Café 'tấn công' TQ; TQ tăng ngân sách quốc phòng; Ấn-Trung tranh dầu thô Nga; Trung Đông 'sang trang'’ Nga tiến công Donbass

Cà phê "tấn công" xứ sở trà xanh Trung Quốc: Ăn sáng phải có cà phê, 300-500 chuỗi tăng trưởng 300%, đơn hàng tăng 178%

(Ảnh minh họa).

Với nhu cầu tiêu thụ lớn, Trung Quốc đang ghi nhận tình trạng nhập siêu cà phê trong hai năm qua. Trong nửa đầu năm 2022, 84% sản lượng cà phê nhân chưa cafein Trung Quốc nhập khẩu là từ Việt Nam.

“Trong năm ngoái, không có ngành nào thu hút nhiều sự chú ý hơn cà phê. Ngay cả dưới tác động của đại dịch, ngành cà phê đã cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ ”, đó là nhận định mở đầu của Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Trung Quốc - bà Lucy Fu khi nói về thị trường cà phê Trung Quốc, tại hội thảo "Phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao".

Người Trung Quốc chuộng bữa sáng có cà phê

Vốn được biết đến là xứ sở của trà xanh, văn hóa uống trà nhưng cà phê đang được tiêu thụ mạnh mẽ ở Trung Quốc, bởi thế hệ Gen Y (sinh từ 1980-1995), đặc biệt là xu hướng uống cà phê rang xay thay vì cà phê hòa tan. Năm 2021, thế hệ Y đóng góp tới 72,9% tổng lượng tiêu thụ cà phê rang xay tại đất nước 1,4 tỷ dân. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ cà phê rang xay trên đầu người tại các đô thị loại 1, loại 2 của Trung Quốc cao hơn nhiều so với mức trung bình và liên tục tăng trưởng. Làn sóng tiêu dùng này cũng đang lan rộng ra các đô thị loại 3 và loại 4.

Theo bà Lucy Fu, một xu hướng đáng chú ý tại Trung Quốc là những bữa sáng kèm cà phê đang ngày càng phổ biến hơn , điều mà nhiều năm trước kia không tồn tại. Số liệu trên Meituan Online cho thấy, các cửa hàng bán cà phê ở mức giá từ 20 đến 40 nhân dân tệ đang thống trị thị trường. Cà phê Latte là hương vị bán chạy nhất.

Với nhu cầu tiêu thụ lớn, Trung Quốc đang ghi nhận tình trạng nhập siêu cà phê trong hai năm qua. “ Sản lượng cà phê Arabica của Trung Quốc là khoảng 140.000 tấn, chiếm chưa đến 2% tổng sản lượng của thế giới. Trong hai năm qua, Trung Quốc nhập khẩu cao hơn xuất khẩu. Nửa đầu năm 2022, nhập khẩu cà phê của Trung Quốc đạt 46.000 tấn, trị giá 253 triệu USD; lượng xuất khẩu đạt 28.000 tấn, trị giá 136 triệu USD”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Trung Quốc dẫn số liệu.

“Về chủng loại, Trung Quốc đang nhập – xuất khẩu cà phê chưa rang xay và chưa chứa cafein là chủ yếu. Trong nửa đầu năm 2022, lượng nhập khẩu cà phê nhân chưa cafein là 38.000 tấn, với giá trị 150 triệu USD. Và thật đáng kinh ngạc, có 32.000 tấn đến từ Việt Nam (tương ứng 84%)” .

Năm 2021, Việt Nam cũng dẫn đầu trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê nhân chưa cafein lớn nhất cho Trung Quốc , với sản lượng 32.358 tấn. Dẫu vậy, Việt Nam lại là nhà nhập khẩu nhiều cà phê rang không cafein nhất của Trung Quốc, với 1.200 tấn.

Ngành cà phê bùng nổ ở xứ trà xanh

Xu hướng tiêu dùng mới của người tiêu dùng đã kéo theo sự bùng nổ của các doanh nghiệp cà phê tại Trung Quốc. Năm 2021, số công ty đăng ký mới hoạt động liên quan đến lĩnh vực cà phê ở đất nước hơn 1,4 tỷ dân này lên tới 25.900 , tăng 15,63% so với cùng kỳ năm trước đó. Quảng Đông là nơi hội tụ nhiều doanh nghiệp ngành cà phê nhất, với 33.700 công ty, theo sau là Vân Nam (13.900 công ty) và Giang Tô (10.400 công ty).

Bà Lucy Fu đưa ra số liệu, tính đến ngày 1/5/2022, có tổng cộng 117.300 quán cà phê ở Trung Quốc đại lục .

“Quy mô thị trường của cà phê pha mới, cà phê rang xay đạt 8,97 tỷ nhân dân tệ (1,3 tỷ USD). Các đơn đặt hàng cà phê tăng 178,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cà phê tại Trung Quốc hiện tại đã thực sự đến giai đoạn bùng nổ. Ước tính quy mô thị trường của ngành cà phê pha sẵn Trung Quốc sẽ đạt 15,79 tỷ nhân dân tệ (2,3 tỷ USD) vào năm 2023. Cà phê tươi, pha mới ở đây bao gồm cà phê được phục vụ tại các chuỗi cà phê, quán đơn lẻ, cà phê tiêu thụ trong nhà hàng và quán nước giải khát, cửa hàng tiện lợi, máy tự phục vụ,…”

Đây là mảnh đất màu mỡ cho các chuỗi cà phê mở rộng. Ở Trung Quốc hiện có khoảng 300 – 500 chuỗi cửa hàng cà phê đang tăng trưởng nhanh chóng , đặc biệt ở đô thị loại 1, loại 2. Ngoại trừ các thương hiệu lớn, bắt đầu từ nửa cuối năm 2021, hầu hết mọi thành phố cấp 1 hoặc cấp 2 mới (ngoại trừ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến) đều đã ra mắt chuỗi cà phê vừa và nhỏ của riêng mình, ít nhất từ 3-5 cửa hàng hoặc 10-20 cửa hàng. Tất cả đều có phong cách riêng và tệp khách hàng trung thành.

Dữ liệu từ Meituan Gourmet cho thấy, vào năm 2022, những quán cà phê đơn lẻ chiếm khoảng 72% tổng số cửa hàng. Số lượng 300-500 chuỗi cà phê trên Meituan Online tăng đáng kể với tốc độ tăng trưởng gần 300%, các chuỗi quy mô vừa cũng phát triển nhanh chóng.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng của các cửa hàng cà phê trong cộng đồng dân cư lên tới 71%, trong khi áp lực trả tiền thuê nhà thấp.

Ngoài các cửa hàng mua trực tiếp, lượng đơn hàng cà phê online tại các thành phố loại 3 cũng tăng gần gấp đôi, tại thành phố loại 4, loại 5 tăng hơn 250% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo bà Lucy Fu, cà phê đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở nông thôn và các thành phố nhỏ.

Nhận định trường cà phê tại Trung Quốc, bà Lucy Fu tóm gọn bằng ba xu hướng:

- Cà phê giá rẻ đang đi vào đời sống; - Sự tăng trưởng của bữa sáng kèm cà phê cũng như các hình thức bán hàng mới sẽ nở rộ; - Tiêu thụ cà phê hương vị trái cây ngày càng tăng do trở thành hương vị ưa thích của người tiêu dùng.

(Nguồn: CafeF)

Những yếu tố thúc đẩy Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng

Dù GDP không như kỳ vọng, Trung Quốc vẫn tăng ngân sách quốc phòng để xây dựng lực lượng đẳng cấp thế giới và đối phó tình hình an ninh phức tạp, theo chuyên gia.

Trong báo cáo tài chính chính phủ công bố tại phiên khai mạc kỳ họp quốc hội ở Bắc Kinh ngày 5/3, Trung Quốc thông báo ngân sách cho các hoạt động quân sự trong năm 2023 là hơn 1,5 nghìn tỷ tệ (gần 225 tỷ USD), tăng 7,2% so với năm trước. Quyết định này giúp ngân sách quốc phòng Trung Quốc duy trì đà tăng liên tục trong gần ba thập kỷ qua.

Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng trong bối cảnh kinh tế nước này không tăng trưởng như kỳ vọng. Trung Quốc năm ngoái đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5%, nhưng thực tế chỉ đạt 3%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Chính phủ Trung Quốc năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khiêm tốn ở mức 5%.

Wen-Ti Sung, nhà khoa học chính trị kiêm giảng viên Đại học Quốc gia Australia, cho rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quyết định tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc, ngay cả khi nền kinh tế không được như kỳ vọng.

"Mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc quân sự đẳng cấp thế giới mà Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra là nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy Bắc Kinh liên tục tăng chi tiêu cho quân sự", chuyên gia Wen-Ti Sung nói với VnExpress.

Trong phiên họp quốc hội hôm 8/3, ông Tập nhắc lại mục tiêu này, yêu cầu quân đội Trung Quốc "tối đa hóa năng lực chiến lược quốc gia", thúc đẩy quá trình hiện đại hóa để biến quân đội nước này thành "lực lượng vũ trang đẳng cấp thế giới".

Khi trở thành tổng tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) vào năm 2013, ông Tập đã lập tức tiến hành một số cải cách sâu rộng đối với cấu trúc quân đội, vốn thiên về coi trọng vai trò của lục quân, với mục tiêu xây dựng lực lượng "hiện đại hóa hoàn toàn" vào năm 2027 và "quân đội đẳng cấp thế giới" có thể cạnh tranh với Mỹ và các cường quốc phương Tây vào năm 2050.

Ông cắt giảm 300.000 quân nhân, thành lập các chiến lược khu để tinh giản bộ máy chỉ huy, tăng cường lực lượng tác chiến. Chương trình cải cách của ông Tập chú trọng hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân, giảm bớt vai trò truyền thống của lục quân.

Sau một thập kỷ ông Tập nắm quyền, Trung Quốc đang biên chế ba tàu sân bay, sở hữu hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm trung, hàng nghìn máy bay chiến đấu và lực lượng hải quân có số lượng tàu chiến nhiều hơn Mỹ, dù chất lượng và công nghệ chưa thể sánh bằng, theo giới chuyên gia.

Những động thái này nằm trong kế hoạch cải tổ, hiện đại hóa quân đội nhằm "hiện thực hóa giấc mơ có quân đội mạnh của Trung Quốc", một trong những chìa khóa quan trọng giúp nước này hướng tới "giấc mơ Trung Hoa".

Để hiện thực hóa tham vọng này, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài không ngừng tăng chi tiêu quốc phòng trong thời gian dài, song song với nỗ lực xây dựng khả năng tự lực về khoa học, công nghệ, theo Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh.

Ngoài ra, chuyên gia Wen-Ti Sung cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu phục hồi kinh tế hậu Covid-19, do đó tăng chi tiêu quân sự có thể là cách tạo việc làm và bù đắp cho mục tiêu tăng trưởng việc làm khó đáp ứng trong lĩnh vực dân sự.

Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng tạo ra 12 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị trong năm nay, cao hơn con số 11 triệu đặt ra năm ngoái. Trung Quốc có thể hy vọng đà tăng trưởng việc làm sẽ phục hồi, khi các ngành dịch vụ cần nhiều lao động như bán lẻ và dịch vụ ăn uống hoạt động sôi nổi trở lại sau khi các hạn chế chống dịch được nới lỏng.

Một lĩnh vực thu hút nhiều lao động chính là công nghiệp quốc phòng. Để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quốc phòng, Trung Quốc sẽ phải đóng thêm nhiều tàu chiến mới, phát triển các khí tài hiện đại hơn, đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, có chất lượng cao ở trong nước.

PLA cũng phải duy trì các cuộc tập trận và cải thiện phúc lợi cho quân nhân, những yếu tố gián tiếp góp phần vào tăng nhu cầu chi tiêu, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Năm 2023, PLA dự kiến đưa vào hoạt động các máy bay hiện đại như chiến đấu cơ tàng hình J-20 và chiến đấu cơ đa năng J-16, tiến hành chạy thử trên biển tàu sân bay thứ ba trang bị hệ thống máy phóng. Trung Quốc cũng dự kiến tổ chức các cuộc tập trận theo hướng chiến đấu thực tế, trong đó sử dụng lượng lớn đạn dược và nhiên liệu.

Một yếu tố khác tác động tới quyết định tăng đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc được chuyên gia Wen-Ti Sung chỉ ra là xung đột Ukraine, cuộc chiến đã kéo dài hơn một năm và cho thấy mức độ khốc liệt, hao người tốn của trong tác chiến hiện đại.

"Những khó khăn mà Nga gặp phải ở Ukraine đã cung cấp những dữ liệu quan trọng để Trung Quốc hình dung rõ hơn về chiến tranh đương đại và những lĩnh vực mà PLA cần cải thiện", ông nói.

Trang Global Fire Power xếp Nga là quốc gia có sức mạnh quân sự số hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, thực tế chiến trường cho thấy lực lượng Nga, vốn dựa vào ưu thế pháo binh và lực lượng bộ binh, đã không thể hiện được ưu thế vượt trội trước quân đội Ukraine trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại của phương Tây.

Điều đó càng thúc đẩy các lãnh đạo Trung Quốc tăng cường đầu tư cho quân đội theo hướng tinh gọn, linh hoạt, trang bị các khí tài công nghệ cao, có khả năng thích ứng cao với điều kiện khắc nghiệt của chiến trường hiện đại, thay vì mô hình nặng về lục quân, theo chuyên gia.

Phó giáo sư Victor Shih, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học California, San Diego, Mỹ, nhận định chiến sự Ukraine cho thấy bối cảnh an ninh toàn cầu diễn biến xấu và khó lường như thế nào trong năm qua, buộc Trung Quốc phải đặc biệt coi trọng nhu cầu hiện đại hóa quốc phòng.

Ngoài ra, khi tình hình eo biển Đài Loan vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, được thể hiện qua chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Mỹ hồi tháng 8/2022, phó giáo sư Victor Shih nói rằng tăng ngân sách quốc phòng là "xu thế tất yếu của Trung Quốc".

Các nhà quan sát ở Trung Quốc cũng nhận định tăng chi tiêu quân sự là nhu cầu quan trọng mà Trung Quốc phải đáp ứng khi đối mặt với những thách thức chưa từng thấy trong một thế kỷ qua.

"Trong bối cảnh an ninh toàn cầu như vậy, Trung Quốc cần phân bổ đủ ngân sách để xây dựng quân đội mạnh mẽ và tạo ra biện pháp răn đe đáng kể nhằm ngăn xung đột hay giành phần thắng nếu nó xảy ra, cũng như bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia", Liu Xuanzun, nhà phân tích của Global Times, nói.

Wang Chao, người phát ngôn phiên họp đầu tiên của quốc hội Trung Quốc, giải thích rằng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tính theo tỷ trọng GDP về cơ bản ổn định trong nhiều năm và thấp hơn mức trung bình thế giới, khẳng định nước này không "chạy đua vũ trang".

Tuy nhiên, theo phó giáo sư Victor Shih, động thái liên tục tăng chi tiêu quân sự của Bắc Kinh sẽ tác động đáng kể tới khu vực và thế giới.

"Khi Trung Quốc tăng đầu tư cho quân sự, nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn cho lĩnh vực này. Đây không hẳn là chạy đua vũ trang, mà là các nước trong khu vực muốn đảm bảo họ không bị Trung Quốc bỏ lại phía sau quá xa", ông Shih nói.

Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản năm 2023 là hơn 51 tỷ USD, tăng kỷ lục 26,3% so với năm trước đó. Các quốc gia khác như Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức Australia cũng có kế hoạch tăng chi tiêu cho quân sự, trong đó Australia dự kiến chi 3 tỷ USD mua khoảng 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia hiện đại nhất của Mỹ.

"Nhiều người cho rằng thế giới sẽ quay trở lại kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc và các nước không còn có thể trông cậy vào đảm bảo an ninh từ một bên nào đó. Tự đầu tư cho quân sự để răn đe và duy trì hòa bình là xu hướng trong tương lai", chuyên gia Wen-Ti Sung nhận định.

(Nguồn: Vnexpress)

Ấn Độ và Trung Quốc tranh giành dầu thô Nga

(Ảnh minh họa).

Các khách hàng lớn ở châu Á đang tranh giành dầu thô Nga, đẩy giá tăng.

Các nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc đang cạnh tranh với các đối thủ Ấn Độ về khối lượng dầu hỗn hợp ESPO vận chuyển bằng đường biển của Nga trong tháng 4, hãng tin Reuters đưa tin, trích dẫn các nguồn tin trong ngành.

Sau khi các khách hàng phương Tây từ bỏ, không mua trực tiếp năng lượng xuất khẩu của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành những người mua lớn.

Trung Quốc, quốc gia thường mua toàn bộ khối lượng dầu thô ESPO được vận chuyển từ cảng Kozmino ở Thái Bình Dương do vị trí gần, dự kiến ​​sẽ nhập khẩu khối lượng dầu thô kỷ lục trong tháng 3.

Trong khi đó, tính hết các hợp đồng giao hàng trong tháng 4, các nhà máy lọc dầu độc lập của Ấn Độ Reliance Industries và Nayara Energy báo cáo đã thu gom ít nhất 5 trong số khoảng 33 lô hàng dầu thô ESPO do giá thấp. Con số này tăng so với chỉ một tàu giao hàng vào tháng 3.

Giá dầu thô ESPO bốc hàng trong tháng 4 tới Ấn Độ thấp hơn khoảng 5 USD/thùng so với báo giá của Dubai trên cơ sở giao hàng xuất xưởng (DES).

Các tính toán của Reuters cũng cho thấy nhu cầu gia tăng đã đẩy giá dầu hỗn hợp ESPO có hàm lượng lưu huỳnh thấp của Nga được các nhà máy lọc dầu Ấn Độ mua cao hơn mức trần 60 USD/thùng do các quốc gia G7 đặt ra đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Trung Quốc cũng đã mua dầu ESPO ở trên trần giá.

Để giảm rủi ro, các nhà nhập khẩu dầu của Nga đang sử dụng các loại tiền tệ khác ngoài đồng đô la Mỹ để thanh toán một số loại dầu thô nhất định của Nga và cũng đang yêu cầu người bán xử lý về vận chuyển và bảo hiểm.

Theo các nguồn thương mại, sự cạnh tranh từ Ấn Độ đã làm giảm chiết khấu đối với các chuyến hàng ESPO nhập tháng 4 xuống khoảng 6,8 USD/thùng từ mức 8,50 USD/thùng vào tháng trước đối với dầu nhập tháng 3.

Dầu thô Murban có chất lượng tương tự từ Abu Dhabi hiện được giao dịch ở mức cao hơn khoảng 3,30 USD một thùng so với báo giá của Dubai trên cơ sở giao hàng miễn phí, trong khi dầu thô Murban bốc hàng tháng 4 đắt hơn khoảng 9 USD một thùng so với dầu ESPO của Nga giao cho Trung Quốc và Ấn Độ .

Trong tháng 3, các chuyến hàng dầu của Nga đến Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại gần 43 triệu thùng, bao gồm ít nhất 20 triệu thùng ESPO.

Trước đó, đài RT đưa tin, xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ, đã tăng lên mức kỷ lục, 1,62 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong tháng 2.

Dữ liệu cho thấy Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Ấn Độ trong tháng thứ năm liên tiếp. Theo báo cáo, xuất khẩu dầu của Moskva sang nước này đã tăng 28% so với tháng trước và vượt qua tổng lượng dầu được giao từ Iraq và Saudi Arabia - các nhà cung cấp chính của Ấn Độ trong nhiều thập kỷ. Nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia giảm 16% so với tháng trước xuống 647.800 thùng/ngày, trong khi lượng giao hàng từ Iraq lên tới khoảng 939.900 thùng/ngày. Nga hiện cung cấp 35% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, tăng đáng kể so với thị phần chưa đến 1% trên thị trường năng lượng của Ấn Độ vào năm 2021.

Cả New Delhi và Bắc Kinh bắt đầu tăng cường mua dầu thô của Nga ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Các hạn chế dẫn đến việc Nga mất đi những khách mua dầu truyền thống từ phương Tây và buộc nước này phải tìm kiếm thị trường thay thế cho năng lượng của mình bằng cách giảm giá.

New Delhi đã nhấn mạnh rằng an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu và họ sẽ tiếp tục đưa ra lựa chọn của riêng mình đối với các nhà cung cấp. Theo Đại sứ Nga tại Ấn Độ Denis Alipov, các biện pháp trừng phạt của phương Tây trên thực tế đã kéo Nga và Ấn Độ xích lại gần nhau hơn, gây ra sự tăng trưởng chưa từng có trong thương mại song phương.

(Nguồn: Soha)

Trung Đông 'sang trang' nhưng Mỹ đứng bên lề

Thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran vừa cho thấy tầm ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc, vừa tạo tiền đề cho những thay đổi trong bức tranh chính trị Trung Đông.

Hôm 10/3, Iran và Saudi Arabia - hai đối thủ tưởng như “không đội trời chung” tại Trung Đông - bất ngờ đạt được thỏa thuận khôi phục quan hệ. Bất ngờ hơn, thỏa thuận này được đưa ra trong một tuyên bố chung ba bên với Trung Quốc, sau một cuộc gặp tại Bắc Kinh.

Truyền thông Trung Quốc công bố bức ảnh Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Vương Nghị đứng ở giữa, trong lúc hai quan chức từ Iran và Saudi Arabia bắt tay nhau.

Trong hàng thập kỷ qua, vị trí trung tâm trong các bức ảnh như vậy phải thuộc về quan chức Mỹ, quốc gia thường đóng vai trò trung gian đàm phán giữa các lực lực lượng đối địch tại Trung Đông.

Washington giờ đây sẽ phải chú ý hơn tới đối thủ cạnh tranh mới. Từ một quốc gia thường chỉ đứng bên lề, Trung Quốc đang dần khẳng định vị thế của một người chơi có ảnh hưởng tại khu vực, theo New York Times.

“Đây là một thỏa thuận lớn”, bà Amy Hawthorne, phó lãnh đạo bộ phận nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận Dự án Dân chủ Trung Đông (Mỹ), nói. “Những gì Trung Quốc đã đạt được về mặt uy tín đã đưa nước này lên một vị thế mới về ngoại giao, vượt trội hơn bất cứ điều gì mà Mỹ đạt được ở khu vực kể từ khi ông Biden nắm quyền”.

Thỏa thuận xoay chuyển khu vực

Nhà Trắng đã công khai hoan nghênh động thái nối lại quan hệ giữa Tehran và Riyadh, trong khi không tỏ ra quan ngại về vai trò của Bắc Kinh trong việc đưa hai quốc gia Trung Đông xích lại gần nhau.

Trong các cuộc trao đổi riêng, các phụ tá của ông Biden bác bỏ nhận định thỏa thuận sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Giới chức Mỹ cũng cho biết phía Riyadh đã thông báo với Washington về các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh.

Giới phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động lâu dài của thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran. Sau hàng thập kỷ cạnh tranh và xung đột, thỏa thuận này có thể chỉ là bước khởi đầu.

Giữa Tehran và Riyadh vẫn còn rất nhiều khác biệt cần được giải quyết. Thậm chí New York Times cho rằng vẫn có khả năng thỏa thuận mở lại đại sứ quán giữa hai nước có thể không thực hiện được do trong tuyên bố chung cho phép hai nước có tới hai tháng để thảo luận chi tiết.

Trong nhiều năm qua, Saudi Arabia và Iran đã tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đầu tiên tại thủ đô Baghdad của Iraq không mang lại nhiều kết quả.

Trao đổi với phía Mỹ, giới chức Saudi Arabia tiết lộ trọng tâm của thỏa thuận là việc Iran cam kết không tấn công nước này trong tương lai, cũng như hạn chế hỗ trợ các nhóm phiến quân nhắm vào Riyadh.

Thỏa thuận mới đạt được không chỉ giúp Bắc Kinh nâng cao vị thế mà còn đánh bóng uy tín của một nhân vật khác: Thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo trên thực tế của Saudi Arabia.

Giữa lúc mối quan hệ của Nhà Trắng với Thái tử bin Salman xấu đi do các quyết định giảm sản lượng dầu mà Saudi Arabia đưa ra hồi năm ngoái - động thái khiến giá dầu tăng, đi ngược lại lợi ích của Mỹ - nhà lãnh đạo Saudi Arabia chuyển hướng sang Bắc Kinh.

“Nhiều nhân vật ở Vùng Vịnh coi đây là ‘thế kỷ Trung Quốc’”, ông Steven A. Cook, chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nói. “Saudi Arabia đã bày tỏ mong muốn gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Một lượng đáng kể dầu của họ cũng được xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Tuy nhiên, ông Cook chỉ ra chính sách nước đôi của Thái tử bin Salman có thể sẽ không thành công, giống như bài học của cố Tổng thống Ai Cập Abdel Nasser, người cố gắng cân bằng giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

Ảnh hưởng của Bắc Kinh

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ai Cập và Israel Daniel Kurtzer nhận định vai trò của Trung Quốc sẽ gây ra thách thức với chính quyền của Tổng thống Joe Biden, giữa lúc Mỹ đang muốn chú tâm vào các khu vực khác.

“Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc nhanh chóng hưởng lợi từ sự tức giận của Mỹ với Saudi Arabia, gây ra khoảng trống nhất định”, ông Kurtzer nói. “Điều này cũng phản ánh thực tế rằng Saudi Arabia và Iran đã đàm phán một thời gian. Đây là điều đáng tiếc với chính sách của Mỹ”.

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất có thể không vui với thỏa thuận. Trung Quốc đưa Saudi Arabia lại gần Iran giữa lúc Israel mong muốn Mỹ làm cầu nối giữa nước này và Riyadh để tiếp nối các động thái bình thường hóa quan hệ gần đây với các nước Arab.

Nếu có thể thiết lập quan hệ với Saudi Arabia, vị thế của Israel trong khu vực sẽ hoàn toàn thay đổi, chấm dứt hàng thập kỷ bị cô lập. Tuy nhiên, thỏa thuận đã khiến hy vọng lập liên minh chống Iran với Saudi Arabia của Israel càng thêm xa vời.

Saudi Arabia đòi hỏi nhiều hơn những gì Mỹ sẵn sàng chấp nhận. Để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với Israel, Riyadh đòi hỏi Mỹ phải đảm bảo an ninh, hỗ trợ phát triển chương trình hạt nhân dân sự, cũng như lược bỏ bớt các hạn chế xuất khẩu vũ khí.

Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ với Iran cũng không được cải thiện nhiều từ khi ông Biden nhậm chức. Mỹ vẫn chưa thể “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân với Tehran - vốn bị cựu Tổng thống Donald Trump bãi bỏ năm 2017.

Giữa cấm vận từ Mỹ, Iran tìm cách cải thiện quan hệ với hai “đối thủ” của Washington: Nga và Trung Quốc. Thỏa thuận với Saudi Arabia mới đây có thể là cách để Tehran tăng cường vị thế của Trung Quốc tại khu vực và thoát khỏi cảnh bị cô lập.

Quan hệ Trung Quốc - Iran thêm bền chặt không hẳn là điều hoàn toàn bất lợi với Mỹ: Washington hy vọng Bắc Kinh có thể giúp kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, việc Trung Quốc có thể gia tăng ảnh hưởng ở khu vực mà Mỹ từng có vị thế lớn như Trung Đông là điều khiến nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ không hài lòng.

“Đây là sự kiện mới nhất nhắc nhở chúng ta rằng cạnh tranh (với Trung Quốc) ở quy mô toàn cầu”, bà Mara Rudman, cựu phó đặc phái viên về Trung Đông dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nói. “Cạnh tranh không bị giới hạn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay chỉ trong một lĩnh vực như kinh tế, an ninh hay ngoại giao”.

“Tôi nghĩ (thỏa thuận) phản ánh cách thức các đối tác của Mỹ tăng cường quan hệ với Trung Quốc”, ông Kurtzer nói. “Đây có phải mối đe dọa trực tiếp với Mỹ hay không? Điều này còn cần được thảo luận thêm. Nhưng trật tự khu vực đang thay đổi".

(Nguồn: Zing News)

Nga mở rộng tiến công, giao tranh từng mét đất ở chảo lửa Donbass

(Ảnh minh họa).

Quân đội Ukraine xác nhận Nga vẫn tiếp tục các cuộc tấn công vào Bakhmut, bất chấp tổn thất nặng nề sau các cuộc giao tranh khốc liệt.

Trong thông báo cập nhật chiến sự hôm 12/3, Bộ Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine cho biết quân đội Nga tiếp tục tấn công thành phố Bakhmut ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Ngoài ra, Nga cũng mở rộng tiến công thành phố Sloviansk, nằm cách Bakhmut khoảng 59km về phía tây bắc.

"Trong ngày qua, đối phương đã tiến hành tập kích tên lửa vào một cơ sở hạ tầng dân sự ở Sloviansk, tỉnh Donetsk. Đối phương cũng đã thực hiện 4 cuộc không kích và khai hỏa khoảng 20 lần từ các hệ thống pháo phản lực phóng loạt", quân đội Ukraine xác nhận.

Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng nhấn mạnh, Sloviansk là một trong những thành phố có khả năng trở thành mục tiêu tấn công tiếp theo của Nga nếu Bakhmut thất thủ.

"Chúng tôi hiểu rằng, sau Bakhmut, Nga có thể tiến xa hơn. Họ có thể đến Kramatorsk, họ có thể đến Sloviansk, đó sẽ là con đường rộng mở cho Nga sau Bakhmut để đến các thành phố khác ở Ukraine, theo hướng Donetsk. Đó là lý do các binh lính của chúng tôi đang ở đó", ông Zelensky nói.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, hiện không có bước tiến nào của lực lượng Nga ở Bakhmut. Tuy nhiên, khó có thể định hình chính xác cục diện chiến sự ở thành phố đang bị bao vây ở miền Đông.

"Các nguồn tin của Ukraine và Nga tiếp tục đưa tin về các cuộc giao tranh khốc liệt trong thành phố, nhưng các chiến binh của lực lượng Wagner có khả năng ngày càng bị gây sức ép ở các khu vực đô thị, do vậy họ khó đạt được những bước tiến đáng kể", ISW cho biết.

Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tổ chức quân sự tư nhân Nga Wagner, thừa nhận các lực lượng Ukraine đang giao tranh khốc liệt ở Bakhmut, giành giật từng mét đất ở chảo lửa miền Đông.

"Tình hình ở Bakhmut rất khó khăn, đối phương đang chiến đấu từng mét. Chúng tôi càng tiến gần trung tâm thành phố, các trận chiến càng khốc liệt, càng nhiều đạn pháo tấn công chúng tôi, và càng nhiều xe tăng xuất hiện. Ukraine đang tung ra những nguồn dự trữ vô tận", ông Prigozhin nói thêm.

Tình báo Anh ngày 11/3 nhận định, lực lượng Wagner đã kiểm soát hầu hết khu vực phía đông Bakhmut. Cùng ngày, Wagner tuyên bố chỉ còn cách trung tâm hành chính của Bakhmut hơn 1km. Mặt trận giờ đây đã chuyển về phía tây Bakhmut và giới quan sát đánh giá là sẽ thách thức hơn cho Nga vì Ukraine vẫn đang giữ một số cao điểm ở khu vực này.

Thay vì tiến thẳng vào trung tâm thành phố, các nhóm Wagner đã tìm cách bao vây Bakhmut theo một vòng cung rộng từ phía bắc. Vào tháng 1, họ đã kiểm soát khu vực Soledar gần đó, và kể từ đó đã giành được một loạt ngôi làng ở phía bắc Bakhmut.

Cả Nga và Ukraine đều thừa nhận đã chịu tổn thất đáng kể ở Bakhmut. Người phát ngôn của quân đội Ukraine Serhiy Cherevatyi nói rằng, trong ngày 11/3 Nga mất 221 binh sĩ và hơn 300 người bị thương ở Bakhmut. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 210 binh sĩ Ukraine thiệt mạng ở khu vực chiến tuyến Donetsk trong một ngày.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang