Bắt giữ con nợ để đòi tiền; Siêu trộm sa lưới; Dịch vụ đọc trộm tin nhắn; 'Cò' bán người sang Campuchia; Lò sản xuất súng

Tiền Giang: Bắt 3 đối tượng đánh đập, bắt giữ "on nợ" để đòi tiền

(Ảnh minh họa).

Để đòi được nợ, 3 đối tượng đã bắt, khống chế, đánh đập rồi ép con nợ viết giấy nợ, sau đó mới thả nạn nhân.

Theo Công an Nhân dân, ngày 27/3, Công an TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Phúc Tính (SN 1994, ngụ xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy), Phạm Tấn Trung (SN 2003, ngụ xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho và Ngô Phát Đạt (SN 2001, ngụ Long Hưng, huyện Châu Thành) điều tra về hành vi bắt người trái pháp luật.

Tại cơ quan điều tra, Tính khai rằng Phạm Anh Tuấn (SN 1997, ngụ xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành) nợ hơn 20 triệu đồng từ năm 2021 đến nay không trả. Vào ngày 25/2, Tính biết Tuấn đang ngồi tại quán ăn trên đường Lê Văn Phẩm (TP Mỹ Tho) nên đã cùng với Trung và Đạt đến đòi nợ.

Cả 3 khống chế đưa Tuấn lên xe máy. Trên đường đi, cả nhóm đánh đập, đe dọa, buộc Tuấn phải trả nợ. Cả nhóm đến quán cà phê trên địa bàn xã Trung An, buộc Tuấn viết giấy nợ 35 triệu đồng. Các đối tượng còn khống chế, lấy 10 triệu đồng trong túi áo của Tuấn để trừ nợ rồi mới cho về nhà.

Theo Tiền Phong, đến ngày 27/2/2023, Tuấn gửi đơn đến Công an TP. Mỹ Tho để báo vụ việc. Qua điều tra, Công an TP. Mỹ Tho tiến hành bắt giữ Tính, Trung và Đạt. Bước đầu, cả 3 đối tượng đã thừa nhận hành vi vi phạm.

Hiện vụ việc đang được tiếp tục, điều tra, làm rõ.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Siêu trộm “Hưng Nhái” bị bắt sau nhiều năm trốn lệnh truy nã

Sau nhiều năm bỏ trốn vì có lệnh truy nã, siêu trộm “Hưng Nhái” đã bị cơ quan công an bắt giữ

Ngày 27-3, Công an TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã bắt giữ đối tượng trốn truy nã Nguyễn Hữu Hưng, biệt danh "Hưng Nhái" (60 tuổi, trú tại tổ 15, phường Cốc Lếu, TP Lào Cai).

Trước đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 26-3, tại khu vực tổ 15, phường Cốc Lếu, TP Lào Cai Tổ công tác Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Lào Cai phối hợp cùng Công an phường Cốc Lếu đã kiểm tra, bắt giữ đối tượng Nguyễn Hữu Hưng.

Được biết, Nguyễn Hữu Hưng là đối tượng bị truy nã theo Quyết định số 03/CSHS ngày 11-12-2015 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) về hành vi "trộm cắp tài sản". Hưng là đối tượng đã có nhiều tiền án về tội trộm cắp tài sản.

Hiện, Công an TP Lào Cai đang hoàn thiện hồ sơ, bàn giao Hưng cho Công an TP Hà Nội tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý đối tượng theo quy định.

(Nguồn: Người Lao Động)

Cảnh giác với dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội

(Ảnh minh họa).

Có thể đọc trộm các thể loại tin nhắn như Facebook, Zalo với sự an toàn, bảo mật cao là những lời quảng cáo xuất hiện khá nhiều trên các nền tảng mạng xã hội.

Trong vai người có nhu cầu đọc trộm tin nhắn Facebook của người khác, phóng viên đã liên hệ với một số điện thoại quảng cáo về dịch vụ này.

- Bây giờ tôi muốn đọc tin nhắn Facebook của bạn trai mình, anh có giúp được không?

- Được.

- Mình có cần phải cung cấp cái gì không?

- Không, bạn chỉ cần gửi link Facebook qua.

- Mất thời gian bao lâu?

- Vài tiếng.

Trao đổi với phóng viên, ông Quách Anh Huy, chuyên gia an ninh mạng cho biết, hiện nay dịch vụ "đọc trộm tin nhắn" này được quảng cáo khá nhiều. Tuy nhiên, không ít rủi ro có thể đến với người dùng dịch vụ này, đặc biệt là việc bị lừa đảo.

Theo ông Huy, khi đã mất tiền cọc, người dùng cũng khó có thể truy xuất được nguồn gốc tài khoản đó bởi mọi giao dịch, trao đổi đều diễn ra trên môi trường mạng. Thứ hai, hành vi đọc trộm tin nhắn xâm phạm quyền riêng tư của người khác, vì thế người dùng dịch vụ đọc trộm dù bị lừa, nhưng cũng khó lên tiếng nhờ sự can thiệp từ các cơ quan chức năng.

(Nguồn: VTV)

"Cò" lao động lừa đảo, bán người sang Campuchia

Gần đây, nhiều người dân miền núi Quảng Trị có xu hướng tìm kiếm việc làm ở ngoài địa phương để có thêm nguồn thu nhập. Song do bà con thường tìm việc thông qua các trang mạng có địa chỉ không rõ ràng, lại thiếu thông tin kiểm chứng nên dễ dẫn đến tình trạng bị lừa đảo, thậm chí bị khống chế, bán sang Campuchia.

Chúng tôi đến bản A Rông của xã Lìa ở huyện rẻo cao Hướng Hóa vào những ngày cuối tháng 3. Câu chuyện về những thanh niên ở đây bị “cò” lao động lừa đảo vẫn còn đượm buồn trên gương mặt nhiều người.

Hồ Văn Xơi (SN 2001), một trong những nạn nhân, kể: “Đầu năm em nghe nhiều người bảo ở xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng có tuyển dụng lao động để làm một số công việc bằng tay chân nhưng nhẹ nhàng và mức lương tối thiểu là 250.000 đồng/mỗi ngày công. Lúc em muốn tìm hiểu kỹ hơn thì được một số thanh niên ở bản chỉ cho cách lên mạng internet xem. Nghĩ rằng làm lụng ở quê quá vất vả, cả tháng chỉ bằng một ngày công trong đó nên em bàn với vợ để đi theo như hướng dẫn trên trang mạng”.

Sau khi kết nối, sáng sớm 17/2, Xơi cùng anh trai Hồ Văn Son và 16 người ở xã được bên môi giới lao động chở bằng ôtô ra ngã ba Tân Long (Hướng Hóa), sau đó tiếp tục lên xe giường nằm đi vào tỉnh Lâm Đồng. Khi đến địa phận TP Đông Hà (Quảng Trị), mọi người được yêu cầu ký cam kết vào hồ sơ việc làm là chăn nuôi lợn.

Do không biết chữ nên tất cả 18 người lăn tay điểm chỉ và giao nộp căn cước công dân cho người môi giới. Vào đến Lâm Đồng, 18 người được chia thành những nhóm nhỏ để làm việc ở nhiều nơi khác nhau và công việc đều không đúng như thỏa thuận ban đầu.

“Người của trang trại bảo chúng em vào bìa rừng để cắt cỏ và làm nhiều công việc khác nhau trong nhà kính. Nhóm của em phải tự lo ăn uống, mỗi ngày làm việc 8 tiếng và mức lương 7 triệu đồng/tháng. Công việc không như thỏa thuận ban đầu nên mọi người có nguyện vọng trở về nhà hoặc tìm việc khác cho phù hợp nhưng chủ sử dụng lao động yêu cầu phải tiếp tục làm việc, nếu không hợp tác thì sẽ bị bán lại cho trang trại khác ở xa hơn, còn muốn được về nhà thì phải nộp tiền chuộc”, Xơi kể.

Ngày 26/3, ông Hồ Văn Ta Ngà, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa, xác nhận với phóng viên, có nắm được thông tin về nhóm 18 lao động đi làm ăn xa theo quảng cáo tuyển dụng trên mạng xã hội, trong đó 9 người phải nhờ gia đình gửi tiền chuộc để trở về, còn những người khác vẫn chưa liên lạc được. Song chưa có gia đình nào chính thức trình báo sự việc với chính quyền địa phương.

Cuối cùng, ông Hồ Văn Lê, bố của hai anh Xơi và Son, đành phải vay mượn 7 triệu đồng để nộp tiền chuộc theo yêu cầu của chủ trang trại. Ông Lê nói mà như mếu: “Gia đình đã quá khó khăn, nay nợ thêm 7 triệu đồng là số tiền lớn, trong lúc con trai thằng Xơi mắc bệnh tim đang rất cần tiền để cứu chữa, hai vợ chồng nó gập lưng xuống rẫy cả năm cũng chỉ thu được chưa tới 10 triệu đồng không đủ để lo cho cái ăn”.

Nạn nhân Hồ Văn Thao (SN 2001, ở bản A Rông) kể: “Ba mẹ em không biết chữ, sinh ra mấy anh chị của em và em cũng chỉ học hết cấp 2. Sau đó, ai cũng phải quanh năm xuống rẫy để kiếm cái ăn hằng ngày, mà hầu như rất ít có dịp đi xa khỏi thôn bản. Sự hiểu biết, khả năng giao tiếp với người lạ rất hạn chế nên khi nghe nhiều người rủ nhau vào Lâm Đồng để lao động việc nhẹ lương cao thì em cũng hăm hở đi theo mà không biết tất cả chúng em đã bị lừa”. Khi nhận tin con trai đang bị chủ trang trại giữ hết giấy tờ, mẹ của Thao là bà Hồ Thị Xuân (SN 1980) đã phải chạy vạy vay 3,45 triệu đồng để kịp nộp tiền chuộc cho con.

Tương tự, gia đình của 6 lao động khác cũng trong nhóm người đến Lâm Đồng cùng Xơi, Son và Thao đều đã phải nộp tiền chuộc cho chủ trang trại. Số tiền này sẽ phải đợi đến mùa thu hoạch sắn năm sau mới có để trả nợ.

Số người còn lại trong đoàn 18 người đi Lâm Đồng vào ngày 17/2 kể trên hiện vẫn chưa có thông tin, trong đó có vợ chồng anh Hồ Văn Hun và anh Hồ Văn Lưu cùng ở thôn A Sói - Hang, xã Lìa. Bà Hồ Thị Nữ, một người hàng xóm, cho biết, vợ chồng Hun gửi con cho bố mẹ chăm sóc, còn vợ chồng Lưu thì nhờ chú ruột là ông Hồ Ta Ri nuôi cả 4 đứa con. Đến nay sau hơn 1 tháng nhưng ông Ri vẫn chưa liên lạc được với hai vợ chồng người cháu.

Không chỉ bị “cò” lao động lừa đảo, nhiều trường hợp khác ở vùng miền núi rẻo cao Quảng Trị khi đi theo lời chào mời, môi giới trên mạng xã hội còn bị khống chế, bán ra nước ngoài. Anh Lê Minh Đức (SN 1999, ở khóm 4, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) nghỉ học hồi lớp 11. Đầu tháng 2/2022, Đức được mẹ đưa vào làm việc tại Công ty Giày Việt Vinh ở Đồng Nai. Thế rồi trong những lần đi chơi game ở quán net, Đức được một người lạ kết bạn rồi rủ đi Tây Ninh tìm “việc nhẹ, lương cao”.

Ngày 23/2/2022, Đức được dẫn lên khu vực biên giới ở Tây Ninh và bị hai đối tượng dùng dao khống chế dẫn sang đất Campuchia, sau đó tiếp tục đưa lên khu biệt lập tại tỉnh Sihanoukville. Tại đây, Đức được giao nhiệm vụ làm việc trên mạng xã hội để lừa đảo người Việt Nam. Trong 5 tháng bị giữ tại Campuchia, Đức phải nói dối bố mẹ là đang làm việc ở TPHCM do luôn bị người của công ty trên đất Campuchia giám sát chặt và sợ gia đình lo lắng.

Sau khi bỏ trốn với sự can thiệp của lực lượng chức năng Campuchia, Đức được cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Campuchia giúp đỡ để về nước. Tuy vậy, gia đình của Đức cũng phải nộp tiền phạt do vi phạm luật pháp của nước sở tại cùng với chi phí ăn ở trong thời gian bị lực lượng chức năng nước bạn tạm giữ.

(Nguồn: Kenh14)

Triệt phá lò sản xuất súng quân dụng ‘khủng’ tại TPHCM

(Ảnh minh họa).

Điểm chuyên sản xuất, cung cấp súng quy mô lớn cho địa bàn tỉnh Bình Dương và TPHCM vừa bị công an xác lập chuyên án triệt xóa.

Sáng 27/3, đại diện Công an tỉnh Bình Dương cho biết, lực lượng trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh vừa phát hiện nhóm đối tượng có biểu hiện mua bán trái phép vũ khí quân dụng với quy mô lớn tại các địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TPHCM.

Xác định tính chất phức tạp của vụ việc, để kịp thời ngăn chặn việc cung cấp súng cho các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bình Dương đã báo cáo Giám đốc Công an tỉnh xác lập chuyên án do Đại tá Trần Văn Chính - Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban Chuyên án để chỉ đạo đấu tranh triệt phá.

Chiều 24/3, Ban Chuyên án đã phân công Tổ công tác Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thị xã Tân Uyên bắt quả tang đối tượng Phạm Văn Minh (19 tuổi, ngụ TPHCM) tàng trữ cất giấu trái phép 2 khẩu súng rulo và 52 viên đạn khi đối tượng này đang di chuyển trên đường Thuận Giao 9 (phường thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Tổ công tác tiếp tục khám xét nơi ở của đối tượng Minh tại một phòng trọ thuộc phường Tân Quý (quận Tân Phú, TPHCM) phát hiện thu giữ 14 khẩu súng kiểu dáng Rulo, 300 viên đạn và nhiều đồ vật dùng để chế tạo súng.

Tiếp tục điều tra mở rộng, tổ công tác bắt giữ đối tượng Lâm Tấn Thịnh (28 tuổi). Khám xét nơi ở của Lâm Tấn Thịnh tại phường 12, Quận 10, TPHCM, các cơ quan chức năng phát hiện thu giữ thêm 1 khẩu súng dài được chế tạo để bắn đạn thể thao, 1 khẩu súng kiểu dáng súng Rulo, 1 viên đạn, 1 khẩu súng dài PCP.

Đối tượng Phạm Văn Minh thừa nhận hành vi chế tạo súng để bán lại cho người khác kiếm lời với hình thức đăng bài trên mạng xã hội Facebook. Đối tượng Lâm Tấn Thịnh thực hiện hành vi sơn súng từ Minh đưa để nhận tiền và trao đổi mua bán súng.

Đến nay, Ban chuyên án đã thu giữ tổng số tang vật gồm: 2 khẩu súng dài; 17 khẩu súng ngắn loại rulo ổ xoay; hơn 350 viên đạn thể thao và nhiều dụng cụ dùng để chế tạo súng.

Vụ việc đang được Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục điều tra, mở rộng để xử lý theo quy định pháp luật.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang