BĐS châu Á lao đao; Bài toán 'nhà rác' ở Nhật; Tương lai Thổ Nhĩ Kỳ; Zelensky gây sức ép với NATO; 2 bức tranh xung đột Ukraine

Bất động sản châu Á lao đao

(Ảnh minh họa).

Dư âm từ sự sụp đổ của một số ngân hàng phương Tây đã ảnh hưởng nhiều đến thị trường BĐS thương mại và các quỹ tín thác đầu tư địa ốc ở châu Á. Kết quả là hiện nay, đầu tư BĐS châu Á đang khốn khó đến lao đao. Lý do vì đâu?

Sự sụp đổ của các ngân hàng

Các ngân hàng như SVB (Mỹ) và Credit Suisse (Thụy Sĩ) liên tục sụp đổ trong thời gian qua. Điều này ảnh hưởng tâm lý xấu tới thị trường BĐS rất nhiều. Người mua lẫn người bán đều dao động, họ đành lặng câm chờ đợi tín hiệu từ các ngân hàng. Ví dụ, suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm trong tháng 3. Tuy nhiên, lãi suất tại các quốc gia châu Á vẫn ở mức cao và trực tiếp tạo áp lực lên thị trường BĐS thương mại.

Theo nhận định của các chuyên gia, lãi suất của khu vực châu Á thời gian từ nay đến cuối năm 2023 sẽ đạt mức rất cao. Nghĩa là mức ấy có thể đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cùng với đó là hậu quả của dịch bệnh Covid-19 chưa được phục hồi lành mạnh, việc hoạt động kinh tế vẫn còn suy yếu. Đây là lý do buộc người thuê BĐS, bao gồm các cá nhân và doanh nghiệp, đều phải tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Theo ông Krishna Guha, nhà phân tích từ ngân hàng Malayan, môi trường lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các quỹ tín thác đầu tư BĐS. Ông cho rằng nếu lãi suất tăng thêm nửa điểm phần trăm, khoản thanh toán mà nhà đầu tư nhận được cho mỗi cổ phiếu của quỹ có thể giảm tới 2% hoặc hơn.

Con số biết nói

Con số liên quan đến thống kê BĐS thường chỉ mang tính gần đúng. Người ta có khi không muốn công khai hoặc công khai chưa đủ thực tế. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào các con số, cũng phần nào chứng tỏ một phần sự thật.

Các số liệu mới đây của Refinitiv cũng chỉ ra những tín hiệu khá ảm đạm. Giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đối với BĐS thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đạt 10,3 tỷ USD trong quý I/2023, thấp hơn mức 18,9 tỷ USD của cùng kỳ năm trước và giảm sâu so với mức 21,2 tỷ USD trong quý IV/2022.

Trong một báo cáo khác cho biết hoạt động BĐS thương mại ở khu vực APAC trong thời gian qua đã giảm với tốc độ nhanh hơn so với 3 tháng trước đó. Ngoài ra, giá trị của các giao dịch cũng đã giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Hong Kong, khối lượng đầu tư BĐS thương mại có thể vẫn giảm trong vài tháng cho đến khi thành phố bắt kịp đà tăng lãi suất của Mỹ. Theo các nhà phân tích, khối lượng giao dịch trong lĩnh vực BĐS thương mại Hong Kong vào năm ngoái đã giảm gần một nửa so với năm 2021. Thị trường chỉ ghi nhận 101 giao dịch được ký kết vào năm 2022.

Báo cáo của Knight Frank về các văn phòng ở APAC trong quý IV/2022 cho thấy sự sụt giảm trên toàn khu vực. Tại Tokyo, Thâm Quyến, Manila, Jakarta và Hong Kong, giá cho thuê tại các khu vực trung tâm đã giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo CNBC, cuộc sống của nhiều người nước ngoài ở Singapore đang trở nên khó khăn hơn vì giá thuê nhà tăng cao. Dữ liệu từ Cơ quan Tái phát triển Đô thị Singapore cho thấy giá của tất cả loại hình BĐS nhà ở tư nhân đã tăng 29,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2007.

Một số người thuê cho rằng chủ nhà đang tận dụng thị trường BĐS quá nóng để tăng giá nhà. Một người Indonesia sống tại Singapore cùng gia đình cho biết, hợp đồng thuê nhà của cô sẽ kết thúc vào tháng này. Đầu năm nay, chủ nhà yêu cầu tăng gấp đôi giá thuê nhà để gia hạn hợp đồng.

Theo Financial Times, cổ phiếu của 4 công ty BĐS gia đình lớn nhất Hong Kong đã mất hơn 1/3 giá trị trong 4 năm qua. Giá trị vốn hóa thị trường của các đế chế gia đình này bay hơi tổng cộng gần 50 tỷ USD.

Các tập đoàn BĐS bị ảnh hưởng bởi những biện pháp chống dịch gắt gao của Trung Quốc. Năm ngoái, tổng doanh thu của các công ty địa ốc Hong Kong ở thị trường Trung Quốc đại lục là 4,8 tỷ USD, giảm 40% so với năm trước, đánh dấu mức thấp nhất kể từ năm 2019.

Nguyên nhân là các công ty BĐS của Trung Quốc đại lục phải đứng ngoài cuộc chơi sau khi Bắc Kinh hạn chế đòn bẩy trong lĩnh vực này. Trong khi đó, những doanh nghiệp nước ngoài đã giảm tiếp xúc với thị trường Hong Kong.

Ngành công nghiệp BĐS của Trung Quốc rơi vào khủng hoảng từ đầu năm 2021, khi các nhà hoạch định chính sách đưa ra những biện pháp gắt gao nhằm kìm hãm đầu cơ và tình trạng sử dụng đòn bẩy quá mức. Các động thái này đã tước đi nguồn vốn chính của lĩnh vực bất động sản.

Điều này khiến nhiều công ty BĐS lớn, kể cả các tên tuổi lớn, phải chật vật trả nợ và hoàn thành những dự án còn dang dở. Giống như các công ty khác trong ngành, Sichuan Languang lao đao vì tình trạng khủng hoảng thanh khoản kể từ năm 2021. Lợi nhuận ròng của công ty đã giảm hơn 500% từ mức 3,3 tỷ nhân dân tệ của năm 2020. Năm 2021, Sichuan Languang gánh lỗ 13,8 tỷ nhân dân tệ.

Vài tín hiệu khả dĩ

Bên cạnh những ảm đạm nêu trên, vẫn có một số điểm sáng. Theo số liệu Công ty tư vấn BĐS JLL, Nhật Bản và Singapore vẫn là hai điểm đến hàng đầu ở châu Á đối với các nhà đầu tư lĩnh vực BĐS thương mại.

Trong một cuộc khảo sát của JLL vào tháng 12 năm ngoái, 68% trong số 55 nhà đầu tư cho biết bản thân sẽ tăng mức độ tiếp cận đối với BĐS thương mại của Nhật Bản trong năm nay. Con số đó tại Singapore là 60%.

Ở Singapore, tình hình đang thuận lợi hơn. Knight Frank cho biết giá cho thuê tại khu vực trung tâm Singapore đã tăng hơn 3% trong quý IV/2022. Giá thuê tại các khu vực kinh doanh cốt lõi của thành phố trong quý I/2023 cũng tiếp tục chứng kiến mức tăng 1,3% so với quý trước đó.

Báo cáo của JLL cho biết nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào xứ sở hoa anh đào. Bên cạnh đó, JLL cũng nhấn mạnh Singapore là “nơi trú ẩn an toàn” đối với các nhà đầu tư. Đó là kết quả của việc đồng yên Nhật mất giá cùng với lãi suất “hạ nhiệt” đã thôi thúc các nhà đầu tư.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Bài toán 'nhà rác' ở Nhật Bản

Vấn đề rác thải trên đường phố của Nhật Bản đang ngày càng trở nên nghiêm trọng trong những năm gần đây, đặt gánh nặng lên các dịch vụ xã hội.

Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề được người dân địa phương đặt tên là "gomi-yashiki (nhà rác)". Chủ những căn nhà trên, ngày càng trở nên phổ biến trên khắp Nhật Bản, thường vứt rác bừa bãi ra đường phố hoặc khu vực lân cận, gây khó chịu cho người dân xung quanh, thu hút các loài sâu bọ và tạo ra vấn đề cho chính quyền địa phương.

Theo South China Morning Post, một căn nhà 3 tầng ở quận Isogo của thành phố Yokohama thậm chí còn có những chiếc hộp, đồ nội thất và túi nhựa được xếp cao đến trần của nhà để xe tích hợp. Các thùng đựng đồ, giỏ hàng, ghế gấp và bạt cũng bị vứt một cách bừa bãi trên vỉa hè. Những đồ vật trên thậm chí còn lấn sang khu vực để xe của căn nhà bên cạnh.

Hàng nghìn căn nhà rác trên khắp Nhật Bản

Theo nghiên cứu của Bộ Môi trường Nhật Bản, trường hợp ở thành phố Yokohama chỉ là một trong số hơn 5.200 căn nhà rác được xác định trên khắp cả nước, tạo ra mối lo cho chính quyền địa phương.

Thủ đô Tokyo là nơi tập trung số căn nhà rác lớn nhất trên khắp cả nước với 880 trường hợp. Đứng thứ 2 là tỉnh Aichi ở miền Trung Nhật Bản với 538 căn nhà tràn ngập rác thải. Theo sau là tỉnh Chiba, phía đông thủ đô Tokyo, với 341 trường hợp được ghi nhận.

Trong khi một nghiên cứu vào năm 2017 ghi nhận tình trạng "nhà rác" ở 250 địa phương trên toàn quốc, trong báo cáo của Bộ Môi trường Nhật Bản, chính quyền của 661 khu vực đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục hoặc buộc các chủ nhà dọn dẹp nơi ở của họ.

Một bài báo trên tờ Yomiuri vào hôm 29/5 đã kêu gọi chính phủ Nhật Bản thông qua một đạo luật mới để giải quyết "mối lo ngại tầm quốc gia" này thay vì đặt trách nhiệm lên chính quyền địa phương.

Nhiều người dân thường xuyên phàn nàn về mùi hôi thối đến từ những căn nhà ngập trong rác thải, đặc biệt là trong các tháng mùa hè. Trong khi đó, một số căn nhà khác trở thành nơi sinh sôi của các loài sâu bọ và gặm nhấm như gián và chuột.

Tại một số nơi, những khu vườn không được chăm sóc có thể lan sang nhà hàng xóm. Một số căn nhà cũ hơn, làm bằng gỗ còn có nguy cơ sụp đổ dưới sức nặng của lượng rác thải được tích tụ trong thời gian dài.

Quyền của chủ nhà

Nghiên cứu của chính phủ Nhật Bản đã nhận được phản hồi từ 1.700 địa phương, trong đó có 101 khu vực cho biết họ đã thông qua quy định buộc chủ tài sản phải giữ nhà của họ sạch sẽ.

Trong khi đó, 114 địa phương đã xây dựng các chương trình hỗ trợ người có thói quen tích trữ đồ đạc thông qua những biện pháp như hỗ trợ tài chính hoặc huy động nhân viên địa phương đến dọn dẹp lượng rác thải này.

Quận Adachi tại thủ đô Tokyo đã thiết lập một bộ phận đặc biệt thuộc cơ quan bảo vệ môi trường để giải quyết vấn nạn rác thải. Bộ phận này có một số điện thoại và địa chỉ email nơi người dân có thể báo cáo các vấn đề liên quan đến nhà rác hoặc cung cấp lời khuyên cho những chủ nhà gặp khó khăn về rác thải.

Tuy nhiên, những địa phương còn lại lập luận rằng luật về quyền của chủ tài sản không cho phép họ can thiệp để giải quyết vấn đề rác thải tại những nơi này, ngay cả trong những tình huống nghiêm trọng nhất.

"Có một căn nhà gần nơi bố mẹ tôi sống có vấn đề về rác thải. Cặp đôi sống cùng con trai họ ở nơi này đã qua đời và mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Không ai chăm sóc cho căn nhà và khu vườn. Cây cối ở nơi này đã vượt khỏi tầm kiểm soát và lấn sang những căn nhà lân cận", ông Makoto Watanabe, giáo sư về truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo cho biết.

Những nghiên cứu về thói quen tích trữ đồ đạc được thực hiện tại Mỹ cho biết hiện tượng này có liên quan đến chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (ÓCD). Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại Đại học Iowa đã không thể tìm ra nguyên nhân những người chủ tài sản muốn tích trữ đồ đạc hay cách để kiểm soát thói quen này.

Giáo sư Watanabe tin rằng phần lớn các căn nhà rác là hậu quả của việc những người chủ bị ảnh hưởng bởi một sự thay đổi nào đó và không thể thích ứng với cuộc sống mới của họ.

"Ngày càng có nhiều người cần được hỗ trợ trong cuộc sống vì nhiều lý do khác nhau. Có thể họ đã lớn tuổi, cảm thấy bị cô lập hoặc bị khuyết tật hay mắc các bệnh về tâm lý", ông nhận định.

"Do xã hội Nhật Bản đang thay đổi nhanh chóng, những người này cảm thấy không còn có thể dựa vào gia đình hoặc cộng đồng xung quanh như trong quá khứ", ông Watanabe bổ sung.

Một lý do khác mà hiện tượng này nhận được nhiều sự chú ý có thể là do làn sóng lan truyền của cụm từ "căn nhà rác" trên các phương tiện thông tin đại chúng.

"Các căn nhà này đã có từ trước. Nhưng khi các phương tiện truyền thông sử dụng thường xuyên cụm từ 'căn nhà rác', người dân cảm thấy họ ngày càng nhìn thấy chúng nhiều hơn", giáo sư Watanabe phân tích.

(Nguồn: Zing News)

Tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ

(Ảnh minh họa).

Tại cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ phải tổ chức vòng 2 do hai ứng cử viên đều không vượt quá bán số phiếu bầu.

Tuy nhiên, kết quả Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia chính trị quốc tế.

Ông Erdogan, 69 tuổi, giữ chức Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 2003 - 2014, sau đó đảm nhận cương vị Tổng thống từ năm 2014 đến nay. Với chiến thắng lần này, ông được coi là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với thương hiệu chính trị cá nhân rõ nét.

Kết quả bỏ phiếu cho thấy phần lớn người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Tổng thống đương nhiệm, bất chấp sự thất vọng của công chúng đối với phản ứng của chính phủ trước thảm họa động đất vào tháng 2 vừa qua. Chiến thắng của ông Erdogan có ý nghĩa như thế nào với tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực và trên thế giới là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhiệm kỳ thứ 3 của ông Erdogan có thể coi như “sự tiếp nối của ngày hôm nay”. Hầu như không có khả năng ông Erdogan sẽ thay đổi các chính sách đối nội hiện nay vì thực tế, trong thời gian ông Erdogan “chèo lái” đất nước, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng tốt, trở thành nền kinh tế lớn thứ 18 thế giới.

Khó khăn hiện nay của chính quyền Tổng thống Erdogan liên quan đến lạm phát tăng cao và khả năng phục hồi các khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa động đất. Nhưng nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục các chính sách kinh tế truyền thống và đáng tin cậy cùng sự phản ứng mạnh mẽ của chính phủ thì những khó khăn trên có thể được đẩy lùi.

Bằng chứng là từ khi bước vào cuộc đua tranh cử, ông Erdogan đã tận dụng nguồn lực nhà nước để khởi công xây dựng các tòa nhà mới cho nạn nhân động đất với tốc độ nhanh.

Ông cũng mở rộng chính sách tăng lương tối thiểu, tăng phúc lợi đối với công chức, thậm chí cung cấp khí đốt miễn phí cho người dân cả nước trong một tháng. Những quyết định táo bạo trên sẽ ảnh hưởng đến ngân khố quốc gia nhưng phần nào xoa dịu sức nóng của lạm phát.

Tổng thống Erdogan có thể sẽ ưu tiên các chính sách ngoại giao trong 5 năm tới nhằm duy trì và thúc đẩy uy tín, vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và trên trường quốc tế. Ở chương mới, ông Erdogan có thể nối lại quá trình bình thường hóa khu vực và sửa chữa mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây.

Bằng chứng là, ngay sau khi ông Erdogan tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm chúc mừng, đánh dấu bước đầu tiên hướng tới làm mới quan hệ song phương giữa hai nước. Trong khu vực, tại cuộc điện đàm chúc mừng của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, hai bên đã đi đến quyết định nâng cấp quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ giữa hai nước.

Về phía NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục chính sách đối ngoại độc lập hơn để giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây nhưng không quay lưng hoàn toàn. Nước này cũng sẽ tăng cường vai trò trung gian hòa giải xung đột giữa Nga và Ukraine.

Vấn đề lớn trong đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là việc bình thường hóa với Syria, đòi hỏi những chính sách vừa mềm dẻo vừa cứng rắn. Trước mắt, ông Erdogan không có ý định rút quân khỏi Syria, dù Chính phủ Syria nhấn mạnh rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi nước này là điều kiện tiên quyết cho các cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước. Điều đó cho thấy quan điểm chống khủng bố và nâng cao chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ trong đường lối của ông Erdogan.

Nhìn chung, đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại trong 5 năm tiếp theo của Tổng thống Erdogan có thể không thay đổi. Nhưng chiến thắng trong cuộc bầu cử sít sao vừa qua như một bệ phóng giúp ông Erdogan tiếp tục nâng vị thế của cá nhân và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và trên thế giới.

(Nguồn: Soha)

Ông Zelensky gây sức ép với NATO

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dọa sẽ không tham dự hội nghị sắp tới của liên minh quân sự NATO.

Báo Nga RT dẫn nguồn tin từ tờ Financial Times (FT) của Anh cho biết, ông Zelensky sẽ không tham dự hội nghị NATO ở Lithuania vào tháng 7 tới, trừ khi liên minh đưa ra một lộ trình cụ thể về việc đảm bảo an ninh cho Kiev.

“Ông Zelensky đã nói rõ với các nhà lãnh đạo NATO, rằng mình sẽ không tới dự hội nghị ở Vilnius nếu các đồng minh không có cam kết bảo đảm an ninh cụ thể và lộ trình gia nhập NATO cho Ukraine”, FT dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.

Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022, cho rằng tư cách thành viên trong liên minh sẽ đảm bảo an ninh cho Kiev.

Điều 5 của NATO quy định, “nếu một nước thành viên bị tấn công quân sự thì có nghĩa là tấn công nhằm vào toàn bộ liên minh”. Cũng theo điều 5, NATO có thể đáp trả bằng biện pháp quân sự, nhưng không bắt buộc.

Nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine được một số quốc gia Bắc Âu và Ba Lan hoan nghênh. Nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 31/5 gợi ý rằng, Kiev có thể được đảm bảo an ninh theo cách khác.

Tờ FT dẫn nguồn tin từ quan chức giấu tên cho biết, Mỹ và Đức là hai quốc gia “không ủng hộ Kiev có mối quan hệ sâu sắc hơn với NATO, ví dụ như đưa ra một lộ trình gia nhập cụ thể”.

“Chúng tôi sẽ tìm cách hỗ trợ nguyện vọng hướng về khu vực Châu Âu - Đại Tây Dương của Ukraine. Nhưng ngay bây giờ, nhu cầu trước mắt là nâng cao khả năng phòng thủ cho Kiev”, Dereck Hogan, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu, cho biết vào tháng trước.

Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte sẽ là người chủ trì hội nghị NATO vào ngày 11 – 12/7. Tuần trước, ông Simonyte nói rằng “sẽ là điều đáng buồn nếu có ai đó diễn giải kết quả của hội nghị thượng đỉnh Vilnius là “một chiến thắng đối với Nga’”.

Nga coi chính sách mở rộng về phía đông của NATO là mối đe dọa tới an ninh quốc gia và là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột quân sự ở Ukraine.

Nga đã nhiều lần khẳng định, Ukraine cam kết trung lập là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo một nền hòa bình lâu dài giữa hai nước.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Hai bức tranh từ xung đột ở Ukraine

(Ảnh minh họa).

Trong khi LHQ nỗ lực đáp ứng đề xuất của Moscow để cứu thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Mỹ "dặn" Ukraine không dùng vũ khí được cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

Cố gắng cứu thỏa thuận ngũ cốc

Các nguồn tin của Reuters ngày 1.6 cho biết LHQ đang nỗ lực cứu thỏa thuận giữa Nga và Ukraine, trong đó cho phép phía Kyiv chuyển ngũ cốc qua các cảng ở Biển Đen với đề xuất "đôi bên cùng có lợi". Bước đầu trong kế hoạch này là LHQ đề xuất Nga - Ukraine và bên trung gian là Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị cho việc vận chuyển amoniac của Nga qua lãnh thổ Ukraine. LHQ cũng kêu gọi các bên nêu đề xuất để "cải thiện triệt để" hoạt động của hành lang ngũ cốc.

Nguồn tin cho biết thông qua bước đi này, LHQ muốn đổi lại các cuộc đàm phán về việc mở rộng thỏa thuận Biển Đen nhằm nâng số cảng mà Ukraine có thể sử dụng, cũng như số loại hàng hóa được vận chuyển. Kyiv và Ankara đã đồng ý với đề xuất mới, trong khi Moscow vẫn chưa phản hồi.

Trong tháng này, Nga đã đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm 2 tháng nhưng cho biết sáng kiến này sẽ chấm dứt nếu phương Tây không dỡ bỏ trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Moscow cũng kêu gọi các bên bỏ lệnh cấm vận chuyển amoniac qua cảng Pivdennyi của Ukraine.

Khi được hỏi về thông tin trên, phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric cho biết việc đàm phán vẫn đang tiếp tục. Ukraine cho biết các công nhân sẽ cần khoảng 30 ngày để chuẩn bị đường ống bơm amoniac trở lại. Một nguồn tin cho biết Kyiv sẽ cân nhắc cho phép amoniac của Nga quá cảnh qua Ukraine, nếu Moscow mở rộng thỏa thuận ngũ cốc.

Mỹ gửi thêm viện trợ cho Ukraine

Trong lúc đó, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 31.5 công bố gói vũ khí mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không Patriot và Avenger, các tên lửa Aim-7 và Stinger, cũng như 30 triệu viên đạn cùng nhiều khí tài quân sự khác, theo tờ The Guardian.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Washington đã đặt ra các quy tắc cơ bản đối với Kyiv, trong đó Ukraine không được dùng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga. Theo ông Kirby, Ukraine đã cam kết việc này với Mỹ.

Tuy nhiên, cùng ngày, hãng TASS dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói các cam kết của Washington "không có giá trị". Theo ông Antonov, gói hỗ trợ quân sự mới của Mỹ đang thể hiện sự thờ ơ của nước này trước hành động của Ukraine.

Thời gian gần đây, Nga liên tục báo cáo các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ nước này, trong đó nổi bật nhất là các cuộc không kích bằng máy bay không người lái ở thủ đô Moscow và tỉnh giáp biên giới 2 nước.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã đẩy lùi 3 cuộc tấn công xuyên biên giới gần thị trấn Shebekino thuộc tỉnh Belgorod của Nga trong ngày 1.6. TASS dẫn lời ông Vyacheslav Gladkov, Tỉnh trưởng Belgorod, hôm qua cho biết số người bị thương trong các cuộc tấn công gần đây ở Shebekino đã tăng lên 8. Kyiv chưa bình luận nhưng trước đó không nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga.

Cùng ngày 1.6, Không quân Ukraine tuyên bố lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ tất cả 10 tên lửa đạn đạo và hành trình được phóng từ tỉnh Bryansk của Nga trong cuộc tấn công thứ 18 nhắm vào thủ đô Kyiv kể từ đầu tháng 5, theo Reuters. Phía Moscow chưa bình luận thông tin này.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang