảm sâu hơn sẽ rất khó dù người mua nhà đang có cơ hội tốt để đàm phám. Bởi thực tế, nhiều nhà đầu tư cũng đang săn tìm mua nhà trong ngõ giá rẻ để cho thuê. Chỉ cần mua rẻ tới 20-25%, họ xác định cho thuê 2-3 năm, sau đó chờ tăng giá, nhà đầu tư đã có lời”.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang