Bánh trung thu trứng chảy ngập chợ; XK rau quả sang TQ tăng; Dự án ma – miếng phô mai trong bẫy; NĐT rao bán đất gấp

Liên tục bị "truy quét", bánh trung thu trứng chảy vẫn bán ngập chợ

(Ảnh minh họa).

Bánh trung thu trứng chảy, bánh nướng ngàn lớp nhập lậu, không hóa đơn chứng từ dù liên tục bị lực lượng chức năng thu giữ nhưng vẫn được bày bán công khai từ chợ, cửa hàng đến các trang bán hàng online.

Ngày 16/9, tại khu vực kinh doanh bánh kẹo trong chợ Bình Tây (quận 6), khách hàng dễ dàng tìm mua đủ các loại bánh trung thu trứng chảy đang gây sốt trên thị trường.

Tại sạp B., khi khách hỏi mua bánh trung thu nội địa Trung Quốc, người bán giới thiệu có bánh nướng ngàn lớp trứng muối tan chảy nhưng chỉ bán sỉ dạng thùng 2,5 kg (45 cái), giá 250.000 đồng/thùng, không bán lẻ.

Theo lời người bán, bánh này rất chạy hàng vì có vị ngọt vừa phải, vỏ ngoài giòn như bánh pía, lớp trong thì dẻo như bánh mochi tươi (loại bánh của Nhật), lớp thứ ba lại giống bánh custard Việt Nam rồi mới đến nhân kim sa trứng muối. "Hiện bánh không có sẵn tại quầy, muốn mua thì tôi kêu người chở đến, chỉ bán nguyên thùng và không khui lẻ" - nhân viên cho biết.

Trong khi đó, tại sạp Đ., nhân viên chào mời nhiều loại bánh trung thu độc lạ đang sốt trên thị trường như bánh trung thu hiệu Liuxinxu ngàn lớp trứng muối tan chảy giá 50.000 đồng/hộp 6 cái (55 gam/cái); bánh lava trứng giòn chảy Bibizan và bánh trung thu Bibizan, giá 70.000 đồng/hộp 12 cái (45 gam/cái). Tất cả đều là hàng nội địa Đài Loan (Trung Quốc), hạn sử dụng 90 ngày.

Người bán quảng cáo, đây là loại bánh "làm mưa làm gió" trên thị trường mỗi mùa trung thu. Các loại bánh trứng chảy có vị vừa phải, không quá mặn cũng không ngấy; trứng muối dẻo quyện béo ngậy; lớp vỏ bánh mềm béo, thoang thoảng vị bơ… nên giới trẻ rất ưa chuộng. Hàng về bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.

Quan sát sản phẩm, hầu hết đều được đóng gói bao bì sang chảnh, đẹp mắt. Ngoài vỏ hộp đều có tiếng nước ngoài, tất cả đều không có nhãn phụ tiếng Việt.

"Khách mua đều đã từng sử dụng hoặc quen thuộc với sản phẩm này nên không cần nhãn tiếng Việt. Hơn nữa, đây là hàng 'xịn', xách tay từ nước ngoài về nên bên đó nhãn thế nào mình bán y vậy. Mỗi loại bánh chỉ có vài hộp, khách muốn mua nhiều đều phải đặt trước" - nhân viên bán hàng nói.

Còn tại các trang bán hàng trên Facebook, Zalo, TikTok… dân kinh doanh online cũng liên tục giới thiệu, chào hàng bánh trung thu trứng muối tan chảy nhập khẩu. Tài khoản T.H thường xuyên đăng các clip về loại bánh này với giá cực sốc, chỉ 100.000 đồng/hộp 8 cái (450 gram) với 2 vị là trứng chảy truyền thống và socola. Mua từ 2 hộp trở lên còn được giảm giá. Bên dưới mỗi bài viết có cả trăm bình luận hỏi giá cả, đặt mua hàng… rất sôi nổi.

Chị Hương (dân kinh doanh online) cho biết, cứ đến mùa trung thu lại kinh doanh mặt hàng này. "Mỗi hộp bánh có từ 6 - 8 cái, giá từ 80.000 - 120.000 đồng/hộp, tính ra mỗi cái bánh chỉ từ 12.000 - 13.000 đồng, vị lại ngon lạ nên khách mua rất nhiều. Mỗi tháng tôi bán vài trăm hộp như thế" - Hương nói.

Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tục phát hiện, thu giữ các sản phẩm bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ.

Tại TPHCM, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT TPHCM đã bất ngờ điểm kinh doanh trên đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận), phát hiện 222 cái bánh trứng chảy (dạng bánh khi cắt đi lớp vỏ bên ngoài thì nhân trứng bên trong sệt đặc sánh chảy ra), loại 6 cái/hộp; 16 cái bánh trung thu, loại 8 cái/hộp, không ghi xuất xứ.

Tại điểm kinh doanh trên đường Điện Biên Phủ (phường 4, quận 3), lực lượng chức năng phát hiện 234 cái bánh trứng chảy, loại 6 cái/hộp không rõ xuất xứ. Điểm kinh doanh thực phẩm trên đường Hoa Sứ (phường 7, quận Phú Nhuận), đội cùng phát hiện hơn 400 bánh trung thu trứng chảy, loại 6 cái/hộp 330g, nhãn hiệu Bei Yue Wan, không ghi xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ.

Đội QLTT số 17 cũng thu giữ 216 bánh trung thu nhập lậu hiệu Pamiriter, loại 50g/cái (6 cái/hộp) tại điểm kinh doanh thực phẩm bánh kẹo trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 21, quận Bình Thạnh).

Đội QLTT số 12 phát hiện 200 cái bánh trung thu hiệu KK LAVA CUSTARD, loại 50g/cái không có hóa đơn, chứng từ, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tài liệu liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn cho người sử dụng…

Theo ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục QLTT TPHCM, đối với thị trường bánh trung thu, đơn vị đang tăng cường giám sát đối với loại mặt hàng này. Ông Huy khuyến cáo người tiêu dùng không mua các loại bánh trung thu nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, hoặc khi có nghi ngờ về chất lượng.

Với mặt hàng bánh trung thu, Cục QLTT TPHCM đã kiểm tra, xử lý 7 vụ vi phạm về các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tạm giữ gần 2.000 cái bánh trung thu các loại với trị giá hàng hóa vi phạm hơn 47 triệu đồng. Lực lượng QLTT cũng đã xử phạt 4 vụ với số tiền 34 triệu đồng và buộc tiêu hủy gần 1.500 cái bánh trung thu với trị giá khoảng 35,5 triệu đồng.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng trưởng rất tích cực

Trung Quốc đang là thị trường đứng đầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất các loại rau quả và luôn có sự tăng trưởng rất tích cực với hai con số từ đầu năm.

Trao đổi với phóng viên nhân dịp tham gia Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại-đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc các nghị định thư về các mặt hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng gồm: dưa hấu từ mặt hàng xuất khẩu truyền thống chuyển sang ký nghị định thư để chuẩn hóa quy định; sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi. Nếu giải quyết được đồng bộ các vấn đề trong xuất khẩu các mặt hàng này, thì việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn rất nhiều.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng 2023, giá trị nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đạt 33,21 tỷ USD. Riêng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc ước đạt 7,28 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng cao nhất với 22% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Trung Quốc đứng đầu nhập khẩu rau quả Việt Nam. Nhóm mặt hàng này cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 8 tháng năm 2023 đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trái cây, mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu rau quả là sầu riêng (35%), thanh long (13%), chuối (6%), xoài (6%), mít (5%)… Đây cũng là những mặt hàng Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu nhiều.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu sầu riêng của nước này trong nửa đầu năm nay đạt 787.000 tấn, trị giá 3,83 tỷ USD, tăng lần lượt 57,1% và 64,9% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường cung cấp chính là từ Thái Lan (600.000 tấn), Việt Nam (186.000 tấn) và Philippines (484 tấn).

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy cho biết, mặc dù Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên trái cây Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo xuất khẩu trái cây sẽ tiếp tục khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng, mít… đều là những mặt hàng trái cây nhiệt đới Trung Quốc chưa trồng được hoặc trồng được nhưng chất lượng không cao nên tiềm năng và cơ hội để trái cây Việt khai thác rất lớn và tăng giá trị xuất khẩu trong những năm tiếp theo.

“Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm mít, thanh long…”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhận định.

Điển hình như sầu riêng chính vụ ở vùng Tây Nguyên với sản lượng và diện tích rất lớn, đặc biệt là trái vụ so với các nước khác đã bắt đầu vào vụ sẽ góp phần đưa giá trị xuất khẩu rau quả còn tiếp tục tăng cao. Thời điểm này hầu như chỉ có Việt Nam có vụ sầu riêng và đây là lợi thế về xuất khẩu. Sản lượng và giá trị xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng rất nhiều.

Để sẵn sàng nắm cơ hội này, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng với số lượng lớn mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng, uy tín, Cục Bảo vệ thực vật cho biết.

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), để khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần xây dựng thương hiệu sản phẩm và xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, để đảm bảo về chất lượng hàng hoá cũng như tránh những rủi ro không đáng có. Địa phương, doanh nghiệp sản xuất cũng cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt của Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nguồn cung trái cây chính từ nay đến cuối năm rất dồi dào như: xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, mít…. Nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước sẽ đạt 5 tỷ USD trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Hiện có 12 mặt hàng rau quả được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi và khoai lang. Trung Quốc đã đồng ý xuất khẩu thí điểm mặt hàng chanh leo, ớt.

‘Dự án ma’ và chuyện ‘miếng phô mai trong cái bẫy’

(Ảnh minh họa).

Chuyện nhà đầu tư mất tiền vào “dự án ma” không còn là hiếm, những kẻ lừa đảo lần lượt phải tra tay vào còng, nhưng nhiều người vẫn chưa rút ra bài học cho riêng mình.

Chiêu lừa tinh vi

Theo cáo buộc, ngày 9/5/2018, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba), bà Trương Thị Hồng Ngọc (Giám đốc Công ty Tia Chớp - Công ty con của Công ty Alibaba) mua hơn 54 nghìn m2 đất tại xã Phước Bình (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Bà Ngọc đã đại diện cho Công ty Tia Chớp ký hợp đồng hợp tác với Công ty Alibaba về việc giao cho Công ty Alibaba thực hiện các công việc tìm kiếm khách hàng, tư vấn bán hàng, nhận tiền đặt cọc… để thực hiện phân phối sản phẩm đất nền thuộc thửa đất 54 ngàn m2 trên.

Sau đó, ông Luyện đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới tự vẽ dự án Alibaba Phước Bình Central Park, bằng cách chia thửa đất nông nghiệp thành từng lô và lừa bán cho nhiều khách hàng, chiếm đoạt số tiền lớn.

Ngày 22/5/2018, bà Ngọc tiếp tục mua 2 thửa đất khác ở xã Phước Bình, với tổng diện tích hơn 55 nghìn m2. Tiếp đó, bà Ngọc ký hợp đồng hợp tác giao cho Công ty Alibaba thực hiện các công việc tìm kiếm khách hàng, tư vấn bán hàng… để ông Luyện chỉ đạo cấp dưới tự vẽ dự án Alibaba Phước Bình Central Park 2 rồi chia lô ra lừa bán cho nhiều khách hàng.

Sau đó, ông Luyện chỉ đạo giám đốc các công ty con của Công ty Alibaba mua hàng trăm nghìn m2 đất tại các xã ở địa bàn huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa- Vũng Tàu), huyện Hàm Tân (Bình Thuận) lập thành các dự án Alibaba Phước Thái Capital; Alibaba Long Phước Industry; Alibaba Phú Mỹ Central City; Alibaba Phú Mỹ Central City 2; Ali Venice City; Alibaba Phú Mỹ Center City, để lừa bán cho các khách hàng.

Qua xác minh tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại các địa phương, toàn bộ đất ở các dự án trên đều là đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm hoặc đất trồng cây hàng năm).

UBND các địa phương nơi Công ty Alibaba lập dự án không hề nhận được hồ sơ xin lập dự án và Công ty Alibaba cũng không làm thủ tục xin cấp phép đầu tư dự án phân lô, bán nền tại các thửa đất nói trên. Nhưng đã có 1.418 người bị hại đổ tiền đầu tư vào các “dự án ma” kể trên.

Tháng 5/2023, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện án tù chung thân.

Nữ đại gia lừa bán đất tại dự án “ma” Golden Lake

Tháng 7/2022, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bà Bạch Thị Thu Hường (cựu TGĐ Công ty CP đầu tư Bất động sản Cổng Vàng- viết tắt là Công ty Cổng Vàng) mức án 14 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến vụ án, HĐXX cũng tuyên phạt Phạm Mạnh Cường (cựu Phó TGĐ Công ty Cổng Vàng), Nguyễn Văn Phương (SN 1990, ở Hà Nội): 10 năm tù và Nguyễn Thanh Hải (SN 1968, ở Hà Nội): 12 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo bản án sơ thẩm, khoảng tháng 4/2019, TGĐ Công ty Cổng Vàng Bạch Thị Thu Hường và Phó TGĐ Phạm Mạnh Cường bàn bạc thỏa thuận với bị cáo Nguyễn Thanh Hải về việc bà Hường đặt cọc cho ông Hải 1 tỷ đồng để mua 10.000 m2 đất nông nghiệp của vợ chồng ông Hải.

Ông Hải cam kết sẽ phân lô, tách thửa, xây dựng cơ sở hạ tầng thửa đất và làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc.

Đến đầu tháng 5/2019, bà Hường ký hợp đồng đặt cọc 1 tỷ đồng cho vợ chồng ông Hải để mua 10.000 m2 đất nông nghiệp nói trên. Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, bà Hường thuê người vẽ sơ đồ thửa đất thành 101 lô, tổng diện tích hơn 11.000 m2, đặt tên là "Khu dân cư Golden Lake".

Đến ngày 9/5/2019, bà Hường thoả thuận ký hợp đồng cho Công ty Grand Realty của bị cáo Nguyễn Văn Phương được độc quyền quảng cáo bán các lô đất theo bản đồ phân lô, với phí hoa hồng 15% giá trị các lô đất bán được theo bảng giá của Công ty Cổng Vàng.

Ông Phương đã liên kết với các công ty môi giới để quảng cáo bán đất nền dự án Golden Lake. Bị cáo cung cấp thông tin, tài liệu về dự án cho nhân viên các công ty môi giới bất động sản để đăng tin, hình ảnh sơ đồ phân lô thửa đất, viết bài quảng cáo về dự án Khu dân cư Golden Lake trên mạng Internet, mạng xã hội Zalo, Facebook để tìm kiếm khách hàng.

Bị cáo còn sử dụng danh nghĩa Công ty Grand Land do mình là Chủ tịch HĐQT để gửi thư mời, tổ chức hội thảo tại trụ sở công ty để các nhân viên môi giới mời khách đến tham dự. Tại hội thảo, ông Phương giới thiệu các thông tin về quy hoạch và tiềm năng phát triển khu vực Hòa Lạc, thông tin về dự án Khu dân cư Golden Lake và tiềm năng đầu tư với khách hàng...

Từ ngày 17/5-1/7/2019, có 70 khách hàng tin tưởng vào các thông tin quảng cáo của Công ty Cổng Vàng và các công ty môi giới bất động sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nên ký hợp đồng với bà Hường để mua 78 lô đất trong tổng số 101 lô đất.

Bà Hường đã thu của 70 khách hàng đặt mua 78 lô đất số tiền hơn 60 tỷ đồng. Khi biết khu dân cư Golden Lake chỉ là “dự án ma”, khách hàng đã đòi lại tiền.

Câu chuyện mất tiền vào “dự án ma” như trên không còn là hiếm, những kẻ lừa đảo lần lượt phải tra tay vào còng, nhưng dường như nhiều nhà đầu tư vẫn chưa rút ra bài học cho riêng mình.

Theo thống kê của Bộ Công an, hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng loại tội phạm lừa đảo này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cục Cảnh sát hình sự (C02- Bộ Công an) chỉ ra nguyên nhân tội phạm lừa đảo vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng là do công tác tuyên truyền chưa được sâu, rộng dẫn đến việc người dân chưa hiểu biết, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách xã hội, đầu tư sản xuất...

Theo đại diện C02, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng thường dùng nhiều thủ đoạn, trong đó phải kể đến chiêu lừa đảo thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền ảo và dự án bất động sản…

Các đối tượng lừa đảo lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư, kinh doanh (với cam kết về các khoản lợi nhuận rất lớn, số tiền đầu tư ít) nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt số tiền của người tham gia.

Thị trường khó đoán, nhà đầu tư bất động sản không "ngộp" cũng rao bán gấp

Không ít nhà đầu tư không có áp lực tài chính nhưng cũng rao bán gấp, do sợ bị "chôn" vốn, hoặc tìm sản phẩm mới, kênh đầu tư khác thay vì ngồi suy đoán về thị trường.

Nhà đầu tư không "ngộp" cũng bán

Từ cuối năm ngoái, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng. Tâm lý của nhà đầu tư cũng trùng xuống. Đến nay, mặc dù thị trường đã phát đi những tín hiệu tích cực, song nhiều nhà đầu tư vẫn trong trạng thái bất an, lo lắng. Thậm chí có trường hợp không kẹt tiền vẫn muốn bán.

Vì lo sợ sẽ tiếp tục bị chôn vốn vào bất động sản, anh Nguyễn Toàn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã quyết định rao bán mảnh đất rộng 120m2 tại Sóc Sơn (Hà Nội) với mức giá 2,5 tỷ đồng. Giá bán này đã giảm khoảng 700 triệu đồng so với thời điểm đầu năm ngoái anh mua mảnh đất.

"Tôi cứ gửi môi giới rao bán vậy thôi, cũng chưa biết sẽ bán được với giá bao nhiêu. Bởi, khu vực xung quanh hiện tại rất nhiều người rao bán cắt lỗ. Thực tế, khi mua mảnh đất này tôi vay gần 1 tỷ đồng, đến nay cũng không bị áp lực tài chính đè nặng, vẫn đủ khả năng thanh toán hàng tháng", anh Toàn nói.

Theo anh Toàn, nguyên nhân khiến anh quyết định bán là tâm lý lo lắng về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản. "Biết đâu không bán giá lại giảm tiếp, nếu giá đi ngang cũng cần thời gian rất lâu để tăng trở lại. Do đó, nếu bán được tôi sẽ tìm kênh đầu tư khác bỏ tiền vào", anh Toàn nói.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản giằng co, việc nhà đầu tư xuất hiện tâm lý bất an cũng là điều dễ hiểu. Bởi, họ chưa biết chắc chắn liệu thị trường từ nay tới cuối năm sẽ diễn biến thế nào và có thêm biến cố gì xảy ra.

Theo anh Vũ Thanh Tùng - chủ một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội - thời gian qua thị trường xuất hiện một số trường hợp không "ngộp" tài chính nhưng cũng rao bán gấp. Những trường hợp này chủ yếu rơi vào các nhà đầu tư mới, sở hữu 1-2 tài sản, có sử dụng đòn bẩy nhưng tỷ lệ thấp.

Ngoài ra, theo anh Tùng, cũng có trường hợp nhà đầu tư sở hữu nhiều bất động sản cùng lúc, có đủ tài chính để gồng chờ thị trường nhưng tâm lý sợ rằng, không rõ trong thời gian tới kịch bản thị trường bất động sản có diễn biến xấu đi. Vì thế, họ vẫn rao bán tài sản, thậm chí cắt lỗ so với thời điểm mua.

Bên cạnh đó, có những trường hợp họ thay đổi kế hoạch đầu tư, bán đi để mua bất động sản mới có lợi thế tốt hơn hoặc tìm kiếm kênh đầu tư khác.

"Một số khác họ nắm giữ tài sản đang trong tâm lý lo lắng khi nhìn thấy kinh tế khó khăn nên muốn trữ tiền mặt. Họ chọn việc bán tài sản để cầm tiền thay vì dựa vào sự khó đoán của thị trường. Do đó, việc bán bất động sản hay tiếp tục nắm giữ sẽ phụ thuộc vào quan điểm đầu tư của mỗi người", môi giới này cho biết.

Tâm lý giằng co đang cản trở thị trường?

Thực tế cho thấy, sau khi thị trường bất động sản trải qua "cú phanh gấp" tâm lý của nhà đầu tư có phần bị ảnh hưởng. Tâm lý của người mua chưa ổn định trở lại được đánh giá là rào cản cho sự hồi phục của thị trường trong thời điểm hiện tại.

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, thị trường bất động sản thời điểm hiện tại đã hội tụ đầy đủ những yếu tố cần và đủ để phục hồi. Thứ nhất, giá bất động sản đã giảm, là cơ hội để người mua xuống tiền.

Thứ hai, những dự án đang mở bán có chính sách giảm trực tiếp về giá bán hoặc thông qua chương trình ưu đãi và kéo dài lịch thanh toán. Vì thế, yếu tố đang cản trở thị trường bất động sản hồi phục là sức ì về tâm lý và phải mất thời gian để xóa bỏ.

Ông Quang nói 2023 vẫn là một năm nhiều thử thách, khó khăn với thị trường bất động sản. Ông hy vọng khó khăn này sẽ giảm dần theo thời gian, đến năm 2024 thị trường bất động sản sẽ hồi phục, nhưng sẽ là hồi phục dần dần.

"Những khó khăn của thị trường địa ốc chắc chắn không thể tan nhanh trong một sớm một chiều. Kể từ quý IV năm nay, nếu như những yếu tố hỗ trợ thị trường xuất hiện đầy đủ và với tần suất dày đặc (bao gồm chứng khoán tăng trưởng ổn định, lãi suất tiết kiệm giảm sâu và lãi suất cho vay mở rộng cho bất động sản), "khối băng" địa ốc sẽ dần tan rã", vị này chia sẻ.

Còn theo chuyên gia Đinh Minh Tuấn, thế giằng co của nhà đầu tư đất nền dự báo có thể sẽ sớm kết thúc vào khoảng nửa đầu năm 2024 khi những khó khăn của lĩnh vực bất động sản dịu đi và thị trường đi vào giai đoạn phục hồi.

Nhận định về xu hướng mua bán, đầu tư đất nền trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, đây vẫn sẽ là loại hình nhận được nhiều sự quan tâm. Dù sụt giảm sâu về giá bán và giao dịch, sức cầu chung của phân khúc này dự kiến tăng nhẹ trong các tháng cuối năm nay, nhưng sẽ khó có những đột biến và giao dịch tập trung ở khu vực có biến động hạ tầng và pháp lý minh bạch.

Nguồn: Kenh14; CafeF; Vietnamnet; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Checklist các loại bảo hiểm có tác dụng GIảm Thuế

Những loại bảo hiểm nào có tác dụng giảm thuế/ được hỗ trợ thuế/ xin lại được thuế?

các loại bảo hiểm bắt buộc cũng như tự nguyện được chính phủ khuyến khích và có tác dụng tiết kiệm tiền thuế:

1. Bảo hiểm y tế/ Krankenversicherung

2. Bảo hiểm nuôi dưỡng lúc bị tàn phế / Pflegeversicherung.

3. Bảo hiểm thất nghiệp/ Arbeitslosenversicherung.

4. Bảo hiểm trách nhiệm khi vô tình gây hại cho ngườikhác / Haftpflichtversicherung.

5. Erwerbs- und Berufsunfähigkeitsversicherung/ Bảo hiểm mất sức lao động

6. Unfallversicherung / Bảo hiểm tai nạn

7. Bảo hiểm hưu trí / Altersvorsorgeleistungen.

8. Bảo hiểm nhân thọ / Risikolebensversicherung

9. Krankentagegeld- und Krankenhaustagegeldversicherungen.

10. Rechtschutzversicherung

Quan trọng cần để ý lúc này là giới hạn cho việc khấu trừ thuế tổng các loại không quá:

- 1900e (3800e đối với cặp vợ chồng) đối với: Người đi làm công (Angestellter), Công chức (Beamter), và người về hưu (Rentner)

- 2800e đối với người Selbständiger

Ở đây mình xin nói đến những nhóm bảo hiểm đặc biệt quan trọng trong việc khấu trừ thuế trước, từ từ mình sẽ thêm những mục khác vào sau.

Số 8: Bảo hiểm hưu trí / Altersvorsorgeleistungen Bảo hiểm được tính là chi phí đặc biệt (Sonderausgaben), thuộc nhóm này chính là các loại bảo hiểm về hưu trí (ví dụ: BasisRente, Rürup Rente, RisterRente..) các loại bảo hiểm tiết kiệm dài hạn (private Altersvorsorge, Vermögensaufbau…). Chính vì vậy việc dành một khoản hàng tháng tiết kiệm cho hưu trí là một điều quan trọng, và lại rất phải chăng khi chúng ta còn khấu trừ được thuế từ đó nữa.

Anh chị có thể liên hệ để biết chính xác loại Hưu trí của mình, hoặc liên hệ tư vấn để mua chính xác loại dành cho mình tại www.taichinh360.de

Số 1 và 2. Bảo hiểm y tế và bảo hiểm thương tật tàn phế Kranken- und Pflegeversicherung.

Đối với 2 loại bảo hiểm này bạn cứ khai đầy đủ lúc khai thuế, kể cả phần của vợ/chồng/partner và con cái. Phần lớn các anh chị làm công đều đã đạt mức tối đa giảm thuế trong mục này, nhưng chắc ăn thì mình vẫn liệt kê ra, finanzamt sẽ tự tính là phần nào còn giảm thuế được và không

Quan trọng của nhóm bảo hiểm này là Basisbeitrag (14,6% giống nhau giữa các hãng bảo hiểm) và Zusatzbeitrag (1,3-1,7% chênh nhau giữa các hãng bảo hiểm). Phần Basisbeitrag thường mọi người làm công đều đạt mức giảm thuế tối đa như ở trên mình có nói. Phần Zusatzbeitrag thì sẽ là phần được giảm thuế extra nữa mà mọi người đều nên để ý khi khai thuế

Basisbeitrag và Zusatzbeitrag của Krankenversicherung có thể tìm thấy ở đâu?

Basisbeitrag có thể thấy ngay trong Lohnabrechnung hàng tháng.

Zusatzbeitrag nằm trong hóa đón của hãng bảo hiểm gửi cho mình, họ có thống kê là ví dụ AOK là 1,7%, tương ứng với bao nhiêu đây tiền...

Loại bảo hiểm y tế nào còn được giảm thuế?

Đó chính là các loại bảo hiểm về Răng cỏ (Zahnzusatzversicherung), bảo hiểm du lịch nước ngoài (Auslandskrankenversicherung), bảo hiểm tai nạn (Unfallversicherung), bảo hiểm mất sức lao động (Berufsunfähigkeitsversicherung)

Số 4, 6, 10 Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (Haftpflichtversicherung), bảo hiểm tai nạn (Unfallversicherung), và bảo hiểm luật (Rechtschutzversicherung)

Các loại bảo hiểm này phần lớn đều được khấu trừ thuế một phần theo dạng là „sonstigen Vorsorgeaufwendungen“ là chi phí đặc biệt.

Ngày nay càng nhiều anh chị làm Homeoffice, vì vậy các loại bảo hiểm này cũng được xét thêm khấu trừ thuế trong trường hợp mình sử dụng nó cho mục đích công việc.

Ví dụ: Unfall xảy ra khi mình làm Homeoffice, mình vướng chân vào máy in khi đang làm việc khiến máy tính rớt xuống là gãy xương chân. Vì vậy trong trường hợp này Unfallversicherung vốn cho privat thì cũng được khấu trừ thuế một phần do Homeoffice

Huong Luu

Lên đầu trang