Các cán bộ bị kỷ luật tuần qua; ‘Choáng’ khối tài sản của Lê Đức Thọ; Tin quy hoạch nổi bật; Miếng bánh đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

CÁC CÁN BỘ CẤP CAO BỊ KỶ LUẬT TUẦN QUA

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi bị kỷ luật, cảnh cáo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang... là thông tin về kỷ luật cán bộ tuần qua (từ 18-23.11).

Giám đốc Sở KHCN Quảng Ngãi bị kỷ luật

Ngày 22.11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn vừa ký quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Thành.

Ông Thành bị kỷ luật do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao được chỉ ra tại 2 kết luận các nội dung tố cáo số 102/KL-UBND ngày 8.12.2023, và số 103/KL-UBND ngày 22.12.2023 của Chủ tịch UBND tỉnh. Thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng kể từ ngày 15.11.2024.

Nhiều cán bộ Sở Nội vụ Gia Lai bị kỷ luật

Ngày 20.11, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Sở Nội vụ đã có báo cáo về kết quả kiểm điểm theo Kết luận số 06 (ngày 29.3.2024) của Thanh tra tỉnh về việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Sở và Ban Tôn giáo.

Theo báo cáo, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với bà Đặng Nguyễn Thị Hồng Hoa (kế toán Sở Nội vụ) và bà Trần Thị Minh Hà (chuyên viên Ban Tôn giáo).

Tỉnh ủy Gia Lai ban hành quyết định kỷ luật ông Nguyễn Đình Tiến (Giám đốc Sở Nội vụ) bằng hình thức Khiển trách. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy ban hành quyết định kỷ luật ông Hồ Hải Tần (Bí thư Chi bộ 3, Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng Ban Tôn giáo) bằng hình thức Cảnh cáo. Ông Trần Đại Thắng (Phó Giám đốc Sở Nội vụ) cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.

Khai trừ 5 đảng viên vi phạm pháp luật ở An Dương, Hải Phòng

Ngày 19.11, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy An Dương (Hải Phòng) cho biết, đơn vị này vừa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11.2024 để xem xét thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, 4 đảng viên thuộc Đảng bộ Trường Cao đẳng GTVT Trung ương II bao gồm: ông Hoàng Đức Phương - Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ; và các ông bà: Trịnh Hoàng Huy, Đinh Công Lịch, Nguyễn Thị Thủy, đảng viên Chi bộ Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đã vi phạm pháp luật, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố khởi tố bị can và bắt tạm giam về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự.

Đảng viên Nguyễn Thị Nhung thuộc Đảng bộ xã Lê Lợi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Lê Chân khởi tố vì hành vi “Trộm cắp tài sản” theo Khoản 1, Điều 173 Bộ luật Hình sự và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy An Dương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với các ông bà: Trịnh Hoàng Huy, Đinh Công Lịch, Nguyễn Thị Thủy thuộc Đảng bộ Trường Cao đẳng GTVT Trung ương II và Nguyễn Thị Nhung đảng viên thuộc Đảng bộ xã Lê Lợi.

Đồng thời báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy thi hành kỷ luật đối với ông Hoàng Đức Phương, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ.

Thủ tướng kỷ luật Cảnh cáo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Theo Quyết định số 1417/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Sơn bị kỷ luật do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và đã bị thi hành kỷ luật Đảng. Thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 1741-QĐ/UBKTTW ngày 24.9.2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

 

 

"CHOÁNG" VỚI KHỐI TÀI SẢN ÔNG LÊ ĐỨC THỌ BỊ THU TRONG ĐẠI ÁN XUYÊN VIỆT OIL

Tòa án nhân dân (TAND) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang xét xử sơ thẩm "đại án" Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ. Khối tài sản bị cáo Thọ bị thu trong vụ án này khiến ai cũng "choáng".

Lũ lượt hầu toà

Theo cáo trạng số 8854 của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao: Vụ án được điều tra xuất phát từ Đơn tố giác về tội phạm phản ánh Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979 quê Đồng Nai, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) sử dụng trái phép tài sản nhà nước; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm dụng tài sản, gây thất thoát 214,1 tỷ đồng tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) và 1.246,1 tỷ đồng tiền Thuế bảo vệ môi trường.

Trong vụ án này, có 15 bị cáo bị xét xử về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; “Nhận hối lộ”; “Đưa hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Cáo trạng đã phân nhóm các hành vi phạm tội. Trong đó, đối với nhóm hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil, cáo trạng thể hiện: Trên cơ sở chỉ đạo của Mai Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Như Phương (SN 1992 quê Quảng Trị, nguyên Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) ký các công văn gửi Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương báo cáo số dư Quỹ BOG tính đến ngày 31/5/2023 là 219 tỷ đồng, nhưng tổng số dư thực tế trong 3 tài khoản Quỹ BOG (mở tại Ngân hàng BIDV, SHB) mà Công ty Xuyên Việt Oil báo cáo với liên Bộ Tài chính - Bộ Công thương chỉ có 2 tỷ đồng.

Ngày 11/8/2023, Bộ Công thương ra Quyết định số 2081 về việc thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của Công ty Xuyên Việt Oil và yêu cầu Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil (Mai Thị Hồng Hạnh) có trách nhiệm chuyển nộp ngay toàn bộ số tiền Quỹ BOG tại doanh nghiệp vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, Mai Thị Hồng Hạnh không thực hiện do đã sử dụng tiền vào các mục đích cá nhân dẫn tới không còn khả năng hoàn trả lại cho ngân sách Nhà nước với tổng số tiền Quỹ BOG hơn 219 tỷ đồng, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Đối với nhóm hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tiền Thuế bảo vệ môi trường”, cáo trạng xác định: Từ tháng 10/2021 đến 7/2022, Công ty Xuyên Việt Oil đã không thực hiện nộp số tiền Thuế bảo vệ môi trường theo đúng thời hạn quy định và hiện còn phải nộp tổng số tiền 1.244 tỷ đồng (chưa tính lãi phạt chậm nộp). Mặc dù đã thu hộ cho Nhà nước đối với số tiền trên nhưng Mai Thị Hồng Hạnh (chủ sở hữu, người đại diện pháp luật và chủ tài khoản ngân hàng của Công ty Xuyên Việt Oil) đã không thực hiện và cũng không chỉ đạo nhân viên thực hiện việc nộp tiền Thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách Nhà nước theo quy định, mà Hạnh chuyển tiền từ tài khoản của Công ty Xuyên Việt Oil sang các tài khoản cá nhân của Hạnh, sử dụng vào mục đích cá nhân khác gây thất thoát số tiền nêu trên.

Hiện nay, trong 17 tài khoản tại 8 ngân hàng của Mai Thị Hồng Hạnh và 19 tài khoản của Công ty Xuyên Việt Oil tại 5 ngân hàng chỉ còn hơn 4 tỷ đồng và hơn 244 USD nên Hạnh không còn khả năng tài chính để chuyển nộp tiền thuế đã thu hộ vào ngân sách Nhà nước.

Đối với nhóm hành vi “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil, Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, Cục Thuế TP.HCM, Chi nhánh Phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn, Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cáo trạng xác định với mục đích chậm nộp thuế để có nguồn tiền trong kinh doanh, Mai Thị Hồng Hạnh đã liên hệ, đưa hối lộ Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM để được giúp đỡ, tạo điều kiện cho Công ty Xuyên Việt Oil được chậm ban hành các quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế, không công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để khỏi ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp. Từ ngày 4/3/2020 đến ngày 24/12/2021, Mai Thị Hồng Hạnh đã đưa hối lộ cho Lê Duy Minh 5 lần với tổng số tiền hơn 4,8 tỷ đồng. Gia đình bị cáo Lê Duy Minh đã nộp 2,9 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Kê biên, phong tỏa hàng loạt tài sản “khủng”

Trong vụ án này, Cơ quan ANĐT – Bộ Công an đã thu giữ của Mai Thị Hồng Hạnh 26 thiết bị máy vi tính, máy tính bảng, 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thu của Lê Đức Thọ 1 điện thoại Iphone, 1 xe ô tô Mercedes – Benz, một số tài liệu sao kê tài khoản ngân hàng và giải trình, 3 bộ gậy Golf hiệu Honma, 10 đồng hồ đeo tay các hãng Patek Philippe, TISSOT, SPEAK MARIN, BREGUET, BLAINPAIN, 440.000 USD, 1 latop hiệu Fijitsu, 134 bản chính sổ tiết kiệm/thẻ tiết kiệm/giấy chứng nhận tiền gửi tiết kiệm/thẻ tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng, 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, 2 đồng hồ để bàn có chữ CREDAN, Hermle, 97 miếng kim loại màu vàng, 1,775 tỷ đồng và 100 USD, 9 điện thoại di động, 1 Ipad và 1 đồng hồ để bàn Patek Philippe.

Cơ quan ANĐT - Bộ Công an cũng đã phong tỏa 36 tài khoản của bịc cáo Mai Thị Hồng Hạnh và Công ty Xuyên Việt Oil; kê biên tài sản 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sổ hữu nhà ở của Mai Thị Hồng Hạnh, tạm dừng giao dịch 46 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của Mai Thị Hồng Hạnh; 1 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của Nguyễn Thị Như Phương; 15 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của Mai Tuấn Kiệt; 8 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của Công ty Xuyên Việt Oil; 14 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở mà Công ty Xuyên Việt Oil có góp vốn hoặc sở hữu của Mai Thị Hồng Hạnh.

Đối với một số cá nhân liên quan khác trong quá trình bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh thực hiện hành vi đưa hối lộ cho Lê Đức Thọ gồm Ngô Lê Hùng, Lê Vương Tuệ, thư ký của Lê Đức Thọ; Vũ Văn Hải, Trưởng phòng Vietinbank Chi nhánh Chương Dương…,do các cá nhân này không được Mai Thị Hồng Hạnh bàn bạc, trao đổi mục đích đưa quà tiền trước và sau khi Hạnh đưa hối lộ, đồng thời không được hưởng lợi gì, nên không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự.

 

 

CÁC DỰ ÁN QUY HOẠCH NỔI BẬT TUẦN QUA

Hà Nội có chỉ đạo mới về ba dự án cầu vượt sông Hồng; TP HCM sẽ khai thác metro Bến Thành - Suối Tiên vào ngày 22/12; hoàn vốn dự án đường sắt cao tốc có thể mất 34 năm; Bạc Liêu sắp mở đường vành đai 1.450 tỷ đồng đi qua 4 phường xã... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Khai thác metro Bến Thành - Suối Tiên vào ngày 22/12

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị, dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành 100% khối lượng thi công, đang trong quá trình thực hiện các thủ tục theo quy định để hoàn thành và đưa dự án vào vận hành thương mại.

Trước đó, tuyến Metro đầu tiên của TP HCM đã chính thức tiến hành công tác vận hành thử (trial run) từ ngày 1/10 sau thời gian đào tạo lý thuyết và thực hành cho nhân viên Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1. Dự kiến, dự án sẽ vận hành chính thức vào ngày 22/12/2024.

Hoàn vốn dự án đường sắt cao tốc có thể mất 34 năm

Ngày 20/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

 Dự báo nhu cầu vận tải, tiềm lực vị thế của quốc gia cho thấy, thời điểm năm 2027 là điều kiện thích hợp để triển khai đầu tư. Đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ về chủ trương đầu tư, các yếu tố, điều kiện để triển khai dự án.

Nhấn mạnh dự án mang lại 7 lợi ích rất lớn về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng cũng cho biết, riêng về hiệu quả tài chính, kết quả tính toán cho thấy trong 4 năm đầu khai thác thì doanh thu chỉ bù đắp được chi phí vận hành, bảo trì phương tiện, Nhà nước cần hỗ trợ một phần để bảo trì kết cấu hạ tầng và số năm hoàn vốn tối đa là 33,61 năm.

Hà Nội sắp có ba cầu lớn vượt sông Hồng

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa qua đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh về việc triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng như Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi…

Theo đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương đầu tư ba cây cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn ngân sách.

Bạc Liêu sắp mở đường vành đai 1.450 tỷ đồng đi qua 4 phường xã

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông tỉnh Bạc Liêu đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường tuyến đường Vành đai ngoài TP Bạc Liêu (giai đoạn 1).

Tuyến đường này đi qua địa bàn các phường 1, phường 5, phường Nhà Mát và xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu. Tuyến có tổng chiều dài khoảng 9,55 km. Tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 1.450 tỷ đồng.  Tiến độ thực hiện trong ba năm (từ năm 2025 - 2027).

Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập hai huyện

VnExpress dẫn theo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2023 - 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành, huyện Long Đất  sẽ được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của hai huyện Long Điền và Đất Đỏ.

Huyện nằm ở ven biển phía Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giáp với huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, TP Bà Rịa, TP Vũng Tàu và biển đông với diện tích tự nhiên hơn 267 km2, dân số hơn 241.500 người.

Huế sắp hoàn thành đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Vừa qua, tại nút giao Bùi Thị Xuân với cầu vượt Nguyễn Hoàng, phường Phường Đúc (thành phố Huế), Ban thực hiện cưỡng chế thành phố đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, phá dỡ nhà ở của 4 hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương.

Dự án này có tổng diện tích đất khoảng 3,6 ha, trong đó phường Phường Đúc ảnh hưởng 105 hộ với diện tích 1,3 ha và phường Kim Long ảnh hưởng 22 hộ với diện tích 2,27 ha. Yêu cầu của tỉnh đến 26/3/2025 hoàn thành việc thi công cầu vượt sông Hương và đường Nguyễn Hoàng.

Đề xuất làm đường gần 1.900 tỷ đồng kết nối cầu Đại Ngãi với QL 60

Theo VnExpress, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đề xuất bố trí gần 1.900 tỷ đồng xây dựng 14 km đường từ cầu Đại Ngãi kết nối quốc lộ 60 đoạn qua địa bàn .

Cầu Đại Ngãi nằm trên quốc lộ 60, dài hơn 15 km, bắc qua sông Hậu được khởi công tháng 10/2023. Dự án khi hoàn thành giúp rút ngắn 80 km từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau về TP HCM. Công trình có vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng từ ngân sách, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Khởi công nhà ga sân bay Cát Bi

Ngày 16/11, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đã tổ chức Lễ khởi công Dự án “Xây dựng nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi”. Dự án có tổng mức đầu tư 724 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác tháng 1/2026.

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi là một trong những cảng hàng không quốc tế quan trọng tại Việt Nam, có vai trò lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng, miền duyên hải Bắc bộ và các khu vực đồng bằng sông Hồng.

Bổ sung vốn cho Bộ GTVT để xây cầu Phong Châu mới

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa qua đã ký Quyết định bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông Vận tải để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.

Cụ thể, bổ sung 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để thực hiện đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ. Dự kiến hoàn thành dự án vào 21/12/2025.

 

 

MIẾNG BÁNH ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO BẮC – NAM NGON NHƯNG KHÓ NUỐT

Khẳng định cơ hội dành cho doanh nghiệp Việt Nam "thay da đổi thịt" trong dự án đường sắt tốc độ cao rất lớn, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần bắt tay để đảm đương dự án mang tính biểu tượng của đất nước. Nếu doanh nghiệp Việt không liên kết và không tự đầu tư công nghệ, chúng ta sẽ thua trên chính sân nhà.

Trận địa công nghệ mới cho doanh nghiệp Việt

Ngày 19/11, Báo Giao thông tổ chức Tọa đàm “ Đường sắt tốc độ cao : Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt".

Ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT ) - cho biết, đường sắt tốc độ cao là dự án đặc biệt lớn và có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng, tới hơn 18 năm. Đây là dự án chưa từng có tại Việt Nam và là một trong những dự án có chiều dài lớn nhất trên thế giới.

Nghiên cứu của đơn vị tư vấn đã chỉ ra, vốn đầu tư hợp phần xây lắp hạ tầng, xây dựng khoảng 33 tỷ USD (trong tổng mức đầu tư 67 tỷ USD) cùng với đó là các hợp phần về hệ thống điều khiển, hệ thống cấp điện, phương tiện…

“Chúng ta phải làm chủ về nguồn vốn để tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Do đó, đây là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước”, ông Phương chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho rằng, với khối lượng xây lắp, xây dựng rất lớn, chiếm đến hơn 33 tỷ USD, đây là cuộc cách mạng, "thay da đổi thịt" đối với các nhà thầu xây dựng trong nước.

Nếu như đánh giá hệ thống đường sắt tốc độ cao vẫn là cầu hầm, cầu dây văng thì các nhà thầu Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, có thể thực hiện được tất cả những công trình trên.

Tuy nhiên, với dự án đường sắt tốc độ 350km/h, độ chính xác liên quan tốc độ đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ, do đó không thể chủ quan. Các nhà thầu Việt Nam cần ý thức đây là một trận địa công nghệ mới cần học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng.

Cần bắt tay, cùng làm

Nói về tính phức tạp của dự án đường sắt tốc độ cao, ông Đào Ngọc Vinh - Tổng Giám đốc TEDI, đơn vị tư vấn dự án - cho rằng, hệ thống đường sắt khác đường bộ ở chỗ tính phức tạp cao hơn và làm việc theo hệ thống, bao gồm nhiều bộ phận cấu thành như hạ tầng, thông tin tín hiệu, thiết bị, cấp điện…

Về phần xây dựng, cả đường sắt tốc độ cao và đường bộ cao tốc đều có kết cấu hạ tầng nền đường, cầu, hầm. Chỉ riêng về tốc độ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thiết kế tốc độ chạy tàu là 350km/h; đường bộ là 120km/h. Đây đã là sự khác biệt lớn. Tốc độ này là yếu tố hết sức quan trọng, liên quan tới quy định kỹ thuật kết cấu hạ tầng.

“Dự án đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối trong thi công và ý thức cao trong kiểm soát chất lượng. Nếu không sẽ trở thành vấn đề lớn. Như ở Đức, chỉ một chút kiểm soát không tốt với giá chuyển hướng trục đoàn tàu là có thể gây tai nạn khủng khiếp”, ông Vinh cho hay.

Ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - đánh giá, đường sắt tốc độ cao là dự án khó, phức tạp. Với kinh nghiệm từng vượt qua những công việc khó chưa từng làm, nếu được trao cơ hội, các doanh nghiệp Việt có khả năng đảm đương.

Theo ông Kiên, vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là nguồn nhân lực. Nhiều công trình đường bộ cao tốc đang thiếu lao động. Bên cạnh đó, ông Kiên lo ngại tính liên kết và hợp tác để phát triển của các doanh nghiệp Việt rất yếu.

"Miếng bánh rất lớn, nhưng nếu doanh nghiệp không chủ động hợp tác để đầu tư công nghệ đón đầu thì tới lúc gói thầu mở ra sẽ rất khó thắng. Nếu doanh nghiệp Việt không liên kết và không tự đầu tư công nghệ, chúng ta sẽ thua trên chính sân nhà", ông Kiên chia sẻ.

Đồng tình quan điểm này, ông Mai Thanh Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng Công ty công trình đường sắt - nói về định hướng doanh nghiệp Việt phải đứng đầu trong liên danh, nhưng có những khâu đòi hỏi nhân sự có chuyên môn. Để đào tạo kỹ sư đại học cần tới 4-5 năm, thêm 3 năm thực hành tại hiện trường, tức là cần tới 7-8 năm để đào tạo một kỹ sư.

Theo ông Phương, cần nhìn nhận thực tế, nếu Quốc hội thông qua chủ trương trong kỳ họp này, trong 2 năm tới nếu dự án khởi động thì đào tạo nhân lực cũng khó đáp ứng kịp, cần tìm giải pháp thông qua nhập khẩu lao động, nhập khẩu kỹ sư. Việc đào tạo dành cho chiến lược dài hơi trong 5 năm tới. Đặc biệt, ngay bây giờ, các doanh nghiệp cần hướng tới nhóm cùng nghiên cứu và phân chia công việc theo thế mạnh từng đơn vị.

"Chúng ta cần suy nghĩ về cách tiếp cận vấn đề chứ không phải thể hiện năng lực thi công ở đây. Chúng ta có giỏi mấy, có nhiều tiền mấy nhưng với doanh nghiệp Việt khi tiếp cận dự án 33 tỷ USD, phần đối ứng cũng rất nhỏ bé.

Các nhà thầu Việt Nam cần tập trung vào thế mạnh của mình để chuẩn bị, đi tắt đón đầu và tạo nên sự đồng nhất, đồng bộ giữa các nhà thầu tham gia. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ hơn thì 2 năm tới khởi động dự án là rất khó", ông Phương nói.

 

Nguồn: Lao Động; Lao Động Thủ Đô; Vietnammoi; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang