Các chính sách mới; Nguyễn Đức Chung chủ mưu; Đối thoại Thủ Thiêm; Đổi quyết định giao đất; Khép kín các vành đai; Tạo việc cho người nước ngoài; Tròn một năm Hồ Duy Hải

Những chính sách về tiền lương, quản lý thuế... có hiệu lực từ tháng 12-2020

Ngân hàng sẽ phải cung cấp tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế; báo chí đưa tin sai sự thật bị phạt đến 100 triệu đồng, giảng viên đại học công lập hưởng lương đến 11,92 triệu đồng/tháng... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12-2020.

Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế

Đây là thông tin đáng chú ý tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5-12-2020.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 30 của Nghị định nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Doanh nghiệp và người dân làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP HCM - Ảnh: Hoàng Triều).

Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.

Cũng theo Nghị định 126, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên.

Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý đầu không được thấp hơn 75%

Cũng theo Nghị định 126 nêu trên, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.

Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, hết ngày 31-10 hàng năm, số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm; nếu nộp thấp hơn doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền chậm nộp.

Báo chí đưa tin sai sự thật bị phạt đến 100 triệu đồng

Nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh từ ngày 1-12 tới đây, theo quy định tại Nghị định 119/2020/NĐ-CP.

Quy định mức phạt đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí như sau: Nếu gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng, phạt từ 5 - 10 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 1 - 3 triệu đồng); nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng, phạt từ 50 - 70 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 5 - 10 triệu đồng); nếu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, phạt từ 70 - 100 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 20 - 30 triệu đồng).

Trong cả 3 trường hợp nêu trên, báo chí đều buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Đồng thời, riêng trường hợp đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, báo chí còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 1 - 12 tháng (trước đây chỉ bị đình chỉ hoạt động từ 1 – 3 tháng).

Xử lý người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực

Nghị định 130 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã đề cập đến việc xử phạt hành vi kê khai không trung thực, có hiệu lực từ 20-12.

Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ sẽ không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

Ngoài ra, người kê khai không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Làm mất hóa đơn bị phạt đến 10 triệu đồng

Ngày 19-10, Chính phủ ban hành Nghị định 125 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Nghị định sẽ có hiệu lực từ 5-12, trong đó có quy định mức phạt đối với hành vi làm mất hóa đơn.

Theo đó, phạt cảnh cáo nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng có tình tiết giảm nhẹ; Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế.

Phạt 3-5 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng). Phạt 4-8 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập…

Mức phạt 8-10 triệu đồng được áp dụng trong trường hợp làm mất, cháy, hỏng hóa đơn không thuộc các trường hợp trên.

Giảng viên đại học công lập hưởng lương đến 11,92 triệu đồng/tháng

Căn cứ Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT ngày 26-10-2020, chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy tại các trường đại học công lập bao gồm: Giảng viên cao cấp, Giảng viên chính, Giảng viên, Trợ giảng.

Theo đó, giảng viên cao cấp áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00. Lương cơ sở năm 2021 là 1,49 triệu/tháng nên mức lương cụ thể từ 9,238 triệu đồng/tháng - 11,92 triệu đồng/tháng. Quy định này có hiệu lực từ ngày 12-12.

Khai sai số tiền mang khi xuất cảnh bị phạt đến 50 triệu

Nghị định 128 của Chính phủ có hiệu lực từ 10-12, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định các mức phạt đối với người xuất cảnh không khai, khai sai số tiền, vàng mang ra nước ngoài vượt quá mức quy định.

Cụ thể, người xuất cảnh bị phạt 1-3 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị 5-10 triệu đồng; Phạt 5-15 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 30 đến dưới 70 triệu đồng; Phạt 15-25 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 70 đến dưới 100 triệu đồng; Phạt 30-50 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tăng chế độ ăn cho phạm nhân

Nghị định 133 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự sẽ có hiệu lực từ 25-12. Theo đó, chế độ ăn của phạm nhân sẽ được thay đổi kể từ thời gian này.

Phạm nhân được Nhà nước đảm bảo tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 7 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 1 kg thịt lợn; 1 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; gia vị khác; chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

So với quy định trước đây, chế độ ăn đã tăng thêm 0,2 kg cá; 0,3 kg thịt lợn; bổ sung dầu ăn và gia vị khác. Ngoài ra, phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù được phổ biến, học tập các chính sách, quy định của pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng, vay vốn sản xuất, kinh doanh, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm.

Ông Nguyễn Đức Chung là chủ mưu đánh cắp tài liệu mật vụ Nhật Cường

Để nắm được thông tin, tài liệu điều tra của vụ án Nhật Cường, ông Nguyễn Đức Chung liên hệ và được cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế đồng ý cung cấp.

VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và 3 đồng phạm là Phạm Quang Dũng (SN 1983, nguyên cán bộ C03, bộ Công an), Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, nguyên chuyên viên phòng Thư ký biên tập) và Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập) về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội).

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án công ty Nhật Cường, thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Để nắm được thông tin, tài liệu điều tra của vụ án Nhật Cường, ông Chung liên hệ và được Phạm Quang Dũng (cán bộ cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, C03, bộ Công an) đồng ý cung cấp thông tin, tài liệu về vụ án.

Trong thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, thực hiện đề nghị của ông Chung, Phạm Quang Dũng đã nhiều lần chiếm đoạt tổng số 09 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật” liên quan đến vụ án công ty Nhật Cường, chuyển cho ông Chung 06 tài liệu “Mật”.

Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc còn bị cáo buộc tham gia 01 lần in, chỉnh sửa 03 tài liệu “Mật” cho ông Chung.

Quá trình điều tra vụ án còn xác định, vào dịp tết Nguyên đán Âm lịch Canh Tý vừa qua (ngày 22/1/2020), tại khu vực bệnh viện Bạch Mai, thông qua bị can Nguyễn Hoàng Trung, bị can Phạm Quang Dũng đã nhận của ông Nguyễn Đức Chung 1 phong bì trong đó có 10.000 USD. Đến nay, gia đình bị can Phạm Quang Dũng đã nộp lại số tiền này.

Khi tự thú về hành vi chiếm đoạt tài liệu mật, bị can Phạm Quang Dũng còn khai nhận: Vào tối 30/6/2020, khi đột nhập vào phòng làm việc của ông Nguyễn Văn Thành tại cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, bộ Công an để tìm tài liệu đã lấy 01 thùng caton mang về kiểm tra thấy bên trong có 16 chiếc điện thoại di động.

Tuy nhiên đến nay, cơ quan An ninh điều tra, bộ Công an chưa làm rõ bản chất của việc Phạm Quang Dũng được Nguyễn Đức Chung cho 10.000 USD và việc Dũng chiếm đoạt 16 chiếc điện thoại di động nên đã tách 02 hành vi nêu trên để xem xét, xử lý sau.

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Đức Chung giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Các bị can Phạm Quang Dũng, Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Anh Ngọc giữ vai trò đồng phạm giúp sức.

Các bị can Nguyễn Đức Chung và Phạm Quang Dũng cùng bị truy tố theo khoản 3 Điều 337 BLHS, với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù.

Dự kiến phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm sẽ được diễn ra vào ngày 15/12 tới đây.

4 lần TP HCM đối thoại với dân Thủ Thiêm

Chính quyền TP HCM nhiệm kỳ này nỗ lực tổ chức 4 lần đối thoại với người dân Thủ Thiêm, song đến nay chưa tìm được đồng thuận giải quyết quyền lợi người dân ở đây.

Được phê duyệt quy hoạch năm 1996, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) rộng 930 ha, nằm ven sông Sài Gòn, cách trung tâm quận 1 chừng 300 m, được kỳ vọng là khu đô thị đẹp nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên do để xảy ra sai phạm nên sau hơn 20 năm triển khai, khu đô thị chưa thể hoàn thành vì vấp phải sự phản đối của người dân ở đây. Nhiều cán bộ ở thành phố để xảy ra vi phạm ở dự án đã bị kỷ luật.

Những năm qua, các cơ quan Trung ương và chính quyền TP HCM có nhiều cuộc làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, ở nhiệm kỳ này chính quyền TP HCM nhiệm kỳ 2016 -2021 đã tổ chức 4 cuộc đối thoại công khai với dân Thủ Thiêm để tìm sự đồng thuận, sớm có giải pháp hoàn thành khu đô thị nhưng kết quả không như mong đợi.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Ông Phạm Thế Vinh, người dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phát biểu tại buổi đối thoại ngày 10/6/2016. Ảnh: Đình Quân).

Lần đối thoại đầu tiên diễn ra ngày 10/6/2016, sau 6 tháng ông Nguyễn Thành Phong được bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP HCM. Buổi làm việc là dịp người đứng đầu chính quyền thành phố "lắng nghe những kiến nghị, phản ánh của người dân xung quanh việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng triển khai dự án".

Tại buổi làm việc, phần lớn hộ dân cho rằng nhà đất không nằm trong quy hoạch khu đô thị. Việc thu hồi đất và bồi thường cho người dân không đúng pháp luật... Luật sư của người dân còn nêu dự án có "lợi ích nhóm" và đề nghị Chủ tịch UBND thành phố làm rõ trách nhiệm những người liên quan.

Buổi gặp gỡ kéo dài cả ngày nhưng không thu được nhiều kết quả. Do chưa tìm được tiếng nói chung nên việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở khu đô thị, nhất là quyền lợi của người dân Thủ Thiêm hai năm sau đó không chuyển biến so với trước.

Vấn đề Thủ Thiêm chỉ bùng lên khi tại buổi họp báo ngày 2/5/2018, đại diện UBND thành phố cho biết tấm bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định 367 năm 1996 bị "thất lạc". Điều này khiến Thanh tra Chính phủ đẩy nhanh thanh tra toàn diện dự án.

Hơn 4 tháng vào cuộc, ngày 4/9/2018, cơ quan thanh tra có thông báo 1483 chỉ ra nhiều sai phạm trong việc triển khai xây dựng khu đô thị. Trong đó đáng chú ý kết luận thanh tra xác định khu đất 4,3 ha ở khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cơ quan thanh tra đề nghị chính quyền thành phố sớm khắc phục sai phạm và đảm bảo quyền lợi người dân.

Ngày 18/10/2018, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong có buổi gặp khoảng 30 hộ dân ở diện tích 4,3 ha nằm ngoài ranh. Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết đã có kế hoạch thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, giải quyết 11 vấn đề liên quan dự án, hỗ trợ và bồi thường cho người dân.

Về quyền lợi các hộ dân trong khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch nhưng bị cưỡng chế, UBND thành phố lấy ý kiến về phương án đất đổi đất. "Một lần nữa tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm ở khu 4,3 ha ngoài ranh. Tôi xin chia sẻ về hy sinh của những gia đình, hộ dân phải rời bỏ nơi mình gắn bó từ bé để xây dựng khu đô thị", ông Phong nói.

Buổi đối thoại kết thúc nhưng nhiều hộ dân chưa đồng tình với phương án đưa ra. Sau đó, Tổ công tác giải quyết vấn đề Thủ Thiêm của thành phố tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ các trường hợp có đất trong khu 4,3 ha để bàn bạc thêm về phương án đền bù.

Đến ngày 6/10/2019, HĐND thành phố họp và thông qua chính sách giải quyết bồi trường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với 331 hộ dân khu đất 4,3 ha (bồi thường bằng cách áp dụng giá đất theo hệ số quy đổi với 3 phương án là tiền, nền đất và nhà tái định cư).

UBND thành phố sau đó hứa sẽ hoàn tất bồi thường cho người dân trong khu 4,3 ha trong tháng 9/2020, nhưng sau đó chưa thực hiện được. Tại buổi họp báo hôm 3/11, Chánh văn phòng UBND TP HCM Hà Phước Thắng cho biết chậm nhất ngày 31/12 sẽ bàn giao nền tái định cư cho người dân trong khu 4,3 ha.

Lần tiếp xúc thứ ba diễn ra ngày 7/11/2018. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong làm việc với gần 40 hộ dân Thủ Thiêm ở hai phường Bình An và Bình Khánh về chính sách bổ sung bồi thường, nằm trong lộ trình giải quyết thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ.

Tuy nhiên, các hộ dân không tập trung vào những nội dung này, mà yêu cầu lãnh đạo thành phố trả lời khiếu kiện của họ. Hầu hết cho rằng cả 5 khu phố thuộc 3 phường Bình An, An Khánh và Bình Khánh đều nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chứ không chỉ có 4,3 ha. Do phát sinh mới nên người đứng đầu UBND thành phố cho biết sẽ làm việc với Thanh tra Chính phủ để xác định lại vấn đề.

Sau buổi đối thoại, nhiều hộ dân tiếp tục gửi đơn khiếu nại, số khác ra Hà Nội khiếu kiện. Tháng 4/2019, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ và UBND TP HCM phải tổ chức đối thoại với các hộ dân trong 5 khu phố thuộc 3 phường về vấn đề ranh quy hoạch và báo cáo trước ngày 1/6/2019. Tuy nhiên, việc đối thoại nhiều lần phải hoãn do cận Tết Nguyên đán và sau đó Covid-19 bùng phát.

Lần đối thoại thứ tư giữa UBND thành phố, Thanh tra Chính phủ với người dân Thủ Thiêm diễn ra chiều 27/11, để giải quyết khiếu kiện ngoài ranh của các hộ dân ở 5 khu phố thuộc 3 phường theo chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

Trong phần công bố dự thảo báo cáo kiểm tra, rà soát liên quan khiếu nại ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường, đại diện Thanh tra Chính phủ dẫn chứng nhiều hệ thống bản đồ quy hoạch, quyết định thành lập quận 2, ranh quy hoạch... để chứng minh nhà đất các hộ khiếu nại nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Từ đó cơ quan thanh tra khẳng định khiếu nại của người dân "không có cơ sở giải quyết".

Tuy nhiên hầu hết ý kiến người dân bày tỏ sự không đồng tình với dự thảo. Họ cho rằng hệ thống bản đồ quy hoạch mà UBND thành phố cung cấp cho Thanh tra Chính phủ không có giá trị pháp lý để xác định ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Người dân một mực khẳng định nhà đất của họ bị cưỡng chế, giải tỏa trái luật.

Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết cần có một cơ quan rà soát, xem xét hồ sơ pháp lý của cả cơ quan nhà nước và người dân để có kết luận cơ sở pháp lý nào đúng nhất. Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ sẽ ghi nhận ý kiến người dân, báo cáo Thủ tướng để đưa ra quyết định cuối cùng. Một lần nữa buổi đối thoại kết thúc khi các bên không tìm được tiếng nói chung.

Hơn 4 năm qua, chính quyền TP HCM cố gắng có nhiều giải pháp, song kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm không như ý muốn. Nhiều hộ dân bị thu hồi đất tại Thủ Thiêm do chưa đồng ý về bồi thường đang phải ở tại khu tạm cư An Phú, An Lợi Đông (quận 2) xuống cấp, điều kiện sống thiếu thốn. Các dự án được xem bộ mặt khu đô thị nhưng với lý do thiếu vốn, vướng mặt bằng bị ngưng trệ nhiều năm, chưa biết lúc nào hoàn thành.

Hà Nội thay đổi quyết định giao đất sau 12 năm ở một dự án nghìn tỷ

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký quyết định 5269 điều chỉnh một số nội dung ghi tại quyết định số 3123 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây trước đây.

Cụ thể quyết định do ông Hùng ký điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại Quyết định 3128 về việc thu hồi hơn 1,8 triệu m2 đất trên địa bàn xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh của huyện Thanh Oai, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 như sau: từ Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP.

Lý do điều chỉnh trên được ghi rõ trong quyết định 5269 là căn cứ theo quyết định 963 năm 2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc cho phép đầu tư dự án Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco5 tại huyện Thanh Oai. Quyết định 24 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đổi tên Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Doanh nghiệp đã bỏ hàng chục nghìn tỉ đồng đầu tư vào khu đô thị).

Ngoài ra, lý do điều chỉnh còn dựa trên đề nghị của Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) tại các văn bản số 948/ANĐT-P5 ngày 6/8/2018, 147/ANĐT-P4 ngày 21/1/2020; đề nghị của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5-CTCP tại văn bản số 05/TCT5-C5HN ngày 24/3/2020; Văn bản số 395 ngày 4/3/2020 của Tổng cục quản lý đất đai.

Văn bản do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký nêu rõ Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5-CTCP, Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 có trách nhiệm nộp các khoản nghĩa vụ tài chính theo quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GTVT hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án.

Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GTVT xác định giá trị dự án BT và các dự án đối ứng theo quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt, việc cân đối giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán và các nghĩa vụ tài chính khác phải thực hiện (nếu có). Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ kết quả thực hiện tại văn bản này, tổng hợp trình UBND TP điều chỉnh tên người sử dụng đất.

Quyết định ảnh hưởng đến hàng vạn người dân

Ông Trương Xuân Danh - Phó Tổng giám đốc Cienco 5 Land cho biết, doanh nghiệp cảm thấy bất ngờ và khó hiểu trước quyết định của UBND TP Hà Nội. Bởi quyết định này ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp (Cienco 5 Land) trực tiếp thực hiện dự án và hàng vạn người dân ở đây nhưng không hề được UBND TP Hà Nội tham khảo ý kiến trước khi ra quyết định.

"Tôi chưa nói chuyện đúng sai của quyết định, nhưng đây là vấn đề rất lớn ảnh hưởng đến cả TP, hàng vạn người dân và doanh nghiệp nên cần phải cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định. Về mặt câu chữ là điều chỉnh tên của quyết định thu hồi đất, thế nhưng bản chất khi sang tên cho một đối tượng khác rồi thì doanh nghiệp Cienco5 Land là cái gì ở dự án này?", Phó Tổng giám đốc Cienco 5 Land nói.

Phó Tổng giám đốc Cienco 5 Land Trương Xuân Danh cho biết, đến thời điểm này doanh nghiệp đã bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào dự án. "Trong trường hợp quyết định trên có hiệu lực thì TP Hà Nội lấy đâu ra tiền đền bù cho doanh nghiệp", ông Trương Xuân Danh băn khoăn.

Theo ông Trương Xuân Danh, lâu nay, mọi người cứ nghĩ là có tranh chấp quyền sở hữu ở dự án này, nhưng thực chất thì không có bất kỳ tranh chấp nào. "Một nhóm cổ đông của chúng tôi sở hữu gần như 100% vốn ở đây. Chúng tôi bỏ ra tất cả tiền đầu tư dự án chứ không có bất cứ đối tượng nào ở đây cả. Cho nên không ai có thể đòi quyền lợi hợp pháp ở dự án của chúng tôi được" ông Trương Xuân Danh nói thêm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định quyết định điều chỉnh như vậy là dựa trên căn cứ của pháp luật, đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chứ không phải muốn là được. Ông Hùng cho biết, theo quy định của pháp luật việc đổi tên phải có lý do đã được trình bày trong quyết định 5269.

"Tôi không quan tâm đến chuyện tranh chấp nội bộ của doanh nghiệp. Còn việc đổi tên như vậy là theo quy định của pháp luật. Nếu muốn hiểu rõ lý do đổi tên thì phóng viên có thể liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để họ trả lời thêm", ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Khép kín các tuyến vành đai để gắn kết vùng

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đã đưa ra mục tiêu đột phá trong giai đoạn 5 năm (2020-2025) là tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các khu đô thị vệ tinh, các tỉnh, TP trong vùng.

Hoàn thành 148/214 dự án

Trong tháng 10 vừa qua, dự án xây cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc tuyến đường Vành đai 3 Hà Nội, với chiều dài 5,367 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc đã được đưa vào khai thác. Cùng với các dự án đã hoàn thành trước đó, đoạn cầu cạn này góp phần hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 3.

Bên cạnh đó, tuyến Vành đai 1, tuyến Vành đai 2 và tuyến Vành đai 2,5 trong khu vực nội đô cũng hoàn thành nhiều đoạn tuyến.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, từ nay đến năm 2030, TP sẽ tập trung đầu tư hệ thống vành đai theo quy hoạch, trong đó tập trung xây dựng đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục; tiếp tục đầu tư hoàn thành đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở và chuẩn bị đầu tư đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy để khép kín tuyến Vành đai 2; hoàn thiện 4 đoạn tuyến còn lại thuộc quận Cầu Giấy và Thanh Xuân để khép kín tuyến Vành đai 2,5.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Hệ thống đường vành đai của Hà Nội ngày càng được hoàn thiện).

Với tuyến Vành đai 3,5, TP sẽ tập trung hoàn thành đoạn Đại lộ Thăng Long - Quốc lộ 32 và tiếp tục đầu tư các đoạn từ Đường 5 kéo dài đến cầu Thượng Cát, cầu Thượng Cát - Quốc lộ 32, nút giao Đại lộ Thăng Long…

Đến tháng 10-2020, Hà Nội đã hoàn thành 148/214 dự án phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông. Đây là những dự án triển khai theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội, ngoài đầu tư, xây dựng các công trình trong nội đô, đơn vị thực hiện phải triển khai song song các công trình ở ngoại thành, trong đó có các tuyến đường vành đai, đường liên kết vùng, liên kết các địa phương. Việc này nhằm tạo kết nối, phân luồng phương tiện từ xa.

Xem xét cơ chế đặc thù để huy động vốn

Các chuyên gia giao thông nhận định khi hệ thống đường vành đai của thủ đô được đầu tư xây dựng khép kín sẽ tạo thế phát triển liên hoàn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, từ đó tạo điều kiện cho Hà Nội cùng với vùng thủ đô phát triển nhanh, bền vững.

Theo định hướng quy hoạch, tuyến Vành đai 4 dài khoảng 98 km đi qua 3 tỉnh, TP gồm Hà Nội (56,5 km, đi qua 7 quận, huyện), Hưng Yên (20,3 km) và Bắc Ninh (21,2 km). Tuyến Vành đai 5 có tổng chiều dài khoảng 331,5 km, đi qua 8 tỉnh, TP; trong đó đoạn thuộc địa phận Hà Nội dài 48 km (đi qua 6 quận, huyện, thị xã).

Cùng với tập trung hoàn thành, khép kín các tuyến đường từ Vành đai 1 đến Vành đai 3,5, Hà Nội, Bộ GTVT và các địa phương liên quan đang đẩy nhanh thực hiện xây dựng các đoạn tuyến của đường Vành đai 4, Vành đai 5. Những công trình quan trọng này sẽ tăng khả năng kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong vùng thủ đô.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết TP đang xem xét hồ sơ 3 dự án theo hình thức PPP, tương ứng với 4 đoạn tuyến Vành đai 4 trên địa bàn, gồm: Đoạn từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến Quốc lộ 32; đoạn từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; đoạn từ Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cầu Hồng Hà và đường dẫn hai đầu cầu.

UBND TP cũng đã đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế đặc thù nhằm huy động vốn, kêu gọi đầu tư để các bộ và địa phương triển khai tuyến đường Vành đai 5.

Thảo luận nhiều vấn đề dân sinh

Sáng 28-11, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVII) đã được tổ chức dưới sự chủ trì của ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính tr

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Cuộc sống thường nhật

Cảnh giác: Đỗ xe bị bọn trộm lừa xách mất túi đồ trang sức đắt tiền ở Bayern; Trộm ô tô phóng bừa gây thiệt hại 60.000 Euro ở Nordrhein-Westfalen

25/03/2024

Những chính sách về tiền lương, quản lý thuế... có hiệu lực từ tháng 12-2020 Ngân hàng sẽ phải cung cấp tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế; báo chí đưa tin sai sự thậ

Cảnh báo: Nạn trộm cắp cửa hàng ở nhà ga Potsdam tấn công cả cảnh sát; Nhóm trộm cướp quậy phá các cửa hàng ở Nordrhein-Westfalen

23/03/2024

Những chính sách về tiền lương, quản lý thuế... có hiệu lực từ tháng 12-2020 Ngân hàng sẽ phải cung cấp tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế; báo chí đưa tin sai sự thậ

Cảnh báo: Cướp tạo tợn 2 căn hộ ở Bayern; Chấn động: Điên rồ trả thù vợ, đổ dầu nóng vào mặt để không thể lấy chồng tiếp ở Bayern

22/03/2024

Những chính sách về tiền lương, quản lý thuế... có hiệu lực từ tháng 12-2020 Ngân hàng sẽ phải cung cấp tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế; báo chí đưa tin sai sự thậ

An sinh - Thuế

Bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi Alzheimer: 6 dấu hiệu nhận biết & 6 cấp độ từ nhẹ đến nặng

19/03/2024

Những chính sách về tiền lương, quản lý thuế... có hiệu lực từ tháng 12-2020 Ngân hàng sẽ phải cung cấp tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế; báo chí đưa tin sai sự thậ

Cha mẹ hưởng tiền con Kindergeld năm 2024 cần biết: Lịch thanh toán và tiêu chuẩn

15/03/2024

Những chính sách về tiền lương, quản lý thuế... có hiệu lực từ tháng 12-2020 Ngân hàng sẽ phải cung cấp tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế; báo chí đưa tin sai sự thậ

Phụ huynh cần biết: Phí gửi trẻ trên toàn Liên bang Đức; Tiêu chuẩn miễn phí và mức phí

11/03/2024

Những chính sách về tiền lương, quản lý thuế... có hiệu lực từ tháng 12-2020 Ngân hàng sẽ phải cung cấp tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế; báo chí đưa tin sai sự thậ

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang