Bão mạnh ập vào Myanmar; Bước chuyển của đồng NDT; Bầu cử chấn động Thái; Săn phù thủy ở Ấn; Indonesia không liên minh Mỹ

Bão mạnh sắp ập vào Myanmar và Bangladesh, 400.000 người sơ tán

(Ảnh minh họa).

Một cơn bão mạnh sắp đổ bộ vào duyên hải Bangladesh và Myanmar hôm Chủ nhật, buộc hàng trăm nghìn người phải sơ tán đến các địa điểm an toàn hơn, trong đó nhiều người từ những ngôi nhà không kiên cố tại những vùng trũng, thấp.

Bão Mocha, với sức gió lên tới 210 km một giờ, có thể gây ra nước biển dâng cao tới 4 m, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 2 triệu người trên đường đi của nó, hầu hết ở các bang Rakhine và Chin của Myanmar.

Nhưng nhiều người khác có thể bị ảnh hưởng khi cơn bão di chuyển vào đất liền từ Vịnh Bengal, Trung tâm Vệ tinh Liên Hợp Quốc cảnh báo.
Các nhân viên cứu trợ bày tỏ lo lắng về rủi ro đối với hơn một triệu người tị nạn Rohingya, trong đó có nửa triệu trẻ em, sống trong các trại ở thị trấn ven biển Cox's Bazar gần đường đi của bão.

Hầu hết những người tị nạn sống trong những ngôi nhà tạm bợ trong các trại đông đúc sau khi chạy trốn khỏi cuộc đàn áp do quân đội lãnh đạo ở Myanmar vào năm 2017.

Ít nhất 100.000 người ở bang Rakhine nghèo khó của Myanmar đã chuyển đến các khu vực an toàn hơn kể từ tuần trước, một lực lượng dân quân lớn và văn phòng nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết.

OCHA cho biết khoảng 6 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo và 1,2 triệu người phải di dời ở Rakhine và phía tây bắc.

Myanmar rơi vào hỗn loạn kể từ khi chính quyền quân sự lên nắm quyền cách đây hai năm. Sau cuộc đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình, một phong trào kháng chiến đang chiến đấu với quân đội trên nhiều mặt trận.

(Nguồn: VOA)

Bước chuyển lớn của đồng nhân dân tệ

Sự quan tâm của Nga với đồng nhân dân tệ đã tác động làm thay đổi vị thế đồng tiền này, tờ South China Morning Post cho biết.

Trung Quốc đã nỗ lực nhằm tạo ra vị thế mới cho đồng tiền quốc gia của mình - đồng nhân dân tệ trong suốt nhiều năm. Theo chuyên gia Amanda Lee, gần đây đồng nội tệ của họ đã thực sự bắt đầu phổ biến trên phạm vi toàn thế giới và điều này phần lớn là do tác động từ Nga.

“Năm ngoái, Hoa Kỳ và các đồng minh đã chặn, không cho Ngân hàng Trung ương Nga truy cập kho dự trữ ngoại hối của nước này, đồng thời cấm một số tổ chức tín dụng Nga tham gia mạng thanh toán quốc tế SWIFT,” tác giả bài viết trên tờ South China Morning Post (SCMP) lưu ý.

Trong bối cảnh bị trừng phạt, Nga đã thực hiện các bước đi nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Moskva bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ thường xuyên hơn trong các giao dịch quốc tế của mình và thao tác nói trên rõ ràng đã làm hài lòng giới lãnh đạo Trung Quốc.

“Nhân dân tệ bắt đầu trở thành đồng tiền dự trữ của Nga khi nước này tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ”, nhà báo Amanda Lee nhận xét.

Một số quốc gia khác cũng đã noi gương Nga. Trước tình hình trên, các nhà phân tích tài chính tin rằng Trung Quốc có cơ hội rất lớn để đẩy nhanh việc quảng bá quốc tế về đồng nhân dân tệ.

Tỷ trọng của đồng tiền Trung Quốc trong thương mại thế giới đã tăng từ dưới 2% trong năm 2017 lên 4,5% trong năm nay.

Bên cạnh đó, trong dự trữ ngoại hối quốc tế, vị thế của nhân dân tệ cũng tăng lên rõ rệt.

Chuyên gia phân tích của tờ SCMP kết luận: “Bắc Kinh chắc chắn cảm thấy rất hài lòng với việc mở rộng sử dụng đồng nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế".

(Nguồn: CafeF)

Tương lai chính trường Thái Lan sau cuộc bầu cử chấn động

(Ảnh minh họa).

Bầu cử Thái Lan gây chấn động với sự trỗi dậy của phe cải cách, song tương lai chính trường còn phụ thuộc vào khả năng liên minh lập chính phủ của họ.

Các đảng đối lập có chủ trương cải cách và phản đối ảnh hưởng của quân đội đang giành được ưu thế áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử Thái Lan diễn ra ngày 14/5. Với 99% số phiếu đã kiểm xong, hai đảng Move Forward và Pheu Thai giành số phiếu áp đảo và được dự báo sẽ mở ra một thời kỳ mới trong chính trường Thái Lan.

Đảng Move Forward, mới thành lập vào năm 2020, gây bất ngờ khi giành được 151 ghế Hạ viện, còn đảng Pheu Thai, có liên hệ mật thiết với gia tộc chính trị Shinawatra, xếp thứ hai với 141 trong tổng số 500 ghế tại Hạ viện.

Xếp thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử là đảng Bhumjaitai với 71 ghế. Đảng United Thai Nation của Thủ tướng đương nhiệm Thái Lan Prayut Chan-ocha xếp thứ năm với 36 ghế. Nếu Move Forward và Pheu Thai bắt tay với nhau, họ sẽ có cơ hội rất lớn để thành lập liên minh cầm quyền.

Lãnh đạo đảng Move Forward Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, ngày 15/5 nói ông sẵn sàng liên minh với Pheu Thai, song vẫn đặt mục tiêu trở thành thủ tướng. Trong khi đó, Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu thủ tướng Thaksin và là một trong ba ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thai, cho rằng còn quá sớm để các bên thảo luận phương án bắt tay lập chính phủ liên minh.

"Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Move Forward. Tuy nhiên, mọi người đang chờ kết quả bầu cử chính thức. Tôi rất vui mừng cho đảng bạn. Chúng ta có thể làm việc cùng nhau", Paetongtarn Shinawatra nói, nhưng cũng thừa nhận rằng đảng có nhiều phiếu nhất nên giữ quyền lãnh đạo đất nước.

Mức ủng hộ dành cho Move Forward tăng vọt trước thềm tổng tuyển cử nhờ đảng đẩy mạnh thông điệp cải cách triệt để như cam kết giảm vai trò của quân đội trong hệ thống chính trị và nới lỏng luật khi quân, vốn bị chỉ trích là công cụ để kiểm soát bất đồng trong dư luận.

Luật khi quân được chính quyền quân sự, sau đó là chính quyền dân cử của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, áp dụng quyết liệt kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Điều 112 trong Bộ luật Hình sự Thái Lan quy định mức tù 3-15 năm đối với mọi trường hợp bị cho là "bôi nhọ, xúc phạm hay đe dọa nhà vua, hoàng hậu, thái tử hoặc thái tử phi".

Pheu Thai, đảng có mối liên hệ mật thiết với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ năm 2006, vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri thuộc tầng lớp lao động phổ thông. Tuy nhiên, Pheu Thai không cam kết điều chỉnh luật khi quân, mà chỉ hứa sẽ đưa nội dung này ra thảo luận tại quốc hội.

Giới quan sát cho rằng đây là một trong những lý do khiến bà Paetongtarn để mất nhiều phiếu từ cử tri trẻ về tay Move Forward.

Nhờ cương lĩnh cải cách quyết liệt, đảng Move Forward của Pita Limjaroenrat giành được gần như toàn bộ 33 ghế nghị sĩ đại diện thủ đô Bangkok, kết quả mà những người lạc quan nhất trong đảng cũng khó hình dung được trước ngày 14/5.

"Pheu Thai đã chọn sai đấu pháp. Họ đánh vào mặt trận dân túy, nhưng điều này lại không cần thiết do họ vốn dĩ đã nắm chắc phần thắng. Move Forward đặt cược lớn hơn với cam kết cải cách hiến pháp. Đây chính là chiến trường mới của nền chính trị Thái Lan", Thitinan Pongsudhirak, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nhận định.

Theo ông Thitinan, quá trình đàm phán trong vài tuần tới giữa các phe phái trên chính trường Thái Lan nhằm chọn ra tân thủ tướng sẽ quyết định canh bạc của Pita Limjaroenrat và đảng Move Forward có thành công hay không.

Quốc hội Thái Lan sẽ họp vào tháng 7, trong đó 500 nghị sĩ mới được bầu của Hạ viện sẽ cùng 250 thượng nghị sĩ do chính quyền quân sự chỉ định lựa chọn thủ tướng mới và thành lập chính phủ.

Mỗi đảng muốn đề cử ứng viên thủ tướng cần có tối thiểu 25 ghế tại Hạ viện. Thủ tướng mới của Thái Lan sẽ phải có ít nhất 376 phiếu ủng hộ tại lưỡng viện.

250 thượng nghị sĩ Thái Lan do chính quyền quân sự chỉ định nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu cho ứng viên thân thiện với quân đội. Ngay cả khi Move Forward và Pheu Thai bắt tay nhau, họ chỉ mới đảm bảo được 292 phiếu cho ứng viên thủ tướng mà hai đảng cùng đề cử.

Điều này đồng nghĩa những đảng có số phiếu khiêm tốn hơn như Bhumjaitai có thể giữ vai trò định đoạt cục diện chính trường Thái Lan trong vài tuần tới.

Để nắm chắc phần thắng, Move Forward sẽ phải thương thảo với Pheu Thai về khả năng thành lập liên minh cầm quyền, đồng thời hy vọng thuyết phục được một số thượng nghị sĩ thân quân đội quay sang ủng hộ mình.

Đảng Pheu Thai từng trải qua "kịch bản cay đắng" trong cuộc bầu cử năm 2019. Họ giành được số ghế cao nhất ở Hạ viện nhưng không thể thành lập được chính phủ cầm quyền. Ông Prayuth, cựu tư lệnh lục quân Thái Lan tiến hành cuộc đảo chính năm 2014, cuối cùng vẫn được bầu làm thủ tướng nhờ đàm phán lập liên minh 19 đảng, dẫn đầu bởi đảng Palang Pracharath do quân đội chống lưng.

Saowanee T. Alexander, giáo sư tại Đại học Ubon Ratchathani ở đông bắc Thái Lan, nhận định kết quả gây chấn động của cuộc tổng tuyển cử lần này cho thấy người dân Thái Lan mong muốn thay đổi thực chất sau 9 năm phe quân đội nắm quyền dưới những hình thức khác nhau.

Dù vậy, Alexander cảnh báo chính trường Thái Lan hiện nay vẫn "rất khó đoán" khi Ủy ban Bầu cử (EC) nắm giữ quyền lực lớn và có thể đơn phương xoay chuyển cục diện.

EC sau vài tuần nữa mới công bố kết quả kiểm phiếu chính thức và thống kê số ghế mỗi đảng giành được ở Hạ viện. Trong cùng thời gian đó, họ sẽ xử lý khiếu nại từ ứng viên đảng Palang Pracharath, được nộp ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử, cáo buộc ông Pita Limjaroenrat không công khai đầy đủ tài sản khi tranh cử.

Khiếu nại còn được gửi đến Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC), cơ quan cũng do phe quân đội chi phối và từng tiến hành cuộc điều tra nhắm vào cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra. Lãnh đạo đảng Move Forward kiên quyết khẳng định ông không làm điều gì trái pháp luật, cho rằng đối phương thổi phồng tính nghiêm trọng của vấn đề vốn chỉ mang tính thủ tục.

Thanathorn Juangroongruangkit, lãnh đạo đảng Future Forward, tiền thân của đảng Move Forward, từng rơi vào rắc rối pháp lý tương tự với EC sau cuộc bầu cử năm 2019. Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Thanathorn trước kỳ họp lưỡng viện bầu thủ tướng, sau đó ra phán quyết giải thể đảng Future Forward vì sai phạm luật bầu cử vào đầu năm 2020.

Giới quan sát lo ngại kịch bản năm 2019 có thể tái diễn. Phe quân đội có thể sẽ tìm cách ngăn lực lượng cải cách lên nắm quyền ở Thái Lan, trong đó có kịch bản tiến hành cuộc đảo chính mới, dù tư lệnh lục quân Narongpan Jitkaewthae tuần qua bác bỏ viễn cảnh này.

Susannah Patton, giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Lowy tại Australia, cho rằng kết quả cuộc tổng tuyển cử đã thể hiện rõ nguyện vọng thay đổi của cử tri Thái Lan và các chính trị gia nước này sẽ khó phớt lờ điều đó.

"Bài học trong 20 năm qua với nền chính trị Thái Lan cho thấy: Nếu ai đó tìm cách vô hiệu hóa kết quả bầu cử, đất nước chắc chắn sẽ lún sâu hơn vào bất ổn và phân cực", Patton cảnh báo.

(Nguồn: Vnexpress)

Nạn săn phù thủy đày đọa phụ nữ Ấn Độ

Nạn săn phù thủy - một hủ tục xuất phát từ hiện tượng mê tín dị đoan - đã trở thành công cụ đàn áp phụ nữ ở Ấn Độ.

Durga Mahato bị đám người dẫn vào nhà, cánh cửa đóng sập lại sau lưng cô và trận đòn bắt đầu.

“Cô là phù thủy”, một trong những kẻ tấn công hét lên khi cùng người thân lao vào đấm, đá, tát vào bụng, ngực và mặt của người phụ nữ 26 tuổi.

Khi trận đánh kết thúc sau gần hai giờ đồng hồ, Mahato bị túm tóc lôi ra ngoài, kéo lê khắp ngôi làng và ném xuống cạnh một ngôi đền. Cô bất tỉnh, cơ thể bầm dập.

Durga Mahato là nạn nhân trong vụ tấn công dã man ở bang Jharkhand, miền Đông Ấn Độ, vào năm 2021. Vụ việc là bằng chứng cho thấy Ấn Độ vẫn đang vật lộn với mục tiêu xóa bỏ vấn nạn săn lùng phù thủy lâu đời, bất chấp hàng loạt luật lệ và sáng kiến.

Trong nhiều thế kỷ, hình ảnh phù thủy được dựng nên phần lớn là do hiện tượng mê tín dị đoan trong xã hội Ấn Độ.

Khi mùa màng thất bát, giếng cạn nước hay một thành viên trong gia đình đổ bệnh, dân làng sẽ tìm ai đó - hầu như luôn là phụ nữ - để đổ lỗi cho những điều bất hạnh mà họ không rõ nguyên nhân.

Ngày nay, sự mê tín vẫn chưa biến mất. Những lời buộc tội phù thủy hiện trở thành một công cụ để đàn áp phụ nữ với động cơ chiếm đất, trả đũa hoặc biện minh cho bạo lực, theo New York Times.

Mê tín dị đoan

Theo lời kể của Mahato, rắc rối bắt đầu khi cô khước từ sự quấy rối của một người đàn ông có địa vị trong làng. Sau đó, người đàn ông này cùng anh trai, vợ và con gái họ cáo buộc Mahato là phù thủy, dụ cô đến nhà của họ và thực hiện hành vi bạo lực.

Mahato và chồng Nirmal cho biết người đàn ông này đe dọa cưỡng hiếp cô. Cả 4 kẻ tấn công đã bị buộc tội theo luật chống săn phù thủy, người đàn ông và anh trai được tại ngoại sau vài tháng ngồi tù.

Tuy nhiên, đối với Mahato, hậu quả khi bị gán mác phù thủy không chỉ dừng lại ở việc bị đánh đập dã man.

Cô bị cấm tắm trong ao làng và lấy nước từ vòi công cộng. Một hàng rào gỗ được dựng quanh nhà để ngăn cô đi trong làng. Mọi người liên tục đổ lỗi cho cô về những vấn đề như cái chết của một con bò.

Hiện chỉ còn một số người nói chuyện với Mahato, trong khi những cơn đau ở lưng và thắt lưng vẫn hành hạ cô.

“Tôi đã làm sai điều gì mà ông trời lại giáng cho tôi một hình phạt nặng nề như vậy? (Họ) tùy ý gọi tôi là phù thủy”, cô nói với phóng viên New York Times khi ngồi bên ngoài ngôi nhà gạch, rồi bật khóc.

“Tôi có ba đứa con nhỏ. Tôi không dám nghĩ đến việc tự tử”, Mahato nghẹn ngào.

Các chuyên gia cho biết nạn săn phù thủy vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau ở gần 10 bang của Ấn Độ, chủ yếu tại các khu vực ở miền Trung và miền Đông.

Nhiều tiểu bang đã thông qua luật chống săn phù thủy, thậm chí đưa ra hình phạt nghiêm khắc như tù chung thân. Trong khi đó, một số khu vực như bang Odisha đã xây dựng các đài tưởng niệm nạn nhân tại đồn cảnh sát, theo Indian Express.

Khi bị coi là phù thủy, nhiều phụ nữ bị rút móng tay, ép ăn phân hay đánh đập đến bầm dập, thậm chí bị thiêu hoặc treo cổ. Theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, từ năm 2010 đến năm 2021, hơn 1.500 người đã thiệt mạng ở Ấn Độ vì nạn săn phù thủy.

Các cuộc săn lùng đặc biệt phổ biến ở bang Jharkhand, nơi các bộ lạc bản địa chiếm khoảng 1/4 dân số. Tai họa ập đến với Mahato chỉ là một trong 854 vụ liên quan đến phù thủy được ghi nhận tại bang này vào năm 2021, trong đó 32 vụ dẫn đến chết người.

Trước tình trạng này, bang Jharkhand đã tiến hành nhiều biện pháp, trong đó có dự án Garima, triển khai khoảng 25 “đội chiến dịch phòng chống săn lùng phù thủy” tổ chức các vở kịch trên đường phố nhằm nâng cao nhận thức.

Bang Jharkhand cũng thành lập các trung tâm hỗ trợ pháp lý và nơi lưu trú ngắn hạn cho các nạn nhân. Bên cạnh đó, nhân viên thành phố trực tiếp liên lạc với nạn nhân để cập nhật thông tin về tình trạng tâm lý và kinh tế của họ.

Tuy nhiên, nỗ lực này là chưa đủ.

Madhu Mehra, nhà sáng lập nhóm hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ, chỉ ra rằng theo kết quả nghiên cứu về nạn săn lùng phù thủy tại ba bang - bao gồm cả Jharkhand - cảnh sát thường chỉ can thiệp vào các trường hợp giết người hoặc cố ý giết người. Điều đó góp phần khiến hủ tục này tiếp tục tồn tại.

Hủ tục lâu đời

Với Mahato, sự hỗ trợ hữu ích nhất không đến từ giới chức trách, mà là một nạn nhân khác của cuộc săn lùng phù thủy - bà Chhutni Mahato, người được chính phủ Ấn Độ công nhận vì nỗ lực loại bỏ hủ tục này.

Dì của Durga Mahato đã nghe về công việc của bà Chhutni. Nhờ đó, Durga tìm được nơi ẩn náu suốt nhiều tuần trong ngôi nhà lợp ngói và bùn của bà Chhutni sau khi trải qua hai tuần trong bệnh viện.

Những chiếc răng gãy là minh chứng cho sự tra tấn mà bà Chhutni từng chịu dưới bàn tay của dân làng - những người đổ lỗi cho bà về căn bệnh của một bé gái. Bà đã bỏ trốn và bắt đầu làm việc với một tổ chức phi chính phủ nhiều năm sau đó.

Bà thường xuyên xông vào đồn cảnh sát yêu cầu xử lý các vụ săn phù thủy và mắng mỏ trưởng làng qua điện thoại. Tính đến nay, bà Chhutni đã giúp đỡ hơn 150 phụ nữ trong bang, một trong số đó là Dukhu Majhi, sống cách Durga vài trăm km.

Majhi bị gán mác phù thủy chỉ vì cô không phù hợp với kỳ vọng của hàng xóm. Dân làng tự hỏi làm thế nào một “người phụ nữ bình thường” có thể sống một mình với những đứa con nhỏ sâu trong rừng, trong khi chồng đi làm ăn.

“Nếu ai đó đau bụng, tôi bị đổ lỗi. Nếu họ đau đầu, tôi cũng bị đổ lỗi. Họ sẽ đứng bên ngoài nhà tôi và hét lên: 'Bà ta là mụ phù thủy khiến chúng tôi đau khổ’”, cô kể lại. “Tôi sẽ vặn lại: Tôi có trở thành phù thủy chỉ vì bạn nói vậy không?”.

Đến tháng 7/2022, dân làng cầm rìu và gậy đuổi theo Majhi. Khi cô chạy về nhà, họ đập và cố phá cửa. “Tôi bám chặt vào các con. Tất cả chúng tôi đều run rẩy”, Majhi nhớ lại.

Cô và chồng đã khiếu nại với cảnh sát. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn gần đây với New York Times, ông Pintu Mahato - cảnh sát địa phương - đã xem nhẹ vụ việc. Ông nói rằng vụ việc đã được các già làng giải quyết ổn thỏa và mọi người lại sống hạnh phúc bên nhau.

Trên thực tế, Majhi đã rời khỏi nhà ngay sau vụ tấn công. Cô và gia đình tìm đến bà Chhutni để lánh nạn trong vài ngày trước khi chuyển đến căn phòng gần một thành phố lớn hơn. Chồng cô đã tìm được một công việc mới.

(Nguồn: Zing News)

Indonesia từ chối liên minh với Mỹ, khẳng định trung lập trong quân sự

(Ảnh minh họa).

Trong chuyến thăm đến Indonesia, Đại tướng Mỹ James McConville một lần nữa đề cập đến việc mong muốn Indonesia tăng cường hợp tác quân sự với Washington.

Theo Sputnik , Tổng tham mưu trưởng lục quân Mỹ, Đại tướng James McConville trong chuyến công du đến Indonesia mới đây đã một lần nữa kêu gọi Jakarta tăng cường hợp tác quân sự hơn nữa với Washington. Đây là một phần trong kế hoạch mà Mỹ tuyên bố sẽ giúp mang lại hòa bình cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto ngày 12/5, tướng McConville nói rằng những nỗ lực của Mỹ chỉ hướng đến ổn định, hòa bình cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Chúng tôi có nhiều bạn bè trong khu vực và chúng tôi hợp tác chặt chẽ với nhau. Tất cả chúng ta đều có chung lợi ích khi khu vực hòa bình, an ninh, ổn định. Đó là lý do tại sao chúng tôi làm việc cùng nhau để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cho tất cả mọi người” , tướng McConville cho biết.

Về phần mình, Bộ trưởng Subianto mô tả hòa bình và ổn định trong khu vực là “mối quan tâm” của Jakarta, nhưng khẳng định Indonesia sẽ duy trì chính sách trung lập, cam kết tiếp tục theo đuổi mối quan hệ với tất cả các quốc gia trên thế giới – đặc biệt là tất cả các cường quốc.

Theo Sputnik , tướng McConville đến Indonesia ngay sau chuyến công du Philippines 11/5. Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Mỹ và Philippines tổ chức các cuộc tập quy mô lớn chưa từng có.

Lập trường của Indonesia trong việc duy trì chính sách trung lập và không mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ trong những năm qua gần như không thay đổi. Jakarta cũng giữ một quan điểm như vậy đối với các đề nghị hợp tác quân sự từ Bắc Kinh, cho dù Bộ trưởng Subianto từng hứa sẽ nối lại các cuộc tập trận chung giữa hai bên.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang