Cẩm nang chăm sóc trẻ từ mang thai tới 1 tuổi

I- GIÁO DỤC TRẺ TỪ KHI CÒN TRONG BỤNG MẸ

Ngay từ những ngày đầu, trẻ sơ sinh đã có kiến thức tiếng mẹ đẻ như kết quả nghiên cứu được công bố trên báo „Current Biology“ năm 2009. Trẻ còn trong bụng mẹ có thể nhận biết được âm điệu đặc thù của tiếng nói. Khi lọt lòng bé có thể bắt chước thô sơ lại. Điều đó có nghĩa giáo dục cho trẻ nên bắt đầu trước khi đựợc sinh ra? Mầm hệ thần kinh được hình thành trong 19 ngày sau khi thụ tinh. Một vài điều kiện làm nền cho giáo dục sau này cũng được hình thành trước khi đẻ: không chỉ mỗi cảm giác, các hoóc môn, trao đổi chất của cơ thể mẹ đều tác động tới. Đối với các chất độc hại, thì điều đáng chú ý nhất là chất cồn ở ngưỡng nào sẽ gây nguy hiểm cho giáo dục khi mang thai.

Một điều rõ ràng là các bé có mẹ uống một lượng lớn các chất có cồn trong quá trình mang thai dễ mắc dị tật và trí tuệ bị thiểu năng. Các bé có mẹ hút thuốc cân nhẹ hơn và thường xuất hiện hiện tượng rối loạn cử chỉ.

II- THÔNG MINH LÀ DO GEN DI TRUYỀN?

Cơ hội con người cũng phụ thuộc trí thông minh. Gen đã định sẵn tiềm năng thông minh vốn không còn gây tranh cãi trong giới nghiên cứu. Hai nhà tâm lý học Elsbeth Stern và Aljócha Neubauer cho rằng 50 - 80 % tiềm năng thông minh được quyết định bởi gen di truyền. Trong khi đó, cứ mỗi thế hệ các „quân bài gen“ sẽ được trộn mới, có nghĩa những gia đình hoặc các nhóm nhất định không hẳn sẽ luôn thông minh hơn. Tiềm năng thông minh biến thành hiện thực như thế nào còn phụ thuộc yếu tố môi trường. Tuy nhiên: „Từ hạt giống của hoa cúc dại, dù nhận được sự chăm sóc tốt nhất cũng không thể nảy mầm thành hoa hồng đuợc“.

Do đó học sinh đến độ tuổi 15 nên được dạy chung và bồi dưỡng theo thiên hướng từng cá nhân. Sau đó, một bài kiểm tra IQ sẽ phận loại 20-25% người có khả năng học lên bậc đại học. Nhưng thực tế tỷ lệ % những người được quyền học lên đại học, hiện tại cao gấp 2 lần. Ý kiến đối lập được các nhà giảng dạy có chuyên môn đưa ra là ngoài yếu tố IQ thì môi trường học và động cơ cũng góp một phần quan trọng tạo nên thành công. Do đó những người từ nhóm thông minh trung bình (chiếm 2/3 dân số) vẫn nên cố gắng học phổ thông trường chuyên (Abitur).

III- MÔI TRƯỜNG GIA ĐÌNH

Nếu được bố mẹ sớm tạo điều kiện, trẻ em sẽ tăng năng lực học tập. Không giống như các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Google, có thể truyền tải thông tin, bật, tắt, kích hoạt hoặc xoá bỏ, não bộ hoàn toàn khác sẽ phát triển tốt hơn nếu đứa trẻ được sống trong một môi trường có nhiều tác nhân kích thích. Một yếu tố đóng vai trò chủ chốt là nói rõ ràng, trực tiếp với câu từ hoàn chỉnh và nếu được dùng cả câu phức tạp. Khi đó, trẻ em không chỉ học từ mới, hơn thế não bộ được kích hoạt để kết nối kiến thức. Chẳng hạn, thay vì nói „hãy mang con gấu lại đây“, thì nên bảo, „mang con gấu từ phòng con ra đây và cho nó vào ba lô để ngày mai con có thể chơi ở vườn trẻ“.

Bên cạnh ngôn ngữ thì các động tác và trò chơi cũng đóng vai trò chủ chốt kích thích sự phát triển của não bộ. Một đứa trẻ thường cho chơi trò đi thăng bằng, nhảy nhót, trốn tìm với gia đình hoặc xây nhà gỗ, não bộ sẽ phát triển tốt hơn những trẻ bị bỏ mặc một mình hoặc cả giờ đồng hồ ngồi lì trước ti vi thường khó hoà đồng.

Thí nghiệm động vật cho thấy, não bộ của động vật con phát triển tốt hơn, nếu động vật mẹ nhận ra và đáp ứng đòi hỏi tự nhiên của chúng về chăm sóc, tiếp xúc, như chuột cống nhỏ, dù được cho bú nhưng không đuợc chăm sóc, sự phát triển não bộ kém hơn so với con cùng giống đuợc chuột mẹ chăm sóc tỉ mỉ.

Trụ cột quan trọng thứ 4 tốt cho sự phát triển của não bộ là một môi trường thoải mái. Nếu bố mẹ quan tâm đến niềm vui của con nhỏ thì sự khích lệ sẽ tự động hình thành. Ngược lại hoàn cảnh hỗn loạn và gây sợ hãi ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển. Để có thể theo đuổi trí tò mò và qua đó học hỏi, đứa trẻ cần có người chăm sóc, giúp bé cảm giác an toàn gần gũi, có một „chỗ nương tưạ“ vững chắc. Stress sớm có thể gây hại đến phát triển não bộ và chúng sẽ gặp khó khăn hơn khi đi học sau này. Stress có thể bắt nguồn từ những hoàn cảnh đe dọa như bị bạo hành hoặc từ nhu cầu nội tâm cần người chăm sóc gần gũi hơn.

IV- LỜI KHUYÊN GIÀNH CHO NGƯỜI NHẬP CƯ

Như vậy, một người mẹ đến nước Đức với hoàn cảnh không hạnh phúc trong một cuộc hôn nhân giao ước và nếu không thể giao tiếp và thích nghi với môi truờng xung quanh, sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Tình hình càng trầm trọng thêm, khi người phụ nữ không thể giúp con do thiếu tiếng Đức cùng kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày. Hoàn cảnh khó khăn trên càng làm thui chột cả ý chí lẫn động lực phát triển của trẻ.

V- CHẤM ĐIỂM BÉ THÔNG MINH

Ngày nay, cuộc đua về khả năng nuôi dạy con không còn dừng lại ở chuyện bé được mấy cân và có nặng hơn, cao hơn các bạn cùng trang lứa hay không. Thay vào đó, các mẹ thường hay đặt câu hỏi: 5 tháng đã biết theo chưa, 6 tháng gọi tên đã biết quay lại chưa, 7 tháng liệu đã biết vỗ tay, 8 tháng đã nói được từ gì...?

Không phải chỉ những trẻ lớn, biết đọc biết viết mới có thể làm bài kiểm tra chỉ số thông minh IQ. Trường Đại học London đã lập được một bảng hệ thống kiểm tra IQ cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi, bằng cách quan sát hành vi của trẻ dưới đây, và cho điểm, câu a = 1 điểm, câu b = 2 điểm, và câu c = 3 điểm:

1) Bé có thể:

a- Biết quay đầu đi khi bé đã no hoặc không muốn ăn.

b- Hay nhấc hai tay lên để đòi mẹ bế.

c- Biết vỗ tay hoan hô hoặc vẫy tay „bye-bye“.

2) Bé có thể:

a- Biết cầm lấy một món đồ mà bạn đưa cho con.

b- Vứt đồ chơi đi một cách có chủ ý.

c- Biết xếp chồng hai cái bát nhựa hoặc hai hình hộp.

3) Khi chơi với một món đồ chơi cần phải mở nắp, bé

a. Không biết cách mở nắp hoặc mở cửa.

b. Sử dụng bàn tay hoặc ngón tay của mình để cố đẩy cửa hay mở nắp.

c. Có thể mở cửa và mở nắp hộp một cách dễ dàng.

4) Khi con của bạn đang được cho ăn, liệu bé có

a. Cần mẹ xúc toàn bộ.

b. Hay lấy cả bàn tay đề cầm các món ăn nhỏ nhỏ như miếng cà rốt hay súp lơ.

c. Biết sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ của bé để nhặt các món ăn nhỏ như ngô tách hay đậu Hà Lan, hoa quả cắt miếng.

5) Bé của bạn

a. Thích nghe những bài hát dành cho thiếu nhi như „Con cò bé bé“, „Chị ong nâu“, „Chú ếch con“...

b. Di chuyển bàn tay và chân vẫy vẫy hoặc đập một cách hào hứng khi được nghe các bài nhạc quảng cáo.

c. Biết thực hiện hành động, phụ họa và lắc lư thân mình theo các bài hát, nhạc quảng cáo.

6) Bé của bạn

a. Lờ đi hoặc không để ý khi làm rơi đồ chơi.

b. Biết nhìn xuống đồ chơi mình làm rơi.

c. Cố ý vứt đồ chơi đi và xem nó rơi như thế nào.

7) Bé nhà bạn có thể

a. Biết nói chuyện ê a những câu vô nghĩa với mẹ.

b. Nhìn theo nơi mẹ đang nhìn.

c. Bắt chước một hành động như giả vờ uống một cốc đồ chơi.

8) Khi chơi với điện thoại của mẹ, bé nhà bạn

a. Đối xử với nó theo cùng một cách như tất cả các đồ chơi khác: mút, đập....

b. Thể hiện sự quan tâm xem nó có thể làm gì.

c. Biết cách sử dụng: với iphone có thể biết mở khóa màn hình, với điện thoại nút thì biết bấm các nút.

9) Bé nhà bạn

a. Nhìn xa và không để ý khi mẹ giấu một món đồ chơi trong chăn.

b. Biết lật chăn lên để tìm đồ chơi nếu một phần đồ chơi bị lộ ra ngoài.

c. Kể cả không thấy đâu, bé vẫn sẵn sàng lật tung chăn lên để tìm kiếm.

10) Khi bạn gọi tên của bé

a. Mặc kệ, không quan tâm.

b. Biết quay lại khi mẹ gọi tên.

c. Biết tên của mình và nhận ra bố, mẹ khi được hỏi "Bố/mẹ đâu rồi?".

Với cách cho điểm: A = 1 điểm, B = 2 điểm, C = 3 điểm, thì trẻ được cho là khá giỏi nếu chừng 6 tháng tuổi đạt tổng số 8-9 điểm; chừng 9 tháng tuổi đạt 13-15 điểm; chừng 12 tháng tuổi đạt 24-26 điểm.

VI- BÚ MẸ 6 THÁNG ĐẦU

Bú mẹ hoàn toàn trong nửa năm đầu đời sẽ mang lại cho bé khả năng phòng tránh các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp tốt hơn so với thời gian bú ngắn.

Viện Nhi Mỹ đã khuyến cáo nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu với mục đích chính là bảo vệ đường ruột cho bé. Ngoài ra, khả năng ngăn ngừa các bệnh đường hô hấp cũng được nghĩ đến, song cho đến nay người ta còn thiếu dữ liệu và bằng chứng khoa học.

Để đánh giá tác dụng thực sự của sữa mẹ lên hệ hô hấp, tiến sĩ Caroline J. Chantry, Đại học California Davis, đã phân tích dữ liệu liên quan tới khoảng 2.300 trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi, lấy từ cuộc điều tra về dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia vào năm 1988 -1994.

Kết quả cho thấy tỷ lệ viêm phổi ở trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn từ 6 tháng trở lên là 1,6%, thấp hơn nhiều so với 6,5% của nhóm được nuôi bằng sữa mẹ ít hơn 6 tháng. So với những bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, trẻ bú ít hơn có nguy cơ bị viêm phổi cao gấp 4 lần và nguy cơ bị viêm tai giữa ít nhất 3 lần là gấp đôi.

VII- ĂN DẶM

Cho con ăn dặm là một bài toán mà nhiều bậc cha mẹ rất quan tâm.

Dấu hiệu bé đã sẵn sàng cho bữa ăn dặm đầu tiên: Bé xem và nghiêng mình về phía trước nơi có thức ăn. Biết há miệng khi thức ăn được đưa vào miệng.

Chọn thời điểm cho bé ăn dặm. Từ 6 tháng tuổi, nhu cầu các chất dinh dưỡng và năng lượng của bé tăng cao, trong khi sữa mẹ không thể đáp ứng được đầy đủ. Do vậy, bé cần được ăn dặm để cơ thể phát triển khỏe mạnh. Giai đoạn 6-12 tháng, cân nặng của trẻ thường tăng lên gấp 3 so với lúc sinh.

Ăn dặm cần đúng cách. Nguyên tắc ăn dặm là ăn từ lỏng tới đặc, từ ít tới nhiều để tập cho trẻ làm quen với các thức ăn mới và hệ tiêu hóa của trẻ dần dần thích nghi với chế độ tiêu hóa thức ăn. Theo tài liệu „Dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm“ do Bộ môn Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Trường Đại học Y Hà Nội xuất bản (NXB Y học - 2004), tháng đầu tiên bắt đầu ăn dặm, nên cho trẻ ăn một bữa bột loãng sau đó đặc dần. Từ tháng thứ 7-8, mỗi ngày trẻ cần được ăn 2 bữa bột đặc, từ tháng thứ 9-12 là 3 bữa và chuyển thành 4 bữa sau khi bé tròn 1 tuổi.

Bữa ăn dặm của bé cần được đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn (bột đường, đạm, béo, chất xơ - vitamin và khoáng chất). Thức ăn của bé cần được chế biến sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, tránh gây rối loạn tiêu hoá. Nên đa dạng thực phẩm, thay đổi các loại thức ăn trong các bữa ăn hoặc các ngày, để ý chọn những loại thức ăn trẻ thích. Một lưu ý quan trọng là không cần cho thêm mắm muối, gia vị và chất tạo ngọt vào các bữa ăn dặm của trẻ. Từ trên 1 tuổi, có thể nêm thêm chút mắm, nhưng nên cho bé ăn càng nhạt càng tốt. Cùng với ăn dặm, vẫn cần cho trẻ bú càng nhiều càng tốt để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Ngoài ra, khi bắt đầu ăn dặm, cần lưu ý cho trẻ được uống đủ nước đun sôi để nguội, nước hoa quả tươi và ăn thêm hoa quả để cung cấp đủ vitamin và chất xơ, đảm bảo quá trình tiêu hóa trong cơ thể bé được thuận lợi.

VIII PHÒNG NGỪA NHỮNG NGUY HIỂM TÍNH MẠNG

Ngộ độc vì tưởng thuốc tây là kẹo: Bé L.T.N.Y, mỗi khi bố mẹ cho uống thuốc đều gạ là kẹo để „dỗ“ cháu. Rồi một lần người nhà mua về 3 vỉ thuốc cảm sốt dự trữ sẵn phòng khi có người ốm đau. Do sơ ý, trong lúc bận công việc, người nhà bé N.Y. đã để 3 vỉ thuốc trên bàn. Khoảng 4 tiếng trước khi nhập viện, bé ngồi chơi một mình thì phát hiện trên bàn có 3 vỉ thuốc, cháu đã với xuống rồi ăn liền một mạch. Sau khi ăn thuốc, bệnh nhi bắt đầu có biểu hiện lừ đừ, khóc, nôn ói... Thấy biểu hiện lạ, gia đình truy tìm nguyên nhân thì tá hỏa khi phát hiện 3 vỉ thuốc nằm lăn lóc dưới đất chỉ còn trơ lại vỏ. Ngay lập tức cháu được đưa đến bệnh viện. Tại đây, bệnh nhi được rửa dạ dày, cho uống thuốc giải độc, kết hợp với truyền dịch dinh dưỡng.

Nuốt kim băng: Người mẹ dùng kim băng đeo lá bùa trên ngực áo con 6 tháng tuổi. Rồi một hôm, không ngờ bé giật ra cho vào miệng nuốt. Bé nhập viện trong tình trạng khóc quấy liên tục, nước bọt kèm máu. Sau khi kiểm tra bằng hình ảnh, các bác sĩ xác định dị vật là cây kim băng khoảng 2 cm đã trôi vào phần cuối dạ dày và phần đầu tá tràng. Hình ảnh cũng cho thấy cây kim đã bung ra theo hình chữ V, đầu nhọn may mắn không cắm vào dạ dày. Bằng phương pháp mổ nội soi, các bác sĩ đặt ống qua đường miệng, xuống thực quản rồi đến dạ dày, sau đó dùng dụng cụ chuyên biệt để gắp cây kim băng ra ngoài an toàn. Trong quá trình nội soi, các bác sĩ cũng phát hiện đầu nhọn của kim đã gây trầy xước mặt trong của thực quản. Đây là nguyên nhân khiến bé ho khạc ra máu. May mắn cây kim băng mới di chuyển tới dạ dày, nằm ở đó. Nếu nó chui xuống ruột non, hoặc đâm vào thành ruột thì sẽ rất nguy hiểm vì bé có thể bị xuất huyết nội hoặc nhiễm trùng.

(Được in thành sách, xem tại Ấn phẩm Chuyên đề)

Đức Việt Online

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Giá tiền ấn phẩm: Miễn phí
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang