Các tập đoàn lớn cắt giảm lao động; Thảm họa rượu độc ở Lào; Truy nã ông Netanyahu; Israel chiếm toàn bộ Bờ Tây; Putin làm gì tiếp theo?

HÀNG LOẠT TẬP ĐOÀN LỚN CẮ GIẢM LAO ĐỘNG

Kinh doanh kém hiệu quả, gánh nặng chi phí vận hành quá lớn và tái cơ cấu khiến nhiều hãng buộc phải cắt giảm lao động.

Ngày 18-11 vừa qua, Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) tuyên bố sẽ cắt giảm hơn 2.500 lao động tại các bang Washington, Oregon, South Carolina và Missouri. Kế hoạch cắt giảm lao động nói trên nằm trong lộ trình cắt giảm 17.000 việc làm, tương đương với 10% lực lượng lao động trên toàn cầu của hãng.

Theo đó, Boeing đã gửi thông báo đợt sa thải đầu tiên trong kế hoạch cắt giảm, bao gồm 2.199 việc làm tại bang Washington, nơi vốn có nhiều nhà máy lâu đời nhất của hãng. Trong thông báo, Boeing cho biết dự kiến sẽ bắt đầu sa thải nhân viên từ ngày 20-12 tới đây.

Trước đó, ngày 15-11 hãng chế tạo xe hơi General Motors (Mỹ) công bố quyết định cắt giảm 1.000 nhân công. Đợt cắt giảm lần này chủ yếu tập trung vào nhân sự làm trong khu vực phần mềm và dịch vụ của General Motors, ảnh hưởng tới 1.000 lao động.

Năm 2023 có khoảng 5.000 nhân viên và quản lý hưởng lương của General Motors chấp thuận nghỉ việc tự nguyện. Trên phạm vi toàn cầu, nhiều hãng ô tô cũng đã cắt giảm việc làm nhằm giảm chi phí sản xuất, vận hành.

Trong khi đó, một hãng khác của Mỹ là Ford cũng phải cắt giảm hàng ngàn việc làm tại châu Âu khi đối mặt thách thức chuyển đổi sang xe điện. Ngày 20-11, hãng sản xuất ô tô này thông báo kế hoạch cắt giảm khoảng 4.000 việc làm tại châu Âu từ nay đến cuối năm 2027.

Quyết định này được đưa ra nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh về chi phí và đảm bảo sự bền vững lâu dài cho hoạt động kinh doanh của hãng tại thị trường này.

Động thái này của Ford phản ánh những thách thức mà các nhà sản xuất ô tô đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất xe điện. Nhiều hãng sản xuất ô tô và nhà cung cấp tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã nhiều lần công bố cắt giảm nhân sự trên diện rộng, mỗi đợt ảnh hưởng đến hàng nghìn việc làm.

Một hãng ô tô khác đến từ Nhật Bản cũng tuyên bố cắt giảm hoặc điều chuyển nhân sự. Theo đó, ngày 22-11, Nissan Motor cho biết họ dự kiến sẽ sa thải hoặc điều chuyển khoảng 1.000 nhân viên của hãng tại Thái Lan vào mùa thu năm 2025.

Động thái này phù hợp với cam kết mà công ty ô tô lớn thứ 3 của Nhật Bản đã đưa ra là cắt giảm khoảng 7% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương 9.000 nhân viên, vào năm tài chính 2026 kết thúc vào tháng 3 năm 2027.

Một ngày trước đó, (21-11), Nissan cũng công bố dự kiến cho khoảng 6%, tương đương khoảng 1.000 nhân viên tại Mỹ nghỉ hưu sớm vào cuối năm nay.

Cuộc khủng hoảng của Tập đoàn Volkswagen tại châu Âu cũng có thể dẫn đến việc một số nhà máy sản xuất phải đóng cửa, nhưng nghiệp đoàn công nhân của Volkswagen cho rằng điều đó có thể tránh được.

Nghiệp đoàn gần đây đã đề xuất cắt giảm toàn diện tiền lương cho cả công nhân và nhân viên văn phòng. Đây là cách để tránh tình trạng sa thải hàng loạt và khả năng đóng cửa các nhà máy của Volkswagen tại Đức.

 

 

NGỘ ĐỘC RƯỢU KINH HOÀNG TẠI LÀO: ÍT NHẤT 6 NGƯỜI THIỆT MẠNG

Một phụ nữ Úc thứ hai nhập viện sau khi uống rượu bị nhiễm độc tại một thị trấn du lịch nổi tiếng ở Lào vã đã tử vong, theo chính phủ cho biết hôm 22/11. Đây đây là ca tử vong thứ sáu nghi ngờ bị ngộ độc methanol.

Holly Bowles, 19 tuổi, đã tử vong tại một bệnh viện ở nước láng giềng Thái Lan, nơi cô đã được đưa đến đó để điều trị khẩn cấp, theo Bộ ngoại giao Úc cho biết. Người bạn của cô đã tử vong hôm 21/11 tại một bệnh viện khác ở Thái Lan.

"Chúng tôi vô cùng đau buồn khi phải nói rằng cô con gái xinh đẹp Holly của chúng tôi hiện đã yên nghỉ", cha cô, Shaun Bowles, nói với tờ Nine News của Úc.

Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong cho biết Úc sẽ tiếp tục nỗ lực cùng chính quyền Lào điều tra vụ việc mà bà mô tả là một thảm kịch.

"Tôi biết rằng đêm nay tất cả người Úc sẽ ôm cả hai gia đình trong tim", bà Wong nói.

Tổng cộng, 6 du khách – 2 người Đan Mạch, 2 người Úc, 1 người Anh và 1 người Mỹ – đã tử vong sau khi đến thăm Vang Vieng, một thị trấn bình dị ở quốc gia Đông Nam Á này, nơi được nhiều du khách ba lô nước ngoài ưa chuộng.

Hãng thông tấn nhà nước Lào KPL cho biết hôm 22/11 rằng chính quyền đang thu thập bằng chứng và lời khai của nhân chứng sau cái chết của những người nước ngoài do nghi ngờ "uống đồ uống có cồn bị nhiễm độc". Một tuyên bố chính thức dự kiến sẽ sớm được đưa ra.

Hàng giả của các thương hiệu rượu nổi tiếng và rượu tự chế là một vấn đề nổi cộm ở Lào. Úc và Anh đã cảnh báo công dân của họ phải thận trọng khi uống đồ uống ở đó.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Lào đã ban hành cảnh báo hôm 22/11 rằng công dân của mình phải cảnh giác với nguy cơ ngộ độc methanol khi uống đồ uống có cồn, khuyên họ nên mua từ các nhà cung cấp được cấp phép và kiểm tra các dấu hiệu giả mạo hoặc làm giả.

Methanol là một loại rượu độc được sử dụng trong công nghiệp như một dung môi, thuốc trừ sâu và nguồn nhiên liệu thay thế, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.

 

 

NETANYAHU, GALLANT VÀ LÃNH ĐẠO HAMAS BỊ TRUY NÃ TOÀN THẾ GIỚI

Trong ngày thứ Năm, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã đưa ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới quyền ông Netanyahu là Yoav Gallant và lãnh đạo Hamas Ibrahim Al-Masri, với cáo buộc gây ra tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột tại Gaza.

Trong phán quyết, thẩm phán của ICC cho biết có đủ bằng chứng để tin rằng ông Netanyahu và Yoav Gallant phải chịu trách nhiệm hình sự về một số hành vi bao gồm sát nhân, ngược đại và lợi dụng nạn đói làm vũ khí trong "các cuộc tấn công rộng rãi và có hệ thống nhằm vào thường dân Gaza".

Các thẩm phán cũng cho biết có đủ bằng chứng để tin rằng lệnh bao vây Gaza cũng như sự thiếu thốn lương thực, nước sạch, điện, nhiên liệu và vật tư y tế "đã tạo điều kiện sống được suy tính trước nhằm dẫn tới sự hủy hoại một phần dân số thường dân Gaza, dẫn tới thường dân thiệt mạng, bao gồm trẻ em, do thiếu dinh dưỡng và thiếu nước uống".

Quyết định này đã dẫn tới sự phẫn nộ tại Israel, và cộng đồng quốc gia này nhận định quyết định này là đáng xấu hổ, vô lý. Người dân Gaza thể hiện hy vọng quyết định này sẽ giúp kết thúc tình trạng bạo lực và đưa những cá nhân chịu trách nhiệm cho các tội ác chiến tranh ra trước công lý. Hamas đã khen ngợi lệnh bắt nhằm vào Israel, và một quan chức cấp cao của tổ chức này nhận định đây là bước đầu tiên hướng tới công lý.

Lệnh bắt giữ Masri liệt kê cáo buộc tàn sát hàng loạt trong ngày 7/10/2023, vụ tấn công nhằm vào Israel châm ngòi cuộc chiến tại Gaza, cũng như cáo buộc cưỡng dâm và bắt giữ con tin.

Israel cho biết đã tiêu diệt Masri, còn được biết đến dưới cái tên Mohammed Deif, trong một cuộc không kích trong tháng 7, tuy nhiên Hamas chưa xác nhận hay phủ nhận thông tin này. Cơ quan truy tố cho biết sẽ tiếp tục thu thập thông tin về việc Masri đã thiệt mạng.

Israel đã bác bỏ phán quyết của tòa án tại Hague này và phủ nhận các cáo buộc cho rằng Israel đã gây ra tội ác chiến tranh tại Gaza.

Mỹ, quốc gia ủng hộ ngoại giao chính của Israel, không phải nước thành viên của ICC. Chính phủ Mỹ cho biết "phủ nhận hoàn toàn" quyết định này.

Một phát ngôn viên an ninh của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết: "Chúng tôi lo ngại sâu sắc về việc các công tố viên vội vã yêu cầu đưa ra lệnh bắt giữ và tiến trình đáng lo ngại dẫn tới quyết định này", và cho biết Mỹ đang thảo luận về bước tiếp theo với các đối tác.

Các cường quốc thế giới gồm Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cũng không tham gia ICC, tòa án thường trực quốc tế về tội ác chiến tranh được hậu thuẫn bởi Liên minh Châu Âu, Australia, Canada, Anh, Brazil, Nhật Bản và hàng chục nước châu Phi và Mỹ Latin.

Trong ngày 20/5, công tố viên ICC Karim Khan cho biết đã yêu cầu đưa ra lệnh bắt với các cáo buộc tội ác chiến tranh liên quan tới vụ tấn công do Hamas cầm đầu tại israel và phản ứng quân sự của Israel tại Gaza. Các lãnh đạo Israel và tổ chức Hamas bác bỏ cáo buộc cho rằng hai phe này đã gây ra tội ác chiến tranh.

Tòa án này không có lực lượng hành pháp để thực hiện lệnh bắt và phụ thuộc vào 124 nước thành viên cho quá trình bắt giữ, và chỉ có biện pháp ngoại giao có giới hạn trong trường hợp các nước này không muốn chấp hành.

Ông Khan đã kêu gọi các nước đã ký kết hiệp ước thành lập tòa án "chấp hành cam kết trước Quy chế Rome bằng cách tôn trọng và chấp hành những lệnh tư pháp này".

Trong một tuyên bố, ông cho biết: "Chúng tôi tin tưởng vào sự hợp tác của họ trong trường hợp này, cũng như những trường hợp khác… Chúng tôi cũng chào đón các quyết định hợp tác với các phe phi quốc gia trong quá trình nỗ lực hướng tới đảm bảo trách nhiệm và giữ vững luật pháp quốc tế".

Phản ứng từ quốc tế

Shaban Abed, 47 tuổi, kỹ sư và người sinh sống tại thành phố Gaza, hiện sơ tán tại Khan Younis, nhận định: "Ông Netanyahu và ông Gallant giờ đã trở thành tội phạm chiến tranh và không lâu nữa một quốc gia nào đó sẽ đưa họ ra trước công lý, bất kể lâu tới đâu". Ông cũng cho rằng quyết định của tòa án được đưa ra "muộn, nhưng không bao giờ quá muộn".

Rabeeha, một phụ nữ là mẹ của 5 trẻ em và người dân thành phố Gaza, cho biết cô mong rằng quyết định này sẽ giúp kết thúc cuộc chiến.

"Tôi mong rằng chúng ta có thể sớm chứng kiến ông Netanyahu và ông Gallant bị bỏ tù. Giờ họ không thể di chuyển, giờ họ đang bị săn lùng".

Văn phòng ông Netanyahu nhận định quyết định của ICC mang tính "bài trừ Do Thái" và ông sẽ "không cúi đầu trước áp lực, và không bị đe dọa" cho tới khi Israel đạt được mục tiêu chiến tranh.

Ngoại trưởng Israel Gideon Saar nhận định ICC đã "mất toàn bộ tính tin cậy" sau khi đưa ra lệnh bắt giữ ông Netanyahu và ông Gallant.

Trên X, Saar đã nhận định đây là "một thời điểm đen tối trong lịch sử Tòa án Hình sự Quốc tế", và cũng nhận định tòa án này đã đưa ra "một sắc lệnh vô lý mà vượt ngoài thẩm quyền".

Hiện chưa có bình luận từ ông Gallant.

Trong một phát biểu, Hamas đã chào đón lệnh bắt giữ ông Gallant và ông Netanyahu, đồng thời hối thúc tòa án mở rộng trách nhiệm lên toàn bộ máy lãnh đạo Israel.

Quan chức cấp cao của Hamas Basem Naim cho biết lệnh bắt nhằm vào Israel là một bước quan trọng dẫn tới mang lại công lý cho nạn nhân của chiến tranh và mọi quốc gia trên thế giới nên ủng hộ quyết định này.

Người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, cho biết quyết định này không mang tính chính trị mà đã được đưa ra bởi tòa án và nên được tôn trọng và thực hiện.

"Thảm họa tại Gaza cần phải kết thúc".

Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cũng khẳng định quyết định của ICC cần được thực hiện, và nhận định người Palestine xứng đáng nhận được công lý sau những "tội ác chiến tranh" của Israel tại Gaza.

Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp cho biết quốc gia này sẽ chỉ thực hiện lệnh bắt đối với các cá nhân trên lãnh thổ quốc gia này và sẽ không thực hiện các hành động "không cần thiết".

Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Lindsey Graham, đồng minh thân cận của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cho biết: "Tòa án này là một trò hề nguy hiểm. Đã đến lúc Thượng viện Mỹ hành động và trừng phạt cơ quan vô trách nhiệm này".

 

 

ISRAEL CHIẾM TOÀN BỘ BỜ TÂY ĐỂ ĐÁP TRẢ ICC

Israel có thể hành động cứng rắn hơn sau lệnh bắt Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng được ICC đưa ra?

Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel - ông Itamar Ben-Gvir đã đề xuất mở rộng khu vực kiểm soát của Israel đối với Bờ Tây, thậm chí tuyên bố chủ quyền một cách lâu dài.

Tuyên bố này được đưa ra nhằm đáp lại quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), khi cơ quan này đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Galant vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Dải Gaza.

Ông Ben-Gvir gọi hành động của ICC là sự can thiệp vào các vấn đề chủ quyền của Israel và cho biết phản ứng của nước này phải mang tính quyết định.

“Chúng ta không thể cho phép các cơ cấu quốc tế ra lệnh cho Israel cách bảo vệ lãnh thổ và người dân của mình. Việc mở rộng chủ quyền tới Bờ Tây sẽ là phản ứng thích đáng trước hành động khiêu khích này”, Bộ trưởng Ben-Gvir nhấn mạnh.

Ý tưởng mở rộng quyền kiểm soát của Israel tại khu Bờ Tây đang tranh chấp đã gây được tiếng vang cả trong và ngoài Israel. Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên án bất kỳ động thái nào nhằm thay đổi tình trạng của những vùng đất này, coi bước đi trên là vi phạm luật pháp quốc tế.

Hiện tại chính quyền Israel cũng chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào liên quan tới đề xuất của Bộ trưởng An ninh Quốc gia, quan điểm của ông Ben-Gvir vì vậy bị xem là chỉ mang tính chất cá nhân.

Mặc dù vậy, chắc chắn Tel Aviv sẽ không chấp thuận tuân theo phán quyết của Tòa án Hình sự Quốc tế, bởi cơ cấu này khó lòng gây áp lực lên Israel cũng như các đồng minh của Nhà nước Do Thái.

 

 

PUTIN SẼ LÀM GÌ TIẾP THEO?

“Vladimir Putin sẽ làm gì tiếp theo?”

Đây là câu hỏi mà tôi đã được hỏi rất nhiều trong tuần này.

Đó là điều dễ hiểu.

Suy cho cùng, đây là tuần mà nhà lãnh đạo Điện Kremlin đã hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga.

Đây là tuần mà Mỹ và Vương quốc Anh đã vượt qua (một) lằn ranh đỏ khác của Putin khi cho phép Ukraine bắn tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp vào lãnh thổ Nga.

Đây cũng là tuần mà Tổng thống Putin, trên thực tế, đã đe dọa Anh, Mỹ và bất kỳ quốc gia nào khác cung cấp vũ khí như vậy cho Ukraine và vì mục đích như vậy (tấn công vào lãnh thổ Nga).

“Chúng tôi tự cho mình quyền sử dụng vũ khí của mình để tấn công các căn cứ quân sự của những quốc gia đã cho phép sử dụng vũ khí của họ để chống lại các cơ sở của chúng tôi,” nhà lãnh đạo Nga phát biểu trước toàn quốc vào tối 21/11.

Do đó, “Vladimir Putin sẽ làm gì tiếp theo?” có lẽ là câu hỏi quan trọng nhất lúc này. Và, vì tôi là biên tập viên về nước Nga của BBC, bạn có thể mong đợi tôi có câu trả lời.

Tôi sẽ nói thành thật rằng tôi không có.

Có lẽ ngay cả Putin cũng không biết câu trả lời, điều này khiến mọi thứ trở nên đáng lo ngại hơn.

Thay vì câu trả lời, tôi sẽ đưa ra một số quan sát.

Chấp nhận leo thang

Tuần này, Điện Kremlin cáo buộc "toàn bộ phương Tây" đã làm leo thang chiến tranh ở Ukraine.

Nhưng gần ba năm chiến tranh tại Ukraine đã cho thấy rằng chính Vladimir Putin là người chấp nhận leo thang như một phương tiện để đạt được mục tiêu của mình - trong trường hợp này là kiểm soát Ukraine hoặc ít nhất là hòa bình theo các điều khoản của Nga.

Cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine, quyết định tuyên bố bốn vùng lãnh thổ của Ukraine là một phần của Nga, việc triển khai quân đội Triều Tiên đến tỉnh Kursk, quyết định tấn công vào ngày 21/11 tới thành phố Dnipro của Ukraine bằng một tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung đời mới, lời đe dọa tấn công phương Tây - tất cả đều đại diện cho những mốc leo thang trong cuộc xung đột này.

Tôi đã từng mô tả Vladimir Putin như một chiếc xe không có số lùi và không có phanh, lao vút trên đường cao tốc khi chân ga thì bị kẹt.

Theo những gì tôi thấy thì tới nay chẳng có gì thay đổi cả.

Đừng nên mong đợi cỗ xe Putin đột nhiên giảm tốc hoặc hạ nhiệt ngay bây giờ, nhất là khi các tên lửa tầm xa đã được bắn vào nước Nga.

Dù thế, leo thang là một vấn đề khác nữa. Và khả năng này thì ngày càng rõ rệt.

Ukraine sẽ hứng chịu nhiều cuộc tấn công từ Nga hơn, thậm chí là các cuộc oanh tạc dữ dội hơn.

Các chính phủ phương Tây sẽ đánh giá mức độ đe dọa dựa trên cảnh báo của Putin.

Ngay cả trước bài phát biểu trên truyền hình của nhà lãnh đạo Điện Kremlin, phương Tây đã lo ngại về sự gia tăng chiến tranh hỗn hợp của Nga.

Tháng trước, người đứng đầu MI5 (cơ quan tình báo, phản gián của Anh quốc) đã cảnh báo rằng tình báo quân sự Nga đã tham gia vào một chiến dịch nhằm "gây hỗn loạn trên các đường phố Anh quốc và châu Âu".

"Chúng tôi đã chứng kiến hành vi đốt phá, phá hoại và nhiều hành vi khác nữa," ông nói thêm.

Trước đó vào tháng 6/2024, Putin đã gợi ý rằng Moscow có thể trang bị vũ khí cho các kẻ thù của phương Tây nếu Ukraine được phép tấn công sâu vào Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây.

"Chúng tôi tin là nếu ai đó nghĩ rằng có thể cung cấp những vũ khí như vậy đến một vùng chiến sự để tấn công lãnh thổ của chúng tôi và gây ra vấn đề cho chúng tôi thì tại sao chúng tôi không thể cung cấp vũ khí cùng loại cho những khu vực trên thế giới nơi họ sẽ nhắm vào các cơ sở nhạy cảm của các quốc gia đang làm điều này với Nga?" ông nói.

Lựa chọn hạt nhân

Câu hỏi "Putin sẽ làm gì tiếp theo?" thường đi kèm với "Liệu Putin có sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Ukraine không?".

Tổng thống Nga đã nói bóng gió một cách khá rõ ràng.

Khi tuyên bố bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" của mình - cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine - ông ta đã đưa ra lời cảnh báo cho "những người có thể bị thôi thúc muốn can thiệp từ bên ngoài".

"Bất kể ai cố gắng cản đường chúng tôi hoặc tạo ra mối đe dọa cho đất nước và người dân của chúng tôi, họ phải biết rằng Nga sẽ phản ứng ngay lập tức," nhà lãnh đạo Điện Kremlin tuyên bố.

“Và hậu quả sẽ là điều mà các người chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử của mình.”

Các nhà lãnh đạo phương Tây thường bác bỏ những gì họ coi là sự đe dọa hạt nhân. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, các chính phủ phương Tây đã vượt qua một số "lằn ranh đỏ" của Nga, như cung cấp cho Ukraine xe tăng, hệ thống tên lửa tiên tiến và sau đó là chiến đấu cơ F-16.

"Hậu quả" mà Điện Kremlin đe dọa đã chưa bao giờ thành hiện thực.

Vào tháng 9/2024, Putin tuyên bố ông sẽ hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân - điều đã được thông qua tuần này. Đó là lời cảnh báo rõ ràng đến châu Âu và Mỹ rằng không được cho phép các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga.

Bây giờ, lằn ranh đỏ này cũng đã bị vượt qua. Trong bài phát biểu trước toàn dân, Putin đã xác nhận các báo cáo của phương Tây rằng Ukraine đã bắn tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp và tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất vào các mục tiêu bên trong nước Nga.

Đầu tuần này, khi tờ báo lá cải Moskovsky Komsomolets thân Điện Kremlin hỏi một trung tướng đã nghỉ hưu rằng Nga nên phản ứng thế nào trước cuộc tấn công ATACMS vào tỉnh Bryansk, ông đã trả lời:

“Khởi động Thế chiến III chỉ vì các cuộc tấn công vào một kho vũ khí ở tỉnh Bryansk có lẽ là thiển cận.”

Sẽ thật yên bình nếu Điện Kremlin cũng chia sẻ quan điểm tương tự.

Nhưng bài phát biểu của Vladimir Putin trước toàn dân không cho thấy điều đó.

Thông điệp của ông gửi đến những người ủng hộ Ukraine ở phương Tây có vẻ như là: đây là một lằn ranh đỏ mà tôi rất coi trọng, tôi thách các vị vượt qua nó.

"Ngay cả Putin cũng không biết liệu ông ấy có thể sử dụng vũ khí hạt nhân hay không. Điều đó phụ thuộc vào cảm xúc của ông ấy," Andrei Kolesnikov, nhà bình luận của tờ Novaya Gazeta, nói với tôi gần đây.

"Chúng ta biết ông ấy là người cảm tính. Quyết định bắt đầu cuộc chiến này cũng là một bước đi đầy cảm tính. Vì vậy, chúng ta phải nghiêm túc xem xét mục đích của ông ấy về việc thay đổi học thuyết hạt nhân. Họ nói rằng nỗi sợ chiến tranh phải quay trở lại để kiềm chế cả hai bên, nhưng đây cũng là một công cụ leo thang.

Theo cách diễn giải này, chúng ta phải thừa nhận rằng Putin, trong một số trường hợp, có thể sử dụng ít nhất một vũ khí hạt nhân chiến thuật trong khuôn khổ của một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế. Nó sẽ không giải quyết được vấn đề. Nhưng nó sẽ là khởi đầu cho một cuộc leo thang mang tính tự sát đối với toàn thế giới."

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là những đầu đạn nhỏ được thiết kế để sử dụng trên chiến trường hoặc trong một cuộc tấn công hạn chế.

Nhân tố Trump

Vladimir Putin có thể hành động theo cảm xúc. Rõ ràng ông ta bị thôi thúc bởi cơn giận đối với phương Tây và quyết tâm không lùi bước của mình.

Nhưng ông ta cũng biết thế giới có thể sớm trở thành một nơi rất khác.

Trong hai tháng nữa, Joe Biden sẽ rời nhiệm sở và Donald Trump vào Nhà Trắng.

Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự hoài nghi về viện trợ quân sự mà nước này dành cho Ukraine cũng như chỉ trích dữ dội NATO.

Gần đây, ông ta cũng khẳng định nói chuyện với Vladimir Putin sẽ là "một điều khôn khéo".

Tất cả những điều ấy hẳn sẽ làm Putin vui.

Điều đó nghĩa là, bất chấp những lời đe dọa và cảnh báo mới nhất, Điện Kremlin có thể quyết định không leo thang căng thẳng ngay bây giờ.

Tức là, nếu Điện Kremlin tin rằng Donald Trump giúp chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản có lợi cho Nga thì sẽ không có leo thang.

Nếu niềm tin đó thay đổi, thì phản ứng của Moscow cũng có thể đổi thay.

 

Nguồn: CafeF;  VOA; Người Đưa Tin; Soha; BBC

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang