Cái giá của các ngôi sao ‘phông bạt’; Thảm họa mới của nhạc Việt; Cá chết hàng loạt, nghi bị đầu độc

CÁC NGÔI SAO ‘PHÔNG BẠT’ TRẢ GIÁ ĐẮT

Để phục vụ cho nhu cầu "sống ảo" trên mạng xã hội, không ít ngôi sao đã tìm đủ cách "phông bạt" từ việc ghép ảnh, sử dụng hàng hiệu giả...

Mạng xã hội là một sân khấu rộng lớn, với hàng tỷ khán giả "trực tiếp" lẫn "gián tiếp" trên toàn cầu. Nơi ấy, một cá nhân bình thường cũng có thể trở thành người nổi tiếng chỉ sau một đêm, chỉ qua một bức ảnh hay clip đăng tải lên mạng.

Với các ngôi sao, những người có sức ảnh hưởng lớn, họ càng có xu hướng tận dụng tối đa lợi thế này để xây dựng hình ảnh hoàn hảo, từ vẻ ngoài đến lối sống.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người nổi tiếng bị "bóc mẽ" lối sống phông bạt. Không ít người phải trả giá cho sự giả tạo, dẫn đến sụp đổ hình tượng, bị khán giả chỉ trích, tẩy chay.

Khi sự giả tạo bị bóc mẽ

Hai ngày qua, từ khóa "BiVi Vũ" và "phông bạt" chiếm sóng mạng xã hội. Sau khi Hồng Thanh công khai hình ảnh về hot girl trên kênh cá nhân, các "thám tử" mạng nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu đời sống cá nhân của BiVi Vũ.

Chỉ sau vài tiếng, một số tài khoản mạng phát hiện những tấm ảnh BiVi Vũ đăng tải trên trang cá nhân về việc diện đồ hiệu, khoe cuộc sống sang chảnh, du lịch tại địa điểm sang trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới chỉ là sản phẩm của ứng dụng chỉnh, ghép ảnh.

Hot girl này sử dụng ứng dụng công nghệ để "thay đầu" vào ảnh của một số cô gái. Không chỉ vậy, nhiều bức ảnh selfie của BiVi Vũ cũng bị chỉnh sửa, bóp méo.

Hàng loạt bình luận tấn công người mẫu trên các nền tảng mạng xã hội. Đến trưa 21/11, thông qua kênh cá nhân, BiVi Vũ lên tiếng xin lỗi.

"Tôi thừa nhận rằng mình đã sai khi sử dụng hình ảnh không phải của bản thân và ghép mặt mình vào. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng hành động này giống như việc nhiều người sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa hoặc AI để thay đổi ảnh. Vì tôi ít chụp ảnh và không thường xuyên chia sẻ cuộc sống cá nhân, tôi cảm thấy những hình ảnh ghép không khác biệt quá nhiều so với thực tế nên mình đã làm vì cũng nghĩ chả ai quan tâm", cô giải thích.

Trong bài đăng, BiVi Vũ nói sự việc không liên quan đến Hồng Thanh và đồng thời thông báo cô sẽ rút khỏi mạng xã hội.

"Một lần nữa, tôi xin lỗi vì đã sai trong việc ghép mặt mình vào ảnh trên mạng. Ngoài ra, trong vài năm gần đây, tôi không nghĩ rằng mình đã làm sai với ai điều gì. Tôi chỉ tập trung vào cuộc sống thật của mình, với công việc tốt ổn định để có thể tự lo cho bản thân".

Không chỉ BiVi Vũ, thời gian qua, nhiều người bị "phơi bày" lối sống giả tạo. Thậm chí, vào tháng 9, một loạt người nổi tiếng vấp chỉ trích khi "phông bạt" số tiền ủng hộ đồng bào bão lũ miền Bắc. Trong đó, sự việc Yến Tatoo "fake màn hình" khi chỉ gửi hơn 25 triệu đồng tới UBMTTQVN nhưng ảnh chụp màn hình do cô đăng tải hiển thị con số hàng trăm triệu đồng, gây tranh cãi.

Sau khi bị phát hiện, nữ ca sĩ phải lên tiếng xin lỗi và thừa nhận hành vi sai của bản thân.

"Cái sai của tôi là fake màn hình, mục đích là để người cho Yến ứng tiền biết được là mình có ủng hộ và nếu có xin ứng thêm các bên khác, cũng sẽ có cơ sở để họ nhìn vào. Những gì Yến sai, Yến xin nhận lỗi, mong mọi người hãy hiểu cho tấm lòng của tôi. Đây cũng là bài học lớn để Yến rút kinh nghiệm hơn", cô viết trên trang cá nhân.

Cùng thời điểm với Yến Tatoo, Louis Phạm cũng bị kêu gọi tẩy chay vì "phông bạt" số tiền ủng hộ.

Trước đây, không ít người nổi tiếng bị "khui" chuyện sử dụng hàng hiệu giả để làm màu trên mạng xã hội hay ứng dụng công cụ chỉnh sửa ảnh quá đà.

Hệ lụy

Không chỉ ở Việt Nam, hàng loạt người nổi tiếng, ngôi sao mạng xã hội trên thế giới cũng vướng làn sóng tẩy chay từ công chúng vì hành vi sống ảo.

Năm 2022, Song Ji A, thí sinh nổi bật nhất chương trình hẹn hò thực tế Địa ngục độc thân trở thành tâm điểm chỉ trích của cộng đồng mạng xứ kim chi, sau khi bị phát hiện dùng hàng hiệu nhái, sống ảo trên mạng xã hội.

Ngay sau đó, khán giả Hàn Quốc lên án và đòi tẩy chay Song Ji A vì coi thường, lừa dối công chúng. Nhiều bộ phim, chương trình truyền hình cắt sóng, Song Ji A bị xếp vào danh sách đen, phải tạm ngừng mọi hoạt động giải trí.

Sau video xin lỗi và thừa nhận sai lầm, Song Ji A cho biết sẽ nghỉ ngơi một thời gian để tự kiểm điểm bản thân. Cô đã xóa tất cả bài đăng và video hàng triệu lượt view trên tất cả tài khoản mạng xã hội. Đến nay, nhắc tới tên của Song Ji A, công chúng sẽ luôn nhớ đến "vết nhơ" sử dụng hàng giả và "phông bạt" trên mạng.

Tại showbiz Hoa ngữ, "mỹ nữ 4.000 năm có một" Cúc Tịnh Y cũng từng vướng lùm xùm vì mặc đồ nhái thương hiệu nổi tiếng. Khán giả phát hiện hình ảnh áo len họa tiết con gà chính giữa, được nữ diễn viên đăng trên mạng xã hội là sản phẩm đạo nhái thiết kế của Gucci, từng được Dương Mịch mặc trước đó. Giữa hai sản phẩm có màu sắc tương đồng, nhưng họa tiết trên áo của Cúc Tịnh Y trông cẩu thả hơn. Trước đó, người đẹp cũng không ít lần bị phản ứng vì lối sống ảo, lừa dối công chúng.

Có nhiều lý do để giải thích hành vi sống ảo của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Trên SCMP, giáo sư Kwak Keum Joo, ngành Tâm lý học của Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng ngày nay mạng xã hội thao túng tâm lý người dùng, khiến ai cũng bận tâm.

Không chỉ người nổi tiếng, những người bình thường cũng cần phải liên tục đăng ảnh để khoe với người khác. Vì áp lực phải tạo ra "vỏ bọc" hoàn hảo trên mạng xã hội, từ gia thế, vẻ ngoài đến khao khát được nổi tiếng, yêu mến, nhiều ngôi sao đã tìm mọi cách để đạt mục tiêu, dần dần rơi vào bẫy của lối sống "phông bạt".

"Trong tương lai, chúng ta nên cố gắng tránh xa giá trị vật chất cực đoan, ngừng chạy theo sự hào nhoáng và phô trương lối sống giàu có, đặc biệt là trên mạng xã hội", giáo sư Kwak Keum Joo nêu quan điểm trên SCMP.

 

 

THẢM HỌA MỚI CỦA NHẠC VIỆT

Giọng ca trẻ Đỗ Phú Quí hứng chỉ trích nặng nề từ khán giả vì sản phẩm "Pickleball". Bản Visualizer của ca khúc trên YouTube nhận đến 24.000 lượt dislikes.

Lượt dislike hiện tại của Pickleball chiếm đến 77% trong tổng số like/dislike trên YouTube. Từ lâu, nhạc Việt mới có ca khúc gây phẫn nộ nhiều như vậy. Trong hơn 2.000 lượt bình luận, đa số là lời chỉ trích. Hình ảnh, âm nhạc của sản phẩm này đang "viral" rộng rãi trên mạng xã hội theo hướng tiêu cực.

Trêu đùa khán giả?

Đỗ Phú Quí hợp tác với một ê-kíp, gồm Tuno (sáng tác), Hoàng Danh Hướng (phối khí), để ra mắt ca khúc này. Người sáng tác lấy cảm hứng từ Pickleball - môn thể thao đang phát triển cực nhanh ở Việt Nam - để phát thảo câu chuyện tình yêu trên sân bóng.

Ca khúc bị chỉ trích nhiều nhất vì phần ca từ sáo rỗng, kiểu như phần verse: "Chơi bao nhiêu nhưng em nhắc anh / Em không dễ dàng / Không nên tia em, tia trái banh / Thua game, rời em / Không được lơ là đưa chân quá gần / Hãy kiềm chế nào / Thua mà 5 lần, em sẽ nằm trên anh".

Cũng là nội dung thả thính, tác giả khai thác chủ đề táo bạo, có thể đánh vào từ khóa "Pickleball" đang hot. Song, các phân đoạn thiếu tính liên kết, câu chữ hời hợt biến ca khúc thành thảm họa. Phần ca từ khó hiểu, kết hợp giai điệu và bản phối nửa vời, khiến một khán giả đặt câu hỏi: "Không hiểu đang nghe cái gì, nhạc cứ treo lơ lửng, ngang tai".

Sang đến điệp khúc, phần ca từ của Pickleball vẫn khó hiểu: "Anh hẹn em Pickleball / Ta vờn nhau Pickleball / Tay vợt bên dưới hông / Anh đập banh, đập banh / Đến em mạnh vào".

Không chỉ âm nhạc, Đỗ Phú Quí bị dislike vì hình ảnh trong phiên bản phát hành trên YouTube. Giọng ca này sản xuất Visualizer MV, một phiên bản gọn nhẹ, tiết kiệm hơn so với Music Video. Toàn bộ hình ảnh ở sản phẩm này chỉ có khoe ngoại hình, hình thể của Đỗ Phú Quí. Dù vậy, một số cảnh quay, đặc biệt là khoảnh khắc Đỗ Phú Quí mặc áo crop top, tạo dáng, bị cộng đồng mạng chế giễu.

"Giọng hát không đến nỗi tệ, bản phối khí ca khúc cũng khá hiện đại. Nhưng phần ca từ và hình ảnh đã bóp nghẹt sản phẩm của bạn", một khán giả bình luận. Một khán giả khác buông lời khó nghe: "Đây là năm 2024, tại sao vẫn còn tồn tại những ca khúc sáo rỗng như thế này?".

Tự bắn vào chân

Đỗ Phú Quí (sinh năm 1993) được biết đến nhiều trong giai đoạn gần đây vì tham gia Anh trai say hi . Giọng ca này sớm dừng bước ở game show, nhưng danh xưng "Anh trai" là bước đệm tốt để Đỗ Phú Quí bứt lên để ghi dấu ấn, sau nhiều năm sự nghiệp không khởi sắc.

Chỉ một sản phẩm Pickleball nhưng đang để lại hậu quả tai hại cho Đỗ Phú Quí. Từ khá lâu, thị trường nhạc Việt không có sản phẩm bị gắn mác thảm họa. Ca khúc Pickleball như "miếng mồi ngon" cho cộng đồng mạng. Khán giả thay nhau ném đá khi xuất hiện thứ gọi là dị biệt và với xu hướng hiện tại, sự chỉ trích lây lan cực nhanh.

Có khán giả đặt câu hỏi: "Tại sao nghệ sĩ lại hời hợt và ngây thơ đến thế để ra mắt ca khúc này. Có phải để câu kéo chú ý?".

Cũng có thể Pickleball là quân bài mang tính kích nổ truyền thông của Đỗ Phú Quí và ê-kíp. Song, nếu điều đó xảy ra, sẽ là rủi ro lớn cho nghệ sĩ khi thu hút dư luận bằng sản phẩm tiêu cực, trong thời điểm này. Trước Đỗ Phú Quí, một trong những giọng ca bị gắn mác thảm họa là Phí Phương Anh.

Phí Phương Anh thời điểm lấn sân từ vai trò "chân dài" sang người cầm micro hát cũng tung ra sản phẩm Cắm sừng , khiến cô thành tâm điểm chỉ trích. Vụ bê bối giúp Phí Phương Anh lấy về sự chú ý ngay lập tức. Về sau, Phí Phương Anh bắt đầu định hình trở lại bằng những sản phẩm nghiêm túc.

Thế nhưng, cái danh "thảm họa nhạc Việt" vẫn đeo bám Phí Phương Anh suốt quãng đường về sau. Hiện tại, giọng ca này cũng mất hút khỏi thị trường.

Những năm qua, thị trường nhạc Việt ngày càng chuyên nghiệp. Thị hiếu nghe nhạc của khán giả được nâng cấp, kéo theo đòi hỏi cho những sản phẩm âm nhạc ngày càng nâng lên. Các khán giả giờ không chỉ chú ý về giọng hát, mà còn "soi" về nội dung, ca từ, thậm chí là màu sắc âm nhạc.

Những ca khúc có ca từ sáo rỗng hoặc nhạy cảm bị khán giả lên án ngay lập tức. Sự tiêu cực nhắm vào Đỗ Phú Quí một lần nữa cảnh báo những sản phẩm kém chất lượng của ca sĩ Việt

 

 

CÁ CHẾT HÀNG LOẠT, NGHI BỊ KẺ XẤU ĐẦU ĐỘC

Cơ quan công an đang vào cuộc điều tra việc cá nuôi trong ao của nhiều hộ dân bất ngờ chết hàng loạt, nghi bị kẻ xấu đầu độc bằng hóa chất

Chiều 20-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo UBND xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, cho biết cơ quan công an đang điều tra, làm rõ việc cá nuôi trong ao của nhiều hộ dân chết bất thường.

Trước đó, vào trưa ngày 19-11, cơ quan chức năng nhận được đơn trình báo của 4 hộ dân thuộc thôn Bãi Sậy, xã Đỉnh Sơn về việc các ao cá của 4 hộ này (nằm gần nhau) xuất hiện cá chết đồng loạt, nghi bị đầu độc bằng hóa chất.

Nhận được thông tin, Công an huyện Anh Sơn phối hợp với Công an xã Đỉnh Sơn, Viện kiểm sát nhân dân và các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường, điều tra, xác minh. Bước đầu, xác định số lượng cá chết ở 4 ao là hơn 1,3 tấn.

Theo vị lãnh đạo UBND xã Đỉnh Sơn, sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Anh Sơn đã bắt giữ một nghi phạm.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

 

Nguồn: Zing News; Soha; Kenh14

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang