.jpg)
BONG BÓNG AI SẮP NỔ TUNG: HÀNG TRĂM TỶ USD ĐÃ “ĐỐT” NHƯNG CHƯA AI THỰC SỰ CÓ LÃI LỚN
Microsoft đã bắt đầu giảm tốc việc xây dựng trung tâm dữ liệu trên toàn cầu, bao gồm cả một dự án trị giá 1 tỷ USD ở bang Ohio.
Vấn đề thuế quan gần đây đang gây tác động mạnh các “ông lớn” công nghệ, và điều đó có khả năng làm lung lay làn sóng bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Sau cùng thì, chính các công ty công nghệ lớn đã đóng vai trò tài trợ chủ yếu cho sự phát triển của AI: Microsoft, Meta, Alphabet và Amazon dự kiến sẽ chi hơn 270 tỷ USD cho hạ tầng trung tâm dữ liệu trong năm nay, theo ước tính của Citigroup.
Họ đã chi rất nhiều cho các con chip của Nvidia – công cụ tính toán chủ lực của làn sóng AI. Chỉ vài ngày trước đây, điều này đã giúp cổ phiếu Nvidia tăng vọt lên mức chưa từng có; công ty này thậm chí từng trở thành doanh nghiệp niêm yết có giá trị lớn nhất thế giới trong một thời gian ngắn.
Việc duy trì đà phát triển của AI phụ thuộc vào việc các công ty công nghệ có sẵn sàng tiếp tục chi tiêu như hiện tại và trong tương lai – trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng rõ rệt.
Một số mảng kinh doanh mang lại nguồn tài chính dồi dào cho các ông lớn công nghệ thực chất không miễn nhiễm với suy thoái. Meta gần như hoàn toàn phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo – lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nếu thuế quan cao hơn đẩy giá cả lên và khiến người tiêu dùng thận trọng hơn. Google cũng phụ thuộc vào quảng cáo: Khoảng 3/4 doanh thu năm ngoái đến từ lĩnh vực này.
Ngay cả trước khi các mức thuế mới xuất hiện, các công ty công nghệ đã chi tiêu rất mạnh tay cho AI. Theo ước tính của Citi hồi tháng 2, họ dự kiến sẽ chi khoảng 325 tỷ USD cho đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu trong năm tới.
Khoản chi tiêu đó sẽ không nhất thiết là không bền vững — nếu không vì một thực tế đáng lo ngại: AI vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng như một ngành kinh doanh thực thụ. Cho đến nay, AI vẫn chưa mang lại lợi nhuận lớn cho bất kỳ ai - ít nhất là chưa tương xứng với những khoản đầu tư khổng lồ mà nó đòi hỏi.
John Blackledge, một nhà phân tích công nghệ tại TD Cowen cho biết mảng điện toán đám mây của Amazon trước đây tạo ra 4 USD doanh thu tăng thêm cho mỗi 1 USD chi phí đầu tư. Với các khoản đầu tư vào AI tạo sinh (generative AI), tỷ lệ hiện tại chỉ khoảng 20 xu cho mỗi USD mặc dù Blackledge dự đoán trong vài năm tới, con số này sẽ tiệm cận mức 4 USD như trước.
Xét về tiềm năng của AI, có lý do để cho rằng các công ty công nghệ sẽ coi thuế quan là tín hiệu để đẩy mạnh đầu tư vào AI, đồng thời cắt giảm chi tiêu ở các mảng khác. Một số nhà phân tích tin rằng họ sẽ vẫn giữ nguyên các kế hoạch chi tiêu lớn.
Tuy nhiên, kịch bản có khả năng xảy ra hơn là ít nhất một số công ty sẽ bắt đầu điều chỉnh. Họ nhiều khả năng sẽ dùng lý do thuế quan để biện minh cho việc giảm tốc độ chi tiêu. Trên thực tế, làn sóng đầu tư ồ ạt này phần lớn được thúc đẩy bởi nỗi sợ bị bỏ lại phía sau so với các đối thủ cũng đang “rót tiền” mạnh tay vào công nghệ này.
Một ví dụ điển hình có thể là dấu hiệu cho những gì sắp xảy ra: Microsoft đã bắt đầu giảm tốc việc xây dựng trung tâm dữ liệu trên toàn cầu, bao gồm cả một dự án trị giá 1 tỷ USD ở bang Ohio.
Mặc dù công ty vẫn giữ kế hoạch chi hơn 80 tỷ USD cho hạ tầng trong năm tài khóa này, nhưng những động thái này cho thấy một lập trường thận trọng hơn về dài hạn. Các nhà phân tích tại TD Cowen cho biết trong một bản tin tháng trước rằng Microsoft đã hủy nhiều hợp đồng thuê mặt bằng ở Mỹ và châu Âu - một phần do nguồn cung trung tâm dữ liệu vượt quá nhu cầu dự báo của công ty.
Các công ty công nghệ từng cho thấy họ có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi. Họ đã làm được điều đó khi đại dịch Covid-19 bùng phát: Google trì hoãn các chiến dịch quảng cáo và giảm tốc độ tuyển dụng, trong khi Meta cam kết kiểm soát tốc độ tăng trưởng chi tiêu.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này không mang theo nhiều cơ hội như trước. Khi đó, nhu cầu tăng vọt do nhiều người học tập và làm việc tại nhà – điều này có lợi cho các dịch vụ công nghệ. Nhưng lần này, khi giá cả leo thang và người tiêu dùng bắt đầu thắt chặt chi tiêu, cơ hội như vậy gần như không tồn tại.
Trong số các “ông lớn” công nghệ, Meta có lẽ là công ty nhạy cảm nhất với suy thoái kinh tế, bởi vì hãng này gần như không có nguồn thu nào ngoài quảng cáo.
Microsoft, Amazon và ở một mức độ nào đó là Google có thể chống chịu tốt hơn. Cả ba công ty này đều sở hữu các mảng điện toán đám mây lớn, chủ yếu phục vụ khách hàng doanh nghiệp. Ở lĩnh vực này, lợi ích từ đầu tư vào AI rõ ràng hơn – dù vẫn chưa thể coi là chắc thắng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Google vẫn chủ yếu dựa vào quảng cáo, còn Amazon cũng dễ bị ảnh hưởng khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong mảng thương mại điện tử và quảng cáo.
Một “nạn nhân” lớn khác nếu làn sóng đầu tư AI bị chững lại do thuế quan chính là Nvidia. Giám đốc điều hành của hãng – ông Jensen Huang – chỉ mới tháng trước còn mạnh miệng tuyên bố rằng việc chi tiêu gần như không giới hạn cho các trung tâm dữ liệu AI là điều tất yếu. “Chúng ta phải hợp tác với toàn bộ chuỗi cung ứng, từ đầu đến cuối, để chuẩn bị cho một thế giới với hàng trăm tỷ, tiến tới hàng nghìn tỷ USD đầu tư vào hạ tầng AI”, ông nói với các nhà phân tích.
Những phát ngôn như vậy đã được các nhà đầu tư hồ hởi đón nhận, trong tâm thế muốn đón đầu làn sóng công nghệ tiếp theo. Nhưng giờ đây, chỉ trong chớp mắt, tất cả có thể chỉ là một giấc mộng hão huyền.
THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU ĐẢO CHIỀU SAU TUYÊN BỐ MỚI CỦA TRUMP
Chỉ trong vài giờ, thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu đã chứng kiến một cú lội ngược dòng ngoạn mục khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với hơn 75 quốc gia.
Thổi bùng ngọn lửa hy vọng
Ngày 9/4, thị trường tài chính toàn cầu trải qua một trong những phiên giao dịch kịch tính nhất trong lịch sử gần đây khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tạm hoãn 90 ngày việc áp dụng thuế quan đối ứng cao với hơn 75 quốc gia, chỉ áp dụng mức thuế cơ bản 10%.
Quyết định này được đăng tải trên mạng xã hội của ông Trump - Truth Social, ngay lập tức thổi bùng ngọn lửa hy vọng sau một tuần hỗn loạn do lo ngại chiến tranh thương mại leo thang.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng bùng nổ. Phố Wall chứng kiến một ngày lịch sử với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt 2.962,86 điểm, tương đương 7,87%, đóng cửa ở mức 40.608,45 điểm. Đây là mức tăng trong ngày mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 và đứng thứ ba trong kỷ lục kể từ chiến tranh thế giới thứ 2 tới nay.
Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 của Mỹ không kém phần ấn tượng với mức tăng 9,52%, đạt 5.456,9 điểm, trong khi chỉ số công nghiệp Nasdaq nhảy vọt 12,16% lên 17.124,97 điểm, ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2001.
Các cổ phiếu công nghệ dẫn dắt đà tăng: Apple bứt phá hơn 15%, Nvidia tăng gần 19% và Tesla gây sốc với mức tăng 22%. Ngành bán lẻ cũng hưởng lợi lớn, Walmart tăng 9,6%. Cổ phiếu Trump Media & Technology (DJT) - công ty mẹ của Truth Social - cũng tăng hơn 21% sau khi Trump khéo léo “quảng bá” trong bài đăng của mình.
Thị trường tiền số cũng tăng vọt trở lại. Đồng tiền số hàng đầu trên thế giới Bitcoin tăng 7,7%, lên 82.272 USD/BTC. Đà tăng này phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư khi áp lực từ thuế quan - vốn có thể làm gián đoạn dòng vốn toàn cầu - tạm thời được gỡ bỏ. Các đồng tiền số khác cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, cho thấy sự đồng thuận trong tâm lý “risk-on” (ưa thích rủi ro) trên thị trường.
Giá vàng và bạc đồng loạt phục hồi. Dù nhu cầu trú ẩn an toàn giảm bớt, giá vàng vẫn tăng lên mức 3.100 USD/ounce, trong khi giá bạc giao ngay vọt hơn 4%, vượt ngưỡng 31 USD/ounce. Điều này cho thấy dòng tiền không chỉ quay lại các tài sản rủi ro mà còn củng cố niềm tin vào kim loại quý như một kênh đầu tư song song.
Giá dầu và đồng USD lấy lại đà tăng. Tới 7h30 sáng 10/4, giá dầu WTI tăng 1% lên gần 63 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent chạm 65,5 USD/thùng, tăng hơn 4,2%. Đồng USD cũng phục hồi, với chỉ số DXY leo lên mức 103 điểm.
Hiệu ứng “Trump tạm hoãn” không chỉ giới hạn ở Mỹ. Các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu cũng đồng loạt khởi sắc. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 8,2%, lên 34.506 điểm. Chỉ số VIX - thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall - giảm mạnh từ mức đỉnh 60 xuống còn 33,6 điểm, báo hiệu sự ổn định trở lại.
Đằng sau cú tăng sốc và những rủi ro tiềm ẩn
Thị trường tài chính và hàng hóa thế giới tăng vọt trở lại khi căng thẳng tạm thời được gỡ bỏ. Cú đảo chiều ngoạn mục này không phải là điều bất ngờ nếu nhìn vào bối cảnh trước đó. Một tuần hỗn loạn với làn sóng bán tháo đã đẩy các chỉ số chứng khoán xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng. Nhà đầu tư lo ngại chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Quyết định hoãn thuế 90 ngày của ông Trump được xem như một “liều thuốc an thần” kịp thời. Nó không chỉ xoa dịu tâm lý hoảng loạn mà còn mở ra cơ hội đàm phán cho hơn 75 quốc gia, tạo niềm tin rằng các biện pháp cực đoan có thể được thay thế bằng thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.
Nó cũng cho thấy rõ hơn chiến lược “nói trước, làm sau” của ông Trump. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent củng cố thêm niềm tin khi khẳng định đây là “chiêu đàm phán” để đưa các quốc gia vào bàn thương lượng, ngoại trừ Trung Quốc chịu mức thuế 125% sau khi đáp trả Washington với mức thuế 84%.
Dù áp lực tạm thời được giải tỏa nhưng rủi ro tiềm ẩn còn lớn với deadline 90 ngày. Cú tăng dữ dội trở lại lần này được xem là mang tính kỹ thuật nhiều hơn là dấu hiệu của sự phục hồi bền vững.
Trước hết, mức thuế 125% áp lên Trung Quốc có thể kích hoạt phản ứng mạnh từ Bắc Kinh, vốn đã nâng thuế hàng hóa Mỹ lên 84%.
Thứ hai, sự linh hoạt trong chính sách thuế của Trump, dù mang lại hiệu ứng tích cực ngắn hạn, nhưng có thể tiềm ẩn bất ổn trong dài hạn. Doanh nghiệp khó lập kế hoạch sản xuất và đầu tư khi không biết điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày.
Về khả năng đàm phán, 90 ngày là khoảng thời gian ngắn để các quốc gia - vốn chịu mức thuế đối ứng rất cao - đạt được thỏa thuận với Mỹ.
Hơn thế, trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump, mục tiêu của ông chủ Nhà Trắng là cân bằng thương mại và hồi phục sản xuất tại Mỹ. Cho nên, các quốc gia có thặng dư thương mại là mục tiêu được ông Trump nhắm tới. Uncertainty (bất định) và volatility (biến động) sẽ tiếp tục là đặc trưng của thị trường, khi không ít người đoán được bước đi tiếp theo của ông Trump.
Thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn chịu áp lực lớn từ căng thẳng thương mại, đã mất khoảng 13-14% trong 4 phiên, có thể hồi phục theo đà tăng của chứng khoán Mỹ và thế giới. Đây là tin vui cho nhà đầu tư và những người nắm giữ cổ phiếu.
Tuy nhiên, nhịp hồi này cũng không được kỳ vọng quá mức, nhất là với các mã chịu ảnh hưởng xấu từ căng thẳng thương mại như dệt may, thủy sản, và gỗ... Và đây có thể là cơ hội để cơ cấu danh mục, giảm thiểu rủi ro trước khi bất ổn quay lại.
CÁC CÔNG TY CÓ QUAY LẠI MỸ?
.jpg)
Mục tiêu lớn hơn đằng sau việc tăng thuế quan của Mỹ, đặc biệt là đối với Trung Quốc, là thay đổi động lực thương mại toàn cầu và tái công nghiệp hóa nước Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện độc quyền với chương trình "Squawk Box" của kênh CNBC hôm 8-4. "Chúng ta dựng lên một bức tường thuế quan, với mục tiêu cuối cùng là đưa công việc trở lại Mỹ. Trong khi đó, chúng ta sẽ thu được một lượng thuế quan đáng kể" - ông Bessent nói.
Đây cũng là điều mà Tổng thống Donald Trump nhiều lần nhắc đến. "Chúng ta sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cơ sở công nghiệp trong nước, mở rộng các thị trường nước ngoài và phá vỡ các rào cản thương mại quốc tế. Cuối cùng, sản xuất nhiều hơn trong nước đồng nghĩa với thúc đẩy cạnh tranh và giá cả thấp hơn cho người tiêu dùng" - ông nói trong một cuộc họp báo gần đây.
Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, theo các chuyên gia!
Ông Harry Moser, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Reshoring Initiative, cho biết Mỹ đã mất khoảng 6 triệu việc làm trong 4-5 thập kỷ qua khi các công ty chuyển hoạt động ra nước ngoài, phần lớn để giảm chi phí. Theo ông, thuế quan có thể là bước khởi đầu tốt để đảo ngược quá trình này song mức thuế nên thấp hơn những gì ông chủ Nhà Trắng đã công bố.
Ông Christopher Tang - giáo sư tại Trường Kinh doanh Anderson của Đại học California tại Los Angeles (Mỹ) - phân tích: "Rất nhiều công ty không biết nên thiết kế lại chuỗi cung ứng như thế nào khi chính sách thương mại hiện nay không rõ ràng và 4 năm nữa không biết ra sao. Những khoản đầu tư này lên tới hàng tỉ USD, họ không thể thay đổi một cách đột ngột". Ngoài ra, sự tự tin của người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng và đây sẽ là yếu tố quyết định đối với doanh nghiệp trong việc tái công nghiệp hóa - theo ông Manish Kabra, chuyên gia của Ngân hàng Societe Generale (Pháp).
Chuyên gia phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), Chris Snyder, cho rằng sẽ không có làn sóng lớn các dự án quay lại Mỹ trong thời gian ngắn, thay vào đó là các khoản đầu tư nhỏ có thể giúp tăng sản lượng khoảng 2%. Trong khi đó, Mỹ còn phải chuẩn bị nhiều thứ trước khi các công ty quay lại. "Chúng ta không có cơ sở hạ tầng, chúng ta không có đủ công nhân" - ông Tang nói.
Đó là điều được ông Casey Barnett, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Campuchia, nhắc đến với CNBC. Theo ông Barnett, các nhà máy may gia công tại Campuchia hoàn toàn không thể tiếp tục hoạt động với mức thuế quan bổ sung 49% và các nhà sản xuất đang tìm kiếm nơi khác để chuyển đi, như sang Ai Cập, khu vực châu Phi hạ Sahara, Ấn Độ, Indonesia... "Nhưng họ hoàn toàn không có ý định quay lại Mỹ. Tôi không thể tưởng tượng người Mỹ chịu ngồi xuống may quần thể thao trong nhiều giờ mỗi ngày" - ông Barnett giải thích.
TRUNG QUỐC QUYẾT ĐẤU TỚI TÙNG, RA ĐÒN TRẢ ĐŨA THUẾ CỦA MỸ
Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 9-4 công bố mức thuế quan bổ sung 84% với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Quy định mới có hiệu lực từ ngày 10-4.
Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế 84% với hàng hóa Mỹ từ ngày 10-4, tăng so với mức 34% đã công bố trước đó.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã thêm 12 thực thể của Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu và 6 thực thể khác vào danh sách "không đáng tin cậy".
Ngoài ra, Trung Quốc cũng gửi tuyên bố tới Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó nhấn mạnh việc Washington quyết định áp đặt thuế quan có đi có lại với Bắc Kinh có nguy cơ làm mất ổn định thương mại toàn cầu.
"Tình hình leo thang theo cách nguy hiểm. Là một trong những thành viên bị ảnh hưởng, Trung Quốc quan ngại sâu sắc và phản đối mạnh mẽ động thái liều lĩnh này" - tuyên bố từ Trung Quốc nêu.
Bắc Kinh khẳng định thuế quan có đi có lại vi phạm quy tắc của WTO và làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương. "Thuế quan có đi có lại không phải - và không bao giờ - là phương pháp cho tình trạng mất cân bằng thương mại. Thay vào đó, chúng sẽ phản tác dụng, gây tổn hại cho chính Mỹ" - tuyên bố nêu thêm.
Trước đó cùng ngày 9-4, thuế quan 104% của Mỹ nhắm vào hàng hóa Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực.
Con số này là kết quả của việc Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối ứng mới, trong đó Trung Quốc bị áp 34%. Cộng với 20% công bố trước đó, Bắc Kinh chịu hàng rào thuế quan lên 54%.
Trung Quốc nhanh chóng đáp trả bằng mức 34% tương tự và kiên quyết không rút bất chấp lời đe dọa chồng thêm 50% từ ông Trump.
Cho đến nay, thông điệp từ chính phủ Trung Quốc, phương tiện truyền thông nhà nước đều thể hiện tinh thần "quyết tâm đáp trả" hành động từ phía Mỹ.
LỰA CHỌN KHÓ KHĂN CỦA HÀN QUỐC
.jpg)
Cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn ở Hàn Quốc đã được ấn định vào ngày 3.6 tới.
Sau những gì đã xảy ra trong thời gian vừa qua ở đất nước này liên quan đến cuộc phế truất tổng thống thành công và cuộc phế truất quyền tổng thống không thành công, cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn này là một dấu mốc đặc biệt mới trong lịch sử Hàn Quốc. Diễn biến cuộc vận động tranh cử và kết quả cuộc bầu cử sẽ cho thấy cử tri, giới chính trị và xã hội Hàn Quốc thấm thía đến mức độ nào những bài học đắt giá từ cuộc khủng hoảng chính trị quyền lực và xã hội trong thời gian vừa qua.
Cử tri Hàn Quốc bị đẩy đến trước sự lựa chọn rất khó khăn khi đi bỏ phiếu bầu. Thời gian từ nay đến ngày bầu cử quá ngắn và không thể đủ để cử tri có được nhận xét tổng thể và đầy đủ về các ứng cử viên tổng thống.
Trong số những ứng cử viên này, có người cử tri đã biết quá rõ nên đã không bầu ở lần bầu cử tổng thống trước, có người lại quá mới mẻ nên cử tri khó có thể tin tưởng được ngay. Điều cũng khiến quyết định bầu chọn của cử tri trở nên rất khó khăn ở cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn sắp tới là chính trường và xã hội Hàn Quốc hiện bị phân rẽ trầm trọng như rất hiếm khi thấy trong lịch sử Hàn Quốc.
Phán quyết của tòa án hiến pháp Hàn Quốc phế truất ông Yoon Suk Yeol được lập luận rất kín kẽ và dựa trên sự đồng thuận tuyệt đối giữa tất cả 8 thành viên của tòa. Dù vậy, quyết định vẫn khoét sâu thêm hố ngăn cách giữa phe cánh chính trị của ông Yoon, tức là phía đảng Sức mạnh nhân dân (PPP), với phe đối lập là đảng Dân chủ. Trong khi đó, cử tri gặp khó khăn vì không dám thật sự chắc quyết định bầu chọn của họ có giải thoát đất nước khỏi khủng hoảng hay không.
Nguồn: CafeF; Vietnamnet; Người Lao Động; Soha; Thanh Niên
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá