Bảo hiểm nhân thọ cần biết: Khi phải hủy ngang hợp đồng

Lí do chủ yếu thường do eo hẹp về tài chính, thất nghiệp không có thu nhập, hoặc khách hàng cần gấp một khoản tiền ngoài kế hoạch. Khi hợp đồng mới thực hiện được ít năm, hủy ngang hợp đồng gần như đồng nghĩa với việc chấp nhận thiệt hại cả vốn lẫn lãi. Kể cả khi hợp đồng đã kéo dài được nhiều năm, cắt bỏ trước thời hạn là điều cần phải suy nghĩ.

Bộ luật Xã hội Đức quyển II (SGB II) quy định, thất nghiệp hay hưởng chế độ Hartz 4 không bắt buộc phải cắt bỏ bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm hưu trí tư nhân, nếu các loại bảo hiểm này được đóng ở mức cho phép. Theo đó, người hưởng chế độ Hartz 4 có quyền tiếp tục sở hữu tất cả các loại bảo hiểm có tính chất tiết kiệm và tích trữ tài sản nếu tổng giá trị tài sản không vượt quá mức giới hạn. Mức này phụ thuộc vào độ tuổi từng người và loại bảo hiểm của người đó hiện có.

Trường hợp điều kiện không cho phép để tiếp tục bảo hiểm, thay vì phải cắt bỏ hợp đồng, khách hàng có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm thiểu thiệt hại kinh tế:

1. Tạm dừng hợp đồng bảo hiểm

Tạm dừng có nghĩa không phải đóng phí bảo hiểm tiếp tục hàng tháng. Tuy nhiên, kết thúc thời hạn hợp đồng vẫn được hưởng lãi suất cho số tiền đã đóng, vẫn cao hơn số bảo hiểm hoàn trả khi hủy ngang hợp đồng hay bán nó. Thời gian tạm dừng phụ thuộc vào từng loại hợp đồng và có thể kéo dài đến 3 năm. Về nguyên tắc, hợp đồng bảo hiểm sau lúc tạm dừng, nên nối lại càng sớm càng tốt, bởi trong thời gian tạm dừng, các chế độ bảo hiểm thấp hơn rất nhiều so với thoả thuận lúc ký ban đầu. Thời gian tạm dừng nếu quá lâu, hợp đồng có thể sẽ không nối lại được. Khi đó chỉ còn cách hủy ngang hoặc tiếp tục dừng hợp đồng cho đến khi kết thúc.

2. Giảm mức đóng hàng tháng

Nếu xác định khả năng tài chính không thể cải thiện trong thời gian lâu dài, có thể giảm mức đóng tiền hàng tháng xuống mức hợp lí hơn. Tuy nhiên cần phải chú ý rằng, có nhiều loại bảo hiểm không cho phép nâng mức đóng trở lại, sau khi đã một lần giảm xuống.

3. Tạm ứng bảo hiểm

Khi đóng bảo hiểm đã kéo dài được một thời gian, hợp đồng bảo hiểm sẽ có một giá trị nhất định, gọi là Rückkaufwert. Lúc đó, nếu cắt huỷ hợp đồng, khách hàng sẽ nhận lại được khoản tiền tương ứng với giá trị này. Giá trị Rückaufwert có thể sẽ thấp hơn số tiền khách hàng đã đóng vào hợp đồng bảo hiểm, nếu hợp đồng bị cắt bỏ giữa chừng quá sớm. Để đáp ứng nhu cầu cần vốn và không bị thiệt hại kinh tế vì phải cắt bỏ hợp đồng bảo hiểm, khách hàng có thể làm thủ tục xin tạm ứng trước một khoản tiền tối đa là bằng giá trị Rückkaufwert vào thời điểm đó. Số tiền tạm ứng trước khách hàng có thể trả lại bất cứ lúc nào vào hợp đồng bảo hiểm của mình, muộn nhất là khi kết thúc hợp đồng. Lúc đó số tiền đã tạm ứng trước sẽ được khấu trừ vào tiền tiết kiệm bảo hiểm khách hàng nhận được khi hợp đồng kết thúc.

4. Bán lại hợp đồng bảo hiểm

Cần vốn nhưng cũng không có nhu cầu tiếp tục bảo hiểm nữa, khách hàng có thể bán lại hợp đồng cho người khác. Có lợi nhất và hầu như không bị thiệt hại gì là bán lại hợp đồng bảo hiểm cho thân nhân ở cấp số 1 (vợ chồng, con cái, cha mẹ). Nếu phương án đó không thực hiện được, thì các công ty chuyên kinh doanh mua lại bảo hiểm là nơi tiếp theo để có thể nói về chuyện đó, trước khi cắt huỷ hợp đồng. Theo kinh nghiệm, các công ty kinh doanh thường mua lại hợp đồng bảo hiểm với giá cao hơn giá trị Rückkaufwert, tuy nhiên thủ tục thường kéo dài và có phần phức tạp hơn. Ngoài ra không phải hợp đồng nào cũng bán được thông qua hình thức này bởi các công ty thường xem xét rất kỹ khả năng mang lại lợi ích kinh tế cho họ khi mua lại. Theo trung tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng không ít công ty mua lại bảo hiểm với giá còn thấp hơn giá trị Rückkaufwert hoặc không thanh toán giá mua ngay lập tức mà theo hình thức trả dần. Điều này quả rất bất lợi. Vì thế trước lúc quyết định, cần tìm hiểu kỹ và so sánh giá cả của các công ty này đưa ra với giá trị Rückkaufwert đã được hãng bảo hiểm thông báo.

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang