- Thời sự
- Việt Nam
Ngược với cảnh nhộn nhịp mọi năm, năm nay cận Tết nhưng sức mua vẫn như ngày thường, nhiều tiểu thương lo lỗ, có người đóng sạp nghỉ Tết sớm.
Trưa 23 Tết, chị Tâm, người bán hoa đào tại một chợ dân sinh ở Hà Đông (Hà Nội), mới mở hàng. "Xác định năm nay lỗ rồi nên chả thiết tha gì", chị nói.
Chị Tâm kể, từ trước Rằm, chị đã nhập hơn 500 cành đào để bán dịp Tết Nguyên đán này. Dù đã dự báo trước khó khăn, lượng nhập chỉ bằng hai phần ba với mọi năm, tới thời điểm này vẫn còn "ế" hơn một nửa. "Năm nay khó kiếm ăn lắm, ngoài vườn rẻ họ không bán, dân đắt lại không mua", chị than thở.
Theo chị Tâm, giá đào cành nhỏ năm nay chỉ tầm trên dưới 100.000 đồng mỗi cành, bằng một nửa so với mọi năm nhưng vẫn không dễ để chốt khách. "Mọi năm, chị bán sướng lắm, khách mua ào ào, 200.000 đồng một cành đào họ cũng không mặc cả. Giờ kinh tế khó khăn, mình bán đắt họ không mua mà chuyển hướng sang mua những thứ khác", chị cho biết.
Chung hoàn cảnh, chị Minh, bán quần áo tại chợ Nhà Xanh (Hà Nội), cũng thừa nhận Tết năm nay khá vất vả với tiểu thương.
"Khách đến đã không nhiều, họ cũng chi tiêu chặt chẽ hơn. Có người vào thử quần áo cả tiếng đồng hồ nhưng ra không mua món nào", chị nói.
Cùng đó, quần áo thời trang năm nay cũng ế ẩm do thời tiết không mấy ủng hộ, khi mùa đông năm nay không có nhiều đợt rét lạnh.
Nhưng chị Tâm, chị Minh không phải là những người duy nhất chật vật buôn bán trong mùa Tết năm nay.
Tại TP HCM, chợ truyền thống và siêu thị sức mua cũng èo uột hơn so với mọi năm.
Chị Loan, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Xóm Mới (Gò Vấp) cho biết năm ngoái 20 Tết đã nhộn nhịp khách đặt mua thịt heo với số lượng vài kg, nay sát Tết nhưng chỉ khách mua lẻ tẻ.
Tương tự, cửa hàng bán đồ khô tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) cho biết, năm nay sức mua èo uột nên chị chỉ nhập các sản phẩm giá bình dân. Năm ngoái, tôm khô có loại lên tới triệu đồng một kg, nay chỉ bán hàng 400.000-600.000 đồng. Mực khô giá tăng cao nên thay vì bán loại 35 con một kg, nay chỉ nhập loại 70-100 con.
"Nhập hàng giá trị bình dân nhưng sức mua không nhộn nhịp như mọi năm. Với tình hình này, tôi lo ế ẩm và không có lời dịp Tết", chị Hoa, tiểu thương chợ Bà Chiểu cho hay.
Chuyên bán giày dép tại An Đông Plaza, chị Nhung cho biết, chưa năm nào tiểu thương khó khăn như năm nay. Cận Tết nhưng đa phần các hộ kinh doanh đều phải bán hàng giảm giá. Đây là cảnh tượng chưa từng xảy ra ở cận Tết các năm trước.
"Hôm qua có những món đồ tôi giảm xuống còn 100.000 đồng nhưng sức mua yếu. Do đó, ngày hôm sau tôi bán lỗ chỉ còn 50.000 đồng", chị Nhung nói.
Hàng loạt tiểu thương tại chợ An Đông cũng đua nhau bán hàng giảm tới 70%. Nhiều tiểu thương cho biết họ bán với giá thấp như trên để xả hàng chứ không mong có lãi. "Năm nay coi như không có Tết vì bán hàng lỗ 30-40%", chị Hằng tiểu thương chợ này nói.
Theo ban quản lý các chợ truyền thống, năm nay sẽ không có tình trạng tăng giá đột biến như mọi năm. Đa phần tiểu thương sẽ bán tới ngày 30 Tết, có thể kéo dài đến chiều tối để "thoát" hết hàng.
Bà Đàm Vân – Phó ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cho biết sức mua tại chợ vẫn ì ạch. "Chúng tôi kỳ vọng tuần cuối cùng sức mua sẽ cải thiện. Năm nay giá hàng hóa bình ổn hơn mọi năm", bà Vân nói.
Ông Lê Hoàng Phong, Phó giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết lượng hàng về chợ năm nay tăng cao. Từ ngày 4 đến 9/2 (25-30 tháng Chạp), lượng hàng tăng khoảng 10%, có ngày tăng tới 50% so với bình thường. Tuy nhiên, doanh thu chợ Tết năm nay chỉ kỳ vọng bằng với năm ngoái vì sức mua yếu.
Chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, ông Vũ Vinh Phú lý giải sức mua giảm là điều tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khởi sắc. Ông dẫn điều tra từ Viện kinh tế công nhân của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, lương công nhân chỉ đủ trang trải 75% cuộc sống. Còn nông dân, chiếm tới 70% lực lượng lao động xã hội, nhưng nông sản làm ra hay bị được mùa mất giá, lợi nhuận sau bán ra không đủ chi phí trồng trọt, chăn nuôi.
Cùng đó, các đối thủ của chợ truyền thống là siêu thị liên tục tung ra các chương trình khuyến mại "khủng" cũng là nguyên nhân khiến chợ truyền thống rơi vào cảnh vắng hoe. Ông dẫn ví dụ "một chai dầu ăn bình thường bán 120.000 đồng nhưng đúng đợt khuyến mại Tết này chỉ còn hơn 100.000 đồng, do đó, người dân họ sẽ chọn mua ở siêu thị, thay vì ở các cửa hàng tạp hóa".
Hiện các hệ thống siêu thị cho biết vẫn đang kích cầu khuyến mãi giảm tới 50% nhiều sản phẩm để bà con sắm Tết. Ngay cả những mặt hàng bình ổn, giá thấp vẫn giảm tiếp trong Tết năm nay.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food), cho biết dù giá trứng bình ổn ở mức thấp, với sức mua quá yếu, cận Tết năm nay công ty quyết giảm giá trứng gà 10% đến các điểm bán hàng bình ổn mặt hàng trứng gia cầm trên địa bàn TP HCM.
Tương tự, Công ty cổ phần Thực phẩm Ba Huân cũng giảm giá trứng gà 10% từ ngày 1 đến 24/2 (ngày 22 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng). Ngoài ra, Ba Huân còn kết hợp giảm giá 10% một số mặt hàng thực phẩm chế biến như lạp xưởng, thịt gà, xúc xích, chân gà chua cay...
Ngoài nguyên nhân do người dân thắt chặt chi tiêu, một lý do nữa được chuyên gia Vũ Vinh Phú nhắc tới là do chợ truyền thống đang dần mất khách vào tay các chợ online. Dù vậy, ông Phú cho rằng thời điểm từ 23-29 Tết, sức mua sẽ tăng mạnh nhất, do đó, bà con tiểu thương vẫn nên có phương án chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu.
Về lâu dài, theo chuyên gia, cần có giải pháp kích cầu tiêu dùng một cách bền vững, bao gồm tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, rút ngắn chuỗi cung ứng để giảm chi phí ở khâu trung gian, hạ chi phí giá thành. Cùng đó, ông cho rằng cần có các giải pháp giúp chợ truyền thống, mô hình đang chiếm 75% thị phần thương mại bán lẻ, phát huy được vai trò. Chợ truyền thống cần giải được bài toán về đầu tư hạ tầng, quản lý hiệu quả hơn chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc...
Theo ông Phú, ngoài phục vụ bà con nghèo, thu nhập thấp, chợ cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của các tầng lớp dân cư trong xã hội, là địa điểm du lịch - đầu tư, đón nhận những nông sản chưa có điều kiện đưa vào kênh thương mại hiện đại.
"Nếu giải quyết được những tồn tại trên, sẽ góp một phần phát triển hệ thống phân phối của từng địa phương và từng vùng trong cả nước", ông Phú nói thêm.
Tin vui đến với những người nông dân tại các tỉnh miền Tây khi giá mía, sầu riêng và rau màu... những ngày giáp Tết tăng cao, mang lại cho họ nguồn thu nhập hấp dẫn.
Tỉnh Trà Vinh có vùng mía nguyên liệu tại huyện Trà Cú. Trồng mía là nghề truyền thống, từng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hơn 5.000 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer của địa phương sản xuất trên tổng diện tích hơn 4.000 ha. Tuy nhiên, nhiều vụ sản xuất bị thua lỗ nặng khiến vùng mía nguyên liệu này liên tục bị thu hẹp. Niên vụ mía 2023-2024, huyện Trà Cú chỉ còn hơn 1.200 ha.
Nông dân tỉnh Trà Vinh đang vào vụ thu hoạch mía nguyên liệu niên vụ 2023-2024, với niềm vui trúng mùa, được giá. Đây là năm thứ 3 liên tiếp người trồng mía có lợi nhuận sau nhiều năm liên tục bị thua lỗ nặng nề.
Niên vụ này, Công ty Mía đường Trà Vinh thu mua mía nguyên liệu đạt 10 chữ đường tại ruộng với giá 1.280 đồng/kg, cao hơn 30 đồng so với vụ trước. Đối với các hộ trồng mía ngay từ đầu vụ có ký kết hợp đồng với công ty còn hỗ trợ thêm 50 đồng/kg sau khi hoàn thành hợp đồng. Đây là mức giá mua mía nguyên liệu cao nhất từ trước đến nay.
Chính vì vậy, người dân trồng mía ở địa phương rất phấn khởi bởi lãi cao. Niên vụ 2023-2024, xã có gần 600 hộ chủ yếu là đồng bào Khmer trồng mía trên tổng diện tích 524 ha; đến nay đã thu hoạch hơn 90% diện tích, với năng suất bình quân đạt trên 110 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân đạt lợi nhuận bình quân từ 50-70 triệu đồng/ha. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Dự kiến các hộ trồng mía thu hoạch dứt điểm trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo dự đoán của ngành nông nghiệp địa phương, do lãi cao nên niên vụ tới, các hộ trồng mía đang bỏ hoang đất sẽ khôi phục diện tích sản xuất, phát triển lên khoảng 550 ha.
Cũng tại Trà Vinh, hàng nghìn nông dân trong tỉnh Trà Vinh chuyên trồng rau màu phấn khởi nhờ nhu cầu thị trường những ngày gần Tết Nguyên đán tăng mạnh và giá rau màu các loại tăng cao từ 5.000 – 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2024.
Ông Thạch Thanh, hộ chuyên trồng rau màu ở xã Hoà Lợi, huyện Châu Thành cho biết, gia đình ông có 2.000 m2 đất trước đây trồng lúa được chuyển sang chuyên trồng rau màu. Ở vụ trồng rau Tết, ông bố trí trồng nhiều loại, như: cà chua, dưa leo, cải xanh, rau thơm các loại. Ngay từ đầu tháng 2, giá các loại rau, cải được các chủ vựa tại chợ tỉnh Trà Vinh tăng lượng thu mua với mức giá từ 22.000 – 25.000 đồng/kg. Nhờ vậy, gia đình ước tính có thu nhập khoảng 30 triệu đồng ở vụ rau màu Tết từ 2.000 m2 đất.
Theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trà Vinh, vụ màu Đông Xuân 2023 – 2024, nông dân trong tỉnh xuống giống gần 13.000 ha; trong đó, diện rau màu thực phẩm như: rau các loại, cải xanh, bí đỏ, dưa hấu,... chiếm gần 7.600 ha, tăng hơn 1.000 ha so cùng kỳ. Nhu cầu rau màu phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2024 đang hút hàng. Nhiều đại lý, vựa rau - củ - quả đang tăng lượng mua để cung ứng cho các thị trường lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Thêm một tin vui với những người nông dân các vùng chuyên canh sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang khi giá sầu riêng đang tăng mạnh. Những ngày qua, thương lái thu mua sầu riêng giống Mong Thong tại vườn giá 160.000 - 170.000 đồng/kg, sầu riêng giống Ri6 cũng có giá từ 125.000 - 135.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay và tăng gần gấp ba cùng kỳ năm trước. Với giá này, mỗi ha sầu riêng thu hoạch vào thời điểm hiện nay cho nông dân lợi nhuận ròng từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng.
Được biết, giá sầu riêng tăng mạnh trong những ngày giáp Tết nhờ là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của quốc gia nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Đặc biệt, sầu riêng được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đang mang lại niềm vui chung cho nông dân trồng chuyên canh sầu riêng.
Việc được xuất khẩu chính ngạch là lợi thế giúp sầu riêng trở thành cây trồng cho thu nhập cao nhất, có lợi thế cạnh tranh tại địa phương. Do vậy, dư địa còn nhiều mà các cấp, các ngành và đơn vị xuất khẩu cần tận dụng cơ hội khai thác, giúp phát triển bền vững vùng chuyên canh sầu riêng, thúc đẩy đổi mới nông nghiệp - nông dân - nông thôn, nâng cao đời sống người dân.
Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang tiếp tục nắm bắt, cập nhật kịp thời tình hình xuất khẩu, nhất là diễn biến nóng tại các cửa khẩu như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… để thông tin đến doanh nghiệp, hợp tác xã. Từ đó đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, góp phần giải quyết đầu ra cho trái cây nói chung và trái sầu riêng đặc sản Tiền Giang nói riêng.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất VN tăng trở lại trên mốc 50 điểm trong tháng đầu năm. Nhiều tín hiệu cho thấy đơn hàng của các ngành xuất khẩu đã tăng nhẹ trở lại.
Đơn hàng tăng 10 - 15%
Hôm nay (ngày 3.2, tức 24 tháng chạp), Công ty TNHH may mặc Dony chính thức dọn dẹp văn phòng, nhà xưởng để nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn và quay lại làm việc từ ngày mùng 10 tết (ngày 19.2). Ông Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Công ty Dony, không giấu được niềm vui khi cho biết vừa có năm bội thu ngoài mong đợi của doanh nghiệp (DN). Trong tháng cuối năm âm lịch, nhiều DN ngành dệt may cho công nhân nghỉ tết từ giữa tháng chạp, trong khi công ty Dony lại phải tăng ca và làm đến cận tết mới xong đơn hàng kịp xuất đi ngay ngày mở đầu năm mới, mùng 6 tết.
Ông Nguyễn Quang Anh cho biết: "Chính xung đột tại vùng biển Đỏ lại mở ra cho công ty một hướng đi mới, tìm được khách hàng mới, tăng lượng đơn hàng tại thị trường mới mạnh mẽ hơn. Sau khi nhiều đơn hàng xuất đi châu Âu và châu Phi bị ảnh hưởng do các hãng tàu phải đi đường vòng, tăng chi phí… chúng tôi quyết định đẩy mạnh tiếp thị sang các thị trường châu Á, gần đây nhất là thị trường Campuchia. Điều không ngờ là chính các thị trường châu Á đang "cứu" kim ngạch xuất khẩu của công ty. Nhờ vậy, năm 2023, doanh số của công ty tăng đến 21%. Năm 2024, doanh thu của công ty dự tính tăng 15%. Mọi việc cho đến lúc này nói chung khá hanh thông và đơn hàng có thể làm từ nay đến tháng 4".
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3, trong tháng đầu năm, lượng đơn hàng xuất khẩu ngành dệt may tăng khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện đã xuất hiện tín hiệu khả quan cho nhiều ngành hàng chủ lực, từ dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… Tuy nhiên, đơn hàng "dài hơi" mang tính bền vững vẫn chưa có. Các DN may mặc lớn phản ánh đơn hàng chỉ mới ký hết tháng 3, trong khi trước đây, kế hoạch làm hàng có thể đã kéo gần hết quý 2. "Đa số đối tác ký hợp đồng với DN chỉ theo tháng, nhưng nếu so với những thời điểm ảm đạm "bói" mãi không có một đơn hàng, buộc phải cho công nhân nghỉ việc bớt hoặc làm việc theo ngày chẵn, ngày lẻ… thì tình hình sản xuất xuất khẩu trong tháng đầu năm thấy tốt hơn nhiều", ông Hồng nói.
Với ngành gỗ xuất khẩu, từ quý 4/2023, đơn hàng của nhiều DN tăng mạnh. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lâm Việt, nhận xét đơn hàng từ quý 4 tăng nhưng chủ yếu bù cho việc giảm tồn kho xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu và phục vụ dịp lễ Noel, Tết Dương lịch. Đơn hàng mang tính bền vững lâu dài vẫn còn ít. Tuy vậy, đà giảm của đơn hàng thu hẹp lại, đặc biệt tăng trưởng tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Điều này cho thấy tín hiệu tốt cho sự phục hồi nhẹ.
Trao đổi với Thanh Niên, một số DN sản xuất gia công giày xuất khẩu cho hay lượng đơn hàng từ các thị trường lớn chưa phục hồi đáng kể, song các thị trường nhỏ hơn như Trung Đông, hay một số khu vực khác tại châu Á… tăng, nên có thể bù phần nào việc thiếu đơn hàng từ các thị trường truyền thống. Trong tháng đầu năm, Công ty Giày Viễn Thịnh vẫn đang cố gắng xoay xở đơn hàng mới nhỏ. Với việc đầu tư mạnh về công nghệ sản xuất, DN này kỳ vọng phục hồi nhẹ trong năm nay.
Khởi đầu khích lệ
Báo cáo của S&P Global thông tin chỉ số PMI ngành sản xuất VN đã quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm, khi tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12.2023. Kết quả này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất đã có sự cải thiện sau 5 tháng dù mức cải thiện lần này chỉ là nhỏ. Đặc biệt, báo cáo cho thấy các điều kiện kinh doanh nói chung được cải thiện nhờ số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại. Theo đó, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu hồi phục là những yếu tố đã giúp tổng số lượng đơn đặt hàng mới cũng như số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng đầu tiên trong 3 tháng trở lại đây.
Bên cạnh đó, theo S&P Global, với mức tăng nhẹ của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới, các công ty đã duy trì số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng gần như không thay đổi vào tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, hàng tồn kho sau sản xuất đã ghi nhận giảm trong tháng đầu năm. Mức giảm lượng hàng tồn kho trước sản xuất là lớn và là mạnh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái. S&P Global cho hay, các nhà sản xuất nhìn chung vẫn có tâm lý lạc quan khi hy vọng nhu cầu và số lượng khách hàng sẽ cải thiện, và nhờ các kế hoạch tung ra những sản phẩm mới.
Đánh giá về ngành sản xuất của VN trong tháng đầu năm 2024, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định: "Đây là bước khởi đầu đáng khích lệ của năm 2024 cho ngành sản xuất của VN khi số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đã có những cải thiện tích cực". Tuy vậy, chuyên gia này cũng lưu ý mức tăng tương ứng chỉ là nhẹ và chưa đủ để thuyết phục các công ty tuyển thêm nhân viên hay gia tăng hoạt động mua hàng.
Dù lượng đơn hàng tăng nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản ở phía trước. Ông Nguyễn Quang Anh thừa nhận giá cả hàng dệt may xuất khẩu của VN luôn bị các nước như Ấn Độ, Bangladesh cạnh tranh dữ dội. Đơn hàng rơi vào tay các DN Bangladesh hay Ấn Độ, thường liên quan đến giá cả. "Cho dù có nhiều đơn hàng công ty cố gắng hết sức để giảm vẫn thua họ. Nên sắp tới tôi qua 2 nước này để tìm hiểu họ làm thế nào để có hướng cạnh tranh tốt trong tương lai", ông Nguyễn Quang Anh chia sẻ.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nhận xét: "Nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới thay đổi nhiều, nếu tập trung chọn phân khúc là hàng thiết kế, hàng có phong cách riêng, có đầu tư mạnh về mẫu mã thì vẫn có đơn hàng tốt. Nếu chọn phân khúc đại trà, rất khó có khách hàng mới".
Đặc biệt, Hiệp hội gỗ và lâm sản cũng lưu ý các quy định mới về chống phá rừng trong ngành gỗ tại thị trường EU sẽ là thách thức cho ngành xuất khẩu gỗ. Trong đó quy định về xác định vị trí địa lý lô đất sản xuất, phương tiện giao thông đường bộ, giới hạn mới về formaldehyde trong sản phẩm tiêu dùng… đều không dễ dàng. Trong đó, các nhà nhập khẩu phía Đức đã yêu cầu nhà xuất khẩu VN cung cấp thêm các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải…
Hiệp hội gỗ và lâm sản cho rằng luật Nghĩa vụ thẩm định chuỗi cung ứng của DN có thể tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu gỗ VN. Bên cạnh đó, thị trường lớn như Mỹ đang gia tăng tần suất các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ; quy định về lao động và sử dụng lao động; Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu các sản phẩm gỗ của VN khi xuất khẩu sang thị trường này có chứng chỉ bền vững… Từ đó, các DN ngành gỗ cho rằng ngành xuất khẩu gỗ và đồ gỗ có thể phục hồi, song đối diện không ít thách thức lớn về các tiêu chuẩn mới, hướng đến mục tiêu xanh của nhiều thị trường
Giá vé máy bay diễn biến có lợi cho hành khách đi lại dịp Tết, nhiều đường bay vẫn còn chỗ
Trưa 2-2, chị V.H. (ngụ TP HCM) cho biết đặt vé khởi hành lúc 1 giờ sáng từ sân bay Tân Sơn Nhất và dự kiến hạ cánh ở TP Vinh (tỉnh Nghệ An) lúc 3 giờ nhưng đến khi hạ cánh mới biết máy bay đã đáp xuống sân bay Nội Bài. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, chị vẫn đang trên xe khách từ Hà Nội về Vinh.
Máy bay không thể hạ cánh
"Xuống sân bay, Bamboo Airways mới thông báo lý do bất khả kháng nên máy bay không đáp được ở sân bay Vinh. Hãng hỗ trợ 250.000 đồng/hành khách để đi xe khách về nhà..." - chị V.H. kể.
Tương tự, khởi hành từ TP HCM đi Hà Nội sáng 2-2, chuyến bay của chị Đào Ngọc Anh (ngụ TP HCM) cũng phải hạ cánh ở sân bay Cát Bi (TP Hải Phòng). Sau đó, chị phải tiếp tục di chuyển từ Hải Phòng về Hà Nội.
Anh N.V.H. (ngụ TP HCM) phản ánh chuyến bay đi Hà Nội dự kiến khởi hành lúc 6 giờ sáng 2-2 nhưng đến 9 giờ 30 phút, hành khách vẫn ngồi chờ bay trên máy bay trong tình trạng không biết khi nào được cất cánh. "Vạ vật ở sân bay và trên máy bay từ 4 giờ sáng đến 13 giờ, tôi mới đáp xuống sân bay Nội Bài" - anh H. mệt mỏi nói.
Đại diện Bamboo Airways xác nhận do thời tiết xấu, sương mù dày đặc, tầm nhìn giảm vào rạng sáng 2-2 ở các địa phương phía Bắc nên một số chuyến bay không thể hạ cánh theo lịch trình ban đầu mà phải điều chỉnh kế hoạch khai thác.
Vietnam Airlines cũng thông báo đã phải điều chỉnh lịch bay do ảnh hưởng của sương mù tại khu vực miền Bắc và miền Trung, bao gồm sân bay Nội Bài (TP Hà Nội), Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), Vinh (tỉnh Nghệ An) và Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Để bảo đảm an toàn khai thác, hãng lùi thời gian cất cánh 2-6 giờ đối với chuyến bay đến, đi từ các sân bay này trong sáng 2-2. Theo đó, 8 chuyến bay TP HCM - Vinh, 1 chuyến TP HCM - Thanh Hóa và 1 chuyến TP HCM - Huế bị chậm giờ cất cánh.
Theo các hãng hàng không, đến chiều 2-2, nhiều chuyến bay từ TP HCM đi Đà Nẵng vẫn phải lùi giờ bay khoảng 1-2 giờ. Các chuyến bay cất cánh từ sân bay Nội Bài cũng phải lùi thời gian khai thác để bảo đảm an toàn.
Bất ngờ vé máy bay Tết
Nhiều người khá bất ngờ khi cận Tết vẫn mua được vé máy bay về quê với giá không quá cao. Chị Trần Thu (ngụ TP HCM) cho biết vừa mua 3 vé máy bay khứ hồi từ TP HCM về Bình Định cho cả nhà với giá hơn 13 triệu đồng, tức khoảng 4,4 triệu đồng/vé khứ hồi. "Khoảng 1-2 tuần trước, các đại lý vé máy bay đều thông báo đường bay tần suất ít chuyến đã hết sạch vé. Khi nhận được thông báo còn vé vào 2 ngày trước, tôi rất bất ngờ" - chị Thu nói. Chiều 2-2, chị Nguyễn Yến (ngụ TP HCM) vào website hãng bay để tìm vé về Thanh Hóa dịp Tết này và thấy vẫn còn vé giá khoảng 3,2 triệu đồng/chiều, thấp hơn so với những tuần trước đó.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các hãng hàng không đã bổ sung vé máy bay sau khi tăng tần suất khai thác, nhập thêm máy bay mới. Thống kê mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy các chặng bay từ TP HCM đi Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Pleiku, Thanh Hóa, Chu Lai, Quảng Bình... hiện có tỉ lệ đặt chỗ ở mức cao, khoảng 85%-98%; cá biệt, chặng TP HCM - Quảng Bình có tỉ lệ đặt chỗ 89%-103%. Với việc các hãng bổ sung tải cung ứng, một số đường bay địa phương đã bớt "nóng" so với tuần trước, một số ngày vẫn còn chỗ. Ví dụ, đường bay TP HCM - Buôn Ma Thuột có tỉ lệ đặt chỗ từ ngày 3 đến 5-2 chỉ ở mức 76%-83%; đường bay TP HCM đi Tuy Hòa, Quy Nhơn, Vinh... vẫn còn vé.
Đường bay nhộn nhịp nhất cả nước là TP HCM - Hà Nội cũng vẫn còn nhiều chỗ. Giá vé thấp nhất đang được Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines mở bán là 3,4-3,5 triệu đồng/chặng; Vietnam Airlines từ 3,6 triệu đồng/chặng bay vào ban đêm hoặc rạng sáng. So với tuần trước, tỉ lệ đặt chỗ trên đường bay trục TP HCM - Hà Nội giai đoạn này bắt đầu tăng, dàn đều trong các ngày với tỉ lệ từ 56%-73%.
Tuy nhiên, ở chiều bay ngược lại từ Hà Nội - TP HCM, giá vé vào các ngày cao điểm từ 17 đến 18-2 (mùng 8 và 9 âm lịch), vẫn rất cao - lên đến hơn 9 triệu đồng/chiều vé Vietnam Airlines.
Nguồn: Vnexpress; Soha; Thanh Niên; Người Lao Động
Chiếc xe 'tự bỏ chạy', để chủ nhân bơ vơ; Khẩn cấp cảnh báo siêu bão; Lũ cát ở Mũi Né lại tràn xuống đường; Nhành cây rơi đè 1 người tử vong
Loạt bị cáo lộ tài sản 'khủng' sau khi bị bắt; Đại án Xuyên Việt Oil; Bài toán phủ sóng metro; Đà Nẵng tan nát dự án công viên rồng
345 người chết & mất tích vì bão lũ; Phía sau 12.000 trang sao kê 'lòng tốt'; Hơn 500 hộ dân khốn khổ vì… nước sạch
Tiền tỷ 'bay' theo siêu bão; Dư địa mới cho gạo Việt; Làn sóng 'găm hàng' BĐS rồi để 'hoang' chờ tăng giá; 'Choáng' giá nhà chung cư
Mang phim đi chiếu xứ người; Trà Ngọc Hằng bị tuyên phạt; Khánh Vy giữa những tranh cãi; Loạt sinh viên nhập viện bất thường
Phẫn nộ clip 'Quả báo Làng Nủ'; Vụ học sinh bị ô tô cán chết; Chuyện muôn thuở mỗi mùa từ thiện; Sập hầm cầu chui đang thi công
Kỳ Duyên trợn mắt, mua may quay cuồng; Trấn Thành thắng lớn; Lũ miền Bắc liên tiếp phá kỷ lục; Giao thông tê liệt vì lũ dữ
Ngọc Trinh đã biết sợ; Kỳ Duyên nổi giận; Nghịch lý Cánh Diều Vàng 2024; Loạt chương trình bị hủy vì siêu bão
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá